Phần III – Bài 21

 

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

 

 

        Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu hỏi sau đây:

        1.   Lần đầu tiên tham dự một Thánh lễ Công giáo, phản ứng của tôi là...

        2.   Một câu hỏi tôi có về Thánh lễ là...

 

 

THÁNH LỄ

 

        Ông Henry David Thoreau là một nhà khảo cứu thiên nhiên người Hoa-kỳ sống hồi thế kỷ 19.  Khi mô tả đồ đạc trong căn nhà gỗ của mình, ông nói:  “Tôi có ba cái ghế...  một cái để cho những phút yên tịnh, một cái để cho bạn bè và một cái cho xã hội.”

        Mô tả của Thoreau cho thấy sự kiện tâm lý quan trọng đối với bộ mặt con người chúng ta.  Chúng ta có ba phương diện:  phương diện cá nhân riêng tư, phương diện bạn hữu và phương diện xã hội.  Đôi khi chúng ta cần yên tịnh.  Đôi khi chúng ta cần sự nâng đỡ của bạn bè hoặc gia đình.  Đôi khi chúng ta cần sự hỗ trợ của cộng đồng rộng lớn hơn.

        Những gì là thực đối với bộ mặt tâm lý của chúng ta thì cũng là thực đối với bộ mặt thiêng liêng.  Đdôi khi chúng ta cần cầu nguyện một mình.  Đôi khi chúng ta cần cầu nguyện chung với bạn bè hoặc gia đình.  Đôi khi chúng ta cũng cần cầu nguyện cùng với cộng đồng rộng lớn hơn.

        Sách Tin Mừng diễn tả Đức Giê-su cầu nguyện trong cả ba khung cảnh ấy.  Ngài cầu nguyện một mình ở nơi vắng vẻ (Lc 5:16). Ngài cầu nguyện với bạn bè, đi lên núi với Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an (Lc 9:28).  Ngài cũng cầu nguyện với cộng đoàn rộng lớn hơn khi Ngài thường xuyên tới hội đường (Lc 4:16).

        Thánh lễ thuộc khung cảnh cầu nguyện thứ ba.  Đó là phương thức người Công giáo cầu nguyện cùng với cộng đoàn rộng lớn hơn.

 

Thánh lễ có hai phần chính

 

        Để biết cấu trúc của Thánh lễ như thế nào, chúng ta cần trở lại thời Đức Giê-su.  Khi Đức Giê-su còn sinh thời, có hai nơi thờ phượng tại nước Ít-ra-en:  hội đường và Đền Thờ.  Việc phụng tự tại hội đường chỉ gồm có cầu nguyện và giảng dạy;  còn việc phụng tự tại Đền Thờ gồm có cầu nguyện và dâng hy lễ.  Thánh lễ phối hợp cả hai việc phụng tự này.

        Phần đầu của Thánh lễ tương ứng với phụng tự tại hội đường và được gọi là Phụng vụ Lời Chúa.  Còn phần thứ hai của Thánh lễ tương ứng với phụng tự tại Đền Thờ và được gọi là Phụng vụ Thánh Thể.

        Trong bài này, chúng ta chỉ xét đến phần thứ nhất của Thánh lễ, tức Phụng vụ Lời Chúa, gồm có hai phần chính:

                *  Nghi thức tụ họp giáo dân, và

                *  Nghi thức tuyên đọc Lời Chúa.

 

TỤ HỌP GIÁO DÂN

 

        Charles Schulz, người đã dựng nên loạt tranh hoạt họa Peanuts đã nói:  “Có lẽ tôi là một người đùa cợt qua những cảm nghĩ của mình về cuộc đời, nhưng tôi tin là người ta không thể ‘đi’ nhà thờ, tiếng mà chúng ta vẫn thường nói.  Làm sao bạn có thể đi đến một cái gì mà chính bạn đã là một thành phần của nó?  Nếu bạn là một Ki-tô hữu thì bạn là chính Giáo Hội.”

        Giáo Hội không phải là một ngôi nhà người ta tới đó để thờ phượng;  nhưng Giáo Hội là những người tới đó.  Giáo Hội không phải là một nơi người ta tụ họp để cử hành Bữa Tiệc ly của Chúa;  nhưng Giáo Hội là những người tụ họp nhau để cử hành.

