ĐỨC PHANXICÔ : NẾU MỘT LINH MỤC KHÔNG “NHÂN BẢN”, THÌ LINH MỤC ĐÓ “VÔ ÍCH”

(xuanbichvietnam.net) - Tháng Sáu 11th, 2021.

“Một linh mục có thể là rất kỷ luật, có thể có khả năng giải thích tốt thần học, triết học… Nhưng nếu không nhân bản, thì vô ích… ngài thiếu tấm lòng”, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh giác trước các thành viên của Chủng viện Piô XI của miền Marchigiano, mà ngài tiếp kiến tại Vatican hôm 10/6/2021.

Đối với Đức Thánh Cha, “thế giới đang khát khao những linh mục có khả năng thông truyền lòng nhân từ của Thiên Chúa cho những người đã trải qua tội lỗi và thất bại, những linh mục chuyên viên về con người, những mục tử sẵn sàng chia sẻ niềm vui và sự mệt mỏi của anh chị em mình”.

Đức Phanxicô đặc biệt mời gọi các chủng sinh có “sự ngoan ngoãn”, mời gọi đến sự khôn ngoan của “các linh mục cao tuổi” và đừng để “thế giới nội tâm” của mình ở cổng Chủng viện : “Hãy cởi mở bằng tất cả sự chân thành cho các nhà đào tạo các con, bằng cách chiến đấu chống lại mọi hình thức giả dối bên trong. Những người có khuôn mặt của Chân phước Imelda và ở bên trong là một thảm họa : không được, đó là sự lừa dối nội tâm. Đừng đóng vai thiên thần nhỏ bé, không được. Hãy vun trồng những mối tương quan nhân bản rõ ràng, vui tươi, khai phóng, tròn đầy, có khả năng tình bằng hữu, khả năng cảm xúc, khả năng phong nhiêu”.

Ngài cảnh giác mối nguy về tính cứng nhắc, vốn “biểu lộ óc giáo sĩ trị” : “Khi cha thấy một chủng sinh hay một linh mục trẻ cứng nhắc, thì cha tự nhủ “đã xảy ra điều gì tồi tệ nơi người ấy”. Đằng sau mọi sự cứng nhắc, có một vấn đề nghiêm trọng, bởi vì sự cứng nhắc thiếu nhân bản”.

Cách riêng nói với ban đào tạo chủng sinh, Đức Thánh Cha nhắc nhở : “Hãy trở nên đối với các chủng sinh của anh em những gì mà thánh Giuse đã từng là đối với Chúa Giêsu ! Họ có thể học hỏi nhiều từ cuộc sống của anh em hơn là từ những lời nói của anh em”.

Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Đức Thánh Cha :

Anh em thân mến,

Cha vui mừng đón tiếp cộng đoàn Chủng viện “Piô XI” miền Marchigiano của các con. Cha cám ơn Cha Giám đốc về những lời chào mừng của ngài : ngài thật là nhiệt huyết, vị Giám đốc này ! Cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra trong năm dâng kính thánh Giuse và điều đó dẫn Cha đến việc chia sẻ một vài tư tưởng về ơn gọi được cảm hứng từ “con người phi thường này, rất gần gũi với thân phận con người của mỗi người trong chúng ta” (Tông thư Patris corde, 8/12/2021) và cũng gần gũi tiếng gọi mà Thiên Chúa đã muốn nói với chúng ta.

