Mục 2

Bí tích Thêm Sức

Articulus 2
Sacramentum Confirmationis





1285. Bí tích Thêm Sức cùng với bí tích Rửa Tội và Thánh Thể tạo thành tổng thể “các bí tích khai tâm Kitô giáo”, mà sự thống nhất của nó phải được giữ gìn. Vì thế, phải giải thích cho các tín hữu biết việc lãnh nhận bí tích Thêm Sức là cần thiết để hoàn tất ân sủng của bí tích Rửa Tội[1]. Thật vậy, những người đã chịu Phép Rửa “nhờ bí tích Thêm Sức, được liên kết với Hội Thánh cách hoàn hảo hơn, được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, và như vậy, với tư cách là những nhân chứng thật của Đức Kitô, họ càng có bổn phận khẩn thiết hơn phải loan truyền và đồng thời bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm”[2].



I. BÍ TÍCH THÊM SỨC TRONG NHIỆM CỤC CỨU ĐỘ

CONFIRMATIO IN OECONOMIA SALUTIS



1286. Trong Cựu Ước các tiên tri đã loan báo rằng Thần Khí Chúa sẽ ngự xuống trên Đấng Messia thiên hạ đợi trông[3] vì sứ vụ cứu độ của Người[4]. Việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu, khi Người được ông Gioan làm phép rửa, là dấu chỉ cho thấy chính Người là Đấng phải đến, chính Người là Đấng Messia, là Con Thiên Chúa[5]. Chúa Giêsu đã được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần; trọn cuộc đời và sứ vụ của Người đều hiệp thông trọn vẹn với Chúa Thánh Thần, Đấng “Chúa Cha ban cho Người vô ngần vô hạn” (Ga 3,34).


1287. Tuy nhiên, việc tràn đầy Thần Khí không phải chỉ dành cho Đấng Messia, mà phải được truyền thông cho toàn thể dân của Đấng Messia[6]. Nhiều lần, Đức Kitô đã hứa việc tuôn ban Thần Khí như vậy[7], và Người đã thực hiện lời hứa đó trước tiên vào ngày lễ Vượt Qua[8], và sau đó, một cách hoành tráng hơn, vào ngày lễ Ngũ Tuần[9]. Được tràn đầy Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ bắt đầu rao giảng “những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11), và thánh Phêrô công bố rằng việc tuôn đổ Thánh Thần này là dấu chỉ thời đại Messia[10]. Lúc đó những ai tin lời rao giảng của các Tông Đồ và chịu Phép Rửa, thì đến lượt họ cũng được lãnh nhận hồng ân Chúa Thánh Thần[11].


1288. “Từ đó, thực hiện ý muốn của Đức Kitô, các Tông Đồ đã đặt tay ban hồng ân Thần Khí cho các tân tòng để kiện toàn ân sủng của bí tích Rửa Tội[12]. Chính vì vậy, như trong thư gửi tín hữu Do thái, giáo lý về các phép rửa và về việc đặt tay đã được kể vào số các yếu tố của giáo huấn sơ đẳng của Kitô giáo[13]. Việc đặt tay được công nhận cách đúng đắn theo truyền thống công giáo là nguồn gốc của bí tích Thêm Sức, và một cách nào đó, bí tích này làm cho ân sủng ngày lễ Ngũ Tuần luôn tồn tại trong Hội Thánh”[14].


1289. Từ rất xa xưa, để biểu thị rõ hơn hồng ân Chúa Thánh Thần, việc xức dầu thơm (dầu Chrisma) được liên kết với việc đặt tay. Việc xức dầu này làm sáng tỏ danh xưng “Kitô hữu” (Christianus) có nghĩa là “người được xức dầu” và bắt nguồn từ danh xưng của chính Đức Kitô (Christus): “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người” (Cv 10,38). Nghi thức Xức Dầu này tồn tại đến ngày nay trong nghi lễ Đông cũng như Tây phương. Vì vậy, ở Đông phương, bí tích này được gọi là bí tích Dầu Chrisma (Christmatio là việc xức bằng dầu Myron, nghĩa là Dầu thánh). Ở Tây phương, thuật ngữ bí tích Thêm Sức (Confirmatio) nói lên rằng bí tích này vừa kiện toàn bí tích Rửa Tội, vừa củng cố ân sủng của bí tích Rửa Tội.



