Ý muốn của Thiên
Chúa là anh em nên thánh.
(1 Tx 4, 3)
Trong
ngày thành hôn, đôi tân hôn nào cũng được cầu chúc: “Trăm năm hạnh phúc”. Một
gia đình hạnh phúc, theo truyền thống văn hoá Việt Nam, là một gia đình “trên
thuận dưới hoà, con cái hiếu thảo, vợ chồng yêu thương nhau”. Tuy nhiên, đối
với người Kitô hữu, một gia đình hạnh phúc còn phải là một gia đình có Chúa
Giêsu ở cùng, bởi vì Ngài chính là tình yêu nối kết tất cả gia đình.
“Ơn Đức
Giêsu Kitô ban khi cử hành bí tích Hôn phối không bị múc cạn, nhưng vẫn theo
sát đôi bạn trong suốt cả đời sống. Công đồng Vaticanô II nhắc lại điều ấy khi
nói rằng Đức Giêsu Kitô “còn ở lại với họ để hai vợ chồng cũng mãi mãi trung
thành yêu thương nhau bằng sự tự hiến cho nhau như Ngài đã yêu thương Hội Thánh
và đã nộp mình vì Hội Thánh...” Khi chu toàn sứ mạng hôn nhân và gia đình của
họ với sức mạnh của bí tích này, họ được đổ tràn tinh thần của Đức Kitô, nhờ đó
tất cả đời sống của họ thấm nhuần đức tin, đức cậy, đức mến và càng ngày họ
càng tiến tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hoá lẫn nhau; và bởi
đó, họ cùng nhau góp phần tôn vinh Thiên Chúa[1]“.
Như vậy,
nhờ Bí tích Hôn phối, đôi vợ chồng Kitô hữu nhận được những ơn riêng để sống ơn
gọi hôn nhân và gia đình. Những ơn đó giúp họ cùng nhau xây dựng một gia đình
hạnh phúc, đồng thời cũng giúp họ nên thánh trong đời sống hôn nhân và gia
đình.
Khi chịu
phép Rửa tội, người tín hữu không những được rửa sạch mọi tội lỗi mà còn trở
nên “một thụ tạo mới” (2 Cr 5,17), thành nghĩa tử của Thiên Chúa (x. Gl 4,5-7),
“được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4), thành chi thể Đức Kitô (x. 1
Cr 6,15; 12,27) và thành đền thờ Chúa Thánh Thần (x. 1 Cr 6,19)[2].
Nói cách khác, nhờ phép Rửa, người Kitô hữu đã chết đối với tội lỗi để sống một
cuộc sống mới. Đó là cuộc sống làm con cái Chúa Cha trong Chúa Giêsu Kitô[3],
dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần[4].
Bởi vậy, mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh: “Anh em hãy sống thánh thiện
trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh
Thánh chép: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (1 Pr 1,15-16).
Việc nên
thánh không phải chỉ dành riêng cho các linh mục và tu sĩ mà còn dành cho mọi
tín hữu. Thánh Phanxicô Salêsiô nói: “Mọi giáo dân đều được mời gọi nên thánh
và họ có thể nên thánh như là chồng, là vợ, như là nông dân, là công nhân, là
lính, là thương gia, y sĩ, thầy giáo, nghĩa là theo đủ mọi ngành nghề và hoàn
cảnh trong xã hội”. Công đồng Vaticanô II nhắc lại: “Tất cả các Kitô hữu, bất
kể thuộc bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời
sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Đức Ái[5]“.
“Đạt tới viên mãn của đời sống Kitô giáo và sự trọn lành của Đức Ái”, đó chính
là nên thánh[6].
Trong
Hội Thánh, có nhiều bậc sống khác nhau, nên cũng có nhiều con đường nên thánh
khác nhau tuỳ theo mỗi bậc sống. Linh mục, tu sĩ có cách nên thánh của linh mục, tu
sĩ. Giáo dân cũng có cách nên thánh
riêng của mình. Con đường nên thánh dành cho mỗi bậc sống như vậy được gọi là
linh đạo. Con đường này do Chúa Thánh Thần khơi dậy, để giúp người tín hữu bước
theo Đức Kitô và đạt tới đức ái trọn hảo theo bậc sống của mình.
