ĐTC Phanxicô: Lao động là ơn gọi đầu tiên của con người

Trong khi lao động con người đóng vai trò là người sáng tạo. Và vì thế lao động là một điều tốt, tạo ra sự hài hòa cho mọi sự vật và liên quan đến toàn thể con người: trong tư tưởng, trong sự cảm nhận và trong hành động

Ngọc Yến – Vatican News 01 tháng năm 2020 – (vaticannews.va/vi/)

Cầu nguyện cho người lao động

Sáng thứ Sáu 01/5/2020, lễ Thánh Giuse Thợ, Ngày Quốc tế Lao động, tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha dâng Thánh lễ với ý chỉ cầu nguyện cho tất cả người lao động, đặc biệt những người đang gặp khó khăn về công việc trong thời điểm đại dịch. Đức Thánh Cha mời gọi: “Hôm nay lễ Thánh Giuse Thợ, cũng là Ngày Quốc tế Lao động, chúng ta cầu nguyện cho tất cả người lao động, để không ai phải thiếu việc làm, mọi người đều được trả lương xứng đáng và có thể hưởng phẩm giá của lao động và vẻ đẹp của sự nghỉ ngơi”.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha tập trung vào Bài đọc I, trích từ Sách Sáng thế (St 1,26-2,3) thuật lại việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người. Đức Thánh Cha giải thích: “Từ ‘công việc’ là từ Kinh Thánh dùng để diễn tả hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa. Ngày thứ bảy,Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm và giao hoạt động này cho con người. Chính con người phải làm việc để cùng với Thiên Chúa sáng tạo cho thế giới này”.

Trong lao động, con người đóng vai trò là người sáng tạo

Đức Thánh Cha tiếp tục: “Vì lý do này, trong khi lao động con người đóng vai trò là người sáng tạo. Và vì thế lao động là một điều tốt, tạo ra sự hài hòa cho mọi sự vật và liên quan đến toàn thể con người: trong tư tưởng, trong sự cảm nhận và trong hành động”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng lao động là “ơn gọi đầu tiên của con người” và điều này mang lại cho con người “phẩm giá”, và làm cho con người giống Thiên Chúa.

Phẩm giá của lao động đang bị chà đạp

Nhưng theo Đức Thánh Cha phẩm giá của lao động đang bị chà đạp và ngài nhắc đến các tàu nô lệ được đưa đến châu Mỹ ngày xưa và cả tình trạng nô lệ của ngày hôm nay. Đó là những người nam và người nữ buộc phải làm việc để sống còn. Các hình thức lao động cưỡng bức, bất công, trả lương thấp làm cho phẩm giá của người lao động bị chà đạp.

“Đây không phải là những sự kiện xảy ra ở những nơi xa xôi mà ngay tại đây, trong lúc này, có nhiều người lao động nhận tiền lương thấp, không được bảo hộ lao động, không có lương hưu. Đây là điều mà người lao động ngày hôm nay bị mất phẩm giá. Mọi bất công đối với người lao động là hành vi chà đạp nhân phẩm”.

Đấu tranh cho công lý

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người, người tin và cả người không tin, nhân dịp Ngày Quốc tế Lao động hãy cùng nhau đấu tranh cho công lý trong lao động. Cầu nguyện cho các doanh nhân luôn thực hiện công lý trong khi phát triển công việc ngay cả khi bị thua lỗ. “Nguyện xin Thánh Giuse giúp chúng ta đấu tranh cho phẩm giá của lao động, hầu có công việc cho tất cả và là những công việc xứng đáng”.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 5, 2020