Hai truyền thống: Đông phương và Tây phương


1290. Trong những thế kỷ đầu, bí tích Thêm Sức thường được cử hành chung với bí tích Rửa Tội, thành một “bí tích kép”, theo kiểu nói của thánh Cyprianô[15]. Ngoài các lý do khác, còn có sự gia tăng việc ban bí tích Rửa Tội cho các nhi đồng trong suốt năm, và có thêm nhiều giáo xứ (ở đồng quê), các giáo phận lớn dần, những điều này khiến Giám mục không thể hiện diện trong tất cả các cử hành rửa tội được nữa. Ở Tây phương, bởi vì người ta muốn dành cho Giám mục việc hoàn tất bí tích Rửa Tội, nên đã tách biệt về thời gian của hai bí tích này. Đông phương vẫn duy trì việc liên kết hai bí tích trên, nên bí tích Thêm Sức được ban do vị linh mục cử hành Phép Rửa. Tuy nhiên, vị này chỉ có thể ban bí tích Thêm Sức với dầu thánh đã được Giám mục thánh hiến[16].


1291. Một thói quen của Giáo Hội Rôma giúp phát triển cách thực hành của Tây phương, đó là việc xức dầu thánh hai lần sau khi Rửa Tội. Lần đầu do linh mục thực hiện trên người tân tòng vừa bước ra khỏi giếng rửa tội; việc xức dầu này chỉ được hoàn tất bằng việc xức dầu lần thứ hai do Giám mục ghi trên trán mỗi người tân tòng[17]. Việc xức dầu thánh lần thứ nhất do linh mục thực hiện, vẫn thuộc về nghi thức rửa tội; nó nói lên sự tham dự của nguời chịu Phép Rửa vào các chức vụ tiên tri, tư tế và vương đế của Đức Kitô. Nếu bí tích Rửa Tội được ban cho người thành niên, thì chỉ có một lần xức dầu sau khi rửa tội: đó là việc xức dầu của bí tích Thêm Sức.


1292. Cách thực hành của các Giáo Hội Đông phương nhấn mạnh hơn đến tính thống nhất của việc khai tâm Kitô giáo. Cách thực hành của Giáo Hội La tinh diễn tả rõ ràng hơn sự hiệp thông của Kitô hữu mới với Giám mục của mình, là người bảo đảm và người phục vụ cho sự hợp nhất của Hội Thánh, cho đặc tính công giáo và tông truyền của Hội Thánh, và nhờ đó là mối dây liên kết với các nguồn gốc Tông Đồ của Hội Thánh Đức Kitô.



II. CÁC DẤU CHỈ VÀ NGHI THỨC CỦA BÍ TÍCH THÊM SỨC

CONFIRMATIONIS SIGNA ET RITUS



1293. Trong nghi thức của bí tích này, phải lưu ý đến dấu chỉ xức dầu và điều mà việc xức dầu nói lên và ghi dấu: đó là ấn tín thiêng liêng.

Việc xức dầu, theo ý nghĩa biểu tượng của Kinh Thánh và văn hoá cổ thời, có rất nhiều ý nghĩa: dầu là dấu chỉ sự sung mãn[18] và niềm vui[19], dầu dùng để thanh tẩy (xức dầu trước và sau khi tắm), dầu làm cho dẻo dai (xức dầu cho các lực sĩ và các đô vật); dầu là dấu chỉ chữa lành bởi vì nó làm giảm đau các vết bầm và vết thương[20]; dầu làm nổi bật vẻ đẹp, sức khỏe và sức mạnh.


1294. Tất cả các ý nghĩa đó của việc xức dầu đều được gặp lại trong đời sống bí tích. Việc xức dầu dự tòng trước bí tích Rửa Tội có ý nghĩa thanh tẩy và tăng sức. Việc xức dầu bệnh nhân diễn tả sự chữa lành và an ủi. Việc xức dầu Thánh sau bí tích Rửa Tội, trong bí tích Thêm Sức và Truyền Chức Thánh, là dấu chỉ sự thánh hiến. Nhờ bí tích Thêm Sức, các Kitô hữu, nghĩa là những người đã được xức dầu, tham dự nhiều hơn vào sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô và vào sự tràn đầy Chúa Thánh Thần như Người, để cả cuộc đời của họ tỏa ngát hương thơm của Đức Kitô[21].


