Cuộc Gặp Gỡ Giữa Đức Thánh Cha Với Các Thủ Lãnh Kitô Liban

 

RVA 01/07/2021 - G. Trần Đức Anh, O.P.

Hôm 1/7/2021, Đức Thánh cha Phanxicô và các vị lãnh đạo của 10 cộng đoàn các Giáo hội Kitô ở Liban, đã cử hành Ngày suy tư và cầu nguyện cho Liban, với chủ đề: “Chúa là Thiên Chúa, có những dự án hòa bình. Cùng nhau cho Liban”.

Thành phần tham dự

Trong số 10 vị lãnh đạo Kitô, có 5 vị thuộc Công giáo, đứng đầu là Đức Hồng y Bechara Rai, Thượng phụ Giáo chủ Công giáo Maronite, là Giáo hội đông nhất tại Liban, tiếp đến là các vị Thượng phụ Công giáo Siriac, Melkite, Đức Giám mục Công giáo Canđê và Đức cha Cesar Essayan, Đại diện Tông tòa Công giáo Latinh ở Liban. Về phía không Công giáo, có Đức Thượng phụ Youhanna X Yazgi, Thượng phụ Ignatius Aphrem II của Chính thống Siriac, Đức Thượng phụ Aram của Arméni Tông Truyền, Mục sư Joseph Kassab, Chủ tịch Hội đồng các cộng đoàn Tin lành ở Syria và Liban. Về phía Tòa Thánh, có Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô và Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Đông Phương.

Ngày gặp gỡ bắt đầu lúc 8 giờ 30: Đức Thánh cha chào thăm các vị lãnh đạo Kitô tại tiền đường Nhà trọ thánh Marta, nơi các vị đã tới từ hôm trước. Rồi ngài cùng với các vị đi rước tiến vào Đền thờ thánh Phêrô, đi xuống tầng hầm, trước mộ thánh nhân. Mỗi vị thắp lên một cây nến sáng, biểu tượng quyết tâm dấn thân cho hòa bình và sự ổn định của đất nước Liban, cũng như góp phần đưa quốc gia này ra khỏi tình trạng khủng hoảng đang làm cho Liban bị kiệt quệ.

Sau ít phút cầu nguyện trong thinh lặng, rồi đọc Kinh Lạy Cha, Đức Thánh cha và các vị thủ lãnh Kitô đã tiến về cuối đền thờ để dùng thang máy lên lầu ba của dinh tông tòa, tiến vào sảnh đường Clementina.

Tại đây diễn ra ba cuộc hội luận và tham khảo riêng: hai cuộc ban sáng và một cuộc ban chiều, vào lúc 4 giờ 30. Đầu mỗi cuộc trao đổi, có một tường trình viên gợi ý. Bàn gặp gỡ là bàn tròn, ngồi quanh đó có Đức Thánh cha và các vị lãnh đạo Kitô. Đức Tổng giám mục Joseph Spiteri, Sứ thần Tòa Thánh tại Liban, là người điều hợp. Ban trưa, các vị trở về nhà trọ thánh Marta để dùng bữa và nghỉ ngơi.

Cầu nguyện cho hòa bình

Ngày gặp gỡ kết thúc với buổi cầu nguyện đại kết cho hòa bình, từ lúc 6 giờ chiều tại Đền thờ thánh Phêrô, với sự tham dự của các giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và giáo dân Liban ở Roma và một số vị trong ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

Có phần công bố Lời Chúa xen lẫn các kinh nguyện và thánh ca, theo các truyền thống khác nhau ở Liban, bằng tiếng Arập, Siriac, Armeni và Canđê.

Cuối buổi cầu nguyện, một số bạn trẻ trao cho các vị lãnh đạo Kitô một ngọn nến sáng để đặt trên một cây bạch lạp, tượng trưng hy vọng hòa bình mà các thế hệ trẻ biểu lộ, đồng thời xin ơn phù trợ để niềm hy vọng ấy không bị tắt lịm vì những sầu muộn và chao đảo hiện nay.

Đức Thánh cha ngỏ lời kết thúc và ngài sẽ tặng mỗi tham dự viên một bức ảnh nổi với huy hiệu Ngày Gặp gỡ và cầu nguyện này.

Chương trình ngày gặp gỡ và cầu nguyện trên đây có hình thức tương tự như cuộc gặp gỡ hồi tháng Hai năm ngoái (2020), giữa Đức Thánh cha với các vị lãnh đạo Kitô tại Trung Đông, cử hành tại thành phố Bari, nam Italia.

Lời kết thúc của Đức Thánh cha

Lên tiếng vào cuối buổi cầu nguyện, Đức Thánh cha đặc biệt đi từ lời Chúa phán trong sách ngôn sứ Giêrêmia (29-6) rằng Ngài có “những dự án hòa bình chứ không phải tai ương” và áp dụng vào hoàn cảnh của Liban.

