Đức Hồng Y Zen Nhắm Vào Sự Im Lặng Của Vatican Đối Với Vấn Đề Trung Quốc và Hồng Kông

Đức Hồng Y Joseph Zen cáo buộc Vatican đã luôn nỗ lực tìm cách xoa dịu Trung Quốc bằng mọi giá (Ảnh: AFP)

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen) đã nhắm đến Vatican vì sự im lặng đối với vấn đề Hồng Kông, các trại tập trung người Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương và cuộc đàn áp tôn giáo đang ngày càng gia tăng ở Trung Quốc đại lục.

Đức Hồng y Zen, nguyên Giám mục Hồng Kông, người đã hoạt động chính trị trong các cuộc biểu tình chống lại bất kỳ hành động lấn quyền nào của Bắc Kinh, đã sử dụng phương tiện truyền thông quốc tế để nhắm vào Tòa Thánh về sự thiếu ủng hộ của họ đối với các cuộc biểu tình dân chủ của khu vực lãnh thổ này mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã lên tiếng ủng hộ những người biểu tình tại Chile và Lebanon.

“Tuy nhiên, những người biểu tình không phải là những kẻ bạo loạn. Đây chính là con cái của chúng ta, đấu tranh cho các quyền dân chủ của chúng ta, những người đang bị tấn công. Và họ đang bị bỏ rơi bởi cơ quan thực thi luật pháp, chính quyền địa phương – và thậm chí cả Vatican”, Đức Hồng Y Zen, 87 tuổi, đã viết trong một bài báo trên tờ The Washington Post có tựa đề “Điều gì ẩn chứa đằng sau sự im lặng của Vatican đối với vấn đề Hồng Kông?”.

“Quả thực đáng buồn khi chứng kiến việc con cái chúng ta bị đánh đập, bị làm nhục, bị bắt giữ và bị truy tố. Trước sự bất công như vậy, một số chính phủ đã lên tiếng bất chấp những rủi ro đối với các lợi ích kinh tế của họ ở Trung Quốc. Nhưng đã có một góc của sự im lặng vang dội. Trong những tháng diễn ra các cuộc biểu tình này, Vatican đã không đưa ra bất kỳ lời chỉ trích nào đối với Bắc Kinh”.

“Đây quả là điều đáng tiếc – nhưng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Phương pháp tiếp theo được Vatican áp dụng trong những năm gần đây khi đối phó với gã khổng lồ hung hang Trung Quốc chính là chính sách nhượng bộ bằng bất cứ giá nào”.

Đức Hồng Y Zen đã trở thành một nhà phê bình đanh thép đối với thỏa thuận tháng 9 năm 2018 của Vatican với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục và ngài tin rằng điều này đã khiến Đức Thánh Cha Phanxicô im lặng về tất cả mọi vấn đề của Trung Quốc.

Đức Hồng Y Zen đặc biệt nhắm vào Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin, “người nắm trong tay hồ sơ của Trung Quốc. Ông ấy xác quyết rằng một lập trường như vậy là cần thiết để mở ra một cách thức mới đối với công cuộc truyền giáo cho quốc gia Trung Quốc rộng lớn. Tôi nghi ngờ mạnh mẽ”.

Đức Hồng Y Zen đã tham dự một cuộc tuần hành đường phố với khoảng 800.000 người tại trung tâm Hồng Kông vào ngày 8 tháng 12, Ngày Quốc tế Nhân quyền, vốn đã bị làm thất bại bởi các cuộc tấn công đốt phá và cố ý gây hỏa hoạn nhắm vào tòa án phúc thẩm và Tòa án Tối cao của thành phố.

“Chúng tôi hy vọng rằng mọi thứ sẽ được tiến hành một cách hòa bình, chúng tôi hy vọng rằng mọi thứ có thể được thực hiện một cách hòa bình, và những việc nhỏ sẽ được thực hiện”, Đức Hồng Y Zen viết trên trang Facebook của mình vào ngày 8 tháng 12.

“Không nên quá phấn khích, đừng lo lắng và hãy bao dung lẫn nhau. Hãy cầu nguyện cùng Thiên Chúa, hãy cầu nguyện cùng Đức Trinh Nữ Maria ban cho chúng ta sự khôn ngoan. Chúng ta đang ở trong một thành phố được Thiên Chúa quan tâm chăm sóc và yêu thương. Những người xung quanh chúng ta, bên trái hay bên phải, tất cả đều là anh chị em của chúng ta”.

Cuộc chiến thắng bầu cử áp đảo

Phong trào biểu tình đánh dấu kỷ niệm 6 tháng của nó với số lượng những người tham gia biểu tình chưa từng thấy kể từ những tháng đầu.

Hai tuần trước đó, các đảng chống chính phủ đã giành chiến thắng áp đảo trong các cuộc bầu cử hội đồng thành phố, khiến chính phủ Hồng Kông và Bắc Kinh bất ngờ và đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ rộng rãi đối với những người biểu tình.

Cảnh sát đã cho phép cho cuộc diễu hành diễn ra hôm 8 tháng 12, thay đổi chiến thuật từ một lập trường hung hăng vốn đã chứng kiến các cuộc biểu tình ngày càng trở nên bạo lực.

Phát ngôn viên của chính phủ Hồng Kông cho biết: “Chính phủ mong muốn hợp tác với toàn xã hội để kiềm chế bạo lực, bảo vệ luật pháp và xây dựng lại trật tự xã hội cũng như tìm cách thoát khỏi những vấn đề sâu sắc của Hong Kong thông qua đối thoại”.

“Trong suốt cuộc diễu hành hôm 8/12, bạo lực và các hành vi bất hợp pháp vẫn tiếp tục xảy ra, đặc biệt là các hành động tấn công và đốt phá Tòa án phúc thẩm cuối cùng và Tòa án tối cao. Trong một xã hội có kỷ cương luật pháp, tất cả mọi người cần phải tôn trọng các tòa án, các vị thẩm phán và quyết định của họ”.

Phê bình của Đức Hồng Y Zen được đưa ra chỉ một tuần lễ sau khi Chủ tịch Hiệp hội Yêu nước Công giáo Trung Quốc do Đảng Cộng sản điều hành, Đức Giám mục Fang Xingyao, nhấn mạnh rằng “tình yêu đối với quê hương đất nước phải lớn hơn tình yêu đối với Giáo hội, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “luật lệ quốc gia phải được đặt lên trên Giáo luật”.

“Bất chấp sự im lặng từ phía Vatican về vấn đề Hồng Kông, Giáo phận của thành phố đã ủng hộ những người biểu tình. Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (John Tong Hon), 80 tuổi, đã ủng hộ những người biểu tình và nhiều yêu cầu của họ, trong khi Đức Giám mục Phụ tá Joseph Ha Chi-shing cũng đã thường xuyên có mặt ủng hộ những người biểu tình, bao gồm cả những người bị cảnh sát chặn trong các trường đại học trong những tháng gần đây.

Minh Tuệ (theo UCA News)

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 12, 2019