1295. Nhờ việc xức dầu này, người lãnh nhận bí tích Thêm Sức nhận được một dấu chỉ, là ấn tín của Chúa Thánh Thần. Ấn tín là biểu tượng của một nhân vật[22], là dấu chỉ uy quyền của người đó[23], dấu chỉ quyền sở hữu của người đó trên một đối tượng nào đó[24] – bởi vậy ngày xưa, các binh sĩ được ghi dấu bằng ấn tín của vị chỉ huy họ, các nô lệ cũng được ghi dấu bằng ấn tín của chủ mình –; ấn tín chứng thực một văn kiện pháp lý[25] hay một tài liệu[26] và có khi ấn tín niêm phong làm cho tài liệu đó trở thành một tài liệu mật[27].


1296. Chính Đức Kitô tuyên bố Người được ghi dấu bằng ấn tín của Cha Người[28]. Kitô hữu cũng được ghi dấu bằng một ấn tín: “Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô, và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Ngài cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2 Cr 1,21-22)[29]. Ấn tín này của Chúa Thánh Thần xác nhận một người hoàn toàn thuộc về Đức Kitô, để vĩnh viễn phục vụ Người, nhưng ấn tín đó cũng là một lời hứa là được Thiên Chúa che chở trong cuộc thử thách lớn lao thời cánh chung[30].



Cử hành bí tích Thêm Sức


1297. Một nghi thức quan trọng đi trước việc cử hành bí tích Thêm sức, nhưng một cách nào đó cũng dự phần trong việc cử hành này, đó là việc thánh hiến dầu thánh. Chính Giám mục, trong Thánh lễ Dầu ngày thứ năm Tuần Thánh, thánh hiến dầu thánh để sử dụng trong toàn giáo phận của ngài. Trong các Giáo Hội Đông phương, việc thánh hiến này cũng dành riêng cho vị Thượng phụ.

Trong Phụng vụ Antiôchia, kinh Khẩn cầu Chúa Thánh Thần (Epiclesis) trong nghi thức thánh hiến dầu thánh (tiếng Hy lạp là myron) là như sau: “Lạy Cha... xin sai Chúa Thánh Thần đến trên chúng con và trên dầu này đang đặt trước mặt chúng con đây và xin Cha thánh hiến dầu này, để đối với mọi người được xức và được ghi dấu, nó sẽ là dầu thánh, dầu tư tế, dầu vương đế, y phục sáng láng, áo choàng của ơn cứu độ, sự che chở đời sống, hồng ân thiêng liêng, ơn thánh hóa linh hồn và thân xác, sự hoan lạc của tâm hồn, sự ngọt ngào vĩnh cửu, niềm vui vững bền, ấn tín không thể tẩy xóa, khiên thuẫn của đức tin, và mũ chiến gây kinh hoàng chống lại mọi hành động của Kẻ Thù”[31].


1298. Khi bí tích Thêm Sức được cử hành tách biệt khỏi bí tích Rửa Tội, như trong nghi thức Rôma, thì phụng vụ bí tích bắt đầu bằng việc lặp lại lời hứa Phép Rửa và việc tuyên xưng đức tin của người sắp nhận bí tích Thêm Sức. Điều này cho thấy cách rõ ràng là bí tích Thêm Sức có sự liên tục với bí tích Rửa Tội[32]. Khi một người thành niên được rửa tội, thì liền sau đó họ sẽ lãnh nhận bí tích Thêm Sức và tham dự vào bí tích Thánh Thể[33].


1299. Trong nghi thức Rôma, Giám mục giơ tay trên toàn thể những người lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Từ thời các Thánh Tông Đồ, cử chỉ này là dấu chỉ hồng ân của Thần Khí. Và Giám mục cầu khẩn việc tuôn đổ Thần Khí như sau:

“Lạy Thiên Chúa toàn năng, là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Chúa đã tái sinh các tôi tớ Chúa đây bởi nước và Thánh Thần khi giải thoát họ khỏi tội lỗi, thì lạy Chúa, xin hãy ban Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi đến trong những người này; xin ban cho họ thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu và sức mạnh, thần trí suy biết và đạo đức, xin ban cho những người này đầy ơn kính sợ Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con”[34].


