“Hiền thê bạn trong cửa trong nhà,
khác nào cây nho đầy hoa trái;
và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,
xúm xít tại bàn ăn.
Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ
kính sợ Người”
(Tv 128, 3-4).
Sách
Sáng thế kể: Hai chị em Lêa và Rakhen cùng lấy một chồng là Giacop. Khi thấy
chị Lêa sinh được bốn đứa con, còn mình thì mãi không sinh nở, Rakhen đã phát
ghen và nói với Giacop: “Hãy cho tôi được có con, không thì tôi chết mất” (St
30,1). Một đứa con sinh ra trong sự mong đợi quả là niềm hạnh phúc lớn lao cho
đôi vợ chồng. Tuy nhiên bên cạnh niềm vui cũng có nhiều nỗi lo. Chẳng hạn đối
với hai vợ chồng : phải làm sao có đủ khả năng để chăm sóc cho con cái. Đối với
xã hội, dân số gia tăng có nghĩa là phải làm sao có thêm lương thực, thêm
trường học, thêm bệnh viện, thêm việc làm... Chính vì thế, càng ngày người ta
càng ý thức hơn vấn đề sinh con có trách nhiệm. Đây cũng là vấn đề quan trọng
mà các anh chị đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân cũng như các đôi vợ
chồng cần quan tâm suy nghĩ.
“Truyền
sinh là một ân huệ, một mục tiêu của hôn nhân, vì tình yêu vợ chồng tự nhiên
hướng về việc sinh sản con cái. Con cái là hoa quả và thành tựu của tình yêu vợ
chồng, hiện diện ngay trong việc vợ chồng hiến thân cho nhau, chứ không phải
một cái gì từ bên ngoài được ghép vào. Vì thế Hội Thánh “bảo vệ sự sống[1]“
và dạy rằng “mọi hành vi ân ái phải tự nó mở ngỏ cho việc truyền sinh[2]“.
“Giáo lý này đã được Huấn Quyền trình bày nhiều lần, nền tảng của giáo lý này
là sự liên kết bất khả phân ly giữa hai ý nghĩa của hành vi ân ái: kết hợp và
truyền sinh. Đây là điều chính Thiên Chúa đã muốn và con người không được tách
rời[3]“.
Nhiệm vụ sinh sản và giáo dục con cái là sứ mạng riêng
biệt của vợ chồng. Trong khi thực hiện nhiệm vụ ấy, họ biết rằng mình cộng tác
vào công trình sáng tạo của Đấng Tạo Hóa và trở thành những kẻ diễn đạt tình yêu của Ngài.
Bởi vậy, họ sẽ chu toàn bổn phận của mình với trách nhiệm của một con người và
của một Kitô hữu[4].
Hội Thánh cũng nhấn mạnh rằng chính lương tâm trong sáng
của đôi bạn là mực thước chỉ dạy họ quyết định về số con của mình[5].
Nhờ vâng phục Thiên Chúa và đồng tâm hiệp lực với nhau, hai vợ chồng sẽ tạo
được cho mình một phán đoán ngay thẳng:
- biết xét đến lợi ích riêng của mình cũng như của con cái
đã sinh ra hoặc sẽ sinh ra,
- biết nhận định về các hoàn cảnh vật chất và tinh thần,
- biết nghĩ đến lợi ích của gia đình, xã hội và Hội Thánh.
Sự phán đoán ấy, chính đôi vợ chồng phải suy nghĩ trước
mặt Thiên Chúa.
Khi hành động, các vợ chồng Kitô hữu luôn ý thức mình
không thể làm theo sở thích, nhưng phải tuân theo tiếng nói của một lương tâm
được khuôn đúc theo luật Chúa và giáo huấn của Hội Thánh.
Sinh sản có trách nhiệm là suy nghĩ kỹ lưỡng và phán đoán
chín chắn trước khi quyết định sinh con. Đôi vợ chồng cần suy nghĩ và phán đoán
dựa vào các tiêu chuẩn thực tế sau đây:
Mỗi đứa con chào đời phải củng cố thêm tình yêu và hạnh
phúc của vợ chồng, vì đứa con là kết quả của tình yêu tự hiến của họ. Trước khi
quyết định sinh con, vợ chồng phải lưu ý đến những yếu tố giúp mang lại hoặc
ảnh hưởng đến hạnh phúc của họ, chẳng hạn sức khỏe của người mẹ, tâm lý, ước
vọng tương lai...
