"Sạch, sạch, sạch" –

Cuộc cách-mạng tâm-linh

 

Giáo-hội hôm nay quan-liêu, sợ-sệt và tính-toán kiểu loài người. Giáo-hội có cần tăng-cường suy-tư trực-giác để chống lại việc quá đề-cao lí-trí không? Có cần đề-cao chiêm-niệm và quay về lại với các giá-trị tâm-linh đã bỏ quên quá lâu? Hồng-y Veuillot, cựu giám-mục giáo-phận Paris có lần phát-biểu: "Tất-cả phải tinh-tuyền, sạch, sạch, sạch. Cái ta cần là một cuộc cách-mạng tâm-linh thực-sự". Phải chăng Giáo-hội chỉ có thể còn có những lớp người nối-tiếp, nếu Giáo-hội thực-sự tinh-tuyền, trinh-trong?

 

Câu hỏi của ông một cách nào đó đã là câu trả lời rồi. Tôi vẫn thường nói chúng ta quá quan-liêu. Bởi thế cần có cách làm việc đơn-giản hơn. Không phải mọi chuyện đểu phải qua các ủy-ban, đôi khi cũng nên có những tiếp-xúc cá-nhân. Không thể giải-quyết mọi chuyện cách thuần-lí. Mặc dầu Ki-tô giáo cho rằng mình hành-xử hợp lí và kêu-gọi sử-dụng lí-trí, nhưng còn nhiều cách nhận-diện thực-tại khác nữa. Chúng ta vừa nói chuyện về đối-thoại liên tôn và khoa thần-bí. Đây là cách tập-trung  suy-tư và lắng-đọng tâm-hồn đặc-biệt cần-thiết trong một thế-giới sôi-động. Karl Rahner có câu nổi tiếng: "Kitô-hữu ngày mai hoặc sẽ là một nhà thần-bí hoặc sẽ không phải là nhà thần-bí". Tôi không đòi-hỏi chuyện cao-xa như thế, vì con người luôn vẫn là người. Chúng ta vẫn luôn yếu-đuối, nên không phải tất-cả chúng ta sẽ trở thành những nhà thần-bí. Nhưng câu nói đó đúng ở chỗ là Ki-tô giáo sẽ bị chết ngạt, nếu chúng ta không biết lắng-đọng tâm-hồn để cho đức tin đi vào chiều sâu cuộc sống của mỗi chúng ta, nâng-đỡ và soi-sáng ta. Chỉ biết hành-động và giải-quyết thuần-lí không thôi chưa đủ. Điều rất hệ-trọng là tìm lại cái đơn-thuần, tìm về nội-tâm và về những cách nhận-biết thực-tại vượt ra bên ngoài và bên trên lí-trí.

 

Hồi-tưởng tâm-linh phải chăng cũng có nghĩa là tìm lại đức tin đơn-sơ phù-hợp với những yếu-tố nền-tảng của Ki-tô giáo ?

 

Đôi khi vấn-đề này có vẻ cầu-kì khiến người ta tưởng chỉ lớp người uyên-bác mới nắm vững. Khoa chú-giải Kinh thánh cống-hiến cho ta nhiều chi-tiết hữu ích, nhưng cũng gây ấn-tượng Kinh thánh quá cầu-kì khiến người bình-dân không hiểu nổi. Ta phải biết Kinh thánh được viết cho mỗi người, là quà tặng đặc-biệt cho những người đơn-sơ. Về điểm này tôi công-nhận một phong-trào phát-sinh từ lòng thần-học giải-phóng có lí khi họ nói tới interpretacion popular (cách diễn-giải bình-dân). Theo họ người bình-dân là sở-hữu chủ của Kinh thánh và chính họ mới là người cắt nghĩa Kinh-thánh. Điều này đúng ở điểm chủ-yếu, vì Kinh thánh được ban cho những người đơn-sơ. Họ chẳng cần quan-tâm đến những chi-tiết khúc-mắc, họ hiểu Kinh thánh muốn nói gì. Nhưng thần-học với những kiến-thức sâu-rộng sẽ không trở nên thừa-thãi; không những thế, nó còn rất cần-thiết trong việc đối-thoại văn-hoá thế-giới. Tuy nhiên thần-học không được phép làm mờ khía-cạnh hết sức đơn-giản của đức tin, một đức tin đặt ta trước mặt một Thiên-chúa, đấng đã giáng trần làm người nên ở gần bên tôi.

 

Ngài có thể nghĩ rằng sau những mất-mát về lượng, nhiều tín-hữu bỏ cuộc, cắt đứt mọi liên-hệ tinh-thần với Ki-tô giáo, rồi ra một phẩm-chất mới của Ki-tô giáo sẽ có thể bảo-tồn  và tinh-đọng được đức tin không? Hồng-y Lustiger nói,  văn hóa đương-thời không khai-tử tôn-giáo, có dấu-hiệu khai-tử tôn-giáo, trong đó có Ki-tô giáo. Trái lại nó đưa ra đề-án và dự-thảo cho phép linh-cảm những khởi đầu. Ngài nói : «Nhân loại chỉ sống, nếu họ muốn; ngày nay họ đang đứng trước toà chung-thẩm từng phút từng giây». Ngày nay  con người có thể tự-do mặc sức phá-huỷ nguồn sống trên trái đất. Cũng thế, họ được tự-do trở thành ki-tô-hữu, chứ không bị ép-buộc như xưa. Hồng-y Lustiger diễn-giải, giờ mới là lúc con người đứng trước "những khởi đầu của thời-đại ki-tô giáo". Ngài có thể chia-sẻ quan-điểm này không?

