Anh em là dòng giống được tuyển chọn,
là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa,
để rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm
mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người.
(1Pr 2, 9).
Ngay từ
đầu, Hội Thánh thường được hình thành từ những người “cùng với cả gia đình” trở
thành tín hữu[1]. Khi
theo Đạo, họ ao ước cho “cả nhà” được ơn cứu độ[2].
Những gia đình tín hữu này là những hòn đảo nhỏ mang sự sống Kitô giữa một thế
giới ngoại giáo, và mỗi gia đình đã thực sự là một Hội Thánh tại gia.
Ngày
nay, chúng ta đang sống trong một thế giới xa lạ và đôi khi thù nghịch với đức
tin. Gia đình tín hữu có vai trò quan trọng nhất, vì là những ngọn đuốc đức tin
sống động và chiếu sáng. Trong gia đình như một Hội Thánh nhỏ, ước gì cha mẹ là
những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con
cái, cũng như cổ võ ơn gọi riêng của từng đứa con và đặc biệt chăm sóc đến ơn
gọi linh mục[3].
Gia đình
là nơi thể hiện đặc biệt chức tư tế cộng đồng của người cha, người mẹ, con cái
và mọi phần tử trong gia đình, nhờ lãnh nhận các bí tích, nhờ kinh nguyện, tạ
ơn và chứng từ đời sống thánh thiện, hy sinh và đức ái hữu hiệu. Gia đình là
trường học đầu tiên về đời sống Kitô giáo, và là một trường học phát triển nhân
tính. Chính trong gia đình, người ta học biết làm việc với sự nhẫn nại và vui
thích, học biết tình bác ái huynh đệ, sự quảng đại tha thứ, nhất là sự phụng
thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và hy lễ đời sống[4].
Cũng như
Hội Thánh, gia đình Kitô hữu được mời gọi:
- Sống
mầu nhiệm hiệp thông của Chúa Ba Ngôi.
- Đón
nhận và thông truyền ơn cứu rỗi.
Nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, Thánh Thần là tình yêu
của Chúa Cha và Chúa Con, phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Còn nơi gia đình
nhân loại, người con là kết quả của tình yêu giữa cha và mẹ. Sự so sánh không
nhằm nói đến sự song song và tương ứng về quan hệ giữa các ngôi vị, nhưng nhằm
nói đến sự tương tự về tình yêu thương hiệp nhất. Nơi mầu nhiệm Thiên Chúa, ba
ngôi vị thần linh phân biệt với nhau, ngôi này không phải là ngôi kia, nhưng
lại không hề tách rời nhau, mà chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Mầu nhiệm ấy là
nguồn gốc và mẫu mực cho các gia đình[5].
“Trước
hết chính Mẹ Hội Thánh sinh ra, giáo dục, xây dựng gia đình Kitô hữu, bằng cách
thực hiện cho nó sứ mạng mà Hội Thánh đã nhận được từ nơi Chúa mình. Khi loan
báo Lời Chúa, Hội Thánh mặc khải cho gia đình Kitô hữu chân tính của nó, nói
khác đi, cho biết gia đình là gì và phải trở nên thế nào theo ý định của Thiên
Chúa. Khi cử hành bí tích, Hội Thánh làm phong phú và củng cố gia đình Kitô hữu
với ơn của Đức Kitô để thánh hoá nó mà tôn vinh Chúa Cha. Khi canh tân lại lời
công bố giới răn mới về đức ái, Hội Thánh làm sinh động và hướng dẫn gia đình
Kitô hữu vào việc phục vụ tình yêu, để giúp nó bắt chước và sống lại chính tình
yêu hiến mình và hy sinh mà Chúa Giêsu đã dành cho toàn thể nhân loại.
Đến lượt
mình, gia đình Kitô hữu cũng hoà nhập vào trong mầu nhiệm Hội Thánh đến độ được
dự phần vào sứ mạng cứu rỗi đặc biệt của Hội thánh theo cách riêng của mình.