Cha thích hình dung Chủng viện như là gia đình Nadarét, trong đó Chúa Giêsu đã được đón nhận, được bảo vệ và đào tạo cho sứ mạng được Chúa Cha giao phó. Con Thiên Chúa đã chấp nhận để mình được yêu thương và hướng dẫn bởi các cha mẹ nhân loại, Đức Maria và thánh Giuse, dạy cho mỗi người chúng ta rằng không có sự ngoan ngoãn thì không ai có thể lớn lên và trưởng thành. Cha muốn nhấn mạnh điều đó, bởi vì người ta không nói nhiều về sự ngoan ngoãn. Trở nên ngoan ngoãn là một ân ban mà chúng ta phải cầu xin ; sự ngoan ngoãn là một nhân đức không chỉ phải thủ đắc, nhưng còn phải lãnh nhận. Điều quan trọng là mỗi người các con luôn tự hỏi : “Tôi có ngoan ngoãn không ?  Tôi có bất trị không, hay là tôi coi thường, và tôi làm như tôi muốn ?”.» Không được. Sự ngoan ngoãn là một thái độ xây dựng ơn gọi và nhân cách của mình. Không có sự ngoan ngoãn, không ai có thể lớn lên và trưởng thành. Quả thế, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis khẳng định rằng linh mục là một môn đệ liên lỉ trên con đường bước theo dấu chân của Thầy mình và, do đó, việc đào tạo linh mục là một tiến trình đang tiến triển, được bắt đầu ở gia đình, tiếp tục ở giáo xứ, được củng cố ở Chủng viện và kéo dài suốt cuộc đời. Hình ảnh thánh Giuse là kiểu mẫu tốt đẹp nhất mà các nhà đào tạo của các con được mời gọi dựa vào để gìn giữ và chăm sóc ơn gọi của các con. Vì thế, trước tiên Cha muốn nói với họ.

Anh em trong Hội đồng Giám mục miền Marchigiano thân mến, những người hữu trách đầu tiên trong việc đào tạo các bạn trẻ này : Cha Giám đốc, Cha linh hướng và tất cả các nhà đào tạo thân mến, hãy trở nên đối với các chủng sinh của anh em những gì mà thánh Giuse đã từng là đối với Chúa Giêsu ! Họ có thể học hỏi nhiều từ cuộc sống của anh em hơn là từ những lời nói của anh em, như đã diễn ra nơi ngôi nhà Nadarét, ở đó Chúa Giêsu đã được đào tạo ở mái trường “can đảm sáng tạo” của Giuse. Ước mong họ học hỏi được sự ngoan ngoãn từ sự vâng phục của anh em ; sự làm việc chăm chỉ từ sự tận tụy của anh em ; sự quảng đại đối với người nghèo từ chứng tá về sự giản dị và sẵn sàng ứng trực của anh em ; tình phụ tử qua tình cảm sống động và trong sạch của anh em. “Bên cạnh danh xưng cha, truyền thống đã gọi thánh Giuse là “rất trong sạch”. Đó không phải là một chỉ dẫn tình cảm thuần túy, nhưng đó là tổng hợp về một thái độ diễn tả điều trái ngược với sự chiếm hữu. Đức trong sạch là sự kiện giải thoát mình khỏi sự chiếm hữu trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Chỉ khi một tình yêu trong sạch thì nó mới thực sự là tình yêu. Tình yêu muốn chiếm hữu cuối cùng luôn trở nên nguy hiểm, nó giam hãm, bóp nghẹt, làm bất hạnh” (Tông thư Paris corde).

Và bây giơ, các chủng sinh thân mến, Cha muốn nói với các con, những người mà Giáo hội mời gọi theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã ngoan ngoãn để cho thánh Giuse giáo dục mình. Từ khi còn trẻ, Ngài đã phải trải qua sự mệt mỏi mà mọi con đường tăng trưởng đều bao hàm, tự đặt ra những câu hỏi lớn của cuộc sống, bắt đầu đảm nhận trách nhiệm của mình và đưa ra những quyết định. Nhưng Ngài là Thiên Chúa, Ngài không cần…, không phải : Ngài đã học hỏi, Ngài đã thực sự học hỏi, Ngài không giả vờ học hỏi, không phải, Ngài đã học hỏi. Ngài là Thiên Chúa, đúng vậy, nhưng Ngài là con người thật : Ngài đã trải qua tất cả  các giai đoạn tăng trưởng của một con người. Có lẽ chúng ta không suy nghĩ đủ về chàng thanh niên Giêsu, vốn cũng phải phân định ơn gọi của mình, lắng nghe và phó thác cho Đức Maria và thánh Giuse, đối thoại với Chúa Cha để hiểu sứ mạng của mình.

