GHI CHÉP VỀ ĐẠI HỘI KINH THÁNH 2019 TẠI RÔ-MA
(từ ngày 23 đến 26 tháng 04 năm 2019)

Lm. Phê-rô Trần Hưng Vĩnh Quang O.P.

Ngày 30 tháng 4 năm 2019

 

1. CBF và Mục Vụ Kinh Thánh

Ít lâu sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II, ngày 16 tháng 4 năm 1969 Đức Thánh Cha Phao-lô VI đã thành lập Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo (The Catholic Biblical Federation - CBF) với mục đích trợ giúp các Giám Mục hoàn thành bổn phận công bố Lời Chúa cho các tín hữu.1 Sự ra đời của CBF được thúc đẩy từ ý hướng của hiến chế Dei Verbum số 22: “Lối vào Thánh Kinh cần phải được rộng mở cho các Ki-tô hữu.”2 Năm 1990, danh xưng từ khi được thành lập “Liên Hiệp Công Giáo Thế Giới về Hoạt Động Tông Đồ Kinh Thánh” được đổi thành Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo như hiện nay. Về mặt cơ cấu, CBF có liên hệ trực thuộc Hội Đồng Giáo Hoàng cổ võ việc Hiệp Nhất Ki-tô Hữu. Trên thực tế, chính ĐHY Augustin Bea và ĐHY Willebrands là những người đứng ra lo liệu mọi công đoạn dọn đường để Liên Hiệp được thành lập và đi vào hoạt động. Cho đến nay CBF vẫn là một định chế dành riêng cho sứ vụ mục vụ Kinh Thánh trong lòng Giáo Hội Công Giáo.3

Những công việc được CBF và các thành viên thực hiện có thể kể vào 7 danh mục chính: (1) phiên dịch Kinh Thánh; (2) ấn hành Kinh Thánh và các ấn phẩm liên quan đến Kinh Thánh; (3) phát hành Kinh Thánh và các ấn phẩm liên quan đến Kinh Thánh; (4) tiến hành các khóa đào tạo Kinh Thánh; (5) Cổ võ và linh động thực hiện các hoạt động liên quan đến mục vụ Kinh Thánh; (6) Cộng tác và hỗ trợ các đoàn thể mục vụ Kinh Thánh; (7) Thực hiện các hoạt động mục vụ Kinh Thánh liên quan đến sứ vụ Đại Kết, Đối Thoại Văn Hóa và Đối Thoại Liên Tôn.

2. Đôi nét về Đại hội 2019

“Thánh Kinh và Cuộc Sống: Thần Hứng Kinh Thánh cho Toàn Thể Đời Sống và Sứ Vụ Mục Vụ của Giáo Hội”4 là chủ đề của Đại Hội Mục Vụ Kinh Thánh Quốc Tế được tổ chức từ ngày 23 đến 26 tháng tư năm 2019 tại Rô-ma do CBF tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập. Đại hội lần này bao gồm ba ý hướng chính: (1) nhìn lại công việc và thành quả; (2) xác định những thách đố của sứ vụ mục vụ Kinh Thánh và (3) phác thảo các mục tiêu ưu tiên cho những năm sắp tới.

Đại hội 2019 cũng được đặt trong tiến trình hướng đến “Năm Lời Chúa” như gợi ý của Hội Đồng Điều Hành CBF. Trong thư đề ngày 25 tháng giêng năm 2019 gởi đến toàn thể các thành viên, ĐHY Luis Antonio Gokim Tagle, chủ tịch CBF đã mời gọi mọi người cùng nhau dấn thân cho các hoạt động mục vụ Kinh Thánh tại các địa phương, cách riêng trong “Năm Lời Chúa” sẽ diễn ra từ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng năm 2019 cho đến dịp lễ giỗ 1600 năm Thánh Giê-rô-ni-mô, 30 tháng 9 năm 2020.

2.1. Quy mô, hình thức Đại Hội 2019

Để xác định quy mô, hình thức và nội dung của Đại Hội 2019, thiết tưởng cần lướt qua các đại hội quốc tế tính từ khi CBF được thành lập cho đến nay. Kể từ lần đầu tiên năm 1972 cho đến 2019, các đại hội quốc tế được xác định bằng một trong ba thuật ngữ: (1) Đại Hội Đồng - Plenary Assembly; (2) Mừng Kỷ Niệm - Celebration of Aniversary; (3) Đại Hội Quốc Tế - International Congress.

So sánh với các kỳ họp trên,5 Đại Hội 2019 cũng bao gồm thành phần tham dự viên không có nhiều khác biệt. Con số các tham dự viên hiện diện đầy đủ trong các khóa họp lần này khoảng trên 200 người, đại diện cho 102 thành viên thực thụ và 247 thành viên liên kết của Liên Hiệp.6 Tuy nhiên Đại Hội 2019 không phải là một trong các kỳ Đại Hội Đồng nghiêng về các hoạt động quản trị, điều hành và đường hướng hoạt động của Liên Hiệp. Thay vào đó quy mô, hình thức và nội dung của Đại Hội 2019 là sự kết hợp giữa lễ Mừng Kỷ Niệm và Đại Hội Chuyên Đề Quốc Tế như các năm 1994, 1999 và 2005.

Trừ hai lần đầu tiên và Đại Hội Đồng ngoại thường năm 2011, tài liệu đúc kết các Đại Hội Đồng được đăng lại trên tập san của CBF “Bulletin Dei Verbum” với các số năm tương ứng.7 Trong khi chờ đợi số tập san sắp tới trình bày những đúc kết từ Đại Hội 2019, thiết nghĩ cũng nên lược qua các một vài thông số về những vị quản trị điều hành của CBF.

Với chín lần Đại Hội Đồng và thường được tổ chức với kỳ hạn sáu năm một lần, tính đến nay CBF đã trải qua sáu đời Hồng Y hoặc Giám Mục chủ tịch trong đó lâu nhất là Đức Cha Vincenzo Paglia (2002-2015). CBF cũng có đến chín đời tổng thư ký trong đó có duy nhất một nữ tổng thư ký tại vị được một năm (Clar María Diáz Castrillón, 2000-2001). Tổng thư ký hiện nay là cha Jan J. Stefanów (từ năm 2014), người Ba Lan. Cha là vị tổng thư ký thứ hai đến từ dòng Ngôi Lời.

Đức Hồng Y Luis Antonio Gokim Tagle, chủ tịch đương nhiệm, được bầu chọn trong cuộc họp thường niên của Hội Đồng Điều Hành (Executive Committee) diễn ra tại Rô-ma từ ngày 24 đến 25 tháng mười 2014 và được Đức Thánh Cha Phan-xi-cô phê chuẩn vào ngày mùng 8 tháng 3 năm 2015. Ngay từ Đại Hội Đồng lần đầu tiên dưới thời Đức Hồng Y Tagle, chủ đề Truyền Giảng Tin Mừng một lần nữa được nhấn mạnh cách đặc biệt. Đức Hồng Y người Phi Luật Tân đang đồng thời giữ các chức vụ như chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng về Gia Đình, và Mục Vụ cho Di dân. Khách quan mà nói, Đức Hồng Y hiện đang là một ngôi sao thực thụ trong lãnh vực mục vụ, giảng thuyết kể cả trên các phương tiện truyền thông.

2.2. Quy cách tổ chức và thành phần tham dự Đại Hội 20198

2.2.1. Ban tổ chức

Ngoài ra còn có sự hỗ trợ từ xa hoặc qua thư từ chúc mừng Đại Hội của các thành viên thuộc hội đồng danh dự (Honour Committee) như ĐHY Gianfranco Ravasi - chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, TGM Rino Fisichella – chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về việc cổ võ Tân Phúc Âm Hóa, ĐHY Reinhard Marx – TGM giáo phận München-Freising, ĐHY John Olorunfemi Onaiyekan – thành viên Bộ Giáo Lý Đức Tin – thành viên Ban lãnh đạo Liên Hiệp Thánh Kinh Hội, Cha Pietro Bovati SJ. - thư ký Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng.

2.2.2. Ban học thuật và thuyết trình viên

2.2.3. Tham dự viên

Khoảng trên 200 tham dự viên đến từ các châu lục hoặc khu vực như Phi Châu, Á Châu, Mỹ Châu La Tinh, Bắc Mỹ, Châu Đại Dương, Âu Châu, Trung Đông. Phần đông tham dự viên là các vị lãnh đạo vùng miền hoặc các điều phối viên chẳng hạn như các giám mục phụ trách các Ủy Ban Mục Vụ Kinh Thánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục, giám đốc Trung Tâm Mục Vụ Kinh Thánh, các giáo sư hoặc các cộng sự viên đang hoạt động trong lãnh vực mục vụ Kinh Thánh tại các địa phương. Khoảng 20 phần trăm trên tổng số người tham dự là những anh chị em trẻ, trong đó có một số anh chị em hiện đang là sinh viên tại Rô-ma. Dựa trên bảng tên, ngoài những thông tin tối thiểu về tham dự viên, các màu sắc của dây đeo cũng nói lên vai trò của họ. Theo đó, dây đeo màu cam là những vị thuộc ban tổ chức. Dây đeo màu xanh lá cây là các thuyết trình viên. Tham dự viên phổ thông còn lại đeo dây màu xanh dương.

2.3. Chương Trình làm việc

Không kể phiên họp khai mạc và thánh lễ bế mạc tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô và buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha, chương trình làm việc trong hai ngày chính của Đại Hội 2019 bắt đầu từ 8 giờ sáng với Lectio Divina. Sau đó là hội thảo chuyên đề cùng với các thuyết trình viên. Các buổi hội thảo mang tính học thuật nhiều hơn dẫu mục đích của các chuyên đề này hướng đến mục vụ Kinh Thánh. Các buổi chiều được dành riêng cho các tổ workshops và mang nặng tính thực hành hoặc để giới thiệu các công việc đang thực hiện và chia sẻ kinh nghiệm mục vụ Kinh Thánh. Các thánh lễ được cử hành cuối mỗi buổi chiều. Ban tối được dành riêng cho cuộc hội thảo mở rộng, đóng góp, trao đổi ý kiến với ban điều hành về các công việc của CBF tại trung ương cũng như tại các địa phương và cho Bulletin Dei Verbum.

2.4. Địa điểm tổ chức Đại Hội

Đại hội diễn ra tại khách sạn – trung tâm hội nghị bốn sao có tên Ergife, tọa lạc phía tây Rô-ma cách Đền Thờ Thánh Phê-rô khoảng 3 cây số theo đường chim bay. Trung tâm có sức chứa rất lớn và cùng lúc có thể đón nhiều đoàn hội thảo. Ngoài hội trường lớn dành cho các phiên họp toàn thể, trung tâm còn có rất nhiều các phòng họp cho các buổi làm việc nhóm hoặc Lectio Divina theo từng nhóm ngôn ngữ như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Ý. Tất cả các phòng họp đều có tổ dịch thuật. Tham dự viên tùy nghi chọn headphone để nghe một trong các ngôn ngữ vừa kể. Trung tâm cũng dành một phòng họp lớn cho các thánh lễ ban chiều. Tổ dịch thuật cũng làm việc cả trong các thánh lễ đặc biệt trong phần chia sẻ Lời Chúa.

3. Diễn Tiến Đại Hội 2019

3.1. Khai mạc Đại Hội, chiều ngày 23 tháng 4

Đúng 3 giờ chiều 23 tháng 4, toàn thể anh chị em tham dự viên được người dẫn chương trình mời gọi cầu nguyện chung với Lời Tựa Tin Mừng Thứ Tư. Người dẫn chương trình đọc câu đầu tiên của Lời Tựa bằng tiếng Hy Lạp, kế đó làm một số anh chị em tham dự viên được mời gọi lần lượt đọc các câu còn lại bằng các thứ tiếng bản xứ của mình. Kết thúc phần đọc Lời Chúa là nghi thức rước Sách Thánh và I-côn Đức Mẹ ẵm Chúa Giê-su. Bên dưới I-côn có đính hình Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo.

