1. Cấy tinh nhân tạo: là đưa tinh trùng người nam vào cơ phận
của người nữ để có thể thụ thai.
2. Thụ tinh trong ống nghiệm qua các giai đoạn sau đây:
- Lấy trứng trong buồng trứng người phụ nữ đúng lúc, đồng
thời lấy tinh trùng của người nam,
- Cho hai nhân tố phối hợp thành phôi thai đầu tiên để cho
phát triển thành một số tế bào (khoảng từ 35 đến 60 giờ),
- Cấy phôi thai vào trong tử cung phụ nữ. Đây là giai đoạn
khó khăn nhất vì chỉ khoảng 20% trường hợp cấy vào màng tử cung thành công và
phôi thai không bị đào thải ra bên ngoài.
Cả hai
trường hợp cấy tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm có thể được thực hiện
trong vòng vợ chồng hay với tinh trùng hoặc trứng của một người thứ ba.
- Việc
cấy tinh nhân tạo cũng như việc thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng hoặc
trứng của người thứ ba là trái ngược với tính cách một vợ một chồng của hôn
nhân. Nó đi ngược phẩm giá của đôi vợ chồng và với ơn gọi riêng của bậc làm cha
mẹ. Hơn nữa đứa con phải được thụ thai và sinh ra trong hôn nhân và do hôn
nhân.
- Việc
cấy tinh nhân tạo thuộc phạm vi hôn nhân: Huấn thị ngày 27/02/1987 của Bộ Giáo
lý Đức Tin viết: sự cấy tinh nhân tạo trong phạm vi vợ chồng, nghĩa là trong
khuôn khổ hôn nhân không có nhân tố của người thứ ba, chỉ có thể chấp nhận được
khi phương pháp kỹ thuật không thay thế cho tác động vợ chồng, nhưng chỉ giúp
cho tác động này đạt được mục đích dễ dàng hơn.
- Việc
thụ tinh trong ống nghiệm thuộc phạm vi hôn nhân: theo giáo lý truyền thống về
hôn nhân và về phẩm giá của con người, Giáo Hội tiếp tục chống lại phương thức
thụ tinh trong ống nghiệm vì đây là điều không phù hợp với phẩm giá của việc
truyền sinh và sự kết hiệp giữa hai vợ chồng, kể cả khi phương pháp này cố gắng
làm cho các phôi thai khỏi phải chết.
Đôi vợ
chồng son sẻ mong ước có con, đó là một ước muốn rất hợp lý và hợp pháp. Tuy
nhiên việc thụ tinh trong ống nghiệm bao hàm việc huỷ hoại nhiều phôi thai
người. Người ta phải cho nhiều trứng và tinh trùng phối hợp với nhau rồi chọn
một trứng đã thụ tinh tốt để cấy vào cơ phận người mẹ. Các phôi thai còn lại
thường bị huỷ đi và đây là hình thức phá thai xâm phạm tới sinh mạng của những
người vô tội đang ở trạng thái thành hình.
Hơn nữa,
cho dù không có phôi thai nào bị huỷ đi, thì việc thụ tinh trong ống nghiệm
cũng không thể chấp nhận được vì hành động này tách rời hai ý nghĩa căn bản của
tác động vợ chồng. Tác động này có công hiệu nhằm liên kết hai vợ chồng lại,
đồng thời làm cho họ có thể sinh sản ra những sự sống mới. Khi dùng phương pháp
thụ tinh trong ống nghiệm tức là ngoài cơ thể của đôi vợ chồng, người ta “đặt
sự sống và căn tính của bào thai vào tay các bác sĩ và những nhà sinh học, và
như vậy là thiết lập quyền thống trị của kỹ thuật trên nguồn gốc và số phận con
người. Liên hệ thống trị này tự nó nghịch với phẩm giá con người và sự bình
đẳng phải có giữa cha mẹ và con cái” (Huấn thị “Donum vitae” 2, 5).
“Xét về
luân lý, việc sinh sản sẽ mất đi sự tuyệt hảo riêng của nó khi không còn là hoa
trái của hành vi phu thê, nghĩa là hành vi đặc loại của sự phối hợp vợ chồng
(...). Chỉ sự tôn trọng mối liên lạc giữa những ý nghĩa của hành vi phu thê và
sự tôn trọng tính hiệp nhất của con người mới bảo đảm được một sự sinh sản phù
hợp với nhân phẩm con người” (Huấn thị “Donum vitae” 2, 4).
Sau khi
đã tận dụng mọi trợ giúp chính đáng của y khoa, mà vẫn phải chịu đựng nỗi đau
khổ vì vô sinh, Giáo hội mời gọi những cặp vợ chồng này liên kết với thập giá
Đức Kitô, là nguồn mạch mọi phong phú thiêng liên. Họ có thể sống quảng đại
bằng cách nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi, hoặc tham gia những công tác phục
vụ tha nhân (x. GLHT, số 13783-1379).