Con cái là ân huệ tốt đẹp nhất của hôn nhân. Sinh một đứa
con là tự ý chấp nhận tạo mọi điều kiện để nó có thể sống hạnh phúc, sống xứng
đáng với ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa. Do đó, đôi bạn cần lưu ý đến
khả năng tài chính, nơi ăn chốn ở, những phương cách giáo dục... và tính toán
xem nếu sinh thêm một đứa con, liệu mình có thể nuôi dưỡng và giáo dục nó được
chu đáo không.
Xã hội phát triển là nhờ những phần tử khoẻ mạnh, siêng
năng làm việc và có những đức tính cần thiết. Cũng vậy, Hội Thánh chỉ thực sự
phát triển khi con cái của mình không những kiên vững về đức tin mà còn trưởng thành
về nhân bản nữa. Do đó, sự lượng định về khả năng nuôi dạy và giáo dục con cái
trở thành những phần tử hữu ích cho xã hội và Hội Thánh cũng là một tiêu chuẩn
mà đôi bạn cần lưu ý khi quyết định về việc điều hòa sinh sản.
Do tình
trạng tài nguyên trên thế giới phân phối không đều, ngày nay những nước nghèo
không đủ sống, trong khi những nước giàu quá thừa thãi. Cũng vì thế, đang khi
nhiều nước giàu khuyến khích các gia đình có thêm con cái, thì các nước nghèo
bị áp lực phải tìm cách hạn chế dân số. Nhiều gia đình tự thấy chỉ nên sinh con
trong khả năng mình có thể nuôi dạy chúng nên người.
Trong
việc kế hoạch hóa gia đình, người Công giáo không được phép sử dụng cách ngừa
thai nhân tạo mà chỉ được sử dụng cách ngừa thai tự nhiên, khi có lý do chính
đáng theo những tiêu chuẩn của Hội Thánh.
“Một
khía cạnh đặc biệt của trách nhiệm đó là điều hòa truyền sinh. Khi có lý do
chính đáng, đôi vợ chồng có quyền kéo dài khoảng cách giữa các lần sinh nở.
Chính họ phải chứng thực rằng ước muốn đó không do ích kỷ, nhưng xứng hợp với
lòng quảng đại chính đáng của bậc làm cha mẹ có trách nhiệm. Ngoài ra, họ phải
xử sự theo những tiêu chuẩn khách quan của luân lý:
“Khi cần
hòa hợp tình yêu vợ chồng với việc sinh sản con cái có trách nhiệm, phải ý thức
rằng giá trị luân lý của hành động không chỉ lệ thuộc vào ý muốn thành thực và
việc cân nhắc các lý do, nhưng phải được thẩm định theo những tiêu chuẩn khách
quan suy diễn từ bản tính nhân vị và của hành động nơi nhân vị: những tiêu
chuẩn ấy tôn trọng ý nghĩa trọn vẹn của sự trao hiến và sinh sản con cái trong
khung cảnh tình yêu đích thực. Đó là điều không thể thực hiện được nếu không
thực tâm vun trồng đức khiết tịnh trong bậc vợ chồng”[6].
Ngừa
thai nhân tạo là trực tiếp làm cho khả năng sinh sản vô hiệu hoặc làm cho diễn
tiến truyền sinh bị ngăn chặn hay không thể đạt kết quả.
Cách
thức ngừa thai nhân tạo áp dụng cho nam giới gồm những phương pháp: thắt ống
dẫn tinh, bao cao su, xuất tinh ngoài âm đạo, thuốc diệt tinh trùng...
Cách
thức ngừa thai nhân tạo áp dụng cho nữ giới gồm những phương pháp : thắt ống
dẫn trứng, thuốc tránh thai (uống, tiêm hoặc cấy dưới da), dụng cụ như vòng
xoắn, màng ngăn...