        Từ giáo hội dịch theo chữ Do-thái là qahal.  Kinh Thánh dùng từ này để nói về dân Chúa tụ họp tại chân núi Xi-nai hầu chuẩn bị cử hành giao ước của họ với Thiên Chúa.  Đó chính là điều chúng ta làm trong Thánh lễ.  Chúng ta tụ họp để cử hành giao ước của chúng ta với Thiên Chúa.

 

Chúng ta trao đổi lời chào mừng

 

        Phụng vụ Lời Chúa khởi đầu với việc cộng đoàn đứng và hát trong khi chủ tế (linh mục) và những người phụ lễ đi vào giữa cộng đoàn.

        Trung tâm điểm của đám rước là sách Tin Mừng.  Độc viên cầm sách đưa cao lên cho mọi người thấy được.

        Sau khi đoàn rước tới cung thánh, chủ tế bái chào Bàn thờ Chúa và đi về ghế ngồi của mình.  Tại đó ngài trao đổi lời chào với giáo dân.

 

Chúng ta xin ơn tha thứ

 

        Tiếp theo lời chào là nghi thức thống hối, thực thi những lời Đức Giê-su nói trong Bài giảng trên núi.  Ngài nói nếu chúng ta tụ họp để thờ phượng mà chúng ta chưa tha thứ cho anh chị em thì chúng ta cần phải hòa giải với họ trước đã.  Chỉ lúc đó chúng ta mới nên bắt đầu việc thờ phượng của chúng ta (Mt 5:23-24).

        Mục đích của nghi thức thống hối là trao đổi với nhau sự tha thứ và xin Chúa thứ tha tội lỗi chúng ta.

 

Chúng ta đặt mình trước sự hiện diện của Chúa

 

        Kinh Vinh danh tiếp theo nghi thức thống hối.  Thánh ca đã có từ 1500 năm nay nhắc nhớ những  lời thiên thần báo tin Đức Giê-su giáng sinh:  “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời” (Lc 2:14).

        Khi các mục đồng nghe lời loan báo này, họ đã bỏ đoàn vật, ngay đêm ấy vội vã tới trước mặt Hài nhi Giê-su.  Kinh Vinh danh mời gọi chúng ta cũng làm như vậy.  Chúng ta hãy xếp bỏ mọi lo lắng thế trần lại, để đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa.

 

Chúng ta thân thưa với Chúa

 

        Tiếp đến chủ tế mời gọi chúng ta cùng với ngài cầu nguyện.  Ngài dừng lại một chút sau lời mời để chúng ta có thể cầu nguyện ngắn gọn theo cách của mình.  Sau đó ngài cầu nguyện nhân danh mọi người, với những lời thí dụ như sau:

        “Lạy Chúa là Cha chúng con, chúng con tụ họp nhau trước bàn thờ Chúa để chia sẻ Lời Chúa và Bàn tiệc Thánh Thể.  Xin cho việc chia sẻ những hồng ân trên trời này giúp đỡ chúng con và ban sức mạnh cho chúng con hoạt động cho nước Chúa trị đến...”

        Chúng ta thưa “A-men.”  Từ Do-thái Amen có nghĩa là “Đúng như vậy.”  Đó là cách chúng ta đồng lòng với lời nguyện của chủ tế và lấy lời nguyện ấy làm lời nguyện của chính chúng ta.

        Lời “A-men” của cộng đoàn kết thúc nghi thức quy tụ giáo dân và dẫn vào nghi thức tuyên đọc Lời Chúa là tâm điểm của phần Phụng vụ Lời Chúa.

 

NGHI THỨC TUYÊN ĐỌC LỜI CHÚA

 

        Sách Tin Mừng Lu-ca kể lại một nghi thức tuyên đọc Lời Chúa rất cảm động, xảy ra nơi hội đường.  Lu-ca viết:

        “(Đức Giê-su) đứng lên đọc Sách Thánh.  Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a.  Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:  ‘Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.  Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.’

