Phần III – Bài 19

 

BÍ TÍCH RỬA TỘI

 

 

        Trước khi đọc tiếp, bạn hãy hoàn tất hai câu hỏi sau đây:

1.      Bí tích Rửa tội đặc biệt đối với tôi, vì…

2.      Bí tích Rửa tội phải là một việc cử hành của cộng đoàn, vì…

 

BÍ TÍCH DẪN NHẬP (KHAI TÂM)

 

        Trong những năm đầu của chương trình không gian, một phi thuyền được phóng vào quỹ đạo theo ba giai đoạn.  Mỗi giai đoạn hoàn tất một công việc đặc biệt thuộc tiến trình bay trong quỹ đạo.

        Chúng ta có thể sử dụng hình ảnh về thời đại không gian ấy để diễn tả một người trở thành Ki-tô hữu như thế nào.  Ba giai đoạn là Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể.

        Ba giai đoạn này được gọi là Bí tích Dẫn nhập (hoặc Khai tâm).  Chúng ta đừng nghĩ đó là ba nghi thức tách biệt, nhưng là một nghi thức với ba giai đoạn.

        Cả ba giai đoạn này đều cần thiết để đưa một người vào “quỹ đạo của Chúa Ki-tô,” nếu có thể nói tương tự như vậy.

 

Giai đoạn thứ nhất là Bí tích Rửa tội

 

        Hãy tưởng tượng bạn được đưa trở lại khoảng năm 300 sau công nguyên.  Tình cờ bạn đang ở trong một ngôi nhà lớn tại Rô-ma.  Hôm ấy là ngày Thứ Bảy Tuần Thánh.  Khoảng một trăm Ki-tô hữu hiện diện.

        Đang lúc chờ xem điều gì xảy ra thì bạn thấy có dăm bảy người sẽ được gia nhập cộng đoàn Ki-tô đêm nay.  Các ứng viên tụ tập chung quanh hồ nước tại vườn hoa bên cạnh một phòng lớn.  Một kỳ lão (linh mục) và hai phó tế đang giúp họ chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Dẫn nhập.  Một vị giám mục chủ tọa buổi lễ.

        Giai đoạn thứ nhất trong nghi thức là Rửa tội.  Để khởi sự việc rửa tội, các ứng viên phải hứa từ bỏ Sa-tan và tội lỗi.  Tiếp đến, một phó tế dẫn họ qua các bậc đá bước xuống nước.  Linh mục hỏi các ứng viên có tin Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần không.  Trả lời mỗi câu hỏi, ứng viên sẽ thưa:  “Tôi tin.”  Sau mỗi lần trả lời, ứng viên được rửa tội trong nước.  Rồi người ấy được mặc một tấm áo trắng.

        Sau khi mọi người đã được rửa tội, họ được dẫn vào một phòng lớn nơi cộng đoàn đang tụ họp chờ đợi giai đoạn thứ hai.

 

Giai đoạn thứ hai là Bí tích Thêm sức

 

        Giai đoạn Thêm sức bắt đầu với việc giám mục gọi tên từng người mới được rửa tội hãy tiến lên.

        Tiếp theo, ngài đặt tay trên họ, cầu nguyện cho họ xứng đáng lãnh nhận Thánh Thần.  Rồi ngài xức dầu thánh cho họ, ôm hôn họ và nhận họ vào cộng đoàn Ki-tô hữu.

 

Giai đoạn thứ ba là Bí tích Thánh Thể

 

        Giai đoạn thứ ba của tiến trình dẫn nhập là Bí tích Thánh Thể.  Bí tích Thánh Thể bắt đầu với bài hát và đám rước gồm những người bưng bánh và rượu, đem lên đặt trên một bàn lớn đặt ngay giữa phòng.  Tại đó những lễ vật được chuẩn bị cho Phụng vụ Thánh Thể.

        Khi mọi sự đã sẵn sàng, giám mục cầu nguyện trên bánh và rượu, giống như Đức Giê-su đã làm trong bữa Tiệc Ly.

        Sau hết, linh mục và các phó tế phân chia bánh và rượu (đã trở thành Mình và Máu Chúa Ki-tô) cho toàn thể cộng đoàn, kể cả những người mới nữa.

