Người Đứng Đầu NIH, Ông Francis Collins Giành Giải Thưởng Templeton Vì Làm Chứng Cho Đức Tin Và Khoa Học

Jonah McKeown

 

Denver Newsroom, ngày 20 tháng 5 năm 2020 / 11:10 sáng MT ( CNA ) .- Một nhà khoa học trên tuyến đầu phát triển vắc-xin COVID-19 hôm nay đã được chọn làm người nhận Giải thưởng Templeton năm nay, một giải thưởng công nhận những đóng góp của ông cho sự hiểu biết sâu sắc về tôn giáo thông qua công việc của mình như là một nhà khoa học.

Tiến sĩ Francis Collins, giám đốc Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health - NIH) và thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng, nói với CNA rằng làm việc để phát triển vắc-xin coronavirus là một trong những thách thức lớn nhất trong sự nghiệp của ông, và những ngày này khi ông không làm việc, ông tìm sự khuây khỏa trong cầu nguyện và đọc các thánh vịnh.

“Giống như tất cả các cuộc khủng hoảng, giống như tất cả những lúc đau khổ, đây là một cơ hội để chúng ta có thể học hỏi và phát triển. Và tôi vui mừng vì tôi tôn thờ một Thiên Chúa biết rõ về đau khổ”, ông Francis Collins, một Kitô hữu phái Phúc Âm, nói với CNA.

Các giải thưởng Templeton, được nhà đầu tư toàn cầu và cũng là nhà từ thiện Sir John Templeton thành lập vào năm 1972, là một giải thưởng tiền mặt hàng năm trị giá 1,1 triệu bảng Anh (1,3 triệu đô la) cho một người còn sống đã thực hiện được “một đóng góp đặc biệt để khẳng định chiều kích tâm linh của cuộc sống, dù là thông qua sự hiểu biết sâu sắc, khám phá hoặc công trình thực tế”.

Thánh Têrêxa thành Calcutta là người đầu tiên nhận giải thưởng này vào năm 1973.

Trước khi gia nhập NIH năm 2009, Tiến sĩ Collins đã từng là giáo sư về nội khoa và di truyền học ở Đại học Michigan, dẫn đầu nghiên cứu phát hiện ra các gen chịu trách nhiệm cho các bệnh như xơ nang; u xơ thần kinh; Bệnh Huntington[1]; và hội chứng Hutchinson-Gilford, một dạng lão hóa sớm hiếm gặp.

Năm 1993, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Trung tâm quốc gia nghiên cứu bộ gen người, giám sát Dự án bộ gen người, một hợp tác quốc tế mà năm 2003 đã thành công trong việc giải trình tự ba tỷ “chữ” DNA trong bộ gen người.

Bây giờ, Collins đang giám sát sự hợp tác của Viện Y tế Quốc gia (NIH) với một số công ty dược phẩm và các cơ quan chính phủ để phát triển vắc-xin cho COVID-19. Ít nhất một loại vắc-xin tiềm năng đã sẵn sàng để bắt đầu thử nghiệm quy mô lớn vào tháng 7 cùng với những loại vắc-xin tiếp theo khác sớm đưa vào thử nghiệm, Collins nói với Associated Press tuần trước.

“Tôi cầu nguyện xin ơn khôn ngoan, xin ơn hướng dẫn, tôi cầu nguyện xin ơn tha thứ vì đã phạm sai lầm dọc đường đi”, ông Collins Collins nói với CNA.

“Tôi đã tham gia vào rất nhiều dự án khoa học quy mô lớn trong 30 năm qua, từ việc tìm kiếm gen cho bệnh xơ nang, đến dự án bộ gen, đến liệu pháp miễn dịch ung thư; và một cách nào đó, gánh nặng trách nhiệm ở đây là có mặt ở các dự án đó từng phút, chúng tôi không thể để mất một ngày mà không tiến bộ trong việc tìm kiếm các phương pháp điều trị, các vắc-xin và các xét nghiệm tốt hơn”.

“Và ở đây, tôi đang ở trong văn phòng như nhà của mình, hầu như không bao giờ đi ra ngoài, và có lẽ làm việc 110 giờ một tuần chỉ cố làm mọi thứ tôi có thể làm để sắp xếp tất cả những nguồn lực đó và cầu nguyện với Chúa xin cho những nguồn lực đó được sử dụng một cách khôn ngoan để mang lại hy vọng và chữa lành”, ông nói.

 

Một minh chứng lý trí cho sự tồn tại của Chúa

Là người gốc Virginia, Collins được học tại nhà cho đến năm 10 tuổi và học hóa học ở cấp đại học và sau đại học, lấy bằng cử nhân, tiến sĩ, và sau đó là Tiến sĩ Y khoa, sau đó ông được ghi danh làm Nghiên cứu sinh về Di truyền học con người ở Trường Y Yale.

