Tình-trạng ở Đức

 

 

Xem ra không ở đâu có nhiều bất ổn, bất đồng và bỏ đạo nhiều như ở Đức và các quốc-gia nói tiếng Đức. Giáo-hội Đức là một trong những giáo-hội giàu nhất thế-giới nhưng nó lại ít ảnh-hưởng trên xã-hội, thua các giáo-hội nghèo hơn trong các nước nghèo hơn. Làn sóng chống-đối Giáo-chủ và giáo-triều Rôma từ Công-đồng Vaticanô I tới nay đã hơn một trăm năm, chưa bao giờ ồn-ào như hiện nay. Chuyện gì đã xẩy ra? Ngài có đau-khổ và lo-lắng cho quê-hương mình không ?

 

Dĩ-nhiên có lo-lắng, vì sự phân-rẽ trong nội-bộ Giáo-hội và vì đâu-đâu cũng thấy đức tin xuống dốc. Một phía là thành-phần cấp-tiến: họ cho rằng các cải-tổ vẫn chưa đủ và tiếp-tục chống vai-trò giáo-chủ và giáo-huấn của ngài. Phía khác là những tín-hữu có thể tạm gọi là ngoan-đạo: nói chung họ cảm-thấy càng ngày càng mất thoải-mái, Giáo-hội không còn là mái nhà ấm cúng của họ nữa, họ đau-khổ và buồn vì Giáo-hội giờ đây không còn là nơi trú-ẩn an-bình, nhưng là sân-khấu cho những tranh-chấp liên-lỉ, khiến chính họ cũng hoang-mang và phản-kháng. Chính sự chia-rẽ nội-bộ này làm ai cũng bất-bình, buồn-rầu với Giáo-hội, đó là điểm làm ta phải lo-lắng. Thêm vào đó là bộ mặt cằn-cỗi của Giáo-hội, chẳng hạn như các dòng tu nữ dần tàn-lụi và các đợt sóng lớn từng mang nhiều ý-nghĩa trong quá-khứ nay càng ngày xem ra càng lỗi thời.

 

Một số lớn dân-chúng đòi phải tách Giáo-hội ra khỏi nhà-nước nhiều hơn nữa. Có ý-kiến yêu-cầu xoá ý-niệm Thiên Chúa ra khỏi hiến-pháp, bỏ các ngày nghỉ lễ, tục-hoá ngày chủ-nhật, bỏ thuế tôn-giáo. Chuyện có nên treo thánh-giá trong lớp học hay không trở thành vụ tranh-cãi về hiến-pháp.

 

Làm sao để có một tương-quan đúng-đắn giữa giáo-hội và nhà-nước, câu hỏi này hẳn luôn phải được đặt ra. Bao lâu xã-hội còn chấp-nhận những giá-trị căn-bản Ki-tô giáo như là chỉ-tiêu cho hiến-pháp, bấy lâu còn có thể duy-trì sự liên-hệ tương-đối mật-thiết giữa giáo-hội, nhà-nước và xã-hội, nó còn có ý-nghĩa và không cản-trở tự-do tôn-giáo. Nhưng một khi hết xác-tín về những điểm trên thì sự liên-hệ chặt-chẽ giữa giáo-hội với những định-chế xã-hội có thể trở nên nguy-hiểm. Vì thế, trên căn-bản, tôi không chống lại việc tách-rời rõ-ràng hơn giữa giáo-hội và nhà-nước, khi hoàn-cảnh đòi-hỏi. Sau thế-chiến thứ nhất, Giáo-hội buộc phải tách khỏi các hệ-thống giáo-hội nhà-nước, nhìn chung sự-kiện đó lại tốt cho Giáo-hội. Những liên-hệ quá mật-thiết luôn có hại cho giáo-hội. Vì thế tôi nghĩ các giám-mục tại Đức nên thực-tế cân-nhắc về một mô-hình liên-hệ thích-hợp và xem trong quan-hệ đó điểm nào còn phù-hợp với xác-tín, điểm nào đã đến lúc phải trả lại cho xã-hội. Một cuộc xét lại như thế rất chính-đáng và cần-thiết.

Tôi xin trả lời tiếp các điểm ông nêu ra. Với tôi, rất cần có sự hiện-diện của Chúa trong hiến-pháp, bởi vì đây không phải là chuyện ràng-buộc vào việc tuyên-xưng Ki-tô giáo. Nếu ta hoàn-toàn không chấp-nhận có một khuôn-thước và một thượng-đế ở bên trên ta, thì ta bắt-buộc lại phải thay-thế bằng những ý-thức hệ hoặc để mọi sự tan-rã dần. Một nhà thần-học nặng óc phê-bình như Bultmann cũng đã có lần nói: „Một nhà-nước không Ki-tô giáo thì có thể được, chứ một nhà-nước vô-thần thì không“. Tôi nghĩ là ông ấy có lí trên cơ-bản. Ở đâu không có một khuôn-thước vượt trên những ý-kiến riêng-tư tức-thời của chúng ta, ở đó chuyên-quyền sẽ ngự-trị và con người bị huỷ-hoại.

Những điểm khác, như chuyện thuế tôn-giáo, là những vấn-đề cần suy-nghĩ chín-chắn và thận-trọng.

 

Đó là vấn-đề nóng-hổi, có thể trả lời thế nào?

 

Tôi không dám xét-đoán. Theo tôi, nhìn chung, hệ-thống thuế tôn-giáo * hiện đang được đa-số khá lớn chấp-nhận, vì người ta công-nhận những đóng-góp xã-hội của hai giáo-hội Công giáo và Tin-lành. Trong tương-lai có lẽ người ta sẽ đi đến gần hệ-thống Ý, ở đó một đàng mức thuế thấp hơn nhiều, nhưng đàng khác người ta duy-trì tính-cách tự-nguyện - điểm này tôi cho là quan-trọng. Ở Ý mỗi người phải tặng khoảng 0,8% lợi-tức của mình cho sinh-hoạt văn-hoá hoặc phúc-lợi, trong đó có giáo-hội Công giáo. Muốn tặng ai tuỳ ý, tuy nhiên ở đây đa-số đều tặng cho giáo-hội Công giáo.

 

Ngài cảm-thấy thế nào về phán-quyết ở Karlsruhe *?

 

Dĩ-nhiên là tôi khó chịu, bởi vì theo tôi, các luận-chứng của toà-án còn mập-mờ và vì tôi trước sau xác-tín rằng ở Đức hãy còn nhiều đồng-thuận về tính Ki-tô giáo, nên biểu-tượng thập-giá trong học-đường vẫn thực-sự có ý-nghĩa. Tôi cũng khó chịu vì tin rằng sự đồng-thuận của đa-số phải được tôn-trọng. Vì thế, xét trên bình-diện nguyên-tắc dân-chủ, phán quyết không có nền-tảng vững. Phản-ứng cho thấy trên đất-nước chúng ta ý-thức ki-tô giáo vẫn còn, ở mỗi tiểu-bang mỗi khác. Tôi nghe nói rằng trong Hội-đồng giám-mục các giám-mục bang Bayern có cảm-nhận khác với các vị ở bang Mecklenburg-Vorpommern chẳng hạn. Ở Mecklenburg-Vorpommern và một phần lớn vùng bắc Đức đã từ lâu không còn treo cây thập-giá nào nữa. Qua đó ta thấy đây không phải là vấn-đề tín-lí. Việc để người ta giật đi cái biểu-tượng nối-kết chúng ta với nhau một cách dễ-dàng như thế là chuyện tôi thấy hoàn-toàn không đúng. Hơn nữa hiến-pháp Bayern vẫn còn đó, hiến-pháp này rõ-ràng đặt các giá-trị ki-tô giáo làm căn-bản cho nền giáo-dục tại đây.

 

Người đứng đầu Bộ giáo-lí đức tin có lẽ  sẽ nói: Hãy giữ lại thập-giá trong lớp học!

 

Đúng.

 

Tại sao loại nấm chia-rẽ lại mọc dễ-dàng ở Đức đến thế? Đất-nước này là đất-nước gì đây, nó bị tà-thần ám-ảnh chăng? Phải chăng chúng ta đã để mất bản-ngã vì lâu nay mải chạy theo hiệu-năng? Grillparzer* có lần nói, „Đối với người Đức, Chúa không phải là một thực-thể. Họ kính-trọng Ngài vì coi Ngài là một công-trình của họ, chứ không phải vì họ là công-trình của Ngài“.

 

Tôi nghĩ chúng ta không nên tự trách mình quá đáng. Cả ở Pháp, Tây-ban-nha, Ý và cả Anh cũng có những trào-lưu bài Ki-tô giáo, nếu muốn nói như thế, và cũng đầy những vấn-đề nội-bộ giáo-hội nổi cộm của họ. Dĩ-nhiên Đức có gánh nặng lịch-sử riêng, gánh này đè rất nặng kể từ 1933/1945. Có gì đặc-biệt ở dân-tộc ta khiến nên nông-nỗi này, câu hỏi thật đáng cho ta suy-nghĩ.