Nhờ ơn Bí tích Hôn phối “trong bậc sống
và trong lãnh vực của họ, đôi bạn và cha mẹ Kitô hữu cũng có được ơn riêng dành
cho họ trong lòng dân Thiên Chúa”. Do đó, không những họ “nhận được” tình yêu
của Đức Kitô để trở nên một cộng đồng “được cứu rỗi”, mà còn còn được mời gọi
truyền đạt cho anh chị em của họ chính tình yêu của Đức Kitô, và như thế, họ
trở nên một cộng đồng cứu rỗi người khác.
Gia đình
Kitô hữu không những nhận được tình yêu của Đức Kitô để trở nên một cộng đồng
được cứu rỗi, mà còn được mời gọi truyền đạt cho các anh chị em khác chính tình
yêu của Đức Kitô. Do đó, một đàng gia đình Kitô hữu là hoa quả và dấu chỉ của
sự phong phú siêu nhiên của Hội Thánh, nhưng đàng khác nó còn là biểu tượng,
chứng tích và san sẻ thiên chức làm mẹ của Hội Thánh[6].”
Gia đình
Kitô hữu được mời gọi góp phần tích cực và có trách nhiệm vào cuộc sống và sứ mạng của Hội Thánh với tư cách là một
cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu, một cộng đồng tham dự vào sứ mạng
làm vua, tư tế và tiên tri của Đức Kitô và của Hội Thánh Ngài. Chính tình yêu và
sự sống kết thành tâm điểm cho sứ mạng cứu độ của gia đình Kitô hữu trong Hội
Thánh và vì Hội Thánh.
Trước hết, gia đình Kitô hữu sống vai trò tiên
tri của mình bằng cách đón nhận Lời Thiên Chúa là Đấng mặc khải cho họ cái mới
mẻ kỳ diệu trong đời sống hôn nhân và gia đình. Chỉ trong đức tin họ mới có
thể, với một niềm vui sướng và biết ơn, khám phá và thán phục phẩm giá của hôn
nhân và gia đình mà Thiên Chúa đã nâng cao, bằng cách lấy đó làm dấu chỉ và môi
trường của giao ước yêu thương giữa Thiên Chúa và con người, giữa Đức Kitô và
Hội Thánh.
Ngay việc chuẩn bị hôn nhân đã mang tính cách
của một hành trình đức tin. Đó là một thời gian đặc biệt giúp cho những người
đính hôn tái khám phá và đào sâu về đức tin của mình, để họ có thể đón nhận một
cách tự do ơn gọi sống theo gương Đức Kitô và phục vụ Nước Thiên Chúa trong
chính bậc sống hôn nhân và gia đình.
Giây phút quyết liệt mà hai người, trong tư
cách đôi bạn, bày tỏ đức tin, là lúc họ cử hành bí tích Hôn phối. Do bản chất
sâu xa, việc cử hành này là một sự công bố trong Hội Thánh về Tin mừng của tình
yêu hôn nhân: Đó là Lời Thiên Chúa mặc khải và hoàn tất dự định đầy khôn ngoan
và yêu thương mà Ngài đã có đối với đôi bạn khi dẫn họ tới chỗ tham dự một cách
nhiệm mầu và thực sự vào chính tình yêu của Ngài đối với loài người.
Việc tuyên xưng đức tin này đòi hỏi phải được
kéo dài suốt cuộc đời của đôi bạn. Trong và qua các sự kiện, các vấn đề, các
khó khăn, các biến cố của cuộc sống thường ngày, Thiên Chúa đến với họ và nêu
lên cho họ những đòi hỏi cụ thể, để họ dự phần vào tình yêu của Đức Kitô đối
với Hội Thánh.
