MUỐI CHO ĐỜI

Joseph Ratzinger

Biển Đức XVI

Ki-tô giáo và giáo-hội Công giáo trước thềm ngàn năm mới

Trao-đổi với Peter Seewald

Người dịch: Phạm Hồng-Lam, Trần Hoành

 

 

Lời mở đầu

 

Rôma mùa đông. Những người trên công-trường Phêrô mình khoác áo choàng tay cầm dù. Trong các quán cà-phê, khách uống trà. Tôi ở lại nghĩa-trang Campo Santo để xem thêm một ngôi mộ nữa. Thời-tiết dạo này chán đến lũ mèo ở đây cũng phải ngêu-ngao thảm-thiết.

Ngày thứ bảy, như bình-thường, Hồng-y vẫn còn làm việc trong phòng của Bộ. Chúng tôi hẹn nhau sau đó đi về vùng Frascasti, tới Villa Cavalleri nguyên là một ngôi trường của dòng Tên. Ngoài đường, người tài-xế đang ngồi đợi trong chiếc Mercedes mà Bộ tín-lí đã mua lại ở Đức cách đây vài năm. Tôi đứng đợi với một cái rương khổng-lồ như đang chuẩn-bị một chuyến viễn du. Cuối cùng cánh cửa mở, một người đàn ông khiêm-tốn, hơi mảnh-khảnh với mái tóc trắng xoá, bước ra bằng những bước nhỏ. Ông bận bộ âu-phục màu đen cổ cồn, tay xách một chiếc cặp tí-hon, đơn-giản.

Tôi đã ra khỏi Giáo-hội từ lâu lắm rồi. Do khá nhiều nguyên-do. Thời đó, cứ mỗi lần ngồi xuống ghế nhà thờ, tín-hữu lại bị dội lên đầu bao nhiêu là mảnh vụn tín-lí cũ mèm hàng trăm năm. Mọi thứ xưa chắc-chắn nay đã thành khả-nghi, truyền-thống cổ-xưa nay đã hết sinh-lực. Một số người cho rằng đạo phải uyển-chuyển cho phù-hợp với nhu-cầu con người. Một số khác lại bảo Ki-tô giáo đã lỗi thời, hết lí-do tồn-tại. Ra khỏi Giáo-hội là chuyện không đơn-giản. Lại càng không đơn-giản khi muốn quay trở vào lại. Có Chúa thật không? Và nếu có thật thì chúng ta có cần một giáo-hội nữa không? Bộ mặt của nó sẽ như thế nào và làm sao người ta có thể tái nhận-diện được nó?

Hồng-y không bao giờ hỏi tôi về quá-khứ hoặc địa-vị mình. Ông không đòi biết trước các câu hỏi và cũng không yêu-cầu thêm hay bớt một chữ nào vào đó. Không-khí buổi trao-đổi khá căng và đứng-đắn, dù vậy thỉnh-thoảng "ông hoàng giáo-hội" cũng ngồi vắt một chân lên thành ghế khiến tôi tưởng như đang trò-chuyện với một cậu sinh-viên. Có lần ông ngừng nói để chìm vào thế tĩnh-tâm hay cũng có thể là để cầu xin Chúa Thánh-thần giúp tìm ra những từ thích-hợp. Tôi chẳng biết, chỉ đoán vậy thôi.

Hồng-y Joseph Ratzinger là một giáo-sĩ ưa tranh-luận song cũng bị lắm chỉ-trích, đặc-biệt nơi quê-hương ông. Tuy nhiên, nhiều nhận-định và phân-tích trước đây của ông giờ đây đã thành sự thật, đúng cả tới những chi-tiết. Và hiếm có ai đau lòng ý-thức về những mất-mát và thảm-kịch của Giáo-hội trong thời hiện tại cho bằng vị Hồng-y thông-minh xuất thân từ vùng đồng ruộng bang Bayern này.

Một lần tôi hỏi ông, có bao nhiêu con đường dẫn tới Chúa. Tôi thật-sự không biết ông sẽ trả lời như thế nào. Có thể câu trả lời của ông sẽ là: chỉ có một - hoặc nhiều - con đường. Không cần suy-nghĩ lâu, Hồng-y bình-thản trả lời: Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu con đường.

 

München, ngày 15 tháng 8 năm 1996

Peter Seewald