Đức Thánh Cha: Giáo Hội Là Nhà Và Là Trường Dạy Cầu Nguyện

 Photo: Vatican Media

RVA 14/04/2021 - G. Trần Đức Anh, O.P.

Lúc 9 giờ 15 phút, sáng thứ Tư, 14/4/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến chung dưới dạng trực tuyến, vẫn tại thư viện ở dinh Tông tòa. Đây là buổi tiếp kiến thứ mười hai, tính từ đầu năm nay.

Tôn vinh Lời Chúa

Buổi tiếp kiến mở đầu với bài đọc ngắn, trích từ sách Tông đồ Công vụ, đoạn thứ 4 (23-24.29-31), ghi lại những lời cầu nguyện cảm tạ của cộng đồng Kitô tiên khởi, sau khi thánh Phêrô và thánh Gioan được trả tự do:

“Được thả về, Phêrô và Gioan đến với các anh em và thuật lại mọi điều các thượng tế và kỳ mục đã nói với hai ông. Nghe vậy, họ đồng tâm nhất trí cất tiếng lên cùng Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Ngài là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó [...] Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn. Xin giơ tay chữa lành và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh Tôi Tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu”. Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.

Bài huấn giáo

Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện và trình bày bài thứ 29, với đề tài: “Giáo hội là thầy dạy cầu nguyện”.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Giáo hội là một trường học lớn dạy cầu nguyện. Nhiều người trong chúng ta đã bập bẹ những lời cầu nguyện đầu tiên, khi còn ở ngồi trên đầu gối cha mẹ hoặc ông bà. Có lẽ chúng ta còn giữ kỷ niệm về cha hoặc mẹ dạy chúng ta đọc kinh trước khi đi ngủ. Những lúc mặc niệm ấy thường là những lúc cha mẹ lắng nghe các con cái tâm sự thân mật và có thể nói với con cái lời khuyên rút từ Tin mừng. Rồi khi lớn lên, ta có những cuộc gặp gỡ khác, với các chứng nhân và thầy dạy cầu nguyện (xc SGL Công Giáo, 2686-2687). Nhớ lại những điều ấy thật là tốt.

Cầu nguyện trong cuộc sống

Đời sống của một xứ đạo và của mỗi cộng đoàn Kitô được diễn ra theo mùa phụng vụ và kinh nguyện cộng đoàn. Ơn mà chúng ta nhận được trong thời thơ ấu với sự đơn sơ, chúng ta nhận thấy rằng đó là một gia sản lớn và rất phong phú, và kinh nghiệm về sự cầu nguyện ngày càng đáng được đào sâu thêm (Xc SGL 2688). Tấm áo đức tin không được nhuộm hồ, được tăng trưởng với chúng ta, cả trong những lúc khủng hoảng và trỗi dậy. Và hơi thở đức tin là cầu nguyện. Sau một số giai đoạn trong cuộc sống, chúng ta nhận thấy rằng nếu không có đức tin thì chúng ta không thể thành công và cầu nguyện chính là sức mạnh của chúng ta. Không những kinh nguyện bản thân nhưng cả kinh nguyện của các anh chị em chúng ta, và của cộng đoàn đồng hành và nâng đỡ chúng ta.

Các cộng đoàn cầu nguyện trong Giáo hội

Và vì thế trong Giáo hội liên tục triển nở các cộng đoàn và những nhóm chuyên về cầu nguyện. Thậm chí một số Kitô hữu cảm thấy ơn gọi biến cầu nguyện thành hoạt động chính yếu trong ngày của họ. Trong Giáo hội, có những đan viện, tu viện, những chiếc am của ẩn sĩ, nơi có những người được thánh hiến cho Thiên Chúa sinh sống và thường trở thành những trung tâm linh đạo. Những ốc đảo nhỏ, trong đó có sự chia sẻ cầu nguyện nồng nhiệt và ngày qua ngày, người ta kiến tạo tình hiệp thông huynh đệ. Đó là những tế bào sinh động, không những cho cuộc sống của Giáo hội, nhưng cho cả xã hội nữa. Chúng ta hãy nghĩ đến vai trò của đời đan tu làm nảy sinh và tăng trưởng nền văn minh Âu châu và cả trong các nền văn hóa khác. Cầu nguyện và làm việc trong cộng đoàn làm cho thế giới tiến bước.

