BÍ TÍCH THÁNH TẨY KITÔ

(giaolyductin.net 23/01/14, 6:01 pm)

I.2 – Vai trò và vị trí của Bí tích Thánh Tẩy của Đức Giêsu-Kitô trong hiện sinh kitô :

Sau Biến cố Thập Giá (chết và Phục sinh) và Thăng thiên của Đức Giêsu-Kitô, các cộng đoàn Giáo hội sơ khai bắt đầu tiến hành nỗ lực “đọc lại” toàn bộ những gì liên quan đến con người và cuộc đời của Ngài (lời nói, hành vi, cử chỉ, thái độ, cung cách ứng xử, các biến cố trong cuộc đời của Ngài, v.v…), đặc biệt, Bí tích Thánh Tẩy của Ngài.

Nỗ lực “đọc lại” nầy giúp các cộng đoàn Giáo hội sơ khai khám phá ra rằng để được siêu độ hay được trở nên con Thiên Chúa, điều duy nhất cần thiết là con người phải “ở trong” Đức Giêsu-Kitô, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, và rồi từng bước khám phá ra, một đàng, a) vị trí, vai trò và chức năng của Đức Giêsu-Kitô phục sinh như là “nguyên lý”, là “trung gian” và là “cùng đích” của tất cả những Công trình Sáng tạo, Mặc khải, Siêu độ, tức là của toàn thể hiện sinh kitô; b) bí tích Thánh Tẩy của Đức Giêsu-Kitô như là mô mẫu và nguồn gốc của Bí tích Thánh Thẩy kitô; và đàng khác, vai trò và vị trí của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong hiện sinh thánh tẩy kitô.

I.2a – Vai trò và vị trí của Đức Giêsu-Kitô trong hiện sinh kitô :

I.2aa - “Là nguyên lý” :

Trước tiên, trên cơ sở hữu thể học, trong tư cách là Con Thiên Chúa vĩnh hằng, Đức Giêsu-Kitô là Nguyên lý hiện hữu của tất cả mọi Thụ Tạo, đặc biệt, con người :

Thiên Chúa phán : ‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta…Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa’…” (St 1, 26-27).

Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Ngài, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình…Ngài có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Ngài.” (Cl 1, 15-17).

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa…Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Ngài, thì chẳng có gì được tạo thành.” (Ga 1, 1.3a).

Thứ đến, trên cơ sở thuộc linh hay kitô, trong tư cách là Con Người Mới, tràn ngập Thần Khí sự sống vĩnh hằng, sau biến cố Thập Giá (chết và Phục sinh), hay nói cách khác sau khi hoàn tất Phép Rửa của mình (Lc 12, 50), Đức Giêsu-Kitô trở nên Nguyên lý và Nguyên nhân phổ quát và duy nhất của sự sống vĩnh hằng, của ơn siêu độ của tất cả mọi người :

Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống.” (1 Cr 15, 21-22).

Đức Giêsu-Kitô cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Ngài là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Ngài đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Ngài, cũng như muốn nhờ Ngài mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Ngài đổ ra trên Thập Giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Cl 1, 18-20).

I.2ab – “Là Trung gian” :

Không chỉ là Nguyên lý của Hiện hữu của các Thụ tạo, của Sự sống vĩnh hằng, của ơn Siêu độ, của tư cách con Thiên Chúa, bởi vì là Ân Sủng của tất cả mọi ân sủng Thiên Chúa ban cho các Thụ tạo, đặc biệt, con người, Đức Giêsu-Kitô phục sinh còn là Trung gian của tất cả mọi ân sủng (con Thiên Chúa, mang bản tính Thiên Chúa, có sự sống tình yêu vĩnh hằng, được siêu độ, v.v…).

Hay nói cách khác, cũng như ở nơi Đức Giêsu-Kitô, cương vị Con Thiên Chúa của Ngài cũng như tương quan của Ngài với Thiên Chúa-Ba Ngôi không phải có được do việc Ngài được Thánh Tẩy ở sông Giođan bởi Gioan Tẩy Giả, mà ngay từ vĩnh hằng, Ngài đã là như thế, và mãi mãi vẫn là thế, trong tương quan với Thiên Chúa-Ba Ngôi, nơi con người cũng vậy, người ta có được những ân sủng đó (tư cách con Thiên Chúa, được siêu độ, v.v…), không phải đơn giản và thuần túy chỉ từ Bí tích Thánh tẩy bằng nước không thôi, mà là kể từ khi con người được tạo dựng nên “trong” Đức Giêsu-Kitô (Ga 1, 3) và được ơn siêu độ phổ quát “trong” Ngài và “nhờ” Ngài trong Mầu nhiệm Thập giá [chết và Phục sinh] (Cl 1, 18-20).

