Phần III – Bài 23

 

BÍ TÍCH HÒA GIẢI

 

 

        Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu hỏi sau đây:

1.      Một câu hỏi của tôi về việc người Công Giáo xưng tội với một linh mục là…

2.      Một lợi ích tôi có thể nhận thấy qua việc xưng thú tội lỗi tôi với linh mục là…

 

TỘI LỖI

 

         Trước đây ít năm sở thú thành phố Detroit bắt buộc phải tăng cường lực lượng an ninh.  Lý do không phải để bảo vệ người ta khỏi bị thú vật tấn công, mà là bảo vệ thú vật khỏi bị người tấn công.

        Có một lúc số thú vật bị người coi làm hại cách dã man đã tăng thêm nhiều.  Thí dụ hai trường hợp sau.  Một con đại thử Úc-châu bị một đám thiếu niên ném đá chết.  Một con lộc tuần bị xẩy thai vì lũ trẻ hung bạo ném pháo cho con vật kinh hãi.

        Đọc những báo cáo ấy, chúng ta thấy giống như người nào đó nói:  “Nếu tôi là Chúa thì tôi sẽ rất đau lòng chứng kiến sự bạo hành và tội lỗi trên thế giới này.”

        Nhưng điều khiến người ta lo lắng khó chịu hơn cả chính sự bạo hành và tội lỗi trên thế giới này, đó là khuynh hướng mỗi ngày một gia tăng nơi không biết bao người muốn coi thường hoặc chối bỏ tội lỗi.  Thí dụ, có những người không muốn nhận là mình nói dối, họ bảo họ chỉ trình bày sự kiện không đúng thôi.  Người ta không muốn nhận là mình ăn cắp, họ bảo họ chỉ “lợi dụng” thôi.  Người ta không muốn nhận là mình ngoại tình, họ bảo chỉ đi lăng nhăng một chút thôi.  Người ta không muốn nhận là mình giết người, họ bảo họ chỉ kết liễu một thai nhi họ không muốn có thôi.  Tất cả những hành động như thế chỉ là một cách coi nhẹ hoặc chối bỏ tội lỗi.

        Khi coi nhẹ hoặc chối bỏ tội lỗi, chúng ta coi nhẹ và chối bỏ là mình cần Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đến để kêu gọi người tội lỗi thống hối.  Tệ hơn nữa, chúng ta mù quáng không chấp nhận sự thật và đi ngược lại với Thiên Chúa.  Gio-an viết:  “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình” (1 Ga 1:8).

        Điều dữ xấu xa hơn không phải là phạm tội, nhưng là phạm rồi lại chối tội mình.  Louis Evely nói:  “Thà rằng phạm tội mà thành thực còn hơn dối lòng cho mình là đạo đức.”  Nếu chúng ta vì yếu đuối mà phạm tội thì chúng ta cũng hải khiêm nhượng để nhận tội.

 

Tất cả chúng ta cần sự tha thứ

 

        Tất cả chúng ta là những con người yếu đuối.  Tất cả chúng ta đều là nạn nhân của tội lỗi.  Tất cả chúng ta đều cần sự tha thứ.  Thay vì chối bỏ điều này, chúng ta nên chấp nhận và hãy tìm đến với Đức Giê-su là “Con Chiên Thiên Chúa đã xóa tội trần gian.”  Hãy cân nhắc những lời của tiểu thuyết gia Somerset Maugham:

        “Tôi đã phạm những điều dại dột.  Tôi có một lương tâm nhạy cảm.  Trong đời tôi, tôi đã làm một số việc tôi không thể hoàn toàn quên đi được:  giá tôi may mắn được làm người Công Giáo thì tôi đã có thể giải thoát mình khỏi những tội ấy qua việc xưng tội, rồi sau khi làm việc đền tội được chỉ định tôi được lãnh ơn tha tội và có thể vĩnh viễn loại bỏ chúng khỏi tâm trí tôi.”

        Giờ đây chúng ta hãy trở lại với căn bản Kinh Thánh nói về bí tích mà Maugham đã đề cập đến.

