Đức Thánh Cha: Chúng Ta Được Kêu Gọi Để Chia Sẻ Hoa Trái Của Trái Đất Với Mọi Người

Đức Thánh cha Phanxicô tiếp kiến chung trực tuyến | Vatican News

Vietnamese.rvasia.org - 27/08/2020 - G. Trần Đức Anh, O.P.

Sáng thứ Tư 26/8/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã cử hành buổi tiếp kiến chung trực tuyến lần thứ 19, lúc 9 giờ 30 sáng từ thư viện Giáo hoàng trong dinh Tông tòa.

Giống như từ gần năm tháng nay, không có tín hữu hành hương trực diện trong buổi tiếp kiến và trong thư viện dinh Tông Tòa, chỉ có những vị phụ giúp Đức Thánh cha, đặc biệt là tám linh mục phụ trách việc thông dịch ra các thứ tiếng, các vị thay đổi nhau. Tuy nhiên, tại quảng trường thánh Phêrô, cũng có một số ít tín hữu hành hương theo dõi buổi tiếp kiến qua hai màn hình khổng lồ được bố trí tại đây.

Tôn vinh Lời Chúa

Mở đầu là phần lắng nghe Lời Chúa với bài đọc ngắn bằng năm thứ tiếng, trích từ đoạn bốn, sách Tông đồ Công vụ (Cv 4,32-35) kể lại cộng đồng Kitô đầu tiên một lòng một ý với nhau, để mọi sự làm của chung, “trong cộng đoàn không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa đều bán đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các tông đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu”.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong phần huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về việc chữa lành thế giới sau đại dịch, và bài thứ bốn ngài trình bày có đề tài là: “Mọi của cải là để mưu ích chung cho mọi người và nhân đức hy vọng”. Đức Thánh cha nói:

Mời gọi hy vọng

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

“Đứng trước đại dịch và những hậu quả của nó về mặt xã hội, nhiều người có nguy cơ mất hy vọng. Trong thời kỳ bấp bênh và lo âu này, tôi mời gọi tất cả hãy đón nhận hồng ân hy vọng đến từ Chúa Kitô. Chính Chúa giúp chúng ta đi qua giữa những đợt sóng của bệnh tật, chết chóc và bất công, chúng không có tiếng nói cuối cùng về định mệnh chung cục của chúng ta.

Tình trạng chênh lệch trong xã hội

“Đại dịch đã làm nổi bật và khiến cho những vấn đề xã hội trở nên trầm trọng, nhất là sự chênh lệch. Một số người có thể làm việc tại gia, trong khi đối với nhiều người khác, đó là điều không thể được. Một số trẻ em, dù có khó khăn, vẫn có thể tiếp tục nhận được nền giáo dục học đường, trong khi rất nhiều trẻ em khác, việc học bị gián đoạn đột ngột. Một số nước hùng mạnh có thể phát hành tiền để đương đầu với tình trạng khẩn cấp, trong khi tại những nước khác, điều này có nghĩa là tương lai bị thương tổn.”

Nền kinh tế bệnh hoạn và thảm trạng của trái đất

Đức Thánh cha giải thích rằng: “Những hiệu chứng ấy về sự chênh lệch tỏ lộ một căn bệnh xã hội: đó là một virus đến từ nền kinh tế bệnh hoạn. Nó là kết quả của một sự tăng trưởng kinh tế bất chính, tách rời khỏi những giá trị căn bản của con người. Trong thế giới ngày nay, một số nhỏ những người rất giàu sở hữu hơn tất cả phần còn lại của nhân loại. Đó là một sự bất công kêu thấu tới trời! Đồng thời, kiểu mẫu kinh tế ấy lãnh đạm, dửng dưng đối với những thiệt hại gây ra cho căn nhà chung. Chúng ta sắp đi quá nhiều giới hạn của trái đất kỳ diệu của chúng ta, với những hậu quả trầm trọng và không thể hồi lại được: từ sự mất mát những khác biệt sinh học và sự thay đổi khí hậu, cho đến sự gia tăng mực nước biển và phá hủy các rừng nhiệt đới. Sự chênh lệch xã hội và suy thoái môi trường đi song song với nhau và có cùng căn nguyên (xc. Laudato sì [LS], 101): căn nguyên là tội muốn sở hữu và thống trị các anh chị em, thống trị thiên nhiên và chính Thiên Chúa. Nhưng đó không phải là chủ ý của công trình sáng tạo.