Tôi nghĩ những đức-tính của người Đức và những nguy-hiểm của chúng có liên-hệ chặt-chẽ với nhau. Một đàng chúng ta là một dân-tộc chuộng kỉ-luật, năng-xuất, cần-cù, đúng giờ và nhờ đó quả thực chúng ta đã làm nên chuyện, ngày nay lại trở thành lực-lượng kinh-tế mạnh nhất Âu châu, có đơn-vị tiền-tệ vững nhất. Nhưng những điểm đó cũng đã dễ-dàng đưa ta đến tự-phụ và suy-nghĩ một chiều đề-cao hiệu-năng, lao-động, sản-xuất và kỉ-luật; và vì thế làm thui-chột đi những chiều-kích khác của cuộc sống. Chúng cũng có thể nhiều khi làm ta kiêu-căng đối với các dân-tộc khác, đến độ cho rằng chỉ cái gì là Đức mới thực-sự tốt, những người khác là « loại cẩu-thả » v.v.. Cơn cám-dỗ kiêu-căng và đề-cao hiệu-năng một chiều rõ-ràng đã thành nếp trong lịch-sử Đức, đặc-biệt lịch-sử hiện-đại của Đức, cần phải ý-thức để đương-đầu.

 

Rõ-ràng không phải chỉ có trong lịch-sử hiện-đại. Nhà văn Stephan Zweig đã một lần thử nhận-diện bản-tính quốc-gia và lòng đạo của dân Đức qua hai khuôn mặt Erasmus thành Rotterdam và Luther. Và ông viết: "Thật hiếm khi vận-mệnh thế-giới tạo nên hai khuôn mặt hoàn-toàn trái ngược nhau như Erasmus và Luther". Theo tác giả thì đây là hoà-giải chống quá-khích, lí-trí chống đam-mê, văn-hoá chống thô-lỗ, thế-giới mở rộng chống quốc-gia hẹp-hòi, tiến-hoá chống cách-mạng. Ông cho rằng Luther là người "mị-dân và quá-khích trong mọi vấn-đề". Những tình-cảm bị đè-nén của một dân-tộc nằm trong tay một người tài-ba nhưng quá-khích và hay gây-sự, "toàn-bộ ý-thức quốc-gia Đức hăm-hở vùng lên với tinh-thần cách-mạng chống lại tất-cả những gì có hơi-hám Welsch* và hoàng-đế, chống giáo-sĩ, bài ngoại, một nhiệt-tình mờ-ám nhuốm màu xã-hội và tôn-giáo".

 

Thế-kỉ Cải-cách đã khoác cho nước Đức một diện-mạo mới và cũng đã định hình phần nào cho lịch-sử tương-lai của nước này. Việc đối-chiếu Luther với Erasmus quả lí-thú, nhưng có lẽ nó hơi một chiều. Nên nhớ rằng Erasmus là một người rụt-rè thiếu cả-quyết và thiếu lập-trường rõ-ràng. Điểm này làm ông chắc-chắn khác xa Luther. Cũng vì thiếu lập-trường nên ông bị phía Công giáo chê-trách kịch-liệt. Erasmus đã dùng cung-cách mà ngày nay chúng ta gọi là hàn-lâm để cố tránh-né mọi quyết-định. Dùng cách đó để lờ đi cái thảm-kịch nhân loại là điều dĩ-nhiên không chỉnh. Nhìn như thế thì không hẳn Erasmus là con người có tư-cách trong-sáng và Luther trái lại có tư-cách tăm-tối, cả hai đều có vấn-đề. Dĩ-nhiên chúng ta cũng phải đặt câu hỏi là qua Cải-cách những điểm mập-mờ nào đã nhập vào tính-tính người Đức ; theo công-tâm thì câu hỏi này phải gắn liền với câu hỏi : Công giáo đã đem đến cho ta những vấn-đề gì. Đây là điểm khiến nước Đức có trách-nhiệm rất đặc-biệt trong vấn-đề đối-thoại đại-kết. Chúng ta không nên dấu-diếm những cái dở - bên cạnh nhiều cái tốt - do Luther mang vào lịch-sử Đức, nhưng không phải từ đó mà được phép tự đề-cao và tranh-biện một chiều.

 

Trong các cuộc tranh-luận với Giáo-hội hiện nay, rõ-ràng càng ngày người ta càng ít đề-cập tới nội-dung đức tin, tới những đòi-hỏi của tôn-giáo. Mà cũng lạ nữa là các đề-tài xã-hội, nghèo-đói, bần-cùng-hoá, bóc-lột cũng ít được nói tới. Ngài đã có lần nói lên nghi-ngờ về chuyện quá nhiều người đòi-hỏi Giáo-hội phải chạy theo dư-luận hiện-hành, phải chiều theo lối sống dễ-dãi hẹp-hòi của con người thời-đại đang lặn-hụp trong chán-chường buồn-tẻ.

 

Cứ nhìn vào dư-luận chung thì điều đó đúng. Nhưng có lẽ ta nên mở rộng vấn-đề và nói rằng, nhìn chung, trong các cuộc tranh-luận nội-bộ Giáo-hội, xem ra chúng ta cứ tiếp-tục bám chặt vào một số đề-tài mà bỏ quên đi những thách-đố lớn của thời-đại. Bất cứ đến đâu, trong các cuộc họp giáo-phận hay bất cứ một buổi họp nào khác người ta đều biết trước những câu hỏi sẽ được đặt ra : độc thân linh-mục, truyền chức cho nữ-giới và tái-hôn sau khi li-dị. Dĩ-nhiên đó là những vấn-đề nghiêm-trọng. Nhưng xem ra Giáo-hội cứ luẩn-quẩn với mấy câu chuyện cố-định của chính mình. Người ta quá ít để ý rằng ngoài Giáo-hội có 80% nhân loại không phải là ki-tô-hữu, họ đang chờ được nghe Tin-mừng hoặc là Tin-mừng cũng được dành cho họ. Chúng ta không nên liên-tục tự dày-vò với những chuyện riêng-tư của chúng ta, trái lại nên suy-nghĩ xem ki-tô-hữu chúng ta ngày nay có thể diễn-tả niềm tin của chúng ta ra sao cho thế-giới và có thể nói với họ điều gì.

Trong ý-thức Giáo-hội, ít là tại Đức, đang có sự co-cụm ghê-gớm. Chúng ta chỉ nhìn mình, chỉ luẩn-quẩn nghĩ đến chính mình, chỉ biết than thân và tự ủi-an, muốn xây-dựng một Giáo-hội tươi-đẹp mà không hiểu rằng Giáo-hội hiện-diện không phải là vì chính nó, rằng chúng ta được kí-thác một Lời, Lời đó phải được loan ra cho thế-giới và Lời đó phải được lắng-nghe, Lời đó có thể trao tặng cho thế-giới một cái gì. Chúng ta đã quên mất nhiệm-vụ của mình.

 

Phải chăng Vatican đã không quan-tâm tới những diễn-biến ở Đức? Người ta có cảm-tưởng Rôma đã không hiểu thấu cái biến-chuyển đáng ngại đó.

 

Đúng là trong giáo-triều xưa nay có truyền-thống ít dùng tiếng Đức. Người ta thường dùng các ngôn-ngữ la-tinh, nay thêm tiếng Anh. Không thấy nói tiếng Đức. Tuy nhiên ngày nay không thể bỏ qua tiếng Đức và người Đức ở Rôma. Cũng có thể là vì Rôma khó nắm-bắt được toàn-bộ cái đặc-thù của Đức, bởi nó thường gắn liền với những lí-thuyết hàn-lâm tối-tăm, thật khó hiểu cho những ai không sống trong không-khí văn-hoá ấy. Bởi thế việc đối-thoại với Đức không trôi-chảy lắm. Tuy nhiên tôi nghĩ không vội phản-ứng cũng có lợi điểm của nó. Dù thế, tôi nghĩ phải tăng-cường đối-thoại với Hội-đồng giám-mục Đức.

 

Cuộc khủng-hoảng hiện tại của Giáo-hội mang tầm quan-trọng nào? Có phải đấy là thử-thách lớn nhất từ xưa tới nay? Và cuộc khủng-hoảng này có ý-nghĩa gì đối với thế-giới? Chính ngài một lần đã nói, nếu Giáo-hội biến mất thì một cơn địa-chấn tinh-thần sẽ xẩy ra mà mức-độ kinh-hoàng của nó không thể nào mường-tượng nổi.

