Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà
kết hợp với vợ mình
và cả hai nên một thân xác.
Mầu nhiệm này thật lớn lao,
tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh.
(Ep 5,31-32)
Khi một
người nam và một người nữ kết hôn, họ trở thành vợ chồng theo luật tự nhiên.
Hôn nhân của họ là một khế ước, có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Đối với người
Kitô hữu, hôn nhân không chỉ là một khế ước, mà còn là một bí tích. Thánh Gioan
Kim Khẩu nói: “Hôn nhân là bí tích tình yêu... Khi vợ chồng nên một trong hôn
nhân, cả hai không còn là hình ảnh dưới trần nữa, mà là hình ảnh của Chúa trên
trời.”
Từ xưa
đến nay, hầu như nền văn hoá nào cũng coi hôn nhân là việc linh thiêng. Vì thế,
trước khi về chung sống với nhau, cô dâu chú rể thường xin trời đất, thần linh
hoặc ông bà tổ tiên chứng giám và phù hộ cho cuộc hôn nhân của mình qua một
nghi lễ công khai và long trọng.
Trong
Cựu Ước, giao ước giữa Thiên Chúa với dân Ngài thường được ví như một cuộc hôn nhân thuỷ
chung, duy nhất[1]. Sang
Tân Ước, hôn nhân được coi là hình ảnh sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh[2].
Đức Kitô
được ví như chàng rể của giao ước mới[3].
Còn Hội Thánh được ví như cô dâu, đã được Đức Kitô yêu thương đến hy sinh mạng
sống[4].
“Ngay
khi bắt đầu đời sống công khai, Chúa Giêsu đã có mặt trong một tiệc cưới tại
Cana và đã làm dấu lạ đầu tiên, biến nước thành rượu để giúp hai họ nối tiếp
cuộc vui (Ga 2,1-11). Sự hiện diện này được Hội Thánh hiểu như là một chứng
thực của Đức Kitô đối với giá trị hôn nhân, đồng thời cũng tiên báo sự hiện
diện thường xuyên của Ngài trong đời sống hôn nhân[5]”.
“Trong
khi rao giảng, Chúa Giêsu dạy rõ ràng về ý nghĩa nguyên thủy của việc phối hợp
giữa người nam và người nữ như thuở ban đầu Đấng Tạo Hóa đã muốn. Sự phối hợp này
là bất khả phân ly. Việc Môsê cho
phép bỏ vợ là một nhượng bộ trước lòng chai dạ đá của người nam (x. Mt 19, 3-8)[6]”.
“Khi tái
lập trật tự ban đầu của công trình sáng tạo đã bị tội lỗi làm xáo trộn, Chúa
Giêsu đã ban sức mạnh và ân sủng để các đôi vợ chồng sống đời hôn nhân trong
chiều kích mới của Nước Thiên Chúa. Ân sủng của hôn nhân Kitô giáo là hoa quả
của Thánh Giá Đức Kitô, nguồn mạch mọi đời sống Kitô hữu[7]”.
“Thánh
Phaolô cho thấy điều đó khi nói: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ như Đức
Kitô đã yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh để thánh hóa Hội Thánh”
(Ep 5, 25-26). Ngài còn nói thêm: “Bởi
thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình và cả hai nên một thân
xác. Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh.” (Ep 5,
31-32)[8].
“Toàn bộ
đời sống Kitô giáo mang dấu ấn của tình yêu “hôn nhân” giữa Đức Kitô và Hội
Thánh. Bí tích Thánh tẩy, cửa ngõ dẫn vào Dân Thiên Chúa, cũng đã là một mầu
nhiệm “hôn nhân”: có thể nói đó là nghi thức thanh tẩy (x. Ep 5, 26-27) trước
khi bước vào tiệc cưới là bí tích Thánh Thể. Hôn nhân Kitô giáo trở thành dấu
chỉ giao ước giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Hôn nhân giữa hai người đã được rửa
tội là một bí tích thực sự của Giao ước Mới, vì nó biểu thị giao ước giữa Đức
Kitô và Hội Thánh, và thông ban ân sủng cho họ[9]”.
Như vậy,
ta có thể nói, Thiên Chúa đã thiết lập khế ước hôn nhân ngay trong vườn địa
đàng, giữa người nam và người nữ đầu tiên. Còn Chúa Giêsu, Ngài đã nâng hôn ước
đó lên hàng Bí tích.
