PHẦN IV – BÀI 30

 

 

MẪU GƯƠNG:  ĐỨC MA-RI-A VÀ CÁC THÁNH

 

 

          Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:

1.     Một câu hỏi tôi muốn hỏi về Đức Ma-ri-a, Mẹ Chúa Giê-su là ...

2.     Một câu hỏi về vai trò của các thánh trong cuộc sống người Công giáo tôi muốn được trả lời là...

 

 

MẪU GƯƠNG

 

          Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di sinh trưởng trong một gia đình giàu có tại Ý.  Khi còn là một thiếu niên, cậu lêu lổng và ăn chơi.  Năm 1202, Phan-xi-cô đi lính và phải ra mặt trận.  Anh bị bắt làm tù binh và năm sau bị xiềng xích.

          Sau khi được thả ra, Phan-xi-cô phải mất cả năm trời mới hồi phục sức khỏe.  Biến cố ấy đã thay đổi anh vĩnh viễn.  Anh rời bỏ nơi chốn giàu có của gia đình, khoác bộ quần áo nông dân và ra đi tìm Chúa.  Nơi ở mới của anh là ngôi thánh đường bị bỏ hoang bên ngoài thành phố Át-xi-di.  Anh đã dành nhiều thì giờ ở lại đó một mình để cầu nguyện.

          Đặc biệt có hai điều giáo huấn từ Kinh Thánh bắt đầu ám ảnh anh.  Điều thứ nhất là mọi người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1:26-27).  Điều thứ hai là những gì chúng ta làm cho người hèn mọn nhất, đó là chúng ta làm cho chính Đức Giê-su (Mt 25:40).  Suy niệm những giáo huấn này, Phan-xi-cô đã tăng thêm lòng yêu mến sâu xa những gì bị xã hội chối bỏ.

          Ngày kia anh gặp một người cùi.  Dù Phan-xi-cô rất sợ bệnh cùi, nhưng anh ôm lấy người ấy.  Cử chỉ cảm động này nói lên mức độ những giáo huấn của Đức Giê-su đã bén rễ sâu nơi tâm hồn Phan-xi-cô.

          Sau đó không lâu, Phan-xi-cô đi dự Thánh lễ.  Bài đọc Tin Mừng hôm ấy nói về việc Đức Giê-su dạy các môn đệ hãy tới các làng mạc và thành phố miền Pha-lét-tin mà rao giảng Tin Mừng.  Đức Giê-su bảo các môn đệ đừng mang theo tiền bạc, nhưng hãy tin tưởng Thiên Chúa sẽ lo liệu cho họ những nhu cầu vật chất (Mt 10:5-15).

          Huấn dụ này đã khiến Phan-xi-cô hết sức cảm động.  Anh đã sống giữa một thời đại người ta xa tránh những giáo huấn của Đức Giê-su.  Thế là Phan-xi-cô, không một xu trong túi, đã đi tới các làng mạc trong nước Ý để rao giảng Tin Mừng.  Cá tính hoạt bát của anh đã lôi cuốn những thanh niên khác đến tham gia công cuộc anh khởi xướng.  Đó là việc thành lập Dòng tu Phan-xi-cô (cộng đoàn tu sĩ).

          Ngày nay cả ngàn Phan-sinh đang sống trong hằng trăm cộng đoàn, phục vụ người nghèo và rao giảng Tin Mừng gần như tại hầu hết những quốc gia lớn trên thế giới.

 

Các thánh là những người nguy hiểm

 

          Trong cuốn tiểu thuyết Anthony Adverse, Hervey Allen nói về Phan-xi-cô và những vị thánh giống như ngài:

          “Anh Phan-xi-cô và những người giống như anh...  luôn luôn làm cho Ki-tô giáo thành một tôn giáo nguy hiểm.  Ngay khi Giáo Hội sắp sửa trở thành một tổ kén trông đẹp mắt và ấm áp...  thì eo ơi, tổ kén lại bung ra và một tinh thần tuyệt vời của Ki-tô giáo xuất hiện.”

          Cái “tâm” nảy sinh nơi Phan-xi-cô được diễn tả qua kinh nguyện cảm động do chính ngài viết:

          “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.

          Để con đem yêu thương vào nơi oán thù;

          Đem thứ tha vào nơi lăng nhục;

          Đem tin kính vào nơi nghi nan;

          Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng;

          Dọi ánh sáng vào nơi tối tăm;

          Đem niềm vui đến chốn u sầu.

