Đức Hồng Y Koch: Cần Giải Quyết Khác Biệt Thần Học Để Có Thể Rước Lễ Chung Với Tin Lành

Đức Hồng y Kurt Koch | Vatican News

Vietnamese.rvasia.org - 16/10/2020 - G. Trần Đức Anh, O.P.

Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô tuyên bố rằng: “Cần giải quyết những quan niệm dị biệt về thần học, trước khi có thể có việc rước lễ chung giữa Công giáo và Tin lành”.

Đức Hồng y Koch tuyên bố như trên, trong cuộc phỏng vấn dành cho báo (KirchenZeitung) của giáo phận Linz, bên Áo, truyền đi ngày 14/10/2020 vừa qua. Đức Hồng y Koch, người Thụy Sĩ, nhận xét rằng có những quan niệm khác nhau trong thần vụ của Chính Thống giáo, thánh lễ của Công giáo và Bữa tiệc tối của Tin lành Luther. Những khác biệt về thần học như thế cần phải được giải quyết, vì sự rước lễ chung đòi phải có sự hiệp nhất về đức tin và sự tuyên xưng trước đó”.

Từ lâu, phía Tin lành ở Đức vẫn đòi được rước lễ chung với Công giáo và trong các buổi lễ gọi là “Bữa tiệc tối”, Tin lành vẫn mời gọi mọi Kitô hữu tham dự và rước lễ. Nhưng lập trường của Công giáo vẫn là: sự hiệp lễ, hay rước lễ chung, là biểu tượng sự hiệp nhất về tín lý và việc tuyên xưng đức tin. Bao lâu các tín hữu Kitô không tuyên xưng cùng một niềm tin thì việc rước lễ chung không thể tiến hành. Tin lành không tin Chúa Kitô hiện diện thực trong Thánh Thể, và cũng không công nhận bí tích truyền chức thánh.

Trả lời câu hỏi về việc, hồi năm ngoái, Ủy ban làm việc chung giữa Công giáo và Tin lành Đức đã công bố một văn kiện dài hơn 70 trang, gọi là Votum, nhìn nhận có thể rước lễ chung giữa hai bên và nhiều giám mục Đức, trong đó có Đức cha Georg Baetzing ký vào văn kiện này, Đức Hồng y Koch đáp: Bộ giáo lý đức tin đánh giá trình trạng đại kết hiện nay khác với Văn kiện Votum.. Mặc dù Đức cha Chủ tịch Baetzing ký vào văn kiện đó, nhưng Bộ giáo lý đức tin phủ nhận văn kiện này.

Và trước vấn nạn của ký giả báo của giáo phận Linz, theo đó đa số giám mục Công giáo Đức ủng hộ Votum, Đức Hồng y Koch đáp: “Đa số tự nó không phải là một bảo đảm cho chân lý, cả trong chính trị, và càng không là bảo đảm cho chân lý trong Giáo hội”.

Về vấn đề phụ nữ trong Giáo hội và truyền chức thánh cho phụ nữ, phải chăng cần có một công đồng chung về vấn đề này, Đức Hồng y Kurt Koch trả lời rằng: “Đây là vấn đề sôi bỏng hiện nay, vì thế Giáo hội phải tìm ra câu trả lời cho vấn đề này.” Đức Hồng y Koch nhận xét rằng trong các cuộc thảo luận về việc truyền chức cho phụ nữ, thường người ta chỉ hiểu thánh chức như một chức năng, một hoạt động, vì thế có câu hỏi: tại sao phụ nữ không thể thi hành chức năng đó? Nhưng vấn đề này chỉ có thể được giải quyết về phương diện thần học, nếu người ta đặt câu hỏi: truyền chức thánh là gì, và sứ mạng đi kèm sự thánh hiến ấy là gì? Đó là một sự đại diện Chúa Kitô trong tư cách là thủ lãnh của Giáo hội.

Đức Hồng y Koch nhắc lại rằng Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phán quyết chung kết, theo đó Giáo hội không có quyền thay đổi truyền thống của Giáo hội về việc truyền chức cho người nam. Cả Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI và Đức Giáo hoàng Phanxicô đương kim cũng khẳng định phán quyết đó. Trước câu hỏi: Vị giáo hoàng tương lai có thể quyết định khác hay không, và triệu tập một công đồng chung về vấn đề này, Đức Hồng y Koch trả lời: Vì mỗi vị Giáo hoàng đều cảm thấy bị ràng buộc do những quyết định của các vị tiền nhiệm, việc triệu tập một công đồng chung về vấn đề này không phải là điều dễ dàng. (KP 14-10-2020)

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 10, 2020