Tầm quan trọng của sự cầu nguyện

Tất cả trong Giáo hội nảy sinh trong việc cầu nguyện và tất cả tăng trưởng nhờ kinh nguyện. Khi kẻ thù, là ma quỉ, muốn phá đổ Giáo hội, điều đầu tiên hắn làm là làm khô cạn các nguồn mạch của Giáo hội, cản trở Giáo hội Công giáo.

Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: “Ví dụ chúng ta thấy trong một vài nhóm họ đồng ý với nhau để thực hiện một số cải tổ Giáo hội, thay đổi trong cuộc sống và tất cả các tổ chức, và các cơ quan truyền thông thông báo mọi sự. Nhưng người ta không thấy kinh nguyện, họ không cầu nguyện. Họ nói chúng ta phải thay đổi cái này, phải đưa ra quyết định mạnh mẽ hơn... Nhưng đó là bằng cách thảo luận, bằng các phương tiện truyền thông, chẳng thấy cầu nguyện ở đâu. Cầu nguyện mở cửa cho Thánh Linh, Đấng soi sáng để tiến bước. Những thay đổi trong Giáo hội không có cầu nguyện không phải là những thay đổi của Giáo hội. Đó là những thay đổi phe nhóm. Như tôi vừa nói, khi kẻ thù muốn phá đổ Giáo hội, trước tiên nó tìm cách làm khô cạn nguồn mạch, cản trở cầu nguyện và đưa ra những đề nghị khác.

Nếu ngưng cầu nguyện, thì thoạt đầu tất cả có vẻ tiếp tục như thường, nhưng rồi dần dần sau đó Giáo hội nhận thấy mình trở thành một cái vỏ trống rỗng, đã đánh mất cái trục chính của mình, không còn nguồn mạch sức nóng và tình thương nữa.

Gương các thánh nam nữ

Các thánh nam nữ không có một cuộc sống dễ dàng hơn những người khác. Trái lại, họ cũng có những vấn đề phải đương đầu, và hơn nữa, họ thường là đối tượng bị chống đối. Nhưng sức mạnh của họ là sự cầu nguyện, họ luôn kín múc từ “giếng” vô tận của Mẹ Giáo hội. Với kinh nguyện, họ nuôi dưỡng ngọn lửa đức tin của mình, giống như khi họ làm với ngọn đèn dầu. Và nhờ đó, họ tiến bước trong đức tin và hy vọng. Các thánh, trước mắt người đời, thường chẳng có gì đáng kể, nhưng trong thực tế, họ là những người nâng đỡ thế giới, không phải bằng khí giới, tiền bạc hoặc quyền thế, nhưng bằng khí giới cầu nguyện.

Kiên trì cầu nguyện

Trong Tin mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu đặt một câu hỏi bi thảm khiến chúng ta luôn suy nghĩ: “Liệu khi Con Người trở lại, có còn thấy đức tin trên trái đất nữa không?” (Lc 18,8). Câu hỏi này ở cuối dụ ngôn chứng tỏ cần kiên trì cầu nguyện, không bao giờ mệt mỏi (xc vv.1-8). Vì vậy, chúng ta có thể kết luận rằng ngọn đèn đức tin sẽ luôn cháy sáng trên trái đất bao lâu còn dầu cầu nguyện.

Đức tin sẽ tắt lịm nếu không cầu nguyện

Đó là nghĩa vụ thiết yếu của Giáo hội: cầu nguyện và dạy cầu nguyện. Thông truyền từ đời này sang đời khác ngọn đèn đức tin bằng dầu cầu nguyện. Nếu không có ánh sáng của ngọn đèn ấy, chúng ta sẽ không thể thấy những khuôn mặt anh chị em cần đến gần và phục vụ; chúng ta sẽ không thể soi sáng gian phòng nơi chúng ta gặp gỡ nhau trong cộng đoàn. Nếu không có đức tin thì tất cả sụp đổ; và không có cầu nguyện, thì đức tin tắt lịm. Vì thế, Giáo hội là nhà và là trường hiệp thông, cũng là nhà và là trường dạy cầu nguyện.

Chào thăm và nhắn nhủ

Nối tiếp bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ chính.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha cầu mong rằng trong bầu không khí vui mừng của lễ Phục sinh, anh chị em có thể dấn thân phục vụ Tin mừng và anh chị em mình.

Đức Thánh cha nói thêm: “Sau cùng, như mọi khi, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Tôi khích lệ tất cả hãy sống quảng đại, được xây dựng trên đá tảng là Chúa Kitô, niềm hy vọng vững chắc duy nhất của chúng ta.”

Buổi tiếp kiến trực tuyến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 4, 2021