Tiếp tục chương trình là lời chào mừng và khai mạc Đại Hội của ĐHY Luis Antonio Gokim Tagle. ĐHY mở đầu bằng lời chúc Mừng Chúa Phục Sinh đến toàn thể tham dự viên. ĐHY cũng mời gọi mọi người cầu nguyện hiệp thông với những anh chị em đang trải qua những ngày thương khó vì động đất tại quê hương Phi Luật Tân của ngài. Trước khi lên máy bay sang Rô-ma ĐHY cũng cảm nhận được những rung lắc của trận động đất này. ĐHY cũng mời gọi anh chị em cầu nguyện hiệp thông sâu xa với anh chị em đang hứng chịu cuộc nội chiến tại Nam Su-đan và cách riêng với những anh chị em nạn nhân vụ khủng bố tại Sri-lan-ka. Với Đại Hội lần này, ĐHY mời gọi anh chị em tham dự thật tích cực, có những đóng góp cụ thể cho hoạt động mục vụ Kinh Thánh tại các địa phương, trong tinh thần hướng tới Năm Lời Chúa 2019-2020 sắp tới. ĐHY tuyên bố chính thức khai mạc Đại Hội 2019. Sau lời phát biểu của ĐHY Tagle, một đại diện ban tổ chức đọc thư chúc mừng Đại Hội của một vài đấng bậc không thể hiện diện tại Đại Hội.

Nối tiếp chương trình trong buổi khai mạc, ĐHY Kurt Koch có bài phát biểu chúc mừng Đại Hội và toàn thể các tham dự viên. ĐHY không quên nhắc lại, CBF là cơ quan nối kết trực tiếp Hội Đồng Giáo Hoàng cổ võ việc Hiệp Nhất Ki-tô Hữu. Với vị thế là người đứng đầu Hội Đồng này, ĐHY nhấn mạnh Kinh Thánh là gia sản chung anh chị em Ki-tô hữu. Ngài cũng điểm lại nhiều công trình mang tính đại kết của anh chị em Ki-tô hữu. Bài phát biểu của ĐHY trích dẫn nhiều ý tưởng từ Hiến Chế Dei Verbum, số 40 Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến của Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, những khuyến nghị của Thượng Hội Đồng trong Tông Huấn Verbum Domini của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô. ĐHY cổ võ anh chị em dấn thân cho công cuộc loan truyền Lời Chúa qua các phương tiện truyền thông, xây dựng chương trình mục vụ Kinh Thánh phục vụ đời sống con người cách cụ thể. ĐHY cũng đưa ra nhiều ý kiến về các lãnh vực chuyên môn trong việc nghiên cứu học hỏi Lời Chúa và nhấn mạnh mối liên kết chặt chẽ của khoa phê bình lịch sử, phân tích văn chương với nền tảng thần học quy Ki-tô. Lời Thiên Chúa là Lời Sống Động và Con Thiên Chúa, Đức Giê-su là lời chứng về mầu nhiệm Thiên Chúa. ĐHY kết thúc phát biểu bằng lời cầu chúc cho các tham dự viên những ngày làm việc thật bổ ích và tìm được những sáng kiến giúp cho đời sống và hoạt động mục vụ Kinh Thánh ngày càng sống động và đi vào mọi ngõ ngách của đời sống các tín hữu.

Phiên họp khai mạc kết thúc với phần phát biểu của cha tổng thư ký CBF. Cha Jan J. Stefanów tường thuật lại một số điểm chính của CBF – SEA Workshop Nha Trang, tháng 7 năm 2017 và một số cuộc họp diễn ra tại các địa phương khác tại Đài Loan và Li Băng…

3.2. Lectio Divina và Hội Thảo – sáng 24 tháng 4

Ngày thứ hai của Đại Hội bắt đầu từ 8 giờ sáng với giờ Lectio Divina. Các tham dự viên tùy nghi lựa chọn các nhóm ngôn ngữ phù hợp. Mỗi nhóm đều có người dẫn thực hành Lectio Divina. Trước đó qua email, ban tổ chức cũng gởi đến từng tham dự viên phần Lời Chúa được suy niệm trong các buổi Lectio Divina. Kế đến, anh chị em tham dự viên quy tụ tại hội trường và dành 30 phút tiếp theo cùng suy niệm Lời Chúa trong ngày. Một vị đại diện đã được ban tổ chức mời chia sẻ Lời Chúa với toàn thể cộng đoàn. Không chỉ chia sẻ như cách thức thường thấy, anh sử dụng powerpoint, âm nhạc và các hình ảnh sinh động trong phần chia sẻ của mình.

3.2.1. Giáo sư Thomas P. Osborne

Lúc 9 giờ 30, giáo sư Thomas P. Osborne, nguyên tổng thư ký CBF bắt đầu trình bày đề tài“Biblica animatio totius actionis pastoralis – Origins and Perspectives: Linh hoạt tất cả các công việc mục vụ bằng Kinh Thánh – Nguồn Gốc và Viễn Tượng.” Bài thuyết trình của giáo sư Thomsas mở đầu bằng việc so sánh hợp tuyển (florilegium) các bản dịch Tông Huấn Verbum Domini số 73. Trước tiên giáo sư Thomas trích Tông Huấn bằng tiếng Anh và lảy ra chủ đề của bài thuyết trình, “letting the Bible inspire pastoral activity... making the Bible the inspiration of everey ordinary and extraordinary pastoral outreach will lead to a greater awareness of the person of Christ, who reveals the Father and is the fullness of divine revelation.”9 Kế đến, giáo sư trở lại với bản văn La Tinh, “animatio biblica totius actionis pastoralis... animatio biblica totius actionis patoralis ordinariae et extraordinariae...” và chỉ ra sự “linh hoạt” giữa Tông Huấn bản La Tinh và bản tiếng Anh. Giáo sư Thomas trích lại ý kiến của Đức Hồng Danneels (1985) khi ngài đưa ra hướng đi bắt đầu từ lời đề nghị của Công Đồng về cách thức chú giải Kinh Thánh trong Dei Verbum số 12, rằng việc chú giải Sách Thánh không thể tách khỏi Thánh Truyền sống động của Hội Thánh (DV số 9) cũng như không thể tách biệt với Huấn Quyền (DV 10). Việc chú giải buộc phải tránh cảnh đối đầu lệch lạc giữa tín lý và mục vụ. Mục đích thực sự của mục vụ là hiện thực hóa và cụ thể hóa Chân Lý Cứu Độ.

Không dừng lại ở đây, giáo sư Thomas còn trưng ra một loạt so sánh giữa các bản dịch khác để cho thấy ý niệm “linh hoạt” đi xa đến mức nào: (1) animation biblique de toute la pastorale (Pháp); (2) animación bíblica de toda la pastoral (Tây ban nha); (3) animazione biblica dell’intera pastorale (Ý); (4) die Bibel ... als Seele der gazen Pastoral (Đức); (5) die biblische Beseelung der gesamten Pastoral (Thụy sĩ). Tiếp tục đề tài “linh hoạt,” giáo sư Thomas trích dẫn khuyến nghị số 30 của Thượng Hội Đồng Giám Mục 2008, “Tông Huấn Dei Verbum cổ võ làm thế nào để Lời Chúa không chỉ là linh hồn của khoa thần học mà còn là linh hồn của toàn thể hoạt động mục vụ, của toàn thể đời sống và sứ vụ của Giáo Hội” (Cf. DV 24). Một mục tử, một thần học gia và một nhà chú giải Kinh Thánh không thể xung đột với nhau. Với một số bản văn tiếng Tây Ban Nha, giáo sư cũng đẩy việc “linh hoạt” đến mức độ việc mục vụ Kinh Thánh phải khỏa lấp được “cơn đói khát được nghe Lời Chúa” (Am 8,11). Dựa trên Bulletin Dei Verbum số 28,3 giáo sư Thomas nhắc lại rằng trong bối cảnh rộng lớn cần phải xác định đúng hoàn cảnh khi nào là “Tông Đồ Kinh Thánh” hoặc “Mục Vụ Kinh Thánh.” Hoạt động mục vụ hệ tại giữa việc học biết Sách Thánh và hiểu thông điệp Lời Chúa qua việc phát hành Kinh Thánh và tổ chức những khóa học hỏi về các chủ đề Thánh Kinh. Theo nghĩa này, mục vụ Kinh Thánh mang một sắc thái đặc biệt nơi đời sống Giáo Hội, tức lấy những bản văn Kinh Thánh làm nền tảng, nhưng từ bản văn lại hướng đến Tin Mừng. Có như vậy Thánh Kinh cùng với Thánh Truyền mới làm nên đời sống Ki-tô hữu trong hiện tại, có sức chữa lành, giải cứu, có thể giúp đọc ra những dấu chỉ thời đại và tìm thấy những hướng đi giữa thế trần... Giáo sư Thomas còn trích dẫn một loạt văn kiện từ các cuộc họp của các giám mục bàn về mục vụ Kinh Thánh khu vực Âu Châu (1994), của hội đồng Giám Mục Ý (1996), của hội đồng giám mục Mỹ Châu La Tinh (1998), Đại Hội Đồng Hương Cảng (1996) trước khi dừng lại với những đúc kết tại Đại Hội Đồng Li Băng (2002): (1) Đọc bản văn Kinh Thánh cẩn thận; (2) Cần nhiều phương pháp và cách tiếp cận khác nhau để học hỏi Kinh Thánh; (3) Cùng nhau đọc và cử hành Lời Chúa trong cộng đoàn; (4) Đọc Sách Thánh trong bối cảnh cuộc sống; (5) Đọc Sách Thánh trong khung cảnh hội nhập văn hóa; (6) Đọc Sách Thánh với nhãn giới của anh chị em nghèo, bị bỏ rơi. (7) Đọc Kinh Thánh với tâm tình cầu nguyện... Nhìn chung, vì vốn là tổng thư ký của CBF, giáo sư Thomas đã giúp các tham dự viên nhìn ra những đường nét chính của các hoạt động mục vụ Kinh Thánh trên nhiều lĩnh vực chuyên môn và vùng miền địa lý khác nhau.

3.2.2. Cha Fidel Oñoro

Khác với giáo sư Thomas cả về phong thái hàn lâm và phương tiện trình bày hiện đại chẳng hạn như powerpoint, chuẩn bị tài liệu... cha giám đốc trung tâm mục vụ Kinh Thánh vùng Mỹ Châu La Tinh Fidel Oñoro chia sẻ với anh chị em những ghi nhận cá nhân hết sức sống động về mục vụ Kinh Thánh trong hai mươi năm vừa qua tại Mỹ Châu La Tinh. Tuy vẫn tiếp nối đề tài “Biblica animatio totius actionis pastoralis” nhưng nội dung bài thuyết trình xoay quanh những bước phát triển và thách đố của mục vụ Kinh Thánh vùng Mỹ Châu La Tinh. Một trong những thành tựu có thể kể đến là sự hợp tác ở tầm mức Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục (CELAM). Các ĐGM vùng Mỹ Châu La Tinh cũng luôn nhất trí với nhau rằng, chương trình mục vụ kinh thánh phải vừa phù hợp với từng vùng miền và cũng gắn bó mật thiết với nhau như tính hoàn vũ của Giáo Hội. Cách riêng trong giai đoạn 2002 đến 2010 cùng với sự hỗ trợ của CBF (FEBIC) những thành viên tại Mỹ Châu La Tinh đã xây dựng các chương trình mục vụ Kinh Thánh phù hợp với anh chị em tín hữu sinh sống trong nhiều vùng miền khác nhau.

Kinh nghiệm hai mươi năm làm việc cho phép cha rút ra một số kết luận như sau: (1) mục vụ Kinh Thánh chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là một công việc dễ dàng; (2) các nền văn hóa bản địa phong phú tại Mỹ Châu La Tinh đòi hỏi sự đối thoại liên tục giữa những gì là đặc thù và phổ quát, nhất là trên lãnh vực tư tưởng và trào lưu có sức ảnh hưởng rất lớn chẳng hạn như của thần học gia Leonardo Boff; (3) mục vụ Kinh Thánh càng lúc càng phải đi sâu vào những lãnh vực chuyên biệt hơn như giáo lý, phụng vụ, giảng thuyết... Cha cũng đưa ra thử nghiệm khá thành công của một số giảng viên Kinh Thánh chuyên tâm đào tạo anh chị em giáo lý viên tại các trung tâm mục vụ. Những anh chị em sau khi được đào tạo căn bản sẽ là những hạt nhân tại địa phương của mình. Trong nhiều cách thế thực hành mục vụ Kinh Thánh, Lectio Divina luôn là ưu tiên hàng đầu.

