Linh-cảm quan-trọng thế nào đối với ngài và nhất là làm sao để có được?

 

Mình không thể gọi chúng tới được, mà chúng phải tự tới. Nhưng cũng phải cẩn-thận đối với linh-cảm, phải kiểm-chứng chúng với cái lí của toàn-thể. Điều-kiện của một „linh-cảm“ là mình không được vội-vàng, mà phải bình-tĩnh nghĩ-suy, để cho nó chín mùi trong suy-tư của mình.

 

Ngay bước đầu nhận nhiệm-vụ ngài đã phải đối diện với thần-học giải-phóng và sửa lưng những nhà thần-học nào tỏ ra nghi-ngờ tín-điều không sai-lầm của giáo-chủ hoặc chỉ-trích các tín-điều khác. Lối hành-xử của ngài đã để lại ấn-tượng lâu-dài, ít là ở Đức. Giờ nghĩ lại, ngài có thấy là phản-ứng của mình quá gay-gắt? Dù câu trả lời của ngài được công-nhận là đúng.

 

Có lẽ phải phân-biệt giữa phản-ứng cá-nhân với việc làm nhân-danh Bộ. Tôi phải thú-nhận trong những cuộc biện-luận cá-nhân đôi khi đã tỏ ra gay-gắt. Nhưng trong những quyết-định với tư-cách Bộ tôi nghĩ là chúng tôi đã hành-xử đúng mức. Chúng tôi phải lên tiếng về chuyện thần-học giải-phóng, một phần cũng là để giúp các giám-mục. Để tránh nguy-cơ đạo bị chính-trị-hoá trở thành con cờ của phe đảng và như thế sẽ đổ-vỡ. Sự-kiện người dân đổ-xô đi theo các giáo-phái rõ-ràng phát-khởi từ chuyện này. Ngày nay ai cũng công-nhận việc can-thiệp của chúng tôi là cần-thiết và đúng. Một thí-dụ nổi-bật của lối giải-quyết của chúng tôi là quyết-định chuyển hướng của Gustavo Gutiérrez, được coi là cha đẻ của thần-học giải-phóng. Chúng tôi đã trao-đổi với ông, có những buổi ông và tôi trực-tiếp nói chuyện, và từ-từ chúng tôi đã đả-thông với nhau. Những cuộc trao-đổi giúp chúng tôi hiểu ông, và trái lại đã giúp ông hiểu về sự thiếu-sót của học-thuyết và nhờ vậy ông đã cải-tiến đưa „thần-học giải-phóng“ vào hướng đi đúng-đắn và có tương-lai.

Dĩ-nhiên cũng có những điểm mâu-thuẫn không giải-quyết được. Ngày nay vấn-đề thần-học giải-phóng trên khắp thế-giới đã hoàn-toàn thay-đổi. Sau 15 năm nhìn lại, người ta phải công-nhận là chúng tôi đã xử-sự đúng và xử-sự này đã mang lợi-ích, có lẽ không phải tức-khắc nhưng về lâu về dài. Thời đó một số giám-mục tỏ ra nghi-ngờ đối với câu trả lời của chúng tôi, nhưng nay tất-cả các ngài lại coi đó là những thành-quả nghiễm-nhiên.

 

Nhưng không phải chỉ có đối-thoại mà thôi, mà cả hình phạt im lặng nhiều năm, phạt im lặng để đền tội.

 

Chữ „phạt im lặng để đền tội“ là do dân Đức đặt ra. Chúng tôi chỉ yêu-cầu ông không phát-biểu gì về đề-tài này trong một năm và đừng đi đây đó trên thế-giới. Hẳn nhiên người ta có thể tranh-luận xem biện-pháp đó đúng hay sai, nhưng một cách khách-quan, tôi thấy việc yêu-cầu dành một thời-gian dài để suy-tư về một chuyện khó-khăn là điều không đến nỗi dở, nếu có người khuyên ta nên thinh-lặng một thời-gian, đừng nóng-lòng vội-vàng xuất-bản, cứ để cho đề-tài chín muồi đã. Lúc này tôi không muốn bàn đến chuyện đúng hay sai nữa. Ông Boff thì vẫn tiếp-tục được dạy học, nhưng ông đã không dạy trong năm đó. Chúng tôi chỉ yêu-cầu ông không thuyết-trình, in sách về thần-học giải-phóng trong một năm. Ông Küng cũng vậy, thời đó giáo-chủ Phao-lô  VI yêu-cầu ông đừng ra sách về tín-điều không sai-lầm nữa và nên suy-nghĩ lại về đề-tài đó.