 

Tôi không dám nói chúng ta đang đứng trước những khởi đầu của thời-đại ki-tô giáo. Bởi thời-đại ki-tô giáo thực ra là gì ? Điều tôi thực-sự có thể chia-sẻ là Ki-tô giáo luôn có cơ may làm cuộc khởi đầu mới. Tôi đã từng viết, Ki-tô giáo luôn vừa là một hạt cải vừa là một cây lớn, vừa là thứ sáu tuần thánh vừa là chủ nhật phục-sinh. Thứ sáu tuần thánh chưa bao giờ chấm dứt hẳn, nó vẫn còn đó và Giáo-hội chưa bao giờ là một cây đã phát-triển hết cỡ, nếu vậy nó sẽ có lúc khô-héo và lụi-tàn, trái lại Giáo-hội luôn trong tình-trạng hạt cải. Trong ý-nghĩa này tôi đồng ý với Hồng-y là chúng ta lại đang đứng trước một khởi đầu mới và có quyền nuôi hi-vọng. Tin vào Chúa một cách hoàn-toàn tự-do và tin như bằng-chứng chống lại thế-giới đã cạn-kiệt sinh-lực, là một nghĩa-vụ mang lại những hi-vọng và những khả-năng mới cho cuộc sống ki-tô giáo. Chính thời-đại Ki-tô giáo sa-sút về lượng có thể đem lại cho ta sinh-lực mới để ta sống Ki-tô giáo ý-thức hơn. Hiểu như vậy, có thể nói quả thực ta đang đứng trước một kiểu thời-đại ki-tô giáo mới. Ở đây tôi không dám tiên-tri chuyện đó tới sớm hay muộn. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh là trong Ki-tô giáo luôn có cuộc khởi đầu mới. Những khởi đầu như thế đã có hôm nay và sau này vẫn có như vậy. Nó sẽ đem lại những hình-thức sống đạo mới và đầy sinh-lực.

 

Cách đây nhiều năm ngài từng bày-tỏ hi-vọng, có gì như là « giờ phút cuả Thánh-linh trong Giáo-hội» đang nhen-nhúm. Ngài nói, có những nhóm người trẻ thoải-mái dấn-thân hoàn-toàn cho niềm tin Giáo hội, cho một "công giáo tính trọn-vẹn không chia-cắt". Ta có cần những ki-tô-hữu mới, can-trường và hãnh-diện hơn không? Có lần ngài đòi-hỏi, Giáo-hội ngày nay không cần những nhà cải-cách, nhưng cần những thánh-nhân mới, biết tựa vào chính sức mạnh tiềm-ẩn của đức tin mà tái khám-phá kho-tàng đức tin và tính bất khả nhượng của nó.

 

Trước hết hãy bàn tới từ "nhà cải-cách / thánh-nhân": Mỗi thánh-nhân là một nhà cải-cách, nghĩa là người đó làm cho Giáo-hội sinh-động và thanh-tẩy Giáo-hội. Tuy nhiên người ta thường hiểu nhà cải-cách là người thực-hiện những biện-pháp có tính-cách cơ-cấu tổ-chức và hành-động trong phạm-vi này. Nếu hiểu như thế, thì không khẩn-thiết cần họ lúc này. Cái ta thực-sự cần là những người được Ki-tô giáo « hút hồn »; họ sống Ki-tô giáo như nguồn hạnh-phúc và hi-vọng, qua đó họ trở thành ngọn lửa tình yêu và ta gọi họ là thánh-nhân.

Những nhà cải-cách đúng nghĩa của Giáo-hội luôn là những vị thánh; nhờ họ mà Giáo-hội có được bộ mặt đơn-sơ hơn và con đường dẫn tới đức tin dễ đi hơn. Một Biển-đức vào cuối thời thượng-cổ đã tạo ra một lối sống đạo trải dài suốt thời di-dân. Một Phan-sinh và Đa-minh đã dấy lên một phong-trào đại-chúng trở về với tinh-thần khó-nghèo, đơn-sơ và niềm vui của Tin mừng hoàn-toàn mới giữa một Giáo-hội phong-kiến và xơ-cứng. Hay ta trở về thế-kỷ 16. Công-đồng Trentô rất quan-trọng, nhưng cuộc canh-tân giáo-hội Công giáo cuả công-đồng chỉ thực-hiện được nhờ những vị thánh như Tê-rê-xa ở Avila, Gio-an Thánh-giá, Y-nhã ở Loyola, Ca-rô-lô Bô-rô-mê-ô và nhiều vị khác, những người thấm-nhuần đức tin và sống nó một cách đặc-thù, tạo nên những lối sống đạo giúp thực-hiện những cải-cách cần-thiết làm Giáo-hội phục-hồi. Vì thế tôi không tin ngày nay công-cuộc cải-cách giáo-hội nhất-thiết sẽ đạt được qua các nghị-hội và công-đồng, mặc dầu những thứ này cũng nên và cần có, nhưng sẽ đến từ những con người có sức thuyết-phục mà ta gọi là thánh-nhân.