 

Trả lời cho câu hỏi thứ nhất: Tôi không biết. Chỉ biết chắc-chắn đây là một trong những thử-thách rất lớn. Nhưng Giáo-hội cổ-thời cũng đã trải qua hai thử-thách rất nặng-nề. Lần đầu do phái Ngộ-đạo (Gnosis) tạo ra, khi họ biến phụng-vụ và đức tin trong Giáo-hội dần thành các ý-hệ, thần-thoại và ảnh-tượng; tiến-trình đó có vẻ âm-thầm từng bước lây lan ra khắp Giáo-hội. Ngày nay đọc lại lịch-sử, người ta nghĩ rằng thời đó có hai phe, bên này là các nhà Ngộ-đạo và phía kia là các giáo-phụ. Nhưng không phải như vậy, mà cả hai đã hoàn-toàn hoà-nhập với nhau và đã phải mất rất nhiều thời-gian mới làm sáng-tỏ được vấn-đề. Lúc đó cũng đã có nỗ-lực vứt bỏ Kinh thánh Cựu-ước – nỗ-lực này rất dễ hiểu và hấp-dẫn – để chỉ còn qui về mỗi Phao-lô  mà thôi. Tóm lại, đó là những phong-trào Tự giác-ngộ vô cùng phức-tạp. Đã thế, quá lắm là vào giai-đoạn ban đầu, đã có một giáo-quyền trung-ương và lẽ ra giáo-quyền này đã giải-quyết ổn-thoả chuyện đó. Nhưng khủng-hoảng chỉ được giải-quyết trong nội-bộ từng bước một. Cũng may, chứ nếu không thì Giáo-hội đã mang một bộ mặt khác rồi. Tôi nghĩ đấy là một khủng-hoảng lớn, xẩy ra vào buổi bình-minh của Giáo-hội, giai-đoạn mà Giáo-hội đang bắt đầu tự hình thành.

Khủng-hoảng thứ hai, tuy không trầm-trọng và lớn như lần trước, nhưng cũng là một thử-thách nặng-nề. Đó là thách-đố do phái Arius* gây ra, được Hoàng-đế đôi lúc hỗ-trợ hết mình, bởi vì quan-điểm Arius dễ hợp với lối nghĩ thịnh-hành thời đó. Mô-hình của phái này là : Có một Thiên Chúa và sau đó có đức Ki-tô – vị này giống như Thiên-chúa. Quan-niệm quả rất dễ hiểu. Cả bộ máy nhà-nước ra sức vận-động cho quan-điểm đó. Hàng loạt giám-mục, hàng loạt đại-hội, đã ngã theo nó. Cuối cùng mọi dân-tộc gốc German* đều theo Arius, đến độ toàn-thể thế-giới cũ, tức các dân-tộc Roman* là Công giáo và thế-giới mới, tức giống dân German, theo phái Arius. Qua đó người ta tưởng có thể dễ-dàng nhận ra cái gọi là mới và tương-lai hướng về đâu.

Tôi nghĩ, cuộc khủng-hoảng trong thế-kỉ 16 (phân-rẽ Tin-lành và Công giáo) cũng nặng-nề, dù rằng nó đã không đánh nhiều vào cội-rễ đức tin, bởi vì hai bên vẫn chấp-nhận những điều tuyên-xưng trong kinh Tin-kính. Nhưng các rối-loạn nội-bộ Giáo-hội thì rất lớn, hơn nữa Tin-lành ngay sau đó lại chia năm sẻ bảy, một phần trong đó là những phong-trào quá-khích.

Nhìn như thế thì khủng-hoảng hiện nay có lẽ không phải là thử-thách lớn nhất từ xưa tới nay, song nó cũng là một khủng-hoảng lớn đánh vào cội-rễ (niềm tin).

 

 

Các nguyên-nhân suy-tàn

 

 

Tại sao khủng-hoảng của Giáo-hội lại có thể trở nên nghiêm-trọng đến thế? Tôi muốn hỏi về những nguyên-nhân, rất có-thể phải tìm từ bên ngoài Giáo-hội?

 

Kể từ thời Ánh-sáng đã hình thành một phong-trào lớn coi Giáo-hội là lỗi thời. Lối suy-nghĩ tân-thời càng mạnh thì khuynh-hướng này càng trở nên cực-đoan. Dù trong thế-kỉ 19 có những trào-lưu quay ngược lại, song nhìn chung, phong-trào chống Giáo-hội vẫn tiếp-tục đi lên. Những gì chứng-minh được bằng khoa-học đã trở thành chuẩn-mực tối cao. Vì thế, thế-giới tân-thời đã đề ra một chỉ-thị - rất rõ nét nơi nhà thần-học Bultmann – mang tính-cách cực-kì giáo-điều và loại-trừ mọi tác-động của Chúa vào trần-thế cũng như mọi phép lạ và mạc-khải. Theo đó, con người có thể có tôn-giáo, nhưng tôn-giáo là chuyện chủ-quan và vì thế không mang nội-dung khách-quan, không mang tính giáo-điều bó-buộc cho mọi người; cũng thế, tín-điều là thứ gì mâu-thuẫn với lí-trí con người. Giáo-hội đang đứng trước cơn gió chướng lịch-sử đó - nếu muốn nói như thế - và cơn gió đó vẫn thổi không ngừng.

Nhưng quan-điểm cực-đoan của thời Ánh-sáng cũng không tránh khỏi một chiều, vì một tôn-giáo, khi bị hạn-chế vào cái thuần-túy chủ-quan, sẽ mất sức sáng-tạo, mà chỉ còn là chủ-thể tự xác-định chính mình. Cái lí-trí thuần-tuý bị giới-hạn bởi khoa-học thực-nghiệm cũng không thể trả lời được những câu hỏi cơ-bản: Ta từ đâu tới, tôi là ai, tôi làm sao để sống cho ra sống, tôi sinh ra đời để làm gì? Những câu hỏi đó nằm trên một bình-diện khác ngoài lí-trí. Và cũng không thể để mặc cho chủ-quan thuần-tuý hoặc sự phi-lí trả lời những câu hỏi đó. Vì vậy, trước mắt, Giáo-hội sẽ chẳng còn đơn-giản là mẫu sống cho cả một xã-hội; trong tương-lai gần, sẽ không có một thời Trung-cổ* nữa. Giáo-hội sẽ luôn là một phong-trào bổ-túc, nếu không nói là luồng gió chướng chống lại vũ-trụ-quan hiện-hành, nhưng đồng thời Giáo-hội sẽ luôn chứng-tỏ vai-trò cần-thiết và có lí của mình, nhìn dưới con mắt người đời.

Vào cuối thời Ánh-sáng, trước cuộc cách-mạng Pháp, người ta cũng đã hô: này là lúc Giáo-chủ, Đạt-lai Lạt-ma của thế-giới Ki-tô giáo, phải biến đi, để cho thời-đại lí-trí bắt đầu. Quả thật ngài đã vắng đi trong thời-gian ngắn khi lưu-đày ở Pháp. Nhưng ngai vị giáo-chủ trong thế-kỉ 19 đã mạnh hơn như chưa bao giờ thấy. Và Ki-tô giáo thế-kỉ 19 dù không có sức mạnh và bộ mặt của thời Trung-cổ, nhưng đã trở nên đẹp hơn rất nhiều qua các công-tác xã-hội vĩ-đại đem lại những hậu-quả lớn-lao.  Trong nhãn-quan đó, sẽ luôn tồn-tại hai trào-lưu và lực mạnh, biệt-lập nhau, nhưng luôn phải tìm đến nhau. Hoàn-cảnh mới của thế-giới làm đức tin thêm phức-tạp và quyết-định tin Chúa có tính-cách cá-nhân hơn và khó-khăn hơn, nhưng hoàn-cảnh đó không thể bỏ qua Giáo-hội, coi nó như đồ cổ được.

 

Ngày nay Giáo­-hội có thêm nhiều đối-thủ cạnh-tranh, người ta so-sánh cân-nhắc và tìm những nơi nương-tựa mới. Đối với những thế-hệ trước đây có lẽ việc duy-trì sức mạnh niềm tin dễ-dàng hơn, vì họ coi đạo của họ là đạo của tiền nhân, đã được thử-thách, không cần thắc-mắc thêm. Ngày nay một nỗi dè-dặt tận nền-tảng đã nhập vào mối tương-quan này. Một loại tín-điều thời mới và trần-tục xuất-hiện, cho là Giáo-hội đặt nền trên sự áp-bức và quyền-hành. Ngày nay con người được khai-hoá và nhà-nước được tục-hoá, vậy ngôi sao Giáo-hội bắt đầu lặn đi là điều hoàn-toàn hợp lí.

