Ai không biết lo lắng đến người thân và nhất là gia quyến
mình,
thì nó đã chối bỏ đức tin, và còn tệ
hơn là người không tin.
(1Tm 5,8)
Nói đến
gia đình Việt Nam là nói đến đạo hiếu và tình gia tộc. Bước vào cuộc sống hôn
nhân, hai vợ chồng không phải chỉ bước vào cuộc sống riêng tư đóng kín chỉ với
riêng hai người, mà còn mở ra với cha mẹ đôi bên, cũng như với anh chị em họ
hàng.
Như
chúng ta đã biết: sau ba điều răn nói về bổn phận đối với Thiên Chúa, điều răn
thứ tư nói về bổn phận thảo kính cha mẹ. Như thế, Kinh Thánh coi hiếu thảo là
điều răn thứ nhất và quan trọng nhất trong tương quan giữa người với người[1].
“Thiên Chúa muốn rằng sau Ngài, chúng ta phải tôn kính cha mẹ vì đã sinh thành
và dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa[2]“.
Chính Chúa Giêsu, khi đến trần gian đã nêu gương hiếu thảo cho chúng ta: Cuộc
sống ở trần gian của Ngài vỏn vẹn chỉ có ba mươi ba năm, nhưng Ngài đã dành ba
mươi năm sống hiếu thảo, vâng lời trong gia đình Nadarét[3].
Lòng
hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ phát xuất từ sự biết ơn đối với những bậc
đã cộng tác với Thiên Chúa thông truyền cho mình sự sống, cũng như đã chăm lo
nuôi dưỡng và giáo dục mình nên người. “Hãy
hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng
nhờ cha mẹ, con mới sinh ra. Làm sao con báo đền được điều cha mẹ cho con?”
(Hc 7,27-28)
Công
đồng Vaticanô II dạy: “Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm
tình hiếu thảo và tin cậy, sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong
nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh[4]“.
Khi cha
mẹ còn sống, con cái bày tỏ lòng hiếu thảo qua việc: yêu mến, tôn kính, vâng
lời, chăm sóc và giúp đỡ cha mẹ.
- Yêu mến và tôn kính cha mẹ. Thiên Chúa muốn
ta thật lòng yêu mến và tôn kính cha mẹ trong tư tưởng, lời nói, việc làm.
. Trong tư tưởng, ta thực tình nhìn nhận cha mẹ đáng trọng
kính, vì đã sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ, hướng dẫn, gây dựng hạnh phúc cuộc
đời cho ta.
. Trong lời nói, ta lựa cách xưng hô và chuyện trò thật
khiêm cung, êm ái, không bao giờ dùng những lời nói cứng cỏi, nóng nảy đối với
cha mẹ.
. Trong việc làm, ta năng thăm viếng, hoặc thư từ, hỏi
han, bày tỏ lòng yêu mến bằng quà biếu, tìm cách làm cho cha mẹ được vui. Khi lo
liệu việc trọng đại, dù đã ở riêng, ta cũng nên bàn hỏi cha mẹ vì các ngài có
ơn Chúa để giúp ta[5]. “Khi
trưởng thành, con cái vẫn phải tôn kính cha mẹ, biết đón trước ý muốn của các
ngài, sẵn sàng bàn hỏi và chấp nhận những lời khuyến cáo đúng đắn của cha mẹ.
Khi không còn chung sống với cha mẹ, con cái vẫn phải tôn kính, vì lòng tôn
kính này bắt nguồn từ sự kính sợ Thiên Chúa, một trong bảy ơn Chúa Thánh Thần[6]“.
- Vâng lời cha mẹ. Lòng hiếu thảo được bày tỏ
qua sự ngoan ngoãn và vâng phục. “Hỡi con,
hãy giữ lấy lời huấn dụ của cha, và đừng ruồng bỏ giáo huấn của mẹ.... Chúng sẽ
hướng dẫn con khi con đi, canh giữ con khi con nằm, và khi con thức dậy, chúng
chuyện trò với con”(Cn 6,20-22). “Con
ngoan mến chuộng lời cha quở mắng, kẻ nhạo báng chẳng nghe lời khiển trách” (Cn
13,1).
Khi chưa
trưởng thành, con cái phải mau mắn vâng lời cha mẹ trong tất cả những gì hợp
luật Chúa, không nên trách móc phàn nàn. “Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ
trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa”(Cl 3,20). Ngay cả khi đã trưởng thành và dù đã ở riêng,
nếu ta có làm điều gì sai trái mà được cha mẹ nhắc nhở, cần mau mắn vâng theo.
Hơn nữa, người con trưởng thành cần biết đón trước điều cha mẹ mong muốn để làm
đẹp lòng cha mẹ. Khi cha mẹ lâm chung, có trăn trối điều gì, con cái nên vui
lòng tuân giữ. Ngược lại, nếu cha mẹ có ép buộc điều gì trái lương tâm, con cái
nên tìm cách giãi bày để cha mẹ cảm thông, chứ không được hùa theo[7].