Chủ ý nguyên thủy của Thiên Chúa

“Ban đầu, Thiên Chúa đã ủy thác trái đất và các tài nguyên cho việc quản trị chung của nhân loại, để chăm sóc chúng” (GLHTCG 2402). Thiên Chúa đã yêu cầu chúng ta thống trị trái đất nhân danh Ngài (St 1,28), vun trồng và săn sóc nó như một mảnh vườn, mảnh vườn của tất cả mọi người (xc. St 2,15). “Trong khi ‘vun trồng’ có nghĩa là cầy bừa hoặc làm việc [...], thì ‘bảo tồn’ có nghĩa là bảo vệ [và] gìn giữ” (LS, 67). Nhưng nên chú ý, đừng giải thích điều ấy như thể ta toàn quyền muốn làm gì thì làm với trái đất. Không phải vậy, có “một tương quan hỗ tương trách nhiệm” (ibid.) giữa chúng ta và thiên nhiên. Chúng ta lãnh nhận được từ các thụ tạo và đến lượt chúng ta cho đi. “Mỗi cộng đoàn có thể rút từ sự tốt lành của trái đất những gì mình cần cho sự sống còn của bản thân, nhưng họ cũng có nghĩa vụ bảo vệ trái đất” (ibid.)

Hoa trái của trái đất phải mưu ích cho mọi người

Quả thực, trái đất “có trước chúng ta và được ban cho chúng ta” (ibid.), Chúa ban “cho toàn thể nhân loại” (GLHTCG). Và vì thế, nghĩa vụ của chúng ta là làm sao để hoa trái của trái đất đi tới tất cả mọi người, chứ không phải chỉ cho vài người. Đây là yếu tố chủ yếu trong tương quan của chúng ta với những của cải trần thế. Như các Nghị phụ Công đồng chung Vatican II đã nhắc nhở, “con người, khi sử dụng những của cải ấy, phải coi những sự vật bên ngoài mà họ sở hữu hợp pháp, không phải chỉ là của riêng, nhưng còn như của chung, theo nghĩa chúng không những có thể giúp ích cho mình mà thôi nhưng còn cho người khác nữa” (Gaudium et spes, 69). Thực vậy, “sự sở hữu một của cải làm cho người sở hữu nó trở thành người quản lý của Chúa Quan Phòng, để làm cho nó sinh lợi và chia sẻ hoa trái với những người khác” (GLHTCG 2404).

Quyền tư hữu không có tính chất tuyệt đối

Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: “Để đảm bảo cho những gì chúng ta sở hữu mang lại giá trị cho cộng đoàn, “chính quyền có quyền và nghĩa vụ điều chỉnh việc thực thi hợp pháp quyền sở hữu tùy theo công ích” (ibid. 2406). “Sự tùy thuộc quyền tư hữu đối với nguyên tắc mọi của cải là để mưu ích cho mọi người [...], là một “khuôn vàng thước ngọc” trong những cư xử xã hội và là nguyên tắc đầu tiên của mọi trật tự đạo đức xã hội” (LS 93).

Của cải là phương tiện, không phải là mục đích

“Của cải và tiền bạc là những phương thế có thể phục vụ cho sứ mạng. Nhưng chúng ta dễ biến chúng thành những mục tiêu, cá nhân hoặc tập thể. Và khi điều này xảy ra, thì các giá trị nhân bản thiết yếu bị tấn công. “Con người khôn ngoan” (homo sapiens) bị biến dạng và trở thành một thứ con người kinh tế - theo nghĩa xấu - ích kỷ, tính toán, và thống trị. Chúng ta quên rằng, vì được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa, chúng ta là những hữu thể xã hội, có tinh thần sáng tạo và liên đới, với khả năng vô biên yêu mến. Thực tế, chúng ta là những hữu thể có tinh thần cộng tác nhất trong mọi loài, và chúng ta triển nở chung trong cộng đoàn, như ta thấy rõ trong kinh nghiệm của các thánh.”

Vượt thắng ám ảnh sở hữu gây chênh lệch xã hội

Đức Thánh cha cảnh giác rằng: “Khi sự ám ảnh chiếm hữu và thống trị loại trừ hàng triệu người khỏi những thiện ích sơ đẳng, khi sự chênh lệch kinh tế và kỹ thuật nhiều đến độ xâu xé các kết cấu xã hội, và khi sự lệ thuộc một sự tiến bộ vật chất vô giới hạn đe dọa căn nhà chung, thì khi ấy chúng ta không thể đứng đó mà nhìn. Không, điều ấy thực là đau buồn. Với cái nhìn chăm chú với Chúa Giêsu (xc. Dt 12,2), và với xác tín rằng tình yêu của Chúa hoạt động qua cộng đoàn các môn đệ của Chúa, chúng ta phải cộng tác với nhau, cùng hành động, với hy vọng tạo nên một cái gì khác và tốt đẹp hơn. Niềm hy vọng Kitô, có căn cội nơi Thiên Chúa, chính là chiếc neo của chúng ta. Nó nâng đỡ ý chí chia sẻ, củng cố sứ mạng của chúng ta như những môn đệ của Chúa Kitô, Đấng đã chia sẻ tất cả với chúng ta.

