Lòng mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả,
hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.
(1 Cr 13,7)
Với lời
cam kết: “Anh (em) nhận em (anh) làm vợ (chồng) và hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ
với em (anh) khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc
mạnh khoẻ để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em)”, đôi
bạn chính thức trở thành vợ chồng.
Lời cam
kết khép lại thời kỳ đính hôn, đồng thời mở ra cánh cửa cho cuộc sống hôn nhân
và gia đình.
Trong
đời sống hôn nhân và gia đình, việc tiếp tục vun xới cho tình yêu lứa đôi là
một việc rất quan trọng. Gia đình có được hạnh phúc hay không, chủ yếu là do
hai vợ chồng có biết chăm sóc cho tình yêu thuở ban đầu, để tình yêu ấy dần dần
trở thành ân sâu nghĩa nặng, không bao giờ tàn phai.
Thế
nhưng, làm sao để tình yêu dành cho nhau mỗi ngày một thêm triển nở? Làm sao để
sống lời cam kết ngày thành hôn được thêm sâu xa hơn? Để tình nghĩa vợ chồng
ngày càng thêm đậm đà và bền chặt, vợ chồng cần phải:
Trong
ngày thành hôn, anh chị cầm tay nhau cam kết sẽ yêu thương và tôn trọng nhau
không chỉ một năm, hai năm, năm năm, mà là “mọi ngày suốt đời”. Yêu thương và
tôn trọng phải đi đôi với nhau. Vợ kính trọng chồng, chồng tôn trọng vợ. Cả hai
quý mến, trân trọng nhau.
Trước
hết, trọng kính là phải nhìn nhận nhau. Vợ không phải là người hầu hoặc nô lệ
của chồng, mà là người bạn đời. Nam và nữ khác biệt nhau, nhưng bình đẳng với
nhau vì cả hai đều là hình ảnh Thiên Chúa, được tạo dựng để trở thành trợ tá
của nhau, bổ túc cho nhau và hiệp thông với nhau.
Tiếp
đến, trọng kính là phải đón nhận nhau. Gia đình Nadarét được bắt đầu bằng sự
đón nhận: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng sợ đón bà Maria vợ ông về...”
(Mt 1,20). Không chỉ đón nhận những ưu điểm, mà còn cả những khuyết điểm, nghĩa
làø đón nhận trọn vẹn con người của nhau với quá khứ, hiện tại, cũng như tương
lai. Thuở mới quen nhau, anh chị đã khám phá ra rất nhiều cái đẹp của nhau,
những cái làm cho nhau ngưỡng mộ, si mê. Khi bước vào cuộc sống gia đình, anh
chị dần dần khám phá thêm nhiều điều khác. Những điều này có thể là “mặt trái”
của nhau. Đón nhận nhau ở đây, trước hết là tôn trọng những khác biệt về cách
suy nghĩ, cảm nhận... qua việc trao đổi, lắng nghe, để hiểu biết con người của
nhau hơn, nhờ đó giúp nhau mỗi ngày một nên hoàn thiện.
Sự tôn
trọng được diễn tả qua cách cư xử, qua lời ăn tiếng nói hằng ngày. Không phải
chỉ tôn trọng nhau trong lúc thành công, thịnh vượng và mạnh khoẻ, trái lại
trong lúc gian nan, thất bại và bệnh tật lại cần phải tôn trọng và nâng đỡ nhau
hơn nữa. Tránh nói với nhau bằng những lời lẽ tục tằn, thô lỗ, hoặc nói xấu
nhau với người thứ ba. Ngược lại, biết dành cho nhau những lời nói nhẹ nhàng âu
yếm, những cử chỉ trân trọng, lịch sự, lễ độ, “tương kính như tân”.
“Không
có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn
hữu của mình” (Ga 15,13). Một trong những bằng chứng về tình yêu chân thật, đó
là sự hy sinh, quên mình. Yêu nhau mà không chấp nhận hy sinh, gian khổ vì nhau
và với nhau, thì chưa phải là yêu nhau thật sự.
Trời có
lúc nắng, lúc mưa. Cuộc đời mỗi người cũng vậy, có lúc thịnh lúc suy, có lúc
vui lúc buồn, có lúc khỏe lúc đau. Tình yêu luôn đòi hỏi sự thuỷ chung. Nếu chỉ
yêu nhau lúc thịnh vượng, may mắn, mạnh khoẻ, còn khi gặp gian nan khốn khó,
rủi ro, thì lìa bỏ nhau, thử hỏi như vậy có phải là yêu nhau thành thật hay
không? Khi thành thật yêu nhau, người ta phải chấp nhận thực tế đó.