          Lạy Chúa, xin hãy dạy con

          Tìm an ủi người hơn được người ủi an;

          Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết;

          Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

          Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh;

          Chính khi thứ tha là khi được tha thứ;

          Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”

 

Một vị thánh là gì?

 

          Một vị thánh cũng chỉ là một con người như chúng ta, nhưng đã quyết tâm đáp lại lời mời gọi của Đức Giê-su:  “Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 15:12).  Một vị thánh là một nhắc nhở sống động rằng ân sủng Chúa có thể thực hiện những phép lạ nơi chúng ta nếu chúng ta biết mở lòng đón nhận ân sủng.

          Từ thánh là do từ La-tinh sanctus, có nghĩa là “thánh thiện.”  Theo nghĩa văn chương, từ thánh nghĩa là “một người thánh thiện.”  Nó gợi lên lệnh truyền của Thiên Chúa:  “Hãy giữ mình thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11:44).

          Những Ki-tô hữu tiên khởi gọi nhau là “các thánh.”  Tân Ước sử dụng từ này hơn sáu mươi lần (thí dụ Mt 27:52, Cv 9:13, và Cl 1:4).  Tuy nhiên theo dòng thời gian, từ thánh được đặc biệt dành cho những Ki-tô hữu đã chịu chết vì đạo hoặc những Ki-tô hữu đã sống cuộc sống thánh thiện.

          Trước hết, một người được xác nhận là một vị thánh do những ai đã nhìn thấy vị ấy chịu tử đạo hoặc do những ai đã làm chứng đời sống của vị ấy thánh thiện.  Tuy nhiên, khoảng năm 1000, Đức Giáo Hoàng Gio-an XV đã ấn định một thể thức quy củ hơn để xác nhận một người là thánh.  Thể thức ấy được gọi là việc phong thánh, gồm có việc điều tra kỹ lưỡng về mọi phương diện thuộc đời sống của vị ấy.

 

Tại sao cầu nguyện với các thánh?

 

          Tại sao người Công giáo không cầu nguyện thẳng với Thiên Chúa?  Tại sao họ lại cầu xin với các thánh?  Người ta thường hỏi những câu hỏi ấy.

          Người Công giáo có cầu nguyện thẳng với Thiên Chúa đấy chứ.  Chúng ta cầu nguyện thẳng với Thiên Chúa trong các Thánh lễ.  Không có mối quan hệ nào quan trọng cho bằng quan hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa.

          Nhưng quan hệ giữa chúng ta với anh chị em Ki-tô hữu cũng quan trọng nữa.  Chúng ta hết thảy đều là chi thể của thân thể Đức Ki-tô.  Chúng ta là một gia đình.  Do đó, nếu chúng ta xin tất cả gia đình Ki-tô tại thế này cầu nguyện cho chúng ta, thì tại sao chúng ta lại không nên xin những anh chị em trên trời cầu nguyện cho chúng ta nữa?  Không phải vì họ đang ở trên trời nên không còn thuộc về gia đình nhân loại nữa.  Tóm lại, là một gia đình để làm gì nếu không đến với nhau trong những lúc cần thiết?

 

MẸ ĐỨC GIÊ-SU

 

          Ngay từ thời Ki-tô giáo khai sinh, có một vị thánh trổi vượt trên mọi vị thánh khác.  Vị thánh ấy là Đức Ma-ri-a, Mẹ Chúa Giê-su.  Ma-ri-a cao quý là vì Thiên Chúa đã chọn Ngài làm mẹ Chúa Giê-su.  Sứ thần Gáp-ri-en nói với Mẹ:

          “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà...  Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su...’

          “Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần:  ‘Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?’

          “Sứ thần đáp:  ‘Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa...’

          “Bà Ma-ri-a nói:  ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói’”  (Lu-ca 1:28-31, 34-35, 38).

          Những lời của Đức Ma-ri-a “Tôi không biết đến việc vợ chồng” chứng minh cho sự trinh khiết của Mẹ.  Người con Mẹ cưu mang trong lòng không phải do người đàn ông, nhưng là do quyền năng Chúa Thánh Thần.  Như vậy theo truyền thống, Đức Ma-ri-a được xưng hô là Mẹ Đồng Trinh của Thiên Chúa.

 

MẸ THIÊN CHÚA

 

          Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” khiến cho một số người thắc mắc.  Từ ngữ này không có nghĩa Đức Ma-ri-a là Mẹ của Thiên Chúa từ đời đời.  Nó chỉ có nghĩa là Đức Giê-su là Thiên Chúa làm người, cho nên đúng là Đức Ma-ri-a được gọi là Mẹ Thiên Chúa.