Gương các cộng đoàn Kitô tiên khởi

Các cộng đoàn Kitô tiên khởi đã hiểu điều đó, họ cũng đã sống những thời kỳ khó khăn như chúng ta. Họ ý thức mình có cùng một con tim, một tâm hồn duy nhất, nên đã để mọi của cải làm của chung, chứng tỏ ơn thánh dồi dào của Chúa Kitô dành cho họ (xc. Cv 4,32-35). Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Đại dịch làm cho tất của chúng ta lâm vào khủng hoảng. Nhưng anh chị em hãy nhớ rằng: ta không thể ra khỏi một cuộc khủng hoảng như cũ. Hoặc chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, hoặc chúng ta tệ hơn. Đó là sự chọn lựa của chúng ta. Sau cuộc khủng hoảng, phải chăng chúng ta sẽ tiếp tục với chế độ kinh tế này, với những bất công xã hội, coi rẻ việc chăm sóc môi trường, thiên nhiên, căn nhà chung hay sao?

Ước gì các cộng đoàn Kitô thế kỷ XXI cũng có thể phục hồi thực tại ấy, qua đó làm chứng về sự Phục sinh của Chúa. Nếu chúng ta chăm sóc những của cải mà Đấng Tạo Hóa ban cho chúng ta, nếu chúng ta đặt làm của chung những gì chúng ta sở hữu, đến độ không ai phải thiếu điều gì, thì khi ấy thực sự, chúng ta có thể gợi lên hy vọng để tái sinh một thế giới lành mạnh và công bằng hơn. Để kết thúc, chúng ta hãy nghĩ đến các trẻ em.

Anh chị em hãy đọc các thống kê: ngày nay bao nhiêu trẻ em chết đói vì không có sự phân phối tài nguyên một cách tốt đẹp, vì một hệ thống kinh tế như tôi đã nói trước; và bao nhiêu trẻ em hiện nay không được cắp sách đến trường, cũng vì lý do đó. Ước gì hình ảnh các trẻ em túng thiếu vì đói và thiếu học hành, giúp chúng ta hiểu rằng sau cuộc khủng hoảng này, chúng ta phải trở nên tốt hơn.”

Chào thăm các tín hữu

Sau bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Arập, Ba Lan.

Đặc biệt, bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Tôi thân ái chào thăm tất cả mọi người Ba Lan. Anh chị em thân mến, hôm nay Giáo hội tại Ba Lan mừng lễ trọng kính Đức Mẹ Đen ở Czestochowa. Tôi vẫn giữ kỷ niệm sinh động trong tâm hồn về cuộc viếng thăm của tôi tại đền thánh ấy, cách đây bốn năm, nhân dịp Ngày Quốc tế giới trẻ. Hôm nay, tôi hiệp với hàng ngàn tín hữu hành hương tại đó, cùng với hàng giám mục Ba Lan, để phó thác bản thân, gia đình, đất nước và toàn thể nhân loại cho sự bảo hộ từ mẫu của Đức Mẹ. Anh chị em hãy cầu xin Mẹ rất thánh, xin Mẹ chuyển cầu cho tất cả chúng ta, nhất là những người đang đau khổ vì đại dịch bằng nhiều cách, và ban ơn an ủi cho họ. Xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi và xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em!”

Sau cùng, bằng tiếng Ý Đức Thánh cha nói: “Tôi thân ái chào thăm các tín hữu nói tiếng Ý và nhắn nhủ tất cả mọi người hãy trở thành những chứng nhân quảng đại về tình yêu nhưng không của Thiên chúa trong mọi môi trường.

“Sau cùng tôi nghĩ đến những người già, giới trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới. Ngày 27 và 28/8 này, phụng vụ kinh nhớ hai vị đại thánh: thánh nữ Monica và con là thánh Augustinô, được liên kết với nhau bằng những liên hệ gia đình dưới đất, nay được liên kết trên trời bằng cùng một vận mệnh vinh quang. Ước gì mẫu gương và sự chuyển cầu của hai vị thúc đẩy mỗi người chúng ta chân thành tìm kiếm chân lý Phúc âm.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 8, 2020