1300. Tiếp theo là nghi thức chính yếu của bí tích. Trong nghi lễ Latinh, “bí tích Thêm Sức được trao ban bằng việc xức dầu thánh trên trán, đồng thời với việc đặt tay và đọc lời này: ‘T…, hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần’”[35]. Trong các Giáo hội Đông phương theo nghi lễ Byzantin, việc xức dầu thánh được thực hiện sau kinh Khẩn cầu Chúa Thánh Thần, trên những phần có ý nghĩa hơn của thân thể: trán, mắt, mũi, tai, môi, ngực, lưng, hai tay và hai chân; mỗi lần xức dầu, chủ sự nói: “Tôi ghi dấu cho anh bằng hồng ân của Chúa Thánh Thần”[36].


1301. Cái hôn bình an kết thúc nghi thức bí tích, nói lên và biểu lộ sự hiệp thông trong Hội Thánh với Giám mục và với tất cả các tín hữu[37].



III. NHỮNG HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH THÊM SỨC

CONFIRMATIONIS EFFECTUS



1302. Việc cử hành cho thấy rõ hiệu quả của bí tích Thêm Sức là sự tuôn đổ tràn đầy Chúa Thánh Thần, như xưa Ngài đã được tuôn đổ trên các Tông Đồ ngày lễ Ngũ Tuần.


1303. Vì vậy, bí tích Thêm Sức mang lại sự gia tăng và thấm nhuần sâu xa hơn ân sủng của bí tích Rửa Tội:

– giúp chúng ta bén rễ sâu hơn vào việc làm con cái Thiên Chúa, trong đó chúng ta kêu lên: “Abba, Cha ơi!” (Rm 8,15);

– kết hợp chúng ta với Đức Kitô cách khăng khít hơn;

– gia tăng trong chúng ta các hồng ân của Chúa Thánh Thần;

– làm cho dây liên kết của chúng ta với Hội Thánh được hoàn hảo hơn[38];

– ban cho chúng ta sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, để chúng ta dùng lời nói và việc làm mà truyền bá và bảo vệ đức tin với tư cách là những chứng nhân đích thực của Đức Kitô, để chúng ta can đảm tuyên xưng danh Đức Kitô và không bao giờ hổ thẹn vì Thập Giá[39]:

“Vậy anh em nhớ, anh em đã lãnh nhận ấn tín của Chúa Thánh Thần: Thần Khí khôn ngoan và thông hiểu, Thần Khí lo liệu và sức mạnh, Thần Khí suy biết và đạo đức, Thần Khí của sự kính sợ Thiên Chúa, và hãy gìn giữ những gì anh em đã lãnh nhận. Chúa Cha đã ghi ấn tín cho anh em, Chúa Kitô đã tăng sức cho anh em và đã đặt bảo chứng, là Chúa Thánh Thần, vào trái tim anh em”[40].


1304. Bí tích Thêm Sức là sự kiện toàn bí tích Rửa Tội, và cũng như bí tích Rửa Tội, bí tích Thêm Sức chỉ được ban một lần mà thôi. Bí tích Thêm Sức in vào linh hồn một dấu ấn thiêng liêng không thể tẩy xóa được, một “ấn tín”[41], đó là dấu ấn Đức Kitô đã ghi cho Kitô hữu bằng ấn tín của Chúa Thánh Thần, khi ban xuống cho họ sức mạnh từ trên cao để họ trở nên chứng nhân của Người[42].


1305. “Ấn tín” này kiện toàn chức tư tế cộng đồng của các tín hữu mà họ đã lãnh nhận trong bí tích Rửa Tội. “Người lãnh bí tích Thêm Sức nhận được sức mạnh để công khai tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô bằng lời nói, như do một chức vụ chính thức (quasi ex officio)”[43].



IV. AI CÓ THỂ LÃNH NHẬN BÍ TÍCH THÊM SỨC?

QUIS HOC SACRAMENTUM RECIPERE POTEST?