          Xét theo lịch sử, tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” đã có từ Công Đồng chung Ê-phê-xô (năm 431 sau công nguyên).  Đó là vào lúc Công Đồng gặp phải khó khăn khi công bố rằng Đức Giê-su có hai bản tính (thiên tính và nhân tính), nhưng không phải là hai ngôi vị theo như một số thần học gia chủ trương.

          Để sửa lại lầm lỗi này, Công Đồng tuyên bố rằng nơi Đức Giê-su có hai bản tính, nhưng chỉ có một ngôi vị.  Muốn nhấn mạnh rằng Đức Giê-su chỉ có một ngôi vị, Công Đồng đã thêm vào điều này là Đức Ma-ri-a vì thế đã được gọi là Mẹ Thiên Chúa.

 

ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

 

          Để hiểu được những điều người Công giáo tin sự kiện Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Ma-ri-a, chúng ta hãy nhớ lại hậu quả do tội của A-đam để lại cho nhân loại.  Nó đã đặt chúng ta ở trong tình trạng bị thương.  Đôi khi chúng ta gọi tình trạng bị thương này là mắc tội tổ tông.  Suy tư về tội nguyên tổ, thánh Phao-lô viết:

          “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết.  Như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội”  (Rô-ma 5:12).

 

Đức Ma-ri-a đã được giữ gìn khỏi tội lỗi

 

          Khi người Công giáo nói về việc Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Ma-ri-a, thì họ hiểu là Thánh truyền đã để lại cho họ niềm tin rằng giữa toàn thể nhân loại, Mẹ là người duy nhất không bao giờ bị vết nhơ do tội lỗi.  Chỉ mình Mẹ đã được gìn giữ khỏi ảnh hưởng của tội nguyên tổ.  Nói theo ngôn từ của thi sĩ Wordsworth, Đức Ma-ri-a là “niềm kiêu hãnh duy nhất vượt trên bản chất đã mang vết nhơ của chúng ta.”

          Việc giữ gìn Đức Ma-ri-a khỏi tội lỗi là một ân huệ riêng Thiên Chúa ban cho Mẹ trước khi làm mẹ Đức Giê-su.  Vì thế, Kinh Thánh đã gọi Ma-ri-a là “Đấng đầy ân sủng” (Lu-ca 1:28), “được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (Lu-ca 1:42).

 

ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

 

          Khi người Công giáo nói về Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời thì có nghĩa là họ tin rằng theo Thánh truyền Mẹ đã được đem lên trời với nguyên vẹn con người của Mẹ vào lúc cuối đời.  Nói khác đi, Mẹ đã đi từ trạng thái trần thế để đến thẳng trạng thái thiên đàng, mà thân xác của Mẹ vẫn không bị hư nát do hình phạt của tội lỗi (Sáng Thế 3:19).

          Niềm tin này là điều đi song song với tín điều Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội.  Đó là mặt kia của cùng một đồng bạc cắc.  Nói khác đi, vì Đức Ma-ri-a đã được gìn giữ khỏi ảnh hưởng tội lỗi nên Mẹ cũng được gìn giữ khỏi hình phạt của tội lỗi.

          Đức Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời là một nhắc nhở tuyệt vời rằng ngày nào đó chúng ta cũng sẽ được dự phần trên trời – cả linh hồn lẫn thân xác.  Chúng ta cũng sẽ ở trên trời với toàn diện con người chúng ta.

          Suy tư về mầu nhiệm này, thánh Phao-lô so sánh thân xác trước khi chết của chúng ta giống như một hạt giống;  ngài so sánh thân xác sau khi chết của chúng ta như cây nảy sinh từ hạt giống (1 Cô-rin-tô 15:36-38).  Tiếp tục so sánh ấy, Phao-lô nói về thân xác như sau:  “Gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt...  Gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1 Cô-rin-tô 15:42, 44).

 

GƯƠNG MẪU CHO MỌI KI-TÔ HỮU

 

          Đức Ma-ri-a là một gương mẫu và nguồn cảm hứng cho hết thảy môn đệ Đức Giê-su.  Thực đúng như vậy, đó là do:

-          tinh thần phục vụ của Mẹ và

-          tinh thần cầu nguyện của Mẹ.

