Sự Áp Bức Của Trung Quốc 'tệ hơn báo cáo của Hoa Kỳ'

Các Kitô hữu muốn cộng đồng quốc tế chú ý đến tình hình tôn giáo và nhân quyền của Trung Quốc

Bức ảnh này được chụp vào ngày 2 tháng 6 năm 2019, cho thấy các tòa nhà tại Trung tâm Dịch vụ Đào tạo Giáo dục Kỹ năng Dạy nghề Thành phố Artux, được cho là một trại cải tạo, nơi chủ yếu là người dân tộc thiểu số Hồi giáo bị giam giữ ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc. (Ảnh: Greg Baker AFP)

Ngày 5 tháng 5 năm 2020

Kitô hữu Trung Quốc đã hoan nghênh một báo cáo chỉ trích của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) nhưng cho biết áp bức tôn giáo ở Trung Quốc nghiêm trọng hơn những gì được báo cáo.

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo nói rằng không gian cho tự do tôn giáo đã bị thu hẹp nghiêm trọng trong hai thập kỷ qua, vì chế độ cộng sản thực hiện một loạt các chính sách nhằm xóa bỏ tôn giáo khỏi xã hội.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã coi Trung Quốc là “quốc gia được quan tâm đặc biệt” từ năm 1999, theo khuyến nghị của USCIRF. Báo cáo năm 2020 gần đây của ủy ban vẫn xem Trung Quốc là trong số những nước tồi tệ nhất toàn cầu về tự do tôn giáo.

Nhưng một số học giả tôn giáo nói với UCA News rằng hình thức đàn áp tôn giáo nghiêm trọng nhất nhưng thường bị bỏ qua ở Trung Quốc là bắt các Kitô hữu ký một tuyên bố từ bỏ tôn giáo với sự đe dọa không cho họ hưởng phúc lợi từ chính phủ, ví dụ như lương hưu.

Kể từ năm 2018 tại các khu vực như tỉnh Chiết Giang, các giáo viên Ki-tô giáo trong các trường học và cao đẳng đã buộc phải ký các tài liệu đó, nếu không họ sẽ bị khước từ lương hưu.

Một nhà lãnh đạo tôn giáo yêu cầu giấu tên đã nói, sự áp bức tiếp tục một cách tinh vi, ngăn chặn mọi người thực hành đức tin của họ.

Báo cáo của USCIRF, được công bố vào ngày 28 tháng 4, nói rằng "tình trạng tự do tôn giáo ở Trung Quốc đã tiếp tục xấu đi" trong năm vừa qua, các nhà chức trách sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo để giám sát các nhóm tôn giáo thiểu số. 

Hàng loạt vi phạm 

Các chuyên gia độc lập ước tính rằng khoảng 900.000 đến 1,8 triệu người Uy-ngô-nhĩ, người Kazakhstan, người Slovak và những người Hồi giáo khác đang bị giam giữ trong hơn 1.300 trại tập trung ở Tân Cương, báo cáo cho biết.

Báo cáo cũng đề cập đến các cuộc tấn công vào các Kitô hữu, nói rằng chính quyền đã đột kích hoặc chiếm giữ hàng trăm nhà thờ Thiên chúa giáo. Họ đã thả các thành viên của Giáo hội Giao ước Mưa Mùa thu vào tháng 12 năm 2018, nhưng một tòa án vào tháng 12 năm ngoái đã buộc tội mục sư của Giáo hội đó, Mục sư Vương Ý, với tội danh “lật đổ quyền lực nhà nước” và kết án ông 9 năm tù.

Báo cáo cũng đề cập rõ ràng đến Giám mục Phụ tá Quá Tây Tấn của Giáo phận Phúc Kiến Mân Đông và Giám mục phó Thôi Thái của Giáo phận Hà Bắc Tuyên Hóa. Nhà chức trách đã quấy rối và bỏ tù họ vì đã từ chối tham gia giáo hội chính thức được nhà nước thừa nhận.

Báo cáo cũng cáo buộc các chính quyền địa phương khác nhau, bao gồm cả Quảng Châu, đang dùng tiền mặt thúc đẩy người ta tố giác các nhóm giáo hội hầm trú.

Ngoài ra, các thập giá trên các nhà thờ trong cả nước đã bị gỡ bỏ, những người dưới 18 tuổi bị cấm tham gia các nghi thức tôn giáo, và hình ảnh của Chúa Giêsu hoặc Đức Mẹ được thay thế bằng hình ảnh của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Báo cáo đề nghị chính phủ Hoa Kỳ một lần nữa chỉ rõ Trung Quốc là một quốc gia cần được quan tâm đặc biệt theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế.

Báo cáo muốn Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với các tổ chức và quan chức vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo bằng cách đóng băng tài sản của các cá nhân có liên quan hoặc cấm họ vào Hoa Kỳ.

Báo cáo cũng đề nghị rằng nếu chính phủ Trung Quốc tiếp tục đàn áp tự do tôn giáo, các quan chức chính phủ Mỹ sẽ không tham gia Thế vận hội mùa đông do Bắc Kinh đăng cai vào năm 2022.

Báo cáo cũng yêu cầu tăng cường nỗ lực chống lại những mưu toan của chính phủ Trung Quốc gây ảnh hưởng ở Hoa Kỳ nhằm đàn áp thông tin hoặc tuyên truyền về vi phạm tự do tôn giáo.