Từ xưa
cho tới nay, Chúa Thánh Thần đã khơi dậy rất nhiều linh đạo khác nhau trong Hội
Thánh. Chẳng hạn linh đạo Augustinô, linh đạo Bênêđictô, linh đạo Camêlô, linh
đạo Phanxicô, linh đạo Đaminh, linh đạo Inhaxiô, linh đạo Anphongxô, linh đạo
Salêdiêng... Tất cả tạo nên sự phong phú và đa dạng trong Hội Thánh, để giúp
cho từng người tìm được con đường nên thánh phù hợp với khả năng, hoàn cảnh và
bậc sống của mình.
Đối với
các đôi vợ chồng, Công đồng Vaticanô II nói: “Nhờ sức thiêng của bí tích Hôn
phối, các đôi vợ chồng Kitô hữu biểu hiện và tham dự vào mầu nhiệm hiệp nhất và
tình yêu phong phú giữa Đức Kitô và Hội Thánh[7];
họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục
con cái; nhờ đó, họ nhận được những ơn riêng cho bậc sống của mình trong Dân
Chúa. Được ban cho những phương tiện cứu rỗi dồi dào như thế, mọi Kitô hữu, dù
ở địa vị nào, bậc sống nào cũng, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành
thánh thiện như Chúa Cha là Đấng trọn lành, tuỳ theo con đường của mỗi người[8].
Trong
Tông huấn Gia đình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắc lại: “Ơn gọi mọi người
nên thánh cũng được ngỏ với các vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu. Đối với họ, ơn gọi
này được nêu bật trong việc cử hành bí tích Hôn phối và được thực hiện cách cụ
thể trong thực tế riêng của cuộc sống hôn nhân và gia đình. Chính cuộc sống này
làm nẩy sinh ra ân sủng và đòi hỏi phải có một linh đạo đích thực và sâu xa cho
đời sống hôn nhân và gia đình. Linh đạo này được gợi hứng từ các chủ đề về sáng
tạo, giao ước, thập giá, phục sinh và dấu hiệu bí tích[9]“.
Nếu linh
đạo hôn nhân và gia đình cốt tại Tình yêu, “yêu
như Thiên Chúa yêu” và được gọi hứng từ các chủ đề về Sáng tạo, Giao
ước, Thập giá, Phục sinh và dấu hiệu bí tích, ta có thể diễn tả những nét chính
của linh đạo hôn nhân và gia đình như sau:
Vì yêu
thương, Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ và muốn cho con người được làm con của
Ngài, sống hạnh phúc với Ngài mãi mãi[10].
Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ, để yêu thương, chia sẻ, bổ túc
nhau, đồng thời làm chủ những gì Chúa đã dựng nên. Vì thế, Ngài đã truyền cho
họ: “Hãy sinh sản cho đầy mặt đất”(St 1,28).
Qua bí
tích Hôn phối, đôi bạn được mời gọi cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên
Chúa bằng viẹâc sẵn sàng đón nhận con cái và giáo dục chúng nên người, tạo nên
một tổ ấm phục vụ cho sự sống. Mỗi lần trao cho nhau những hành vi âu yếm, mở
ngỏ cho sự sống, đôi bạn ý thức mình đang cộng tác vào công trình sáng tạo của
Thiên Chúa và nên thánh trong chính trong chính nếp sống đó. Khi chiêm ngắm
tình yêu dịu dàng Thiên Chúa dành cho dân Israel, đôi vợ chồng biết luôn đổi
mới tình yêu của mình qua những cử chỉ, lời nói, việc làm để đem lại hạnh phúc
cho nhau và cho con cái. Trong việc giáo dục, cha mẹ ý thức mình là những người
cộng tác của Thiên Chúa, nhờ đó không ngã lòng hoặc buông xuôi trước những đứa
con bướng bỉnh, ngược lại, biết cậy trông vào ơn Chúa để luôn nhẫn nại, kiên
trì, và yêu thương.