 

Ở đây tôi muốn nói hai điều: Trước hết, kinh-nghiệm trong các hệ-thống áp-bức cho thấy rằng Giáo-hội không để bị đồng-hoá vào một vũ-trụ quan nhất-thống, vẫn tồn-tại như một đối-lực và là một cộng-đồng hoàn-vũ, một sức mạnh chống lại sự áp-bức. Chưa thời nào cho thấy Giáo-hội tạo được một lực đối-kháng chống lại mọi guồng máy thế-tục, chính-trị và kinh-tế áp-bức như trong thế-kỉ 20 này. Nó cung-ứng cho con người một không-gian tự-do và dựng rào cản cuối cùng chống lại đàn-áp. Các vị tử-đạo đã luôn nêu gương chịu-đựng những thử-thách đó vì tha-nhân. Giáo-hội là một yếu-tố của tự-do, điều này thấy rõ ở Đông Âu cũng như ở Trung-quốc, nhưng cũng cả ở Nam Mỹ và Phi châu. Giáo-hội là một thành-tố của tự-do, chính vì Giáo-hội có hình-thức cộng-đoàn, nghĩa là có sự nối-kết cộng-đoàn với nhau. Bởi thế, nếu tôi đứng lên chống lại độc-tài, tôi không chỉ hành-động với tính-cách cá-nhân, mà còn làm vì một lực bên trong vượt trên cái tôi riêng-tư và cái chủ-quan của tôi.

Điều thứ hai. Có một ý-thức hệ cho rằng mọi chuyện trên đời đều qui về thái-độ quyền-lực. Ý-hệ này đang làm hỏng nhân loại và phá-hoại Giáo-hội. Lấy một thí-dụ cụ-thể: Nếu tôi nhìn Giáo-hội dưới khía-cạnh quyền-lực, thì bất cứ ai không có chức-phận đều là kẻ bị đàn-áp. Từ đó suy ra thì việc truyền chức cho phụ-nữ, chẳng hạn, trở thành một vấn-nạn nóng-bỏng, vì nó là chuyện quyền-lực, cần phải có chức phẩm để có quyền. Tôi nghĩ ý-hệ nhìn đâu cũng nghi có dính-dáng tới quyền-lực đang phá vỡ sự đoàn-kết không những trong Giáo-hội mà của cả cuộc sống con người. Nó còn đưa tới một lối nhìn hoàn-toàn sai, rằng quyền-lực là mục-tiêu tối-hậu trong Giáo-hội; rằng quyền-lực là yếu-tố duy-nhất cắt-nghĩa cho sự hình thành và tồn-tại của thế-giới, của cộng-đồng. Chúng ta không  hiện-diện trong Giáo-hội để thi-thố quyền-lực trong một tổ-chức. Nếu việc tham-gia Giáo-hội có một ý-nghĩa, thì đó chỉ vì nó cho ta sự sống đời-đời và một cuộc sống chân-chính đích-thực. Mọi thứ khác đều là thứ yếu. Nếu không phải thế thì cả cái "quyền-lực" trong cái « hội » Công giáo cũng chỉ là thứ tuồng chèo hoàn-toàn phi lí. Tôi nghĩ chúng ta phải thoát ra khỏi ý-hệ quyền-lực và sự giản-lược này, nó thoát-thai từ thái-độ nghi-ngờ của chủ-nghĩa mác-xít.

 

Giáo-hội đã tạo ra vô số những cấm-đoán, như một loại luật-lệ giao-thông, để điều-tiết vận-tốc cuộc sống. Trong khi đó Đợt sống mới (Lifestyle) thì lại ra hiệu cho ta tại các ngã tư đường : « Mày được phép nhấn ga, tăng tốc ». Trong cơn say cảm-giác khoái-lạc vội-vã này tôn-giáo chỉ còn được xã-hội chấp-nhận như một giấc mơ hạnh-phúc không có khổ-đau, như một phù-thủy huyền-bí. Có lẽ Giáo-hội đã bị chỉ-trích nặng-nề và đã không lợi-dụng được luồng sóng tâm-linh này vì Giáo-hội đưa ra đòi-hỏi, vì Giáo-hội nói tới tội-lỗi, khổ-đau, phải sống sao cho công-chính.

Chỉ cần một thí-dụ cho tương-quan lạ-lùng đó: Trên bình-diện quốc-gia, mỗi khi hành-động phạm pháp gia-tăng và xã-hội cảm thấy an-ninh bị đe-doạ thì người ta đòi phải ra thêm luật. Đối với Giáo-hội thì ngược lại, người ta đòi phải thả lỏng thêm, dù rằng luật giáo-hội chỉ có tính-cách luân-lí.

 

Trong cái nhìn về thế-giới hôm nay có hai tư-tưởng đã trở thành chỉ-đạo, đó là tự-chủ và chống quyền-bính. Hai tư-tưởng này trổi-vượt không kém quan-điểm quyền-lực trên đây. Cả hai hoà-quyện làm một với nhau tác-động thực-sự lên cuộc sống cộng-đoàn của con người. Hậu-quả thật rõ-ràng: Khi một chủ-thể tự-chủ có tiếng nói quyết-định tối-hậu, thì đương-nhiên nó sẽ có thể muốn mọi sự. Nó sẽ muốn ôm tối-đa những gì có thể vơ vào trong cuộc sống. Tôi nghĩ đó là vấn-nạn rất lớn cho cuộc sống hôm nay. Người ta nói, cuộc sống quá phức-tạp và ngắn-ngủi, nên tôi phải bằng mọi cách hưởng-thụ tối đa, không ai được cản-ngăn tôi. Trước hết, tôi phải giật cho được cái phần của tôi trong cuộc sống, phải có thể thực-hiện được chính cái tôi và không ai được phép dây mình vào đó. Ai cản tôi trong việc chiếm-hữu cuộc sống, kẻ đó là thù của tôi.

Các tài-liệu của hai hội-nghị liên-hiệp-quốc ở Cairô và Bắc-kinh hé cho ta thấy cái vũ-trụ-quan trên. Con người ở đây được quan-niệm hoàn-toàn như một cá-thể, nó chỉ là mình nó thôi. Mối tương-giao giúp con người trở thành người đã bị tước-đoạt. Con người ngày nay đòi tự mình quyết-định cho chính mình, đòi chiếm-hữu tối-đa cuộc đời bằng mọi cách, và không muốn để cho ai cản-ngăn cả. Quan-niệm như thế thì dĩ nhiên câu "Mày không được làm thế" - "Mày phải tuân-phục những mực-thước bên ngoài mày nữa" trở thành một thứ đòn tấn-công từ ngoài và con người tìm cách chống lại. Rốt cuộc ở đây lại nổi lên câu hỏi căn-bản cần thảo-luận: Con người làm sao để hạnh-phúc? Nó phải sống ra sao cho phải lẽ? Có thật nó sẽ hạnh-phúc khi chỉ có nó được phép, khi chỉ có nó là chuẩn-mực cho chính nó?

Mới đây tôi có nói chuyện với bạn-bè về chuyện dân vùng Fracasti này đang bước vào mùa tỉa nho. Nho chỉ cho trái nhiều khi chúng được tỉa cành mỗi năm. Việc tỉa cành như thế là điều-kiện đem lại thu-hoạch cao. Qua Tin-mừng Gio-an đoạn 15 ta thấy rõ sự so-sánh hình-ảnh này với đời sống con người và cộng-đồng Giáo-hội. Không có can-đảm tỉa, nho mọc chỉ toàn lá. Nếu áp-dụng hình-ảnh đó cho Giáo-hội thì rồi chỉ có giấy và giấy, chẳng sự sống nào nảy-sinh được. Nhưng ta hãy lấy lại lời của đức Kitô, Ngài nói : Quả thật, nếu ngươi cho rằng, ngươi phải chiếm-hữu chính ngươi và ngươi tự bảo-vệ ngươi, thì ngươi tự làm ngươi hư-hỏng. Bởi ngươi không được tạo nên như một hòn đảo cho riêng mình, chỉ tựa trên chính mình, nhưng ngươi được dựng nên để yêu, để cho, để từ-bỏ, để bị tỉa cái tôi của ngươi đi. Chỉ khi ngươi từ-bỏ, chịu để mất cái tôi của ngươi như đức Ki-tô nói, lúc đó ngươi mới được sống.

Quyết-định nền-tảng này phải được nêu lên rõ-ràng, nó được gắn liền với tự-do con người. Nhưng cũng cần phải ý-thức rõ rằng sống mà chỉ yêu-sách không thôi là một công-thức sống sai-lầm. Chối-bỏ khổ-đau và chối-bỏ tính thụ-tạo, nghĩa là không chấp-nhận một mực-thước trên đầu mình, rốt cuộc là chối-bỏ chính tình yêu và điều này sẽ huỷ-hoại con người. Bởi nhờ chấp-nhận đòi-hỏi, chịu để cắt tỉa, con người mới có thể trưởng-thành và đơm hoa kết trái.

Một điểm thường gặp nơi giới trẻ là họ cảm-thấy họ bị yêu-sách quá ít. Việc họ gia-nhập các giáo-phái cực-đoan phần nào có thể giải-thích là họ đi tìm sự an-toàn, muốn được đùm-bọc; nhưng mặt khác cũng có nghĩa là họ muốn được đòi-hỏi. Đâu đó ẩn-tàng trong mỗi con người cái nhu-cầu nó biết chắc: Tôi cần được đòi-hỏi, tôi muốn nâng tôi lên một mức cao hơn nữa, tôi muốn tự cho đi và học chấp-nhận bị mất-mát.

