Đức Cha Piero Conti Lên Tiếng Cho Các Thổ Dân Bản Xứ

Indigeni Amazzonia | Tiago Miotto Cimi | @Cimi

Vietnamese.rvasia.org - 11/08/2020 - G. Trần Đức Anh, O.P.

Nhân ngày Thế giới các thổ dân bản xứ, 9/8/2020 vừa qua, Đức cha Piero Conti, Giám mục giáo phận Macapà, bên Brazil, cũng lên tiếng kêu gọi Giáo hội dấn thân bảo vệ và tôn trọng các thổ dân bản xứ, đi từ giáo huấn của Đức Thánh cha Phanxicô.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, truyền đi hôm 8/8/2020 vừa qua, Đức cha Conti nhắc lại rằng Ngày Thế giới các thổ dân đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ấn định vào ngày 9/8 mỗi năm, kể từ 26 năm nay (1994): số thổ dân hiện nay vào khoảng hơn 370 triệu người, rải rác tại hơn 70 quốc gia. Tổng cộng, họ chiếm 6% dân số trái đất, và nói hơn 5.000 thổ ngữ, trong đó 25% chưa được biết đến. Đáng tiếc là các thổ dân chiếm 15% số người nghèo trên thế giới. Họ cư ngụ trong các rừng cây, nơi các cánh đồng, sa mạc và cả tại những vùng băng tuyết vạn niên. Nhiều người ngày nay hòa nhập với các xã hội chung quanh, nhưng nhiều thổ dân khác vẫn hoàn toàn bảo tồn căn tính khác biệt của họ, tuy sống cạnh hoặc tiếp xúc với các thực dân từ nhiều thế kỷ.

Đức cha Conti cũng nói rằng hiện nay có ít nhất 100 bộ lạc thổ dân không có một liên hệ nào với thế giới bên ngoài. Đó là những bộ lạc nhỏ, họ có nguy cơ bị mất mạng, hoặc không còn tương lai, và nguyên sự tiếp xúc như thế họ cũng có thể có nguy cơ bị biến mất, vì họ không có hệ thống miễn nhiễm chống lại các thứ bệnh tật thông thường nhất.

Trong bối cảnh trên đây, Đức cha Piero Conti nói rằng: “Ngày thế giới các thổ dân nêu cho chúng ta câu hỏi: chúng ta phải làm gì khi biết rằng coronavirus đã lan tới các làng của các thổ dân bản xứ? Ai đã mang coronavirus tới những làng mạc xa xăm như thế? Rất tiếc, đó là những người mà chúng tôi gọi là “garimperos”, tức là những người tìm vàng. Chính họ là những người gặp các thổ dân bản xứ, thương lượng, trao đổi với họ. Đó là những tình trạng khó kiểm soát. Chúng tôi có thể nói rằng việc cô lập hóa hay cách ly là điều cần thiết, và vì các làng xa xăm, khi có người bệnh, đôi khi cần sử dụng các máy bay trực thăng hoặc các máy bay khác. Vì thế, điều quan trọng là chính phủ, Bộ y tế và tổ chức sức khỏe của các thổ dân làm những gì có thể”. (Vatican News 8-8-2020)

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 8, 2020