 

Giáo-hội cống-hiến

những cơ-may mới cho thế-giới

 

Trong tông-thư về ngàn năm thứ ba đang đến, Giáo-chủ nhấn mạnh: "Giáo-hội… như một cây cao vươn cành lá che-chở toàn-thể nhân-loại". Điểm tôi cho là quan-trọng trong suy-tư này là: Trước tình-trạng thiếu-hụt trầm-trọng về nhận-thức và khả-năng quyết-định của thời-đại hôm nay, ta cần có những cố-vấn đáng tin. Đó là những nhân-vật hoặc hay hơn nữa là những định-chế như thẩm-cấp cao hơn -, không bị lay-chuyển trong thời-buổi nhiễu-nhương.  Thứ xã-hội mở ta muốn duy-trì đang càng ngày càng đòi-hỏi ta quá nhiều chuyện. Nó bỏ mặc ta giữa muôn vàn cơ-hội, buộc ta phải có quyết-định; nó xô ta vào giữa những thứ tự-do thường là vô ích và có hại mà ta không làm chủ được nữa. Để bảo-tồn những cơ-may của xã-hội mở và đồng thời giúp ta tránh rơi vào những hệ-thống độc-tài, có lẽ phải tăng-cường bảo-vệ nền dân-chủ bằng những hệ-thống kín, nghĩa là bằng những mô-hình có thể tồn-tại  và có khả-năng phán-đoán không tùy-thuộc dư-luận nhất-thời hay lựa-chọn tình-cờ.

 

Ông nêu lên vấn-nạn: Giáo-hội có thế đứng nào trong thể-chế xã-hội tự-do, có giá-trị gì, đứng đâu và làm được gì cho xã-hội. Tôi tin rằng ông đã nói lên điều rất hệ-trọng. Giáo-hội không phải là một tổ-chức giữa các tổ-chức, một quốc-gia giữa các quốc-gia, phải được thành-lập như một quốc-gia theo cùng loại qui-luật dân-chủ. Giáo-hội không phải thế, nhưng có thể nói là một sức mạnh tinh-thần. Giáo-hội có hình-thái xã-hội và tổ-chức của nó, nhưng nó chủ-yếu là một nguồn lực tinh-thần cung-cấp cái mà quốc-gia không thể tự có được. Böckenförde có câu nói thời-danh đã thành châm-ngôn: Xã-hội dân-chủ sống bằng những sức mạnh nó không tự sản-xuất được*. Đây là điểm mà ông đã gợi ra khi đề-cập tới những hệ-thống nâng-đỡ.

Theo tôi đó cũng là một dẫn-nhập quan-trọng vào câu hỏi về dân-chủ trong Giáo-hội mà giờ đây chúng ta không muốn đi sâu vào nữa. Nếu cho rằng Giáo-hội phải hoạ lại mô-hình tổ-chức và điều-hành của một quốc-gia, thì không nhận ra bản-chất của Giáo-hội. Bởi ta biết rằng chính nền dân-chủ có thể nói là một thứ thử-nghiệm táo-bạo, rằng sự quyết-định theo nguyên-tắc đa-số chỉ có thể giải-quyết đúng một số vấn-đề cuả con người. Nó trở thành phi-lí, khi nó được dùng để giải-đáp những câu hỏi đâu là chân, đâu là thiện; nó cũng trở thành phi-lí, nếu vì nó mà những nhóm thiểu số có thể rất lớn cũng vẫn luôn phải nhượng-bộ và như thế tạo nên một loại độc-tài của phe đa-số. Bởi thế chính dân-chủ tìm-kiếm những thực-tại bổ-sung cho nó, đem lại ý-nghĩa cho cơ-cấu của nó và đến lượt những thực-tại này cũng lại phải được tổ-chức sao cho phù-hợp với nhiệm-vụ riêng-biệt của chúng.

Do đó điều rất hệ-trọng cho Giáo-hội là không được tự coi mình trước hết như một cơ-quan tự điều-hành, cung-cấp một số dịch-vụ nhất-định, nhưng phải biết mình sống bằng một cái không do chính mình tạo nên, sống trung-thành và năng-động với cái đó, nhờ vậy cống-hiến cho toàn-thể nhân loại cái nó không thể tự tạo nên được. Giáo-hội không thể ra lệnh cho thế-giới, nhưng có thể cung-cấp những giải-đáp cho thế-giới, khi nó bị mất hướng. Hình-ảnh muối cho đời, ánh sáng thế-gian từ Thánh-kinh ám-chỉ vai-trò đại-diện của Giáo-hội. Ý-tưởng muối cho đời nói lên không phải cả thế-gian là muối. Giáo-hội, với tư-cách là Giáo-hội, đóng vai đại-diện cho toàn-thể, đi vào lòng toàn-thể nhưng không đơn-thuần rập khuôn một cái gì khác, kể cả không là một quốc-gia. Giáo-hội luôn phải ý-thức về những điểm này. Giáo-hội phải ý-thức sứ-mệnh đặc-biệt của mình là phải thoát ra ngoài tính-chất đặc-thù của trần-thế để đi vào ánh sáng Thiên Chúa và giữ cho lối thoát này thông-thoáng, rộng mở, để khí mát tuôn vào thế-gian.