Qua bí
tích hôn phối, tình yêu của hai vợ chồng được Thiên Chúa đóng ấn; họ nhận được
những ơn siêu nhiên giúp họ sống ơn gọi hôn nhân và gia đình, và trở nên dấu
chỉ mầu nhiệm Đức Kitô kết hiệp với Hội Thánh.
Tình yêu
giữa hai vợ chồng Công giáo có ý nghĩa rất phong phú và sâu sắc, vì bắt nguồn
từ tình yêu Thiên Chúa và rập theo khuôn mẫu tình yêu giữa Đức Kitô và Hội
Thánh. Tình yêu đó có hai đặc tính là đơn nhất và bất khả phân ly.
Đơn nhất
nghĩa là một vợ một chồng. “Tự bản chất, tình yêu vợ chồng đòi hỏi sự đơn nhất
và bất khả phân ly. “Họ không còn phải là hai, nhưng là một xương một thịt” (x. Mt
19, 6; St 2, 24). Họ được mời gọi không ngừng lớn lên trong tình hiệp thông với
nhau qua việc mỗi ngày trung thành sống lời cam kết hôn nhân, là trao hiến trọn
vẹn cho nhau. Sự hiệp thông này được củng cố, thanh luyện và hoàn thiện nhờ bí
tích Hôn phối đem lại sự hiệp thông trong Đức Kitô. Sự hiệp thông này càng thâm
sâu hơn nhờ cùng chia sẻ một đức tin và cùng đón nhận Mình Thánh Chúa[10].”
“Phải
nhìn nhận sự bình đẳng giữa vợ chồng trong tình tương thân tương ái trọn vẹn,
để nhờ đó biểu hiện rõ ràng tính đơn nhất của hôn nhân đã được Đức Kitô xác
nhận. Đa thê là đi ngược với tình yêu vợ chồng, cũng như với sự bình đẳng giữa
hai vợ chồng[11].”
Bất khả
phân ly nghĩa là không thể ly dị. “Lý do sâu xa nhất đòi hỏi hai vợ chồng phải
chung thủy chính là sự trung
tín của Thiên Chúa với giao ước, và sự trung tín của Đức Kitô với Hội Thánh.
Nhờ bí tích Hôn phối, hai vợ chồng được ban ơn để diễn tả và làm chứng cho sự trung tín ấy. Do bí
tích, tính bất khả phân ly của hôn nhân
tiếp nhận một ý nghĩa mới và sâu xa hơn[12].”
Ngoài ra sự liên kết mật thiết giữa hai vợ chồng, cũng
như lợi ích của con cái, buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín với nhau[13].
Chung
thuỷ suốt đời với người phối ngẫu là một trong những đặc điểm nổi bật của hôn
nhân Công giáo, đồng thời còn có ý nghĩa đặc biệt hơn đối với thế giới hiện
nay, khi mà ly dị thường được coi là giải pháp bình thường cho những khó khăn
hoặc thất bại trong đời sống hôn nhân. Quả thực, đối với nhiều trường hợp,
chung thuỷ là một thách đố lớn lao và phải cậy dựa vào ơn Chúa, vì chỉ nhờ sức
riêng của mình mà thôi thì không đủ. Trong đời sống hôn nhân, đôi vợ chồng cần
nhớ rằng sự liên kết với nhau không phải chỉ do quyết tâm của họ mà còn là kết
quả của ơn Chúa. “Điều gì Thiên Chúa đã
kết hợp, thì loài người không được phân ly”(Mt
19,6). Hội Thánh không ngừng cầu nguyện cho các đôi vợ chồng được trung thành
với nhau suốt đời. Ngược lại, chính Hội Thánh cũng được nâng đỡ luôn trung tín
với Chúa Giêsu nhờ sự chung thuỷ của các đôi vợ chồng.
“Do hôn
nhân hợp pháp, giữa vợ chồng phát sinh một mối dây ràng buộc vĩnh viễn và độc
nhất tự bản chất. Hơn thế nữa, trong Kitô giáo, vợ chồng được Thiên Chúa tăng
sức và thánh hiến bằng một bí tích riêng biệt, để chu toàn những bổn phận và
sống xứng đáng bậc sống của mình[14].”
Bí tích
Hôn phối đem lại hai hiệu quả:
“Sự ưng thuận tự do, qua đó đôi
phối ngẫu tự trao hiến và tiếp nhận nhau, được chính Thiên Chúa đóng ấn. Từ hôn
ước của họ phát sinh một định chế. Định chế này đã được chính Thiên Chúa ấn
định và có giá trị trước mặt xã hội. Hôn ước được liên kết với giao ước Thiên
Chúa ký kết với nhân loại: Tình yêu vợ chồng đích thực được hoà nhập trong tình
yêu Thiên Chúa[15].”