Khám phá ý định của Thiên Chúa và tuân phục ý
định ấy là hai việc phải được thực hiện cùng một lúc trong cộng đồng hôn nhân
và gia đình, qua kinh nghiệm nhân bản về tình yêu giữa đôi bạn, cũng như giữa
cha mẹ và con cái, khi tình yêu ấy được sống trong Thần Khí Đức Kitô.
Tùy mức độ đón nhận Tin mừng và trưởng thành
trong đức tin, mà gia đình Kitô hữu trở nên một cộng đồng loan báo Tin mừng. Sứ
mạng loan báo Tin mừng này bắt nguồn từ bí tích Rửa tội và nhận được nơi bí
tích Hôn phối một sức đẩy mới, để họ có thể truyền đạt đức tin, thánh hóa và
biến đổi xã hội theo ý định của Thiên Chúa.
Khi chu toàn sứ mạng hôn nhân và gia đình của
mình nhờ sức mạnh của bí tích Hôn phối, gia đình Kitô hữu được đổ tràn tinh
thần của Đức Kitô, nhờ đó tất cả đời sống của họ thấm nhuần đức tin, đức cậy,
đức mến, ngày càng tiến tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hóa lẫn
nhau, cùng nhau góp phần tôn vinh Thiên Chúa. Đó là vai trò tư tế mà gia đình
Kitô hữu có thể và phải chu toàn trong sự kết hợp mật thiết với toàn thể Hội
Thánh, qua những thực tại hằng ngày của đời sống hôn nhân và gia đình.
Gia đình Kitô hữu cố gắng chu toàn ơn gọi và
vai trò tư tế của mình không những bằng việc cử hành Thánh Thể và các bí tích
khác hoặc bằng việc hiến dâng chính mình cho vinh quang Thiên Chúa, nhưng còn
bằng đời sống cầu nguyện, tức là đối thoại bằng kinh nguyện với Chúa Cha nhờ
Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần.
Kinh nguyện không phải là một sự chạy trốn các
trách nhiệm thường ngày, nhưng chính là sức đẩy thôi thúc các gia đình Kitô hữu
đến chỗ đảm nhận các trách nhiệm làm tế bào đầu tiên và căn bản của xã hội nhân
loại và chu toàn đầy đủ các trách nhiệm ấy. Theo nghĩa đó, việc gia đình Kitô
hữu tham dự vào cuộc sống và sứ mạng của Hội Thánh sẽ biến chuyển theo tỷ lệ
của sự cầu nguyện trung thành và sâu đậm, nhờ đó gia đình Kitô hữu được kết hợp
với cây nho sai trái là Đức Kitô.
Hội Thánh có sứ mạng hướng tất cả mọi người
tới chỗ đón nhận Lời Thiên Chúa trong đức tin, cử hành và công bố đức tin ấy
trong các bí tích và kinh nguyện, sau cùng diễn tả đức tin ấy qua những thực
tại cụ thể của đời sống phù hợp với giới răn mới về tình yêu. Cũng vậy, gia
đình Kitô hữu được Luật mới của Thánh Thần linh hoạt và hướng dẫn, và được mời
gọi sống tình yêu phục vụ đối với Thiên Chúa và tha nhân trong sự hiệp thông
mật thiết với Hội Thánh là dân tộc vương giả.
Tinh thần và thái độ phục vụ của gia đình Kitô
hữu được thực hiện trước hết giữa đôi bạn và gia đình của họ, rồi được mở rộng
cho cộng đồng Hội Thánh, và sau cùng phải vượt qua phạm vi những anh em cùng
đức tin, bởi vì “mọi người đều là anh em của tôi”. Đó là một tình bác ái biết
nhận ra nơi mỗi người khuôn mặt của Đức Kitô và là một người anh em mà mình
phải yêu mến và phục vụ, nhất là khi họ nghèo túng, yếu đuối, đau khổ hoặc bị
đối xử bất công.