 

Hans Küng và cả ông Boff đã không chấp-nhận yêu-cầu. Như vậy thì không hiểu các biện-pháp đó đã mang lợi hay bất lợi cho Giáo-hội?

 

Như dư-luận thời đó thì thoạt tiên không có lợi cho Giáo-hội. Nhưng sau đó có lẽ nhiều người đã phải suy-nghĩ, phần vì những biến-chuyển lịch-sử, phần vì con đường ông Leonardo Boff theo-đuổi. Tôi không dám đánh-giá con đường ông đi.

 

Còn trường-hợp Hans Küng, ông đang chờ được khôi-phục danh-dự?

 

Ở đây có lẽ phải cần bỏ đi chút thần-thoại thêu-dệt. Năm 1979 ông Küng bị Giáo-hội rút lại tác-vụ dạy thần học nhân-danh Giáo-hội. Thoạt-tiên điều đó có thể cay-đắng cho ông, nhưng nhờ vậy mà ông đã tìm được cho mình con đường riêng. Giờ đây ông không phải giảng và chấm thi những môn thuộc giáo-trình thần-học, vì thế có thể dành nhiều thời-gian cho những đề-tài ông thích. Năm 1982 gặp tôi ông cho hay không muốn trở lại vai-trò cũ nữa và ông cảm-thấy thoải-mái hơn với chỗ đứng hiện-nay. Lần-lần ông xa-rời những vấn-nạn ruột của thần-học để tìm ra và phát-triển những đề-tài lớn rộng hơn của ông. Sau đó thì về hưu. Bây giờ mà nói tới việc Giáo-hội bổ nhiệm ông dạy lại thì quả là chuyện vô nghĩa. Nhưng dĩ-nhiên đây không phải là vấn-đề của ông. Ông muốn thần-học của ông được Giáo-hội công-nhận, ông không những vẫn tiếp-tục giữ nguyên quan-điểm phản-bác tín-điều không sai-lầm mà càng lúc càng tỏ ra quá-khích hơn về điểm này. Ông cũng không đồng quan-điểm với Giáo-hội về môn Ki-tô-học và giáo-lí về Chúa ba ngôi. Tôi kính-trọng quan-điểm riêng theo lương-tâm của ông. Nhưng ông cũng không nên yêu-cầu sự chuẩn-nhận của Giáo-hội, mà cần nên xác-định rằng trong những đề-tài căn-bản ông đã có những quyết-định hoàn-toàn cá-nhân.

 

Ngài vẫn yêu-cầu nhìn thực-tại như nó vẫn có và đừng chạy theo thời-thượng. Nhiều phân-tích của ngài về nguyên-nhân khủng-hoảng của Giáo-hội và của thế-giới đã tỏ ra đúng-đắn. Nhưng điều đó đã chẳng làm cho hình-ảnh hồng-y của ngài khá hơn trong dư-luận và truyền-thông. Tại sao? Vì thái-độ dứt-khoát của ngài hay vì đòi-hỏi của ngài quá nghiêm-khắc?

 

Chính tôi lại biết chuyệt đó ít nhất. Tôi cũng không biết mình có được bao nhiêu độc-giả quan-tâm và có được bao nhiêu độc-giả có trí nhớ tốt. Bởi vì nếu có chuyện gì xẩy ra thì cũng chẳng còn bao nhiêu người nhớ ra đó là sự xác-minh cho những chẩn-đoán của tôi. Tôi cho rằng đó là vì người ta đồng-hoá con người tôi với chức-vụ bộ trưởng và vì ác-cảm với bộ tín-lí và giáo-huấn của Giáo-hội. Vì thế mà một số người cứ xem những gì tôi nói ra là sản-phẩm của một bộ máy chuyên gây khó-dễ cho nhân-loại, chứ không coi đó như một nỗ-lực tri-thức đích-thực và thật lòng muốn hiểu-biết thế-giới và con người.

 

Chỉ cần biết mình luôn có lí là đủ? Tôi muốn nói là nhiều khi những quyết-định đúng cũng cần phải có những thời-điểm đúng và hình-thức biểu-tả đúng. Người ta nói: Lời nói chẳng mất tiền mua, Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.