Vì đây là những tương quan liên vị, vì thế, sự “ở trong Đức Giêsu-Kitô” nầy hẳn mang nhiều cấp độ và hình thái khác nhau : a) cấp độ “ở trong Đức Kitô” trên cơ sở hữu thể học [ordre ontologiquement christique]; b) cấp độ “ở trong Đức Kitô” trên cơ sở ơn siêu độ phổ quát [ordre universellement christique]; c) cấp độ “ở trong Đức Kitô” trên cơ sở Ngài được tuyên xưng [ordre personnellement christique].

(1) Cấp độ “ở trong Đức Kitô” trên cở sở hữu thể học [ordre ontologiquement christique] : tự căn tính nguyên thủy, con người vốn được tạo dựng nên và hiện hữu trong Con vốn là Ngôi Lời Thiên Chúa :

Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Ngài, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình…Ngài có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Ngài.” (Cl 1, 15-17).

Khi nói “tất cả đều tồn tại trong Ngài” (Cl 1, 17), đã hẳn, Phaolô muốn nói ngay từ thưở khai nguyên, tất cả mọi Thụ Tạo, đặc biệt, con người, đều có tương quan hữu thể học với Thiên Chúa-Ba Ngôi qua Con và trong Con, vốn là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Cũng như những tương quan huyết tộc (phụ-tử, mẫu-tử, huynh đệ) giữa con người với nhau, vốn là điều gì đó nằm ngay trong cấu trúc hữu thể học và không thể nào đảo ngược được, hay đổi khác được, dù người ta có muốn hay không, có có ý thức về hay không, cũng vậy, tương quan giữa các Thụ Tạo, đặc biệt, con người với Thiên Chúa-Ba Ngôi là điều gì đó nằm trong căn tính nguyên thủy của các Thụ Tạo : đó là điều mà ngôn ngữ Đông Phương vẫn gọi là tương quan tam tài (Thiên-Địa-Nhân hòa). Như vậy, trên cơ sở tất cả mọi thụ tạo đều được Thiên Chúa-Ba Ngôi tạo dựng nên, vì thế, tất cả mọi người, không phân biệt, đều là con của Thiên Chúa…

(2) Cấp độ “ở trong Đức Kitô” trên cơ sở ơn siêu độ phổ quát [ordre universellement christique] :

Trong Biến cố Thập Giá (chết và Phục sinh), khi mà sự dâng hiến tự hủy đến tột cùng, qua đó tình yêu của Con đối với Cha cũng đạt đến đỉnh điểm, nhân tính của Đức Giêsu-Kitô trở nên một với thần tính của Ngài, hay nói cách khác, nhân tính của Ngài mà vốn là hiện thân của toàn thể nhân loại được thần linh hóa, một lần là vĩnh viễn, và đó là cơ sở của ơn siêu độ phổ quát của Đức Giêsu-Kitô đối với toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời. Toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời, trong Đức Giêsu-Kitô, đều được siêu độ, đều được trở nên con Thiên Chúa, và nếu phải xa cách Ngài vì tội lỗi thì được tha thứ và giải hòa lại với Ngài, trong và qua Mầu nhiệm Thập giá (chết và Phục sinh)…

Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống.” (1 Cr 15, 21-22).

Đức Giêsu đáp : ‘…Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.’ Đức Giêsu nói thế để ám chỉ Ngài sẽ phải chết cách nào.” (Ga 12, 32-33).

Thiên Chúa muốn cho mọi người đều được siêu độ và nhận biết chân lý.” (1 Tm 2, 4).

Quả thật, Đức Giêsu chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Ngài đã thánh hóa được nên hoàn hảo.” (Dt 10, 14).

Trong Đức Giêsu-Kitô, chúng ta được ơn siêu độ.” (Ep 1, 7). 