 

Là sức mạnh có khả-năng kết-hợp và đem lại ý nghĩa cho cuộc sống, Giáo-hội có nên tăng-cường tiếng nói chống lại quyền-lực, chống lại độc-tài thời-thượng và chống lại cả hệ-thống tư-bản với những quá-lạm độc-hại đã từ lâu không thể lường được không? Cũng thế, Giáo-hội có cần nỗ-lực đi tiên-phong trong việc bảo-vệ công-trình tạo-dựng vũ-trụ không? Đây có thể là sự hướng-dẫn của một định-chế giầu truyền-thống và khôn-ngoan, một định-chế có Chúa đứng trên hướng-dẫn.

 

Ở đây ta trở lại câu hỏi: Giáo-hội phải làm gì để vừa cởi-mở đón nhận cái mới vừa để khỏi bị xơ-cứng như trong dĩ-vãng? Giáo-hội phải đồng-hành với thế-giới tân-thời tới mức nào, đâu là điểm Giáo-hội cần tỏ ra can-trường – gọi là đối-lập ngôn-sứ hoặc những kiểu nói tương-tự? Từ đó nảy sinh câu hỏi thứ hai: Giáo-hội là ai hay là gì? Dĩ-nhiên tất-cả những ai có tiếng nói nhân danh Giáo-hội, tức là giáo-quyền ở mọi cấp, đều phải có can-đảm phản-kháng.

Nhưng lúc này không nên bỏ qua câu nói "Chúng tôi là Giáo-hội" trong ý-nghĩa đích-thực của nó. Không phải chỉ những ai có chức-vụ, chỉ giáo-quyền mới là Giáo-hội. Câu nói trên chỉ hữu-hiệu, đáng tin cho thế-giới và trở thành câu nói đưa đến hành-động, khi nó không chỉ là lời giảng suông, không chỉ xuất-hiện trong những văn-kiện của Rôma hay trong thư mục-vụ, nhưng khi lời nói của người giảng dạy là tiếng nói chung của Giáo-hội sống-động. Vì thế những lời này không nên chỉ do lệnh từ trên ban xuống, nhưng ki-tô-hữu phải cùng nhau học biết chính họ là lực-lượng phản-kháng trong nhiều trường-hợp. Theo tôi đó là điểm rất quan-trọng.

Giáo-quyền chỉ có thể nói ra cách đáng tin và hữu-hiệu những gì đang hiện có và sống-động trong toàn-thể Giáo-hội. Dĩ-nhiên ngược lại cũng đúng: Những cộng-đoàn sống-động của Giáo-hội luôn cần sự nâng-đỡ để căn-tính của họ thêm vững-chắc và nhờ đó họ nhận được khích-lệ sống đời tín-hữu. Khi ta nói : "Giáo-hội phải là lực phản-kháng" thì nên hiểu đó chính là cam-kết chung của toàn-thể tín-hữu, chứ không chỉ của giáo-quyền, và như đã nói, cũng phải biết phân-biệt vàng thau – không phải hễ tân-thời là xấu hay hễ tân-thời là tốt. Tôi nghĩ đây cũng là một đức-tính rất quan-trọng, thiếu nó Giáo-hội không thể giảng-dậy và phục-vụ đúng.

 

Tôi muốn trở lại đề-tài hệ-thống kinh-tế hiện nay của tây phương chúng ta. Ngài có tin rằng, hệ-thống chỉ đề cao kinh-tế thị-trường này có thể sống với tình-trạng hiện-thời qua mười năm nữa không?

 

Vốn hiểu-biết của tôi về tình-hình kinh-tế thế-giới quả rất hạn-hẹp. Tuy nhiên tình-trạng kinh-tế hiện nay không thể kéo dài là điều hiển-nhiên. Thứ nhất nợ nhà-nước là một mâu-thuẫn nội-tại, vì nhà-nước sống trong tình-trạng nghịch lí, một đàng chi tiền và bảo-đảm cho giá-trị tiền-tệ, đàng khác lại hoàn-toàn phá-sản, vì nợ-nần chồng-chất. Dĩ nhiên còn có mức chênh-lệch nợ-nần Bắc Nam. Những điều đó cho thấy ta đang sống trong ảo-tưởng, mâu thuẫn và tiến-trình này không thể tiếp-diễn mãi trong tương-lai vô-định.

Hiện tại (mùa xuân 1996) chúng ta đang chứng-kiến tình-trạng lạ-lùng ở Mỹ: nhà-nước đột-ngột cháy túi và hết khả-năng trả lương đành phải cho nhân-viên nghỉ việc. Quả là một mâu-thuẫn ghê-gớm, vì nhà-nước có trách-nhiệm bảo-đảm sự vận-hành liên-đới cho toàn guồng máy quốc-gia. Biến-cố này cũng cho thấy hệ-thống nhà-nước của ta có những khuyết-điểm quá lớn và cần nhiều nỗ-lực để tìm ra thuốc chữa. Nhưng tôi muốn nói thêm là người ta sẽ không tìm ra thuốc chữa, nếu dân-chúng không có khả-năng chấp-nhận hi-sinh. Bởi vì không phải chỉ cần có những chỉ-thị của chính-phủ là có thể thực-hiện được những cải-tổ. Đây là thách-đố lớn của các xã-hội. Ta phải biết rằng, ta không thể có tất-cả những gì ta muốn, rằng ta không thể giữ mãi được mức-độ đã đạt được. Phải tìm ra cách tránh bị lệ-thuộc của-cải, chỉ biết khư-khư lo bảo-vệ quyền-lợi và những đòi-hỏi riêng-tư. Tôi nghĩ, cuộc biến-đổi con tim này cần-thiết để có thể hi-sinh cho tương-lai và tha-nhân; đây chính là thách-đố quyết-định vận-mệnh của hệ-thống chúng ta.