 

Phải, đây là điểm tôi sẵn-sàng lắng-nghe chỉ-trích. Chúng tôi cũng cố-gắng hết khả-năng làm tốt hơn, và luôn đặt nặng việc tiếp-xúc với các giám-mục và bề-trên hội-dòng trong việc tìm lối giải-quyết. Nhưng điều đó cũng không tránh được đôi lúc phải có một biện-pháp quyết-liệt và khó nghe.

 

Ngài là bộ trưởng chứ không phải một linh-mục làm mục-vụ. Có thể chấp-nhận chuyện một linh-mục trẻ chẳng hạn có lúc nào đó lí-luận và hành-động không như những gì buộc ông phải nghĩ phải làm, nếu như ông ta là trưởng của một uý-ban đức tin công giáo?

 

Có, dĩ-nhiên. Ông ta phải lí-luận và ăn-nói khác đi, nếu không thì không người trẻ nào hiểu ông. Mỗi thế-hệ có một tần-số, phải nhập vào tần-số đó. Đạo là đường đi, nên phải nhận ra từng đoạn đường một. Điều chung-nhất cho chúng ta là không được khơi-khơi rao-truyền những quan-điểm cá-nhân hoặc tập-thể hiện có, nhưng dù là giáo-dân hay linh-mục chúng ta phải nối-kết trong một niềm tin và cố-gắng thông-truyền niềm tin đó đúng với mỗi hoàn-cảnh.

 

Có nghĩa là các linh-mục trẻ làm mục-vụ cho giới trẻ đôi khi gặp khó-khăn trong việc rao-giảng đúng giáo-huấn Giáo-hội về tính-dục, có nên bỏ qua cho họ nếu họ có  những lời không hợp ý ngài?

 

 Dĩ-nhiên, miễn là có ý-hướng căn-bản, quan-trọng là chỗ đó. Tuỳ người và tuy hoàn-cảnh mà có phương-tiện và biện-pháp thích-hợp.

 

Một hồng-y cũng được phép nói về tình-dục?

 

Dĩ-nhiên. Ông ta phải đề-cập tới tất-cả những gì liên-quan tới con người. Và không nên dán nhãn-hiệu xấu lên tình-dục mà gạt nó đi, trái lại nó trước hết là một quà tặng của Tạo-hoá. Trong nhiệm-vụ của tôi hiện tại đặc-biệt phải nói nhiều về chuyện đó. Tôi phải cố-gắng tránh hạn-chế luân-lí hoặc cả Ki-tô giáo vào điều răn thứ 6, nhưng những vấn-nạn Ki-tô giáo đặt ra, liên-quan tới trách-vụ của chúng tôi, buộc chúng tôi luôn bận-tâm tới phạm-vi này của cuộc sống con người.

 

Ngài đã có lần bảo tính-dục là một thứ mìn nổi và là thứ quyền-lực có mặt khắp nơi. Nghe ra có vẻ không có thiện-cảm mấy với tính-dục.

 

Không, không đúng. Nếu không thì ta đã chống lại niềm tin con người là tạo-vật toàn-vẹn của Chúa và Chúa dựng nên cả người nam lẫn người nữ. Tính-dục không phải là cái gì chỉ xuất-hiện sau khi có tội-lỗi; nó đã có sẵn trong chương-trình tạo-dựng của Chúa. Tạo ra người nam người nữ có nghĩa là Ngài đã tạo nên giới-tính, vì thế tính-dục đã có sẵn ngay từ đầu trong chương-trình của Ngài và nó là cái thiện uyên-nguyên của kiếp người.

Nếu như tôi có nói câu như ông ghi trên thì đó là tôi muốn nói rằng, nếu những lực lớn kia bị tách ra khỏi vị-trí của nó trong con người thì chúng có thể sẽ trở thành những năng-lực phá-hoại lớn nhất. Vì tính-dục làm nên con người như nam và nữ và do đó biểu-thị con người tới tận chỗ thẳm-sâu nhất – vì nó quá quan-trọng và nếu không có nó con người không trưởng-thành và trở nên chính mình - nên dĩ-nhiên nó có thể xé nát và huỷ-diệt con người, nếu tách nó ra khỏi cái thể thống-nhất của con người.

 

Tuy nhiên phải nhận rằng ngày nay hình-ảnh sức mạnh của tình dục có mặt khắp nơi càng ngày càng lấn-át ta.