Ước gì Chủng viện cũng như ngôi nhà Nadarét đối với các con, ở đó Con Thiên Chúa đã học làm người và sự gần gũi từ cha mẹ mình. Các con đừng bằng lòng với việc thành thạo trong việc sử dụng các mạng xã hội và phương tiện truyền thông. Chỉ khi được biến đổi bởi Lời Chúa mà các con sẽ có thể thông truyền những lời sự sống. Thế giới đang khát khao những linh mục có khả năng thông truyền lòng nhân từ của Thiên Chúa cho những người đã trải qua tội lỗi và thất bại, những linh mục chuyên viên về con người, những mục tử sẵn sàng chia sẻ niềm vui và sự mệt mỏi của anh chị em mình, những con người để cho mình được ghi dấu bằng tiếng kêu của người đau khổ. Hãy kín múc nhân tính của Chúa Giêsu trong Tin Mừng và nơi Nhà Tạm, hãy tìm kiếm điều đó nơi đời sống của các thánh và nhiều anh hùng bác ái, hãy nghĩ đến mẫu gương đích thực của những người đã truyền đức tin cho các con, đến ông bà của các con, đến cha mẹ của các con. Thánh Phaolô đã từng nói như thế với Timôthê, người môn đệ yêu quý của mình : “Anh hãy nhớ đến mẹ và bà của anh, đến cội nguồn của mình”. Và cũng hãy đọc các nhà văn biết nhìn vào tâm hồn con người ; chẳng hạn, Cha nghĩ đến Dostoïevski, người mà trong những biến cố khốn khổ của sự đau khổ trần gian đã biết biểu lộ vẻ đẹp của tình yêu cứu thoát. Nhưng một số trong các con có thể nói : nhưng đâu là mối tương quan với Dostoïevski, ở đây ? Đó là dành cho những người thích văn chương ! Không phải, không phải : đó là để trưởng thành nhân bản. Hãy đọc các nhà nhân văn lớn. Một linh mục có thể là rất kỷ luật, có thể có khả năng giải thích giỏi thần học, triết học, và bao nhiêu thứ. Nhưng nếu không nhân bản, thì vô ích. Linh mục ấy hãy xuất và trở thành giáo sư. Nhưng nếu không nhân bản, thì không thể là linh mục : linh mục đó thiếu điều gì đó. Ngài thiếu ngôn ngữ ? Không phải, ngài có thể nói. Ngài thiếu tấm lòng ; những chuyên viên về con người !

Vì thế, Chủng viện không được làm cho các con xa rời thực tế, xa rời những nguy hiểm và càng ít xa rời với người khác, nhưng trái lại, phải làm cho các con trở nên gần gũi Thiên Chúa và anh chị em mình hơn. Giữa các bức tường của Chủng viện, các con hãy mở các biên giới của trái tim mình – trái tim giãn nở – , hãy mở rộng chúng cho toàn thế giới, hãy say mê đối với những gì “xích lại gần”, hãy say mê đối với những gì xích lại gần, “mở ra”, “giúp gặp gỡ”. Các con hãy coi chừng những kinh nghiệm nào dẫn đến khuynh hướng nội tâm cằn cỗi, “những chủ nghĩa duy tâm làm cho phong phú”, có vẻ mang lại sự an ủi, mà trái lại dẫn đến sự khép kín và cứng nhắc. Và Cha dừng lại ở đây một chút. Sự cứng nhắc là hơi hợp thời trang ngày nay ; và sự cứng nhắc là một trong những biểu lộ của óc giáo sĩ trị. Óc giáo sĩ trị là một sự đồi bại của thiên chức linh mục : đó là một sự đồi bại. Và sự cứng nhắc là một trong những biểu hiện. Khi Cha thấy một chủng sinh hay một linh mục trẻ cứng nhắc, thì Cha tự nhủ “đã xảy ra điều gì tồi tệ nơi người ấy”. Đằng sau mọi sự cứng nhắc, có một vấn đề nghiêm trọng, bởi vì sự cứng nhắc thiếu nhân bản.

Sau cùng, Cha muốn gợi ý cho các con một vài điểm liên quan đến bốn chiều kích đào tạo : nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ. Và bốn chiều kích này gắn liền với nhau, và chiều kích này thực hiện chiều kích kia : chiều kích nhân bản, chiều kích thiêng liêng, chiều kích trí thức và mục vụ.