 

BÍ TÍCH CỦA SỰ THA THỨ

 

        Để hiểu Bí tích Hòa giải, chúng ta cần hiểu hai điều tín lý căn bản của đức tin Công Giáo, đó là:

                -  Đức Giê-su có quyền tha tội

                -  Đức Giê-su chia sẻ quyền ấy cho Giáo Hội.

 

Đức Giê-su có quyền trên tội lỗi

 

        Một trong những minh chứng rõ ràng nhất về quyền năng của Đức Giê-su trên tội lỗi được gặp thấy trong Tin Mừng Lu-ca.  Một ngày kia có mấy nhà lãnh đạo tôn giáo nghe Đức Giê-su giảng dạy.  Một nhóm người đem một kẻ bị tê liệt đến gặp Đức Giê-su.  Trông thấy người bệnh, Đức Giê-su đã động lòng thương xót và nói với anh ta:  “Này anh, anh đã được tha tội rồi.”  Nghe những lời ấy, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã nổi giận, nói với nhau:  “Ai có quyền tha tội ngoài một mình Thiên Chúa ra?”

        “Nhưng Đức Giê-su thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng:  “Trong bụng các ông đang nghĩ gì vậy?  Trong hai điều:  một là bảo:  “Anh đã được tha tội rồi,” hai là bảo:  “Đứng dậy mà đi,” điều nào dễ hơn?  Vậy, để các ông biết:  ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội – Đức Giê-su bảo người bại liệt:  Tôi truyền cho anh:  hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà!”  Ngay lúc ấy, người bại liệt chỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa.  Mọi người đều ssửng sốt” (Lc 5:22-26).

        Đoạn Kinh Thánh rõ ràng.  Đức Giê-su đòi cho mình và chứng minh Ngài có quyền tha tội.  Điều này đưa chúng ta sang điểm tín lý thứ nhì.

 

Đức Giê-su chia sẻ quyền ấy cho Giáo Hội

 

        Đức Giê-su đã chia sẻ quyền tha tội qua hai giai đoạn.  Trước hết, Ngài chia sẻ quyền ấy một cách tổng quát.  Tiếp đến, Ngài chia sẻ quyền ấy một cách đặc biệt.  Chúng ta hãy xét hai giai đoạn này.

        Ngày kia đang giảng dạy cho các môn đệ, Đức Giê-su hỏi họ:  “Anh em bảo Thầy là ai?”

        “Ông Si-mon Phê-rô thưa:  “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”  Đức Giê-su nói với ông:  “… Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy…  Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời:  dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy;  dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”  (Mt 16:16-19).

        Rõ ràng Đức Giê-su đã chia sẻ quyền năng Thiên Chúa với Giáo Hội một cách tổng quát.

        Đức Giê-su cũng chia sẻ cách đặc biệt quyền tha tội với Giáo Hội nữa.  Vào đêm Chúa sống lại, các tông đồ đang họp nhau lại.  Bỗng chốc Đức Giê-su hiện ra với họ.  Họ đầy vui mừng.  Sau khi chào hỏi, Đức Giê-su nói:  “Chúc anh em được bình an!  Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”  Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo:  “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.  Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha;  anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ!”  (Ga 20:21-23).

        Một lần nữa, đoạn Kinh Thánh rõ ràng.  Đức Giê-su đã chia sẻ với Giáo Hội quyền năng Thiên Chúa của Ngài để tha thứ tội lỗi.

 

PHỤNG VỤ CỬ HÀNH BÍ TÍCH HÒA GIẢI

 

        Phương thức chính để Giáo Hội thi hành quyền tha tội đó là qua Bí tích Hòa giải.  Có lẽ cách tốt nhất để hiểu phụng vụ Bí tích Hòa giải là nhìn bí tích ấy qua bối cảnh câu truyện dụ ngôn Người con hoang đàng.

        Hãy nhớ lại câu truyện dụ ngôn.  Một người có hai cậu con trai.  Ngày kia đứa con thứ quyết định bỏ nhà ra đi.  Nó đòi phần gia tài của nó, một việc làm thật nhẫn tâm.  Nó đã cướp đi của cha mẹ sự an sinh mà ông bà cần đến lúc tuổi già.  Tuy nhiên người cha vẫn cho đứa con phần gia tài ấy.  Rồi thằng con rời bỏ nhà.