Hội
Thánh cấm dùng các phương pháp ngừa thai này, vì chúng chẳng những ngăn cản vợ
chồng cộng tác vào công cuộc trao ban sự sống mà còn làm sai lạc sự thật căn
bản của tình yêu vợ chồng là hiến thân trọn vẹn cho nhau.
“Cấm
việc hút điều hoà kinh nguyệt, vì là hình thức phá thai non. Cấm những hành
động trực tiếp ngăn cản việc thụ thai tạm thời hay vĩnh viễn. Cấm sử dụng các
dụng cụ, các loại thuốc ngừa thai[7]“.
Ngừa
thai tự nhiên là tiết dục định kỳ, vợ chồng kiêng giao hợp trong thời kỳ người
vợ dễ dàng thụ thai.
Nếu có lý do chính đáng, vợ chồng có thể sử dụng
cách thức ngừa thai tự nhiên này, vì nó không
đối nghịch với bản chất và mục đích của hành vi yêu thương thân mật ;
không trực tiếp ngăn cản việc trứng thụ tinh hay giết chết bào thai[8].
Sau đây
là hai phương pháp giúp xác định ngày trứng rụng, cũng như xác định trong chu
kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ những ngày nào có thể thụ thai và những ngày
nào không thể thụ thai.
- Phương pháp Ogino-Knauss
Phương
pháp này do hai bác sĩ Ogino người Nhật và Knauss người Áo cùng tìm ra vào các
năm 1925-1930. Nó dựa trên chu kỳ kinh nguyệt để xác định ngày rụng trứng.
Trứng thường rụng vào ngày thứ 14 trước khi có kinh lần sau. Thỉnh thoảng trứng
cũng có thể rụng vào ngày thứ 12 hoặc ngày thứ 16.
Phương pháp này còn dựa vào thời gian hoạt động của trứng
và tinh trùng. Sau khi vào âm đạo, tinh trùng có thể sống khoảng 72 giờ. Còn
trứng, sau khi rụng, có thể sống khoảng 24 giờ.
Căn cứ vào những yếu tố trên, người ta có thể xác định
được trong một chu kỳ kinh nguyệt khoảng thời gian nào là có thể thụ thai và
khoảng thời gian nào là không thể thụ thai. Nếu chưa muốn có thai thì kiêng
giao hợp trong khoảng thời gian có thể thụ thai.
- Phương pháp quan sát chất nhờn
Phương pháp này do cặp vợ chồng người Úc John và Evelyn
Billings tìm ra, nên còn gọi là phương pháp Billings.
Nơi người phụ nữ, việc tiết chất nhờn ở cổ tử cung và âm
đạo thường theo một quy trình nhất định. Sau những ngày kinh nguyệt, âm đạo
thường khô ráo. Trước khi trứng rụng vài ngày, chất nhờn bắt đầu tiết ra, lúc
đầu ít, đục, dẻo; sau đó nhiều, trong, trơn ướt, nhớt, có thể kéo sợi được,
giống như lòng trắng trứng gà. Đây chính là ngày trứng rụng. Sau đó chất nhờn
trở lại đục, dẻo và ít trong vài ngày, trước khi người phụ nữ lại cảm thấy khô
ráo ở âm đạo cho đến kỳ kinh lần sau.
Nếu chưa muốn có thai, vợ chồng cần kiêng giao hợp trong
những ngày có chất nhờn ở âm đạo, nhất là trong ngày chất nhờn có nhiều.
Trong thực tế, để tăng cường hiệu quả, người ta thường
phối hợp cả hai phương pháp. Thật ra, không có phương pháp nào mà không có bất
tiện và không đòi hy sinh, cố gắng. Ai tin vào Đức Kitô đều được mời gọi sống
khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình. Vả lại, mọi người đều phải ý thức rằng
sự sống con người và trách nhiệm lưu truyền sự sống không chỉ giới hạn ở đời
này, cũng như không thể hiểu và đo lường được trọn vẹn ý nghĩa ngay từ bây giờ,
nhưng luôn quy chiếu về định mệnh vĩnh cửu của con người.