Khó khăn và thách đố của mục vụ Kinh Thánh vẫn xuất hiện mỗi ngày. Đối diện với rào cản này những ai đang dấn thân trong sứ vụ rao truyền Lời Chúa cần phải luôn đặt mình trong một tư thế sẵn sàng đồng hành và hợp tác, linh động giữa học thuật và mục vụ cách riêng với những ai có vai trò lãnh đạo, những người có phương tiện và khả năng bắc những nhịp cầu. Canh tân luôn mãi thay vì tự mãn, tiếp tục cuộc lữ hành thay vì dừng lại ở những thành quả. Cha Fidel Oñoro cũng gởi lời cám ơn cách đặc biệt về những hỗ trợ từ các thành viên khu vục Âu Châu. Mục vụ Kinh Thánh tại khu vực Mỹ Châu La Tinh cũng tràn trề hy vọng về một ngày mai tốt đẹp hơn.

Các tham dự viên được giải lao sau phần thuyết trình của Cha Fidel Oñoro. Địa điểm là giải lao thoáng đãng trước hội trường đã được ban tổ chức chuẩn bị nhiều thức uống và các thức ăn nhẹ. Các tham dự viên có thể trao đổi với nhau hoặc tham quan khu triển lãm các ấn phẩm do các thành viên từ các vùng miền đem đến Đại Hội. Có thể điểm qua lần lượt các khu vực như các ấn phẩm Kinh Thánh hoặc liên quan đến Kinh Thánh bằng tiếng Tây Ban Nha đến từ vùng Mỹ Châu La Tinh, các ấn phẩm bằng tiếng Đức, Pháp, Anh, Ý. Anh chị em tham dự viên đến từ Á Châu như Pakistan, Ấn độ, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng trình bày các thành quả hết sức phong phú. Khu vực Đông Nam Á chỉ có các thành viên đến từ Thái Lan trình bày các ấn phẩm của mình. Ngoài cuốn Kinh Thánh Trọn Bộ và bộ Tân Ước còn có những phần Kinh Thánh Tân Ước cho người khiếm thị và rất nhiều sản phẩm kinh thánh bắt mắt cho trẻ em... Ở lối vào hội trường, Dòng Phao-lô Thiện Bản cũng bày bán các ấn phẩm liên quan đến Kinh Thánh.

3.2.3. Nữ giáo sư Núria Calduch-Benages

Chương trình hội thảo tiếp tục với phần thuyết trình của giáo sư Núria Calduch-Benages về đề tài “Exegesis and Hermeneutics.” Hai lãnh vực có vẻ rất chuyên biệt này thực ra lại là những chuyện hết sức gần gũi và bình thường mỗi khi đọc Kinh Thánh. Sau những giải thích vắn tắt từ nguyên của hai thuật ngữ trên, giáo sư khẳng định mối liên hệ chặt chẽ của hai phạm trù này đồng thời cũng cho thấy sự cần thiết và tính tương hỗ của chúng trong quá trình đọc Sách Thánh. Từ Hermeneutics đến Exegesis là một hành trình rất dài và hôm nay chúng ta có thể nhìn lại đôi chút chặng đường ấy trong VD 33. Đây là nguyên văn Verbum Domini 33:

“Huấn Quyền sống động của Giáo Hội có nhiệm vụ ‘giải thích chính thức Lời Thiên Chúa, đã được ghi chép hay truyền lại’; Huấn Quyền từng can thiệp một cách khôn ngoan và quân bình để có một lập trường đúng đắn đối với việc dẫn nhập các phương pháp mới về phân tích lịch sử. Tôi nghĩ cách riêng đến các thông điệp Providentissimus Deus của Đức giáo hoàng Lêô XIII và Divino Afflante Spiritu của Đức giáo hoàng Piô XII. Chính vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Gioan Phaolô II đã nhắc lại tầm quan trọng của các văn kiện này đối với ngành chú giải và thần học nhân dịp kỷ niệm một trăm năm và năm mươi năm ngày các văn kiện ấy được công bố. Nhờ sự can thiệp của ngài, Đức giáo hoàng Lêô XIII đã có công bảo vệ việc giải thích Kinh Thánh của Công Giáo khỏi rơi vào các cuộc tấn công của thuyết duy lý, nhưng không tìm náu mình trong một ý nghĩa thiêng liêng tách rời lịch sử. Không lùi bước trước phương pháp phê bình khoa học, ngài chỉ cảnh giác đối với ‘các định kiến tự cho là dựa trên khoa học, nhưng trong thực tế đã gian xảo đưa khoa học đi ra ngoài lãnh vực của nó’. Về phần ngài, Đức giáo hoàng Piô XII phải đương đầu với nhiều đòn tấn công từ phía những người ủng hộ một cách chú giải tự cho là thần bí, cách chú giải này bác bỏ mọi tiếp cận khoa học. Thông điệp Divino afflante Spiritu đã rất tinh tế tránh tạo ra một sự phân đôi giữa ‘chú giải khoa học’ dùng cho khoa hộ giáo và ‘giải thích thiêng liêng dùng trong nội bộ’; trái lại, thông điệp khẳng định cả ‘tầm mức thần học của nghĩa văn tự được xác định có phương pháp’ lẫn sự kiện ‘chính việc xác định nghĩa thiêng liêng… cũng thuộc phạm vi của khoa chú giải’. Theo cách đó, cả hai văn kiện đều loại bỏ ‘sự chia cắt giữa lãnh vực nhân loại và lãnh vực thần linh, giữa nghiên cứu khoa học và cái nhìn đức tin, giữa nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng’. Thế quân bình này sau đó đã được duy trì trong văn kiện của Ủy Ban Kinh Thánh Giáo hoàng năm 1993: ‘trong việc giải thích, các nhà chú giải Công Giáo không bao giờ được quên rằng những gì họ đang giải thích là Lời của Thiên Chúa. Nhiệm vụ chung của họ không kết thúc khi họ đã phân biệt được các nguồn, xác định được những hình thức hoặc giải thích được những phương thức văn chương. Công việc họ làm chỉ đạt tới đích khi họ đã giải thích được ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh xét như là Lời của Thiên Chúa cho ngày hôm nay’.”10

Một cách cụ thể hơn giáo sư Núria Calduch-Benages trình bày sự tương tác giữa người đọc và bản văn Kinh Thánh. Theo đó một người đọc tích cực khởi đi cuộc đối thoại giữa mình với bản văn qua các bước như phân tích bản văn, tìm hiểu khung cảnh lịch sử mà bản văn để lại, cố gắng tìm xem bản văn muốn nói lên điều gì và trong giờ phút hiện tại người đọc nhận ra được sứ điệp gì từ bản văn. Tất nhiên, cũng là bốn bước như trên nhưng có rất nhiều cấp độ khác nhau và tương ứng với hoàn cảnh hay khả năng cá nhân của từng người đọc. Một cách khái quát hơn về mối tương quan giữa Hermeneutics và Exegesis, giáo sư Núria Calduch-Benages trình bày tóm gọn số II. A. 1-2 trích từ Bản Hướng Dẫn Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh của Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng. Xin được trích lại nguyên văn để tiện theo dõi:

“Bước tiến của khoa chú giải được mời suy nghĩ lại phần nào, căn cứ vào cách giải thích của triết học hiện đại, vốn nhấn mạnh tương quan của chủ thể nhận thức trong tri thức của con người, đặc biệt là trong tri thức lịch sử. Suy tư giải thích đã có một đà tiến mới với việc xuất bản những tác phẩm của Friedrich Schleiermacher, Wilhelm Dilthey và nhất là Martin Heidegger. Theo chân các triết gia này, nhưng cũng lại tách ra khá xa, nhiều tác giả khác đã khai triển sâu hơn lý thuyết giải thích hiện đại và những ứng dụng của nó vào Sách Thánh. Trong số các tác giả đó, chúng ta sẽ đề cập đặc biệt đến Rudolf Bultmann, Hans Georg Gadamer và Paul Ricoeur. Ở đây ta không thể tóm tắt đầy đủ tư tưởng của họ. Chỉ xin nêu một vài tư tưởng chính yếu trong triết lý của họ đã ảnh hưởng đến cách giải thích các bản văn Kinh Thánh cũng đủ.

1) Các quan điểm hiện đại

Nhận thấy khoảng cách về văn hoá giữa thế giới của thế kỷ thứ nhất với thế kỷ hai mươi, Bultmann đặc biệt lo làm thế nào để thực tại được Sách Thánh bàn tới có thể nói với con người hiện đại. Ông đã nhấn mạnh đến tiền thức (pré-compréhension) cần thiết cho bất cứ tri thức nào và ông đã thảo một lý thuyết giải thích có tính cách hiện sinh các tác phẩm của Tân Ước. Dựa trên tư tưởng của Heidegger, Bultmann nhấn mạnh rằng không thể chú giải một bản văn Kinh Thánh mà không có những giả thiết hướng dẫn việc hiểu biết. Tiền-thức (“Vorverstandnis”) được đặt căn bản trên một mối tương quan sống động (“Lebensverhaltnis”) của người giải thích với thực tại mà bản văn nói tới. Nhưng muốn tránh chủ quan, ta phải để cho tiền-thức được đào sâu và phong phú thêm, thậm chí được điều chỉnh và sửa chữa nhờ thực tại của bản văn.

Khi thắc mắc không biết khung tư tưởng nào thích ứng nhất để xác định loại các vấn đề được bản văn Kinh Thánh nêu ra mà con người ngày nay có thể hiểu được, Bultmann cho rằng mình đã tìm được câu giải đáp trong lối phân tích hiện sinh của Heidegger, vì ông cho rằng những nguyên lý hiện sinh của trường phái Heidegger có một sự ứng dụng phổ quát và đã cung cấp những cấu trúc cũng như những quan niệm thích hợp nhất cho sự hiểu biết về cuộc hiện hữu của con người được mặc khải trong sứ điệp của Tân Ước.

Gadamer cũng nhấn mạnh đến khoảng cách lịch sử giữa bản văn với người giải thích bản văn đó. Ông lặp lại và khai triển lý thuyết vòng tròn giải thích. Những tiền dự và những tiền niệm ảnh hưởng đến tri thức của chúng ta xuất phát từ truyền thống đang nâng đỡ chúng ta. Truyền thống này hệ tại ở một toàn bộ những dữ kiện lịch sử và văn hoá tạo nên bối cảnh sống của chúng ta, chân trời hiểu biết của chúng ta. Người giải thích buộc phải tham gia cuộc đối thoại với thực tại được nói đến trong bản văn. Tri thức diễn ra trong sự hoà trộn những chân trời khác nhau của bản văn với người đọc bản văn (“Horizontverschmelzung”). Chỉ có thể có tri thức nếu có một “sự thuộc về” (“Zugehorigkeit”), tức là một sự liên hệ căn bản giữa người giải thích và đối tượng được giải thích. Khoa giải thích là một tiến trình biện chứng: biết một bản văn bao giờ cũng là biết chính mình một cách rộng rãi hơn.

Còn về tư tưởng giải thích của Ricoeur, điểm chính cần chú ý là nêu bật chức năng của khoảng cách như là một điều kiện cần có trước để có thể lĩnh hội đúng đắn bản văn. Cần có một khoảng cách trước tiên giữa bản văn và tác giả của bản văn đó, bởi vì bản văn một khi đã ra đời sẽ có một sự độc lập nào đó đối với tác giả đã viết ra. Nó khởi sự một đà ý nghĩa riêng. Rồi cần có một khoảng cách khác giữa bản văn với độc giả kế tiếp nhau đọc bản văn đó. Những người này cần phải tôn trọng thế giới của bản văn trong tha tính của nó. Vì thế, các phương pháp phân tích văn chương và lịch sử cần để có thể giải thích. Nhưng, chỉ có thể có trọn vẹn ý nghĩa của một bản văn nếu bản văn đó được hiện thực hoá trong cuộc sống cụ thể của những độc giả đang tìm cách lãnh hội nó. Khởi đi từ hoàn cảnh sống của mình, những người này được mời gọi khám phá ra những ý nghĩa mới, theo đường hướng của ý nghĩa nền tảng đã được bản văn nêu lên. Tri thức Kinh Thánh không được dừng lại ở ngôn ngữ, mà phải cố đạt tới thực tại mà ngôn ngữ trong bản văn muốn nói. Ngôn ngữ tôn giáo trong Kinh Thánh là một ngôn ngữ biểu tượng, ngôn ngữ này “thúc đẩy suy nghĩ”, một thứ ngôn ngữ mà người ta không ngừng khám phá được kho tàng ý nghĩa phong phú, một thứ ngôn ngữ nhằm tới một thực tại siêu việt nhưng đồng thời cũng đánh thức con người nghĩ đến những chiều kích sâu xa nhất trong cuộc đời của chính mình.

