„Dân Bị Giáng Xuống Thành Bọn Lưu Manh“ – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 17.05.2018)

 

Trước đây dân đã từng tung hô Chúa Giê-su là Đấng cứu thế, nhưng rồi cũng chính dân ấy – bị những kẻ khác biến thành công cụ - lại đã đóng đinh Ngài vào Thập Giá trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Hiện tượng „tẩy não“ đó vẫn thường xuyên lập đi lập lại cho tới tận hôm nay nhờ vào chiến thuật vu khống và gây chia rẽ. Đức Thánh Cha đã cảnh báo như thế khi Ngài giảng trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican.

Trong bài giảng của mình, dựa vào Bài Tin Mừng trong ngày, Đức Thánh Cha đã giải thích rằng, có hai loại hiệp nhất: sự hiệp nhất đích thực, tức „sự hiệp nhất của ơn cứu độ“ mà Chúa Giê-su nói đến trong Tin Mừng (Ga 17,20-26), và sự hiệp nhất „giả hình“. Như trong Bài Đọc I, sự hiệp nhất giả hình đã biểu lộ nơi phiên tòa xét xử Thánh Phao-lô. „Ngay từ đầu người ta đã thực hiện một mặt trận chung để chống lại Ngài. Nhưng Thánh Phao-lô rất ranh mãnh, Ngài có sự ranh mãnh của Chúa Thánh Thần“ – Đức Thánh Cha giải thích. Ngài đã biết là mình có thể „gây chia rẽ“ các viên quan tòa của Ngài – tức những người Sa-đu-sê và những người Pha-ri-siêu – như thế nào.

Thánh Nhân hô lên trước phiên tòa rằng: „Vì niềm hy vọng vào việc kẻ chết sẽ sống lại, nên tôi bị điệu ra trước tòa“. Nói chung, những người Sa-đu-sê không tin vào sự phục sinh, họ cũng chẳng tin rằng có các Thiên Thần hay ma quỷ, nhưng trái lại, người Pha-ri-siêu thì tin vào những điều đó“. Thế là các thẩm phán của phiên tòa bất đồng với nhau. Trước thì phiên tòa này được mở ra để kết án Phao-lô, nhưng giờ đây đã bị tan vỡ - Đức Thánh Cha giải thích tiếp.

Khi dân trở thành bọn lưu manh

 Trái lại, trong những cuộc bách hại khác mà Thánh Phao-lô phải trải qua thì người ta có thể thấy rằng, dân đã bị kích động chống lại Ngài, và họ hoàn toàn không biết tại sao họ lại đi tới chỗ bị những kẻ cầm quyền biến thành công cụ như vậy.

Việc dân bị biến thành công cụ như thế cũng khiến dân bị coi thường, vì dân ở đây đã bị giáng cấp thành bọn lưu manh. Đó là một hiện tượng, mà hiện tượng này vẫn thường xuyên lập đi lập lại kể từ ban đầu cho tới tận thời đại chúng ta ngày nay“ – Đức Thánh Cha giảng giải. „Chúng ta chỉ cần nghĩ tới ngày Chúa Nhật Lễ Lá: tất cả đều tung hô Chúa Giê-su rằng, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Nhưng vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh thì chính đám quần chúng đó lại thét lên: Đóng đanh nó vào Thập Giá! Điều gì đã xảy ra? Người ta đã tẩy não đám quần chúng đó, đã biến dân chúng thành một đám ma cô chỉ còn biết phá hoại!

Vu khống để kết án: một phương pháp vẫn còn khá phổ biến trong thời đại hôm nay

Để có thể kết án một người nào đó – Đức Thánh Cha nói  - trước hết người ta phải thực hiện „một mặt trận chung“. Và khi mục đích chung đã được đạt tới, thì đường ai người ấy đi. Người ta đã thực hiện đúng hệt như thế trong vụ án của Chúa Giê-su, hay của Thánh Phao-lô, của Thánh Stê-pha-nô, của tất cả các vị Tử Đạo và của mọi cuộc bách hại khác. Và ngay trong thời đại hôm nay, người ta cũng vẫn còn đang thực hiện như vậy – Đức Thánh Cha chia sẻ.

Điều gì sẽ xảy ra trong xã hội, trong chính trị khi người ta lên kế hoạch cho một cuộc đảo chính? Các phương tiện truyền thông bắt đầu bôi nhọ một người nào đó, bôi nhọ một người lãnh đạo; họ bị vu không và bôi nhọ một cách không thương tiếc“ – Đức Thánh Cha giải thích. „Sau đó ngành tư pháp sẽ tham gia: người ta kết án họ, và người ta có được cuộc đảo chính của mình!

Hãy cẩn thận trước sự phê bình có tính hủy hoại trong các cộng đoàn Giáo xứ!

Tiếc rằng, vòng xoắn của sự vu khống ấy lại đang diễn ra khắp nơi – Đức Thánh Cha than phiền:

Nó cũng xảy ra giống hệt như thế trong các nhóm nhỏ cũng như trong các cộng đoàn Giáo xứ chúng ta: Khi hai hoặc ba người bắt đầu chê bai về một người khác, bôi nhọ người ấy… Họ sẽ thực hiện một mặt trận chung để họ có thể lên án ông ta; trong sự đoàn kết giả hình của họ, họ cảm thấy an tâm và kết án ông ta. Trong đầu của họ, họ đã kết án ông ta từ lâu rồi… Sau đó mỗi người lại đi theo đường của mình… Và rồi người này lại bôi nhọ người kia, vì giờ đây họ đã bị tách ra.“ Điều đó – Đức Thánh Cha giải thích – cho thấy rằng, sự vu khống chính là một hành vi đem đến sự chết chóc, một hành vi hủy hoại, gây thiệt hại cho thanh danh người khác cách có chủ ý: „Sự vu khống để hủy hoại thanh danh người khác“.

Đi theo con đường hiệp nhất đích thực

Ngồi lê mách lẻo cũng là một vũ khí mà họ đã sử dụng để chống lại Chúa Giê-su: Trước tiên, họ làm cho Ngài bị mất uy tín… Và khi nào điều đó được thực hiện thì lúc đó Ngài sẽ bị giết“ – Đức Thánh Cha giãi bày:

Chúng ta chỉ cần nghĩ tới ơn gọi vĩ đại mà nó đã được xác định cho chúng ta: Sự hiệp nhất với Chúa Giê-su và với Thiên Chúa Cha! Chúng ta phải đi trên chính con đường đó; Những người nam và những người nữ hiệp nhất với nhau và không ngừng cố gắng để tiến về phía trước trên con đường hiệp nhất. Đừng đem đến sự hiệp nhất giả hình, tức sự hiệp nhất không có thực thể, chỉ có nhiệm vụ thực hiện một mặt trận chung nhằm chống lại người khác để kết án họ; Đừng tạo ra sự hiệp nhất mà nó đại diện cho những mối quan tâm, và những mối quan tâm ấy không phải là của chung chúng ta, nhưng đó là những mối quan tâm của ông hoàng thế gian này, tức kẻ hủy hoại. Ước gì Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn biết luôn luôn đi trên con đường hiệp nhất đích thực!

 

(theo vaticannews.va - 17 Mai 2018, 13:13)

 

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 5, 2018