Chuyển hướng giữa chủ nghĩa bất khả tri sang chủ nghĩa vô thần cho đến năm 27 tuổi, Collins đã nói rằng ông “rất hạnh phúc với ý tưởng rằng Thiên Chúa không tồn tại và Thiên Chúa không màng đến tôi”. 

“Đó chính là nơi tôi hiện hữu - nếu ai đó cố nêu ra chủ đề đó [về tôn giáo], tôi sẽ nhanh chóng gạt bỏ nó và chuyển sang một thứ gì khác, có lẽ bởi vì đã có quá nhiều trường hợp tôi cảm thấy mình giống như một mục tiêu cho một người nào đó cố bán đức tin của họ cho tôi”, ông Collins Collins nói.

Collins chuyển hướng một phần nhờ vào cuốn sách kinh điển Mere Christianity[2] của CS Lewis[3], trong đó đưa ra một minh chứng lý trí cho sự tồn tại của Chúa.

Collins nói một điều khiến ông chú ý trong các chương mở đầu của cuốn sách là sự kiểm tra của Lewis về nền tảng của đạo đức, nói cách khác, tại sao lại có một điều vừa tốt vừa xấu như vậy, và tại sao nó lại quan trọng như vậy?

“Đây là nơi tôi nghĩ rằng những người vô thần nghiêm khắc nhất thấy mình ở trong tình trạng lúng túng thực sự”, ông Collins Collins lập luận.

“Vì nếu họ cố tranh luận rằng những ý tưởng của chúng ta về thiện và ác chỉ là bị chi phối bởi những áp lực tiến hóa giúp chúng ta sống còn, thì hậu quả cuối cùng của điều đó là những ý tưởng đó chỉ là những khái niệm hư cấu –tất cả chúng ta đều bị bịt mắt rồi tưởng tượng ra rằng có một điều vừa tốt và xấu như thế, và rằng chúng ta nên ngừng chú ý đến điều đó và làm bất cứ điều gì chúng ta thích. Và ngay cả những người vô thần hăng hái nhất cũng gặp rắc rối với kết luận đó”.

 

Hiểu biết về công trình của Chúa trong tự nhiên

Hôm nay, Collins thẳng thắn nói về đức tin Kitô giáo của mình. Ông đã viết một cuốn sách vào năm 2006 với tựa đề “Ngôn ngữ của Thiên Chúa: Một nhà khoa học trình bày bằng chứng cho niềm tin”, trong đó ông mô tả làm thế nào đức tin tôn giáo có thể thúc đẩy và truyền cảm hứng cho nghiên cứu khoa học chính xác.

Vào năm 2007 ông và vợ đã thành lập Quỹ BioLogos phi lợi nhuận, nhằm mục đích thúc đẩy thảo luận về sự hài hòa giữa khoa học và đức tin Kinh Thánh thông qua các bài báo, podcast và các phương tiện truyền thông khác.

Collins cũng là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng, được Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm vào năm 2009.

Mặc dù Collins cho biết ông chỉ có thể tham dự một cuộc họp của Viện Hàn lâm tại Vatican kể từ khi được bổ nhiệm, ông mô tả cuộc họp này là một cuộc tập họp hấp dẫn của các nhà khoa học thực sự đẳng cấp thế giới thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau”.

“Tôi đã tìm thấy niềm vui trong khả năng kết hợp các triển vọng khoa học và triển vọng tâm linh đến độ tôi cảm thấy niềm vui ấy thôi thúc tôi chia sẻ”, ông nói.

“Không phải để biến nó thành một bài diễn thuyết triết học, tri thức quá khô khan, nhưng để nói về niềm vui mà tôi đã trải nghiệm và nhờ ơn Chúa, biến nó thành khả năng đọc lời Chúa trong Kinh Thánh và hiểu được công trình của Chúa trong tự nhiên”.

 

Đức tin và đạo đức sinh học

Trong cuộc đua toàn cầu để phát triển vắc-xin COVID-19, một số người ủng hộ sự sống và các nhà đạo đức học đã bày tỏ lo ngại rằng trong một số trường hợp, các nhà khoa học có thể sử dụng mô bào thai của những em bé bị phá thai trong nghiên cứu của họ.

Một hướng nghiên cứu được đề xuất, dẫn đầu bởi nhà miễn dịch học Kim Hasenkrug tại Phòng thí nghiệm Rocky Mountain NIH ở Montana, nhằm mục đích tìm ra phương pháp điều trị COVID-19 bằng cách cấy mô phổi của thai nhi vào chuột, lây nhiễm cho chuột bằng các chủng coronavirus tương tự như COVID-19, và thử nghiệm để có được cách điều trị thành công.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, cơ quan chủ quản của NIH, năm ngoái đã áp dụng lệnh ngưng hoạt động đối với nghiên cứu mô thai nhi của NIH có nguồn gốc từ các vụ phá thai có chọn lọc, có nghĩa là nghiên cứu của Hasenkrug sẽ không được tiến hành trừ phi có thay đổi nào trong đường lối chỉ đạo của NIH.

