Lô-gích Của Tin Mừng Hoàn Toàn Trái Ngược Với Lô-gích Của Thế Gian

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 08.11.2018)

 

Trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican, Đức Thánh Cha đã cảnh báo trước thói buôn điều đặt chuyện: giữa các đồng nghiệp, trong các gia đình, trong xứ đạo, trong Giáo phận, và đặc biệt là trong hoạt động chính trị. Lô-gích của Tin Mừng hoàn toàn trái ngược với lô-gích của thế gian.

Chứng tá, buôn điều đặt chuyện và đặt câu hỏi, đó là ba cụm từ được Đức Thánh Cha nhắc tới thường xuyên trong bài giảng của Ngài. Dựa vào bài Tin Mừng trong ngày (Lc 15,1-10) mà bài Tin Mừng này bắt đầu với chứng tá của Chúa Giê-su, Đức Thánh Cha giải thích rằng, những người thu thuế và các tội nhân đã đến gần Chúa Giê-su để nghe Ngài giảng. Và rồi Chúa Giê-su đã đồng bàn với những con người tội lỗi ấy, và điều đó đã khiến cho các Luật Sĩ và những người Pha-ri-siêu phải tức giận, vì thế họ đã đơm điều đặt chuyện cho Ngài.

Chứng tá làm cho cộng đoàn phát triển

Chứng tá của Chúa Giê-su trổi vượt trên tất cả mọi chứng tá khác: „Một cái gì đó mới mẻ đối với thời điểm ấy“ – Đức Thánh Cha giải thích -, „vì việc đi đến với các tội nhân sẽ làm cho bạn trở nên ô uế giống như sờ vào một người bị phong cùi vậy“. Vì thế những người Pha-ri-siêu đã tránh xa họ. Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng, „việc làm chứng chưa bao giờ là một điều gì đó dễ dàng và thoải mái trong lịch sử, kể cả đối với các chứng nhân – họ thường phải trả giá bằng chính cái chết Tử Đạo của mình – lẫn những kẻ có thế lực.

Làm chứng có nghĩa là từ bỏ một thói quen, một tính cách – từ bỏ để trở nên tốt hơn, để thay đổi. Nhờ thế, Giáo hội sẽ tiến về phía trước với gương mẫu của mình. Điều gây ra sự cuốn hút, chính là chứng tá, không phải những lời nói sẽ giúp đỡ, nhưng là gương sáng, nó làm cho Giáo hội trở nên hấp dẫn cũng như làm cho Giáo hội được phát triển. Và Chúa Giê-su đã làm chứng. Đó là một cái gì đó mới mẻ, nhưng lại không phải là điều quá mới, vì Lòng Nhân Hậu của Thiên Chúa cũng đã được biểu lộ ngay trong Cựu Ước rồi. Những tiến sĩ Luật và những chuyên viên Luật sẽ không bao giờ hiểu được điều này thực sự có nghĩa là gì: ´Ta muốn Lòng Nhân Hậu chứ không cần hy tế`. Họ đọc thấy thế nhưng họ không hiểu được Lòng Nhân Hậu ấy có nghĩa là gì. Và bằng những cách thức hành động của mình, Chúa Giê-su cũng đã công bố Lòng Nhân Hậu ấy thông qua chứng tá của Ngài.“ Chứng tá – Đức Thánh Cha khẳng định -, „luôn luôn đoạn tuyệt với một thói quen“ và „cũng đặt bạn trước một rủi ro“.

Khi một chính quyền thiếu trung thực, họ sẽ cố gắng bôi nhọ đối thủ của mình bằng việc đơm điều đặt chuyện, bằng sự vu khống và tố cáo

Trong thực tế, chứng tá của Chúa Giê-su luôn luôn khiêu khích sự đặt chuyện và sự dèm pha. Những người Pha-ri-siêu, những Luật Sĩ và các tiến sĩ Luật nói: „Ông ta tiếp đón những kẻ tội lỗi và ăn uống với họ“, chứ họ không nói: „Nhìn kìa, người này đang cố gắng làm một điều tốt lành, ông ta đang cố gắng hoán cải các tội nhân“ – Đức Thánh Cha giảng giải. Sự dèm pha là một thái độ mà nó hệ tại ở chỗ „luôn luôn khiến người ta nhận ra một điều tiêu cực để hủy hoại việc làm chứng“ – Đức Thánh Cha khẳng định. Thứ tội „đơm điều đặt chuyện ấy“ diễn ra hằng ngày cả trong những điều nhỏ lẫn những điều lớn, bởi trong cuộc sống của mình, chúng ta chỉ thích càm ràm và dèm pha, „do chúng ta không thích người này hay người kia“, thay vì nói chuyện với nhau. Thay vì cố gắng „giải quyết tình trạng xung đột, chúng ta lại ngấm ngầm dèm pha, luôn luôn với những tiếng thì thầm, vì chúng ta thiếu can đảm để nói rõ vấn đề.“

Điều đó cũng được áp dụng cho những cộng đoàn và những Giáo xứ nhỏ: „Biết bao nhiêu là những cuộc ngồi lê mách lẻo trong các Giáo xứ, về rất nhiều vấn đề!“ – Đức Thánh Cha than phiền. Chẳng hạn „như khi có một ý kiến, hay một người mà tôi không thích, thì sự đơm điều đặt chuyện sẽ bùng lên ngay lập tức“. Vấn đề cũng giống hệt như thế trong các Giáo phận hay giữa các Giáo phận với nhau, đặc biệt là trong hoạt động chính trị.