Đó chính là lý do tại sao Giáo Hội trước sau như một vẫn khẳng định Đức Giêsu-Kitô là Đấng siêu độ duy nhất và phổ quát, hay nói cách khác, ơn siêu độ nơi mầu nhiệm Thập Giá (chết và Phục sinh) của Đức Giêsu-Kitô là dành cho toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời…

(3) Cấp độ “ở trong Đức Kitô” trên cơ sở Ngài [và trong Ngài, Thiên Chúa-Ba Ngôi] được tuyên xưng [ordre personnellement christique] :

Cũng như ở nơi loài người, việc có tương quan huyết tộc phụ-tử và mẫu-tử giữa người nầy với người nọ và việc nhận ra những ai có tương quan huyết tộc đó với nhau là hai việc khác nhau.

Trong ngôn ngữ triết học, đó là sự khác biệt giữa hai khái niệm hiện hữu (existence) và hiện diện (présence). Người ta có thể hiện hữu bên nhau mà không hiện diện đối với nhau. Người ta có thể “hiện hữu trong” Đức Giêsu-Kitô và qua Ngài trong Thiên Chúa-Ba Ngôi, nhưng có thể người ta vẫn chưa cảm nhận ra được sự hiện diện của nhau. Chỉ có tình yêu mới làm cho người ta hiện diện đối với nhau, dù không hiện hữu bên nhau, như người Việt Nam chúng ta vẫn ví von : “Hữu duyên, thiên lý năng tương ngộ; vô duyên, đối diện bất tương phùng.”, tức là khi yêu nhau thì dù có xa cách nhau ngàn vạn dặm về mặt không gian, người ta vẫn luôn có nhau, hiện diện đối với nhau; còn khi không yêu nhau, thì dù có ở gần bên nhau về mặt không gian, vẫn chẳng là gì đối với nhau cả…

Ở hai cấp độ (1) và (2), người ta chỉ mới hiện hữu trong Đức Giêsu-Kitô, nhưng có thể chưa cảm nhận ra được cách rõ ràng sự hiện diện của Ngài. Ở cấp độ (3), chính khi tuyên xưng, khi nói ra danh Đức Giêsu-Kitô và qua Ngài, Thiên Chúa-Ba Ngôi, khi cử hành và khi sống những tương quan hiện sinh với các Ngài, trong Bí tích Thánh Tẩy, người ta bắt đầu nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa-Ba Ngôi trong tương quan với họ, và chính điều nầy mang lại sự sống tình yêu vĩnh hằng cho con người. 

Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn siêu độ.” (Rm 10, 9-10).

Hễ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy và người ấy ở lại trong Thiên Chúa.” (1 Ga 4, 15).

Điều làm nên căn tính và giá trị của Bí tích Thánh tẩy kitô chính là hành vi đó được cử hành “nhân danh Chúa Giêsu” hay “nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Chính khi những tương quan đó được tuyên xưng, trong Bí tích Thánh tẩy, tương quan cá vị giữa thụ nhân và Đức Giêsu-Kitô và Ba Ngôi Thiên Chúa được khẳng định, được xác định, được cử hành và được sống. Đó chính là nguồn gốc của sự “tái sinh”. Và đó chính là sự sống tình yêu vĩnh hằng.

Và chính trong ý nghĩa đó mà Bí tích Thánh Tẩy kitô trở nên “hiện trường” trong đó con người trong Đức Giêsu-Kitô (và cả trong Thân Mình của Ngài là Hội Thánh) được “đoàn tụ”, được “tái hợp”, được “gặp gỡ” với Thiên Chúa-Ba Ngôi.

Bí tích Thánh Tẩy kitô như vậy không chỉ đưa thụ nhân hội nhập vào trong một cộng đoàn nhỏ bé nào đó thôi, thậm chí kể cả Giáo Hội là Thân Mình của Đức Kitô [1], mà còn vào trong tương quan phụ-tử với Thiên Chúa-Ba Ngôi trong Con là Đức Giêsu-Kitô.

I.2ac – “Là Cùng đích” :

Thiên Chúa phán : ‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta…Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa’…” (St 1, 26-27).

Khi nói con người được tạo dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, St 1, 26-27 muốn cho thấy Đức Giêsu-Kitô, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa vĩnh hằng và làm người là mô mẫu để con người phải trở thành (Rm 8, 29), bởi vì Đức Giêsu-Kitô chính là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (1 Cr 11, 7; 2 Cr 4, 4; Cl 1, 15).

