SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - LỜI MỞ ĐẦU. PROOEMIUM

 “Lạy Cha, … sự sống đời đời, đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,3). “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,3-4). “Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12), ngoài Danh Chúa Giêsu.

I.  SỰ SỐNG CỦA CON NGƯỜI – NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA VÀ YÊU MẾN NGÀI

VITA HOMINIS – DEUM COGNOSCERE ILLUMQUE AMARE

1. Thiên Chúa, tự bản thể là Đấng vô cùng hoàn hảo và hạnh phúc. Theo ý định hoàn toàn do lòng nhân hậu, Ngài đã tự ý tạo dựng con người, để cho họ được thông phần sự sống hạnh phúc của Ngài. Do đó, trong mọi thời và mọi nơi, Ngài đã đến gần với con người. Thiên Chúa kêu gọi con người, giúp họ tìm kiếm Ngài, nhận biết và đem hết tâm lực yêu mến Ngài. Thiên Chúa triệu tập mọi người, vốn đã bị phân tán vì tội lỗi, để hợp nhất thành gia đình của Ngài là Hội Thánh. Để thực hiện điều này, khi thời gian tới hồi viên mãn, Ngài đã sai Con Ngài đến làm Đấng Chuộc Tội và Cứu Độ. Trong và nhờ Người Con ấy, Thiên Chúa kêu gọi loài người để trong Chúa Thánh Thần, họ trở nên dưỡng tử của Ngài và do đó, được thừa hưởng sự sống hạnh phúc của Ngài.

2. Để tiếng gọi ấy vang vọng trên toàn cõi địa cầu, Đức Kitô đã sai phái các Tông Đồ do Người tuyển chọn, trao cho các ông nhiệm vụ loan báo Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi, và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Các Tông Đồ, nhờ sức mạnh của lời sai phái ấy, “ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,20).

3. Những ai, nhờ ơn Chúa giúp, đã đón nhận lời kêu gọi này của Đức Kitô và tự nguyện đáp ứng, cũng được tình yêu Đức Kitô thúc đẩy đi loan báo Tin Mừng khắp nơi trên thế giới. Kho tàng này, những vị kế nhiệm đã lãnh nhận từ các Tông Đồ, và bảo toàn một cách trung tín. Mọi Kitô hữu cũng được kêu gọi lưu truyền kho tàng ấy từ đời nọ đến đời kia, bằng lời rao giảng đức tin, bằng cách sống đức tin trong sự hiệp thông huynh đệ, và bằng việc cử hành đức tin đó trong phụng vụ và kinh nguyện[1].

II.    LƯU TRUYỀN ĐỨC TIN – VIỆC DẠY GIÁO LÝ

DE FIDE TRANSMITTENDA – DE CATECHESI

4. Từ rất sớm, thuật ngữ Dạy Giáo Lý đã được dùng để gọi toàn bộ các nỗ lực của Hội Thánh nhằm đào tạo các môn đệ, nhằm giúp người ta tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và nhờ tin như vậy mà được sống nhân danh Người, nhằm giáo dục và huấn luyện họ trong cuộc sống đời này, và như vậy, xây dựngThân Thể Đức Kitô[2].

5. “Cách chung, có thể khẳng định dạy giáo lý là giáo dục đức tin cho trẻ em, thanh niên và người lớn, đặc biệt qua việc giảng dạy giáo lý Kitô giáo, thông thường được tiến hành một cách có tổ chức và hệ thống, với mục đích dẫn đưa tín hữu đến cuộc sống Kitô hữu sung mãn”[3].

6. Dạy giáo lý có liên hệ với một số yếu tố khác trong sứ mạng mục vụ của Hội Thánh, mặc dầu không lẫn lộn với những yếu tố đó. Những yếu tố này mang ít nhiều tính chất của việc dạy giáo lý, chuẩn bị cho việc dạy giáo lý hoặc bắt nguồn từ đó. Đó là: việc sơ khởi loan báo Tin Mừng, cũng gọi là rao giảng truyền giáo nhằm khơi dậy đức tin; việc tìm kiếm những lý chứng để tin; kinh nghiệm sống cuộc đời Kitô hữu; việc cử hành các bí tích; việc gia nhập cộng đoàn Hội Thánh; việc làm chứng bằng hoạt động tông đồ và truyền giáo[4].

7. “Quả thật, việc dạy giáo lý được kết hợp và liên quan mật thiết với toàn bộ đời sống của Hội Thánh. Chính nhờ việc dạy giáo lý, Hội Thánh không những lan rộng về địa dư và gia tăng về số lượng mà nhất là còn tăng trưởng từ bên trong và đáp ứng với kế hoạch của Thiên Chúa”[5].

