Một Ki-tô Đích Thực Sẽ Say Mến Chúa Giê-su

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 09.10.2018)

 

Bài Tin Mừng trong ngày thứ Ba vừa qua nói về hai phụ nữ. Và trong Thánh Lễ được cử hành vào lúc sáng sớm cùng ngày tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng về mẫu gương của hai người phụ nữ đó. Đối với Ngài, người ta nên sống „với tư cách là người được Thiên Chúa yêu thương“.

Hai người phụ nữ nói trên là Mác-ta và Maria, đứng trong trung tâm điểm của bài Tin Mừng (Lc 10,38-42) hôm nay. Hai người phụ nữ này dậy cho chúng ta biết nên trình bày đời sống Ki-tô giáo như thế nào – Đức Thánh Cha giảng giải. Ngài giải thích tiếp rằng, hai người phụ nữ được Kinh Thánh thuật lại này mời gọi con người ngày nay hãy suy nghĩ kỹ cả về cách thức làm việc lẫn về thời gian mà người ta dành ra để cầu nguyện.

Phương cách để không phạm phải những lỗi lầm trong cuộc sống với tư cách là những người Ki-tô hữu, chính là việc „say đắm Thiên Chúa“, và để cho mình được Ngài gây hứng trong lúc hành động với tư cách là con người. Ngay cả Thánh Phao-lô Tông Đồ cũng đã từng thực hiện điều đó như Ngài đã trình bày trong thư gửi tín hữu Ga-lát (Gl 1,13-14). Đó là một sự giữ thăng bằng giữa „cầu nguyện và phục vụ“, đó là hai yếu tố mà bài Tin Mừng trong ngày theo thánh Lu-ca đã trình bày rất rõ. Hai người phụ nữ Mác-ta và Maria là hai người chị của La-gia-rô thành Bethania mà Chúa Giê-su đã đến làm khách tại nhà họ.

Hướng nhìn lên Chúa

Hai người chị em trên đã biểu lộ đời sống Ki-tô giáo qua cách thức hành động của mình – Đức Thánh Cha giải thích. Maria đã „lắng nghe Lời Chúa“, trong khi Mác-ta lại đi theo „hướng khác“, vì bà „bận rộn với công việc nội trợ“. Nhưng Mác-ta lại là một trong những phụ nữ „mạnh mẽ“ mà Kinh Thánh nói tới – Đức Thánh Cha chia sẻ - vì bà đã can đảm lên đường „để trách móc Chúa Giê-su rằng, tại sao lúc La-gia-rô, em trai của bà, qua đời, Ngài lại không có mặt?“. Bà biết cách để „tiến về phía trước như thế nào“, nhưng bà lại không ở trong tình trạng „dành thời gian để chiêm ngưỡng Chúa“ – và đó là điều không phải lúc nào cũng tốt:

Có nhiều Ki-tô hữu đi Lễ Chúa Nhật hằng tuần, nhưng sau đó lại luôn bận rộn. Họ không có thời gian cho con cái mình, không một lần ngồi chơi với con cái: đó là điều tồi tệ. ´Tôi quá bận, tôi rất bận …` Và cuối cùng họ trở thành những tín đồi của tôi giáo kinh doanh: Họ thuộc về nhóm những doanh nhân, những người này luôn luôn phải làm một cái gì đó vì tiền… Nhưng hãy chấm dứt điều đó, hãy chiêm ngưỡng Chúa, hãy cầm lấy cuốn Tin Mừng lên và hãy lắng nghe Lời Chúa, hãy mở con tim của bạn ra… Không: luôn luôn là ngôn ngữ của đôi tay, luôn luôn… Và họ làm điều thiện, nhưng lại không phải là điều thiện Ki-tô giáo mà chỉ là sự thiện của con người. Họ thiếu sự chiêm niệm. Mác-ta đã bỏ lỡ điều đó. Bà đã can đảm để không ngừng bước tới, bà mang nhiều đồ trên tay nhưng bà lại thiếu bình an, vì bà đã không dành thời gian để chiêm ngưỡng Chúa.

Maria thì khác: Bà không phải là một người chẳng đảm nhận bất cứ công việc gì – Đức Thánh Cha nhận xét. Bà „ngắm nhìn Chúa“, vì Ngài đụng chạm tới con tim, và từ đó, tức từ sự linh hứng mà con tim nhận được, một công việc „cần phải được thực hiện“ đã phát sinh, như Thánh Biển Đức đã từng nói với khẩu hiệu sau: „Ora et labora – Cầu nguyện và lao động“, và khẩu hiệu này đã được thể hiện trong đời sống của các nam nữ Đan Sĩ. Nhưng chắc chắn là người ta sẽ không phải „nhìn lên trời cả ngày“ – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Vấn đề đặc biệt nằm ở chỗ là „chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô, mà mầu nhiệm ấy đã được mạc khải cho con người“, cả trong cầu nguyện lẫn trong công việc hằng ngày, như Thánh Phao-lô đã mô tả.

Tất cả những gì Thánh Phao-lô thực hiện đều diễn ra trong tinh thần chiêm niệm, trong sự nhìn ngắm Thiên Chúa. Thiên Chúa nói từ trong con tim của Ngài, vì Thánh Phao-lô là người yêu mến Thiên Chúa hơn tất cả mọi thứ khác. Và đó là chìa khóa để không gây ra những điều sai quấy: Trở thành người yêu thương. Để biết được chúng ta đang đứng về phía nào, liệu có phải là chúng ta đang thái quá khi bước vào trong sự chiêm niệm trừu tượng, thậm trí là chủ trương duy tri không, hay liệu có phải là chúng ta đang quá bận rộn không? Chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi cho mình: Tôi có say đắm Thiên Chúa không? Tôi có chắc chắn, có chắc chắn rằng, Ngài đã chọn tôi, Ngài đã tuyển chọn tôi không? Hay tôi lại đang sống đời Ki-tô giáo của mình theo một cách thức mà với nó, tôi làm một số những điều… Vâng, tôi làm cái này, tôi làm cái kia, nhưng liệu tôi có thấy điều cốt lõi không? Tôi có suy nghĩ gì không?

Vấn đề giống như một người chồng đi về nhà sau giờ làm việc, và thấy vợ mình chạy ra chào đón với tất cả sự đôn hậu: nếu bà thực sự yêu chồng thì bà sẽ không chỉ làm cho chồng mình được cảm thấy khoan khoái, và sau đó lại tiếp tục thực hiện những công việc của mình trong nhà, nhưng „bà còn dành thời gian để ở bên chồng mình nữa“. Các tín hữu cũng nên „dành thời gian cho Chúa trong khi phục vụ những người khác“ như thế:

Cầu nguyện và phục vụ: Đó là cách sống của chúng ta. Mỗi người trong chúng ta hãy nghĩ xem: Tôi dành ra bao nhiêu thời gian mỗi ngày để chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Giê-su? Và rồi: Tôi đang làm việc như thế nào? Liệu có phải là tôi đang làm việc quá mức đến độ trở nên lạnh lùng hay không, hay tôi đang làm việc trong sự hòa hợp với Đức Tin của mình, làm việc với tư cách là một sự phục vụ đến từ Tin Mừng? Sẽ rất tốt cho chúng ta nếu suy nghĩ về những điều ấy!“

 

(theo vatican news – 09.10.2018, 11:31)

 

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 10, 2018