2) Ích lợi đối với khoa chú giải

Phải nói gì về những lý thuyết giải thích hiện đại nhằm các bản văn này? Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa nói với mọi thời đại kế tiếp nhau. Vì thế, không thể bỏ qua một lý thuyết giải thích giúp đưa các phương pháp phê bình văn chương và lịch sử vào trong một khuôn mẫu giải thích rộng hơn. Đó là vấn đề làm sao vượt qua khoảng cách giữa thời đại của các tác giả và những độc giả đầu tiên đọc các bản văn Kinh Thánh với thời hiện đại của chúng ta, cũng như vấn đề làm sao hiện tại hóa đúng sứ điệp của đại các bản văn Kinh Thánh để nuôi dưỡng đời sống đức tin của các Kitô hữu. Vì thế, mọi loại chú giải các bản văn đều được mời gọi tự bổ túc nhờ một “khoa giải thích”, hiểu theo nghĩa hiện đại của từ này.

Chính Kinh Thánh cũng như lịch sử việc giải thích Kinh Thánh cho thấy cần phải có một khoa giải thích, nghĩa là một thứ giải thích xuất phát từ thế giới ngày nay và ngỏ lời với thế giới ngày nay. Toàn thể các tác phẩm Cựu Ước và Tân Ước được coi như sản phẩm của một tiến trình dài trong đó những biến cố nền tảng không ngừng tìm được một sự giải thích lại nhờ gắn liền với sinh hoạt của các cộng đoàn tín hữu.

Khoa giải thích hiện đại là một phản ứng lành mạnh đối lại chủ trương thực nghiệm lịch sử và đối lại cám dỗ muốn đem những tiêu chuẩn thuần tuý khách quan vốn được sử dụng trong các khoa học tự nhiên áp dụng vào Kinh Thánh. Một đàng, mọi biến cố được tường thuật trong Kinh Thánh đều là những biến cố đã được giải thích. Đàng khác mọi lối chú giải các trình thuật về những biến cố ấy tất nhiên hàm chứa tính chủ quan của lối chú giải ấy. Chỉ ai có một liên hệ sống thật sự với điều mà bản văn nói đến mới hiểu đúng bản văn Kinh Thánh. Vấn đề mà bất kỳ nhà chú giải nào cũng phải đối diện là vấn đề này: lý thuyết giải thích nào khả dĩ hơn cả giúp nắm được đúng thực tại thâm sâu mà Sách Thánh nói đồng thời giúp nắm được cách diễn tả có ý nghĩa cho con người hôm nay?

Cần phải thẳng thắn nhìn nhận là một số lý thuyết giải thích không thích hợp để giải thích Sách Thánh. Chẳng hạn lối giải thích hiện sinh của Bultmann đưa đến chỗ giam hãm sứ điệp Ki-tô giáo vào gông cùm của một thứ triết học đặc thù. Hơn thế nữa, do những giả thiết được lối giải thích này nhấn mạnh, sứ điệp tôn giáo của Kinh Thánh mất đi một phần lớn thực tại khách quan của mình (do chuyện “giải trừ huyền thoại” quá đáng) và bị giản lược vào một sứ điệp chỉ mang tính cách nhân học. Triết học trở thành một qui tắc giải thích hơn là khí cụ giúp hiểu đối tượng chính của mọi lối giải thích: đó là chính con người Đức Giêsu Kitô và những biến cố cứu độ được hoàn tất trong lịch sử nhân loại. Vì thế, một lối giải thích Kinh Thánh chân chính tiên vàn phải là một thái độ ân cần đón nhận ý nghĩa đã được đưa ra trong các biến cố và, nói cho cùng, trong chính con người Đức Giêsu Kitô.

Ý nghĩa này được diễn tả trong bản văn. Vì thế muốn tránh chủ quan thuần tuý, lối giải thích có giá trị đối với thời nay cần đặt căn bản trên việc nghiên cứu bản văn và lối giải thích như thế thường phải tuân theo những giả thiết được chứng nghiệm nhờ bản văn.

Khoa giải thích Kinh Thánh, vì hoàn toàn là thành phần của khoa giải thích tổng quát áp dụng cho bất kỳ bản văn văn chương và lịch sử nào, đồng thời là một trường hợp duy nhất của lối giải thích này. Những đặc nét riêng của nó xuất phát từ đối tượng của nó. Những biến cố cứu độ và việc hoàn tất những biến cố đó nơi con người Đức Giêsu Kitô đem lại ý nghĩa cho toàn thể lịch sử nhân loại. Những cách giải thích mới theo dòng thời gian chỉ có thể vén mở hoặc giãi bày kho tàng ý nghĩa phong phú này mà thôi. Lý trí mà thôi không đủ để có thể hiểu trọn vẹn trình thuật Kinh Thánh về những biến cố này. Những giả thiết đặc thù, như niềm tin sống động trong cộng đoàn Hội Thánh và ánh sáng của Thánh Thần, chi phối cách giải thích. Khi người đọc trưởng thành trong sự sống của Thánh Thần, bấy giờ khả năng hiểu biết của họ về những thực tại được bản văn Kinh Thánh nói tới cũng gia tăng.”11

Về mặt thực hành để thấy rõ thế nào là tiến trình đọc Kinh Thánh từ bản văn đến cuộc sống, giáo sư Núria Calduch-Benages đề nghị một thí dụ cụ thể khi đọc sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a: (1) đọc các chương Gr 26-29; (2) đọc lại toàn chương Gr 26; (3) đọc lại các câu Gr 26,1-6; (4) Từ bản văn, sứ điệp cho đời sống của tôi là gì? Để kết thúc bài thuyết trình nữ giáo sư gợi lại tinh thần của Số IV Văn Kiện Hướng Dẫn Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh:

“Giải thích Kinh Thánh, tuy là bổn phận đặc biệt của các nhà chú giải, nhưng không vì thế mà trở thành độc quyền của các nhà chú giải, vì trong Hội Thánh, việc giải thích bao gồm những khía cạnh đi xa hơn việc phân tích các bản văn một cách khoa học. Quả vậy, Hội Thánh không coi Kinh Thánh thuần tuý là một tổng thể những văn kiện lịch sử liên quan đến nguồn cội của mình. Hội Thánh đón nhận Kinh Thánh như là Lời Thiên Chúa ngỏ với Hội Thánh và với toàn thế giới, trong thời đại hiện nay. Xác tín này xuất phát từ lòng tin lại đưa đến hệ quả là nỗ lực làm cho sứ điệp Kinh Thánh được hiện tại hoá và hội nhập vào văn hoá, cũng như sử dụng các bản văn được linh hứng theo nhiều cách khác, như trong phụng vụ, “lectio divina” (đọc và suy gẫm Lời Chúa), mục vụ và công cuộc đại kết.”12

3.3. Workshop chiều 24 tháng 4

Buổi làm việc chung ban chiều bắt đầu từ 15 giờ. Ban tổ chức bố trí sáu phòng họp nhỏ cho các workshops theo từng chuyên đề: (1) Kinh Thánh và Gia Đình; (2) Kinh Thánh và Giới Trẻ; (3) Kinh Thánh trong Phụng Vụ; (4) Kinh Thánh trong Việc Dạy Giáo Lý; (5) Kinh Thánh và Hoạt Động Bác Ái; (6) Kinh Thánh và Công Nghệ Hiện Đại.

Các tham dự viên workshop thứ sáu được điều phối bởi một giáo sư công nghệ hiện đại đến từ Đại Học Chicago và một chuyên viên khác đến từ Kenya hiện đang là một trong những người trực tiếp phát triển ứng dụng Logos, một ứng dụng đang được sử dụng rộng rãi tại Biblicum. Theo một thống kê cho biết, hiện nay có đến 42% những người sở hữu các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính đang sử dụng các nhu kiện ứng dụng Kinh Thánh. Tùy theo từng chương trình các ứng dụng có thể cùng lúc cung cấp các bản văn Kinh Thánh, các bản dịch, bản đồ Kinh Thánh, các sách chú giải và từ điển Kinh Thánh. Mỗi chương trình được thiết kế phù hợp theo từng đối tượng sử dụng như cho trẻ em, người lớn, các sinh viên Kinh Thánh hoặc những nhà nghiên cứu Kinh Thánh. Tất nhiên mỗi chương trình đều có các ưu và nhược điểm khác nhau. Không biết vì lý do gì, trên thực tế các máy tính và điện thoại nối kết internet tại workshop có chủ đề New Technologies liên tục bị trục trặc! Các tham dự viên không thể tin nổi chuyện này lại xảy ra tại một khách sạn – trung tâm hội nghị 4 sao giữa Rô-ma. Sau đây là một vài đường dẫn và các chương trình hữu ích cho việc học hỏi Lời Chúa:

Ngoài ra còn có rất nhiều các website khác do chính các tham dự viên tự giới thiệu và hầu hết mục đích của các trang mạng này là để phục vụ những nhu cầu mục vụ Kinh Thánh. Tuy nhiên, để có được những ứng dụng hoặc chương trình hỗ trợ cho việc học hỏi và sống Lời Chúa vừa nêu, cần rất nhiều công sức đầu tư như: (1) đội ngũ chuyên viên công nghệ thông tin; (2) những cộng tác viên trong ban biên tập; và quan trọng nhất (3) những người cung cấp bài viết đều đặn và lâu dài theo từng chủ đề.

3.4. Thánh lễ

Thánh lễ chiều được cử hành lúc 18 giờ và do các tham dự viên đến từ khu vực Phi Châu chuẩn bị. Chủ sự thánh lễ là một giám mục đến từ vùng Phi Châu nói tiếng Pháp. Tuy nhiên phần giảng lễ lại do một giám mục đến từ vùng nói tiếng Anh đảm nhận. Một số phần trong thánh lễ như kinh Lạy Cha được đọc bằng tiếng La Tinh. Vị giảng lễ chia sẻ đoạn Tin Mừng Lc 24,13-25. Đức Cha chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân rất thực. Nhiều lần chúng ta cũng chỉ muốn bỏ về quê, về lại nơi chốn yên bình nào đó vì chán nản, thất vọng và mệt mỏi trong hành trình phục vụ Lời Chúa. Trong những nỗi chán chường ấy Thánh Lễ là nơi làm cho chúng ta sống lại Niềm Vui Phục Sinh, giúp chúng ta can đảm trở lại với hành trình theo Chúa, phục vụ anh chị em và cùng nhau sống mầu nhiệm Tin Mừng. Đức cha giảng lễ tuy cao niên nhưng là một trong số những tham dự viên rất tích cực. Hầu như trong mọi buổi hội thảo đều thấy Đức cha đưa tay xin phát biểu hoặc chất vấn thuyết trình viên.

Trong giờ cơm chiều, tiến sĩ Natividad Pagadut, điều phối viên khu vục Đông Nam Á mời các thành viên Thái Lan, Phi Luật Tân, Miến Điện, Việt Nam… ngồi chung một bàn với nhau. Trước đó bà đã dự kiến dành thời gian sau giờ cơm chiều để các thành viên có cơ hội gặp mặt kỹ lưỡng hơn. Tuy nhiên vì các tham dự viên phải tham dự buổi họp chung nên chỉ có thể trao đổi một vài thông tin vắn tắt ngay trong bữa ăn.