 

Đức Ma-ri-a có tinh thần phục vụ sâu xa

 

          Có người nói:  “Đời tôi đã thay đổi khi tôi không còn xin Chúa làm cho tôi điều này điều nọ nữa và khi tôi đã hỏi Chúa tôi có thể làm gì cho Người.”  Đức Ma-ri-a đã có tinh thần phục vụ đó.

          Tinh thần phục vụ của Đức Ma-ri-a được biểu lộ khi thiên thần báo tin cho Mẹ biết Mẹ sẽ là Mẹ Đức Giê-su.  Mẹ đã trả lời:  “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lu-ca 1:38).

          Tinh thần phục vụ của Đức Ma-ri-a cũng được biểu lộ khi Mẹ biết bà Ê-li-sa-bét đã mang thai Gio-an Tẩy giả.  Mẹ lập tức ra đi để ở lại với người chị họ.  Mẹ muốn giúp bà Ê-li-sa-bét và chia sẻ niềm vui với bà về ân huệ lớn lao Chúa ban cho bà (Lu-ca 1:39-45).

          Rồi tinh thần phục của Đức Ma-ri-a còn được biểu lộ một cách thật cảm động tại Ca-na.  Tại đây, Mẹ đã xin Đức Giê-su giúp đỡ khi biết đôi tân hôn không còn rượu để thết khách dự tiệc (Gio-an 2:5).

 

Đức Ma-ri-a có tinh thần cầu nguyện sâu xa

 

          Mẹ Tê-rê-xa Calcutta nói:  Cầu nguyện làm cho con tim mở rộng tới độ nó có thể chứa đựng được chính Thiên Chúa.”  Cầu nguyện đã thực hiện điều ấy nơi Đức Ma-ri-a.  Người Công giáo tin rằng cầu nguyện có thể thực hiện điều giống như vậy nơi họ nếu họ theo gương Đức Ma-ri-a.

          Tinh thần cầu nguyện của Đức Ma-ri-a thể hiện một cách đặc biệt qua bài ca ngợi Thiên Chúa ngay sau khi Mẹ tới nhà người chị họ (Lu-ca 1:45-55).

          Tinh thần cầu nguyện của Mẹ cũng thể hiện trong biến cố Đức Giê-su giáng sinh.  Khi nói về những biến cố xảy ra chung quanh việc Giáng sinh, sách Tin Mừng nói rằng “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lu-ca 2:19).

          Sau hết, tinh thần cầu nguyện của Đức Ma-ri-a được biểu lộ qua sách Công vụ Tông Đồ.  Thánh Lu-ca nói rằng Mẹ hằng chuyên tâm cầu nguyện với các môn đệ Đức Giê-su khi họ chuẩn bị đón nhận Thánh Thần hiện xuống (Cv 1:14).

 

NHỮNG LẦN HIỆN RA CỦA ĐỨC MA-RI-A

 

          Qua nhiều thế kỷ, Ki-tô hữu đã báo cáo về những lần Đức Ma-ri-a hiện ra.  Rõ ràng một số báo cáo này chỉ là sản phẩm do óc tưởng tượng quá đáng.  Tuy nhiên nhiều lần hiện ra không dễ dàng chối cãi được.

          Vì có thể là do ảo giác hoặc tưởng tượng quá đáng cho nên Giáo Hội rất dè dặt khi nhận được những báo cáo như vậy.  Giáo Hội điều tra kỹ càng (đôi khi qua nhiều năm trời) trước khi tuyên bố là đáng tin hoặc không đáng tin.

          Những thông điệp một số người được Mẹ hiện ra nói rằng họ nhận được qua những lần hiện ra đều được coi là điều mặc khải tư, để phân biệt với mặc khải qua Kinh Thánh.

          Khi Giáo Hội “chấp thuận” một mặc khải tư thì không có nghĩa là chúng ta phải tin những gì đã được người trông thấy Mẹ kể lại.  Nhưng đó chỉ có nghĩa là điều mặïc khải ấy không có gì đi ngược lại đức tin và luân lý Công giáo.  Giáo Hội không khi nào áp đặt những mặc khải tư trên chúng ta.  Cho nên người Công giáo được tự do chấp nhận hoặc từ chối chúng.

