Tiếp Kiến Chung Của Đức Thánh Cha 08/9/2021: Trở Nên Con Cái Thiên Chúa “trong Chúa Kitô” Vượt Thắng Mọi Khác Biệt

 Photo: Vatican Media

RVA 08/09/2021 - G. Trần Đức Anh, O.P.

Lúc quá 9 giờ sáng, thứ Tư 08/9/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng hơn 5.000 tín hữu hành hương, tại Đại Thính đường Phaolô VI ở Nội thành Vatican. Lần đầu tiên từ đầu đại dịch, thính đường này có đông người như vậy.

Đây là buổi tiếp kiến chung thứ 27 tính từ đầu năm nay. Sau khi Đức Thánh cha làm dấu thánh giá mở đầu, 8 linh mục lần lượt đọc bằng 8 ngôn ngữ khác nhau đoạn thư của thánh Phaolô gửi tín hữu thành Galát (3,26-29):

Lắng nghe Lời Chúa

Tất cả anh em là con cái Thiên Chúa nhờ đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô, vì khi được rửa trong Chúa Kitô, anh em được mặc lấy Chúa Kitô. Không còn Do thái hay Hy Lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ, vì tất cả anh chị em là một trong Chúa Giêsu Kitô. Nếu anh em thuộc về Chúa Kitô, thì anh em là dòng dõi của Abraham, những người kế nghiệp theo lời hứa”.

Bài huấn giáo

Tiếp đó, Đức Thánh cha trình bày bài thứ 8 trong loạt bài giáo lý về thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Bài này có tựa đề là: “Chúng ta là con cái Thiên Chúa”

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục hành trình đào sâu đức tin dưới ánh sáng thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Thánh Tông đồ nhấn mạnh với các tín hữu Kitô ấy để họ đừng quên sự mới mẻ của mạc khải Thiên Chúa đã được loan báo cho họ. Hoàn toàn đồng ý với thánh Gioan thánh sử (Xc 1 Ga 3,1-2), thánh Phaolô nhấn mạnh rằng đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô làm cho chúng ta trở thành con cái thực sự của Thiên Chúa và những người thừa kế. Các Kitô hữu chúng ta thường coi thực tại được làm con Thiên Chúa là chuyện đương nhiên. Trái lại, lòng biết ơn, cần luôn nhớ lại lúc chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa, lúc chúng ta chịu phép rửa tội, để sống với ý thức hơn hồng ân đã nhận lãnh.

Trở nên con cái Chúa nhờ niềm tin

Thực vậy, một khi đạt tới đức tin nơi Chúa Giêsu (v.25), có một thân phận hoàn toàn mới mẻ được làm con Thiên Chúa. Thân phận được làm con mà thánh Phaolô nói tới, không phải là thân phận chung của mọi người nam nữ trong tư cách là con cái của một Đấng Tạo Hóa duy nhất. Trong đoạn thư chúng ta đã nghe, thánh nhân khẳng định rằng niềm tin làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa “trong Chúa Kitô” (v.26). Và chính sự việc “ở trong Chúa Kitô” tạo nên sự khác biệt. Qua việc nhập thể, Chúa trở thành người anh của chúng ta, và qua cái chết và sống lại, Chúa hòa giải chúng ta với Chúa Cha. Ai đón nhận Chúa Kitô trong đức tin, nhờ phép rửa thì họ được “mặc lấy” Người và được phẩm giá làm con Chúa (Xc v.27).

Ý nghĩa của phép rửa

Thánh Phaolô trong các thư, nhiều lần nhắc đến phép rửa. Đối với thánh nhân, được rửa tội, có nghĩa tham gia một cách hữu hiệu và thực sự vào mầu nhiệm Chúa Giêsu. Trong thư gửi tín hữu Roma, thánh nhân đi tới độ nói rằng chúng ta chết và an táng với Chúa Kitô để có thể sống với Người (Xc 6,3-14). Thực vậy, phép rửa không phải chỉ là một nghi thức bên ngoài. Những người lãnh nhận phép rửa được biến đổi sâu xa, trong thẳm sâu con người của họ và họ được một đời sống mới, cuộc sống này làm cho họ có thể ngỏ lời với Thiên Chúa và gọi Chúa là “Abbà, Cha ơi!” (Xc Gl 4,6).

Nhờ phép rửa, ta có căn tính mới

Thánh Tông đồ táo bạo khẳng định rằng điều ta nhận được với phép rửa là một căn tính hoàn toàn mới mẻ, cần làm nổi bật so với các khác biệt trên bình diện chủng tộc - tôn giáo:

“Không còn là Do thái hay Hy Lạp”, và cả về mặt xã hội: “không còn nô lệ hay tự do; không còn nam và nữ” (Gl 3,28). Người ta thường đọc quá vội vã những thành ngữ này nên không nhận thức giá trị cách mạng mà họ có được. Đối với thánh Phaolô, viết cho người Galát rằng trong Chúa Kitô “không còn Do thái hay Hy Lạp”, tương đương với một sự đảo lộn trong lãnh vực chủng tộc - tôn giáo. Người Do thái, do sự kiện thuộc về dân được tuyển chọn, được đặc ân so với dân ngoại (Xc Rm 2,17-20), và chính thánh Phaolô khẳng định điều đó (Xc Rm 9,4-5). Vì vậy không lạ gì khi giáo huấn mới mẻ này của Thánh Tông đồ có thể có vẻ như lạc giáo. Cả sự bình đẳng thứ hai, giữa “những người tự do” và “người nô lệ”, mở ra những viễn tượng đảo lộn. Đối với xã hội thời cổ, sự phân biệt giữa người nô lệ và công dân tự do là điều rất quan trọng. Các công dân này theo luật được hưởng mọi quyền lợi, trong khi các nô lệ không được nhìn nhận, cả phẩm giá con người. Và thế là sự bình đẳng trong Chúa Kitô vượt lên trên sự khác biệt xã hội giữa hai phái, thiết lập một sự bình đẳng giữa người nam và người nữ, bấy giờ là điều cách mạng và ngày nay cũng cần được tái khẳng định bằng luật pháp.

Nhờ phép rửa, các tín hữu hiệp nhất

Như chúng ta có thể thấy, thánh Phaolô khẳng định rằng có sự hiệp nhất sâu xa giữa tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa, dù họ thuộc giai tầng nào đi nữa, vì trong Chúa Kitô mỗi người là một thụ tạo mới. Mọi phân biệt trở thành điều thứ yếu so với phẩm giá làm Con Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương, đang thực hiện một sự bình đẳng đích thực và quan trọng.

Vì thế, chúng ta được kêu gọi tích cực sống một cuộc sống mới, được biểu lộ qua sự làm con Thiên Chúa. Điều quan trọng nhất đối với tất cả chúng ta ngày hôm nay là tái khám phá vẻ đẹp được làm con Thiên Chúa, là anh chị em với nhau, vì được tháp nhập vào Chúa Kitô. Những khác biệt và đối nghịch tạo ra sự chia cách không còn được phép hiện hữu giữa các tín hữu Kitô. Ơn gọi của chúng ta đúng hơn là làm cho lời mời gọi sống hiệp nhất của toàn thể nhân loại trở nên cụ thể và tỏ tường (LG 1). Tất cả những gì đẩy mạnh những khác biệt giữa con người, thường gây ra kỳ thị, tất cả những thứ ấy, trước Thiên Chúa, không còn là quan trọng nữa, nhờ ơn cứu độ được thực hiện trong Chúa Kitô. Điều đáng kể là đức tin tác động theo hành trình hiệp nhất được Thánh Linh chỉ dẫn. Trách nhiệm của chúng ta là quyết liệt tiến bước trên con đường ấy.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, 8 linh mục thông dịch viên lần lượt chuyển ý tóm lược bài giáo lý của Đức Thánh cha, kèm theo lời chào thăm và nhắn nhủ của ngài.

Khi chào bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Tôi bày tỏ vui mừng vì lễ phong chân phước sắp tới cho Đức Hồng y Stephano Wyszynski và mẹ Elisabetta Rosa Czack. Ước gì chúc thư tinh thần của vị Giáo chủ Ba Lan “Tôi phó thác mọi sự cho Mẹ Maria” và lòng tín thác của mẹ Elisabetta Rosa nơi thập giá của Chúa Kitô luôn luôn là sức mạnh của đất nước anh chị em. Về Đức Hồng y Wyszynski, thánh Gioan Phaolô II đã nói những lời lịch sử này: “Trên ngai tòa thánh Phêrô sẽ không có vị Giáo hoàng Ba Lan này nếu đã không có niềm tin của Đức Hồng y Giáo chủ, niềm tin đã không bị khuất phục trước tù ngục và đau khổ, niềm hy vọng anh dũng của Đức Hồng y, lòng tín thác đến cùng của Đức Hồng y nơi Mẹ Giáo hội”. Xin Thiên Chúa chúc lành cho Ba Lan. Xin các vị đại thánh và chân phước của anh chị em nâng đỡ anh chị em.

Khi chào bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến hội “Đức Mẹ Sầu Bi rất thánh” ở Casolla tỉnh Caserta, các sĩ quan và sinh viên Quân trường “Nunziatella” ở Napoli và ngài cầu chúc tất cả các tín hữu đến viếng mộ các thánh tông đồ được kiên cường trong lòng gắn bó với Chúa và trở nên những chứng nhân của Chúa trong cuộc sống thường nhật.

Sau cùng, - Đức Thánh cha nói – “như thường lệ, tôi nghĩ đến những người cao tuổi, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Hôm nay, chúng ta mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ. Lễ này nhắc nhớ chúng ta rằng Thiên Chúa trung tín với những lời Ngài hứa và qua Mẹ Maria chí thánh, Chúa muốn ở giữa chúng ta: Ước gì mỗi người trong anh chị em được niềm vui đón nhận sự hiện diện an bình và vui tươi của Chúa!”

Buổi tiếp kiến kéo dài 45 phút và kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

Sau đó, Đức Thánh cha còn chào một số giám mục hiện diện, rồi ngài chào thăm hàng chục người khác, đặc biệt là các anh chị em bệnh nhân và khuyết tật ngồi trên các xe lăn.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 9, 2021