3.5. Hội thảo tối 24 tháng 4

Phần hội thảo bắt đầu lúc 20 giờ do tổng thư ký CBF chủ sự. Ngoài những trình bày khái quát về chương trình của ban thư ký và hội đồng điều hành, cha Jan J. Stefanów cũng mời gọi mọi người đóng góp ý kiến cho các cuộc gặp gỡ chung dự trù sẽ diễn ra tại một số vùng miền trong thời gian sắp tới. Các tham dự viên, đặc biệt là vùng Mỹ Châu La Tinh hăng hái đóng góp nhiều ý kiến. Tại hội thảo cũng có những ý kiến cho rằng cần xác định ranh giới giữa Kinh Thánh Công Giáo và Kinh Thánh Tin Lành. Tuy nhiên những tham dự viên có kinh nghiệm lâu năm làm việc trực tiếp với CBF nhắc mọi người cẩn thận khi phát biểu nhất là về Thánh Kinh Hội. Sự trợ giúp từ Thánh Kinh Hội là không thể phủ nhận và quan trọng hơn trước mắt là cả một chặng đường dài của Công Cuộc Đại Kết. Phần cuối buổi hội thảo chung, Cha thư ký cũng mời gọi mọi người cho ý kiến về tập san Bulletin Dei Verbum của Liên Hiệp. Cuộc họp kết thúc lúc 21 giờ đêm.

3.6. Lectio Divina và Hội thảo - sáng 25 tháng 4

Tương tự như chương trình ngày hôm trước, toàn thể anh chị em tham dự viên thực hành Lectio Divina từ 8 giờ sáng. Sau giờ Lectio Divina anh chị em quy tụ tại hội trường lớn, tiếp tục nghe chia sẻ Lời Chúa trong ngày. Hôm nay một tham dự viên đến từ một Giáo Hội Chính Thống, anh Daniel phụ trách chia sẻ Lời Chúa. Không chỉ dừng lại ở đoạn Lời Chúa theo phụng vụ mỗi ngày, anh suy niệm trọn cả chương cuối cùng Tin Mừng thứ ba. Suy niệm của anh Daniel tập trung vào các diễn tiến từ nỗi buồn mất Chúa đến niềm vui Phục Sinh và sống ơn gọi làm chứng của các môn đệ Đức Giê-su.

3.6.1. Cha Piotr Nawrot SVD13

Linh mục nhạc sư Piotr mở đầu hội thảo ngày 25 với đề tài “Lời Chúa trong Âm Nhạc”. Phần tham luận của Cha Piotr đúng ra sẽ được trình bày trước buổi hòa nhạc đêm 25, tuy nhiên đã được đôn lên thay thế cho phần hội thảo của thầy Enzo Bianchi, người được dự trù sẽ thuyết trình đề tài “Lời Chúa trong Thế Giới của Thiên Chúa – Lectio Divina”. Các tham dự viên cảm thấy đôi chút hụt hẫng khi được biết vì lý do sức khỏe thầy không thể đến chia sẻ tại Đại Hội.

Thuyết trình viên khởi đi từ lịch sử thánh ca, tức âm nhạc được sáng tác và sử dụng trong phụng vụ vốn có mối liên hệ chặt chẽ với cấu trúc thơ ca và nhạc tính cách riêng trong các Thánh Vịnh, Diễm Ca, Ai Ca và những phân đoạn khác trong Sách Thánh. Thánh ca phát triển, đạt đến đỉnh cao và mang tính hàn lâm tại Châu Âu một ngày nọ theo bước chân các thừa sai rồi hội nhập vào những nơi xa xôi hẻo lánh thuộc các vùng truyền giáo. Cha Piotr, tiến sĩ âm nhạc người gốc Ba Lan thuộc dòng Ngôi Lời, ngay từ khi còn là nghiên cứu sinh, đã dành hết tâm sức để nghiên cứu quá trình hội nhập âm nhạc nơi những nền văn hóa bản địa vùng Mỹ Châu La Tinh. Từ thế kỷ 17, cha cho biết cùng với hành trình truyền bá Tin Mừng, các thừa sai đã đi một bước dài khi can đảm khoác cho thể loại âm nhạc Ba-rốc một sứ vụ, sứ vụ đem đến vẻ mặt rạng rỡ và tươi vui hơn cách riêng với các bài thánh ca sử dụng trong phụng vụ. Hành trình nghiên cứu âm nhạc học (musicology – lịch sử, lý thuyết và khoa học về âm nhạc) đã đưa cha Piotr đến quyết định táo bạo, đem âm nhạc Ba-rốc trở lại với thánh đường là nơi dù thâm nghiêm và ngập tràn bầu khí chiêm niệm cầu nguyện vẫn có chỗ cho sự năng động và tươi trẻ.

Cất công thu thập các thủ bản âm nhạc được soạn từ thế kỷ 17 rồi lặn lội vào những cánh rừng nhiệt đới Bo-li-vi-a, cha Piotr đã khám phá rất nhiều điều thú vị về các thừa sai. Từ nhiều trăm năm trước, họ đã khuyến khích những giáo hữu bản địa sáng tác và sử dụng các nhạc cụ của mình trong các buổi cầu nguyện và phụng vụ. Âm nhạc bản địa khi đó cũng là ngôn ngữ đối thoại của các thừa sai. Khoảng cách giữa người dân và những nhà truyền giáo được gỡ bỏ nhờ âm nhạc. Người dân đón chào những thừa sai khi thấy họ cũng hát ca thể loại nhạc của mình, và sau khi tòng giáo những tân tòng bản địa lại hát thánh ca La Tinh. Quá này hội nhập này diễn ra rất tự nhiên không chỉ trong lãnh vực âm nhạc mà còn trong kiến trúc và những ngành nghệ thuật khác.

Việc thu thập các thủ bản âm nhạc (musical manuscripts) cũng rất công phu. Khi chứng kiến những tù trưởng các bộ lạc gìn giữ những thủ bản âm nhạc thánh ca như thánh tích, cha Piotr nhận ra âm nhạc không còn bó gọn trong những khái niệm như giai điệu, hòa âm hay nhịp điệu nữa, âm nhạc đích thị là một phương thế diễn tả Đức Tin. Quả thật, sau khi các thừa sai bị buộc phải rời vùng truyền giáo và các cộng đoàn được các ngài kiến thiết cho dân bản địa thì đoàn chiên ở những nơi ấy cũng tan tác. Để tránh kiếp phu dịch trong các công xưởng hay đồn điền, họ dắt nhau trốn về những cánh rừng. Một trong những gì họ có thể đem theo làm sản nghiệp chính là những thủ bản âm nhạc thánh ca, thủ bản sách hát lễ và những cây đàn vi-ô-lông.

Cùng với những video clip phụ họa trong phần thuyết trình, cha Piotr tái hiện khái quát công việc của mình. Trước hết là công phu phục chế các thủ bản làm nền cho những sáng tác hoặc phục hồi những tác phẩm âm nhạc cổ xưa. Kế đến, cha quay trở lại các thôn làng chọn lựa các ca viên là hậu duệ của những người đã từng hát những thủ bản âm nhạc này. Bước cuối cùng, cha kiên trì làm việc và tập luyện cùng với họ cho đến khi thành hình những ca đoàn đạt đến trình độ có thể trình diễn thể loại âm nhạc Ba-rốc trong một buổi hòa nhạc. Lời Chúa, âm nhạc và hành trình loan báo Tin Mừng với cha là như thế.

3.6.2. Nữ tu Maria Ko Ha-Fong FMA.

Nữ tu giáo sư Kinh Thánh Maria Ko trình bày đề tài “Kinh Thánh là nền tảng cho việc đối thoại.” Giáo sư người Trung Quốc sinh tại Ma-cao, lớn lên ở Hương Cảng trước khi trở thành nữ tu Sa-lê-siêng Đông-Bốt-Cô tại Ý. Hiện tại giáo sư đang giảng dạy các bộ môn chú giải Kinh Thánh Tân Ước. Phần thuyết trình của giáo sư tập trung vào đề tài đối thoại trong Kinh Thánh trên tinh thần thông điệp Ecclesiam Suam, thông điệp đầu tiên của đức thánh cha Phao-lô VI ban hành ngày 6/8/1964.

Bản văn Kinh Thánh được giáo sư trích dẫn gồm Cv 8,26-40 và Lc 24,13-35. Khởi đầu của hai cuộc đối thoại là những câu hỏi: (1) “Ngài có hiểu điều ngài đọc không?”; (2) “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Sau đó là những trao đổi giải thích. Trong sách Công Vụ Tông Đồ, Phi-líp-phê giảng giải về Chúa Giê-su và kết quả là việc chịu phép rửa của viên quan. Trong Tin Mừng thứ ba, Đức Giê-su một lần nữa mặc khải chính mình cho hai môn đệ cách riêng khi đồng bàn với họ.

Giáo sư Maria Ko đi vào trọng tâm của bài thuyết trình qua việc phân chia ba mức độ khác nhau trong phạm trù đối thoại: (1) Thần học; (2) Hermeneutic và (3) Sự năng động của Kinh Thánh – Dynamism of the Bible.

3.6.3. Nữ giáo sư Elsa Támez

Nữ giáo sư Elsa Támez, thần thọc gia giải phóng thuộc giáo hội Methodist14 tiếp nối phần hội thảo cuối cùng sáng 25 tháng 4 với đề tài được ban tổ chức giới thiệu trước trong phần các chủ đề thuyết trình, “… chúng ta nghe, mỗi người chúng ta, bằng ngôn ngữ bản xứ của chính chúng ta” - tức là làm cho Kinh Thánh trở nên dễ hiểu (“… we hear, each of us, in our own native language” – making the Bible understandable). Thực ra đề tài mà Elsa Támez trình bày có tựa đề tiếng Tây Ban Nha là “La traducción de la Biblia: Un díalogo intercultural – Dịch Kinh Thánh là một cuộc đối thoại liên văn hóa.” Dù đã về hưu, Elsa Támez vẫn là một cố vấn dịch thuật của Thánh Kinh Hội quốc tế. Bà mở đầu đề tài hội thảo bằng khẳng định rằng khi dịch một bản văn Kinh Thánh, yếu tố liên văn hóa đóng vai trò hết sức quan trọng. Ở chiều ngược lại nếu nhắm vào độc nhất một nền văn hóa nào đó, việc dịch thuật hàm chứa nhiều nguy cơ. Lịch sử về việc dịch thuật Kinh Thánh như đã biết khởi đi từ việc thông dịch từ tiếng Híp-ri sang tiếng A-ram. Sau đó Kinh Thánh được phiên dịch sang tiếng Hy Lạp rồi La Tinh... Có vẻ như với “tinh thần giải phóng,” Bà đã trích dẫn đoạn thư gởi tín hữu Híp-ri sau đây để đi vào chi tiết của bài thuyết trình:

“Vì thế, chúng ta càng phải chú tâm hơn nữa vào những lời đã nghe, kẻo bị cuốn trôi đi mất. Quả vậy, nếu lời được các thiên thần loan báo đã có hiệu lực, và nếu mọi vi phạm cũng như bất tuân đều bị phạt đích đáng, thì làm sao chúng ta thoát khỏi, nếu chúng ta thờ ơ với ơn cứu độ cao quý như thế? Ơn cứu độ đó, đầu tiên đã được Chúa rao giảng, rồi được những kẻ nghe cho chúng ta thấy là có hiệu lực, đồng thời được Thiên Chúa chứng thực bằng những dấu lạ điềm thiêng, bằng nhiều quyền năng khác nhau và bằng các ân huệ của Thánh Thần mà Người phân phát tùy ý muốn của Người.

Thật vậy, Thiên Chúa đã không trao cho các thiên thần quyền làm chủ thế giới tương lai, thế giới mà chúng ta đang nói đến. Nhưng trong một đoạn Kinh Thánh kia, có người đã làm chứng rằng: Phàm nhân là chi mà Chúa cần nhớ đến? Con người là gì mà Chúa phải thăm nom? Chúa đã làm cho con người thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, ban vinh quang, danh dự làm mũ triều thiên, đặt muôn loài, muôn sự dưới chân con người, bắt chúng phải phục quyền con người, Thiên Chúa không để cho một sự gì không phục quyền con người. Thật ra, hiện nay chúng ta chưa thấy muôn loài muôn sự phục quyền con người. Nhưng con người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Ðức Giê-su. Thật vậy, Ðức Giê-su đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa.

