Đức Thánh Cha: Chúng Ta Được Mời Gọi Chuẩn Bị Cho Cuộc Sống Vĩnh Cửu Qua Những Chọn Lựa Theo Tinh Thần Phúc Âm

Đức Thánh Cha Phanxicô | Vatican Media

RVA 10/11/2019 G. Trần Đức Anh, O.P.

Trưa Chúa nhật 10/11/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tới với hơn 30 ngàn tín hữu tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Nhân dịp này, ngài nhắc nhở các tín hữu về cuộc sống đời sau. Đức Thánh Cha nói đến hai lễ phong chân phước dịp cuối tuần này, và kêu gọi hòa bình cho Nam Sudan, Bolivia, và lễ Tạ Ơn tại Italia.

Trong bài huấn dụ ngắn, trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trang Tin Mừng hôm nay (Xc Lc 20,27-38) trình bày cho chúng ta một giáo huấn tuyệt vời của Chúa Giêsu về sự sống lại của những người chết. Giáo huấn này thật đúng lúc trong tháng 11 này, tháng chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho những người đã qua đời. Chúa Giêsu bị mấy người thuộc phái Saduxê chất vấn. Họ là những người không tin nơi sự sống lại, vì thế họ khiêu khích Ngài bằng một câu hỏi gài bẫy. Vấn nạn nói về một trường hợp nghịch lý dựa trên luật Môisê: một phụ nữ lần lượt có 7 đời chồng, tất cả những người này đều là anh em với nhau, và lần lượt qua đời, vậy khi sống lại, ai sẽ là chồng của bà vợ ấy?

Chúa Giêsu không rơi vào bẫy và Ngài trả lời rằng những người sống lại ở đời sau không “còn dựng vợ gả chồng nữa: thực vậy họ không thể chết nữa, vì họ giống như các thiên thần và, vì là con cái của sự sống lại, họ là con cái Thiên Chúa” (vv. 35-36).

Mời gọi quan tâm đến chiều kích đời sau

Qua câu trả lời này, trước tiên Chúa Giêsu mời gọi những người đối thoại với Ngài - và cả chúng ta nữa - hãy nghĩ rằng chiều kích trần thế chúng ta đang sống bây giờ không phải là duy nhất, nhưng còn có một chiều kích khác, không còn tùy thuộc sự chết nữa, trong đó sẽ tỏ lộ hoàn toàn chúng ta là con cái Thiên Chúa. Thật là điều an ủi và hy vọng lớn khi nghe lời nói đơn sơ và rõ ràng của Chúa Giêsu về đời sống sau khi chết; chúng ta rất cần điều này, đặc biệt trong thời đại chúng ta, một thời đại phong phú những kiến thức về vũ trụ, nhưng lại nghèo nàn sự khôn ngoan về đời sống vĩnh cửu.

Thiên Chúa của sự sống

Xác quyết minh bạch của Chúa Giêsu về sự sống lại hoàn toàn dựa trên lòng trung tín của Thiên Chúa, là Thiên Chúa của sự sống. Thực vậy, đàng sau vấn nạn của những người Saduxê có tiềm ẩn một câu hỏi sâu xa hơn: không phải là câu hỏi góa phụ 7 đời sống ấy sẽ là vợ của ai, nhưng cuộc sống của bà sẽ là của ai. Đây là một nghi vấn có liên hệ tới con người thuộc mọi thời đại và cả chúng ta nữa: Sau cuộc lữ hành trần thế này, cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao? Phải chăng nó thuộc về hư vô, thuộc về sự chết?

Chúa Giêsu trả lời rằng sự sống thuộc về Thiên Chúa, là Đấng yêu thương và quan tâm tới mỗi người chúng ta, đến độ Chúa gắn liền tên của Ngài với tên của chúng ta: Ngài là “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp. Thiên Chúa không phải của những người chết, nhưng của những người sống; vì tất cả sống vì Ngài” (vv. 37-38). Đó chính là sự khôn ngoan mà không bao giờ có khoa học nào có thể mang lại!

Sự sống được biểu lộ tại nơi có hiệp thông

Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Ở đây có tỏ lộ mầu nhiệm sống lại, vì biểu lộ mầu nhiệm sự sống: sự sống hiện hữu tại nơi nào có liên hệ, hiệp thông, huynh đệ; và chính sự sống mạnh hơn sự chết khi nó được xây dựng trên những tương quan chân thực, và những liên hệ trung tín. Trái lại, không có sự sống tại nơi mà người ta viện cớ là chỉ thuộc về mình và sống như những hòn đảo: trong những thái độ ấy, sự chết trổi vượt. Thực vậy, sự sống lại không phải chỉ là sự kiện hồi sinh sau cái chết, nhưng là một loại đời sống mới mà chúng ta có thể cảm nghiệm ngay từ bây giờ. Sự sống vĩnh cửu là vận mệnh của chúng ta, là chân trời sung mãn chung kết của lịch sử chúng ta. Và đó chính là sự sống mà chúng ta được kêu gọi chuẩn bị qua những chọn lựa theo tinh thần Phúc Âm.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: Xin Đức Trinh Nữ Maria phù giúp chúng ta sống mỗi ngày trong viễn tượng điều mà chúng ta khẳng định trong phần cuối của Kinh Tin Kính: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”.

Chào thăm

Lễ phong chân phước

Sau khi đọc kinh và ban phép lành các tín hữu, Đức Thánh Cha nhắc đến lễ phong chân phước hôm Thứ Bảy vừa qua, 09/11, tại thành phố Granada bên Tây Ban Nha cho nữ tu Maria Emilia Riquelme y Zayas, người sáng lập dòng các nữ Thừa Sai Thánh Thể và Mẹ Maria Vô Nhiễm.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 11, 2019