- Chăm sóc và giúp đỡ cha mẹ. Phải luôn luôn
giúp đỡ cha mẹ về phần hồn và phần xác, nhất là khi các ngài già cả, ốm đau,
thiếu thốn, cần tận tâm tận lực phụng dưỡng, lo thuốc thang đầy đủ, vui vẻ thăm
nom sớm tối. Đây là trách nhiệm của con cái. Đừng vì keo kiệt, ganh tị nhau mà
để cha mẹ khổ cực. Phải cầu nguyện cho cha mẹ được mọi ơn lành, lo liệu cho cha
mẹ được lãnh các bí tích và dọn mình chết lành. Sách Huấn ca nhắc nhở những
người làm con:
Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già
cha ngươi,
chớ làm phiền lòng người, khi người còn sống.
Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng,
ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người.
Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng.
Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi,
và xây dựng đức công chính của người.
Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng
ngôn,
ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền
rủa.
(Hc 3,12-16)
Khi cha
mẹ qua đời, con cái tỏ lòng hiếu kính bằng cách lo an táng chu đáo, cầu nguyện
và xin lễ cho cha mẹ. Anh chị em cần hoà thuận yêu thương nhau, noi gương cha
mẹ để nên lành nên thánh. Không những cầu nguyện cho cha mẹ, con cái còn xin
cha mẹ cầu nguyện cho mình trước mặt Chúa, như khi còn sống, các ngài vẫn cầu
nguyện cho mình.
Hội
Thánh Công giáo đón nhận việc thờ cúng ông bà như thế nào? Hội Thánh nhìn nhận
đó là một hình thức tốt đẹp để bày tỏ lòng tưởng nhớ công ơn tiền nhân. Hội
Thánh khuyến khích các tín hữu phát huy những tinh hoa trong văn hoá dân tộc.
Tuy nhiên cần loại trừ những hình thức trái ngược với giáo lý Công giáo.
Cũng cần
nâng cao ý thức lịch sử về gia đình: Quan tâm bảo tồn gia phả và những kỷ vật
của ông bà cha mẹ đã qua đời. Gia đình nào đã thất lạc gia phả, nên tìm cách
dựng lại những gì còn biết được, nên làm càng sớm càng tốt khi những bậc cao
niên trong dòng họ còn đủ minh mẫn để cung cấp các dữ liệu họ nắm được. Cũng
nên quan tâm lưu giữ những hình ảnh và giấy tờ quan trọng của gia đình để các
thế hệ sau có sử liệu.
Đối với
người Việt Nam, tương quan với họ hàng gia tộc là điều quan trọng. Lấy vợ, lấy
chồng không chỉ là lấy một người mà “lấy” cả họ hàng nhà chồng, nhà vợ. Cách cư
xử với họ hàng bên chồng hay bên vợ không chỉ liên quan đến bản thân mà còn
liên quan đến cả họ hàng bên mình. Bởi vậy, cần yêu mến và học cách cư xử với
tất cả mọi người trong dòng họ hai bên, như ông bà, chú bác, cô dì, cậu mợ và
anh chị em. Cần sống tình gia tộc bằng cách năng lui tới viếng thăm và giúp đỡ
theo khả năng của mình.
1. H.
Tại sao con cái phải hiếu thảo đối với cha mẹ?
T. Vì
cha mẹ là những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh thành, nuôi dưỡng
và giáo dục ta nên người. Ngoài ra, đây còn là điều răn Chúa đã truyền dạy.
2. H.
Con cái biểu lộ lòng hiếu thảo với cha mẹ như thế nào?
T. Con
cái bày tỏ lòng hiếu thảo qua những việc sau đây:
- Một là khi các ngài còn sống thì phải yêu mến, tôn kính,
vâng lời, chăm sóc và giúp đỡ.
- Hai là khi các ngài qua đời phải lo an táng, cầu nguyện
và xin lễ.
- Ba là anh chị em trong nhà cần hoà thuận yêu thương
nhau, noi gương cha mẹ để nên lành thánh.
3. H. Ta
cần cư xử thế nào với họ hàng đôi bên?
T. Ta
phải kính trọng và yêu mến mọi người trong gia tộc; năng lui tới và giúp đỡ
theo khả năng mình.
1. Có người nói: “Theo đạo Chúa là bỏ
ông bà”. Anh chị trả lời thế nào?
2. Anh chị đã biết gì về cha mẹ, anh chị em và họ hàng của
bạn mình?
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Cha đã muốn biểu lộ tình
Cha yêu thương chúng con qua tấm lòng yêu thương của người cha người mẹ trần
thế. Cha còn muốn rằng, sau Cha, chúng con phải tôn kính cha mẹ vì các ngài đã
có công sinh thành và dưỡng dục chúng con nên người. Xin Cha chúc lành, nâng đỡ
và ban mọi ơn lành hồn xác cho cha mẹ chúng con. Xin giúp chúng con luôn biết
biết lấy tình yêu mà đáp lại tình yêu của các ngài bằng cách sống hiếu thảo,
yêu mến, tôn kính, vâng lời và phụng dưỡng các ngài.
Xin cho các ngài, ngay ở đời này tìm thấy niềm hạnh phúc
được phục vụ Cha và yêu mến Cha. Và xin cho chúng con một ngày kia được sum họp
với nhau trên Nước Trời. Amen