        Khung cảnh này cho thấy Giáo Hội sơ khai đã cử hành Bí tích Dẫn nhập như thế nào.  Họ cử hành trong một lễ nghi gồm ba giai đoạn.

 

Nghi lễ nguyên thủy bị thay đổi

 

        Khi Giáo Hội đã phát triển, giám mục không thể chủ tọa mỗi nghi thức tại từng giáo xứ vào đêm vọng Phục Sinh nữa.  Nhưng vì giám mục vẫn muốn đích thân tham dự vào việc dẫn nhập cho từng Ki-tô hữu, nên ngài dành riêng cho mình lễ Thêm sức gồm nghi thức xức dầu cho những người mới được rửa tội.  Ngài làm lễ này tùy tiện vào một ngày nào đó sau lễ Phục Sinh.  Do đó, giai đoạn Thêm sức đã bị tách rời khỏi nghi thức Dẫn nhập.

        Khi Giáo Hội phát triển hơn nữa thì lại thêm một thay đổi mới.  Nhiều thành phần mới để được gia nhập cộng đoàn lại là những trẻ sơ sinh, con cái của những người thuộc cộng đoàn.  Do đó đưa tới việc cho các em vào cộng đoàn qua giai đoạn thứ nhất của tiến trình dẫn nhập, nhưng hoãn lại hai giai đoạn sau chờ đến khi em nhỏ tới tuổi khôn.

 

Nghi lễ nguyên thủy được phục hồi

 

        Tình trạng nói trên kéo dài cho tới thời kỳ mới đây khi Giáo Hội lập lại nghi thức dẫn nhập dành cho các ứng viên trưởng thành, giống như ban đầu.  Hiện nay người lớn thường được đưa vào cộng đoàn trong một nghi thức vào đêm vọng Phục Sinh.

        Ngày nay, nghi thức này là phương cách để đưa những thành phần mới vào Giáo Hội.  Lãnh nhận các Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể qua ba lễ nghi riêng rẽ không phải là việc lý tưởng.

        Giờ đây chúng ta hãy xem kỹ hơn nghi thức được cử hành như thế nào trong đêm vọng Phục Sinh.  (Chú ý:  Khi những bí tích này được cử hành riêng biệt thì phụng vụ có hơi khác đi một chút).

 

GIAI ĐOẠN RỬA TỘI

 

        Nhiều năm trước đây, một nhà nhân chủng học đã đưa ra lý thuyết là những người Nam Mỹ ngày xưa có thể từ quần đảo Nam Dương dùng bè mà tới.  Họ chỉ cần để mặc cho dòng nước chảy đem họ đi.  Để chứng minh lý thuyết này, ông ta đã đóng một cái bè nhỏ và thả trôi từ Nam Mỹ tới quần đảo Nam-dương.  Có điều ngạc nhiên trong câu truyện này là nhà nhân chủng học ấy lại rất sợ nước.

        Ai mà chẳng sợ khi phải vượt 4,300 dặm đường biển trên một cái bè nhỏ xíu?

        Một biến cố đã xảy tới cho nhà nhân chủng học hồi thế chiến đệ nhị khiến ông ta không còn sợ nước nữa.  Một ngày kia đang khi hành quân, chiếc xuồng của ông ta bị mắc cạn giữa sông, gần một thác nước.  Khi dòng nước cuốn nhanh ông ta về phía thác thì một ý nghĩ lạ chợt đến trong đầu.  Ông nhớ ngay tới cha hoặc mẹ ông đã nghĩ thế nào về cuộc sống mai sau.  Cha ông tin có đời sau, còn mẹ ông thì không tin.

        Rồi một điều lạ lùng hơn nữa đã tới.  Đó là những lời trong kinh Lạy Cha vang lên trong trí ông và ông bắt đầu cầu nguyện.  Bỗng ông cảm thấy trong người bừng dậy nguồn sức mạnh và bắt đầu phấn đấu với dòng nước cuốn.  Mấy phút sau, ông vào tới bờ.

        Kinh nghiệm ấy đã thay đổi con người ông.  Tại một nơi nào đó giữa dòng sông trắng xóa, con người sợ hãi kia đã chết, để rồi một con người mới và đầy can đảm sinh ra.  Đối với ông, nước là căn nguyên của sự chết thì cũng là căn nguyên của sự sống.