 

Sự bất đồng giữa đức tin và xã-hội cũng bởi tại xã-hội ngày nay tìm cách khảo-xét xem Giáo-hội, lịch-sử Giáo-hội và giáo-huấn Giáo-hội có còn khả-tín không. Việc làm đó có ngược đời không?

 

Chẳng ngược đời gì, nếu người ta cố-gắng đạt tới một sự hiểu-biết thấu-đáo nào đó về đức tin. Ngay từ đầu đó cũng là một phần của việc rao-giảng thông-điệp Ki-tô giáo. Đức tin đã chỉ đi vào được trần-thế qua các nhà truyền giáo, vì người ta có thể hiểu được nó và thấy nó rõ-ràng. Phao-lô  đã có thể giảng trong các đền thờ không chỉ cho những người Do-thái mà cả cho những kẻ gọi là biết kính-sợ Thiên-chúa, nghĩa là những người ngoại nhưng đã nhận ra Thiên Chúa thật trong tôn-giáo độc-thần Do-thái. Ngài đã soi-sáng họ bằng luận-chứng rằng chỉ với đức Ki-tô thì đạo Do-thái và các tôn-giáo độc-thần có ảnh-hưởng từ Do-thái giáo mới đạt được sự hợp lí. Xem như thế thì cố-gắng của Ki-tô giáo làm cho câu trả lời trở nên sáng-tỏ quả là căn-bản. Tuy nhiên, nếu hiểu ý-niệm khả-tín một cách quá hẹp, đến độ chỉ giữ lại những gì trong Ki-tô giáo phù-hợp với những tập-quán hiện thời của ta trong cuộc sống, thì như thế là ta quá coi nhẹ Ki-tô giáo và chính chúng cũng không còn giá-trị gì.

 

 

Những sai-lầm của Giáo-hội

 

 

Hồng-y König đã có lần nhận-định về hiện-tình Giáo-hội hoàn-vũ như sau: „Xét cho cùng, đây là một tiến-trình kéo dài cả thế-kỉ, dẫn đến sự phân-li giữa Giáo-hội và thế-giới. Đây là sự sai-biệt lớn dần giữa tình-trạng ý-thức của con người thời-đại và giáo-lí Ki-tô giáo ». Và ngài tiếp: „Chính Giáo-hội cũng phải biết phê-bình tự hỏi, đâu là phần lỗi của mình trong việc bế-tắc cảm-thông đó, để tìm cách khắc-phục“.

 

Rõ-ràng có sự bế-tắc cảm-thông, như Hồng-y König nói, và tôi nghĩ Giáo-hội chắc-chắn cũng có phần lỗi. Một đàng vì chúng tôi đã không tìm được ngôn-ngữ phù-hợp với nhận-thức thời nay. Có lẽ chúng ta sẽ bàn sau về những ý-niệm như tội tổ-tông, ơn cứu-chuộc, tội-lỗi, sám-hối v.v. đó là những từ nói lên một sự thật, nhưng trong ngôn-ngữ hiện-đại chúng không còn ý-nghĩa gì nữa đối với đa-số tín-hữu. Làm thế nào để ý-nghĩa những ý-niệm này lọt tai thiên-hạ được là bổn-phận hiển-nhiên phải lưu-ý của chúng tôi. Tuy nhiên, điều đó có thể thành-công chỉ khi nào chính chúng tôi sống những ý-niệm đó từ nội-tâm. Có sống những ý-niệm này thì mới hiểu và mới có thể diễn-tả ra được. Tôi cũng cần nói thêm, là truyền-thông về Ki-tô giáo chưa bao giờ là một truyền-thông chỉ để mà hiểu. Nó bao-trùm toàn-thể con người và tôi chỉ hiểu được nó khi tôi gia-nhập cộng-đoàn những kẻ đồng-hành. Như thế có hai đòi-hỏi: Trước hết là sống Ki-tô giáo thực-sự và nhờ đó hiểu-biết nó, thêm vào đó là tạo được cách diễn-tả mới qua cuộc sống thiết-thực trong cộng-đoàn những người đồng-hành.

 

Dư-luận thường nhìn Giáo-hội như một thẩm-quyền đe-doạ, chai-cứng. Tại sao giáo-quyền lại khắt-khe như thế? Lẽ ra Mẹ giáo-hội phải dịu-dàng với con-cái hơn chứ?

 

Đúng, nhiều người coi giáo-huấn Giáo-hội rốt cuộc chỉ là một chuỗi những cấm-đoán luân-lí – đặc-biệt trong lĩnh-vực tính-dục – và vì thế họ có cảm-tưởng Giáo-hội chỉ kết-án và o-ép cuộc sống mà thôi. Có lẽ cũng tại vì chúng tôi đã lắm lúc lắm lời trong lãnh-vực này, và lời nói nhiều khi không đi đôi với sự thật và tình yêu. Nhưng tôi nghĩ một phần nữa cũng tại việc chọn đề-tài của truyền-thông. Bởi những cấm-đoán như thế là những tin-tức dễ ăn-khách và dễ hiểu. Nếu như thay vào đó người ta luận-bàn về Chúa, về đức Ki-tô hay về quá nhiều những điều căn-bản trong đức tin thì những đề-tài này có thể lại quá xa-lạ với ngôn-ngữ thế-tục, có thể khó mà tiếp-thu được. Vì thế, thay vì ngồi đó trách-cứ truyền-thông, Giáo-hội phải tự hỏi mình có thể trình-bày thế nào với dư-luận cho đúng mức. Khi rao-giảng cái cốt-lõi của đức tin, những chi-tiết riêng-rẽ sẽ được đặt đúng trong tương-quan với nhau, lúc đó những cấm-đoán nêu lên cũng có chỗ đứng trong một toàn-cảnh rộng lớn hơn và tích-cực hơn. Nhưng khi muốn đưa hết mọi thứ ra cho dư-luận biết, thì sự quân-bình sẽ mất. Vì thế Giáo-hội cần cân-nhắc nội-dung thông-đạt nội-bộ về giáo-lí chung với những gì muốn đưa ra bên ngoài, nơi nội-dung thông-tin của mình chỉ được thiên-hạ chọn-lọc tiếp-nhận một phần mà thôi.

 

Dư-luận nhiều khi có cảm-tưởng Giáo-hội chỉ biết phản-ứng cố-chấp, nghiêm-khắc viện vào các giới-răn và tin rằng Chúa không để Giáo-hội sụp-đổ. Chung-quanh Giáo-hội là thế-giới linh-động, nhưng Giáo-hội xem ra không có khả-năng thay-đổi lối suy-tư, cứ khư-khư bảo-vệ quan-điểm mình. Giáo-hội tỏ ra không có bộ mặt cực-đoan, nhưng có vẻ thiếu uyển-chuyển, đóng khung kiên-cố như một pháo-đài. Sứ-điệp của Giáo-hội vì thế trống-rỗng.

 

Mỗi quốc-gia dân-tộc đương nhiên có cái nhìn rất khác nhau. Dưới thời áp-bức cộng-sản, người có đức tin, kể cả những kẻ không tin và người đang trên đường tìm đến đức tin như Vaclav Havel* chẳng hạn, có cái nhìn hoàn-toàn khác. Họ thực-sự thấy Giáo-hội rao-truyền sứ-điệp tự-do, coi Giáo-hội là một đối-lực chống lại độc-tài, coi đó là một nguồn lực có thể cung-cấp một cái gì đó cho cả kẻ không tin và giúp họ vững tin rằng những chế-độ độc-tài toàn-trị sẽ không bao giờ hoàn-toàn làm chủ được tình-hình.

Cả ở châu Phi, nơi Giáo-hội, dưới nhiều hình-thức, thường đụng-độ với nhà-nước và với tham-nhũng là quốc-nạn lớn của châu lục này, người ta không có cảm-tưởng Giáo-hội chỉ biết khư-khư bảo-vệ mình, nhưng đó là một lực năng-động, sẵn-sàng bảo-vệ cho cả các nước thuộc thế-giới đệ-tam và luôn đưa ra sáng-kiến giải-quyết tình-hình. Họ thấy Giáo-hội không chủ-trương một chính-sách viện-trợ phát-triển chỉ dựa trên vật-chất, song luôn hỗ-trợ những nỗ-lực trao-đổi sinh-động. Cả Nam Mĩ cũng có cái nhìn hoàn-toàn khác. Như vậy, Giáo-hội có thực-sự là một sức đẩy giúp tiến tới hay không, cái này tuỳ nơi sự cảm-nhận của mỗi nước. Sở dĩ Đức, một nước nằm ở Trung Âu, xem Giáo-hội chỉ là lực cản của tiến-bộ và chỉ biết lo bảo-vệ chính mình, theo tôi, phải nhìn ngược lại, là vì người ta không muốn Giáo-hội lên tiếng chống lại nhiều cái ta coi là thoải-mái và thích-hợp.

