Sách Sáng thế kể lại: Sau khi đã dựng
nên Ađam, Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho
nó một trợ tá tương xứng với nó.” Khi thấy Evà, Ađam đã sung sướng kêu lên: “Này
là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” (x. St 2,18-23).
Hôn nhân trước hết là một ơn gọi. Qua
việc phối hợp trong tình yêu, hai vợ chồng được mời gọi trở nên hình ảnh sống
động của Thiên Chúa (x.St 1,26-28), một Thiên Chúa yêu thương và luôn trung tín
(x. Hs 2,21).
Tình yêu và sự trung tín của Thiên Chúa
được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu
độ nhân loại.
Chúa Giêsu chỉ sống trên trần gian ba
mươi ba năm, nhưng đã dành ba mươi năm sống trong gia đình Nadarét. Điều đó cho
thấy hôn nhân và gia đình có một tầm mức quan trọng trong chương trình cứu độ
của Thiên Chúa. Nơi Chúa Giêsu, các đôi vợ chồng nhận ra Thiên Chúa là Đấng đã
khởi xướng, cũng như luôn đồng hành và làm cho hôn nhân và gia đình trở thành
con đường hạnh phúc, dẫn con người đến sự hiệp thông với nhau và hiệp thông với
Thiên Chúa tình yêu.
Từ ban đầu Tạo Hoá đã dựng nên con người có nam có nữ
và Ngài đã phán:
“Vì thế, người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết
hợp với vợ mình,
và cả hai sẽ nên một huyết nhục”
(Mt 19,4-5).
Có thể nói, hôn nhân và gia đình
là một trong những thể chế cổ xưa nhất của loài người. Hôn nhân đã được Kinh
Thánh đề cập đến ngay từ những trang đầu[1],
và rồi hình ảnh hôn nhân lại được Kinh Thánh nhắc đến nơi những trang cuối[2].
Điều đó cho thấy, hôn nhân không phải chỉ là một định chế thuần tuý của con
người, mà trước hết còn nằm trong chương trình của Thiên Chúa, khi Ngài dựng
nên con người có nam có nữ, và mời gọi họ: “Hãy
sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy mặt đất, và thống trị nó” (St 1,28).
Hôn nhân là một giao ước ký kết
giữa một người nam và một người nữ, với ý thức tự do và trách nhiệm, để sống
yêu thương và giúp đỡ nhau trong tình nghĩa vợ chồng; để sinh sản và giáo dục
con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ[3].
Nguồn
gốc của hôn nhân chính là Thiên Chúa. Sách Sáng thế kể lại rằng ngày thứ sáu,
sau khi đã tạo dựng nên trời đất, cây cối và muôn loài muôn vật, Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng
làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất và tất cả loài bò sát di chuyển
trên mặt đất”. Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh mình. Thiên
Chúa tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Ngài tạo thành họ có nam có nữ. Thiên
Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy mặt
đất, và thống trị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di
chuyển trên mặt đất” (St 1,26-28).
Ngoài
ra, sách Sáng thế còn nói một cách cụ thể hơn về việc kết hiệp vợ chồng: “Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi
sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống. Thiên Chúa phán: “Đàn
ông ở một mình không tốt, Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó”. Vậy
Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Ngài lấy một xương sườn
của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam
trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: “Bây giờ xương bởi
xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người
nam mà ra”.
Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ
mình, và cả hai nên một thân thể. (St 2,7.18.21-24)
Cả hai
câu chuyện trên đều cho thấy hôn nhân đã xuất hiện ngay từ khởi đầu công trình
sáng tạo và do ý muốn của Ngài. Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã không dựng nên con
người cô độc, hoặc chỉ là nam, hoặc chỉ là nữ, nhưng đã dựng nên con người có
nam, có nữ và đã tác hợp họ nên vợ chồng, thành “một xương một thịt”. Nguồn gốc
của hôn nhân chính là Thiên Chúa. Ngài là Đấng tác tạo hôn nhân và đã khắc ghi
ơn gọi hôn nhân vào trong bản tính của con người khi tạo dựng nên họï có nam có
nữ[4].
Thiên
Chúa là Tình Yêu[5], Đấng
duy nhất nhưng không đơn độc. Nơi bản thân, Ngài đang sống mầu nhiệm hiệp thông
và yêu thương giữa Ba Ngôi Vị: Cha, Con và Thánh Thần. Vì yêu thương mà dựng
nên con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa cũng mời gọi họ sống yêu thương
và hiệp thông.
Khi sống
yêu thương, con người thể hiện đúng với bản chất của mình là hình ảnh Thiên
Chúa, được dựng nên để sống yêu thương và hiệp thông với nhau. Tình yêu là ơn
gọi nền tảng và bẩm sinh của con người[6].