Thời Cựu
Ước, Thiên Chúa đã ký kết giao ước với dân Israel và ban cho họ Mười điều răn
để hướng dẫn họ sống trung thành với giao ước. Ngài mời gọi họ: “Nếu các ngươi
thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi
sẽ là sở hữu riêng của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân
thánh” (Xh 19,5-6).
Thiên
Chúa luôn trung thành với giao ước. Dù dân Israel bất trung, bội phản, Thiên Chúa
vẫn một mực trung tín, xót thương và tha thứ. “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển
có lay, tình nghĩa của Ta đối với người vẫn không thay đổi” (Is 54,10). “Ta đã
yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương”
(Gr 31,3).
Khi cử
hành bí tích Hôn phối, đôi bạn trao đổi với nhau lời thề hứa sẽ yêu thương và
trung chuỷ với nhau suốt đời: “Tôi là.... nhận (anh / em) làm (chồng / vợ) và
hứa giữ lòng chung thuỷ với (anh / em), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan,
khi ốm đau cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng (anh / em) suốt
đời tôi”.
Ơn bí
tích Hôn phối giúp hai vợ chồng nên thánh trong việc sống lời cam kết trên mỗi
ngày một trọn vẹn hơn. Khi nỗ lực sống yêu thương và trung thành với nhau, đôi
vợ chồng phản ánh tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, cũng như tình yêu
của Đức Kitô đối với Hội Thánh. Đó là một tình yêu son sắt không đổi thay. Tình
yêu đó tạo nên sự hiệp thông thâm sâu giữa vợ chồng với nhau, cũng như giữa cha
mẹ và con cái, phản ánh mầu nhiệm hiệp thông trong Hội Thánh.
Thư Mục
vụ HĐGM VN năm 1992 cũng viết: “Sống Phúc Âm trong đời sống gia đình chính là
sống tình yêu chung thuỷ mà con người đời nào cũng khát khao ca tụng và đã được
Chúa Giêsu củng cố bằng bí tích Hôn phối. Chính Chúa Giêsu còn dựa vào sách
Sáng thế để tái lập quyền bình đẳng nam nữ và tinh thần bất khả phân ly của hôn
nhân (St 2,18-24; Mt 19,6). Trong một xã hội mà đời sống gia đình đang bị đe
dọa bởi nạn ly dị và những lối sống trái với luân lý đạo đức Việt Nam, sự trung
thành giữa vợ chồng Kitô hữu sẽ là một ánh lửa soi sáng và sưởi ấm, một sự
khuyến khích cho các gia đình khác”.
Trong
bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu nói: “Không có tình
yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13. Ngài
đã dùng cái chết trên thập giá để minh chứng Tình yêu của Thiên Chúa và để đem
lại ơn cứu độ cho nhân loại. Con đường thập giá là con đường tình yêu, chấp
nhận đau khổ để xoá bỏ tội lỗi và mang lại hạnh phúc cho người mình yêu. Thánh
Phaolô đã khuyên nhủ các người làm chồng hãy nhìn vào gương Đức Kitô: “Người
làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến
mình vì Hội Thánh..., để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy,
không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện
và tinh tuyền” (Ep 5,25.27)
Đời sống
hôn nhân và gia đình có rất nhiều thập giá: những khuyết điểm và tính xấu của
nhau, những va chạm và xung khắc, những thất bại và rủi ro, những khi gặp tai
ương và bệnh hoạn, cảnh hiếm muộn cũng như việc chấp nhận từ bỏ ý riêng để sống
theo giáo huấn Hội Thánh về việc sinh sản có trách nhiệm v.v.... Đó là những
thập giá cần được đón nhận với tình yêu. “Đời
sống Kitô hữu mà không qua thập giá thì không thể đạt tới sự phục sinh. Như thế
phải hiểu rằng không thể loại bỏ sự hy sinh trong đời sống gia đình, nhưng trái
lại phải sẵn sàng đón nhận nó để tình yêu vợ chồng thêm sâu lắng và trở thành
nguồn vui thân mật”[11].