Những
phương pháp trên đây vẫn chưa phải là đơn giản. Chúng ta cần hưởng ứng lời mời
gọi của Đức Thánh Cha để cầu xin Chúa cho các nhà khoa học có thể tìm ra những
phương thức giản tiện hơn nữa, nhờ đó các đôi bạn có thể được dễ dàng hơn.
Sự sống con người phải được tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ
từ lúc được thụ thai. Ngay khi bắt đầu hiện hữu, con người phải được kẻ khác
nhìn nhận các quyền làm người, trong đó có quyền được sống là quyền bất khả xâm
phạm của mọi người vô tội[9].
Ngay từ
thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã xác định phá thai là một tội ác. Giáo huấn ấy bất
biến, không hề thay đổi. Trực tiếp phá thai dù là mục đích hay phương tiện, đều vi phạm nghiêm trọng luật
luân lý[10].
Cộng tác vào chính việc phá thai là một lỗi nặng. Theo
giáo luật, Hội Thánh ra vạ tuyệt thông cho kẻ phạm tội này[11].
Làm như thế Hội Thánh không có ý giới hạn lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng
muốn nhấn mạnh tính cách nghiêm trọng của tội ác đã phạm, sự thiệt hại không
thể sửa chữa được đã gây ra cho đứa trẻ vô tội bị giết chết, cho cha mẹ của em
và cho toàn xã hội[12].
Thánh Kinh luôn coi những gia đình đông con là một dấu chỉ
phúc lành của Thiên Chúa (x. Tv 128,3-4)
Thật đau khổ cho những đôi vợ chồng không con. “Ông
Abraham thưa: Lạy Đức Chúa, Chúa sẽ ban cho con cái gì? Con ra đi mà không con
cái” (St 15,2). Rakhen nói với chồng: “Hãy cho tôi được có con, không thì tôi
chết mất” (St 30,1).
Quả thực, những đôi bạn ở trong hoàn cảnh vô sinh mới thấm
thía sâu xa rằng “Con cái là ơn huệ cao quý nhất của hôn nhân và là niềm hạnh
phúc lớn lao của cha mẹ[13].”
Bởi vậy, thật hạnh phúc khi có thể nhờ những tiến bộ khoa học để chữa trị chứng
vô sinh.
Tuy nhiên, những kỹ thuật phá vỡ liên hệ phụ mẫu qua sự
can thiệp của một người thứ ba (cho tinh dịch hoặc trứng, cho mượn tử cung) là
những hành vi phải bị loại bỏ. Những kỹ thuật này (thụ tinh nhân tạo và thụ
thai nhân tạo khác nguồn) vi phạm quyền của đứa trẻ phải được sinh ra do cha mẹ
đã chính thức kết hôn và quyền được biết cha mẹ là ai. Những kỹ thuật này vi
phạm “độc quyền làm cha làm mẹ của đôi vợ chồng”[14].
Về mặt
luân lý, những kỹ thuật thụ tinh nhân
tạo và thụ thai nhân tạo vẫn không thể được chấp nhận, vì tách rời hành
vi tính dục với việc truyền sinh. Sinh sản con cái không còn là một hành vi của
hai con người hiến thân cho nhau, nhưng “sự sống và căn tính của phôi thai bị
trao vào tay các bác sĩ và các nhà sinh học, và để kỹ thuật thống trị trên
nguồn gốc và vận mệnh của con người. Một mối quan hệ thống trị như thế tự bản
chất đi ngược với phẩm giá và sự bình đẳng chung của cả cha mẹ lẫn con cái[15]“.
Để cho việc truyền sinh xứng với phẩm giá con người, chúng ta phải tôn trọng
mối dây liên hệ giữa những ý nghĩa của hành vi ân ái và sự tôn trọng tính thống
nhất của bản tính con người[16].
Đôi vợ
chồng nào, sau khi đã tận dụng mọi trợ giúp chính đáng của y khoa, vẫn phải
chịu nỗi đau khổ vô sinh, được mời gọi liên kết với Thập Giá của Chúa là nguồn
mạch mọi phong phú thiêng liêng. Họ có thể sống quảng đại bằng cách nhận nuôi
những đứa trẻ bị bỏ rơi, hoặc tham gia những công tác phục vụ tha nhân[17].