        “Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống.  Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.  Người bắt đầu nói với họ:  ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.’  Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”  (Lc 4:16-22).

        Đoạn Tin Mừng rất đẹp này đã mô tả Đức Giê-su làm hai điều:

                *  tuyên đọc Sách Thánh, và

                *  đáp lại Lời Chúa.

        Đây cũng là điều chúng ta làm trong nghi thức tuyên đọc Lời Chúa.

 

Chúng ta đọc Kinh Thánh

 

        Kinh Thánh gồm có Kinh Thánh Do-thái (Cựu Ước) và Kinh Thánh Ki-tô (Tân Ước).  Kinh Thánh Do-thái dọn đường cho Kinh Thánh Ki-tô.  Thánh Augustinô đã so sánh hai phần Kinh Thánh ấy như sau:

        “Trong Cựu Ước ẩn tàng Tân Ước.  Trong Tân Ước biểu lộ Cựu Ước.”

        Cựu Ước giống như củ hoa uất kim cương.  Bên trong cái củ hoa ấy giấu ẩn một bông hoa đẹp.  Tân Ước tựa như bông hoa, sau khi đã chồi lên từ củ hoa đó.  Nó biểu tỏ những gì đã giấu ẩn bên trong củ hoa.

        Kinh Thánh Ki-tô không tiêu hủy Kinh Thánh Do-thái, tựa như sự trưởng thành không tiêu hủy tuổi thơ.  Hơn thế nữa, Kinh Thánh Ki-tô còn đưa Kinh Thánh Do-thái tới viên mãn (Mt 5:17).  Vì vậy chúng ta mới đọc cả hai phần Kinh Thánh trong Phụng vụ Lời Chúa.

 

Trước hết chúng ta đọc Kinh Thánh Do-thái

 

        Trừ bảy tuần lễ trong mùa Phục Sinh ra (vì bài đọc thứ nhất của Phụng vụ Lời Chúa đều trích sách Công Vụ Tông Đồ), chúng ta bắt đầu Phụng vụ Lời Chúa với một đoạn trích Kinh Thánh Do-thái nói về lịch sử Dân Thiên Chúa tuyển chọn.

        Kinh Thánh Do-thái cũng chính là Kinh Thánh Đức Giê-su đã đọc và suy niệm khi Ngài còn sống tại thế.  Lúc chúng ta nghe là chúng ta lắng nghe chính những lời đã làm cho tâm hồn Đức Giê-su cảm động.

        Sau khi tuyên đọc bài Kinh Thánh Do-thái xong, chúng ta dừng lại một chút để bài đọc chìm lắng vào tâm hồn.  Sau phút yên lặng là hát (hoặc đọc) một Thánh Vịnh.  Thánh Vịnh này thường là Thánh Vịnh xướng đáp, bởi vì chúng ta ngắt lại để cùng đọc những câu “đáp”, thí dụ:  “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.”

        Những Thánh Vịnh diễn tả những chủ đề cốt yếu của Kinh Thánh Do-thái.  Thánh Vịnh xướng đáp là hình thức cầu nguyện để kết thúc bài đọc thứ nhất.

 

Tiếp đến chúng ta đọc Kinh Thánh Ki-tô

 

        Sau hai đoạn Kinh Thánh Do-thái (Bài đọc I và Thánh Vịnh) là hai bài trích Kinh Thánh Ki-tô.  Bài trước lấy từ các Thư hoặc từ sách Khải Huyền.

        Các Thư ghi lại một số vấn đề của Ki-tô hữu sơ khai gặp khi họ sống Tin Mừng.  Còn sách Khải Huyền nói về những bách hại Ki-tô hữu phải chịu vì lòng tin vào Đức Giê-su.

        Khi lắng nghe bài đọc đầu trích Kinh Thánh Ki-tô, chúng ta thường bỡ ngỡ không hiểu sao những vấn đề của Ki-tô hữu sơ khai lại cũng là những vấn đề của chúng ta ngày nay.