 

Thưa hồng-y, lúc này người ta có thể đánh-giá lịch-sử triều-đại giáo-chủ đương thời được chưa? Sự kết-thúc của triều-đại Gio-an Phao-lô  II có ý-nghĩa gì cho Giáo-hội và thế-giới? Giáo-chủ qua đi chỉ là chấm-dứt một thời-đại hay còn tiềm-ẩn ý-nghĩa nào khác ? Gio-an Phao-lô  II, hiện-thân của thế-giới tây phương, qua đi có nghĩa là thế-giới cũ cũng chấm-dứt?

 

Tôi rất dè-dặt thảo-luận về những viễn-ảnh tương-lai. Chính sự-kiện Giáo-chủ đến từ Ba-lan đã làm xê-dịch viễn-ảnh rất nhiều rồi. Với Ba-lan, biên-giới Tây Âu lùi xa sang Đông Âu. Chân trời tây phương mở ra với những chiều-kích đông phương. Chính qua những chuyến thăm-viếng mục-vụ, giáo-chủ Gio-an Phao-lô  II đã nhấn mạnh nhu-cầu Giáo-hội phải vượt ra ngoài địa-bàn Tây Âu. Tuy nhiên tôi nghĩ di-sản Tây Âu, nếu muốn dùng kiểu nói này, vẫn có chỗ đứng quan-trọng trong lịch-sử. Bởi vì Giáo-hội xưa không phải chỉ cống-hiến cho nhân loại những kho-tàng trường-tồn của nghệ-thuật rô-man-ních, gô-tích, phục-hưng, ba-rốc, v. v., nhưng Giáo-hội này cũng đã cống-hiến bao khuôn mặt thánh-nhân vĩ-đại, những người đã mở ra những lối sống và suy-tư nhằm trình-bầy một Ki-tô giáo cao-cả và chân-thực, nhờ đó con người trở thành người hơn. Nhân loại sẽ không thể dứt-bỏ những yếu-tố nền-tảng này, nhưng có thể và được phép hội-nhập chúng vào những chân trời mới, bao-la hơn.

 

 

Lịch-sử thật của thế-giới

Về sự viên-mãn của thời-gian

 

Trong thông-thư "Ngàn năm thứ ba đang tới” gửi các giám-mục, linh-mục và tín-hữu về đề-tài chuẩn-bị năm 2000, Giáo-chủ nói đến "sự viên-mãn của thời-gian". Ngài giải-thích, ý-niệm thời-gian trong Ki-tô giáo mang "ý-nghĩa nền-tảng". Nghĩa là « thời cuối cùng», giờ sau hết, đã bắt đầu với sự xuất-hiện của đức Kitô. Đây là điểm khởi đầu "thời-gian của Giáo-hội, nó sẽ kéo dài cho tới khi Người trở lại". Hồng-y giải-thích điểm này như thế nào? Có phải vở kịch đã được viết xong từ lâu, chúng ta đã đến ngày tàn?

 

Đó là một chương mang ý-nghĩa Kinh thánh trong phần đầu của tông-thư. Ý-niệm "thời-gian viên-mãn" lấy từ thánh Phaolô. Tư-tưởng cho rằng đây là “thời kết-thúc”, màn kết của lịch-sử, được viết rõ trong Kinh-thánh. Tuy nhiên phúc-âm Lu-ca, với tầm nhìn xa khác thường, nới rộng điểm kết-thúc qua câu: "Giê-ru-sa-lem sẽ bị nhiều dân-tộc dày-xéo tới khi thời-gian của họ viên-mãn" (Lc,24, 24).

Các giáo-phụ khai-triển ý-niệm này, so-sánh lịch-sử với đời người được chia thành sáu giai-đoạn. Theo các ngài, lịch-sử nhân loại giờ đây đã bước vào giai-đoạn thứ sáu và là giai-đoạn kết. Mãi tới Thời-mới ý thức này mới thay-đổi. Trong thời Phục-hưng xuất-hiện ý-tưởng cho rằng lúc này đây mọi chuyện mới thực-sự bắt đầu. Thời trước đó không phải thời-đại thứ sáu, nhưng là thời Trung-cổ, lúc này ta mới lại tiến lên trong lịch-sử đích-thực và lúc này mới lại là thời-điểm hướng lên phía trước. Tư-tưởng này sở-dĩ nảy sinh, vì con người khám-phá ra rằng những thời-đại của thế-giới dài rộng hơn nhiều và thế-giới cũng như lịch-sử nhân loại không chỉ kéo dài sáu ngàn năm, nhưng trong thời-gian vô định. Như thế ý-niệm “thời cuối cùng” dĩ-nhiên mất ý-nghĩa và thời-gian có thể nói được là kéo dài không biết đến bao giờ.

