Độ Chiếu Sáng Của Người Ki-tô Hữu Chính Là Sự An Ủi

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 11.12.2018)

 

Một Ki-tô hữu đích thực sẽ luôn luôn cảm thấy mình được an ủi – ngay cả trong những thời thử thách. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Thái độ căn bản và tích cực ấy làm cho chúng ta phát tỏa niềm vui, mà niềm vui ấy đối nghịch với chủ nghĩa yếm thế thiêng liêng – Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

Bài Đọc I được trích từ sách Ngôn Sứ Isaia (Is 40,1-11) đã hình thành nên điểm khởi phát cho bài giảng hôm nay của Đức Thánh Cha: một lời mời gọi an ủi. „Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta, Thiên Chúa các ngươi phán“ – Đức Thánh Cha trích dẫn lời sách An Ủi. Cuốn sách này đã tường thuật lại lời yêu cầu các Ngôn Sứ hãy an ủi Dân đang bị lưu đầy tại Babylon, vì „món nợ của dân đã được hoàn trả“. Nhiều người và nhiều dân nước đã qua đi, nhưng Lời Chúa vẫn tồn tại. Đó là niềm an ủi của ơn cứu độ, tin mừng về ơn cứu độ của chúng ta – Đức Thánh Cha giải thích.

Đừng bế quan tỏa cảng trước sự an ủi của Thiên Chúa

Trong 40 ngày sau khi Phục Sinh, Chúa Giê-su cũng đã thực hiện chính điều đó: Ngài đã an ủi các môn đệ. Nhưng chúng ta lại thường bế quan tỏa cảng trước sự an ủi của Thiên Chúa biết dường nào, làm như thể chúng ta đang được an toàn trong những chiếc ao hồ đầy sóng ngầm vì những vấn để của chúng ta vậy: „Chúng ta ôm chặt trong mình những nỗi tuyệt vọng, những vấn đề và những thất bại, trong khi Thiên Chúa đang cố gắng hết sức để an ủi chúng ta. Chúng ta tự phong tỏa mình trước niềm an ủi của Ngài. Người ta cũng thấy điều đó nơi các môn đệ vào sáng ngày Phục Sinh. Họ muốn sờ thấy được rằng mình đang hoàn toàn chắc chắn, vì họ sợ hãi trước sự thất bại.

Sự trìu mến: đó là một từ mà thế giới ngày nay đã gạch bỏ khỏi kho từ vựng

Và chủ nghĩa yếm thế thiêng liêng ấy đã bén rễ sâu trong chúng ta – Đức Thánh Cha cảnh báo.

Nhưng Thiên Chúa sẽ an ủi thế nào? Thưa, bằng sự trìu mến. Đó là một từ mà các Ngôn Sứ bất hạnh đã không hề biết tới: đó là một từ mà những thói xấu, tức những điều đang đẩy chúng ta ra xa Thiên Chúa, đã không hề biết tới. Đó là những thói xấu thiêng liêng, những thới xấu của những Ki-tô hữu đã không giữ được tinh thần hăng hái: những Ki-tô hữu hâm hâm dở dở… Sự trìu mến làm cho người ta sợ! Nhưng này, Chúa Giê-su đã mang đến giải quán quân: Tất cả những gì Ngài đã giành được đều diễn ra trước mặt Ngài. Giống như một mục tử, Ngài dẫn đàn chiên của mình tới cánh đồng cỏ, Ngài tập hợp chúng lại bằng cánh tay mạnh mẽ. Đối với những chiên con thì Ngài ôm chúng trên tay, còn đối với những chiên mẹ thì Ngài dẫn dắt cách tận tình“ – Đức Thánh Cha trích dẫn những lời của sách Ngôn Sứ Isaia. „Và Thiên Chúa an ủi như thế nào? Thưa, với sự trìu mến. Sự trìu mến sẽ trấn an vỗ về. Một người mẹ sẽ an ủi vỗ về con mình bằng sự trìu mến: Nếu nó khóc, bà sẽ vuốt ve mơn trớn nó. Nhưng thế giới của chúng ta thì lại đang gạch bỏ từ này – sự trìu mến – ra khỏi kho từ vựng“ – Đức Thánh Cha chia sẻ.

Niềm vui sẽ không bỏ rơi các Ki-tô hữu ngay cả trong khoảnh khắc Tử Đạo…

Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy để cho mình được an ủi bởi Ngài, và điều đó cũng phải trở thành kim chỉ nam cho chúng ta trong thời gian trước Lễ Giáng Sinh. „Thái độ căn bản của người Ki-tô hữu phải là sự an ủi, ngay cả trong thời thử thách“ – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. „Các vị Tử Đạo đã hát khi bước vào Cô-lô-sê-um. Các vị Tử Đạo ngày nay – các công nhân Cốp-tít đã bị hành quyết bên bờ biển Libia – đã nhắc lại những Lời của Chúa Giê-su khi bị hành quyết… Có một niềm an ủi phát triển từ trong lòng chúng ta; cũng có một niềm vui không bao giờ bỏ rơi chúng ta ngay cả trong khoảnh khắc Tử Đạo. Một Ki-tô hữu phải cảm thấy mình được an ủi, luôn luôn – và đó không phải là một điều giống như chủ nghĩa lạc quan, không: chủ nghĩa lạc quan là một điều khác hoàn toàn. Nhưng sự an ủi, thái độ căn bản và tích cực ấy chính là điều làm cho một người tích cực được nổi bật lên: sự tích cực, độ sáng của người Ki-tô hữu chính là niềm an ủi.“

Trước khi kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha còn đưa ra một vài suy tư hữu ích khác để giúp chuẩn bị tốt cho Đại Lễ Giáng Sinh:

Trong khi chuẩn bị, chúng ta hãy tập chú vào sự bình an: Sự bình an trong tâm hồn, sự bình an phát xuất từ sự hiện diện của Thiên Chúa, sự bình an mà niềm trìu mến của Ngài trao tặng chúng ta. ´Nhưng con là người rất tội lỗi…`, người ta có thể cãi lại. Đúng vậy, nhưng bài Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta điều gì? Thưa nói rằng, Thiên Chúa ban niềm an ủi giống như người mục tử tìm kiếm chiên của mình khi chúng bị thất lạc; giống như người có 100 con chiên, nhưng dẫu chỉ bị thất lạc có một con duy nhất thôi, thì ông cũng vẫn lên đường để tìm cho được con chiên ấy. Thiên Chúa đang làm hệt như thế với từng người một trong chúng ta! Và ngay cả khi chúng ta nói: tôi không muốn bình an, tôi không muốn được an ủi… thì dẫu vậy mặc lòng, Ngài vẫn đứng trước cửa nhà chúng ta. Ngài gõ cửa để chúng ta mở con tim mình ra cho Ngài an ủi chúng ta, để được nghỉ ngơi hồi sức. Và Ngài thực hiện điều đó cách dịu dàng, với sự trìu mến…

 

(theo vatican news – 11.12.2018, 12:51)

 

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 12, 2018