Đức Thánh cha nói: “Trong thời kỳ bất hạnh này, chúng ta muốn mạnh mẽ khẳng định rằng Liban đang và phải là một dự phóng hòa bình. Ơn gọi của Liban là một miền đất bao dung và đa nguyên, một ốc đảo của tình huynh đệ, nơi mà các tôn giáo và các hệ phái khác nhau gặp gỡ nhau, nơi mà các cộng đồng khác nhau sống chung, đặt công ích lên trên những lợi lộc riêng. Vì thế, tôi muốn tái khẳng định rằng, điều thiết yếu là những ai có quyền bính hãy quyết liệt phục vụ hòa bình, chứ không phải tư lợi. Hãy chấm dứt những tính toán thủ lợi trên lưng của nhiều người! Hãy chấm dứt thái độ coi những sự thật phe phái trên hy vọng của dân chúng!” Hãy ngưng dùng Liban và Trung Đông để phục vụ cho những lợi lộc xa lạ, ngoại bang. Cần mang lại cho người Liban khả năng giữ vai chính trong việc đạt tới một tương lai tốt đẹp hơn, tại đất nước của họ mà không phải chịu những xen mình sai trái!”

Đức Thánh cha cũng ngỏ lời với nhân dân Liban, vốn nổi bật về sáng kiến và cần cù trong những thời kỳ khó khăn. Ngài nói: “Ước gì anh chị em noi gương những người đã biết xây dựng những nền tảng chung, nhìn thấy trong các nghịch cảnh không phải những chướng ngại, nhưng là những cơ may. Hãy ăn rễ sâu trong những ước mơ hòa bình của các tiền nhân. Chưa bao giờ như trong những tháng ngày này, chúng ta đã hiểu rằng tự mình chúng ta không thể tự cứu thoát, và những vấn đề của người này không xa lạ với những người khác. Vì thế, tôi kêu gọi tất cả anh chị em, đừng nản chí, đừng mất tinh thần, nhưng hãy tìm lại nơi căn cội lịch sử của anh chị em niềm hy vọng hồi sinh.

“Tôi kêu gọi quí vị là những vị lãnh đạo chính trị, theo trách nhiệm của mình, hãy tìm ra những giải pháp cấp thiết và bền vững cho cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị hiện nay. Hãy nhớ rằng không có hòa bình nếu không có công lý. Hỡi những người Liban ở hải ngoại, anh chị em hãy đặt những nghị lực và tài nguyên tốt nhất của anh chị em để phục vụ tổ quốc. Hỡi các thành phần của cộng đồng quốc tế: với một nỗ lực chung, hãy tạo những điều kiện để đất nước Liban đừng bị chìm sâu, nhưng khởi đầu một hành trình phục hồi và đây sẽ là một điều ích lợi cho tất cả mọi người”.

Tình hình Liban hiện nay

Liban là một nước bé nhỏ, chỉ rộng gần 10.500 cây số vuông, với dân số khoảng 4 triệu 300.000 người, trong đó 30,6% theo Hồi giáo Sunnit, 30,5% theo Hồi giáo Shiite, trong khi đó các Kitô hữu chiếm 33,7%, trong số này các tín hữu Công giáo Maronite chiếm đa số.

Liban là cựu thuộc địa của Pháp và theo sự thỏa thuận giữa ba nhóm lớn sau khi được độc lập hồi năm 1943, tổng thống Liban là một tín Công giáo Maronit, thủ tướng là một người Hồi giáo Sunnit, và chủ tịch quốc hội là người Hồi giáo Shiite. Cơ cấu phức tạp này nhiều khi bị kẹt.

Hai năm sau khi Hoa Kỳ xâm chiếm Irak, vụ thủ tướng Rafiq Harari, thuộc Hồi giáo Sunnit, bị ám sát năm 2005 đã gây ra một ảnh hưởng tàn hại. Nó loại trừ những người ôn hòa và tăng cường những đối nghịch. Nó làm cho nhiều Kitô hữu xác tín chỉ có sự liên minh giữa các nhóm tôn giáo thiểu số với các nhóm đa số, và theo chính sách của Hồi giáo, cụ thể là liên minh với Hồi giáo Shiite mới giúp các cộng đồng Kitô ở Liban có thể sống còn. Chọn lựa này hủy bỏ viễn tượng một nền công dân chung và kéo dài các xung đột, nó không mang lại các kết quả tại Irak, Syria và tại Liban cũng không. Ngày nay các tín hữu Kitô tại Liban bị thu hẹp thành một thiểu số so sới trước kia.

Vụ nổ dữ dội ở cảng Beirut ngày 4/8 năm ngoái càng làm cho tình thế của Liban suy sụp thêm, và cho đến nay các cuộc điều tra vẫn chưa làm sáng tỏ nguyên nhân vụ nổ này. Nó tàn phá nhiều khu vực ở Beirut và làm cho chính phủ Liban sụp đổ và cho đến nay vẫn chưa có chính phủ mới. (Rei; Askanews 1-7-2021)

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 7, 2021