Cái nhìn theo Kinh thánh và quan-điểm của các giáo-phụ dựa trên lược-đồ sáu thời-đại rõ-ràng, với mỗi thời dài khoảng 1000 năm, phải được xét lại trong bối-cảnh văn-hóa mới. Kinh thánh nói, lịch-sử đi vào thời quyết-định và kết-thúc với sự xuất-hiện của đức Kitô. Tư-tưởng chính-yếu này của Kinh thánh phải được hiểu lại cách hoàn-toàn mới. Tôi muốn nói, sự phát-triển trong những thập niên vừa qua, với lịch-sử thế-giới qua mau hơn và những đe-doạ mỗi ngày thêm đè nặng trên nó, gợi lên ý-tưởng về thời-kì cuối rõ-ràng hơn. Nhưng không phải chỉ có thế. Ta còn hiểu thêm rằng, quả thực một thời-đại lịch-sử mới và cuối cùng đã khởi đầu với phong-trào Ki-tô giáo. Bởi vì ngay từ bước đầu Ki-tô giáo đã nhắm đến hợp-nhất thế-giới, phân-biệt đạo đời và đem lại phần nào sự tự-chủ qua việc xoá sạch dấu-vết thần-linh của thế-giới. Thời-kì lịch-sử này gắn liền với ý-thức cho rằng lịch-sử sắp chấm dứt, không theo cách tính bằng thiên niên-kỉ, nhưng theo nghĩa lịch-sử đang trên đường và Đức Ki-tô là khởi đầu của điểm kết-thúc, thế-giới xa-lìa Ngài, nhưng rồi lại hướng về Ngài.  

Đó là những điểm Giáo-chủ muốn đề-cập, ngài muốn nói, chính đức Ki-tô cắm mốc quyết-định vào lịch-sử thế-giới và trên con đường bấp-bênh, ngày càng thêm bi-thảm hơn của lịch-sử, Ngài không những là khởi điểm mà còn là đích điểm. Hướng về Ngài ta đi tới điểm kết-thúc. Kết-thúc này không đơn-thuần là sự huỷ-diệt, nhưng là sự hoàn-tất mĩ-mãn, đem lại nét toàn-vẹn nội-tại cho lịch-sử.

 

Trong tông-thư đã dẫn Giáo-chủ còn nhận-xét rằng theo niềm tin của Giáo-hội, năm 2000 không giống bất cứ năm nào khác, nó không chỉ đáng để ý vì là thời-điểm sang trang của một thế-kỷ hay một thiên niên-kỷ, nhưng là một năm rất đặc-biệt, "năm hồng-ân Thiên Chúa”. Điều đó có ý-nghĩa gì? Sẽ có những hiện-tượng đặc-biệt xẩy ra chăng? Ta sẽ lãnh-nhận những hồng-ân đặc-biệt chăng? Năm toàn-xá phải được dùng để tái tạo công-bằng xã-hội, phải là năm tha tội và hình phạt cho tất-cả những ai lỗi phạm, phải là năm hòa-giải giữa các đối-thủ, năm của những cuộc trở lại dưới nhiều hình-thức, năm của thống-hối trong và ngoài bí-tích. Hay Giáo-hội còn muốn chuẩn-bị cho những gì khác nữa, vì tông-thư còn có một câu nhiều nghĩa: Giáo-hội không thể «bước qua ngưỡng cửa của ngàn năm mới, mà không kêu-gọi con-cái thanh-tẩy qua sám-hối lỗi lầm, bất trung, mâu-thuẫn, trì-trệ"?

 

Tôi nghĩ cần phải làm sáng-tỏ niên-hiệu này có và không có ý-nghĩa gì. Trước hết phải gạt bỏ mọi mong-chờ hão-huyền. Không có chuyện những biến-cố lớn trên bình-diện vũ-trụ, văn-hoá hay tôn-giáo sẽ tự-nhiên xẩy ra. Cần tỉnh-táo nhận-định rằng niên-hiệu thuần-tuý tự nó gói-ghém những tình-cờ. Dionysius Exiguus* đã tính sai mấy năm về ngày sinh của đức Kitô. Niên lịch của ta lại dựa trên cách tính này; đúng ra đức Ki-tô sinh 7 năm trước công-nguyên. Vậy lễ mừng năm 2000 lẽ ra cũng phải xích lên sớm hơn. Nói tóm lại, không nên bận-tâm với những chuyện hão-huyền.

 

Nhưng lịch-sử công-nhận sự-kiện này….

 

Niên-lịch này đã phổ-biến và ta đã quen với nó. Nhưng nó không được đặt ra do nhu-cầu siêu-hình, chứ đừng nói đến do nhu-cầu thuần-tuý lịch-sử. Vậy, đây là điểm thứ nhất: Cần vứt-bỏ những trông-chờ hão. Điểm thứ hai: Vậy nó là gì? Giáo-chủ nói có lí, trước hết nó là một niên-hiệu tưởng-nhớ. Nó khêu-gợi trí nhớ ta, là niên-hiệu tưởng-nhớ sinh nhật của đức Giê-su Kitô, một biến-cố quan-trọng đến độ đã được dùng để tính thời-gian cho cả nhân-loại, hay ít ra cho phần lớn nhân-loại. Trước hết nó là sự tưởng-nhớ về những gì đã xẩy ra, không phải đơn-thuần hồi-tưởng lại cái gì đã qua, nhưng là đi sâu vào thâm-tâm ta, tưởng-nhớ chính Ngài như đấng luôn hiện-diện và có liên-hệ với ta. Chính vì là niên-hiệu hồi-tưởng và là sự ghi nhớ hiện-tại và tương-lai, không phải chỉ ghi nhớ dĩ-vãng, nên đó là một cơ-may cũng như là một thách-đố đòi ta sống xứng với kỉ-niệm này và lấy nó làm mẫu-mực xét-đoán ta.