* * *
Trong tâm tình biết ơn tình mẹ
của Hội Thánh, chúng ta cùng nhau nghe lại lời Đức Thánh Cha Phaolô VI trong số
25 của thông điệp Sự Sống Con Người: “Giờ đây cha xin ngỏ lời riêng với các con cái nam nữ của
cha mà đa số được Thiên Chúa mời gọi phụng sự Ngài trong bậc hôn nhân. Đang khi
nêu rõ cho các con những điều không thể vi phạm mà luật Chúa đã quy định, Hội
Thánh cũng loan báo ơn cứu độ cho các con, và qua các bí tích, Hội Thánh vẫn
luôn mở rộng cho các con nguồn ơn thánh, giúp các con trở thành những thụ tạo
mới, vừa biết lấy tình mến và tự do mà đáp lại ý định của Thiên Chúa Tạo Hoá và
là Đấng Cứu Độ, vừa nghiệm ra rằng ách của Đức Kitô luôn êm ái dịu dàng (Mt
11,30).
Ước gì trong trách nhiệm vợ chồng Kitô hữu, các con biết
khiêm nhường vâng phục Hội Thánh và ý thức rõ rằng các con đang được gọi sống
đời Kitô hữu, một ơn gọi đã bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội và nay được củng cố và
làm sáng tỏ hơn trong bí tích Hôn phối. Nhờ bí tích này, các con được thêm sức
mạnh và được thánh hiến để trung thành chu toàn các bổn phận bậc mình. Vì thế
ước gì các con ý thức trọn vẹn ơn gọi của các con và làm chứng cho Đức Kitô
trước mặt thế gian. Thật vậy, Chúa đã giao cho các con trách nhiệm làm cho mọi
người thấy được sự thánh thiện và niềm vui của luật Chúa, luật dạy chúng con
vừa yêu thương nhau vừa biết cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa là tác giả
của sự sống con người.
Cha không hề muốn làm ngơ trước những khó khăn rất lớn đang
vây phủ đời sống các đôi bạn Kitô hữu. Thế nhưng chúng ta quá biết rằng chỉ có
cửa hẹp và đường chật mới dẫn đến sự sống (Mt 7,14). Chính niềm hy vọng hướng
tới sự sống ấy sẽ như đuốc rực rỡ chiếu sáng bước đường chúng con đi, để chúng
con có được một tinh thần quả cảm, luôn cố gắng “sống tiết độ, công minh và đạo
đức ở đời này” (Tt 2,12), vì biết chắc rằng “bộ mặt thế gian này đang qua đi”
(1Cr 7,31).
1. H.
Sinh sản có trách nhiệm nghĩa là gì?
T. Sinh
sản có trách nhiệm nghĩa là khi sinh con, cha mẹ phải lo nuôi dưỡng, giáo dục,
để chúng nên người. Bởi vậy vợ chồng cần suy xét cẩn thận để có quyết định đúng
đắn và phù hợp trong việc sinh con.
2. H. Vì
sao cần phải sinh sản có trách nhiệm?
T. Vì
sinh sản có trách nhiệm, vừa thi hành đúng ý định của Thiên Chúa, vừa đáp ứng
đòi hỏi của tình yêu vợ chồng, để đem lại lợi ích cho gia đình, xã hội và Hội
Thánh.
3. H. Để
sinh sản có trách nhiệm, vợ chồng Kitô hữu phải có thái độ nào?
T. Vợ chồng Kitô hữu phải có
những thái độ sau đây :
- Một là phải biết làm chủ bản năng tính dục.
- Hai là phải biết tôn trọng lẫn nhau.
- Ba là phải biết rõ hoàn cảnh cụ thể của mình để cùng
nhau quyết định sinh con hay tạm ngừng.
- Bốn là phải dùng cách thức tự nhiên.
- Năm là phải biết tin tưởng vào Chúa để sẵn sàng đón nhận
những đứa con ngoài ý muốn.