        Kinh nghiệm quý giá trên đây là một thí dụ hùng hồn về những gì xảy ra cho một người trong nước rửa tội.  Con người ấy đã tái sinh.

 

Bí tích Rửa tội liên hệ đến sự chết và sống lại

 

        Khởi đầu Cựu Ước, Kinh Thánh diễn tả nước như một tác viên gây nên sự chết và sự sinh sản.

        Thí dụ, trong sách Sáng Thế, một cơn lụt đã tiêu hủy loài người trên mặt đất ngoại trừ gia đình Nô-ê.  Nước lụt là tác viên làm chết đi một thế giới cũ thuộc tội lỗi và tác viên làm sinh ra một thế giới mới thuộc ân sủng.

        Trong sách Xuất Hành, dân Ít-ra-en đi qua Biển Đỏ được bình an.  Nước Biển Đỏ là tác viên giết đi đời sống cũ nô lệ cho Ai-cập và tác viên sinh ra đời sống mới của Dân được Thiên Chúa tuyển chọn.

        Kinh Thánh Tân Ước tiếp nối chủ đề này.  Thí dụ, phép rửa của Gio-an tại sông Giô-đan là tác viên làm chết đi đời sống cũ của tội lỗi và tác viên nảy sinh sự sống mới của thống hối.

        Những điều này cho thấy tại sao Ki-tô hữu sơ khai đã coi giếng rửa tội như ngôi mồ tại đó người ta chôn táng đi đời sống cũ tội lỗi và như ngôi mồ từ đó người ta được sinh lại trong sự sống mới của Chúa Ki-tô.  Thánh Phao-lô đã diễn tả hình ảnh ngôi mồ như sau:

        “Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, thì cũng được chỗi dậy với Người” (Cl 2:12).

 

Bí tích Rửa tội liên hệ với cộng đồng

 

        Đức Ki-tô, trong Ngài chúng ta sống, là nhiệm thể của Đức Ki-tô Phục Sinh, tức là Giáo Hội.  Vì Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta thành chi thể của nhiệm thể Chúa Ki-tô, nên nó liên hệ với toàn thể cộng đồng.  Thi sĩ John Donne diễn tả chiều kích cộng đồng của Bí tích Rửa tội như sau:

        “Khi Giáo Hội rửa tội một em nhỏ thì hành động đó cũng quan hệ tới tôi nữa, vì từ nay em được tháp nhập vào cùng một thân thể mà tôi đang là một chi thể.”

        Nhưng Bí tích Rửa tội có một chiều kích cộng đồng khác nữa.  Chúng ta dùng một thí dụ để làm sáng tỏ.  Thí dụ gia đình bạn đã cam kết sẽ lên mặt trăng theo một đoàn người tiền phong thám hiểm trên đó.  Cam kết ấy sẽ thay đổi cuộc sống của bạn không thể tả được.

        Cũng vậy, sự cam kết khi được rửa tội sẽ thay đổi đời bạn rất nhiều.  Giống như chúng ta không thể nào sống lẻ loi trên mặt trăng, chúng ta cũng sẽ không bao giờ có thể sống đời Ki-tô hữu một mình.  Chúng ta cần sự nâng đỡ và hỗ trợ của một cộng đoàn.

        Khi đón nhận một Ki-tô hữu mới, Giáo Hội ý thức sự thay đổi sâu xa đã được đem vào đời sống của Ki-tô hữu này.  Do đó Giáo Hội hứa sẽ nâng đỡ và hỗ trợ những phần tử mới trong một môi trường đức tin cần phải có để lớn lên và trưởng thành trong cuộc hành trình trước mặt.

 

PHỤNG VỤ CỬ HÀNH BÍ TÍCH RỬA TỘI

 

        Việc cử hành Bí tích Rửa tội được làm trong Thánh lễ Vọng Phục Sinh, ngay sau phần Phụng vụ Lời Chúa.  Để trình bày đơn giản, chúng ta có thể chia việc cử hành ra làm bốn giai đoạn như sau:

 

Giới thiệu ứng viên

 

        Việc cử hành khởi sự với việc gọi các ứng viên tiến lên và giới thiệu họ với cộng đoàn.  Giây phút thiêng liêng này khiến chúng ta nhớ đến việc Chúa gọi Giê-rê-mi-a làm ngôn sứ cho Ngài.  Chúa phán:

        “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi;  trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1:5).