 

Kĩ-thuật và các phương-tiện truyền-thông ngày nay đã xé tính-dục ra khỏi thể thống-nhất  con người và ra khỏi liên-hệ lứa-đôi giữa người nam người nữ. Trước đây không có vậy. Tính-dục giờ đây đã thật-sự bị bóc hết ý-nghĩa và được bày bán như một thứ hàng-hoá.

 

Nhưng chuyện đó đã có từ 2000 năm nay rồi…

 

Đúng, nhưng việc tôi có thể trực-tiếp mua tình-dục trong một cửa tiệm hay việc giữa một chợ trời tràn ngập hình-ảnh tôi chẳng còn nhận ra người như là một con người, mà chỉ thấy nó như là một đồ-vật tình-dục, thì trước đây chưa hề có. Khả-năng rao bán tình-dục và rao bán nó như một sản-phẩm đại-trà đã giúp người ta lạm-dụng, làm vong-thân con người đến mức-độ vượt xa tình-trạng trước đây.

 

Thời trung-cổ có những nhà điếm công-cộng, có cái do chính giáo-hội địa-phương quản-lí.

 

Trong một cuốn sách thánh An-tịnh có nêu lên câu hỏi : phải làm sao bây giờ. Và ngài đã trả lời là con người được sinh ra như thế, thì có lẽ một nhà-nước có tổ-chức tốt nhất nên làm sao để sinh-hoạt đó được đi vào trật-tự. Qua cái suy-nghĩ của vị giáo-phụ lớn và rất thực-tế đó ta thấy con người luôn bị quyến-rũ và đe-doạ bởi nguy-cơ trệch đường. Nhưng tôi tin rằng ngày nay chúng ta có cái đe-doạ hiểm-nguy đặc-biệt mà trước kia chúng ta không gặp.

 

Như vậy ai trung-thành với giáo-huấn tính-dục của Giáo-hội thì được miễn-dịch  với những thứ cám-dỗ đó?

 

Không thể nói như vậy được, vì con người không bao giờ toàn-hảo, nhưng như ta thấy, nó luôn trên đường hoàn-thành và vì thế luôn phải đối diện với nguy-cơ. Nó luôn phải trở nên chính nó. Nó chưa bao giờ đơn-thuần đã hoàn-toàn phát-triển. Con người luôn tự-do, nhưng tự-do đó không bao giờ toàn-hảo. Nhưng tôi nghĩ, ai thật-sự sống trong một cộng-đoàn đức tin sống-động, trong đó mọi người nâng-đỡ nhau và nhờ vậy giúp nhau can-đảm, người đó có thể sống cuộc sống hôn-nhân mình tốt-đẹp.

 

Trong vai-trò của ngài, ngài có sợ câu hỏi nào không, câu hỏi mà mình có thể không trả lời được?

 

Có lẽ chữ sợ không đúng lắm. Nhưng chúng tôi luôn phải đứng trước thực-tế là có những vấn-nạn không thể có ngay câu trả lời được. Nhất là những vấn-nạn thuộc lãnh-vực luân-lí, đặc-biệt trong lãnh-vực luân-lí y-khoa, và cả những vấn-nạn thuộc lãnh-vực luân-lí xã-hội. Chẳng hạn, các bệnh-viện Hoa-kì hỏi chúng tôi có buộc phải tiếp nước và thức ăn cho các bệnh-nhân trong tình-trạng bất tỉnh hết khả-năng phục-hồi không? Đó là câu hỏi vô cùng quan-trọng cho những người có trách-nhiệm. Vấn-đề khiến họ âu-lo thật-sự và vì họ phải tìm ra một chính-sách chung cho các bệnh-viện. Nhưng sau một thời-gian nghiên-cứu và tìm hiểu lâu, chúng tôi phải đành trả lời trước hết nên hành-động theo tầm nhìn của địa-phương, chứ chúng tôi chưa thể tìm ra một lời giải chung.

Trong lãnh-vực luân-lí y-khoa càng ngày càng có thêm những khả-năng mới và do đó thêm những trường-hợp khó xử mới, ở đây chưa biết áp-dụng nguyên-tắc thế nào. Chúng tôi không đơn-giản có phép mầu tạo ra sự chắc-chắn. Chúng tôi đành phải trả lời, trước hết qúy vị cố-gắng giải-quyết với nhau, để rồi cứ từng chặng chúng ta thâu-lượm kinh-nghiệm hầu đi tới cái chắc-chắn chín mùi.