Quả thế, chính vì Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên đã làm một việc thích đáng, là cho Ðức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ. Thật vậy, Ðấng thánh hóa là Ðức Giê-su, và những ai được thánh hóa đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em, khi nói:

Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội Dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương.

Người lại nói: Phần tôi, tôi sẽ tin cậy Thiên Chúa. Người lại nói: Này tôi đây, cùng với những con cái mà Thiên Chúa đã ban cho tôi.

Như thế, vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Ðức Giê-su đã cùng mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ. Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu Áp-ra-ham. Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách.” (Hr 2,1-18).

Dịch thuật là phương thế thông truyền Lời Chúa và cũng đã từng có rất nhiều giả định về việc dịch thuật, chẳng hạn, (1) dịch từ Híp-ri sang A-ram, rồi từ A-ram sang Hy Lạp? (2) dịch hay chép lại từ bản dịch những phần Tân Ước trích dẫn Cựu Ước? (3) dịch từ Híp-ri sang La Tinh hay Hy Lạp sang La Tinh? (4) dịch từ Híp-ri sang Aram (Peshitta)…?

Elsa Támez trình bày hai mô hình dịch thuật: (1) dịch từ ngôn ngữ gốc sang một ngôn ngữ khác với ý hướng chuyển tải nội dung đầy đủ nhất có thể ý nghĩa của từ vựng, của cấu trúc thành ngữ, văn phạm...; (2) dịch sang một ngôn ngữ xã hội (social language = pragmatic?) chẳng hạn như dịch Kinh Thánh cho các em nhỏ, dịch Kinh Thánh bằng ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính... Elsa Támez trình bày nhiều hơn về mô hình thứ nhất tức dịch từ ngôn ngữ gốc sang một ngôn ngữ khác. Bà trình bày một số điểm cần lưu ý như sau:

Elsa Taméz để ý cách riêng những ẩn dụ trong Kinh Thánh và tiến trình đối thoại văn hóa trong quá trình phiên dịch. Bà đề nghị một vài kỹ năng khả dĩ như sau:

3.7. Workshops chiều 25 tháng 4

Các workshops buổi chiều cùng mang một chủ đề nhưng chia thành nhiều nhóm nhỏ tùy theo những vùng miền khác nhau. Các tham dự viên được khuyến khích tùy nghi lựa chọn vùng miền mà mình quan tâm. Workshop Lời Chúa tại Á Châu đón chào rất nhiều tham dự viên đến từ các châu lục khác.

Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo vùng Á Châu (CBF – ASIA) được chia thành ba miền: (1) Miền Đông Nam Á có 7 quốc gia có thành viên CBF: Cam-bốt, Mã Lai, Miến Điện, Nam Dương, Phi Luật Tân, Thái Lan và Việt Nam; (2) Miền Bắc Á: Hồng Kông, Nhật Bản, Ma-cao, Mông Cổ, Nam Triều Tiên, Đài Loan; (3) Miền Nam Á: Băng-la-đét, Ấn Độ, Nê-pan, Pa-kít-tan, Sri-lan-ka. Ngoài phần giới thiệu tổng quát của tiến sĩ Natividad, các phần còn lại là giới thiệu, trình bày và chia sẻ những kinh nghiệm phục vụ Lời Chúa của một số thành viên CBF – ASIA. Trước phần trình bày của các thành viên, điều phối viên vùng Á Châu nhắc lại tinh thần của Tông Huấn Evangelii Gaudium các số 146-151; 174-175 và toàn bộ chương IV. Xin được trích lại nguyên văn:

146. Bước đầu tiên sau khi cầu nguyện với Chúa Thánh Thần là dồn tất cả sự chú ý vào bản văn Kinh Thánh, vì nó phải là cơ sở cho bài giảng của chúng ta. Mỗi khi ta dừng lại và tìm cách hiểu sứ điệp của một bản văn cụ thể là ta đang thực hành “lòng kính trọng sự thật”. Đây là sự khiêm tốn của con tim nhìn nhận rằng lời luôn luôn vượt quá chúng ta, “chúng ta không phải là chủ, người sở hữu, nhưng là người giữ gìn, người loan báo và người phục vụ lời”. Thái độ khiêm nhường và cung kính này được biểu lộ qua việc dành thời gian để học lời một cách hết sức kỹ lưỡng và với một lòng kính sợ thánh thiện để không xuyên tạc lời. Để cắt nghĩa một bản văn Kinh Thánh, chúng ta cần nhẫn nại, gạt sang một bên mọi quan tâm khác, và dành cho nó thời giờ, sự quan tâm và cầm lòng cầm trí. Chúng ta phải gạt sang một bên mọi mối lo cấp bách khác và tạo ra một môi trường thanh thản để tập trung chú ý. Nếu chúng ta chỉ muốn tìm những kết quả chóng vánh, dễ dàng và có ngay lập tức thì đọc bản văn Kinh Thánh là chuyện vô ích. Chuẩn bị giảng đòi hỏi tình yêu. Chúng ta chỉ dành những thời giờ yên tĩnh cho những sự vật và những người mình yêu; và ở đây chúng ta đang nói chuyện với Thiên Chúa mà chúng ta yêu, một Thiên Chúa muốn nói chuyện với chúng ta. Vì tình yêu này, chúng ta có thể dành đủ thời giờ chúng ta cần, như mọi người môn đệ đích thực: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe” (1 S 3:9).

147. Trước hết, chúng ta cần chắc chắn mình hiểu nghĩa của những lời chúng ta đọc. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh một điều có vẻ hiển nhiên, nhưng không luôn luôn được chúng ta lưu ý: bản văn Kinh Thánh mà chúng ta học đã có từ hai hay ba ngàn năm rồi; ngôn ngữ của nó rất khác với ngôn ngữ chúng ta nói ngày nay. Cả khi chúng ta tưởng mình hiểu những từ được dịch sang tiếng của chúng ta, điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta đã hiểu đúng những gì mà tác giả thánh muốn nói. Chúng ta thành thạo các công cụ khác nhau do khoa phân tích văn chương cung cấp: chú ý tới các từ lặp đi lặp lại hay nhấn mạnh, nhận ra cấu trúc và chuyển động cụ thể của một bản văn, xem xét vai trò của các nhân vật khác nhau, v.v… Nhưng mục tiêu của chúng ta không phải là hiểu từng chi tiết nhỏ bé của một bản văn; mục đích quan trọng nhất của chúng ta là khám phá ra sứ điệp chính của nó, sứ điệp tạo nên cấu trúc và sự thống nhất của bản văn. Nếu người giảng thuyết không cố gắng làm việc này, bài giảng của họ thường sẽ không có sự thống nhất hay trật tự; những điều họ nói sẽ chỉ là một sự chồng chất các ý tưởng rời rạc không thể tạo cảm hứng cho người nghe. Sứ điệp trung tâm là điều mà tác giả chủ yếu muốn thông truyền; nó đòi hỏi phải nhận ra không chỉ các ý tưởng của tác giả nhưng hiệu quả mà tác giả muốn tạo ra. Nếu một bản văn được viết ra để an ủi, ta không được sử dụng nó để sửa sai các lỗi lầm; nếu nó được viết để khuyến dụ, ta không được dùng nó để dạy học thuyết; nếu được viết để dạy về Thiên Chúa, ta không được dùng nó để trình bày các ý kiến thần học khác nhau; nếu được viết để kêu gọi lời ngợi khen hay ra đi truyền giáo, ta đừng dùng nó để bàn về các tin tức mới nhất.

148. Chắc chắn để hiểu đúng ý nghĩa sứ điệp trọng tâm của một bản văn, chúng ta cần liên kết nó với giáo huấn của toàn bộ Kinh Thánh như được Hội Thánh truyền lại. Đây là một nguyên tắc quan trọng của khoa chú giải Kinh Thánh, nó nhìn nhận rằng Chúa Thánh Thần đã linh hứng không chỉ một phần Kinh Thánh, nhưng toàn bộ Kinh Thánh, và trong một số lãnh vực người ta đã phát triển sự hiểu biết về ý muốn của Thiên Chúa dựa trên kinh nghiệm bản thân của họ. Nguyên tắc này cũng ngăn ngừa những cách giải thích sai lạc hay cục bộ có thể mâu thuẫn với các giáo huấn khác của cùng bộ Sách Thánh. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta có thể giảm nhẹ sự nhấn mạnh đặc trưng và cụ thể của một bản văn mà chúng ta phải giảng. Một trong các khuyết điểm của một bài giảng tẻ nhạt và kém hiệu quả chính là nó không có khả năng thông truyền sức mạnh nội tại của bản văn đã được công bố.

149. Người giảng thuyết “trước hết phải phát triển một sự thân mật sâu xa với Lời Chúa. Hiểu biết các khía cạnh ngôn ngữ hay chú giải chắc chắn là cần nhưng không đủ. Họ cần đến với Lời Chúa bằng một con tim ngoan ngoãn và cầu nguyện, để lời thấm sâu vào các tư tưởng và tình cảm của họ và tạo một cái nhìn mới nơi họ”. Canh tân lòng sốt sắng của chúng ta mỗi ngày và mỗi Chúa Nhật khi chúng ta chuẩn bị bài giảng, xét mình để xem chúng ta có lớn lên trong tình yêu đối với lời chúng ta giảng hay không, đó là những điều có ích cho chúng ta. Chúng ta cũng không được quên rằng “sự thánh thiện của thừa tác viên cao hay thấp có một ảnh hưởng thực sự đối với việc rao giảng lời”. Như Thánh Phaolô nói, “chúng tôi rao giảng, không phải để làm vừa lòng người phàm, mà để làm đẹp lòng Thiên Chúa, Ðấng thử luyện tâm hồn chúng tôi” (1 Tx 2:4). Nếu chúng ta có một ước muốn sống động được là người đầu tiên nghe lời mà mình phải giảng, chắc chắn lời này sẽ được thông truyền cho những người dân trung thành của Chúa, vì “lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Mt 12:34). Các bài đọc ngày Chúa Nhật sẽ vang dội với tất cả sự rạng rỡ của chúng trong tim các tín hữu nếu trước tiên chúng đã vang dội trong tim người mục tử của họ.

150. Đức Giêsu tức giận với những hạng thầy dạy đòi hòi nhiều ở người khác, dạy lời Thiên Chúa mà không để cho lời Thiên Chúa soi sáng mình: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23:4). Thánh Giacôbê tông đồ khuyên: “Thưa anh em, đừng có nhiều người trong anh em ham làm thầy thiên hạ, vì anh em biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn” (Gc 3:1). Ai muốn giảng thì trước tiên phải để cho lời Thiên Chúa lay động mình một cách sâu xa và thấm nhập vào trong đời sống hằng ngày của mình. Như vậy, giảng chủ yếu là ở hoạt động quá sâu xa và hiệu quả ấy, đó là “thông truyền cho người khác điều mình đã chiêm ngắm”. Vì tất cả các lý do trên, trước khi sửa soạn những gì mình sẽ thực sự nói ra khi giảng, chúng ta cần để cho lời thâm nhập chúng ta, cũng là lời sẽ thâm nhập người khác, vì đó là một lời sinh động và sắc bén, như thanh gươm “xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4:12). Đây là điều rất quan trọng trong hoạt động mục vụ. Ngày nay cũng vậy, người ta thích nghe những chứng nhân hơn: họ “khát sự chân thực” và “đòi có những người rao giảng Tin Mừng nói cho họ về một vị Thiên Chúa mà mình biết và thân quen, như thể đang nhìn thấy Người”.