8. Những thời kỳ Hội Thánh được canh tân cũng là những thời kỳ mạnh về việc dạy giáo lý. Thật vậy, vào thời hoàng kim của các Giáo phụ, người ta thấy có những Thánh Giám mục dành nhiều phần quan trọng trong thừa tác vụ của các ngài cho việc dạy giáo lý. Đó là thánh Cyrillô Giêrusalem, thánh Gioan Kim Khẩu, thánh Ambrôsiô, thánh Augustinô, và nhiều Giáo phụ khác. Các ngài đã để lại những tác phẩm dạy giáo lý mẫu mực.

9. Thừa tác vụ dạy giáo lý luôn nhận được những nguồn năng lực mới từ các Công đồng. Về điểm này, Công đồng Triđentinô là một thí dụ điển hình:

– Công đồng đã dành phần ưu tiên cho việc dạy giáo lý trong các văn kiện của mình.

– Công đồng là nguồn gốc của Sách Giáo Lý Rôma (Catechismus Romanus), một cuốn sách mang danh Công đồng; đây là một tác phẩm tuyệt vời với tính cách là bản toát yếu giáo lý Kitô giáo.

– Công đồng đã khơi dậy trong Hội Thánh một mối quan tâm đáng kể đối với việc dạy giáo lý.

– Công đồng đã thúc đẩy việc soạn thảo nhiều bộ sách giáo lý, là công trình của các Thánh Giám mục và thần học gia, như thánh Phêrô Canisiô, thánh Carôlô Bôrômêô, thánh Turibiô Môgrôvejô, thánh Rôbertô Bellarminô.

10. Vì thế, không lạ gì sau Công đồng Vaticanô II (mà Đức Thánh Cha Phaolô VI coi như cuốn sách giáo lý vĩ đại của thời hiện đại), việc dạy giáo lý trong Hội Thánh lại được quan tâm. Các văn kiện sau đây làm chứng điều đó: Chỉ thị tổng quát về việc dạy giáo lý ban hành năm 1971, các khóa họp Thượng Hội đồng Giám mục về Phúc âm hoá (1974) và về việc dạy giáo lý (1977), các tông huấn Evangelii nuntiandi (Loan báo Tin Mừng) (1975) và Catechesi tradendae (Dạy giáo lý) (1979) tổng kết các khoá họp Thượng Hội đồng Giám mục nói trên. Khóa họp bất thường của Thượng Hội đồng Giám mục, cử hành năm 1985, yêu cầu: “Ước nguyện chung là có một sách giáo lý hay một bản toát yếu tóm lược toàn bộ đạo lý công giáo, cả về đức tin lẫn luân lý”[6]. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhất trí với ước nguyện của Thượng Hội đồng Giám mục, ngài nhìn nhận rằng: “Ước nguyện đónói lên một nhu cầu thiết thực của Hội Thánh toàn cầu cũng như của các Giáo Hội địa phương”[7].Ngài đã cẩn thận quan tâm để ướcnguyện đó của các Nghị phụ được thực hiện.

III. SÁCH GIÁO LÝ NÀY ĐƯỢC SOẠN VỚI MỤC ĐÍCH GÌ? CHO AI?

DE HUIUS CATECHISMI FINE ATQUE DE ILLIS AD QUOS IPSE DIRIGATUR

11. Mục tiêu của Sách Giáo Lý này là trình bày một cách mạch lạc và tổng hợp những nội dung cốt yếu và căn bản của giáo lý công giáo về đức tin và luân lý, dưới ánh sáng Công đồng Vaticanô II và toàn bộ Thánh Truyền của Hội Thánh. Những nguồn mạch chính của sách này là Thánh Kinh, các Thánh Giáo phụ, phụng vụ và Huấn quyền của Hội Thánh. Sách được soạn thảo để làm “như điểm quy chiếu cho các sách giáo lý hay bản toát yếu sẽ được soạn thảo trong các miền khác nhau”[8].

12. Sách Giáo Lý này chủ yếu được dành cho các vị có trách nhiệm dạy giáo lý: trước hết là các Giám mục, trong tư cách là thầy dạy đức tin và Mục tử của Hội Thánh. Sách được trao cho các ngài như một dụng cụ giúp các ngài chu toàn nhiệm vụ dạy dỗ Dân Thiên Chúa. Qua các Giám mục, sách được gửi đến những người soạn sách giáo lý, đến các linh mục và các giáo lý viên. Đọc sách này cũng sẽ hữu ích cho mọi Kitô hữu khác.