 

Nhưng ngài nghĩ thế nào cũng phải có câu trả lời?

 

Không luôn nhất-thiết phải có một câu trả lời chung cho toàn thế-giới. Chúng tôi cũng cố-gắng để biết giới-hạn của mình và từ-chối trả lời khi không thể trả lời được. Nhưng, như qua những thí-dụ đã nêu, không phải chúng tôi đơn-giản muốn có câu trả lời cho mọi vấn-đề ở mọi nơi, nhưng chỉ trả lời khi có vấn-đề cụ-thể và khi có nhu-cầu cần phải tìm ra một đường-hướng chung. Nhưng không phải trả lời vì hệ-thống bắt-buộc phải trả lời, mà trái lại là vì có nhiều người cùng ở trong một hoàn-cảnh khó xử và họ cần biết để có một trách-nhiệm chung.

 

Tôi vẩn chưa hiểu hết lối làm việc và cũng không hiểu được các ngài sử-dụng phương-tiện nào để giải-quyết những vấn-đề rắc-rối mà càng ngày càng nhiều thêm chứ không ít đi.

 

Một đàng, có những nguyên-tắc căn-bản. Trong trường-hợp này thì đây là nguyên-tắc: Con người là người từ đầu đến cuối; chúng ta không có quyền gì trên sự sống con người, mà chỉ có kính-trọng nó như nó là và kính-trọng phẩm-giá của nó cho đến giây phút cuối. Như vậy, có một số nguyên-tắc rõ-ràng, không nhiều nhưng đơn-giản và cơ-bản. Với khả-năng kĩ-thuật và y-khoa chúng ta lúc này có thêm những trường-hợp tiếp biên khiến ta phải tự hỏi không biết làm sao áp-dụng nguyên-tắc trên cho đúng. Vậy trước hết phải cần có thông-tin. Các bác-sĩ phải cho biết y-khoa có thể làm được gì và đâu là vấn-đề được đặt ra.

Hãy lấy lại vấn-đề chuyền nước và thức ăn. Đây là trường-hợp y-khoa đã bó tay. Có người bảo càng tiếp nước và thức ăn càng kéo dài nỗi đau của bệnh-nhân. Kẻ khác lại bảo, không, như thế là bất-nhân, họ đang chết khát, phải cho họ uống. Hai quan-điểm đối-nghịch nhau. Vậy phải thu-thập thông-tin cần-thiết. Phải cần biết tình-trạng hiểu-biết của y-học tới đâu. Khi các thông-tin từ-từ đồng-qui đi đến tổng-hợp lại, lúc đó mình mới xét cái gì tương-ứng với nguyên-tắc và làm sao để áp-dụng nó cho đúng. Nhưng chỉ khi nào có được kinh-nghiệm chung, trong đó chứa-đựng thông-tin đúng và đồng thời nguyên-tắc được áp-dụng tương-ứng, thì từ kinh-nghiệm chung mới nẩy ra được câu trả lời, lúc đó tôi mới có thể nói được rằng nguyên-tắc được áp-dụng trong trường-hợp này hay trường-hợp khác là đúng-đắn.

 

Ta có thể áp-dụng văn-kiện cổ-xưa cho những vấn-nạn hiện nay không? Tôi muốn nói là có thể trích-dẫn các giáo-phụ và các thánh để giải-quyết các vấn-đề rắc-rối ngày nay không?

 

Chúng có thể được dùng theo ý-nghĩa cơ-bản, nghĩa là để soi sáng các nguyên-tắc về sự kính-trọng con người, về phẩm-giá con người và về ý-nghĩa của đau-khổ, nhưng không thể dùng cho vấn-nạn cụ-thể được. Tôi tin rằng chúng còn quan-trọng vì thế-hệ chúng ta đã đánh mất đi cái ý-nghĩa tích-cực về đau-khổ. Và có những thứ chúng ta cần phải học lại.

 

Chúng ta đang nói về tài-liệu cổ. Ngài có đọc được bí-mật nào còn dấu trong hầm toà thẩm-tra thánh không? Có cái gì ở đó không bao giờ được phổ-biến không?