        Thiên Chúa đã kêu gọi Giê-rê-mi-a thế nào, Ngài cũng gọi mỗi người chúng ta như vậy.  Chúng ta cử hành chính lời mời gọi mầu nhiệm này trong lúc mở đầu phụng vụ Bí tích Rửa tội.

        Sau lời kêu gọi và giới thiệu là mời gọi cộng đoàn hãy cầu nguyện cho các ứng viên.  Cộng đoàn đáp lại qua việc đọc Kinh cầu Các Thánh.  Đây là một kinh nguyện rất hay, đưa chúng ta trở lại những ngày đầu tiên của Ki-tô giáo.  Kinh cầu kết thúc bằng việc xin Chúa “ban sự sống mới cho những người được chọn” để lãnh nhận Bí tích Rửa tội.

 

Làm phép Nước rửa tội

 

        Sau Kinh cầu Các Thánh, chủ tế làm phép nước để dùng rửa tội cho các ứng viên.  Khi làm phép nước, ngài nhắc lại vai trò của nước là làm tác viên sự chết và sự sống qua những cách Thiên Chúa đối xử với dân Ngài.

        Chủ tế kết thúc làm phép nước khi xin Thiên Chúa Cha “sai Thánh Thần xuống trên giếng nước này, để khi mọi người nhờ Bí tích Rửa tội đã được an táng cùng Chúa Ki-tô hầu chết cho tội, thì cũng được phục sinh cùng với Ngài trong sự sống.”

 

Ứng viên tuyên xưng đức tin

 

        Sau khi làm phép nước, chủ tế mời gọi các ứng viên hãy tuyên xưng đức tin Công giáo.  Việc long trọng tuyên xưng này có hai phần:  từ bỏ tội lỗi và tuyên xưng đức tin.

        Từ bỏ tội lỗi đòi buộc ứng viên phải “từ bỏ sự quyến rũ của tội lỗi, kẻo tội lỗi chế ngự” và phải “từ bỏ ma quỷ là đầu mối tội lỗi.”

        Tuyên xưng đức tin đòi ứng viên phải nói lên lòng tin của họ vào Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần.

        Giờ đây đến giây phút linh thiêng nhất của nghi thức.

 

Các ứng viên được rửa tội

 

        Mỗi ứng viên tiến đến bên giếng rửa tội.  Chủ tế đổ nước trên từng người ba lần trong khi đọc:  “Tôi rửa (ông/bà/anh/chị/con) nhân danh Cha (đổ nước lần thứ nhất), và Con (đổ nước lần thứ hai), và Thánh Thần” (đổ nước lần thứ ba).

        Rồi cha mẹ đỡ đầu mặc cho người mới được rửa tội một chiếc áo rửa tội mầu trắng đang khi chủ tế nói:  “Con hãy nhận lấy chiếc áo này và giữ nó tinh tuyền cho tới ngày Đức Giê-su Ki-tô lại đến phán xét, để con được sống đời đời.”

        Chiếc áo rửa tội tượng trưng cho việc người mới được rửa tội giờ đây mặc lấy Chúa Ki-tô.  Thánh Phao-lô viết:  “Bất cứ ai trong anh em được thánh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô” (Gl 3:27).

        Bí tích Rửa tội kết thúc với việc các cha mẹ đỡ đầu thắp lên cây nến rửa tội từ lửa nến Phục Sinh (tượng trưng cho Chúa Ki-tô) và trao cho người mới được rửa tội.  Đang khi đó, chủ tế đọc:

        “Con đã được Chúa Ki-tô chiếu sáng.  Giờ đây con hãy bước đi như con cái sự sáng và giữ cho ngọn lửa đức tin của con cháy sáng trong tâm hồn.  Khi Chúa đến, con được ra nghênh đón Ngài cùng với các thánh trên trời.”