 

Giáo-chủ Gio-an Phao-lô  II kêu gọi: Đừng chạy theo thế-gian. Nhưng phải chăng chính cả Giáo-hội cũng chạy theo hơn ai hết. Xem ra Giáo-hội bị dính chặt với dinh-thự, đầu-tư nhiều tiền-bạc, thời-gian và công-sức vào chuyện bảo-trì nhà-cửa của mình. Lẽ ra thay vì thế Giáo-hội phải giúp người ta hiểu rõ hơn đâu là những ơn-ích cứu-rỗi của Giáo-hội.

 

Tôi đồng ý với ông. Khả-năng cố-chấp là một yếu-tố rất mạnh kể cả trong Giáo-hội. Vì thế Giáo-hội có khuynh-hướng không muốn nhả ra cái tài-sản hay địa-vị đã đạt được. Khả-năng tự giới-hạn và tự cắt-tỉa chưa phát-triển đúng hướng. Tôi nghĩ đây cũng chính là vấn-nạn của nước Đức. Chúng ta có quá nhiều định-chế hơn là nhân-sự thấm-nhuần tinh-thần giáo-hội để điều-hành. Chính vì bám chặt vào guồng máy kồng-kềnh nhưng trống rỗng bên trong này mà Giáo-hội mất uy-tín. Từ đó nẩy-sinh ấn-tượng là trong một bệnh-viện hay trường học chẳng-hạn, những người không một chút gì gắn-bó với Giáo-hội cũng bị ép hành-xử theo đường-hướng Giáo-hội, chỉ vì Giáo-hội làm chủ những cơ-sở này và có quyền định-đoạt. Đây là điểm ta cần xét mình thực-sự. Nhưng tiếc thay lịch-sử vẫn luôn cho thấy là Giáo-hội không có khả-năng tự mình giũ bỏ được của-cải, mà luôn bị người ta tước-đoạt đi và sự tước-đoạt này rốt cuộc lại trở thành ơn-ích cho Giáo-hội.

Tuy-nhiên cũng có trường-hợp hơi khác; tôi nghĩ tới vụ phân-cách giữa nhà-nước và Giáo-hội Pháp dưới thời giáo-chủ Pi-ô X, nghĩa là vào đầu thế-kỉ 20. Thời đó, nhà-nước Pháp đề-nghị một mô-thức cho phép Giáo-hội tiếp-tục sở-hữu tài-sản, nhưng phải đặt dưới quyền kiểm-soát của nhà-nước. Về sự-kiện này, Pi-ô X tuyên-bố: Tài-sản tinh-thần của Giáo-hội quý hơn tài-sản vật-chất . Chúng ta bỏ tài-sản vật-chất, vì chúng ta phải bảo-vệ gia-sản tinh-thần. Tôi tin đây là một câu nói quan-trọng, đáng cho ta luôn đem ra suy-gẫm.

 

Tôi tự hỏi, tại sao Giáo-hội không có cách nào hay hơn để truyền-giảng về đạo Chúa cho chúng tôi, những kẻ mù-tịt hoặc chỉ biết sơ-sài về đạo; tại sao Giáo-hội không nói nhiều hơn về cái chiều-kích lớn-lao của Công giáo, về tự-do tư-tưởng, về thứ-tha và bác-ái. Tôi thấy thiếu vắng những nghi-lễ, phong-tục, lễ-hội mà Giáo-hội vẫn hãnh-diện và có kinh-nghiệm cử-hành từ hai ngàn năm nay. Isaac Singer* kể trong một cuốn sách của ông câu chuyện cử-hành lễ mùa truyền-thống của người Do-thái. Vị giáo-trưởng hát lời nguyện trước bữa ăn rồi giảng. Theo Singer, chưa bao giờ có một bài giảng cắt-nghĩa kinh Thora gây phấn-chấn nơi tín-hữu Chassidim* như thế. Vị giáo-trưởng đã vén cho họ thấy những bí-mật thánh. Cuối cùng vào chiều tối, người ta trải một chiếc khăn dùng cho dịp lễ lên bàn và đặt một khoanh bánh mì trên đó, một bình rượu và một cái li bên cạnh. Những người tham-dự có cảm-tưởng chiếc chòi lá* biến thành một căn phòng trong đền thờ. Với chúng ta, những buổi họp mặt ki-tô-hữu lại thường biến thành những cuộc lễ-hội với bia và thịt.

 

Đây cũng lại là chuyện hoà-lẫn giữa Ki-tô giáo và xã-hội và sự hoà-nhập cái tính-chất Ki-tô giáo vào phong-tục và lễ-hội xã-hội, như ta đã nói ở trên. Ở đây, tôi muốn đề-cập một chuyện liên-quan khác. Vị giáo-trưởng chắc-chắn đã không nói điều gì mới, nhưng nghi-thức cử-hành trang-nghiêm và với lòng tin đã làm mới lại những gì ông giảng-giải và làm chúng sống lại trong hiện-tại.

Theo tôi, trong cải-cách phụng-vụ của ta có một khuynh-hướng sai, đó là việc muốn „hội-nhập“ hoàn-toàn phụng-vụ vào thế-giới tân-thời. Nghĩa là phụng-vụ phải ngắn gọn hơn nữa, những yếu-tố được coi là khó hiểu phải được lược bỏ đi; cơ-bản là phải làm sao lồng vào một ngôn-ngữ „thấp“ hơn. Như vậy thì bản-chất phụng-vụ và lễ-nghi phụng-vụ sẽ bị hiểu sai từ căn-bản. Bởi trong phụng-vụ người ta không đơn-thuần hiểu cách thuần lí, như tôi hiểu một bài thuyết-trình, nhưng hiểu bằng nhiều cách, bằng mọi giác-quan và bằng cách hoà-nhập mình vào một cuộc lễ không do uỷ-ban nào bày ra, song từ thẳm sâu muôn ngàn năm hoặc từ muôn đời đang đến với tôi.

Sau khi mất Đền-thánh, Do-thái giáo vẫn bám lấy các ngày lễ và nghi-lễ ở giáo-đường và giữ được sự nối-kết với nhau qua việc cử-hành các buổi lễ lớn được coi như lễ-nghi của Đền-thánh. Lễ-nghi cũng là một cách diễn-tả hình-thức sống chung; không phải nó giúp cho đạo được dễ hiểu một cách hời-hợt bề ngoài, nhưng nó nói lên sự tiếp-nối trọng-đại của lịch-sử đức tin và có thể nói là tượng-trưng cho một sự uỷ quyền không do từ một cá-nhân nào. Linh-mục không phải là nhà hoạt-náo truyền-thông (Showmaster) đang biểu-diễn xuất-sắc một cái gì do ông tự nghĩ ra. Trái lại, ông có thể là một diễn-viên rất tồi, nhưng ông đang đại-diện cho một cái gì hoàn-toàn khác và cái đó hoàn-toàn không tuỳ-thuộc ông.

Dĩ-nhiên phụng-vụ cũng phải dễ hiểu, vì thế lời Chúa phải được đọc lên rõ-ràng và sau đó được cắt-nghĩa, diễn-tả mạch-lạc. Nhưng để hiểu minh-bạch lời Chúa còn có có những lối hiểu khác nữa. Nhất là sự hiểu-biết minh-bạch này không phải là cái do hết uỷ-ban này đến uỷ-ban nọ ở Roma, Paris hay Trier… nặn ra. Trái lại, nó cần có tính-cách liên-tục trọng-đại, tránh mọi hình-thức tuỳ-tiện, qua nó tôi thật-sự tiếp-cận cái vĩnh-cửu, nó nâng tôi lên hoà-nhập vào cộng-đoàn tế-lễ, một cộng-đoàn khác hẳn với cái do các uỷ-ban hoặc ban tổ-chức lễ-hội tự nghĩ ra.

Tôi tin rằng có một thứ chủ-nghĩa giáo-sĩ trị đã định hình, qua đó tôi hiểu hơn về đòi-hỏi truyền chức linh-mục cho phụ-nữ. Người ta coi con người linh-mục là quan-trọng, đòi vị này phải có năng-khiếu và phải thủ-diễn xuất-sắc vai-trò mình; họ coi ông mới thật-sự là trọng-tâm của buổi lễ. Rốt cuộc người ta phải tự hỏi: Tại sao lại phải chỉ là loại người đó? Trái lại, nếu vị linh-mục chịu dấu con người mình đi và chỉ hiện-diện như một đại-diện đơn-thuần thi-hành việc đức tin, thì người ta sẽ không còn tập-chú vào con người của ông nữa, và lúc đó hẳn một cái gì lớn-lao sẽ xuất-hiện. Tôi tin như thế người ta sẽ nhận ra rõ hơn cái lực và sức mạnh của truyền-thống không bị làm méo-mó. Cái đẹp và cái cao-cả của nó sẽ đánh-động cả những tâm-hồn không thể hấp-thụ mọi tiểu-tiết và hiểu chúng bằng lí-trí. Trung-tâm điểm lúc đó chỉ còn là lời Chúa được loan-truyền và diễn-giải.

