Các Hoạt Động Mục Vụ Tái Tục, Có Chú Ý Đến Sự Đoàn Kết Liên Tôn


Thứ hai ngày 18 tháng 5 năm 2020

Hà Nội (Agenzia Fides) - Các hoạt động tôn giáo công cộng bị chặn lại ít nhất sáu tuần do tình trạng khẩn cấp Covid-19, nay đã được nối lại, mặc dù rất thận trọng. Chính quyền đã bật đèn xanh vào ngày 8 tháng 5 khi ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Tôn giáo chính phủ, tuyên bố rằng virus hiện đang "trong tầm kiểm soát" và tất cả các tỉnh hiện có nguy cơ lây nhiễm thấp. Do đó, Ủy ban đã ủy quyền cho tất cả các tổ chức tôn giáo tái tục các hoạt động bình thường, miễn là các biện pháp phòng ngừa cần thiết được đảm bảo, bao gồm cả kiểm dịch đối với những người đến từ nước ngoài. Tin tức cũng được Giáo hội Công giáo hoan nghênh: "Chúng tôi rất vui mừng tạ ơn Chúa và tin rằng những lời cầu nguyện của các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới đã góp phần chống lại đại dịch", đó là lời bình luận của Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên của Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Mặc dù không có sự lây nhiễm virus ở trong nước hơn một tháng qua và Việt Nam không ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào, nhưng sự chú ý vẫn còn cao. Tuy nhiên, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa không có nghĩa là đứng yên: chính với tinh thần này mà các Linh mục dòng Thánh Tâm (còn gọi là Dehonians[1]) ở Huế, cố đô, đang làm việc cùng với các nữ tu Phật giáo với một mục tiêu cụ thể: hỗ trợ người khuyết tật nghiêm trọng, một bộ phận dân chúng rất dễ bị tổn thương. Khi Fides tìm hiểu, vài ngày sau khi mở cửa trở lại, một số linh mục và giáo dân tình nguyện do Cha Giuse Phan Tấn Hồ, người đứng đầu cộng đoàn Linh Mục Thánh Tâm ở Huế, đã đến thăm và tặng quà cho Trung tâm Phật giáo dành cho trẻ em khuyết tật ở Huế, ở đây các em được sư cô Thích Nữ Thoại Nghiêm, phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Khuyết tật Chùa Long Thọ nhận nuôi: "Trung tâm chủ yếu dựa vào sự quyên góp và chúng tôi xin giúp đỡ vì chúng tôi bị thiếu lương thực do dịch coronavirus", sư cô nói. Ngày hôm đó, các linh mục và tình nguyện viên nấu ăn, phục vụ bữa ăn và chơi với các em. Trên thực tế, tình hình các cộng đồng dân chúng dễ bị tổn thương nhất đã trở nên tồi tệ hơn với Covid-19: Văn phòng Liên Hợp Quốc về Nhân đạo tại Geneva đã xuất bản một hướng dẫn đặc biệt trong khi văn phòng địa phương Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa cho biết về "Đánh giá nhanh tác động kinh tế xã hội của COVID-19 đối với người khuyết tật tại Việt Nam". Theo kết quả của báo cáo, 82% số người được hỏi lo ngại về ảnh hưởng của virus và 70% trong số họ gặp khó khăn không chỉ trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ và phục hồi y tế, mà còn trong kiểm soát dịch bệnh và thuốc men. Cuối cùng, 25% trong số họ khó mà có được khẩu trang và chất khử trùng. (MG-PA) (Agenzia Fides, 18/5/2020)

 

Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch.

http://www.fides.org



[1] Cha Vénéanna Leon Dehon, người Pháp, là đấng sáng lập dòng.


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 5, 2020