“Sự sáng của các con cũng phải chiếu
giải ra trước mặt thiên hạ,
để họ xem thấy việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”
(Mt 5,16)
Giữa gia
đình và xã hội có một mối liên hệ mật thiết. “Tương lai của nhân loại sẽ đến
qua gia đình[1]“.
Ngược lại, xã hội có trật tự yên ổn thì gia đình mới phát triển. Chính vì thế,
gia đình và xã hội có bổn phận phải góp phần xây dựng, bảo vệ, củng cố và phát
triển lẫn nhau.
Riêng
đối với người Kitô hữu, mối quan hệ giữa gia đình và xã hội còn sâu sắc hơn,
bởi vì tính cách trần thế là nét riêng biệt và đặc thù của ơn gọi Kitô hữu giáo
dân. “Người giáo dân sống giữa trần gian, giữa những cảnh sống thường ngày
trong gia đình và ngoài xã hội. Đó là nơi Thiên Chúa mời gọi họ. Nhờ sự hướng
dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hoá thế giới bằng
việc thi hành những nhiệm vụ của mình[2]“.
Gia đình
là tế bào căn bản của đời sống xã hội, là xã hội tự nhiên, nơi đó người nam và
người nữ được mời gọi tận hiến cho nhau trong tình yêu và trong việc thông
truyền sự sống. Quyền bính, sự ổn định và đời sống gắn bó trong gia đình là nền
tảng cho tự do, an ninh và tình huynh đệ của xã hội.
“Gia
đình là cộng đoàn, nơi đó từ thời thơ ấu, con người được học biết tôn trọng
những giá trị luân lý, tôn thờ Thiên Chúa và biết sử dụng tự do. Đời sống gia
đình chuẩn bị cho đời sống xã hội[3]“.
Gia đình
có tốt thì xã hội mới tốt. Tuy nhiên, ngày nay đời sống gia đình đang gặp phải
nhiều bóng tối. Nề nếp gia phong bị suy giảm. Khuynh hướng hưởng thụï ích kỷ
phát triển dẫn đến lối sống buông thả, từ đó làm gia tăng những vụ ly dị, phá
thai, không còn ý thức về phẩm giá sự sống. Con số thanh thiếu niên rơi vào xì
ke, ma tuý, mại dâm, sống lang thang ngoài đường phố tăng thêm nhiều...
Chính vì
thế, mọi người hữu trách và mọi người thiện chí đều phải quan tâm đến việc bảo
vệ, củng cố và thăng tiến các giá trị đời sống gia đình. Đặc biệt, cần tôn
trọng, trợ giúp và nhất là bảo đảm cho gia đình có được các quyền sau đây:
- “Quyền tự do lập gia đình, quyền sinh con cái và giáo
dục chúng theo những xác tín luân lý và tôn giáo của mình”.
- “Quyền bảo toàn dây liên kết vững bền của hôn nhân và cơ
chế gia đình”.
- “Quyền tự do tuyên xưng đức tin và thông truyền đức tin,
quyền giáo dục đức tin cho con cái bằng những phương tiện và cơ chế cần thiết”.
- “Quyền tư hữu, tự do làm việc, có
việc làm, có nhà ở, tự do di cư”.
- “Quyền được chăm sóc y tế trợ cấp tuổi già, phụ cấp gia
đình, tùy theo cơ chế của các quốc gia”.
- “Quyền được bảo vệ an ninh và cuộc sống lành mạnh, tránh
các nguy cơ như: xì ke ma túy, dâm ô đồi trụy, nghiện rượu...”
- “Quyền tự do liên kết với các gia đình khác để lập hội
đoàn và như thế, được đại diện bên cạnh công quyền”[4].
Trên
bình diện giáo xứ cũng như giáo phận, trong thư mục vụ năm 2002, Hội Đồng Giám
mục VN đề nghị:
- Các Giáo phận nên có Văn phòng Mục
vụ về Hôn nhân và Gia đình.
- Các Giáo xứ nên tổ chức các lớp học hỏi về hôn nhân và
gia đình. Để các lớp học hỏi về hôn nhân và gia đình có được kết quả tốt đẹp,
cần soạn thảo một chương trình giáo lý hôn nhân, đào tạo một đội ngũ giáo lý
viên vững vàng, kêu gọi sự cộng tác của giáo dân có khả năng chuyên môn và có
kinh nghiệm trong các lãnh vực: tâm lý, xã hội, pháp luật, quản trị, y khoa.