"Trung Quốc bảo vệ tự do"

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trả lời báo cáo tại một cuộc họp báo thường kỳ. Ông nói rằng ủy ban Hoa Kỳ đã thiên vị chống lại Trung Quốc và đã công bố các báo cáo trong những năm qua "bôi xấu chính sách tôn giáo của Trung Quốc".

Ông tuyên bố rằng Trung Quốc có gần 200 triệu người thuộc tất cả các kiểu cộng đồng tôn giáo, hơn 380.000 giúp việc tôn giáo, khoảng 5.500 nhóm tôn giáo và hơn 140.000 địa điểm hoạt động tôn giáo được đăng ký theo luật.

Cảnh Sảng nhắc lại rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất cứ ai tham gia vào các hoạt động tội phạm bất hợp pháp dưới vỏ bọc tôn giáo.

Ông ta cũng kêu gọi Hoa Kỳ tôn trọng các thực tế cơ bản, từ chối sự kiêu ngạo và định kiến, ngăn chặn hành vi sai lầm khi phát hành báo cáo hàng năm và ngừng sử dụng các vấn đề tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Nhưng một học giả tôn giáo Trung Quốc muốn giấu tên đã lập luận rằng báo cáo này của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế "về cơ bản là nói sự thật".

Chính quyền Trung Quốc ngày càng đàn áp tôn giáo trong những năm gần đây, với cuộc đàn áp tồi tệ nhất đối với Kitô giáo ở tỉnh Hà Nam năm 2018.

Nghiêm trọng hơn việc phá hủy thánh giá và nhà thờ là "sự cưỡng ép công dân ký các tuyên bố từ chối tôn giáo bằng cách đe dọa từ chối lợi ích của họ", ông nói.

"Đó là một sự vi phạm nghiêm trọng về quyền con người và sự khinh miệt đối với luật pháp, gây ra sự đi giật lùi của hệ thống pháp luật trong xã hội", ông nói thêm.

Áp bức tôn giáo được coi như là cách mạng văn hóa

Học giả nói rằng sự đàn áp ở tỉnh Hà Nam giống như một cuộc làm mới Cách mạng Văn hóa, điều này sẽ gây ra tổn thương xã hội và kích thích mạnh mẽ tâm trí mọi người, kích hoạt sự thù hận lẫn nhau và tạo ra một sự méo mó tâm lý nơi các nhóm xã hội.

"Sau ngần ấy năm kể từ Cách mạng Văn hóa, mọi người mới lấy lại được một chút tỉnh táo, người ta không mong đợi Cách mạng Văn hóa quay trở lại một cách bất ngờ, đó là một thảm họa", ông nói.

Ông chỉ ra rằng chỉ 10 ngày trước khi Cảnh Sảng trả lời báo cáo, thánh giá của Nhà thờ Đức Mẹ Mân côi ở tỉnh An Huy đã bị gỡ bỏ. Vào ngày hôm sau, thánh giá của Nhà thờ Công giáo Vĩnh Kiều ở thành phố Tô Châu cũng bị xóa.

"Nhưng chính quyền cộng sản Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ tài liệu pháp lý nào cho hành động của họ", học giả nói.

Quan chức Trung Quốc Cảnh Sảng đã nói dối, giáo dân Phao-lô Li ở Túc Vũ hỏi, "Các quan chức cáo buộc báo cáo này của Hoa Kỳ là chê bai chính sách tôn giáo của Trung Quốc. Phá bỏ thánh giá của nhà thờ có phải là chính sách tôn giáo của Trung Quốc không? Và có dùng tiền của nhân dân để phá hủy thánh giá bất chấp sự phản đối của các nhà thờ không?" Li hỏi.

Cha Tô-ma Vương, người đã theo dõi các vụ việc, cho biết chính quyền chưa bao giờ phản ứng tích cực với những cáo buộc đàn áp tôn giáo này, “hoặc tìm cách né tránh những cáo buộc hoặc bác bỏ thẳng thừng, hoặc buộc tội những người khác can thiệp vào công việc nội bộ.”

Cha Vương cho biết phía Trung Quốc coi đó là một cuộc chiến trong nước. "Tôi đánh vợ con sau cánh cửa đóng kín; không liên quan gì đến bạn. Tôi đánh họ đến chết, đó là việc của gia đình chúng tôi, không phải việc của bạn."

Maria Li tại Quảng Đông cho biết Trung Quốc không còn lo lắng về áp lực và sự kết án quốc tế nữa.

Cô hỏi "Họ đã mua chuộc rất nhiều quốc gia và tổ chức nhỏ; ngay cả các cơ quan quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới cũng bảo vệ nó. Vậy họ còn lo lắng về điều gì nào?" .

Tuy nhiên, cô muốn cộng đồng quốc tế chú ý đến tình hình tôn giáo và nhân quyền ở Trung Quốc.

"Nếu nhiều quốc gia đoàn kết và gây áp lực với Trung Quốc, chính quyền sẽ từ bỏ những áp bức trắng trợn, điều này sẽ giúp cho Giáo hội thở được", cô nói.

https://www.ucanews.com/news/chinese-oppression-worse-than-us-reported/87921

Phạm Văn Trung dịch.


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 5, 2020