 

Như vậy, để chống lại tình-trạng cào bằng và phá thiêng đó, cần phải khởi-động lại phụng-vụ cũ?

 

Nếu chỉ có thế thì cũng chẳng giải-quyết được gì. Theo tôi, cần độ-lượng hơn nữa cho những ai muốn duy-trì phụng-vụ cũ. Điều này chẳng có chút gì gọi là nguy-hiểm hay không thể chấp-nhận được. Một cộng-đoàn bỗng dưng cấm ngặt cái mà cho tới lúc đó vẫn được kể là cực thánh và cực cao-cả và coi việc đòi-hỏi những thứ này là bất chính, thì hẳn là có vấn-đề. Vì như vậy còn gì để tin vào cộng-đoàn đó? Có thể mai đây cộng-đoàn đó lại cấm những gì là lệnh của hôm nay? Tuy nhiên, chỉ trở về với cái cũ, như đã nói, cũng không phải là giải-đáp. Từ 30 năm nay văn-hoá chúng ta đã biến-đổi tận căn, khiến việc quay trở lại phụng-vụ toàn bằng tiếng la-tinh sẽ là một cái gì lạ-lẫm không thể thích-ứng nổi đối với nhiều người. Điều chúng ta cần hiện nay là một huấn-luyện mới về phụng-vụ, đặc-biệt cho cả các linh-mục. Phải làm cho người ta hiểu rằng khoa-học phụng-vụ  không nhắm tới việc đưa ra đều-đặn những kiểu-mẫu mới như trong kĩ-nghệ xe hơi. Nhưng mục-đích của nó là dẫn con người vào cuộc lễ, giúp cho con người có thể cảm được cái mầu-nhiệm. Ở điểm này, ta nên học nơi Giáo-hội đông-phương và cả nơi các tôn-giáo hoàn-cầu, vì họ tất-cả đều hiểu rằng phụng-vụ là cái gì khác hơn việc sáng-tạo ra kinh sách và nghi-lễ, là cái gì không thể lạm-dụng được. Tuổi trẻ cảm-nhận điều này rất rõ. Họ đổ nhau về những trung-tâm, nơi phụng-vụ được cử-hành một cách long-trọng và trang-nghiêm không lố-bịch, cho dù họ không hiểu hết những lời họ nghe. Chúng ta cần nhiều trung-tâm như thế. Tiếc thay, chúng ta vô cùng dễ-dãi với những trò chơi phiêu-lưu, nhưng trái lại đối với phụng-vụ cũ chẳng có chút bao-dung nào cả. Chắc-chắn đó là con đường sai.

 

Người ta có thể xác-định được cơn khủng-hoảng của Giáo-hội bắt đầu từ lúc nào không? Đó là hậu-quả của những lỗi-lầm quá-khứ? Phải chăng Giáo-hội đã chồng-chất quá nhiều hành-trang phế-thải, quá nhiều nợ-nần, để bây giờ phải lãnh hậu-quả?

 

Một mặt, dĩ-nhiên là có sự liên-tục lịch-sử, ta không thể tránh-né nó được. Cũng như lịch-sử nước Đức với tất-cả những cái xấu cái tốt có ảnh-hưởng trên mọi thế-hệ, lịch-sử Giáo-hội cũng thế. Câu hỏi đặt ra: Đâu là những gánh nặng, trong đó có cả những lỗi-lầm, mà ta phải biết và thú-nhận? Nhưng bên cạnh cũng có những cái mới nơi từng thế-hệ đang sống.

Ở đây tôi muốn đề-cập tới cuộc khủng-hoảng với những nguồn-gốc không quá xa trong lịch-sử. Ngay các hoàn-cảnh lịch-sử hiện-đại cũng tạo ra đỉnh cao và vực sâu nơi Giáo-hội. Tôi luôn dùng ví-dụ này để luận-chứng: Khi chủ-nghĩa tự-do (Liberalismus) rộ nở, trong nội-bộ Giáo-hội cũng nẩy ra cuộc tranh-luận về thuyết tiến-bộ (Modernismus), mà Pi-ô X đã có phản-ứng rất mạnh. Sau thế-chiến thứ nhất cuộc tranh-luận bỗng biến mất. Ngày nay nhiều người bảo rằng, lẽ ra thời đó mình phải tranh-luận vấn-đề cho ngã-ngũ, thay vì nhấn chìm chúng. Tuy nhiên, trên thực-tế, thế-chiến thứ nhất được coi là sự thất-bại của chủ-nghĩa tự-do, và chủ-nghĩa này – được coi là lực hướng-đạo tinh-thần của thời đó – đã tàn-lụi theo cuộc chiến. Như vậy thời đó một tình-trạng ý-thức hoàn-toàn mới bổng-nhiên trỗi lên, không những trong Công giáo, mà cả trong thế-giới Tin-lành. Harnack*, bậc đại-sư của thần-học tự-do, rút lui dành chỗ cho Karl Barth* với niềm tin mới cực-đoan của ông; Erik Peterson, nhà chú-giải Kinh thánh lỗi-lạc của Tin-lành và là sử-gia, quay về với Công giáo. Một phong-trào phụng-vụ mới trỗi dậy trong giáo-hội Tin-lành, nơi mà trước đó với nền thần-học tự-do người ta đã kịch-liệt chống-đối lễ-bái. Điều đó có nghĩa là những vấn-đề của thuyết tiến-bộ bỗng dưng chẳng còn được thế-hệ mới với hoàn-cảnh mới quan-tâm chút nào nữa. Chúng ta có thể nhận rõ biến-chuyển đó qua cuốn tiểu-sử tự thuật của Romano Guardini*, ông này theo học trong thời chủ-nghĩa tự-do, sau đó lại có lập-trường quyết-liệt chống lại chủ-nghĩa tự-do. 

Tình-trạng trên còn kéo dài thêm một thời-gian sau thế-chiến thứ hai. Nhưng rồi, rất nhanh, thế-giới phồn-vinh xuất-hiện, còn vượt trội hơn cả thời Belle Époque* nữa. Nhờ đó một thứ chủ-nghĩa tân tự-do xuất-hiện, và cũng từ đó Ki-tô giáo bỗng dưng bị coi là lạc-hậu, ngược đời và phản-chứng hơn cả tình-trạng trước thế-chiến thứ nhất.

Nói ra như vậy để hiểu rằng các hiện-tượng khủng-hoảng cũng phải được nhìn trong bối-cảnh lịch-sử mỗi thời-đại. Cho tới một điểm nào đó tôi công-nhận Karl Marx đúng, khi ông bảo tình-trạng ý-thức của một thời-đại là phản-ảnh của toàn-bộ cơ-cấu xã-hội và kinh-tế thời-đại đó.

 

Biết đâu có thể những nỗ-lực tự thanh-tẩy mạnh-mẽ cũng đang tác-động trong tiến-trình suy-thoái hiện nay của Giáo-hội?

 

Tôi xác-tín những nỗ-lực tự thanh-tẩy đang hoạt-động. Nhưng dĩ-nhiên không nên đơn-giản hiểu rằng sự mất-mát đức tin, chán-chường trong đức tin tự chúng là những tiến-trình tự thanh-tẩy. Tình-thế cống-hiến cơ-hội thanh-tẩy, nhưng không phải ai cũng sử-dụng nó như nhau. Ở đây lại phải trở về với chuyện bám vào tài-sản và định-chế như đã nói trên. Hoàn-cảnh có thể dẫn tới thanh-tẩy. Nhưng không chỉ vì thoái-trào mà người ta đương-nhiên chịu thanh-tẩy.

 

Khó mà đo mức-độ thành-công của Giáo-hội, ít ra không thể dùng các tiêu-chẩn chính-trị hay kinh-tế, dùng số đảng-viên hay lượng thu-nhập để đo được. Tuy nhiên đức Ki-tô có nói với mấy người quản-lí đã được chủ giao tài-sản, là họ phải trông-coi và làm tăng-gia của-cải đó – đặc-biệt kể cả bằng phương-tiện thiếu chính-thống.

 

Câu hỏi đầu tiên là phải diễn-dịch dụ-ngôn sao cho đúng? Việc Chúa dùng câu chuyện ngân-hàng, dùng việc thương-mại để khuyên người ta sinh lời món tiền sẵn có, chớ nên hiểu là Ngài muốn dạy về phương-pháp. Cả chuyện Chúa nói về người quản-lí bất chính – một dụ-ngôn đặc-biệt khó hiểu –, Ngài nói: Dù sao anh ta cũng đã tìm được một lối giải-quyết, hãy khôn-ngoan như anh ta. Đây không có nghĩa là ta nên sử-dụng các phương-tiện lường-gạt. Nhưng phải hiểu là ta cũng phải khôn-ngoan, tỉnh-táo và biết nắm cơ-hội; rằng ta cũng phải có chút tưởng-tượng và sáng-tạo. Dụ-ngôn chắc-chắn cũng có nghĩa là, nếu ngây-thơ và vững tin tâm-niệm rằng tôi đạo-đức, tôi hạnh-phúc theo kiểu-cách của tôi, còn những gì người khác làm thì chẳng liên-can gì tới tôi cả, hành-xử như thế chắc-chắn là bất-cập. Đức tin thật ra là một món quà tôi nhận được để tặng tiếp cho người khác, là thứ không ai có thể có được trọn-vẹn nếu chỉ muốn giữ cho riêng mình.