IV.  BỐ CỤC CỦA SÁCH GIÁO LÝ

DE HUIUS STRUCTURA CATECHISMI

13. Bố cục Sách Giáo Lý này dựa theo truyền thống cổ điển của các sách giáo lý, được soạn xoay quanh bốn “trụ căn bản”: tuyên xưng đức tin trong Phép Rửa (Tín biểu), các bí tích của đức tin, đời sống theo đức tin(các Điều Răn), và kinh nguyện của tín hữu (kinh Lạy Cha).

Phần thứ nhất: Tuyên xưng đức tin

Pars prima: Professio fidei

14. Những ai thuộc về Đức Kitô nhờ đức tin và Phép Rửa đều phải tuyên xưng đức tin của Phép Rửa trước mặt mọi người[9]. Vì thế, Sách Giáo Lý này trước hết trình bày nội dung của mạc khải và đức tin: qua mạc khải, Thiên Chúa đến với con người và ban chính mình Ngài cho con người; nhờ đức tin, con người đáp lại Thiên Chúa (Đoạn 1). Kinh Tin Kính tóm lược những hồng ân mà Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc mọi điều thiện hảo, là Đấng Cứu chuộc, là Đấng Thánh hoá, đã ban cho con người. Các hồng ân trên được sắp đặt trong “ba chương” về Phép Rửa, đó là tin vào một Thiên Chúa duy nhất: Chúa Cha toàn năng, Đấng Tạo Hoá; Chúa Giêsu Kitô, Con của Ngài, là Chúa và là Đấng Cứu độ chúng ta; và Chúa Thánh Thần, trong Hội Thánh (Đoạn 2).

Phần thứ hai: Các bí tích đức tin

Pars secunda: Fidei sacramenta

15. Phần thứ hai trình bày ơn cứu độ của Thiên Chúa, đã được Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần thực hiện một lần cho mãi mãi, nay được hiện tại hoá như thế nào trong các hành động thánh thiêng của phụng vụ Hội Thánh (Đoạn 1), đặc biệt trong bảy bí tích (Đoạn 2).

Phần thứ ba: Đời sống đức tin

Pars tertia: Vita ex fide

16. Phần thứ ba nêu lên cùng đích tối hậu của con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, là vinh phúc, và những con đường để đạt tới vinh phúc đó: nhờ hành động ngay chính và tự do, với sự trợ giúp của Luật và ân sủng Chúa (Đoạn 1); nhờ thực thi mệnh lệnh song hành “mến Chúa, yêu người”, được triển khai trong Mười Điều Răn của Thiên Chúa (Đoạn 2).

Phần thứ tư: Kinh nguyện trong đời sống đức tin

Pars quarta: Oratio in vita ex fide

17. Phần cuối cùng của Sách Giáo Lý nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của kinh nguyện trong đời sống các tín hữu (Đoạn 1), kết thúc bằng việc giải thích vắn tắt bảy lời cầu xin trong kinh Lạy Cha (Đoạn 2). Nơi những lời cầu xin này, chúng ta thấy đúc kết mọi điều thiện hảo mà chúng ta phải hy vọng và Cha chúng ta ở trên trời muốn ban cho chúng ta.

V.    NHỮNG CHỈ DẪN THỰC HÀNH CHO VIỆC SỬ DỤNG SÁCH GIÁO LÝ NÀY

PRO HUIUS CATECHISMI USU PRACTICAE ANIMADVERSIONES

18. Sách Giáo Lý này được coi là một bản trình bày mạch lạc về toàn bộ đức tin công giáo. Vậy phải đọc sách này như một khối thống nhất. Qua các chỉ dẫn ghi ngoài lề bản văn (những con số in nhỏ quy chiếu đến những đoạn văn khác cùng một chủ đề)và qua bảng mục lục phân tích được đặt ở cuối sách, người đọc có thể thấy được sự liên hệ của mỗi chủ đề với toàn bộ đức tin.

19. Thường các đoạn văn Thánh Kinh không được trích nguyên văn, nhưng chỉ ghi xuất xứ ở cước chú (bằng ký hiệu “X.”). Để hiểu các đoạn văn ấy cách sâu xa hơn, cần phải tìm đến chính các bản văn. Các tham chiếu Thánh Kinh này là công cụ làm việc cho việc dạy giáo lý.

20. Những đoạn in chữ nhỏ ở một số chỗ là những ghi chú về mặt sử học, minh giáo, hoặc là những trình bày bổ sung về tín lý.

21. Các đoạn trích dẫn in chữ nhỏ, trích từ tác phẩm của các Giáo phụ, các bản văn phụng vụ, các văn kiện của Huấn quyền và từ Hạnh các Thánh, được dùng để làm phong phú thêm cho việc trình bày giáo lý. Những bản văn ấy được chọn thường để sử dụng trực tiếp trong việc dạy giáo lý.

