ĐTC Phanxicô và Giáo triều Rôma bắt đầu Khóa Tĩnh Tâm 2019: Chăm lo cho tâm hồn để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa

(dcctvn.org) Thứ Ba, 12-03-2019

Bài chia sẻ suy niệm đầu tiên của Viện Phụ Đan Viện Biển Đức, Linh mục Abbot Bernardo Francesco Maria Gianni, cho ĐTC Phanxicô và 65 cộng tác viên tham dự khóa tĩnh tâm thường niên của họ, nói về sự cần thiết phải nhìn thế giới với con mắt của Chúa Kitô.

ĐTC Phanxicô và 65 cộng sự viên của Ngài thuộc Giáo triều Rôma đã bắt đầu khóa tĩnh tâm thường niên vào tối hôm Chúa nhật 10/3 tại Trung tâm “Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) nằm ở thị trấn Arricia, ngay bên ngoài Roma.

Viện Phụ Bernardo Francesco Maria Gianni, Đan Viện Trưởng Đan Viện San Miniato al Monte, phụ trách việc thuyết giảng khóa tĩnh tâm từ ngày 10-15 tháng 3 về chủ đề: “Thành phố của những khát khao mãnh liệt: Để có được những cái nhìn và cử chỉ Vượt Qua trong cuộc sống của thế giới”.

ĐTC Phanxicô ngồi hàng thứ 4 trong buổi tĩnh tâm tối hôm Chúa nhật để lắng nghe bài chia sẻ suy niệm đầu tiên của Cha Gianni về một bài thơ được sáng tác vào năm 1997 của thi sĩ người Ý Mario Luzi có tựa đề: “Chúng ta ở đây vì điều này”. Bài chia sẻ suy niệm của Đức Viện Phụ bắt đầu từ viễn cảnh của Đan viện hướng nhìn ra thành phố Florence của Ý, mà thị trưởng Giorgio La Pira, một thị trưởng thánh thiện của Florence sau Thế chiến II, giờ đây đã được tuyên phong lên bậc “Đấng Đáng Kính” đang trong tiến trình tuyên Thánh, đã mô tả như là “một nơi tràn ngập ân sủng về mặt địa lý”.

ĐTC Phanxicô và các cộng sự viên của Ngài đã được mời gọi để ngắm nhìn Florence và đồng thời tìm ra những dòng tư tưởng về việc “Thiên Chúa hiện diện thế nào trong thành phố”.

Cái nhìn từ trên cao

Đức Viện Phụ đã chia sẻ về sự cần thiết phải nhìn từ trên cao để không rơi vào sự cám dỗ của ma quỷ, kẻ gần như sẽ chiếm hữu chúng ta, thống trị và bắt chúng ta theo những điều kiện của thế giới này. Trái lại, Đức Viện Phụ nói, người ta cần phải có một cái nhìn được khơi dậy bởi Chúa Thánh Thần và Lời Chúa – một cái nhìn của sự chiêm niệm, của thái độ biết ơn, của sự cảnh giác nếu cần thiết và một ánh nhìn tiên tri. Đó chính là một cái nhìn vốn dễ dàng nhận ra rằng các thành phố của chúng ta đều là một hoang địa.

Vị Tu sĩ Dòng Biển Đức giải thích rằng cái nhìn từ trên cao cũng chính là một động lực để thắp lên lại ngọn lửa hầu khôi phục lại cuộc sống đích thực nơi Chúa Kitô và Tin Mừng.

Đức Viện Phụ Gianni tha thiết mời gọi các thính giả của mình có được điều mà Ngài gọi là “ánh nhìn mầu nhiệm đối với Florence”, để những hành động mục vụ và sự quan tâm của họ đối với người dân và nhân loại đã được Thiên Chúa giao phó cho họ, có thể thực sự trở thành một “ngọn lửa sống mới của một khát khao mãnh liệt” biến sa mạc trở thành một khu vườn của những vẻ đẹp, của hòa bình, công lý và sự hòa hợp.

Trích dẫn những lời của nhà huyền bí người Scotland thời trung cổ, Richard của Saint Victor – “Nơi đâu có tình yêu, ở đó có một ánh nhìn” – Đức Viện Phụ Gianni chia sẻ về sự cần thiết phải nhận ra những dấu vết và những dòng tư tưởng mà Thiên Chúa đã để lại khi Ngài bước ngang qua lịch sử và đời sống của chúng ta. Chính nơi tình yêu này, người ta phải hiểu được cái nhìn của Đấng Đáng Kính La Pira về Florence, của Chúa Giêsu về Giêrusalem và về tất cả những người mà Ngài đã gặp gỡ. Cha Gianni cho biết rằng đó chính là một viễn cảnh giới thiệu “một lễ Phục Sinh đầy nhiệt huyết”, khiến chúng ta nhận thức được về tình huynh đệ yếu đuối. Sức mạnh của tinh thần huynh đệ, vị giảng thuyết nhấn mạnh, chính là biên giới mới của Kitô giáo.

Ánh nhìn của Chúa Kitô

Nhắc lại rằng chủ nghĩa nhân văn đã khởi nguồn từ Chúa Kitô, Cha Gianni mời gọi các tham dự viên tham gia đợt tĩnh tâm hãy chiêm ngắm khuôn mặt đầy thương xót của Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại, Đấng đã tái tạo nhân loại của chúng ta, một nhân loại đã bị chia cắt bởi những cuộc tranh giành trong cuộc sống hoặc bị đánh dấu bởi tội lỗi.

“Hãy để cho Chúa Giêsu âu yếm nhìn chúng ta”, vị giảng thuyết mời gọi, để chúng ta “học cách nhìn như Ngài đã nhìn”, cũng như Ngài đã làm với chàng thanh niên giàu có và ông Giakêu.

Đức Viện Phụ Gianni đã mô tả ánh mắt của Chúa Kitô như một ánh nhìn quét sạch nỗi sợ hãi của việc không nhận ra Thiên Chúa, nhưng là một ánh nhìn thay đổi tâm hồn.

Đức Viện Phụ Gianni đã nhắc lại những lời của Thánh Augustinô – “Nếu bạn không chú ý đến tâm hồn của mình, bạn sẽ không bao giờ nhận thức được việc liệu Chúa Giêsu có đang đến thăm bạn hay không” – và đồng thời nhấn mạnh về việc hoán cải tâm hồn hầu có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử của chúng ta cũng như tự mở rộng tâm hồn với một niềm hy vọng cháy bỏng mới và chưa từng hay biết.

Đời sống tận hiến

Do đó, vị Tu sĩ Dòng Biển Đức đã thúc giục những người sống cuộc đời tận hiến hướng đến một cuộc sống đơn sơ và tiên tri, ở đó Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trước mắt họ và trong tầm tay của họ, và họ không trông mong gì hơn thế.

“Đời sống tận hiến”, Cha Gianni nói, “đó chính là tầm nhìn tiên tri trong Giáo hội”. “Đó chính là ánh mắt nhận ra Thiên Chúa hiện diện giữa thế giới, thậm chí ngay cả khi nhiều người không nhận ra điều đó”. “Ngài là Sự sống, là niềm hy vọng và là tương lai”, Cha Gianni nhấn mạnh.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 3, 2019