Một Ki-tô giáo được đón-nhận thực-sự trong tâm-hồn luôn bao-hàm động-lực thôi-thúc tôi phải chia-sẻ nó với người khác. Nếu tôi khám-phá ra một lối đi, một lối hành-xử đúng, rồi tự bảo, à như vậy là đủ cho tôi rồi, thì cách ứng-xử đó là sai. Bởi như thế là chính lúc đó tôi phá-hủy cái tôi đã khám-phá. Cũng hệt như khi ai đó gặp được niềm vui lớn mà không muốn thông-báo cho kẻ khác biết thì đó chẳng phải là niềm vui đích-thực. Như vậy quả thực động-lực trao tặng là một thành-tố của sứ-mạng mà Chúa Ki-tô đã trao lại cho môn-đệ mình; cũng như việc Ngài khuyến-khích ta có sáng-kiến và can-đảm, dù có phải đương-đầu với nguy-cơ mất-mát. Vì thế ta không thể bình chân như vại mà nói, không sao, Chúa đã không hứa là có đông-đảo quần-chúng đi theo, Ngài không nhắm tới thành-công, chúng tôi đã làm hết bổn-phận mình, còn việc ai theo ai không thì rồi ra sẽ hay. Giáo-hội luôn phải có tâm-trạng bất an gây nên bởi ý-thức rằng mình đã nhận được một món quà dành cho cả nhân-loại.

Mặt khác cũng có lời: „Tôi phái anh em đi như chiên giữa bầy sói“, và „Anh em sẽ bị bách-hại“. Như thế có nghĩa là Chúa báo trước cho biết công-việc của ta cũng luôn gắn liền với chính số-phận của đức Kitô. Và tôi tin rằng ki-tô-hữu phải sống trong tình-trạng căng-thẳng đó. Không thể có tình-trạng tự-mãn theo nghĩa: Chúng tôi đã đạt mức rồi, không thể hơn được nữa – trái lại nghĩa-vụ Chúa trao cho ta luôn mới, đòi-hỏi ta phải là những quản-lí giỏi, biết tìm cách sinh lợi như Chúa dạy, nhưng đồng thời chẳng bao giờ có được trong tay thành-công trọn-vẹn.

 

 

Những điệp-khúc chỉ-trích

 

 

Liên-quan tới những chỉ-trích đối với Giáo-hội, Hồng-y đã có lần nói về «điệp-khúc các câu hỏi» : Truyền chức cho phái nữ, ngừa thai, độc-thân, tái hôn sau khi li-dị. Đó là vào năm 1984. Những cuộc trưng-cầu ý-kiến tín-hữu về vấn-đề Giáo-hội năm 1995 ở Áo, Đức và Thuỵ-sĩ cho thấy những điểm trên cho tới nay vẫn hoàn-toàn không thay-đổi. Các cuộc tranh-luận xem ra như kiến bò miệng chén, mệt-mỏi. Với chút giải-thích có-lẽ vấn-đề sẽ sáng-tỏ hơn? Tôi có cảm-tưởng nhiều người chẳng hiểu mình đang nói gì khi đề-cập tới ngai giáo-chủ hay chức linh-mục chẳng hạn, họ thật ra chẳng hiểu nghĩa của những ý-niệm đó.

 

Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, tất-cả những điểm trên đều là những vấn-nạn thực. Nhưng tôi cũng tin rằng ta sẽ lạc đường, nếu như ta nâng chúng lên thành những vấn-nạn tiêu-chuẩn hoặc thành đề-tài duy-nhất cho hoàn-vũ Công giáo. Có một lí-luận rất đơn-giản chống lại quan-điểm trên (mà cả Johann Baptist Metz*cũng đã trình-bày trong một bài viết của ông về cuộc trưng-cầu ý-kiến tín-hữu): Thế-giới Tin-lành đã giải-quyết các vấn-nạn này. Chúng đã được họ giải-quyết theo một cách khác, nhưng rõ-ràng cách làm của họ cũng đã không giúp họ sống đời ki-tô-hữu tối hơn giữa trần-thế và vấn-nạn của Ki-tô giáo, cái khó-khăn sống đời ki-tô-hữu trước sau đối với họ vẫn nan-giải không kém chúng ta. Nếu tôi nhớ không lầm, Metz đã nêu lên câu hỏi, tại sao chúng ta giờ đây lại muốn làm một bản sao của Tin-lành. Theo ông, thật may trong lãnh-vực này chúng ta đã có một thí-nghiệm. Điều đó cho thấy những vấn-nạn trên đây không phải là ngăn-trở chính cho việc sống đạo hôm nay. Có giải-quyết chúng thì Tin-mừng cũng không trở nên lôi-cuốn hơn, việc sống đạo vẫn không dễ hơn hoặc Giáo-hội sẽ có đoàn-kết hơn. Tôi nghĩ, phải hiểu rõ một lần cho dứt-khoát là những vấn-nạn kia nhất-định không phải là căn-nguyên cơn đau của Giáo-hội.

 



* Thuế tôn-giáo tại Đức đánh trên tổng thuế thu-nhập hàng năm của mỗi người; mỗi tiểu-bang có mức thuế khác nhau ; mức thuế tôn-giáo hiện nay ở bang ‘công giáo’ Bayern là 8%. Thuế này được chính-quyền trích thẳng từ tiền lương của người đi làm rồi chuyển cho Giáo-hội để Giáo-hội sinh-hoạt và trả lương cho giáo-sĩ cùng nhân-viên phục-vụ cho Giáo-hội và trợ-giúp cho các tổ-chức trực-thuộc Giáo-hội, như Caritas, Diakonie… Hiện chỉ có tín-hữu tin lành và công giáo phải đóng thuế tôn-giáo mà thôi.

* Một phụ-huynh học-sinh ở Đức yêu-cầu nhà trường gỡ cây thánh-giá trong lớp. Nội-vụ cuối cùng đã đưa tới Tối-cao pháp-viện và toà áo đỏ đã phán-quyết thuận cho thầy giáo.

 

* Grillparzer (1791-1872):  thi-sĩ người Áo.

* Welsch: Ám-chỉ các dân-tộc vùng Pháp, Ý, Tây-ban-nha có tiếng nói gốc la-tinh.

* Arius: giám-mục ở Alexandria, sinh khoảng năm 228 mất 336.

*German: Giống dân Ấn-Đức khoảng thế-kỉ thứ 6 trước tây-lịch đã có mặt ở vùng Scandinavien, về sau tràn xuống phía nam và tây nam Âu châu, hiện có mặt ở các quốc-gia bắc Âu, Anh, Đức, Hoà-lan.

* Roman: Các dân-tộc có tiếng nói gốc la-tinh như  Pháp, Ý, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha.

* Thời Trung cổ ( khỏang từ 700 tới 1500): là  thời Ki-tô giáo cầm cân nẩy mực ở Âu châu.

* Vaclav Havel: Thi-sĩ và kịch tác-gia người Tiệp, đứng đầu một nhóm trí-thức chống lại chế-độ cộng-sản và sau khi cộng-sản nước này đổ đã được dân bầu lên làm tổng-thống  nước Tiệp.

* Singer (1907-199): Nhà văn Ba-lan gốc Do-thái, di cư qua Mỹ năm 1935, giải Nobel văn-chương năm 1978.

* Chassidim: một giáo-phái Do-thái giáo tại Đông Âu.

* Chòi lá: Tín-hữu Chassidim thường mừng lễ mùa truyền-thống trong các chòi lá hoặc trong phòng trang-hoàng với lá cây.

* Harnack (1851-1930): Nhà sử và thần-học tin lành người Đức.

* Barth (1886-1968): Nhà thần-học tin-lành, người Thụy-sĩ.

* Guardini (1885-1968): linh-mục, triết-gia tôn-giáo và nhà thần-học, lãnh-đạo phong-trào thanh-niên và phong-trào phụng-vụ tại Đức.

* Belle Époque: thời hoàng-kim ở Âu châu, quãng từ 1890 tới 1914, một thời hoà-bình, xã-hội trở nên giàu-có nhờ kĩ-nghệ và kĩ-thuật tân-tiến, nhờ phúc-lợi mới cuộc sống con người đâm ra buông-thả.

* Metz: Linh-mục và nhà thần-học tên-tuổi Đức, tư-tưởng thần-học chính-trị của ông có ảnh-hưởng nhiều trên phong-trào thần-học giải-phóng.