        Không bao lâu đứa con đã tiêu xài hết tiền bạc.  Hồi tâm lại, nó mới tự nhủ:

        “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!  Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người:  “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa.  Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.”  Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha” (Lc 15:17-20).

 

Bốn điều được nhấn mạnh ở đây

 

        Xét dụ ngôn trên cho thấy khi thức tỉnh, đứa con đã làm bốn việc sau:

                -  Nó xét hoàn cảnh của mình.

                (“Mà ta ở đây lại chết đói!”)

                -  Nó hối hận về tội lỗi mình.

                (“Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha.”)

                -  Nó xưng thú tội lỗi mình.

                (“Thưa cha, con thật đắc tội.”)

                -  Nó đã dốc lòng tu sửa lại đời sống.

                (“Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.”)

 

Chúng ta làm những việc người con hoang đàng đã làm

 

        “Hồi tâm” sau khi đã phạm tội là chúng ta đã làm đúng như những việc người con hoang đàng đã làm.

        Trước hết, chúng ta xét hoàn cảnh của mình.  Chúng ta xác định chúng ta đã phạm tội thế nào.  (Trong bài 31, “Tiếp tục cuộc hành trình,” có một bản hướng dẫn giúp chúng ta nhận xét hoàn cảnh của mình).

        Tiếp đến, chúng ta hối hận về hoàn cảnh ấy.  Chúng ta biểu lộ với Chúa sự hối hận, dùng lời nguyện riêng của chúng ta giống như người con hoang đàng đã làm, hoặc dùng mẫu kinh Ăn năn tội sau đây hay một mẫu nào khác:

        “Lạy Chúa Cha từ nhân, cũng như người con hoang đàng, con trở về cùng Cha và thưa:  Con đã phạm tội nghịch với Cha và con không còn đáng được gọi là con Cha nữa.

        “Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Chuộc trần gian, cùng với người trộm lành đã được Chúa hứa ban phúc thiên đàng, con cầu nguyện:  Lạy Chúa, xin nhớ đến con trong Nước Chúa.

        “Lạy Chúa Thánh Thần, nguồn suối yêu thương, con tin tưởng kêu xin Chúa:  Xin tẩy rửa tâm hồn con và giúp con bước đi như con cái sự sáng.”

        Thứ ba, chúng ta xưng thú tất cả các tội trọng (nặng).  Tội trọng là tội làm đứt mối tương quan giũa chúng ta với Chúa và gia đình của Ngài – tựa như đứa con hoang đàng đã dứt tình với cha nó và gia đình nó.  Chúng ta xưng thú các tội trọng theo loại (những gì đã làm) và theo số (chúng ta thường phạm như thế nào).  Thí dụ, chúng ta xưng rằng hai lần mình đã ý thức và cố ý ăn cắp một số hàng đắt tiền của một hãng buôn để có tiền mua bạch phiến.  (Bài 28, “Luân lý Ki-tô giáo,” sẽ nói rõ hơn về những gì giúp chúng ta nhận ra thế nào là một tội trọng).

        Đối với nhiều người, việc “xưng thú tội lỗi” là bước khó nhất.  Hội giúp bỏ tật nghiện rượu (Alcoholics Anonymous) có một cách tương tự trong chương trình Mười hai bước của họ.  Bước thứ năm trong chương trình là:  “Chúng tôi xác nhận với Thiên Chúa, với chính chúng tôi và với anh chị em về banû chất đích thực của những sai lầm chúng tôi đã làm.”  Nói về bước này, sách thủ bản của AA giải thích:

        “Chắc chắn bước nào cũng cần thiết.  Nhuưn nỗi lo sợ và ngại ngùng của chúng ta thường quá lớn đến nỗi nhiều khóa viên AA thoạt đầu chỉ muốn tránh né Bước thứ nam này…  Tuy nhiên, ở một mình với Thiên Chúa xem ra không làm chúng ta ngại ngunøn cho bằng phải đối diện với người khác…  Khi chúng ta thành thực với người khác là chắc chắn chúng ta đã thành thực với chính mình và với Thiên Chúa.”