Trước tiên, các con đừng xa rời nhân bản  của các con, đừng để ở cổng Chủng viện sự phức tạp của thế giới nội tâm của các con, cảm xúc và tình cảm của các con : đừng để chúng ở bên ngoài ; đừng khép kín nơi chính mình khi các con đang sống một thời điểm khủng hoảng hay yếu đuối : nói về nó, đó là nhân bản. Hãy cởi mở bằng tất cả sự chân thành cho các nhà đào tạo các con, bằng cách chiến đấu chống lại mọi hình thức giả dối bên trong. Những người có khuôn mặt của Chân phước Imelda và ở bên trong là một thảm họa : không được, đó là sự lừa dối nội tâm. Đừng đóng vai thiên thần nhỏ bé, không được. Hãy vun trồng những mối tương quan nhân bản rõ ràng, vui tươi, khai phóng, tròn đầy, có khả năng tình bằng hữu, khả năng cảm xúc, khả năng phong nhiêu.

Chiều kích thiêng liêng, Linh đạo : việc cầu nguyện không được trở nên chủ nghĩa nghi thức – những người cứng nhắc luôn kết thúc trong chủ nghĩa nghi thức ; việc cầu nguyện phải trở thành cơ hội gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa. Và nếu bạn muốn nổi giận đối với Thiên Chúa, thì cứ nổi giận : bởi vì nổi giận với bố của mình là một cách thức thổ lộ tình yêu. Các con đừng sợ : ngài hiểu ngôn ngữ này, Ngài là Cha – gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa, đối thoại và thân mật với Ngài. Hãy lưu ý để cử hành phụng vụ và việc cầu nguyện cộng đoàn không trở thành một việc cử hành chính bản thân chúng ta. Một lần nọ, Cha đi mua áo sơ mi – khi Cha còn có thể ra ngoài, bây giờ thì không – tại một tiệm quần áo giáo sĩ. Có một thanh niên, chủng sinh hay linh mục, đang tìm quần áo. Cha quan sát người ấy : người ấy ngắm mình trong gương. Và câu nói này chợt đến với Cha : người này tự tán dương mình, và người này sẽ làm tương tự trước bàn thờ. Xin vui lòng, đừng để bất cứ cuộc cử hành phụng vụ nào trở thành việc tán dương bản thân chúng ta. Các con hãy làm phong phú lời cầu nguyện bằng những khuôn mặt, hôm nay các con hãy cảm thấy mình là những người cầu thay nguyện giúp cho thế giới.

Chiều kích thứ ba. Việc nghiên cứu học hỏi phải giúp các con tự tin và năng lực đi vào sự phức tạp của nền văn hóa và tư tưởng hiện đại, đừng sợ hãi nó, đừng thù nghịch nó. Đừng sợ hãi. “Nhưng, thưa cha, chúng ta đang trải qua một thời gian được ghi dấu bởi tư tưởng vô thần” – Nhưng, con phải hiểu biết nó, con phải đối thoại và con phải rao giảng đức tin của con và rao giảng Chúa Giêsu Kitô cho thế giới này, cho tư tưởng này. Sự khôn ngoan của Tin Mừng phải được nhập thể ở đó. Và thách đố sứ mạng đang chờ đợi con, ngày nay hơn bao giờ hết, đòi hỏi năng lực và sự chuẩn bị. Ngày nay hơn bao giờ hết : cần phải nghiên cứu học hỏi, có năng lực, được chuẩn bị để nói với thế giới này.

Và chiều kích thứ tư. Việc đào tạo mục vụ phải thúc đẩy các con hăng hái đi gặp gỡ mọi người. Chúng ta là linh mục để phục vụ Dân Thiên Chúa, để săn sóc những vết thương của mọi người, đặc biệt của người nghèo. Sẵn sàng ứng trực cho người khác : chính đó là bằng chứng không thể bác bỏ về tiếng vâng với Thiên Chúa. Và đừng có óc giáo sĩ trị, Cha đã nói điều đó. Làm môn đệ của Chúa Giêsu có nghĩa là giải thoát khỏi chính mình và  tuân theo những tâm tình của Ngài, là Đấng đã đến “không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ” (x. Mc 10, 45).

