„Hãy Noi Gương Lòng Thương Xót của Thiên Chúa!“

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 18.03.2019)

 

Ai muốn trải nghiệm Mùa Chay trong sự viên mãn của nó, người ấy phải tuân thủ các quy luật của Lòng Xót Thương. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Hai vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Trong Thánh Lễ này, ngoài những người khác ra còn có sự tham dự của các thành viên Quỹ Gravissimum Educationis. Đích thân Đức Thánh Cha đương kim đã thành lập tổ chức này vào ngày 28 tháng 10 năm 2015. Tổ chức nêu trên hoạt động trong lãnh vực giáo dục và hỗ trợ các dự án có tính đổi mới và phát triển toàn diện, đầu tư cho chất lượng giáo dục và đào tạo, cũng như thúc đẩy các nghiên cứu khoa học và tham gia vào mạng lưới cộng tác giữa các tổ chức giáo dục.

Không thiên kiến hay kết án người khác, nhưng luôn luôn tha thứ: với những hành vi như thế, mỗi người đều có thể noi theo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. „Những quy luật đơn giản trong Mùa Chay“ ấy đứng trong trung tâm điểm bài giảng hôm nay của Đức Thánh Cha.

Thiên Chúa tha thứ luôn luôn

Khởi đi từ bài Tin Mừng trong ngày theo Thánh Lu-ca (Lc 6,36-38), Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa luôn luôn sẵn sàng tha thứ, thậm chí tha thứ cho cả những hành vi „xấu xa“:

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa rất ư là vĩ đại, và chúng ta không bao giờ được phép quên điều đó. Mặc dầu vậy, rất nhiều người vẫn nói: Ôi, tôi đã làm những việc tồi tệ, tôi đã mua sẵn chỗ cho mình trong hỏa ngục, tôi không thể trở lại được nữa… Nhưng họ có nghĩ tới Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không? Chúng ta hãy nhớ tới câu chuyện về người phụ nữ góa bụa và nghèo túng đã đi xưng tội với Cha Sở họ Ars. Chồng của bà đã phạm tội tự vẫn; vì ông đã nhảy cầu và chết dưới sông. Người phụ nữ ấy vừa khóc vừa nói: ´Thưa con là một nữ tội nhân, một kẻ tội nghiệp. Thế nhưng chồng của con còn tội nghiệp hơn! Anh ta đang ở trong hỏa ngục! Anh ta đã phạm tội tự vẫn, và tự vẫn là một tội trọng. Anh ta đang ở trong hỏa ngục. Và sau đó Cha Sở họ Ars nói: ´Thôi, đừng nói nữa, thưa bà, vì giữa chiếc cầu và dòng sông còn có ân sủng của Thiên Chúa.` Vì cho đến cuối cùng vẫn còn có ân sủng của Thiên Chúa.

Để bước vào vết chân của Lòng Thương Xót, Chúa Giê-su đã đưa ra ba lời khuyên có tính thực hành – Đức Thánh Cha nhắc nhớ. Thứ nhất, người ta không nên kết án. Đó là một „thói quen xấu“, mà người ta nên tiết chế, đặc biệt là trong Mùa Chay.

Ngoài ra, đó còn là một thói quen, mà nó gây rối ren trong cuộc sống chúng ta, kể cả khi chúng ta không nhận ra nó. Luôn luôn là như thế! Để bắt đầu một cuộc nói chuyện, người ta thường nói: ´Cậu đã thấy anh ta làm cái gì chưa?`Lời tuyên án nằm ở phía người khác. Chúng ta hãy nghĩ xem, mỗi ngày chúng ta thường kết án người khác như thế nào. Xin hãy kiểm tra xem! Có vẻ như tất cả chúng ta đều là những chánh án bị cản trở, tất cả! Và để bắt đầu một cuộc nói chuyện, người ta đưa ra một nhận xét về một người nào đó và nói: ´Coi này, anh ta đã thực hiện một ca phẫu thuật thẩm mỹ! Trông anh ta còn tệ hơn trước.`“

Tha thứ thay vì xét đoán

 

Thứ hai, người ta không nên xét đoán – Đức Thánh Cha giải thích tiếp. Thay vì thế, người ta phải tha thứ, ngay cả khi „đó là điều rất khó“.

Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người hiện diện hãy học biết đức khôn ngoan của sự quảng đại, và điều quan trọng nhất đó là sự khước từ việc „ngồi lê đôi mách“.

Chúa Giê-su dậy chúng ta: ´Hãy cho đi thì sẽ được cho lại`: Hãy quảng đại trong khi cho đi. Đừng giữ bo bo túi tiền; hãy quảng đại, bằng cách là bạn hãy trao tặng nhiều cho người nghèo, và cho những người cùng khốn cũng như cho tất cả: Trao cho họ những lời khuyên, trao cho người khác một nụ cười, mỉm cười với họ. Luôn luôn cho đi và cho đi. ´Hãy cho đi thì sẽ được cho lại. Và anh chị em  sẽ nhận lại với một mức độ tốt đẹp, tròn đầy và dư tràn`, vì Thiên Chúa sẽ rất quảng đại: Chúng ta cho đi một cái gì đó, và Ngài sẽ ban lại gấp trăm lần tất cả những gì chúng ta cho đi. Và đó là thái độ mà nó được điều chỉnh theo hướng không kết án, không xét đoán và luôn luôn tha thứ. Đó là ý nghĩa của việc làm phúc bố thí, nhưng không chỉ là bố thí về vật chất, nhưng cũng còn bố thí cả về tinh thần nữa; đó là việc chấp nhận mất thời gian cho những người đang gặp cảnh khốn cùng, chẳng hạn như viếng thăm bệnh nhân, trao cho họ một nụ cười.

 

(theo vatican news – 18.03.2019, 11:39)

 

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 3, 2019