 

TÓM KẾT

 

Vị thánh là người cũng giống như chúng ta, nhưng họ đúng đắn thi hành lời mời gọi của Đức Giê-su:  “Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (Gio-an 15:12).  Vị thánh cho ta thấy rằng ân sủng của Thiên Chúa có thể tạo nên phép lạ nơi chúng ta nếu chúng ta chỉ cần mở lòng đón nhận.  Đức Ma-ri-a cao trọng trên tất cả mọi vị thánh.  Cái nhìn của Công giáo về Đức Ma-ri-a và các thánh được tóm lược trong kinh nguyện cảm động sau đây:

“Lạy Cha...  Vinh quang Cha rạng ngời nơi cộng đoàn các thánh...

“Cha dùng đời sống các ngài

làm gương cho chúng con học đòi bắt chước;

Cha cho chúng con được chung phần gia nghiệp

nhờ hiệp thông với các ngài;

Cha phù trợ chúng con

nhờ lời các ngài cầu thay nguyện giúp.

Được các chứng nhân có thế giá như vậy nâng đỡ,

chúng con xông vào cuộc chiến đời này

và nắm chắc phần thắng, để cùng với các ngài,

chúng con lãnh triều thiên vinh quang bất diệt,

nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.”

                   (Lời Tiền tụng I, lễ kính các thánh nam nữ)

 

ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

 

-  Lu-ca 1: 26-38            Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ!

-  Lu-ca 1: 39-56            Hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc!

-  Lu-ca 2: 22-35            Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà!

-  Gio-an 2: 1-12            Họ hết rượu rồi!

-  Gio-an 19: 23-27        Đây là mẹ của anh!

 

 

THẢO LUẬN

 

          1.  Thời Giáo Hội sơ khai, người ta tuyên phong một vị thánh như thế nào?  Thể thức đã được thay đổi ra sao?  Tại sao người Công giáo lại cầu nguyện với các thánh?

          2.  Quan điểm của Giáo Hội như thế nào về những lần hiện ra của Đức Ma-ri-a?

          3.  Mẹ Ma-ri-a là mẫu gương môn đệ cho chúng ta như thế nào?

 

CHIA SẺ

 

1.     Hãy thảo luận những tư tưởng sau đây:

-  Các thánh là chứng cớ sống động nói lên quyền năng ân sủng của Thiên Chúa để biến đổi bản chất con người mỏng dòn chúng ta. 

-  “Máu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội.”  (Ter-tu-li-a-nô)

- “Các thánh là những người giúp cho người khác dễ dàng tin Chúa hơn.”      (Nathan Sodeblum)

2.     Một câu châm ngôn Trung Hoa nói:  “Không phải do tiếng kêu, nhưng chính nhờ đôi cánh vỗ bay của một con vịt trời đã khiến cho cả đàn vịt bay theo.”  Áp dụng câu châm ngôn này thế nào cho Đức Ma-ri-a, các thánh và ảnh hưởng của các ngài?

3.     Nhà văn Do-thái Franz Werfel và vợ ông chạy trốn Đức quốc xã.  Khi lính biên phòng Tây-ban-nha từ chối không cho họ đi qua, họ liền đến tá túc gần Lộ-đức, nơi có đền thánh nổi tiếng của Pháp kính Đức Mẹ.  Đêm ấy Werfel đứng trước đền thánh và cầu nguyện như sau:  “Con không phải là một tín hữu...  Nhưng nếu như con có lầm lạc, thì xin giúp con và vợ con.”  Sau này Werfel nói với một người bạn là sau khi cầu nguyện như thế, ông cảm thấy rất bình an.  Ít ngày sau ông cùng vợ vượt biên giới vào Tây-ban-nha rồi xuống tàu sang Mỹ-châu.  Việc đầu tiên ông làm khi tới Mỹ-châu là viết lại câu truyện Lộ-đức, tựa đề cuốn sách là The Song of Bernadette (Khúc ca của cô Bernadette).  Cuốn sách trở thành sách bán chạy nhất và được dựng thành phim nổi tiếng.  Vậy điều gì có thể làm cho bạn tin rằng những gì đã xảy đến cho Werfel và vợ ông không phải chỉ là sự trùng hợp?

4.     Bạn thấy điều gì hấp dẫn nhất về lòng sùng kính của người Công giáo đối với Đức Ma-ri-a?  Với các thánh?  Điều gì ít hấp dẫn nhất?

          5.  Bạn còn câu hỏi nào muốn biết về Đức Ma-ri-a hoặc các thánh?

 

 

The Catholic Vision  IV – 30

Mark Link, S.J.

Chuyển ngữ:  Lm Trần đình Nhi

 

 

 

Về Trang Mục Lục
Trở về trang Giáo Lý Công Giáo
Trở Về Trang Nhà