Mục tử đích thực không được cắt đứt khỏi dân Thiên Chúa : người mục tử ở trong dân Thiên Chúa, hoặc phía trước – để chỉ đường – hoặc ở giữa, để hiểu dân tốt hơn, hoặc phía sau, để giúp những ai còn ở lại hơi quá xa ở đằng sau, và để cho dân, đoàn chiên một chút, bằng sự nhạy bén của họ, chỉ cho họ nơi có đồng cỏ mới. Người mục tử đích thực phải luôn di chuyển giữa ba nơi này : phía trước, ở giữa và phía sau. Đôi khi Cha thấy những cuốn sách hay những cuộc hội nghị về linh mục liên quan đến khía cạnh này, khía cạnh khác, khía cạnh khác nữa…Đúng thế, cần phải nghiên cứu tất cả điều đó, nhưng nếu tất cả những khía cạnh này không bén rễ trong sự thuộc về dân thánh của Thiên Chúa, thì đó chỉ là những suy tư mang tính học thuật vô ích. Con là linh mục của dân thánh trung tín của Thiên Chúa, con là linh mục bởi vì con có chức tư tế phép rửa và các con không thể chối bỏ điều đó.

Sau cùng, Cha xin cảm ơn các vị Mục tử của các con –  anh em và các đồng nghiệp của anh em : cảm ơn – và các cộng đoàn giáo phận của các con về chứng tá cho sự hiệp thông Giáo hội vốn được thực hiện bởi chọn lựa nâng cao giá trị cho việc tổ chức liên giáo phận và vùng miền của Chủng viện : Cha thích điều đó nhiều. Và cũng vì bó buộc, bởi vì một giáo phận có bốn chủng sinh không thể có một chủng viện với bốn hay năm chủng sinh : cần phải có cộng đoàn. Vào thời điểm hiện tại – trong Giáo hội cũng như ở ngoài – thời kết thúc khuôn mẫu “gác chuông nhỏ”, thì kinh nghiệm hiệp thông mà các con đang sống là một ví dụ tốt đẹp cả cho những giáo phận khác mà, qua việc chia sẻ việc đào tạo chung, sẽ được giúp đỡ tìm ra những nhà đào tạo và các giảng viên thích ứng với thách đố lớn của việc đồng hành ơn gọi.

Và điều sau cùng. Trong bốn chiều kích này – trí thức, mục vụ, cộng đoàn và thiêng liêng – các con có những giáo sư, những nhà đào tạo, những cha linh hướng và các con phải nói chuyện với họ. Nhưng, trong giáo phận của các con, hãy tìm những linh mục cao tuổi, những người có sự khôn ngoan về « rượu ngon », những người mà qua chứng tá của họ sẽ dạy cho các con làm thế nào giải quyết các vấn đề mục vụ, những người mà, với tư cách cha sở, biết tên của mọi người, của mỗi tín hữu của mình, thậm chí tên của những con chó : một người trong họ đã nói với Cha như thế. Nhưng Cha đã hỏi, cha làm thế nào để biết họ khi có bốn giáo xứ ? “Không được, ta không thể”, linh mục ấy khiêm tốn nói với  Cha. Nhưng cha đã thành công biết được tất cả mọi người phải không? “Vâng, con đã biết tên của mọi người, thậm chí là tên của những con chó”. Hoan hô. Một linh mục rất gần gũi, và cũng rất gần gũi Nhà Tạm : ngài đã nhìn mọi người bằng niềm tin và sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu. Những linh mục cao tuổi đã mang trên vai mình nhiều vấn đề của dân chúng và đã ít nhiều giúp sống tốt và chết lành. Hãy nói chuyện với những linh mục này, vốn là kho tàng của Giáo hội. Nhiều người trong số họ đôi khi bị lãng quên tại nhà hưu dưỡng : hãy đi tìm họ. Họ là một kho tàng.

Xin thánh Giuse đồng hành với anh em và xin Đức Trinh Nữ Maria che chở anh em. Tôi ban phép lành cho anh em và xin anh em cầu nguyện cho tôi, bởi vì công việc của tôi không dễ dàng chút nào ! Xin cảm ơn.

Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ

(nguồn: ZENIT, hình ảnh: vatican.va)

 

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 6, 2021