 

NHỮNG HÌNH ẢNH VỀ ĐỨC KI-TÔ

 

        Một đoạn huấn dụ viết vào thế kỷ thứ ba cho các Ki-tô hữu mới được rửa tội cho chúng ta một kết luận thích đáng cho bài học về Bí tích Rửa tội:

        “Anh chị em đã được dẫn xuống giếng rửa tội tựa như Chúa Ki-tô đã được đem xuống khỏi thập giá và đặt trong mồ...  Anh chị em được dìm xuống nước và ba lần chỗi dậy khỏi nước.  Điều này tượng trưng ba ngày ba đêm Chúa Ki-tô đã ở trong mồ.

        “Như Chúa Cứu Thế đã ở trong lòng đất ba ngày ba đêm thể nào, cũng vậy, anh chị em chỗi dậy khỏi nước lần thứ nhất biểu tượng cho đêm thứ nhất...

        “Ban đêm người ta không nhìn thấy được, nhưng ban ngày họ bước đi trong sự sáng.  Vậy khi anh chị em được dìm xuống nước cũng giống như ban đêm anh chị em không thể nhìn thấy.

        “Nhưng khi anh chị em chỗi dậy, cũng giống như bước ra ngoài ánh sáng ban ngày.  Chính trong lúc chết đi là lúc anh chị em tái sinh.  Nước cứu rỗi vừa là ngôi mồ vừa là mẹ sinh ra anh chị em”  (Giáo lý Giê-ru-sa-lem).

 

ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

 

        1.    Na-a-man được lành sạch          2 Vua 5                             

        2.   Hãy chịu phép rửa                    Gio-an 3:1-8                        

        3.   Được rửa tội trong Đức Ki-tô               Rô-ma 6:3-11                              

        4.   Hãy mặc lấy Đức Ki-tô                       Ê-phê-xô 2:1-17                   

        5.   Phi-líp-phê rửa tội                     Công vụ Tông Đồ 8:26-40                               

 

THẢO LUẬN

 

        1.   Những diễn tả Kinh Thánh về nước nói với bạn về vai trò của nước như thế nào?

        2.   Bí tích Rửa tội cần được cử hành trong khung cảnh cộng đoàn.  Vậy bạn mong muốn cộng đoàn làm gì cho bạn và ngược lại?

 

CHIA SẺ

 

        1.   Hãy thảo luận những tư tưởng sau đây:

        * “Trong Bí tích Rửa tội, hướng đi được đặt ra chứ không phải đích tới được đặt ra.”  (Frederich Rest)

        *  “Một cử chỉ khi cử hành Bí tích Rửa tội tại Ấn-độ là ứng viên đặt bàn tay lên đầu của mình và nói:  ‘Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!’” (E. Paul Hovey)

        2.   Truyện ngắn “The River” của Flannery O’Connor viết có một đoạn thật hay kể lại việc rửa tội cho chàng thanh niên Bevel tại một dòng sông.  Rửa tội xong, vị mục sư nói với anh ta:  “Bây giờ anh mới là đáng kể.  Trước kia thì không.”  Bí tích Rửa tội làm cho bạn “đáng kể” theo nghĩa nào?

        3.   Một người kia hỏi một em nhỏ:  “Ai làm ra em?”  Đức nhỏ suy nghĩ một chút rồi trả lời:  “Thiên Chúa làm ra em một phần.”  Người kia hỏi lại:  “Chỉ một phần thôi à?  Em muốn nói thế nào?”  Đứa nhỏ trả lời:  “Chúa làm ra em nhỏ thôi.  Còn bao nhiêu chính em phải làm.”  Bí tích Rửa tội làm sao giống như vậy?

        4.   Mọât người kia nói:  “Khi bạn được rửa tội xong, đừng có lảng vảng bên dòng sống ấy quá lâu.”  Người ấy muốn nói gì?

        5.   Đối với một người lớn vừa được rửa tội, bạn sẽ cho họ lời khuyên gì?  Tại sao bạn khuyên như vậy?

 

 

The Catholic Vision  III – 19

Mark Link, S.J.

Chuyển ngữ:  Lm Trần đình Nhi


Về Trang Mục Lục
Trở về trang Giáo Lý Công Giáo
Trở Về Trang Nhà