- Ban Mục vụ giáo xứ có một bộ phận chuyên trách về gia
đình với sự cộng tác của các Hội đoàn quan tâm đến tình trạng các gia đình
trong khu xóm, đặc biệt các gia đình nghèo khổ, bất thuận và các gia đình di
dân, để kịp thời giúp đỡ.
- Những ngày lễ gia đình, ngày kỷ niệm thành hôn, những
buổi giao lưu giữa các gia đình sẽ rất ích lợi nếu được chuẩn bị chu đáo với
tinh thần cầu nguyện và học hỏi.
- Tham
gia vào các việc chung, các công tác xã hội. “Đối với người tín hữu, xao lãng
bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với tha nhân, và hơn nữa đối với
chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe doạ[5]“.
- Giáo
dục con cái nên người. Gia đình là chiếc nôi, là trường học đầu tiên, nơi con
cái lớn lên cả về thể xác lẫn tinh thần, nơi con cái không chỉ được dạy dỗ bằng
lời nói mà còn bằng gương sáng. Bởi vậy, gia đình còn được gọi là trường đào
tạo nhân đức. Cần dạy con cái về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, đặc biệt là các đức
tính thành thật, công bằng, tôn trọng sự sống, tôn trọng phẩm giá con người,
yêu thương người nghèo, người già cả, neo đơn, ốm đau, tật nguyền...[6]
- Góp
phần xây dựng một nền văn minh tình thương. Đó là một xã hội công bằng và yêu
thương. “Hội Thánh mong muốn người Công giáo đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần
tư tưởng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ đang sống.... qua
đức tin và đức ái của mình, bằng đời sống lương thiện như ánh sáng trần gian,
tìm cách cộng tác với mọi người, đối thoại với họ, để phổ biến những gì là chân
thật, công bằng[7]“.
“Trong
các việc tông đồ của gia đình, cần phải kể các việc như sau: nhận nuôi trẻ bị
bỏ rơi, cho khách trọ nhờ, cộng tác với học đường, giúp thanh thiếu niên, đỡ
đầu các đôi hôn nhân, giúp dạy giáo lý, nâng đỡ những gia đình gặp khó khăn về
vật chất và tinh thần, lo cho người già những điều cần thiết và tiện nghi chính
đáng[8]“.
1. H.
Gia đình nắm giữ vai trò nào đối với xã hội?
T. Gia
đình chính là tế bào đầu tiên và sống động của xã hội.
2. H. Xã
hội có trách nhiệm thế nào đối với gia đình?
T. Xã
hội cần phải quan tâm đến việc bảo vệ, củng cố và thăng tiến các giá trị đời
sống gia đình.
3. H.
Gia đình góp phần xây dựng xã hội bằng cách nào?
T. Gia
đình góp phần xây dựng xã hội bằng cách tuân giữ luật pháp quốc gia, cộng tác
trong những công việc chung để phát triển đất nước, giáo dục con cái trở nên
người hữu ích và góp phần xây dựng nền văn minh tình thương.
1. Trong Tông huấn về Gia đình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô
II nói: “Tương lai của nhân loại sẽ đến qua gia đình”. Anh chị nghĩ sao về điều
này? Gia đình của anh chị có trách nhiệm gì đối với tương lai của đất nước và
của gia đình nhân loại?
2. Thư mục vụ năm 2002 của HĐGM VN, trong phần kết luận đã
viết như sau: “Một gia đình Kitô hữu thực sự
tốt đẹp không thể chỉ đóng kín trong những sinh hoạt riêng tư, nhưng cần mở
rộng mối quan hệ với những gia đình chung quanh, để kính trọng yêu thương, trao
đổi học hỏi và quan tâm giúp đỡ, góp phần phát triển nền văn minh tình thương”.
Gia đình của anh chị sẽ góp phần xây dựng nền văn minh tình thương
như thế nào?
Lạy Thánh Gia Nadarét là gương mẫu của đời sống thánh thiện,
công bình và yêu thương, xin cho gia đình chúng con trở nên nơi đào tạo nhân
đức, trong hiền hoà, phục vụ và cầu nguyện. Xin cho chúng con xây dựng gia đình
thành niềm an ủi cho cuộc đời đầy thử thách. Xin cho chúng con biết làm cho mọi
người trong gia đình đều được thăng tiến để góp phần vào việc phát triển xã
hội, và cộng tác trong việc xây dựng Hội Thánh. Amen