Đức Hồng y Müller Bênh Vực Đức Biển Đức XVI Và Luật Độc Thân

Đức Hồng y Gerhard Müller | Credit: Paul Haring/CNS.

23/01/2020 - G. Trần Đức Anh, O.P. – (vietnamese.rvasia.org)

Trong một khảo luận dài công bố hôm 21/01/2020 vừa qua, Đức Hồng y Gerhard Müller, nguyên Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, đã bênh vực Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI và giá trị của sự độc thân linh mục.

Từ ngày 13/01 vừa qua, tức là từ khi thông báo cuốn sách của Đức Hồng y Robert Sarah, trong đó có bài khảo luận của Đức Biển Đức XVI, nhiều báo chí đã ồ ạt tấn công hai vị, đặc biệt là có những người cho rằng Đức Biển Đức XVI đối nghịch với Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Nội dung tổng quát

Trong khảo luận mới phổ biến, Đức Hồng y Müller bênh vực Đức Biển Đức XVI chống lại những cuộc tấn công và xác quyết rằng không có sự đối nghịch giữa hai tác giả cuốn sách đối với Đức đương kim Giáo Hoàng, nhưng hai vị có một ý muốn đóng góp hợp pháp cho chân lý.

Về việc độc thân linh mục, Đức Hồng y Müller cũng bênh vực lập trường của Đức Biển Đức XVI và Đức Hồng y Sarah, đồng thời khẳng định rằng “Tình trạng khan hiếm linh mục về lượng cũng như về phẩm tại các nước tây phương trước kia theo Kitô giáo, không phải vì thiếu ơn gọi của Chúa, cho bằng vì những thiếu sót của đời sống chúng ta đối với Tin Mừng của Chúa Kitô”.

Chống quan niệm sai trái về Giáo Hội

Khảo luận của Đức Hồng y  Müller có tựa đề: “Đối thủ hay anh em trong tinh thần? Về tương quan giữa Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Biển Đức XVI”, trong đó Đức Hồng y khẳng định rằng chỉ có những người lầm lần Giáo Hội của Thiên Chúa với một tổ chức ý thức hệ - chính trị mới coi rẻ sự đóng góp của Đức Biển Đức XVI trong cuốn sách của Đức Hồng y Sarah và coi đây là một hành vi chống Đức Giáo hoàng Phanxicô”.

Trong phần đầu của khảo luận, Đức Hồng y Müller nói về tương quan giữa Đức Giáo hoàng đương kim và Đức nguyên Giáo hoàng và tố giác “toan tính tạo nên sự hoang mang hỗn độn qua các phương tiện truyền thông” do những người cho rằng có sự đối nghịch giữa hai vị.

Đức Hồng y Müller viết: “Chỉ có một vị Giáo hoàng... Một cựu Giáo hoàng còn sống hiệp nhất trong tình huynh đệ với tất cả các Giám mục và ở dưới quyền giáo huấn và quyền tài phán của Đức Giáo hoàng đương kim. Tuy nhiên, điều này không hề loại trừ sự kiện lời nói của Đức nguyên Giáo Hoàng vẫn còn ảnh hướng lớn trong Giáo Hội vì khả năng thần học và linh đạo, cũng như do kinh nghiệm cai quản của ngài, trong tư cách là Giám mục Roma cũng như Giáo hoàng”.

Phê bình nhóm “vệ binh bergoglio”

Khảo luận của Đức Hồng y Mueller nhắc đến lời tuyên bố của ông Eugenio Scalfari, một người vô thần công khai, chủ báo La Repubblica, Cộng Hòa, ở Italia, cho rằng trong hàng ngũ các Hồng y, Giám mục và tín hữu Công giáo “bảo thủ, thuộc phe hữu” có những “kẻ thù và đối nghịch” với Đức Giáo hoàng Phanxicô, và Đức Hồng y Mueller gọi những lập trường mị dân như thế đến từ những nhóm tự xưng mình là một thứ “vệ binh bergoglio” bênh vực Đức đương kim Giáo Hoàng. Trong thực tế liên mạng những người mị dân tả phái này là những người bị thúc đẩy do ước muốn quyền lực biến “potestas plena”, quyền bính trọn vẹn của Đức Giáo hoàng thành một “potestas illimitata et absoluta”, quyền bính vô giới hạn và tuyệt đối, nghĩa là coi tất cả những gì Đức Giáo hoàn muốn đều là tốt và là thật, thay vì Đức Giáo hoàng là người tìm kiếm điều gì là tốt, là thật.

Việc độc thân linh mục

Đức Hồng y Mueller bênh vực luật độc thân linh mục và khẳng định rằng: “Một sự xóa bỏ việc độc thân linh mục theo kiểu các cộng đoàn Tin Lành và Anh giáo hồi thế kỷ 16, sẽ là một sự xúc phạm đến chính bản chất của chức linh mục và là một hành vi coi rẻ toàn thể Truyền thống Công Giáo... Hàng triệu linh mục, ngay từ đầu Giáo Hội, sẽ cảm thấy bị tổn thương sâu đậm đứng trước giải thích cho rằng sự hy sinh cuộc sống của linh mục vì Nước Trời và vì Giáo Hội chỉ dựa trên một kỷ luật pháp lý bên ngoài, và chẳng có liên hệ gì tới chức linh mục và kiểu mẫu sống độc thân vì Nước Trời...”

Theo Đức Hồng y Mueller, hiện nay không phải chỉ có cuộc tranh luận về sự độc thân, nhưng là một trận chiến khốc liệt chống sự độc thân và chống lại chính chức linh mục bí tích. Những người cải cách Tin Lành hồi thế kỷ 16 cho rằng giáo vụ chỉ là một chức năng tôn giáo trong cộng đoàn Kitô, và qua đó họ bãi bỏ đặc tính bí tích. Nếu sự thánh hiến linh mục không còn là một sự đồng trở nên hình dạng nội tâm với Chúa Kitô, Thầy Chí Thánh, Mục Tử nhân lành và là vị Thượng Tế của Tân Ước, thì người ta càng không hiểu được sự liên hệ mật thiết của chức linh mục với sự độc thân được ăn rễ sâu trong Tin Mừng vì Nước Thiên Chúa” (Mt 19,12; 1 Cr 7,23).

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 1, 2020