Trong
đời sống hôn nhân và gia đình, đôi bạn được mời gọi ngước nhìn lên thập giá Đức
Kitô để học yêu thương, sống hi sinh, đón nhận nhau và tha thứ cho nhau. “Anh
em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy
chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách
móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha
thứ cho nhau” (Cl 3,12-13).
Chính
khi chấp nhận đi theo “con đường hẹp”, từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày
mà bước theo Đức Kitô, đôi vợ chồng cộng tác vào công trình cứu độ cho mình và
cho mọi người trong gia đình.
Đức Kitô
phục sinh đã ra khỏi mồ. Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, mang lại sự
sống mới cho nhân loại cùng giao hoà tội nhân với Chúa Cha.
Trong
đời sống hôn nhân và gia đình, mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh mời gọi đôi bạn
luôn canh tân tình yêu của mình, không để những ích kỷ, ghen tương len lỏi vào
tình yêu đôi lứa. Phương thế để canh tân tình yêu, chính là siêng năng đọc Lời
Chúa, cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích, học biết thêm những kiến thức mới
trong sách vở, báo chí để nuôi dưỡng tình yêu gia đình.
Ngoài
ra, gia đình Kitô hữu còn có sứ mạng truyền giáo, rao giảng Tin Mừng[12].
Gia đình phải cởi mở đón nhận Lời Chúa, rồi loan báo cho mọi người. Việc làm
chứng và truyền giáo trước hết là trong chính gia đình: cha mẹ loan báo Tin
Mừng cho con cái bằng những lời dạy dỗ và nhất là bằng gương sáng. Ngược lại,
con cái cũng có bổn phận góp phần làm cho cha mẹ nên thánh.
Thư
chung của Hội Đồng Giám Mục VN năm 1980 cũng nói: “Gia đình của anh chị phải
trở nên như một trường học về đức tin, một nơi để cầu nguyện. Một môi trường
sống bác ái yêu thương và rèn luyện tinh thần tông đồ để làm chứng cho Chúa”.
Gia đình
Kitô hữu làm tông đồ bằng “chứng tá”. “Phải chứng minh rằng các con được gọi
nên thánh và các con có thể sống một đời hôn nhân đẹp lòng Chúa. Các con chia
sẻ với các gia đình khác: ân sủng, hạnh phúc, Chúa đã ban cho gia đình các con.
Nhìn vào gia đình các con, thiên hạ phải đặt câu hỏi: “Tại sao họ có thể sống
hiệp nhất, yêu thương, trung thành với nhau như thế?[13]“
Nhờ bí
tích Hôn phối, gia đình Kitô hữu trở thành bí tích của Thiên Chúa. Bí tích là
một dấu chỉ hữu hình giúp người ta thấy được một điều vô hình. Gia đình là Bí
tích, vì gia đình có thể giúp người ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa.
“Cũng
như tất cả mọi bí tích đều “có mục đích thánh hoá con người, xây dựng Thân Thể
Đức Kitô và thờ phượng Thiên Chúa[14]“,
Bí tích Hôn phối tự nó cũng là một hành vi phụng vụ để tôn vinh Thiên Chúa
trong Đức Giêsu Kitô và trong Hội Thánh. Khi cử hành bí tích ấy, đôi bạn Kitô
hữu bày tỏ lòng biết ơn của họ đối với Thiên Chúa vì ơn huệ cao cả Ngài đã ban
cho họ, để trong cuộc sống hôn nhân và gia đình, họ có thể sống lại chính tình
yêu của Thiên Chúa đối với loài người và tình yêu của Đức Kitô đối với Hội
Thánh là hiền thê của Ngài[15]“.