“Dây hôn phối do chính Thiên Chúa liên kết, nên hôn nhân
thành sự và hoàn hợp, giữa hai người đã được rửa tội, không bao giờ được tháo gỡ. Dây
liên kết này là kết quả của
việc hai người tự nguyện kết hôn và do sự hoàn hợp của hôn phối. Đây là một thực tại không thể
đảo ngược, và trở thành một giao ước được Thiên Chúa trung tín bảo đảm.
Hội Thánh không có quyền nói ngược lại sự
an bài khôn ngoan của Thiên Chúa[16].”
Ân sủng
đặc biệt của bí tích Hôn phối kiện toàn tình yêu vợ chồng, củng cố sự hiệp nhất
bất khả phân ly của họ. “Nhờ ân sủng
này, họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và
giáo dục con cái”.[17]
“Đức Kitô là nguồn mạch ân sủng đặc biệt này. Như
xưa, Thiên Chúa đến gặp Dân Ngài bằng một giao ước yêu thương và trung thành,
thì ngày nay, Đấng Cứu Thế, Bạn Trăm Năm của Hội Thánh cũng đến với đôi vợ
chồng qua bí tích Hôn phối. Ngài ở lại với họ, ban cho họ sức mạnh để họ vác
thập giá theo Ngài, để họ chỗi dậy mỗi khi sa ngã, để họ tha thứ cho nhau, mang
gánh nặng cho nhau, “phục tùng nhau trong sự
kính sợ Đức Kitô” (Ep 5,21), và yêu thương nhau với một tình yêu
siêu nhiên, tế nhị và phong phú. Trong khi họ vui hưởng tình yêu và cuộc sống
gia đình, Ngài ban cho họ, ngay từ đời này, được nếm trước hạnh phúc Nước Trời[18].”
1. H.
Hôn nhân Công giáo là gì?
T. Hôn nhân Công giáo là bí tích
Chúa Giêsu đã lập, để kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ, thành vợ chồng
trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh, cùng ban ơn giúp họ sống
xứng đáng ơn gọi của mình.
2. H.
Hôn nhân Công giáo có những đặc tính nào?
T. Hôn nhân Công giáo có hai đặc
tính này:
- Một là
đơn nhất, nghĩa là một vợ một chồng.
- Hai là bất khả phân ly, nghĩa là trung thành yêu thương
nhau trọn đời.
3. H. Bí
tích Hôn phối ban cho vợ chồng những ơn nào?
T. Bí
tích Hôn phối ban ơn giúp các đôi vợ chồng yêu thương nhau, như Đức Kitô đã yêu
thương Hội Thánh, kiện toàn tình yêu tự nhiên, củng cố sự hiệp nhất bất khả
phân ly và thánh hoá họ trong đời sống siêu nhiên.
1. Khi nhìn vào tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh, anh
chị học được điều gì cho tình yêu của anh chị?
2. Trung thành với nhau đến chết phải chăng là một thách
đố?
3. Ân sủng bí tích Hôn phối mang lại điều gì cho đời sống
hôn nhân?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa
đã yêu thương Hội Thánh đến độ đã hiến mình vì Hội Thánh để Hội Thánh được xinh
đẹp lộng lẫy, thánh thiện tinh tuyền. Chúng con đang đứng trước ngưỡng cửa ơn
gọi hôn nhân và gia đình, xin cho chúng con biết đến với Chúa, lắng nghe Lời
Chúa, nhìn ngắm mẫu gương của Chúa, để học biết yêu thương như Chúa. Xin đổ
Thánh Thần Tình yêu của Chúa xuống trên chúng con để chúng con có đủ can đảm
bước theo con đường Chúa đang mời gọi chúng con. Amen.
[1]
x. Hs
1-3; Is 54; 62; Gr 2-3; 31; Ed 16; 23
[2]
x. Ep 5, 22-33
[3]
x. Mc 2,19
[4]
x. Ep 5, 25
[5]
GLHT 1613
[6]
GLHT 1614
[7]
GLHT 1615
[8]
GLHT 1616
[9]
GLHT 1617
[10]
GLHT 1644
[11]
GLHT 1645; x. MV 49,2; GĐ 19
[12]
GLHT 1647
[13]
x. GLHT 1646; MV 48,1
[14]
GLHT 1638; x. GL 1134
[15]
GLHT 1639
[16]
GLHT 1640; x. GL 1141
[17]
x. GH 11
[18]
x. GLHT 1642