22. Cuối mỗi nội dung có chung đề tài, có một số câu ngắn gọn tóm lược các điểm chính yếu của giáo lý. Những câu Tóm Lược ấy nhằm đề xuất những công thức tổng hợp và dễ nhớ, cho việc dạy giáo lý ở các địa phương.

VI.  NHỮNG THÍCH NGHI CẦN THIẾT

NECESSARIAE ACCOMMODATIONES

23. Sách Giáo Lý này nhấn mạnh việc trình bày giáo lý. Sách nhằm mục đích giúp hiểu biết đức tin cách sâu xa hơn. Nhờ đó, đức tin được trưởng thành, đâm rễ sâu hơn vào cuộc sống và chiếu toả trong đời sống chứng nhân[10].

24. Chính vì nhằm mục đích đó, Sách Giáo Lý này không tìm cách đưa ra những thích nghi, trong cách trình bày giáo lý cũng như những phương pháp dạy giáo lý, theo những đòi hỏi do khác biệt về văn hóa, tuổi tác, mức trưởng thành tinh thần, tập quán xã hội và giáo hội, nơi những người học giáo lý. Những thích nghi cần thiết ấy là việc của các sách giáo lý địa phương, và nhất là của những vị giảng dạy các Kitô hữu.

“Người có nhiệm vụ giảng dạy, phải trở nên tất cả cho mọi người, để chinh phục mọi người cho Đức Kitô…. Và đừng nghĩ rằng những người được giao cho mình, về đức tin, chỉ là một loại người duy nhất, cho nên có thể giảng dạy bằng một đường lối và phương pháp, và có thể hướng dẫn mọi tín hữu đến lòng đạo chân thật theo cùng một cách như nhau: nhưng vì có một số người giống như trẻ sơ sinh, một số khác đang bắt đầu lớn lên trong Đức Kitô, một số khác nữa một cách nào đó đã trưởng thành, nên cần phải cẩn thận xem ai cần sữa, ai cần thức ăn cứng hơn…. Đó là điều Thánh Tông Đồ đã truyền cho những ai được gọi vào tác vụ này, để khi dạy các mầu nhiệm đức tin và các quy luật sống, họ biết thích nghi với tinh thần và trí hiểu của người nghe”[11].

Trên hết mọi sự là đức mến

25. Để kết thúc phần trình bày này, thiết tưởng nên nhắc lại nguyên tắc mục vụ đã được Sách Giáo Lý Rôma nêu ra:

“Hẳn nhiên đường lối tuyệt hảo hơn, mà Thánh Tông Đồ đã dạy, đó là hướng tất cả nội dung của đạo lý và giáo huấn tới đức mến, là điều không bao giờ mất được. Vì vậy khi trình bày một điều hoặc phải tin, hoặc phải hy vọng hoặc phải làm, thì luôn luôn phải làm nổi bật tình yêu của Chúa chúng ta trong điều đó, để ai ai cũng hiểu rằng mọi hành vi nhân đức trọn hảo Kitô giáo không có nguồn gốc nào khác ngoài tình yêu và không có mục đích nào khác ngoài tình yêu”[12].


[1]X. Cv 2,42.

[2]X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Catechesi tradendae, 1: AAS 71 (1979) 1277-1278.

[3]X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Catechesi tradendae, 18: AAS 71 (1979) 1292.

[4]X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Catechesi tradendae, 18: AAS 71 (1979) 1292.

[5]X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Catechesi tradendae, 13: AAS 71 (1979) 1288.

[6]Thượng Hội đồng Giám mục, Khóa bất thường 1985, Báo cáo tổng kết II, B, a, 4 (E Civitate Vaticana 1985), 11.

[7]ĐGH Gioan Phaolô II, Diễn vănbếmạc Thượng Hội đồng Giám mục, Khoá bất thường (ngày 7/12/1985), 6: AAS 78 (1986) 435.

[8]Thượng Hội đồng Giám mục, Khóa bất thường 1985, Báo cáo tổng kết II, B, a, 4 (E Civitate Vaticana 1985), 11.

[9]X. Mt 10,32; Rm 10,9.

[10]X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Catechesi tradendae, 20-22: AAS 71 (1979) 1293-1296; Ibid., 25: AAS 71 (1979) 1297-1298.

[11]Catechismus Romanus hoặc Catechismus ex decreto Concilii Tridentini ad parochos, Pii V Pontificis Maximi iussu editus, Lời Tựa, 11: ed. P. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989), 11.

[12]Catechismus Romanus, Lời Tựa, 10: ed. P. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989), 10.