Như vậy,
qua bí tích Hôn phối, đôi vợ chồng Kitô hữu vừa là biểu hiệu mầu nhiệm của sự
kết hợp và của tình yêu phong phú giữa Đức Kitô và Hội thánh, vừa tham dự vào
mầu nhiệm này. Việc vợ chồng con cái yêu thương nhau là do Thiên Chúa nâng đỡ,
nhưng đồng thời cũng cho thấy tình yêu Thiên Chúa và diễn tả tình yêu của Ngài.
Dấu chỉ
Bí tích hôn phối được thể hiện qua lời cam kết trung thành yêu thương nhau và
tôn trọng nhau suốt đời, qua việc trao cho nhau chiếc nhẫn cưới làm biểu hiệu
tình yêu và lòng chung thuỷ. Chiếc nhẫn nhắc nhở cho đôi bạn những lời họ đã
cam kết, để họ luôn nỗ lực sống tín trung và tôn trọng nhau “mọi ngày suốt đời”.
Tuy
nhiên, để có thể diễn tả một cách trung thành tình yêu của Thiên Chúa, “yêu
thương như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh”, gia đình Kitô hữu cần phải có ơn
Chúa. Con đường nên thánh trong đời sống hôn nhân và gia đình phải là con đường
đối thoại với Thiên Chúa qua việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện và siêng năng
lãnh nhận các bí tích.
“Do bí
tích Hôn phối, đôi bạn nhận được sự thánh thiện và hằng ngày có nghĩa vụ phải
sống sự thánh thiện đã nhận được. Cũng do bí tích ấy, họ nhận được ơn và có
nghĩa vụ luân lý phải biến đổi toàn thể đời sống mình thành một hy lễ thiêng
liêng dâng lên Thiên Chúa. Như thế, giáo dân cung hiến cho Thiên Chúa chính thế
giới này, nhờ biết phụng thờ Ngài khắp nơi bằng đời sống thánh thiện của mình[16]“
Thánh
Giuse và Đức Maria là đôi vợ chồng thánh thiện, đã nêu gương cho các đôi vợ chồng
Kitô hữu. Sở dĩ gọi là Thánh Gia, chính vì gia đình của Giuse - Maria gồm những
con người thánh, đặc biệt có Chúa Giêsu là Đấng Thánh ở cùng. Con đường nên
thánh trong yêu thương và chu toàn bổn phận gia đình chính là con đường mà
Thánh Gia ngày xưa đã đi qua. Mỗi gia đình Kitô hữu ngày nay cũng được mời gọi
noi gương Thánh Gia để trở thành những thánh gia khác. Đó là những cộng đồng
yêu thương và hiệp nhất, mà khuôn mẫu là sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Sự hiệp thông này không khép kín nhưng mở ra với các gia đình khác và nhất là
vươn lên tới chính Thiên Chúa Tình yêu.
Khi nhìn
vào gương Thánh Gia, gia đình Kitô hữu cũng được mời gọi phát triển lòng tôn
sùng Đức Trinh Nữ Maria: “Khi được diễn tả bằng các tương quan chân thành với
Đức Trinh Nữ và bằng việc noi theo đời sống thiêng liêng của ngài, lòng tôn
sùng Đức Mẹ đích thực là một phương tiện đặc biệt để nuôi dưỡng sự hiệp thông
tình yêu trong gia đình và để phát triển linh đạo hôn nhân và gia đình. Mẹ của
Đức Kitô và của Hội Thánh, một cách đặc biệt cũng là Mẹ của các gia đình Kitô
hữu là những Hội Thánh tại gia[17]“.
1. H.
Nên thánh là gì?
T. Nên
thánh là “sống hoàn thiện như Cha trên trời”, trở nên giống Đức Kitô bằng cách
sống yêu thương và chu toàn bổn phận.
2. H. Những
ai trong Hội Thánh được mời gọi nên thánh?
