Đức Hồng Y Toppo Tố Giác Thảm Trạng Thổ Dân

Archbishop Felix Toppo handing out food ration to a poor family. | Vatican News

Vietnamese.rvasia.org - 12/08/2020 - G. Trần Đức Anh, O.P.

Đức Hồng y Felix Toppo, Tổng giám mục giáo phận Ranchi ở miền đông bắc Ấn độ, tố giác thảm trạng của 100 triệu thổ dân ở Ấn Độ vẫn còn bị kỳ thị, bị loại trừ, nghèo đói và bóc lột.

Lên tiếng trong cuộc gặp gỡ trực tuyến, hôm 9/8/2020 vừa qua tại Ấn Độ, nhân ngày Thế giới các thổ dân bản xứ, Đức Hồng y Toppo cho biết 100 triệu thổ dân, tương đương với 8,6% dân tại Ấn Độ, thuộc hơn 700 nhóm bộ tộc khác nhau, sinh sống tại chín bang trên toàn quốc.

Đức Hồng y đặc biệt nói đến tình trạng các thổ dân trong thời kỳ đại dịch Covid-19 hiện nay: các quyền hiến định của dân bộ lạc cũng như mọi nhóm dân thiểu số bị áp bức không được tôn trọng, đó là sự bình đẳng, hiệp nhất và tình huynh đệ. Các quyền đó bị chà đạp. Cả bốn cột trụ của nền dân chủ là quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và các phương tiện truyền thông, cũng bị tê liệt vì những lèo lái chính trị tại Ấn. Tình trạng này tạo nên sự bất an, giận dữ và không thể tưởng tượng nổi giữa tín đồ các tôn giáo.

Dầu vậy, Đức Hồng y Tổng giám mục giáo phận Ranchi kêu gọi dân chúng đừng đánh mất hy vọng. Ngài nói: “Cả trong thời kỳ thử thách này, Thiên Chúa dạy chúng ta đừng sợ và hãy kiên vững trong đức tin”.

Cuộc gặp gỡ hôm 9/8 vừa qua, là một trong rất nhiều sinh hoạt được tổ chức tại Ấn, nhân Ngày Thế giới các thổ dân bản xứ, do Liên Hiệp Quốc ấn định. Tham dự cuộc gặp gỡ trực tuyến, có hơn 1.300 thủ lãnh các bộ lạc, những người tranh đấu cho nhân quyền, các học giả và chuyên gia ở các nơi tại Ấn Độ.

Trong số các tham dự viên, có linh mục Vencent Ekka, dòng Tên, trưởng ban nghiên cứu về các dân bộ lạc thuộc Học viện xã hội của dòng, ở thủ đô New Delhi. Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Ucan, cha khẳng định rằng tại Ấn, các thổ dân tiếp tục là những người dễ bị tổn thương và kỳ thị nhiều nhất, mặc dù Hiến pháp và luật pháp Ấn dự trù một loạt những tiện ích xã hội về kinh tế, giáo dục và xã hội.

Cha Ekka cũng nói rằng: “Trong bao nhiêu năm trời, các thổ dân tìm cách làm sao để căn tính, lối sống và các quyền của họ về đất đai, tài nguyên thiên nhiên truyền thống được xã hội nhìn nhận, nhưng rồi qua dòng lịch sử các quyền của họ luôn bị vi phạm”. (Vatican News 10-8-2020)

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 8, 2020