“Đi đâu, cho
thiếp đi cùng,
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp
cam”.
Ngược
lại với sự quên mình là tính ích kỷ. Kẻ ích kỷ thường độc tài, độc đoán, chỉ
nghĩ đến bản thân, chỉ biết đến quyền lợi của mình. Kẻ độc tài có thể bắt người
khác vâng theo ý mình, nhưng không dễ làm người khác yêu mình.
Hy sinh
quên mình là vì hạnh phúc của vợ, của chồng, của con. Hy sinh trong những vấn
đề cụ thể. Hạnh phúc gia đình được xây dựng bằng những điều nhỏ mọn, bằng những
hi sinh liên lỉ hằng ngày của cả đôi bên, chẳng hạn như trong việc sử dụng tiền
bạc, thời giờ, mua sắm, giải trí... Đừng chỉ quyết định theo sở thích riêng của
mình, bất chấp sở thích của vợ hoặc chồng.
Khi xảy
ra những mâu thuẫn do bất đồng ý kiến, hy sinh có nghĩa là “một nhịn chín
lành”. Dĩ nhiên có những điều không thể nhượng bộ, nhất là trong lãnh vực
luân lý hay đạo đức. Chấp nhận làm
điều xấu để làm vui lòng chồng hay vợ không phải là hy sinh quên mình, nhưng là
đồng loã với cái xấu và càng làm hại người kia hơn.
Hy sinh
cũng có nghĩa là tha thứ. Nhân vô thập toàn. Thánh Phaolô dạy: “Như những người được chọn của Thiên Chúa, những
người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi,
nhân hậu, khiêm cung ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho
nhau nếu người này có chuyện phải oán tráùch người kia. Như Chúa đã tha thứ cho
anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau”. (Cl 3,12-13)
Sự hy
sinh còn được biểu lộ qua việc quan tâm đến nhau, chăm sóc, lo lắng cho nhau,
không quản ngại vất vả, gian khổ vì nhau, nhất là khi người bạn đời gặp thử
thách, bệnh tật, khó khăn. Đây chính là lúc sống lời cam kết trung thành với
nhau ngày thành hôn.
Đối
thoại là yếu tố quan trọng giúp duy trì và củng cố hạnh phúc trong gia đình.
Nhờ đối thoại, vợ chồng, cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, giảm bớt những bất
đồng.
Đối
thoại là nói và nghe. Cần nói cho nhau biết những điều mình suy nghĩ và mong
ước, đồng thời cần nghe những suy nghĩ và mong ướccủa người khác. Nghe không phải
chỉ bằng đôi tai, mà còn bằng cả khối óc và con tim.
Những
chuyện quan trọng trong gia đình vợ chồng cần phải chia sẻ, bàn bạc cùng nhau.
Cha ông ta có câu “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Làm việc gì cũng
nên trao đổi và thống nhất trước khi hành động. Trong lúc bàn bạc, cần lắng
nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, không nên độc tài, độc đoán, áp đặt ý của
mình. “Trong tất cả những gì có liên hệ đến đời sống chung trong gia đình, hai
vợ chồng đều có nhiệm vụ và quyền lợi bằng nhau[1].”
Nếu thường
xuyên chia sẻ tâm tình với nhau, vợ chồng sẽ dễ dàng đi đến chỗ thống nhất trên
các lãnh vực công ăn việc làm, tổ chức đời sống, giáo dục con cái, giải trí,
giao tế bạn bè, đời sống đạo đức... Nhờ đó, sẽ hiểu nhau, tin tưởng nhau và gắn
bó với nhau hơn.
Yêu
nhau, người ta luôn nghĩ đến nhau và muốn ở bên cạnh nhau. Tình yêu cần sự hiện
diện. Nhiều cặp vợ chồng đã đi tới chỗ đổ vỡ vì thường phải sống xa nhau hoặc
quá lo công ăn việc làm, không còn để ý gì đến nhau. Bởi vậy, vợ chồng cần ưu
tiên dành thời giờ cho nhau, chuyện trò tâm sự với nhau, chia sẻ cho nhau những
niềm vui, những nỗi buồn, nói lên những suy nghĩ, những ý định của mình trong
cuộc sống, cũng như nâng đỡ, an ủi, khích lệ và cổ vũ lẫn nhau.