Ở đây Giáo-chủ một đàng giúp nhân-loại, ít ra là ki-tô-hữu, tự đổi mới bằng cách lặp lại sự tưởng-nhớ này, cụ-thể qua chương-trình ba năm như đã nói. Chương-trình này là một cố-gắng duy-nhất đi vào thẳm sâu ký-ức ta, đi vào những hiểu-biết và chân-lí được giữ kín trong đó. Đó là điểm thứ nhất, có thể nói Giáo-chủ chỉ ra con đường giúp ta thực-sự nhớ lại, và qua đó nối-kết hiện-tại với tương-lai.

Điểm thứ hai: Ngài lấy lại hình-ảnh năm kỉ-niệm của Cựu ước, theo đó cứ 49 năm, tức 7 lần 7 năm, lịch-sử lại bắt đầu lại. Vào năm đó mọi người phải từ-bỏ hoàn-toàn sở-hữu, làm lại từ đầu, như vậy có thể nói là cũng luôn-luôn gồm có tha-thứ tất-cả, trở về nguồn. Giáo-chủ nói, nếu có một năm kỷ-niệm theo nghĩa này, thì đối với ta đó phải là năm 2000, ta mừng năm này theo cách-thức của ta bằng cách gắng trở về nguồn, tức là trở về với đức Kitô. Những hình-ảnh Cựu-ước đó cũng đặt ra cho ta một thách-đố, đòi ta thanh-toán sòng-phẳng nợ-nần, giải-thoát ta khỏi mọi gánh nặng của những hệ-thống kinh-tế đông cứng hoặc những thứ tương-tự và cố-gắng làm cuộc khởi đầu mới.

Tất-cả những cái đó không tự-nhiên từ trời rơi xuống, nhưng là một nghĩa-vụ và khả-năng của trí nhớ mà có. Tôi muốn nói, ta phải tỉnh-táo với ý-tưởng nền-tảng : tưởng-niệm / ghi nhớ. Nhưng tỉnh-táo không có nghĩa coi thường tất-cả, nhưng là nhận ra đòi-hỏi của nó và cố-gắng tìm ra sức nâng-đỡ, để có thể tận-dụng nỗ-lực ghi nhớ này một cách hữu-hiệu làm nên một cuộc khởi đầu mới.

 

Nhưng Giáo-chủ còn đi rất xa khi nói về thời-điểm bước vào ngàn năm mới. Ngài nói: Hãy thanh-tẩy và thống-hối; và mới đây trong chuyến thăm mục-vụ nước Úc, ngài nói, có lẽ phải vào tận sa-mạc để chờ Chúa trở lại.

 

Tôi không biết đoạn văn này, nhưng chắc-chắn ngài không muốn nói Chúa sẽ trở lại vào năm 2000. Bởi như thế là mâu-thuẫn, vì ta không biết ngày giờ Chúa trở lại. Có thể nói Chúa sẽ trở lại khi nào trí nhớ lại mở ra; trong ý nghĩa này, qua suốt chiều dài lịch-sử, đã có nhiều lần đức Ki-tô trở lại, tái hiện-diện trong lịch-sử. Như vậy ta nên hoàn-toàn để ngỏ câu hỏi, khi nào Ngài vĩnh-viễn đi vào lịch-sử, khi nào Ngài vĩnh-viễn nắm lấy lịch-sử và lay động nó; ta không nên chắp-nối thời-điểm này với bất cứ một tính-toán thời-gian nào. Cái ta cầu xin, cái ta nên và muốn chuẩn-bị đón-nhận là mong Ngài có thể lại tới trong thời-điểm này, qua tâm-hồn đã mở sẵn. Tôi nghĩ ta nên hiểu lời Giáo-chủ cũng như câu "đi vào sa-mạc" theo ý-nghĩa này. Có người hiểu những lời đó theo nghĩa đen. Nhưng xét tổng-quát, ý-nghĩa của những lời này là, trong thời-gian này ta phải thực-sự gắng thoát khỏi thế-giới cồng-kềnh đủ thứ đồ-đạc dư-thừa, để đi vào tự-do nội-tâm, tỉnh-thức và thống-hối, thiếu chúng không thể có cuộc khởi đầu mới.

 

Bao nhà xã-hội học, tương-lai học và nhà bình-luận văn hóa háo-hức tìm lối giải-thích và cách diễn-tả trừu-tượng cho thời-gian sắp tới. Ta đã có thời hiện-đại, hậu hiện-đại và cả hậu hậu hiện-đại rồi. Nếu thêm một "hậu" nữa, xem ra quá rắc-rối. Có lẽ nỗi khắc-khoải mong-chờ cái sẽ tới sẽ giải-quyết điểm này và có lẽ nỗi khắc-khoải này cũng sẽ tìm ra thuật-ngữ mới cho thời-gian. Ta nên cho nó danh xưng gì? Ngài có đề-nghị nào không?