Hay nói cách khác, con người chỉ là người khi con người trở nên giống như Đức Giêsu-Kitô. Và con người chỉ trở nên giống như Đức Giêsu-Kitô khi “ở trong” Ngài.

Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Ngài, vì Ngài thế nào, chúng ta sẽ thấy Ngài như vậy.” (1 Ga 3, 2).

Chính trên cơ sở đó mà Đức Giêsu đã có thể khẳng định :

Đức Giêsu đáp : ‘Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Ngài và đã thấy Ngài’.” (Ga 14, 6-7).

Cách chung, có thể nói rằng toàn bộ các sách TƯ đều là những nỗ lực suy tư về Bí tích Thánh Tẩy kitô, nhưng đặc biệt nhất, là hai tác giả TƯ : Tác giả sách Tin Mừng thứ tư (Ga) và Thánh Phaolô, với những góc nhìn và điểm nhấn có thể khác nhau, nhưng nền tảng căn cơ vẫn là dựa trên “phép rửa của Đức Giêsu-Kitô”.

Trên cơ sở Đức Giêsu-Kitô là Ân Sủng của tất cả mọi ân sủng Thiên Chúa ban cho loài người, tư cách con Thiên Chúa của tất cả mọi người đều dựa trên cương vị Con Thiên Chúa của Đức Giêsu-Kitô, hay nói cách khác, tất cả mọi người chỉ nhận được ân sủng là con Thiên Chúa nhờ, bởi và trong Đức Giêsu-Kitô, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người mà thôi.

Đàng khác, bởi vì tự cấu trúc hữu thể học, tất cả mọi người vốn được tạo dựng nên “theo hình ảnh Thiên Chúa” và “giống như Thiên Chúa” (St 1, 26-27), thế mà, hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình lại chính là Đức Giêsu-Kitô (1 Cr 11, 7; 2 Cr 4, 4; Cl 1, 15), vì thế, điều đó có nghĩa, tự cấu trúc hữu thể học, tất cả mọi người đều là anh em với Đức Giêsu-Kitô, nghĩa là tư cách con Thiên Chúa của con người chỉ có được khi “ở trong” Ngài và trở nên con Thiên Chúa cũng có nghĩa là được ơn siêu độ :

Trong Đức Giêsu-Kitô, chúng ta được ơn siêu độ.” (Ep 1, 7). 

Hiện sinh thánh tẩy của Đức Giêsu-Kitô, vì thế, trở thành mô mẫu của hiện sinh thánh tẩy kitô, và là cơ sở của chính Bí tích Thánh Tẩy kitô.

I.2b – Vai trò và vị trí của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong hiện sinh thánh tẩy kitô :

Trong “vĩnh hằng” cũng như trong Kế đồ tình yêu diễn ra trong Lịch Sử, Ba Ngôi Thiên Chúa luôn hiệp nhất với nhau nên Một (Ga 10, 30 : “Tôi và Chúa Cha, Chúng tôi là Một.”), trong Bí tích Thánh Tẩy kitô cũng vậy, Ba Ngôi Thiên Chúa luôn ở trong nhau, luôn có nhau, luôn hành động chung với nhau, vì thế, khi được “ở trong” Đức Giêsu-Kitô, con người trong cùng lúc cũng được “ở trong” Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

I.2b.a – Vai trò và vị trí của Chúa Cha:

Như đã được lưu ý trên đây, cũng như trong Bí tích Thánh tẩy của Đức Giêsu-Kitô, trong Bí tích Thánh Tẩy kitô cũng vậy, Chúa Cha trong cùng lúc vừa là tác nhân (agens) vừa là hiệu quả (effectus) của hiện sinh thánh tẩy kitô, hay nói cách khác, chính Chúa Cha vừa là Đấng “dìm” con người vào mầu nhiệm tự hủy và thập giá, vừa ban cho loài người tư cách con Thiên Chúa trong Con của Ngài, tức là tương quan phụ-tử với Ngài; và con người khi tình nguyện, chủ động “dìm mình” vào mầu nhiệm tự hủy mình đi nơi thập giá qua hành vi tuyên xưng, cử hành và sống tư cách là con Thiên Chúa, con của Cha, con người trong cùng lúc vừa trở thành tác nhân (agens) của Bí tích Thánh tẩy kitô, vừa trở nên hiệu quả (effectus) của Bí tích nầy, tức là trở nên con Thiên Chúa, con của Cha.

Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Ngài đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Ngài đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu-Kitô…” (Ep 1, 3-5). 

I.2b.b – Vai trò và vị trí của Chúa Thánh Thần :

Trong Bí tích Thánh Tẩy của Đức Giêsu-Kitô, trong tương quan với Ngài, Chúa Thánh Thần trong cùng lúc vừa là tác nhân (agens) vừa là hiệu quả (effectus).

I.2b.ba – Là “tác nhân” :

Là tác nhân ngay trong việc Chúa Con nhập thể làm người :

Sứ thần đáp : ‘Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa’.” (Lc 1, 35; xem thêm Mt 1, 18.20).

Là tác nhân trong Phép Rửa của Đức Giêsu-Kitô :

Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài dưới hình dáng chim bồ câu.” (Lc 3, 21-22a).

Là tác nhân trong việc huấn luyện để Đức Giêsu-Kitô quen chiến đấu và chiến thắng, quen với Thập giá :

Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Ngài được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỉ cám dỗ.” (Lc 4, 1-2a; xem thêm Mc 1, 12).

Là tác nhân của quyền năng (Lc 4, 14) và của niềm hân hoan (Lc 10, 21) của Đức Giêsu-Kitô :

Được quyền năng của Thần Khí thúc đẩy, Đức Giêsu trở về miền Galilê và tiếng tăm Ngài Ngài đồn ra khắp vùng lân cận.” (Lc 4, 14).

Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói.” (Lc 10, 21a).

I.2b.b.b – Là “hiệu quả” :

Thật vậy, trong Bí tích Thánh Tẩy của Đức Giêsu-Kitô, Chúa Thánh Thần trong cùng lúc vừa là tác nhân vừa là hiệu quả.

Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Ngài vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Ngài. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.” (Ga 3, 34-36).

Đức Giêsu nói : ‘…Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống ! Như Kinh Thánh đã nói : Từ lòng Ngài, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống’. Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Ngài sẽ lãnh nhận, vì Thần Khí chưa có, bởi Đức Giêsu chưa được tôn vinh.” (Ga 7, 37-39). 

Thần học cổ điển và kinh viện vốn có khuynh hướng sự vật hóa (chosifier) các ân sủng của các bí tích kitô nói chung, đặc biệt, của các bí tích khai tâm, vì thế, thường cảm thấy không mấy thoải mái với truyền thống Giáo Hội tách các “bí tích khai tâm” hay đúng hơn là các “bí tích nhập môn” ra thành ba bí tích Thánh tẩy, Thêm sức và Thánh Thể. Thực ra, các ân sủng của các bí tích khai tâm hay nhập môn là những tương quan với Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và Chúa Con. Trong bí tích Thánh tẩy, điểm nhấn là tương quan với Thiên Chúa-Ba Ngôi nói chung; trong bí tích Thêm sức, điểm nhấn là tương quan của người kitô-hữu với Chúa Thánh Thần; còn trong bí tích Thánh Thể, điểm nhấn là tương quan với Đức Giêsu-Kitô và Thân Mình của Ngài là Giáo Hội kitô. Đó là những tương quan tình yêu giữa các đối tác vốn là những ngã vị, vì thế, chúng phải được phát sinh và triển nở theo qui luật quá trình phát triển của những hạt giống, như vốn được đề cập đến rất nhiều trong các dụ ngôn về Nước Thiên Chúa của Đức Giêsu…

(Còn tiếp)

Lm. Pr Nguyễn Thiên Cung (Gp Phan Thiết)


[1] Đức Giáo Hoàng BÊNÊĐICTÔ XVI, trong sắc lệnh ký ngày 22 tháng 2 năm 2013, ra lệnh trong nghi thức Rửa tội trẻ em, sau khi ngõ lời với người đỡ đầu, thay vì nói “Cộng đoàn kitô-hữu (communitas christiana) rất vui mừng đón nhận con”, thì từ nay phải nói “Hội Thánh Thiên Chúa (Ecclesia Dei) rất vui mừng đón nhận con”.

 


Trang Mục Vụ