        Sau cùng, chúng ta quyết tâm sửa đổi đời sống.  Thực tế hơn, điều này có nghĩa là:

                -  Chúng ta làm việc đền tội được chỉ định, thí dụ chúng ta phải làm một việc tỏ ra hết sức dễ thương đối với người khác;

                -  Chúng ta dốc lòng tránh những cơ hội có thể đưa chúng ta đến phạm tội như đã xảy ra trong quá khứ; và

                -  Nếu có thể, chúng ta sửa lại những thiệt hại gây ra do tội lỗi mình.

        Giờ đây, chúng ta xét đến vai trò của linh mục trong Bí tích Hòa giải.

 

Linh mục làm những gì người cha trong dụ ngôn đã làm

 

        Để hiểu vai trò của linh mục, chúng ta hãy nhớ lại những gì người cha trong dụ ngôn đã làm.

        “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy.  Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.  Bấy giờ người con nói rằng:  “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…”  Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng:  “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!  Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.”  Và họ bắt đầu ăn mừng.”  (Lc 15:20-24)

 

Người cha làm bốn điều

 

        Nếu xét kỹ hơn câu truyện, chúng ta sẽ thấy người cha làm bốn cử chỉ biểu tượng.

        Trước hết ông ôm hôn đứa con.  Việc ôm hôn đứa con chứng tỏ người cha đã hoàn toàn tiếp nhận nó trở về.  Ông đã biểu lộ dấu chỉ lòng âu yếm của ông.

        Thứ nhì, ông sai lấy dép xỏ vào chân đứa con.  Điều này chứng tỏ ông đã hoàn toàn tha thứ cho đứa con.  Trong thời Kinh Thánh, giày là biểu tượng của người tự do, còn nô lệ đi chân không.  Xỏ dép vào chân đứa con đã nói lên rằng đứa con không còn làm nô lệ cho ai khác nữa nhưng nó đã được phục hồi làm con của ông.

        Thứ ba, người cha xỏ nhẫn vào ngón tay đứa con.  Điều này chứng tỏ người cha đã hoàn toàn phục hồi cho đứa con thân phận mà nó đã có trước khi đi hoang đàng.  Mặc dù dụ ngôn không nói rõ, nhưng chiếc nhẫn có lẽ đã được in dấu hiệu của gia đình.   Mang chiếc nhẫn ấy nghĩa là có quyền hành động nhân danh gia đình.

        Sau cùng, người cha ra lệnh dọn bữa tiệc ăn mừng.  Điều này chứng tỏ ông hoàn toàn vui mừng.  Đức Giê-su nói:  “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15:7).

        Như thế người cha đã làm bốn điều:  ông tiếp nhận đứa con, tha thứ cho nó, phục hồi địa vị trong gia đình cho nó và mở tiệc ăn mừng nó trở về.

        Linh mục cũng làm bốn điều ấy trong Bí tích Hòa giải.  Thay mặt Thiên Chúa và cộng đoàn Ki-tô, linh mục

                -  Đón tiếp người tội lỗi trở về,

                -  Tha thứ cho người tội lỗi,

                -  Phục hồi cho hối nhân quyền sống trong gia đình Chúa, và

                -  Mời gọi hối nhân hãy vui mừng tiến đến Bàn tiệc của Chúa nếu người ấy trước đây đã không được lãnh nhận Thánh Thể vì mắc tội trọng.

        Bí tích Hòa giải theo cùng một khuôn mẫu của dụ ngôn Người con hoang đàng.  Người tội lỗi làm những gì đứa con đã làm khi trở về và linh mục làm những gì người cha đã làm khi đón đứa con thống hối.

 

NĂNG LÃNH NHẬN BÍ TÍCH HÒA GIẢI

 

        Người ta thường hỏi:  “Khi nào chúng tôi phải đi xưng tội?”  Câu trả lời là:  “Hãy đi xưng tội khi nào Thánh Thần Chúa thúc giục bạn hãy đi.”

        Đúng vậy, chúng ta sẽ cử hành Bí tích Hòa giải lúc “chúng ta hồi tâm” sau khi đã xa lìa Chúa và gia đình của Ngài.  Như thế, việc cử hành sẽ đánh dấu cao điểm của tiến trình ăn năn thống hối, tựa như đứa con hoang đàng đã làm.