Tình yêu cũng là yếu tố căn bản của hôn nhân. Sự trao tặng thân xác giữa hai vợ
chồng chỉ có ý nghĩa khi thể hiện sự tự hiến chính mình vì tình yêu. Tình yêu
là nền móng xây dựng những mối tương quan gia đình. Đối với con cái, tình yêu
của cha mẹ trở thành dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa. Sứ mạng của đời sống gia
đình là bảo toàn, biểu lộ và truyền đạt tình yêu. Hôn nhân và gia đình được
thiết lập là do tình yêu, được sinh động cũng là do tình yêu, sức mạnh và mục
đích cuối cùng lại chính là tình yêu[7].
Tự bản chất, hôn nhân hướng đến
hai mục đích: Lợi ích của đôi vợ
chồng và lưu truyền nòi giống (sinh sản và giáo dục con cái)[8].
Hai mục đích này luôn đi đôi với nhau, mặc dù có những lúc mục đích này được
nhấn mạnh hơn mục đích kia.
Nhờ khế ước hôn nhân, người nam
và người nữ “không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19, 6; x.
St 2, 24), và được mời gọi mỗi ngày một trở nên gắn bó với nhau hơn qua việc nỗ
lực sống cam kết trao hiến trọn vẹn cho nhau.
Sự hiệp thông vợ chồng ăn rễ sâu
từ sự thu hút tự nhiên về giới tính,
cũng như từ sự bổ túc lẫn nhau giữa nam và nữ, được nuôi dưỡng nhờ những nỗ lực
của đôi bạn muốn chia sẻ cho nhau trọn cả bản thân trong suốt cuộc đời.
Tự bản chất, hôn nhân hướng đến
việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh hoàn thành hôn nhân.
Con cái là ân huệ cao quý nhất
của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Tình yêu
vợ chồng còn phong phú nhờ những hoa quả của đời sống luân lý, tinh thần và
siêu nhiên được cha mẹ truyền lại cho con cái qua việc giáo dục. Theo nghĩa
này, mục tiêu nền tảng của hôn nhân và gia đình là phục vụ cho sự sống và hạnh
phúc[9].
Hôn nhân bao
giờ cũng đi đôi với ước vọng trăm năm hạnh phúc. Đối với người Công giáo, hạnh
phúc thật là được sống trong tình thân mật với Thiên Chúa Tạo Hoá là Cha yêu
thương chúng ta. Có Thiên Chúa, dù thiếu mọi sự, cũng vẫn hạnh phúc. Còn vắng
bóng Ngài, dù có mọi sự, cũng chỉ là bất hạnh. Đối với người Công giáo, khi đôi
bạn thực hiện hôn nhân và gia đình theo ý định của Thiên Chúa, thì hôn nhân
chính là một con đường dẫn đến Thiên Chúa, cũng như dẫn đến hạnh phúc.
Mục đích của
Thiên Chúa khi tạo dựng, đó là làm cho con người được yêu thương và hiệp nhất
với Ngài trong hạnh phúc đời đời. Đồng thời, mọi sự Thiên Chúa ban cho ở đời
này đều nhằm giúp con người đạt tới mục đích cuối cùng ấy. Khi đã nhận biết
điều đó, trong mọi sự, ta luôn dành ưu tiên cho Thiên Chúa để được hiệp nhất
với Ngài. Hễ điều gì giúp ta đến gần Ngài, thì ta đón nhận, bằng không ta phải
dứt bỏ ngay[10].
1. H. Hôn nhân là gì?
T. Hôn nhân là giao ước ký kết
giữa một người nam và một người nữ, với đầy đủ tự do ưng thuận và ý thức trách
nhiệm, để trở thành vợ chồng.
2. H. Ai đã lập nên hôn nhân?
T. Chính Thiên Chúa đã lập nên
hôn nhân khi dựng nên loài người có nam có nữ, và mời gọi họ sống yêu thương.
3. H. Yếu tố căn bản của hôn
nhân là gì?
T. Yếu tố căn bản của hôn nhân
chính là tình yêu vì Hôn nhân được thiết lập do tình yêu và mục đích cuối cùng
của Hôn nhân cũng chính là tình yêu.
4. H. Hôn nhân có những mục đích
nào?
T. Hôn nhân có hai mục đích này:
- Một là yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.
- Hai là cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục
con cái.
1. Tình
yêu có gì khác với sự thu hút giữa nam và nữ?
2. Tình
yêu cần thiết cho hôn nhân như thế nào?
3. Có
thể lấy một người đồng thời lại yêu một người khác được không? Tại sao?
Lạy Chúa,
chúng con cảm tạ Chúa vì đã cho chúng con sinh ra làm người nam, người nữ, mang
hình ảnh của Chúa. Chúa còn ban tặng cho từng người chúng con một trái tim muốn
yêu và khao khát được yêu để chúng con có thể yêu Chúa và yêu nhau.
Xin
dạy chúng con biết yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con để chúng con
ngày càng trở nên giống hình ảnh Chúa là Tình yêu. Amen.