151. Không ai đòi chúng ta phải vô tì tích, nhưng chúng ta buộc phải không ngừng lớn lên và muốn lớn lên khi tiến bước trên con đường của Tin Mừng; chúng ta không bao giờ được chùn chân. Điều cơ bản là người giảng thuyết phải tin chắc rằng Thiên Chúa yêu thương họ, rằng Đức Kitô Giêsu đã cứu họ và tình yêu của Ngài luôn luôn có tiếng nói cuối cùng. Gặp gỡ một mối tình đẹp như thế, người giảng thuyết sẽ thường xuyên cảm nhận rằng đời sống họ không tôn vinh Thiên Chúa cho đủ, và họ sẽ thành tâm muốn đáp lại tình yêu khôn lường ấy một cách trọn vẹn hơn. Nhưng nếu họ không dành thời giờ để nghe lời Thiên Chúa với con tim rộng mở, nếu họ không để cho lời đánh động cuộc đời họ, thách thức họ, thúc đẩy họ, và nếu họ không dành thời giờ cầu nguyện bằng lời ấy, thì quả thực họ sẽ là một tiên tri giả, một kẻ lừa đảo, một kẻ huênh hoang trống rỗng. Nhưng bằng cách nhìn nhận sự nghèo hèn của mình và muốn lớn lên trong sự dấn thân của mình, họ sẽ luôn luôn có thẻ phó thác mình cho Đức Kitô và nói lên những lời của Thánh Phêrô: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây” (1 P 3:6). Chúa muốn sử dụng chúng ta như những con người sống động, tự do và sáng tạo, những con người để cho lời Người thâm nhập lòng mình trước tiên rồi truyền sang cho người khác. Sứ điệp của Đức Kitô phải thực sự thâm nhập và chiếm hữu người giảng thuyết, không chỉ phần trí óc nhưng toàn thể hiện hữu của họ. Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng lời, “hôm nay, giống như lúc khởi đầu của Hội Thánh, Người vẫn hoạt động trong mỗi người giảng thuyết biết để mình được Người chiếm hữu và dẫn dắt. Chúa Thánh Thần đặt trên môi người giảng thuyết những lời mà họ không thể tự mình tìm ra”.

174. Không chỉ bài giảng phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Mọi việc loan báo Tin Mừng cũng phải dựa trên lời ấy, phải lắng nghe, suy niệm, sống, cử hành và làm chứng cho lời ấy. Kinh Thánh chính là nguồn mạch của việc loan báo Tin Mừng. Do đó, chúng ta cần không ngừng được huấn luyện trong việc nghe lời Chúa. Hội Thánh không loan báo Tin Mừng nếu chính mình không được nghe Tin Mừng. Lời Chúa thiết yếu phải “không ngừng được đặt một cách đầy đủ hơn vào tâm điểm của mọi hoạt động của Hội Thánh”. Lời Chúa khi được lắng nghe và cử hành, trước hết trong Thánh Thể, sẽ nuôi dưỡng và kiện cường tâm hồn các Kitô hữu, giúp họ cống hiến một chứng tá đích thực cho Tin Mừng trong đời sống hằng ngày. Chúng ta từ lâu đã vượt qua được sự đối chọi xưa kia giữa lời và bí tích. Việc giảng lời sống động và hiệu quả có tác dụng chuẩn bị cho việc lãnh nhận bí tích, và lời đạt được hiệu quả tối đa trong bí tích.

175. Việc học hỏi Kinh Thánh phải là một cánh cửa rộng mở cho mọi tín hữu. Nhất thiết lời mặc khải phải triệt để làm cho việc dạy giáo lý và mọi cố gắng truyền thụ đức tin của chúng ta trở nên phong phú. Loan báo Tin Mừng đòi hỏi sự thân mật với lời Chúa, nó kêu gọi các giáo phận, giáo xứ và các hiệp hội Công Giáo tổ chức các cuộc học hỏi nghiêm túc và thường xuyên về Kinh Thánh, đồng thời khuyến khích các cá nhân và cộng đoàn đọc Kinh Thánh với tâm tình cầu nguyện. Chúng ta không tìm kiếm Thiên Chúa một cách mò mẫm, hay chờ đợi Ngài nói với chúng ta trước, bởi vì “Thiên Chúa đã nói với chúng ta rồi, và không có gì chúng ta cần biết mà Ngài đã không mặc khải cho chúng ta”. Chúng ta hãy đón nhận kho tàng siêu vời này của lời mặc khải.15

3.7.1. Hoạt động tông đồ Kinh Thánh tại Sri-lan-ka

Các chương trình mục vụ Kinh Thánh tại Sri-lan-ka rất phong phú như: (1) Kênh truyền hình Verbum-TV; (2) Bộ đề cương học hỏi Kinh Thánh toàn quốc; (3) Các chương trình đố vui Kinh Thánh; (4) Bộ sách hướng dẫn đọc Kinh Thánh theo năm phụng vụ; (4) Chú giải Kinh Thánh Chúa nhật và ngày các ngày lễ; (5) Giáo lý Kinh Thánh cho các giới; (6) Chương trình chia sẻ Tin Mừng theo nhóm; (7) Tổ chức các hội thảo và khóa học Kinh Thánh các cấp; (8) Kinh Thánh cho mỗi gia đình. Việc duy trì và phát triển các thành quả nêu trên cũng là một thách đố không nhỏ cho những người có trách nhiệm.

3.7.2. Mục Vụ Kinh Thánh tại Nam Triều Tiên

Sau khi cha trưởng nhóm giới thiệu tổng quát các hoạt động mục vụ Kinh Thánh tại Nam Triều Tiên. Một nữ tu tiếp tục trình bày chi tiết hơn một hoạt động mục vụ mà chị đang điều hành. Bao gồm các nhóm đọc Kinh Thánh có thể từng sách một hoặc toàn bộ Sách Thánh từ sách Sáng Thế cho đến sách Khải Huyền. Chương trình kéo dài 40 tuần. Có những nhóm đọc Sách Thánh bằng cách viết ra từng câu một, như một cách thức đọc chậm, đọc kỹ và để dễ thuộc.

3.7.3. Mục Vụ Kinh Thánh tại Phi Luật Tân

Các chương trình mục vụ Kinh Thánh tại Phi Luật Tân gồm có: (1) hướng dẫn và thực hành Lectio Divina; (2) tổ chức các khóa học và hội thảo Kinh Thánh các cấp; (3) các chương trình tĩnh tâm với Kinh Thánh; (4) chương trình Kinh Thánh 100 tuần; (5) chương trình kể chuyện Kinh Thánh; (6) hội thảo Kinh Thánh cho giáo chức và các bậc phụ huynh; (7) các khóa huấn luyện giáo viên Kinh Thánh; (8) các khóa học Kinh Thánh cho giới lãnh đạo các đoàn thể công giáo; (9) chương trình Kinh Thánh và nữ quyền. Trách nhiệm dạy giáo lý, dạy Kinh Thánh của phụ nữ cho con cái trong gia đình...

3.7.4. Sứ Vụ Mục Vụ Kinh Thánh tại Ấn Độ

Hoạt động mục vụ kinh thánh tại Ấn Độ chia làm nhiều cấp độ từ trung ương đến các địa phương. Các hoạt động tiêu biểu: (1) huấn luyện các giảng viên Kinh Thánh; (2) các khóa hội thảo Kinh Thánh liên địa phận; (3) các khóa học Kinh Thánh kéo dài trong vòng một tháng tại các trung tâm mục vụ; (4) phát hành đĩa CD Kinh Thánh có bản văn và phần thu âm; (5) các khóa học Kinh Thánh cho các giới và các độ tuổi; (5) chương trình truyền hình Kinh Thánh và liên hoan phim Kinh Thánh.

3.7.5. Giới thiệu công việc của Ủy Ban Kinh Thánh Công Giáo tại Pa-kít-tan

Dù thuộc về một cộng đoàn thiểu số tại Pa-kít-tan, song chương trình và dự án mục vụ Kinh Thánh Công Giáo tại đây rất sống động và can đảm: (1) dịch Kinh Thánh ra các ngôn ngữ phổ biến tại Pa-kít-tan; (2) dịch và phổ biến toàn bộ các văn kiện tòa thánh liên quan đến Kinh Thánh; (3) tổ chức các khóa học tiếng Híp-ri, Hy Lạp và La Tinh; (4) biên soạn và in ấn tranh ảnh, sách truyện Kinh Thánh cho trẻ em; (5) chương trình đem Kinh Thánh đến trường học, bệnh viện; (6) tổ chức các khóa học và hội thảo Kinh Thánh cho 7 giáo phận tại Pa-kít-tan; (7) tiến hành dịch The New Jerome Biblical Commentary; (8) phổ biến Kinh Thánh qua các chương trình nghệ thuật.

3.7.6. Viện Kinh Thánh Mum-bai

Viện Kinh Thánh Mum-bai được thành lập từ 1979. Ngoài việc tổ chức các khóa học và hội thảo Kinh Thánh, Viện Kinh Thánh Mum-bai nổi danh như một cơ quan in ấn rất nhiều ấn phẩm liên quan đến Kinh Thánh.

3.8. Thánh lễ

Thánh lễ chiều 25 tháng 4 được cử hành sớm hơn dự định để các tham dự viên kịp ăn cơm tối và sau đó mau chóng di chuyển đến nhà thờ thánh Y-Nhã tham dự buổi hòa nhạc. Thánh lễ được các tham dự viên Mỹ Châu La Tinh chuẩn bị và cử hành trong bầu khí rất vui tươi đúng như phong thái hồn nhiên cởi mở của người Nam Mỹ. Thánh ca, đàn ghi-ta, tiếng vỗ tay theo nhịp hát rộn ràng suốt thánh lễ. Các giám mục tham dự viên Nam Mỹ được sắp xếp ngồi trên “gian thánh” nhưng vị giảng lễ lại là một linh mục. Bài giảng của cha cũng được thông dịch ra các tiếng khác nhưng âm thanh từ headphone dù mở hết cỡ vẫn bị át đi bởi lời giảng trực tiếp và giàu cảm xúc bằng tiếng Tây Ban Nha! Trước thánh lễ còn có phần rước ảnh Đức Mẹ khá long trọng.

3.9. Hòa nhạc

Sau cơm chiều, các tham dự viên di chuyển bằng ba chiếc xe buýt đến nhà thờ thánh Y-Nhã. Vì các xe buýt cỡ lớn không thể đi vào trong phố cổ nên cả đoàn phải đi bộ khoảng một cây số mới đến được nhà thờ. Ca đoàn Dysonans chamber16 trình bày các tác phẩm của cha Piotr về chủ đề Phục Sinh trong khoảng hai giờ đồng hồ. Ngôi nhà thờ với kiến trúc Ba-rốc rất tráng lệ có tuổi đời lớn hơn chút đỉnh so với các thủ bản âm nhạc mà cha Piotr khám phá tại Bo-li-vi-a. Địa điểm này cũng là một trong số những nơi mà các thừa sai dòng Tên khởi hành, lên đường thực hiện những cuộc truyền giáo ở Tân Thế Giới. Sau thời gian bị lãng quên, được khám phá và phục hồi, các tác phẩm âm nhạc Ba-rốc vốn là những công trình hội nhập giữa hai dòng nhạc thánh ca và bản địa giờ đây được trình diễn tại Rô-ma, trong chính một trong những ngôi thánh đường mà các thừa sai đã được sai đi, những người đã dành nhiều công khó để những bản hợp ca Ba-rốc rất đặc sắc ra đời trên vùng truyền giáo sau một quá trình hội nhập diệu kỳ. Các ca viên trong ca đoàn Dysonans chamber thay đổi vị trí trình diễn sau mỗi bài hát. Có những lúc hai nhóm đứng cách xa nhau đến khoảng 30 mét, một nhóm tại gian cung thánh bàn thờ chính, một nhóm tại bàn thờ thánh Y-Nhã phía trái nhà thờ. Buổi hòa nhạc kết thúc vào lúc 22 giờ 30. Những chiếc xe buýt nối hàng đưa các tham dự viên về đến khách sạn lúc hơn 23 giờ.

3.10. Thánh lễ bế mạc và cuộc tiếp kiến với Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Ba chiếc xe buýt đưa các tham dự viên Đại Hội 2019 khởi hành lúc 7 giờ từ khách sạn Ergife thẳng tiến Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô. Xe dừng lại ở bãi đỗ bên trái dinh Thống Đốc Va-ti-can. Các tham dự viên di chuyển vào Vương Cung Thánh Đường qua cổng nhỏ đối diện nhà trọ Mác-ta, cũng là nơi cư ngụ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô. Trong thánh đường lúc này còn có thêm vài chục anh chị em có liên hệ với Đại Hội đợi sẵn để cùng tham dự thánh lễ và cuộc tiếp kiến của Đức Thánh Cha. Thánh lễ được cử hành vào lúc 8 giờ tại gian đầu Vương Cung Thánh Đường, nơi có biểu tượng ngai tông tòa được bốn thánh tiến sĩ giáo hội Âu Tinh, Am-brô-xi-ô, A-tha-na-xi-ô và Gio-an Kim Khẩu nâng trên tay. Hai bên bàn thờ còn có tượng thánh Đa-minh và Thánh Phan-xi-cô… Chủ tế là ĐHY Luis Antonio Gokim Tagle. Cùng đồng tế với ĐHY Tagle còn có ĐHY Kurt Koch và ĐHY Luis Ladaria Ferrer tổng trưởng bộ giáo lý đức tin. ĐHY Luis Ladaria chia sẻ Tin Mừng với anh chị em. Ngài giảng bằng tiếng Tây Ban Nha, tiếng mẹ đẻ của ĐHY mặc dù thánh lễ được cử hành bằng tiếng Ý. Ca đoànDysonans chamber phụ trách phần hát lễ.

