Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Regina Coeli, Trưa Thứ Hai, 02.04.2018

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Theo một truyền thống rất tốt đẹp, thì thứ Hai sau Đại Lễ Phục Sinh được gọi là „thứ Hai Thiên Thần“. Điều này tương ứng với nhiều nguồn Kinh Thánh về sự phục sinh. Các Tin Mừng (xc. Mt 28,1-10; Mc 16,1-7; Lc 24,1-12) tường thuật lại rằng, một số phụ nữ đã đứng trước ngôi mộ trống khi các bà lên đường đi tới đấy. Trước đó các bà đã sợ rằng mình sẽ không thể vào được trong mồ vì cửa mồ đã bị bít lại bằng một phiến đá lớn. Nhưng thay vì như vậy, cửa mồ lại đã được mở tung; và từ trong mồ một giọng nói nói vọng ra với các bà rằng, Chúa Giê-su không còn đây nữa, nhưng đã phục sinh. Đó là lần đầu tiên những lời sau đây được nói tới: „Ngài đã phục sinh!

Các Tin Mừng thuật lại cho chúng ta biết rằng, lời công bố đầu tiên ấy được thực hiện bởi các Thiên Thần, tức bởi các sứ giả của Thiên Chúa. Sự hiện diện của các Thiên Thần là điều rất quan trọng: Khi một Thiên Thần – cụ thể là Thiên Thần Gabriel – đã công bố việc Ngôi Lời trở thành người, thì sẽ là điều không tương xứng nếu như lời công bố đầu tiên về sự phục sinh lại được thực hiện bởi một con người. Cần phải có một hữu thể cao hơn để công bố một thực tế gây chấn động và khó tin đến như thế mà có lẽ không một ai dám nói tới. Sau lời công bố đầu tiên này, cộng đoàn môn đệ mới bắt đầu lập lại: „Chúa đã chỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon“ (Lc 24,34). Lời công bố đó rất tuyệt vời. Giờ đây tất cả chúng ta đều có thể cùng nói: „Chúa đã sống lại thật rồi!“ Lời công bố đầu tiên – „Chúa đã sống lại thật rồi!“ – đòi hỏi một trí khôn cao hơn trí khôn nhân loại.

Hôm nay là một ngày Đại Lễ và cũng là ngày của sự gặp gỡ, mà theo thông lệ, ngày này sẽ được dành cho gia đình. Hôm nay là ngày của gia đình. Sau khi chúng ta đã cử hành Đại Lễ Phục Sinh, chúng ta cảm thấy có nhu cầu cần phải tái quy tụ lại với những người thân và với những bạn bè để cùng vui mừng. Vì tình huynh đệ chính là hoa trái phát xuất từ cuộc Vượt Qua của Chúa Ki-tô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài, trong khi tội lỗi lại là điều chia tách con người với Thiên Chúa, chia tách con người với chính mình, và chia tách con người với những người anh chị em của mình. Nhưng chúng ta biết rằng, tội lỗi luôn luôn gây chia rẽ, luôn luôn đưa đến thái độ thù địch.

Chúa Giê-su đã giật sập những bức tường chia rẽ giữa những con người, và Ngài đã tái lập hòa bình; Ngài đã bắt đầu dệt nên một mạng lưới của một tình huynh đệ mới. Trong thời đại hôm nay của chúng ta, việc tái khám phá ra tình huynh đệ giống như nó đã được sống trong cộng đoàn Ki-tô hữu nguyên thủy, là điều rất quan trọng.

Việc tái khám phá ra như thế có thể tạo ra một không gian, mà như Chúa Giê-su, không gian ấy không bao giờ chia tách, nhưng luôn luôn hiệp nhất. Nếu không có tình huynh đệ và không có sự sẻ chia thì không thể có sự hiệp thông đích thực, và cũng không thể có bổn phận phải xây dựng niềm hạnh phúc chung và kiến tạo sự công bằng xã hội. Nếu không có sự sẻ chia huynh muội, thì không thể có những cộng đoàn Giáo hội hay cộng đoàn dân sự: nhưng sẽ chỉ có một đám người theo cá nhân chủ nghĩa, tức những người được thôi thúc hay được gom lại bởi những mối quan tâm riêng. Tuy nhiên, tình huynh muội là một ân lộc do Chúa Giê-su tặng ban. Cuộc Vượt Qua của Chúa Ki-tô đã làm cho thế giới giải phóng ra một cái gì đó khác: sự mới mẻ của sự đối thoại và của mối tương quan, đó là một sự mới mẻ mà nó đã trở thành một trách nhiệm đối với các Ki-tô hữu. Vì Chúa Giê-su đã nói: „Dựa vào việc anh em yêu thương nhau mà mọi người sẽ nhận biết rằng, anh em là môn đệ của Thầy“ (Ga 13,35).

Từ lý do đó, chúng ta không thể tự giới hạn mình vào trong những phe nhóm riêng của mình, nhưng chúng ta được kêu gọi, hãy chăm lo cho niềm hạnh phúc chung, và cho những người anh chị em, đặc biệt là cho những người hèn yếu nhất, những người bị loại trừ nhiều nhất. Chỉ có tình huynh đệ mới có thể bảo đảm cho một nền hòa bình dài lâu, chỉ có nó mới có thể chiến thắng sự nghèo túng, chấm dứt những bất hòa và những cuộc chiến tranh, cũng như mới có thể khử trừ được sự tham nhũng và những tội ác khác. Vị Thiên Thần đã nói với chúng ta: „Chúa đã sống lại rồi!“, chính Ngài sẽ có thể giúp chúng ta sống tình huynh đệ cũng như sống sự mới mẻ của sự đối thoại và của sự tương quan, đồng thời, chăm lo cho niềm hạnh phúc chung.

Ước gì Đức Trinh Nữ Maria mà trong mùa Phục Sinh này, chúng ta kêu cầu Mẹ với tước hiệu Nữ Vương Thiên Đàng, sẽ hỗ trợ chúng ta bằng những lời nguyện cầu của Mẹ, để tình huynh đệ và sự hiệp thông mà chúng ta đang nếm trải trong những ngày đầu của mùa Phục Sinh này, sẽ có thể trở thành phong cách sống của chúng ta, và trở thành linh hồn của những những mối tương quan nơi chúng ta.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa thứ Hai sau Đại Lễ Phục Sinh

Ngày mồng 02 tháng 04 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

 

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 5, 2018