Vài Nét Về Giáo Hội Công Giáo Tại Nhật

Photo by David Edelstein on Unsplash

RVA 23/11/2019 G. Trần Đức Anh, O.P.

Giống như Thái Lan và có lẽ yếu hơn nước này, Giáo Hội Công Giáo tại Nhật Bản chỉ là một đoàn chiên rất bé nhỏ, chỉ chiếm 0,35% trên tổng số 126 triệu 500 ngàn dân cư, sau 470 năm truyền giáo, tức là kể từ ngày 15/08/1549 khi thánh Phanxicô Xavie đến loan báo Tin Mừng tại Nhật.

Có khoảng 35% dân Nhật theo Phật giáo, từ 3 đến 4% theo Thần Đạo hoặc các tôn giáo bình dân. Từ 1 đến 2% là tín hữu Kitô, trong đó khoảng 540 ngàn là tín hữu Công Giáo. Số tín hữu Công Giáo di dân tại Nhật vào khoảng 600 ngàn người. Trong số các tín hữu Công Giáo từ nước ngoài, đông nhất là người Philippines, khoảng 250 ngàn người, và trong số 300 ngàn người Việt tại Nhật, có 30 ngàn người Công Giáo và 44 linh mục là người Việt Nam.

Theo thống kê của Tòa Thánh, 16 giáo phận tại Nhật được phân thành 3 giáo tỉnh, do 29 Giám mục coi sóc với sự cộng tác của 1.400 Linh mục, trong đó gần 900 vị là linh mục dòng, 170 tu huynh và gần 4.900 nữ tu. Cả nước Nhật có 80 đại chủng sinh.

Thoáng nhìn về tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Nhật và công cuộc truyền giáo tại đây, dường như người ta thấy có một thái độ mệt mỏi, và ngày càng tàn lụi, ít là nơi người bản xứ, nếu không kể các tín hữu Công Giáo nhập cư.

Các Giám mục Nhật chủ trương truyền giáo bằng cuộc sống chứng tá và không muốn lối truyền giáo trực tiếp theo kiểu của “Con đường Tân Dự Tòng”, vì thế Đại chủng viện Redemptoris Mater (Mẹ Đấng Cứu Chuộc), của tổ chức này, đã phải rời bỏ Nhật và đưa về Roma thời Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, mặc dù có sự can thiệp của Bộ truyền giáo và chính Đức Giáo Hoàng Biển Đức.

Những khó khăn của Giáo Hội Nhật theo Đức Tổng giám mục giáo phận Tokyo

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo CNA truyền đi ngày 4 tháng 11 vừa qua, Đức Cha Isao Kikuchi, Tổng giám mục giáo phận Tokio, đã nói về những thách đố và khó khăn trong việc truyền giáo tại Nhật.

Đức Cha Kikuchi năm nay 61 tuổi (1958), thuộc dòng Ngôi Lời, từng hoạt truyền giáo tại Ghana bên Phi châu, trước khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Niigata năm 2004, và năm 2017, ngài được bổ làm Tổng giám mục giáo phận thủ đô Nhật Bản. Theo Đức cha Kikuchi, Giáo Hội tại Nhật vẫn đang tìm kiếm những con đường để loan báo Tin Mừng, một công trình gặp nhiều khó khăn.

Cơ hội truyền giáo trong quá khứ

Đức Tổng giám mục Kikuchi cho biết trong quá khứ, các thừa sai thành công trong việc mở các lớp tiếng Anh và văn hóa, đặc biệt là sau thời thế chiến thứ hai. Để có thể chiếm được địa vị cao trong các doanh nghiệp quốc tế và chính trị, cần biết rành tiếng Anh. Giai đoạn kế tiếp, các trường dạy Anh ngữ tràn ngập ở Nhật, rồi sau đó ở học đường môn Anh ngữ cũng là môn bắt buộc. Vì thế, các trường Công Giáo ở Nhật dần dần từ bỏ ý tưởng giáo dục văn hóa qua việc dạy sinh ngữ. Đức Tổng giám mục nói: “Trường học Công Giáo có thể là nơi để gặp nhiều người trẻ, nhưng rất tiếc nó không còn là nơi cho các hoạt động truyền giáo nữa, trừ một vài trường hợp”.

Thời thế thay đổi: những khó khăn mới

Các giáo xứ Công Giáo thì suy giảm cùng sự giảm sút dân số Nhật, dân ngày càng nhiều người già, thêm vào đó là tình trạng thiếu linh mục ngày càng trở nên trầm trọng. Uy tín của các trường trung học và Đại học Công Giáo vẫn còn và được tôn trọng. Đại học Sophia của dòng Tên được coi là một trong những đại học tư nổi tiếng nhất ở Nhật, một trong số một vài tổ chức có thể cạnh tranh được với các đại học quốc gia ở nước này.

Tuy nhiên, Đức Tổng giám mục Kikuchi cho biết việc duy trì danh tiếng đó cũng là một gánh nặng lớn về tài chánh, và phải được tài trợ của quốc gia và các tổ chức khác, và thế là các cơ sở giáo dục ấy chỉ có tên là “Công Giáo” nhưng các đặc tính khác bị mất đi. Nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân hoàn toàn không còn dấn thân trong lãnh vực các trường trung học và cả đại học nữa.

Giáo Hội dấn thân trong các công tác từ thiện

Theo Đức Tổng giám mục Tokyo, Giáo Hội tại Nhật trong những năm gần đây dấn thân trong các dự án cứu trợ các nạn nhân thiên tai, chẳng hạn ngay sau trận động đất dữ dội ngày 11-3 năm 2011, và các thiên tai khác. Qua các hoạt động đó, Giáo Hội dành ưu tiên cho việc làm chứng tá Tin Mừng một cách hữu hình, với các hoạt động từ thiện bác ái. Những hoạt động này chắc chắn không làm cho người ta xin theo đạo, nhưng có hy vọng là những người được tinh thần Phúc Âm đánh động, họ có thể được dẫn đưa về với Chúa qua Giáo Hội.

Vai trò quan trọng của các tín hữu Công Giáo nhập cư

Đức Tổng giám mục Kikuchi cho biết phương thế mạnh mẽ thứ hai để loan báo Tin Mừng là các tín hữu Công Giáo nhập cư từ nước ngoài, đặc biệt những người có gia đình và định cư ở những vùng quê. Họ có thể đưa Tin Mừng đến môi trường họ sinh sống. Ví dụ những người Philippines đến Nhật Bản sinh sống, là nhóm tín hữu đông nhất trong những năm gần đây. Họ thường tìm được nghề như làm giáo sư Anh văn, coi vườn trẻ, phụ giúp trong việc giảng dạy và nhiều công việc...

Đức Tổng giám mục Kikuchi nói: Điều quan trọng là khích lệ các tín hữu Công giáo kiều dân ý thức về ơn gọi truyền giáo của họ. Các linh mục chăm sóc họ cần giúp đỡ họ trong vấn đề này.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 11, 2019