T. Mọi Kitô hữu đều có bổn phận nên thánh trong bậc sống
của mình.
3. H.
Linh đạo hôn nhân và gia đình là gì?
T. Linh
đạo hôn nhân và gia đình là con đường nên thánh dành cho những người sống bậc
hôn nhân và gia đình.
4. H.
Linh đạo hôn nhân và gia đình hệ tại ở điểm nào?
T. Linh
đạo Hôn nhân và gia đình hệ tại ở Tình Yêu, lấy Tình yêu của Thiên Chúa đối với
con người và Tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh làm khuôn mẫu.
5. H.
Linh đạo hôn nhân và gia đình được gợi hứng từ đâu?
T. Theo
Tông huấn Gia đình, “Linh đạo hôn nhân và gia đình phải được gợi hứng từ các
chủ đề về Sáng tạo, Giao ước, Thập giá, Phục sinh và dấu hiệu bí tích.
6. H. Để
thực hành linh đạo hôn nhân và gia đình, đôi vợ chồng cần sống thế nào?
T. Để
thực hành linh đạo hôn nhân và gia đình, đôi vợ chồng cần có :
-Một là tình yêu sáng tạo để sinh sản và giáo dục con cái.
-Hai là tình yêu trung thành để sống lời cam kết hôn nhân
mỗi ngày một trọn vẹn hơn.
-Ba là tình yêu hi sinh để vui nhận vác thánh giá hàng
ngày.
-Bốn là canh tân đời sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng.
-Năm là siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích.
1. Một người vợ tâm sự: “Từ khi hiểu biết Chúa Giêsu nhiều
hơn và tình yêu của Ngài bắt đầu thấm sâu vào đời con, đã có một sự thay đổi
rất lớn trong quan hệ của con với chồng. Có thể nói con như yêu anh ấy một lần
nữa sau 15 năm kết bạn với nhau. Mọi ước mơ trong lòng và mọi khát vọng thiêng
liêng của con đã đơm bông kết trái”. Anh chị nghĩ thế nào về điều này?
2. Theo anh chị, con đường nên thánh trong gia đình có
phải là con đường giúp cho gia đình anh chị đạt được hạnh phúc không? Đâu là
yếu tố nòng cốt làm cho gia đình được hạnh phúc?
3. Nhìn vào gương Thánh Gia, anh chị học được điều gì cho gia
đình mình?
Lạy Chúa, Chúa đã muốn chúng con làm thành một gia đình Công
giáo, một cộng đoàn yêu thương, để trở nên dấu chỉ tình thương của Chúa giữa
lòng cuộc đời. Xin cho mọi người trong gia đình chúng con sốt sắng thờ phượng,
kính mến Chúa và hết lòng hoà thuận thương yêu nhau.
Xin cho chúng con nhiệt thành sống đức tin, hôm sớm cầu
nguyện chung với nhau làm cho gia đình trở thành một đền thờ sống động của
Chúa, siêng năng tham dự phụng vụ, chuyên cần học hỏi Lời Chúa và đem ra thực
hành.
Trong lúc gia đình chúng con vất vả làm việc, gặp vui mừng
hay thử thách, xin cho chúng con biết luôn luôn tin tưởng vào sự quan phòng của
Chúa.
Đối với những gia đình chung quanh, xin cho chúng con biết
thật lòng yêu mến, sẵn sàng chia sẻ vật chất cũng như tinh thần, nhất là chia
sẻ Tin mừng tình thương của Chúa cho họ.
Lạy Chúa, chúng con xin dâng gia đình chúng con cho Chúa,
chúng con nguyện sống theo gương Thánh Gia mỗi ngày. Xin chúc lành cho mỗi
người trong gia đình chúng con, có mặt cũng như vắng mặt, còn sống hay đã qua
đời, hầu bây giờ chúng con trở nên ánh sáng tình thương của Chúa, và ngày sau
được sum họp với nhau bên Chúa muôn đời. Amen.