Các chỉ đạo mới, được Viện Y tế Quốc gia (NIH) ban hành vào tháng 7 năm 2019, đã buộc dừng nghiên cứu mới của NIH với mô bào thai bị phá thai và hạn chế tài trợ cho nghiên cứu “ngoại vi” -  nghĩa là các thí nghiệm được thực hiện bên ngoài NIH - trên mô bào thai bị phá thai. Những người nộp đơn xin tài trợ tại Viện Y tế Quốc gia (NIH) phải cho biết lý do tại sao mục tiêu nghiên cứu của họ không thể hoàn thành được bằng cách sử dụng phương pháp thay thế cho HFT, và phương pháp nào họ đã sử dụng để xác định rằng không thể sử dụng phương án nào khác.

Về phần mình, Collins nói rằng ông xem xét câu hỏi liệu việc sử dụng phôi người và phá thai để nghiên cứu có phải là vấn đề đạo đức hay không là một “vấn đề quan trọng cần suy nghĩ thận trọng”.

“Tôi sẽ là người đầu tiên nói rằng chúng ta không nên tạo ra hoặc phá hủy phôi - phôi người - để nghiên cứu, và chúng ta không nên chấm dứt việc mang thai để nghiên cứu”, ông Collins Collins nói với CNA.

Collins khác với giáo lý Công giáo về nghiên cứu liên quan đến phôi đông lạnh.

“Nhưng nếu có những phôi còn sót lại sau khi thụ tinh trong ống nghiệm - thì hàng trăm ngàn phôi sẽ không bao giờ được sử dụng cho bất cứ điều gì, chúng sẽ bị loại bỏ. Tôi nghĩ là đạo đức khi xem xét một số cách thức trong đó việc nghiên cứu có thể sử dụng thông tin ấy để giúp ai đó”.

“Và cũng như vậy, nếu có hàng trăm ngàn phôi thai bị loại bỏ vì không có cách nào khác, thông qua quy trình pháp lý ở đất nước này, chúng ta nên suy nghĩ xem việc vứt bỏ chúng có đạo đức hơn không hay trong một số trường hợp hiếm hoi nên sử dụng chúng cho việc nghiên cứu có thể cứu sống con người”.

Tài liệu của Vatican năm 2008 Dignitatis personae [4]tuyên bố rằng “việc lấy tế bào gốc từ phôi người còn sống luôn gây ra cái chết của phôi và do đó bất hợp pháp nghiêm trọng”.

Tài liệu đó cũng chỉ trích mạnh mẽ việc nghiên cứu mô bào thai bị phá thai, nhưng nếu liên quan đến các loại vắc-xin phổ biến - như bệnh thủy đậu và sởi, quai bị và rubella (MMR) - có nguồn gốc từ các dòng tế bào của trẻ sơ sinh bị phá thai, Vatican cho biết chúng có thể được sử dụng bởi cha mẹ vì “những lý do nghiêm trọng” như nguy hiểm đến sức khỏe của con cái họ.

Tài liệu tiếp tục nêu rõ rằng “mọi người đều có nhiệm vụ biểu lộ sự bất đồng của họ và yêu cầu hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ làm sao để các loại vắc-xin khác sẵn có”.

Một ủy ban gồm bốn giám mục Công giáo đã viết một lá thư cho chính quyền Trump vào tháng Tư, yêu cầu giúp đỡ để đảm bảo rằng người Mỹ sẽ được tiếp cận với các loại vắc-xin không có liên quan đến phá thai.

Collins nói rằng ông thấy thú vị khi quan sát bao nhiêu lĩnh vực đạo đức sinh học hiện đại dựa trên nền tảng Ki-tô giáo-Do thái giáo.

“Thực tế là chúng ta coi trọng những điều như lòng nhân từ, không ác tâm, nghĩa là, đừng cố tình làm tổn thương ai đó vì mục đích – như tự trị, như công bằng, như công lý; Tất cả những nguyên tắc đó xuất phát trực tiếp từ kinh thánh”, Collins nói. 

“Và cũng vậy, một người thế tục có đạo đức gắn bó với những nguyên tắc đó - và họ sẽ gắn bó - có thể không có cảm thức giống như tôi về nền tảng mà họ dựa vào, một loại nền tảng mà đối với tôi là do Thiên Chúa ban cho, rất nhiều”.