 

Chúng ta công bố Tin Mừng

 

        Cao điểm của Phụng vụ Lời Chúa là bài đọc thứ nhì trích Kinh Thánh Ki-tô.  Bài đọc lấy từ sách Tin Mừng:  công bố Tin Mừng Đức Giê-su.  Tầm quan trọng của bài đọc này được đề cao qua hai cách:

                *  chúng ta đứng dậy để lắng nghe, và

                *  chúng ta giới thiệu bài đọc bằng một bài ca được gọi là Tung hô Tin Mừng.

        Tiếp theo bài ca, chủ tế loan báo đoạn trích sách Tin Mừng.  Sau đó dừng lại một chút để chúng ta làm dấu Thánh giá trên trán, môi và ngực.  Việc làm dấu Thánh giá này đã có từ thời buổi đầu.  Khi làm dấu Thánh giá, người Công giáo thầm nguyện:  “Xin Lời Chúa ngự trong trí con, trên môi con và trong tâm hồn con, để con luôn biết công bố Lời Chúa bằng lời nói và gương lành.”

        Bài đọc Tin Mừng (cũng như các bài đọc khác trong Thánh lễ) thay đổi mỗi Chúa Nhật.  Các bài đọc theo một chu kỳ là ba năm.  Như thế tất cả các bài đọc quan trọng trong Kinh Thánh sẽ được lập lại ba năm một lần.

        Kinh Thánh Do-thái (bài đọc thứ nhất) được sắp đặt cho phù hợp với bài đọc Tin Mừng.  Thí dụ bài đọc Kinh Thánh Do-thái nói về việc Thiên Chúa hứa ban một “mục tử” để chăm sóc dân Ngài.  Bài Tin Mừng lấy cùng chủ đề ấy và chọn một đoạn nói về Đức Giê-su xưng mình là “mục tử” được Thiên Chúa hứa ban.

        Sự phù hợp giữa các bài đọc nhiều khi khóa nhận thấy và cần giải thích.  Ngoài ra cũng không luôn rõ ràng thấy được bài đọc áp dụng thế nào vào đời sống hằng ngày.

        Do đó, điểm này đưa chúng ta sang bước tiếp theo của Phụng vụ Lời Chúa, đó là việc chủ tế dẫn giải các bài đọc Sách Thánh.

 

Chúng ta lắng nghe bài giảng

 

        Mục đích của bài giảng là giải thích các bài đọc và áp dụng chúng vào đời sống.  Đây là một công việc khó khăn của người giảng, vì cộng đoàn gồm đủ lớp người khác nhau về tuổi tác lẫn lối sống.

        Hơn nữa không phải người giảng nào cũng có biệt tài ăn nói hoạt bát.  Bởi thế bài giảng không phải lúc nào cũng thu hút như chúng ta mong muốn.

        Nơi đây chúng ta nên nhớ là người giảng cũng là con người và phản ảnh chiều kích nhân loại của Giáo Hội, nhưng đồng thời ngài cũng nói nhân danh Chúa Ki-tô và phản ảnh chiều kích thần linh của Giáo Hội.

        Thánh Augustinô đã nghĩ như vậy khi ngài nói:  Khi Kinh Thánh được tuyên đọc và giải thích thì đó là Chúa Ki-tô nói với chúng ta.”  Những lời của thánh Augustinô gợi lại những gì Đức Giê-su đã nói với các môn đệ Ngài:  “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10:16).  Như thế nếu chúng ta lắng nghe bài giảng với tâm hồn rộng mở thì Chúa Ki-tô sẽ nói với chúng ta qua bài giảng ấy theo đường lối ơn sủng của Ngài.

        Phụng vụ Lời Chúa kết thúc với việc chúng ta đáp lại Lời Chúa.

 

Chúng ta tuyên xưng đức tin

 

        Nếu có ai bảo chúng ta hãy tổng hợp tất cả những điều cốt yếu phải tin thuộc đức tin Công giáo trong vòng 60 giây đồng hồ, liệu chúng ta có làm nổi không?  Thực ra chúng ta đã làm được điều ấy khi đọc kinh Tin kính.  Kinh Tin kính là một định đề cô đọng những gì người Công giáo tin và tuyên xưng.  Bởi đó chúng ta đứng khi cùng đọc kinh Tin kính.  Kinh Tin kính là những gì mà chúng ta, những người Công giáo, phải “thay mặt” cho.