Sau thánh lễ, anh chị em tham dự viên được chia thành nhiều nhóm nhỏ để đi tham quan đền thờ, mỗi nhóm đều có hướng dẫn viên trợ giúp bằng một trong các ngôn ngữ Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha hoặc Đức. Sau khi tham quan đền thờ anh chị em xếp hàng đứng đợi tại hành lang phía trong Cổng Đồng, lối có cầu thang dẫn lên Điện Va-ti-can. Lúc 11 giờ 30 anh chị em được đưa lên Hội Trường Clê-men-tê ổn định chỗ ngồi. Hơn 12 giờ Đức Thánh Cha Phan-xi-cô tiến vào hội trường khởi sự cuộc tiếp kiến anh chị em. Sau bài phát biểu chào mừng Đức Thánh Cha của ĐHY Tagle chủ tịch, Đức Thánh Cha có bài huấn dụ17 dành cho toàn thể các tham dự viên Đại Hội. Huấn từ của Đức Thánh Cha xoay quanh chủ đề của Đại Hội “Kinh Thánh và Cuộc Sống.”

Quả thật, cụm từ này hai lần được nhắc đến trong đoạn đầu và đoạn cuối của bài huấn dụ, không kể đoạn lời chào. Đức Thánh Cha cũng dẫn những đoạn Kinh Thánh nhấn mạnh chủ đề trên: “Lời Chúa là lời sống động” (Hr 4,12), bất diệt (1 Pr 1,25; Mt 24,35), chữa lành (G 5,18) và “đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Ngoài những trích dẫn trực tiếp hoặc dẫn ý vừa nêu, Đức Thánh Cha trực tiếp dùng các cụm từ liên quan đến sự sống để triển khai chủ đề huấn dụ: “Lời Chúa là lời sống động và đem lại sự sống”... “Trong Giáo Hội, Lời là thuốc tiêm độc nhất cho cuộc sống”... “chúng ta cần đến Lời ấy cho cuộc sống mỗi ngày”... khi rao giảng chính mình... “chúng ta sẽ thất bại trong việc truyền thông sự sống cho thế giới”... “Lời đem lại sự sống cho tất cả các tín hữu”... “Lời làm cho chúng ta sống như dân Phục Sinh (thể thức phục sinh18): như hạt giống chết đi để đem lại sự sống”... “đánh thức những hồng ân sự sống từ căn rễ, Lời thực sự đem lại sự sống”... “Giáo Hội được nuôi dưỡng bởi Lời vì thế Giáo Hội sống để công bố Lời”... “chúng ta hãy... cắm lều cho Kinh Thánh tại những nơi dân chúng đang sinh sống...”

Trong lúc lần lượt từng tham dự viên Đại Hội tiến lên bắt tay chào thăm Đức Giáo Hoàng, Ca đoàn Dysonans chamber hát Mừng Chúa Phục Sinh.

3.11. Đúc kết và tuyên bố kết thúc đại hội

Trở về lại trung tâm hội nghị lúc 13 giờ 30, các tham dự viên tiếp tục họp nhau tại hội trường lớn để tham dự phiên họp tổng kết đại hội. Vẫn phong thái chia sẻ lôi cuốn như mọi khi, ĐHY chủ tịch lược lại một vài điểm nhấn của Đại Hội. Ngài chân thành cảm ơn các tham dự viên tham dự đại diện cho thành viên CBF. Ngài khuyến khích anh chị em dấn thân hơn nữa cho sứ vụ mục vụ Kinh Thánh. 14 giờ 30 anh chị em tiến vào nhà ăn để cùng nhau dự tiệc chia tay.

4. CBF và Nhóm PD CGKPV

Hình thức và nội dung Đại hội 2019 tại Rô-ma lần này có lẽ cũng không khác nhiều so với sự kiện 14 năm về trước kể cả đề tài Đại Hội như những gì cha giáo An-bê-tô Trần Phúc Nhân († Nhà Hưu Chí Hòa, 2014) ghi lại tại Sài Gòn!

“Mục vụ Kinh Thánh phát triển mạnh mẽ trong Giáo Hội nhằm cung cấp những phương tiện để học hỏi, suy gẫm và sống Lời Chúa. Các bản dịch Kinh Thánh với nhiều trình độ giải thích ra đời. Các nhóm chia sẻ Lời Chúa, các lớp học Kinh Thánh – đôi khi dưới hình thức hàm thụ – được tổ chức. Các hình ảnh, triển lãm, hoạt cảnh về Kinh Thánh v.v. cũng được sử dụng. Ngoài ra, các phương tiện mới nhất, như máy vi tính, internet cũng được dùng để phổ biến Lời Chúa.

Để phối hợp và nâng đỡ mục vụ Kinh Thánh, Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo (Catholic Biblical Federation) được thành lập năm 1969 với mục đích quy tụ các tổ chức Công Giáo phục vụ Lời Chúa. Hiện nay Liên Hiệp có 92 tổ chức là thành viên thực thụ, và 219 thành viên liên kết, thuộc 127 nước. Tại Việt Nam, Hội đồng Giám mục là thành viên thực thụ, và Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ là thành viên liên kết. Tháng 09-2005, để đánh dấu 40 năm Hiến chế về Mặc khải, Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo phối hợp với Hội đồng Giáo hoàng cổ vũ sự Hợp nhất Ki-tô hữu, tổ chức tại Rô-ma Hội nghị Quốc tế với đề tài “Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội”. Hai thành viên Việt Nam cũng được mời tham dự...”19

Nhóm PD CGKPV ra đời sau CBF chỉ hai năm. Nếu CBF là thành quả trực tiếp của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, thì Nhóm PD CGKPV dù ở một xứ truyền giáo rất xa Rô-ma...

“... vì tính chất đặc thù của công việc, Nhóm đã đồng hành với Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo trong việc đưa Lời Chúa đến các gia đình bằng việc nghiên cứu và dịch thuật Kinh Thánh, in ấn và phân phối các sách Lời Chúa cho mọi người.”20

Về những cuộc hội thảo và trao đổi học thuật, Đại Hội 2019 không quá đi sâu vào những lãnh vực chuyên ngành nghiên cứu Kinh Thánh như mô hình hội thảo Louvain21 (UCL) do RRENAB tổ chức. Tuy nhiên lại nhấn mạnh nhiều đến sự liên kết chặt chẽ giữa Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền, chú trọng cách riêng lãnh vực mục vụ Kinh Thánh.

Trong tinh thần hiệp thông với Đại Hội 2019, Nhóm PD CGKPV đã…

“... chào mừng Đại hội Kinh Thánh của Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo toàn thế giới sẽ khai mạc tại Rô-ma trong tuần này nhằm đánh dấu 1600 năm sinh nhật thánh Giê-rô-ni-mô, tổ phụ những người phiên dịch Kinh Thánh, Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ vừa ấn hành tập sách “KHÔNG CHỈ NHỜ CƠM BÁNH” phỏng theo một tài liệu của Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo. Đây là một tập sách nhỏ đề nghị nhiều mẫu khác nhau, mỗi mẫu gồm một vài câu Kinh Thánh (hay một đoạn ngắn) với lời cầu nguyện trước bữa ăn.

Dành một hai phút cho Chúa khi ngồi vào bàn ăn, gia đình hay cộng đoàn sẽ nghiệm thấy lời Chúa Giê-su : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn phải nhờ Lời Chúa dưỡng nuôi” (Mt 4,4).22

CBF chào đời với khởi hứng từ câu mở đầu DV 22. Nhóm PD CGKPV gần 50 năm qua vẫn từng ngày thực hiện nội dung những câu còn lại trong DV 22. Vâng! “Lời Chúa, C’est la vie!”

 

Rô-ma,

Lễ Thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na 2019

Phê-rô Trần Hưng Vĩnh Quang O.P.

1) Cf. http://cbfcongress2019.org/en/about

2) Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa – Dei Verbum số 22 quan tâm cách riêng đến việc dịch thuật Kinh Thánh từ nguyên ngữ sang các thứ tiếng. DV 22 cũng có mối liên hệ mật thiết với các văn kiện khác như TG 22; MV 44, GH 13. 15, HN 14-17, 19-23.

3) Cf. https://c-b-f.org/en/Who-we-are/History

4) “The Bible and Life: Biblical Inspirattion of the Entire Pastoral Life and Mission of the Church (VD 73): Experiences and Challenges”. Cf. http://cbfcongress2019.org/

5) Cf. https://c-b-f.org/en/Who-we-are/Structure/Plenary-Assembly

6) Con số các thành viên ban đầu của Liên Hiệp năm 1972 là 35 thành viên thực thụ và 7 thành viên liên kết. Số thành viên thực thụ và thành viên liên kết cân bằng nhau vào năm 1978 với 49 thành viên thực thụ và 49 thành viên liên kết. Số các thành viên liên kết tính đến năm 1984 nhảy vọt lên 121 thành viên so với 57 thành viên thực thụ. Kể từ năm 2002 số các quốc gia có thành viên của Liên Hiệp giữ nguyên, 126 quốc gia. Có thể tham khảo thêm thống kê của cha Trần Phúc Nhân năm 2005. Cf. Nhân, A. T. P., “Kỷ niệm 40 năm Hiến Chế Mặc Khải (18/11/1965 – 18/11/2005). Cf.https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=45

7) Cf. https://c-b-f.org/en/Who-we-are/Structure/Plenary-Assembly

8) Cf. http://cbfcongress2019.org/en/speakers

9) Bản dịch Việt Ngữ của Ủy Ban Kinh Thánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: “linh hoạt tất cả các công việc mục vụ bằng Kinh Thánh... việc linh hoạt bằng Kinh Thánh tất cả hoạt động mục vụ thông thường và ngoại thường sẽ dẫn đưa đến một hiểu biết lớn lao hơn về con người của Đức Kitô, Đấng mạc khải Chúa Cha và là Mạc Khải viên mãn của Thiên Chúa.”

10) Tông Huấn Verbum Domini. Bản dịch của Ủy Ban Kinh Thánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

11) Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng: Văn Kiện Hướng Dẫn Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh – 1993. Trung G. N. T., (Trans.) Cf. catechesis.net/uy-ban-kinh-thanh-giao-hoang-van-kien-huong-dan-viec-giai-thich-kinh-thanh-trong-hoi-thanh-1993-2/

12) https://catechesis.net/uy-ban-kinh-thanh-giao-hoang-van-kien-huong-dan-viec-giai-thich-kinh-thanh-trong-hoi-thanh-1993-3/

13) Cf. www.svdvocations.org/meet-our-missionaries/missionary-priests/fr-piotr-nawrot-svd

14) Cf. https://wipfandstock.com/author/view/detail/id/9210/

15) Bản dịch của Uỷ Ban Loan Báo Tin Mừng – HĐGMVN.

16) Cf. http://dysonans.pl/en/o-nas/chor/

17) Cf. https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-04/dtc-tiep-300-tham-du-vien-hoi-nghi-kinh-thanh.html

18) Bản tiếng Ý. Cf. https://www.vaticannews.va/it/papa/news/2019-04/papa-francesco-udienza-federazione-biblica-cattolica-bibbia-vita.html#play

19) Nhân, A. T. P., “Kỷ niệm 40 năm Hiến Chế Mặc Khải (18/11/1965 – 18/11/2005). Cf.https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=45

20) Minh, G. N. T., Cf. https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=176

21) Nga, M. L. T. T., Cf. https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=67

22) Cf. https://ktcgkpv.org/

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 5, 2019