 

Tôi không có đề-nghị nào về danh xưng. Tôi luôn phản-đối việc người ta nói tới sự kết-thúc thời Hiện-đại, nói tới thời Hậu hiện-đại. Toàn là lối phân-chia quá vội-vàng. Phải chờ một khoảng thời-gian nhất-định mới nhìn ra điểm thời-đại sang trang. Hẳn thời Phục-hưng đã đẻ ra ý-niệm "Trung-cổ", để nói lên rằng, trước đó đã có chuyện gì xẩy ra, nhưng nay nó phải chấm-dứt. Với kiểu phân-chia thời-đại như thế, thời Phục-hưng muốn trình-bầy chính mình như một cái gì mới và điểm này xem ra có lí. Ngày nay ta cũng chứng-kiến một biến-đổi lớn đang diễn ra giữa dòng lịch-sử trôi mau, làm thay-đổi bộ mặt của Thời-mới với khoảng 400 tới 500 năm vừa qua. Nhưng có lẽ ta nên xét lại toàn-bộ cách phân-chia thời-đại nặng tính tây phương này. Bởi khó nhét vào đó lịch-sử Ấn-độ và Trung-hoa, dù có những điểm song-song. Jaspers gợi lên cái gọi là Thời ngưỡng cửa, chạy xuyên-suốt mọi nền văn-hóa. Dù sao tôi nghĩ, ngay bây giờ ta chưa nên nặn ra một danh xưng cho cái ta chưa biết. Trái lại ta cần tỉnh-thức trước những đổi-thay và gắng nắm sẵn những yếu-tố lèo-lái đúng-đắn - để một khi xuất-hiện thời-đại mới hơn thay-thế cái thời trước kia là mới nhưng nay đã già-cội, cái thời mới hơn này sẽ là thời của nhân loại và của Thiên Chúa.

 

Thưa Hồng-y, đây là câu hỏi chót: Lịch-sử đích-thực của thế-giới là gì? Ngoài ra, Chúa thực-sự muốn gì ở ta? Có lần ngài viết: "Đặc-điểm của lịch-sử là sự giằng-co giữa yêu và không có khả-năng yêu, tức là sự cằn-cỗi của tâm-hồn, nó xẩy ra khi con người chỉ có thể chấp-nhận những giá-trị lượng-số mới là giá-trị và thực-tại… Sự huỷ-diệt khả-năng yêu sinh ra nỗi chán-chường chết người. Nó là sự đầu-độc con người. Nếu nó thắng thế, con người và cả thế-giới sẽ bị huỷ-diệt".

 

Ở đây tôi dựa vào An-tịnh; còn ngài lại múc từ nguồn truyền-thống giáo-lí Ki-tô giáo, ở đó toàn-bộ lịch-sử được trình-bầy như một cuộc tranh-chấp giữa hai quốc-gia, giữa hai cộng-đồng công-dân. Goethe lấy lại ý-tưởng này và nói, lịch-sử nhìn tổng-quát là một cuộc chiến giữa tin và không tin. An-tịnh có cái nhìn hơi khác, ngài nói, lịch-sử là cuộc chiến giữa hai loại tình yêu, giữa yêu Chúa đến hy-sinh chính mình và yêu mình đến chối-bỏ Chúa. Ngài trình-bầy lịch-sử như bi-kịch về cuộc chiến giữa hai thứ yêu. Tôi tìm cách làm sáng-tỏ thêm ý-tưởng này, khi cho rằng đối-lực của yêu không phải là một loại tình yêu khác, nó không đáng gọi là tình yêu, nhưng là sự chối-bỏ tình yêu. Đó là hiện-tượng ta cũng đang chứng-kiến ngày nay, khi con người bị sự tự-chủ chi-phối đến nỗi nói rằng, tôi không muốn yêu, vì nó làm tôi lệ-thuộc và như vậy nó phản lại tự-do của tôi.

Quả thực yêu có nghĩa là lệ-thuộc vào cái tôi có thể mất đi và như thế đem lại nguy-cơ đau-khổ cho đời tôi. Từ đó sinh ra sự khước-từ ẩn kín hoặc bộc-lộ: Tôi thà không yêu, hơn là mãi-mãi lao vào nguy-cơ đau-khổ, bị giới-hạn khả-năng tự-quyết, bị lệ-thuộc vào cái tôi không thể có và bổng-chốc rơi vào hư-không. Trong khi đó quyết-tâm đến từ đức Ki-tô hoàn-toàn khác: Sẵn-sàng yêu, vì chỉ có thứ tình yêu với nguy-cơ bị đau-khổ và mất-mát mới đem con người về với chính mình và giúp nó thể hiện được bản-chất của mình.

Tôi nghĩ, đây thực là bi-kịch của lịch-sử: trong trận-tuyến kình chống nhau dưới nhiều hình-thức, lịch-sử kết-cục được thu gọn trong công-thức: sẵn-sàng yêu hay từ chối yêu.

 

Và Chúa thực-sự muốn gì nơi ta?

 

Ngài muốn ta trở thành những kẻ yêu-thương và như vậy trở nên giống Ngài. Bởi, như thánh Gio-an nói với ta, Ngài là tình yêu, Ngài muốn có những thụ-tạo giống Ngài và trở nên như Ngài trong tình yêu tự-do, gắn-bó với Ngài và như thế có thể nói là toả ra ánh sáng của chính Ngài.

 

 

HẾT

 

 

 



* Nguyên văn câu của thẩm-phán Börkenförde: “Der freiheitliche, säkularisierte Staat lebt von Voraussetzung, die er selbst nicht garantieren kann" : Nhà-nước tự-do và tục-hoá sống bằng điều-kiện mà nó không thể tự bảo-đảm được.

* D. Exiguus: tu-sĩ và học-giả, người đầu tiên làm niên lịch Ki-tô giáo dưới thời giáo-chủ Gio-an I (523-526)