Để có thể đào tạo những con người biết yêu
thương và sống yêu thương trong mọi tương quan với người khác, gia đình Kitô
hữu sẽ không tự khép kín, nhưng mở ra cho cộng đồng, hướng tới cộng đồng nhờ ý
thức về công lý và nhờ sự quan tâm lo lắng cho người khác, cũng như nhờ bổn
phận trong trách nhiệm riêng của gia đình đối với toàn thể xã hội.
Hội Thánh vừa thánh thiện lại vừa gồm những
con người bất toàn đang lần bước trên trần thế. Giữa lúc văn hoá tiêu thụ phát
triển nhanh đến chóng mặt, khiến nhiều giá trị truyền thống bị sụp đổ, nhiều
gia đình đã tan vỡ và nhiều Kitô hữu cũng bị biến chất, gây nên biết bao gương
xấu, làm méo mó gương mặt Hội Thánh, làm cho nhiều người phải nản lòng. Tuy
nhiên tình thương và quyền năng của Thiên Chúa vẫn mãi mãi còn đó để cho ta tin
cậy. Nỗ lực sống tốt lành của một gia đình Kitô hữu có vẻ như chẳng nghĩa lý gì
giữa cơn lốc suy đồi đang ào ào thổi đến, nhưng thật ra nó sẽ là hạt men. Nó có
thể đem lại niềm hy vọng cho một vòng đai nhỏ chung quanh nó và sẽ dần dần lan
rộng. Rồi đến khi có nhiều gia đình Kitô hữu cùng hoà chung một lời chứng,
tiếng nói của họ sẽ âm vang, sẽø đem lại niềm hy vọng cho nhân loại, và mọi
người sẽ hiểu đúng bản chất của Hội Thánh. Vậy, “giữa một thế hệ ngang trái và
tà vạy, anh em phải chiếu rạng như đuốc sáng trên thế gian” (Pl 2,15).
1. H.
Tại sao gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia?
T. Gia
đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia vì được tham dự vào sự sống và sứ mạng
của Hội Thánh.
2. H.
Gia đình Kitô hữu tham dự vào sự sống của Hội Thánh như thế nào?
T. Cũng
như Hội Thánh, gia đình Kitô hữu được mời gọi sống mầu nhiệm hiệp thông của
Thiên Chúa Ba Ngôi, đón nhận và thông truyền ơn cứu rỗi.
3. H.
Gia đình Kitô hữu tham dự vào sứ mạng của Hội Thánh như thế nào?
T. Cũng như Hội Thánh, gia đình Kitô hữu được mời gọi trở
nên một cộng đồng tin và loan báo
Tin mừng, đối thoại với Thiên Chúa và phục vụ con người.
1. Tại sao “Gia đình lại được gọi là Hội Thánh tại gia”?
Giữa gia đình và Hội Thánh có liên hệ như thế nào?
2. Hội Thánh một
cách cụ thể chính là giáo xứ của anh chị. Anh chị đã tham dự và đóng góp vào
đời sống của giáo xứ như thế nào? Đâu là những trở ngại khiến anh chị đứng
ngoài lề giáo xứ?
Lạy Thánh Gia Nadarét, là gương mẫu của đời sống thánh
thiện, công bình và yêu thương, xin cho gia đình chúng con trở nên nơi đào tạo
nhân đức, trong hiền hòa, phục vụ và cầu nguyện.
Xin cho chúng con biết cố gắng xây dựng gia đình thành nơi
an ủi giữa cuộc đời đầy thử thách. Xin cho chúng con biết làm cho mọi người
trong gia đình được thăng tiến, để góp phần vào việc phát triển xã hội và cộng
tác trong việc xây dựng Giáo hội.
Xin Ba Đấng luôn hiện diện trong gia đình chúng con, khi vui
cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, khi lo âu cũng như lúc
hy vọng, khi sinh con cũng như lúc có kẻ qua đời, để dù gặp phải những thăng
trầm của cuộc sống, chúng con vẫn luôn chúc tụng Chúa, cho đến ngày được sum
họp với Ba Đấng trong Nước Trời. Amen