Tình yêu
hai vợ chồng dành cho nhau cần được khẳng định lại mỗi ngày qua những lời nói
dịu dàng, những cử chỉ âu yếm. Những lời nói đó tuy đơn sơ, nhưng lại là hương
thơm ướp đậm tình yêu. Đừng đợi đến lúc ái ân mới nói những lời yêu đương và mới
tỏ những cử chỉ thân mật.
Giữa vợ
chồng có trăm ngàn cách để bày tỏ tình yêu: từ lời nói đơn giản nhất : “Anh yêu
em” hay “em yêu anh”, đến những biểu lộ sự ân cần, lòng biết ơn, lời nói
khuyến khích, xây dựng.... Bức tranh cổ truyền Việt Nam ghi lại những mẩu đối
thoại âu yếm giữa hai vợ chồng:
- Chàng ơi, trẩy sớm hay trưa?
Để em gánh gạo tiễn đưa hành trình.
- Thương nàng đã đến ngày sinh
Ăn ở một mình, trông cậy vào ai!
Rồi khi sinh gái sinh trai
Sớm khuya mưa nắng lấy ai bạn cùng.
Thánh
Phaolô khuyên các cặp vợ chồng: “Chồng hãy
làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền
trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân
xác mình, nhưng là vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý
sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn
ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Satan lợi dụng để cám dỗ” (1
Cr 7,3-5)
Nên một
trong thân xác là một trong những yếu tố nòng cốt của tình yêu vợ chồng. Vợ
chồng luôn muốn nên một với nhau, chẳng những về tâm hồn mà cả về thể xác. Họ
muốn trao hiến cho nhau, hòa tan trong nhau, để đem lại hạnh phúc cho nhau.
Đừng làm cho việc chăn gối thành nhàm chán và nghèo nàn, nhưng cần làm cho nó
nên mới mẻ và phong phú, để mỗi lần trao hiến cho nhau, cả hai đều cảm thấy
thoải mái và hạnh phúc. Để được hoà hợp và hạnh phúc, vợ chồng cần phải học hỏi
thêm về tâm sinh lý nam nữ qua các sách giáo dục hôn nhân và gia đình hoặc
những tài liệu chuyên môn.
Thiên
Chúa là Tình yêu. Chính Ngài đã thiết lập hôn nhân và gia đình. Ngài luôn muốn
đồng hành với hai vợ chồng để giúp họ yêu thương nhau và xây dựng cuộc sống hôn
nhân và gia đình hạnh phúc như Ngài mời gọi họ. Đời sống cầu nguyện trong gia
đình thật cần thiết, nhất là giữa hai vợ chồng với nhau. Vì thế, phải thường
xuyên cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau. “Đâu có hai ba người họp lại
nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18,20). Hạnh phúc của gia đình
là có Chúa hiện diện trong nhà, chia sẻ mọi biến cố vui buồn. Ngài ở giữa như
nút dây nối kết hai vợ chồng, giúp họ lắng nghe nhau, hiểu nhau, thuỷ chung với
nhau và cùng nhau tiến bước, vượt qua mọi gian nan thử thách của cuộc sống.
1. H. Vợ
chồng phải làm gì để tình yêu luôn được triển nở?
T. Vợ
chồng cần phải:
- Một là tôn trọng
lẫn nhau.
- Hai là hy sinh cho nhau.
- Ba là đối thoại, chia sẻ tâm tình với nhau.
- Bốn là dành thời giờ cho nhau.
- Năm là nói với nhau những lời âu yếm.
- Sáu là làm tròn bổn phận vợ chồng.
- Bảy là cầu nguyện với nhau và cho nhau.
1. Chúa sinh ra người nam và người nữ khác biệt với nhau
về nhiều mặt, và Chúa lại muốn họ sống chung với nhau. Theo ý kiến của anh chị
tại sao lại thế? Và vì mục đích gì?
2. Đâu là yếu tố quan trọng nhất mà anh chị cần đặc biệt
quan tâm để giúp cho tình yêu của anh chị được triển nở?
Lạy Chúa, qua bí tích Hôn phối Chúa đã kết hợp hai người nam
và nữ thành một gia đình duy nhất và bền vững, một cộng đoàn của sự sống và
tình yêu. Xin giúp chúng con, là những người đang được Chúa mời gọi bước vào
cuộc sống hôn nhân và gia đình, biết luôn cố gắng thực thi thánh ý Chúa bằng
cách từ bỏ ý riêng cùng với những đam mê, tính hư, tật xấu, để hợp tác với Chúa
và với người bạn đời trong việc xây dựng gia đình ngày càng triển nở hơn trong
tình yêu của Chúa. Amen.