4. H.
Cách thức ngừa thai tự nhiên là gì?
T. Cách
thức ngừa thai tự nhiên là tiết dục định kỳ, vợ chồng kiêng cữ trong thời kỳ người vợ dễ
dàng thụ thai. Khi có lý do chính đáng, vợ chồng được quyền sử dụng cách thức
này.
5. H. Có những phương pháp nào giúp xác định được ngày
trứng rụng?
T. Có hai phương pháp này :
- Một là
dựa vào chu kỳ kinh nguyệt, được gọi là phương pháp Ogino.
- Hai là dựa vào hiện tượng chất nhờn, được gọi là phương
pháp Billings.
6. H.
Cách thức ngừa thai nhân tạo là gì?
T. Cách
thức ngừa thai nhân tạo là trực tiếp làm cho khả năng sinh sản ra vô hiệu hoặc
làm cho diễn tiến truyền sinh bị ngăn chặn hay không thể đạt kết quả. Người
Công giáo không được sử dụng cách thức này.
7. H. Để
thực hiện cách thức ngừa thai nhân tạo người ta thường dùng những phương pháp
nào?
T. Đối với nam giới gồm có: thắt ống dẫn tinh, dùng bao
cao su, xuất tinh ra ngoài, dùng thuốc diệt tinh trùng. Đối với nữ giới gồm có:
thắt ống dẫn trứng, thuốc tránh thai (uống, tiêm hoặc cấy dưới da), dụng cụ như
vòng xoắn, màng ngăn.
8. H.
Phá thai có tội hay không?
T. Phá
thai là tội rất nặng vì đây là tội giết người.
1. Theo anh chị, ngày nay sự sống con người đang được tôn
trọng hay đang bị đe dọa?
2. Anh chị nghĩ gì về quan niệm của người bình dân Việt
Nam: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”?
3. Theo anh chị, việc tự nguyện tiết dục định kỳ trong đời
sống hôn nhân sẽ giúp làm thăng tiến hay sẽ gây phương hại cho tình yêu vợ
chồng?
Lạy Mẹ Maria, bình minh của
thế giới mới, Mẹ của mỗi người chúng con,
chúng con giao phó cho Mẹ vấn
đề sự sống.
Ôi lạy Mẹ, xin hãy
nhìn xem hằng hà sa số trẻ em mà người ta không cho ra đời,
những người nghèo với
cuộc sống gian khổ,
những người già và
những bệnh nhân bị giết,
do sự vô tâm hoặc do
một thứ thương hại dối trá.
Xin làm cho những ai
tin vào Con của Mẹ
biết loan báo cho
những người thời đại này Tin mừng sự sống với sự xác quyết và lòng yêu thương.
Xin cho họ được ơn đón
nhận Tin mừng sự sống như một hồng ân luôn mới mẻ,
cho họ niềm vui cử
hành hồng ân ấy với lòng biết ơn trong suốt cuộc đời họ,
và lòng can đảm làm
chứng cho Tin mừng sự sống cách bền bỉ và tích cực,
để cùng với tất cả mọi
người thiện chí,
xây dựng nền văn minh
chân lý và tình yêu,
hầu chúc tụng và tôn
vinh Thiên Chúa,
Đấng Tạo Hóa hằng yêu thương sự sống. Amen
[1]
x. GĐ 30
[2]
SSCN 11
[3]
GLHT 2366; x. SSCN 12; ĐGH Piô XI, thông điệp“Casti connubii”
[4]
MV 50,2; GLHT 2367
[5]
SSCN 10
[6]
x. MV 51,3
[7]
x. SSCN 14
[8]
x. GLHT 2368 và 2370
[9]
GLHT 2270
[10]
GLHT 2271
[11]
x. GL 1398
[12]
GLHT 2272
[13]
x. MV 50
[14]
GLHT 2376
[15]
x. Huấn thị Donum vitae (Hồng ân sự sống) 2,5
[16]
x. Huấn thị Donum vitae (Hồng ân sự sống) 2,4
[17]
x. Huấn thị Donum vitae (Hồng ân sự sống) 2,1; GLHT 2375-2379