        Về điểm này, có một vấn đề người ta hay đặt ra.  Tại sao người Công giáo trong Thánh lễ khi thì đứng, khi thì quỳ hoặc ngồi?  Nói chung, chúng ta đứng là để công bố (bài Tin Mừng và kinh Tin kính), ngồi để lắng nghe (các bài đọc khác ngoài bài đọc Tin Mừng) và quỳ để tỏ sự tôn kính (Kinh nguyện Thánh Thể).

 

Chúng ta xin Chúa giúp đỡ

 

        Việc đáp lại cuối cùng của chúng ta đối với Lời Chúa là một loạt những lời cầu xin gọi là Lời nguyện giáo dân.

        Đức Giê-su nói với các môn đệ:  “Thầy bảo anh em:  anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11:9).  Đó là những gì chúng ta làm trong Lời nguyện giáo dân.  Chúng ta xin Chúa giúp chúng ta:

                *  sống Lời Ngài, và

                *  biết đối phó với những khó khăn cũng như những nhu cầu mọi lúc.

        Chủ tế kết thúc Lời nguyện giáo dân bằng một lời nguyện, thí dụ:

        “Lạy Chúa là Cha chúng con, chúng con vừa lắng nghe Lời Chúa.  Xin cho chúng con biết thật tâm yêu mến Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa với anh chị em và đem thực hành trong đời sống chúng con.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.”

 

ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

 

        1.   Việc phụng tự trong Đền Thờ              1 Vua 8:1-21

        2.   Việc phụng tự trong hội đường             Lu-ca 4:14-21

        3.   Bài giảng trên núi                             Mát-thêu 5:1-14

        4.   Bài giảng của Phê-rô tại nhà                Công Vụ Tông Đồ 10:34-43

        5.   Bài giảng của Phao-lô tại hội đường       Công Vụ Tông Đồ 13:13-43

 

THẢO LUẬN

 

        1.   So sánh các bài đọc của Thánh lễ Chúa Nhật tới với nhau, bạn thấy chúng phù hợp với nhau như thế nào và nói lên chủ đề gì?

        2.   Các bài đọc đều quan trọng.  Nhưng riêng đối với bạn, bài nào thường dễ lôi cuốn sự chú ý của bạn?  Tại sao?

 

CHIA SẺ

 

        1.   Hồi Thế chiến II, một ít giáo dân Pháp xin một linh mục dâng Thánh lễ cho họ tại nhà tù buổi sáng trước giờ hành quyết.  Một người lính Đức hỏi những tử tội người Công giáo là nếu anh ta muốn tham dự và rước lễ cùng với họ thì có làm cho họ khó chịu không.  Bạn sẽ trả lời lời yêu cầu của anh ta thế nào?  Tại sao trả lời vậy?

        2.   Một văn sĩ Ki-tô giáo thời sơ khai viết:  “Bạn lãnh nhận Mình Thánh Chúa một cách hết sức thận trọng...  không để một vụn bánh nhỏ rơi xuống đất...  Nếu bạn đã cẩn thận như vậy đối với Mình Thánh Chúa, thì tại sao bạn lại nghĩ là không quan trọng gì nếu có bê trễ đối với Lời Chúa?”  Quan điểm của ngài thế nào?

        3.   Đâu la trở ngại bạn gặp khi lắng nghe Lời Chúa và bài giảng trong Thánh lễ?  Nếu nói chuyện với một người bạn cũng có cùng một khó khăn như bạn, bạn sẽ khuyên họ thế nào?

        4.   Phần nào trong Phụng vụ Lời Chúa bạn thấy ý nghĩa nhất?  Tại sao?  Phần nào ít ý nghĩa nhất?  Tại sao?

        5.   Nếu bạn có thể giảng, bạn sẽ chọn chủ đề nào cho Chúa Nhật tới?  Tại sao chọn chủ đề ấy?

 

  

The Catholic Vision  III – 21

Mark Link, S.J.

Chuyển ngữ:  Lm Trần đình Nhi


Về Trang Mục Lục
Trở về trang Giáo Lý Công Giáo
Trở Về Trang Nhà