 

Chia sẻ niềm tin trong phòng thí nghiệm

Collins nói khi Tổng thống Obama lần đầu tiên đề cử ông làm giám đốc Viện Y tế Quốc gia (NIH), có một số tiếng nói trên phương tiện truyền thông - đặc biệt là của những người vô thần nói thẳng - phản đối ý tưởng một Kitô hữu dẫn đầu nỗ lực nghiên cứu y sinh của quốc gia.

Mặc dù Collins nói rằng ông chắc chắn tin rằng bất cứ ai làm việc trong ngành khoa học muốn chia sẻ đức tin của họ với những người khác nên cảm thấy thoải mái khi làm như vậy, nhưng ông thừa nhận rằng việc ông chia sẻ đức tin của mình một cách cởi mở trở nên dễ dàng hơn nhiều sau khi ông đã đạt được cấp bậc giáo sư đầy đủ và lãnh đạo các dự án nghiên cứu cao cấp.

Ông nói ngay cả trong một môi trường như Viện Hàn Lâm Khoa học Giáo hoàng, được tổ chức tại Vatican, ông cảm thấy rằng một số nhà khoa học đồng nghiệp của ông miễn cưỡng nói chuyện cởi mở về niềm tin tôn giáo của họ - có lẽ vì họ thường cảm thấy họ không thể chia sẻ niềm tin tôn giáo của họ tại các phòng thí nghiệm nơi họ thường làm việc.

“Tôi nghĩ, đặc biệt là đối với các thực tập sinh, hoặc giảng viên cơ sở, có một chút lo lắng hơn về chuyện 'Tôi sẽ được xem xét như thế nào' nếu tôi nói về niềm tin của tôi vào Chúa. Đó thực sự là một thảm kịch khủng khiếp, bởi vì khi tôi cố lập luận bằng Ngôn ngữ của Thiên Chúa, những điều này không nên bị xem là đối kháng, bằng bất cứ cách nào,” ông Collins Collins nói.

Collins nói rằng nếu ông có thể quay ngược thời gian để nói chuyện với chính bản thân vô thần 27 tuổi của mình trước kia, ông sẽ khuyến khích chàng trai trẻ đó bắt đầu suy ngẫm những câu hỏi như: Tại sao lại có thứ gì đó thay vì không có gì? Có một Thiên Chúa không, và làm thế nào bạn biết là có? Tình yêu là gì? Vẻ đẹp là gì? Tại sao chúng ta có mặt ở đây?

“Đây không phải là những câu hỏi mà cách tiếp cận khoa học sẽ trả lời cho bạn được nhiều đâu”, Collins nói và thêm rằng ông sẽ nói với cái tôi quá khứ của mình: “Hãy suy nghĩ và xem coi liệu có đáng không, trước khi bạn chết, bỏ ra một ít phút gẫm suy về những chuyện đó, và xem coi liệu có bất cứ hướng nào khác trả lời những câu hỏi đó không, ngoài hướng của phòng thí nghiệm khoa học”.

Collins sẽ nhận giải thưởng Templeton trong một buổi lễ trực tuyến vào cuối năm nay.

 

https://www.catholicnewsagency.com/

 

Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch.



[1] ND: là bệnh thoái hóa tiến triển mà nguyên nhân là do tế bào thần kinh trong não mất đi. Kết quả là, có thể trải nghiệm chuyển động không kiểm soát được, rối loạn cảm xúc và suy sụp tinh thần. Bệnh Huntington là một bệnh di truyền. 

 

[2] ND: Ki-tô giáo thuần khiết,

 

https://books.google.com.vn/books?id=24aRDwAAQBAJ&pg=PA136&lpg=PA136&dq=Mere+Christianity+l%C3%A0&source=bl&ots=NK2Ymnz4OE&sig=ACfU3U1GkH2hUfIvz2P_1Lvvblch7ZDTAw&hl=vi&sa=X&ved=2ahUKEwiI9aS18sjpAhXDfd4KHQbLAf0Q6AEwAnoECAkQAQ#v=onepage&q=Mere%20Christianity%20l%C3%A0&f=false

 

Hoặc http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/co-phai-chua-giesu-la-con-duong-cuu-do-duy-nhat-6692.html

 

[3] ND: Clive Staples Lewis (29 tháng 11 năm 1898 – 22 tháng 11 năm 1963), được biết đến chủ yếu với tên C. S. Lewis, gia đình và bạn bè thường gọi là "Jack", là một tiểu thuyết gia, thi sĩ, nhà hàn lâm, nhà Trung Cổ học, nhà phê bình văn học, nhà luận văn, nhà thần học giáo dân và nhà biện hộ học Kitô giáo sinh ở Belfast, Ireland.

[4] ND: Huấn thị “Phẩm giá của Con người”.


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 5, 2020