        Ngoài trường hợp đặc biệt này ra, việc năng lãnh nhận Bí tích Hòa giải sẽ tùy nghi.  Có những khoảng thời gian nào đó trong cuộc sống, chúng ta sẽ cảm nhận nhu cầu hoặc ước muốn lãnh nhận bí tích hơn những lúc khác.  Tóm lại chúng ta phải cố gắng trở nên nhạy cảm trước sức mạnh của Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta trong lãnh vực này.

        Trong thông điệp Nhiệm Thể Chúa Ki-tô, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII đã duyệt lại một số những ơn ích của việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải.  Ngay cả khi chúng ta không phạm tội trọng, xa lìa Chúa và gia đình Ngài, thì cũng nên đi xưng tội khoảng hai tháng một lần.  Việc năng xưng tội này sẽ giúp:

                -  chữa lành những yếu đuối thiêng liêng, vì chúng có thể đưa tới tình trạng nguy hiểm nếu không để ý đến.

                -  làm bén nhạy cảm quan của chúng ta đối với Thánh Thần là việc chúng ta cần phải luôn tiếp tục.

                -  chống trả lại sự lười biếng thiêng liêng là điều chúng ta phải chiến đấu luôn luôn.

                -  củng cố mối giây liên kết chúng ta với Chúa và gia đình của Ngài.

 

ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

 

        1.  Đa-vít phạm tội và thống hối                2 Sa-mu-en 12:1-15      

        2.  Kinh nguyện thống hối                        Thánh Vịnh 51             

        3.  Đức Giê-su nói về tội lỗi                      Mát-thêu 18:1-35         

        4.  Đức Giê-su tha thứ một kẻ tội lỗi           Lu-ca 5:17-26              

        5.  Ba dụ ngôn về sự tha thứ                   Lu-ca 15:1-32              

 

THẢO LUẬN

 

        1.  Phải xưng những tội nào và xưng như thế nào?

        2.  Tội trọng là gì?

        3.  Bạn hãy nói về những chiều kích của tội lỗi.

 

CHIA SẺ

 

        1.  Hãy giải thích những tư tưởng sau:

        -  “Không có tật xấu là điều tốt, nhưng nếu không có cám dỗ thì lại không tốt.”  (Walter Bagehot)

        -  “Lỗi lầm to lớn nhất chính là cho rằng mình không có lỗi lầm nào.”  (Thomas Carlyle)

        -  “Kẻ hối hận được kể như là vô tội rồi.”  (Seneca)

        -  “Có hai loại hối hận:  hối hận của Giu-đa và hối hận của Phê-rô;  một đàng là cục nước đá bị vỡ tung, một đàng là cục nước đá chảy tan ra.”  (William Nevins)

        2.  Các Ki-tô hữu Chính Thống Hy-lạp lãnh nhận Bí tích Hòa giải trong khi quay mặt hướng về tượng ảnh Chúa Ki-tô Phục Sinh.  Bạn nghĩ tại sao họ lại đứng thay vì quỳ hay ngồi?  Tại sao lại quay mặt vào ảnh tượng thay vì quay mặt vào nhau?

        3.  Bước thứ năm trong chương trình của hội chừa nghiện rượu đòi khóa viên phải xác nhận với Thiên Chúa, với chính họ và với người khác về bản chất thực sự việc làm sai trái của họ.  Sách thủ bản của hội nói rằng nhiều khóa viên dù trước đây là vô thần hay theo thuyết bất khả tri, cũng đều công nhận là trong bước này họ đã cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa.  Còn với những người đã tin cũng thường ý thức về Thiên Chúa nhiều hơn khi trước.  Bạn có thể giải thích sự kiện ấy thế nào?

        4.  Bạn hãy nhớ lại một kinh nghiệm về “hòa giải” đã khiến bạn xúc động mạnh.

 

 

The Catholic Vision III – 23

Mark Link, S.J.

Chuyển ngữ:  Lm Trần đình Nhi


Về Trang Mục Lục
Trở về trang Giáo Lý Công Giáo
Trở Về Trang Nhà