„Tất Cả Chúng Ta Đều Có Khả Năng Chữa Lành Lẫn Cho Nhau

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 07.02.2019)

 

Mỗi người trong chúng ta đều cần được chữa khỏi những căn bệnh tinh thần, và mỗi người chúng ta đều có khả năng chữa lành cho người khác, bằng một lời nói, một ánh mắt, hay đơn giản chỉ bằng một lời khuyên vào đúng thời điểm: „Đó là một cộng đoàn Ki-tô hữu“ – Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican.

Như thường lệ, bài giảng hôm nay của Ngài cũng được khởi đi từ bài Tin Mừng trong ngày (Mc 6,7-13). Trong đó, Thánh sử Mác-cô tường thuật lại cho biết Chúa Giê-su đã sai các môn đệ của Ngài đi để chữa trị các thần ô uế như thế nào.

Sự chữa lành trước tiên chính là sự hoán cải, cụ thể là mở tâm hồn ra để Lời Chúa có thể bước vào. Hoán cải có nghĩa là, nhìn về phía người khác. Và điều đó mở con tim ra, làm cho nó thấy được những vấn đề của người khác. Nhưng nếu con tim bị đóng lại, nó sẽ không thể được chữa lành“ – Đức Thánh Cha giải thích. Ngài đã đưa ra một ví dụ về một bệnh nhân mà vì ngang ngược, ông ta đã không đến với bác sĩ và do đó cũng không thể được chữa lành. „Ngay cả khi các Ki-tô hữu chúng ta làm rất nhiều điều tốt đi nữa, nhưng nếu con tim bị đóng kín, thì rồi tất cả những điều mà chúng ta làm cũng đều chỉ là vẻ bên ngoài.

Cần tới sự uy tín

Và rồi - Đức Thánh Cha giải thích tiếp -, tất cả sẽ được rửa sạch với cơn mưa rào đầu tiên. Nhưng để kêu gọi con người hoán cải, thì cần tới sự uy tín. Trong Tin Mừng, điều này được mô tả thông qua sự chỉ dẫn mà Chúa Giê-su dành cho các môn đệ của Ngài: trong cuộc hành trình truyền giáo của mình, họ không được phép mang theo bất cứ điều gì ngoài một „cây gậy“, không lương thực, không bao bị, không tiền dắt lưng, nếu ở nơi nào họ không được tiếp đón – „hãy dũ bụi lại và bỏ đi nơi khác“, trong thái độ khiêm tốn và hiền từ, vì – Đức Thánh Cha giải thích – „đó là thái độ của một vị Tông Đồ“: khó nghèo, khiêm tốn và hiền lành.

Nếu một vị Tông Đồ, một nhà Thừa Sai, một người trong chúng ta - ở đây chúng ta đang có nhiều Thừa Sai – coi mình tốt hơn người khác hay chỉ hành động theo mối quan tâm riêng của mình, hay – cha không biết – chỉ muốn thực hiện bước đường công danh trong Giáo hội, thì rồi người ấy sẽ không chữa lành được cho ai, và điều đó khiến ông không thể thành công trong việc mở con tim của bất kỳ người nào ra, vì những lời nói của người ấy không có uy tín. Người môn đệ sẽ có được uy tín nếu như biết đi theo những bước chân của Chúa Ki-tô.

Nhưng những bước chân của Chúa Ki-tô là gì? – Đức Thánh Cha hỏi, và tự Ngài liệt kê ra: „Nghèo khó, từ Thiên Chúa, Ngài đã trở thành con người! Ngài đã trao hiến chính mình! Ngài đã từ bỏ chính mình! Sự khó nghèo mà nó dẫn tới sự hiền lành và khiêm nhu. Và với thái độ khó nghèo, khiêm nhu và hiền lành ấy, một vị Tông Đồ sẽ có được uy tín để nói: ´Anh chị em hãy hoán cải`, để mở những con tim ra.

Và sau khi kêu gọi mọi người hoán cải, các vị Thừa Sai cũng đã trừ được rất nhiều quỷ - vì các Ngài có úy tín để làm điều đó nhờ vào thái độ riêng và sự vô vị lợi của mình – Đức Thánh Cha nhấn mạnh , vì trong trường hợp khác, thì đó là „thái độ có uy tín“, chứ không phải là „sự uy tín“.

Xức dầu bệnh nhân với tư cách là sự âu yếm của Thiên Chúa

Sau cùng, bài Tin Mừng trong ngày kể lại rằng, các Tông Đồ đã „xức dầu cho nhiều bệnh nhân và chữa lành họ“. Xức dầu cho bệnh nhân chính là một sự âu yếm của Thiên Chúa – Đức Thánh Cha giải thích – và các Tông Đồ cũng phải học để làm điều đó. Tuyệt nhiên, khả năng chữa lành không chỉ nằm ở nơi các Linh mục hay Giám mục – Đức Thánh Cha nhấn mạnh -, vì „mỗi người chúng ta“ đều có thể chữa lành cho những người anh chị em của mình, „bằng một lời khích lệ, bằng sự nhẫn nại, bằng một lời khuyên được đưa ra đúng thời điểm, hay bằng ánh mắt.

Mỗi người trong chúng ta đều phải được chữa lành, mỗi người, vì tất cả chúng ta đều mang những căn bệnh tinh thần trong mình. Tuy nhiên, chính chúng ta cũng có khả năng chữa lành người khác, nhưng với cách thức và thái độ đó. Ước gì Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn chữa lành như Ngài đã chữa lành: bằng sự hiền lành, khiêm nhu cũng như khả năng chống lại tội lỗi và ma quỷ, và ơn tiến về phía trước trong công việc ´thủ công` tuyệt vời ấy, để chữa lành cho nhau. Đó là một cộng đoàn Ki-tô hữu.

 

(theo vatican news – 07.02.2019, 11:52)

 

Đa-minh Thiệu