Trong Thánh Lễ nói trên cũng có sự tham dự của nhiều Giám mục đến từ Rumanie và Moldawie, các Ngài đang thực hiện chuyến viếng thăm Ad Limina tại Rô-ma. „Khi một chính quyền không trung thực thì họ sẽ cố gắng bôi nhọ đối thủ bằng việc đơm điều đặt chuyện, bằng vu khống, bằng tố cáo – họ sẽ thử từ từ. Và anh em biết rất rõ về những chính quyền độc tài của mình, vì anh em đã phải chứng kiến những chính phủ ấy. Một chính quyền độc tài sẽ làm gì? Trước tiên, họ sẽ khống chế giới truyền thông bằng một khoản luật, và bắt đầu dùng truyền thông để than phiền và làm mất uy tín tất cả những ai mà họ cho là nguy hiểm đối với họ. Vô hình trung, việc cằn nhằn lại trở thành lương thực hằng ngày của chúng ta, cả trên bình diện cá nhân, gia đình, cộng đoàn hay Giáo phận, lẫn trên bình diện xã hội…

Chúa Giê-su đặt ra những câu hỏi

Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm rằng, vấn đề ở đây là „một sự trốn tránh để không phải đối diện với thực tế, cũng như nhằm ngăn cản không cho người khác được suy nghĩ.“ Chúa Giê-su biết điều đó, nhưng Ngài tốt lành, và „thay vì kết án họ vì chuyện họ cằn nhằn“, thì Ngài đã đặt ra cho họ một câu hỏi. „Ngài đã sử dụng chính phương pháp mà họ đã sử dụng“, cụ thể là đặt ra những thắc mắc. Họ làm điều đó để thử Chúa Giê-su, „với chủ đích xấu nhằm đưa Ngài vào bẫy“: chẳng hạn như với thắc mắc về việc đóng thuế mà người ta phải đóng cho đế quốc, hay về việc rẫy bỏ vợ. Chúa Giê-su đã sử dụng ngay phương pháp đó, nhưng có sự khác biệt. Chúa Giê-su nói với họ: „Nếu các ông có một trăm con chiên, mà lại mất một con, thì thử hỏi ai trong các ông không bỏ 99 con kia lại trong sa mạc để đi tìm con chiên lạc đó cho tới khi thấy được nó?“ – như bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta.

Chúng ta chấp nhận mất mát cái này để cứu những cái khác“ – lô-gích của những người Pha-ri-siêu là như thế. Đó là lô-gích của các Luật Sĩ – Đức Thánh Cha khẳng định. Nhưng người Pha-ri-siêu không đến với những người tội lỗi, và cũng chẳng đến với những người thu thuế, vì họ nghĩ: „Tốt hơn là đừng dây với những hạng người ấy, đó là một sự rủi ro. Chúng ta cứ chơi với nhau là được rồi“. Chúa Giê-su thật khôn ngoan trong cách đặt câu hỏi của Ngài – Đức Thánh Cha chia sẻ. „Ngài khởi đi từ câu hỏi có tính vặn vọ của những người Pha-ri-siêu, nhưng Ngài đưa họ vào một vị trí khác. ´Ai trong các ông?` Và không ai trả lời: ´Vâng, đúng là như thế`, nhưng tất cả đều nói: ´Không, không, tôi sẽ không làm như vậy.` Và vì thế, họ không sẵn sàng tha thứ, cũng không chịu trở nên nhân hậu, và cũng chẳng chịu đón nhận.

Lô-gích của Tin Mừng hoàn toàn trái ngược với lô-gích của thế gian

Trước khi kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha đã nhắc lại ba cụm từ mà chúng xuyên suốt bài giảng của Ngài: Chứng tá làm cho Giáo hội phát triển, sự đơm điều đặt chuyện, nó “giống như người canh gác trong lòng tôi, để chứng tá của người khác không thể gây thiệt hại gì cho tôi”, và câu hỏi của Chúa Giê-su. Đức Thánh Cha cũng nhắc tới một cụm từ khác: niềm vui và việc ăn mừng mà những người Pha-ri-siêu không hề biết tới: “Tất cả những ai đi theo con đường của các Luật Sĩ đều không biết gì tới niềm vui Tin Mừng” – Đức Thánh Cha quả quyết. “Ước gì Thiên Chúa giúp chúng ta hiểu được rằng, lô-gích ấy của Tin Mừng hoàn toàn trái ngược với lô-gích của thế gian.”

 

(theo vatican news – hoe - 08 November 2018, 12:47)

 

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 11, 2018