 

Hầm thẩm-tra thánh“ chính là kho văn-khố của Bộ chúng tôi, ngoài ra chúng tôi chẳng có kho nào khác. Tôi phải thú thật hiếm khi vào văn-khố vì không có giờ. Vì thế không khám-phá ra được bí-mật đặc-biệt nào cả. Thật ra Napoleon trước đây đã dọn sạch kho. Về sau chỉ trả lại một phần nên lượng tài-liệu chẳng còn đủ. Vả, chúng cũng chẳng có gì hay-ho như người ta vẫn tưởng. Mới đây một giáo-sư người Ý có khuynh-hướng tự-do đã vào nghiên-cứu về mấy vụ án, nhưng đã thất-vọng. Ông tưởng gặp những tài-liệu cho thấy cuộc chiến giữa lương-tâm và quyền-lực thì ông chỉ đọc được những biên-bản tội-phạm thông-thường. Lí-do là vì các toà-án thẩm-tra của Rôma xưa tương-đối độ-lượng. Vì thế những người bị ra toà đời lại tự cáo mình về tội có tính-cách tôn-giáo như ma-thuật, bói-toán để được ra toà thẩm-tra của Giáo-hội, vì ở toà này họ thường hi-vọng được xử nhẹ. Nhưng điều đó tôi cũng chỉ nghe nói lại chứ không trực-tiếp đọc tài-liệu.

Các tài-liệu nổi tiếng của kho cả thế-giới đều đã biết. Những gì còn lại chỉ quan-trọng cho các nhà nghiên-cứu chuyên-môn. Chỉ những gì liên-hệ với bí-mật toà giải tội thì phải giữ kín, những tài-liệu này được chất ở một kho riêng và không được phép phổ-biến.

 

Nếu có liên-quan tới bí-mật xưng tội thì tại sao lại dưới dạng tài-liệu viết?

 

Đó không phải là xưng tội theo nghĩa hẹp, mà là những thứ được xếp vào lãnh-vực lương-tâm và vì thế cũng phải được bảo-lưu như những gì bí-mật. Tôi muốn nói thí-dụ như ai đó có quan-điểm rối đạo và trong tài-liệu cũng có những đoạn đề-cập tới chuyện riêng-tư, chuyện luân-lí. Chuyện rối đạo có thể nói công-khai, nhưng chuyện riêng của người ta thì phải giữ kín.

 

Có lẽ đó là những bí-mật toà cáo-giải của những tay thế-lực chứ chẳng phải là của dân thường?

 

Tôi chẳng biết gì hơn. Ngày nay chúng tôi vẫn còn có một phân-ban kỉ-luật chuyên-trách về một số ca lỗi-phạm của các linh-mục. Rất ít người biết được chuyện này, và vì để bảo-vệ cho các cá-nhân linh-mục đó, danh-tánh họ được giữ kín. Những hồ-sơ loại này được bảo-lưu ở đấy.

 

Nhưng trong kho đó có lưu-trữ những lời tiên-tri bí-mật nổi tiếng không?

 

Tôi chỉ biết bí-mật Fatima, ngoài ra còn có những tiên-tri khác không thì tôi không biết.

 

Ai có quyền xem những tài-liệu đó?

 

Chỉ có giáo-chủ và trưởng Bộ tín-lí có quyền xem tài-liệu Fatima, ngoài ra phải có phép riêng của giáo-chủ.

 

Có thể biết những ai đã được phép xem và con số những người này có nhiều không?

 

Không nhiều, vì không quá ba hoặc bốn người tất-cả.

 

Có lần ngài đã nói xa gần về bí-mật Fatima và nói, đó là điều „chính đức Ki-tô cũng thường nhắc-nhở, khi Ngài nói thẳng ra rằng: ‚Nếu các ngươi không ăn-năn hối-cải thì các ngươi sẽ chết’“. Lời tiên-tri Fatima đó có làm ngài lo-sợ không?

 

Không.

 

Tại sao không?

 

Vì điều đó chẳng có chi khác hơn những lời dạy Ki-tô giáo.

 

Tôi nghĩ Fatima có nói đến ngày tận-thế?

 

Lúc này tôi không thể nói gì hơn. Chỉ biết là tôi đã không gặp tai-ương ghê-gớm nào cả.

 

Bí-mật có nói khi nào thì tận-thế không?

 

Không. Nhưng tôi không muốn nói gì thêm về chuyện này.