1306. Mọi người đã được Rửa Tội mà chưa được Thêm Sức, đều có thể và phải lãnh nhận bí tích Thêm Sức[44]. Bởi vì các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể tạo thành một thể thống nhất, nên “các tín hữu buộc phải lãnh nhận bí tích Thêm Sức vào thời gian thích hợp”[45], bởi vì nếu không có bí tích Thêm Sức và Thánh Thể, thì tuy bí tích Rửa Tội vẫn chắc chắn thành sự và hữu hiệu, nhưng việc khai tâm Kitô giáo vẫn chưa được trọn vẹn.


1307. Thói quen của Giáo Hội La tinh, đã từ nhiều thế kỷ, lấy “tuổi biết phân biệt tốt xấu” như thời điểm phải quy chiếu để lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Nhưng trong trường hợp nguy tử, các nhi đồng phải được Thêm Sức, mặc dầu chúng chưa đến tuổi biết phân biệt tốt xấu[46].


1308. Nếu đôi khi chúng ta gọi bí tích Thêm Sức là “bí tích của sự trưởng thành Kitô giáo”, thì đừng vì vậy mà lẫn lộn tuổi trưởng thành về đức tin với tuổi trưởng thành của sự tăng trưởng tự nhiên; cũng đừng quên rằng ân sủng của bí tích Rửa Tội là một ân sủng của sự tuyển chọn nhưng không (của Thiên Chúa) chứ không do công trạng (của chúng ta), nó không cần một “xác nhận” nào để trở thành có hiệu lực. Thánh Tôma nhắc nhớ điều đó:

“Tuổi tác phần xác không làm hại đến linh hồn. Bởi đó cả trong tuổi thơ, con người cũng có thể đạt sự trọn hảo của tuổi tinh thần: về điều này sách Khôn Ngoan dạy: ‘Tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi’ (Kn 4,8). Vì vậy, có nhiều trẻ em, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà chúng đã lãnh nhận, đã anh dũng chiến đấu đến đổ máu vì Đức Kitô”[47].


1309. Việc chuẩn bị cho bí tích Thêm Sức phải nhắm dẫn đưa Kitô hữu đến sự kết hợp thân mật hơn với Đức Kitô, đến sự kết hợp sống động hơn với Chúa Thánh Thần, với hoạt động của Ngài, với các hồng ân của Ngài, với sự thân thiết trước những mời gọi của Ngài, để họ có thể đảm nhận cách tốt hơn những trách nhiệm tông đồ của đời sống Kitô hữu. Do đó, giáo lý Thêm Sức phải cố gắng khơi dậy ý thức mình thuộc về Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô, Hội Thánh phổ quát cũng như cộng đoàn giáo xứ. Cộng đoàn này có trách nhiệm đặc biệt trong việc chuẩn bị cho những người sắp chịu phép Thêm Sức[48].


1310. Để lãnh nhận bí tích Thêm Sức, phải ở trong tình trạng ân sủng. Phải đến với bí tích Hòa Giải để được thanh tẩy hầu đón nhận hồng ân của Chúa Thánh Thần. Phải cầu nguyện tha thiết hơn để chuẩn bị lãnh nhận sức mạnh và các ân sủng của Chúa Thánh Thần với tâm hồn vâng phục và sẵn sàng[49].


1311. Đối với bí tích Thêm Sức, cũng như đối với bí tích Rửa Tội, các ứng viên phải có cha hay mẹ đỡ đầu, để được trợ giúp thiêng liêng. Nên chọn chính người đỡ đầu Rửa Tội để làm rõ nét sự thống nhất của hai bí tích này[50].



V. THỪA TÁC VIÊN BÍ TÍCH THÊM SỨC

CONFIRMATIONIS MINISTER



1312. Thừa tác viên nguyên thủy của bí tích Thêm Sức là Giám mục[51].

Ở Đông phương, thông thường linh mục nào ban bí tích Rửa Tội, sẽ ban luôn bí tích Thêm Sức trong cùng một cử hành. Tuy nhiên, linh mục phải dùng dầu thánh đã được vị Thượng phụ hay Giám mục thánh hiến, để nói lên tính duy nhất tông truyền của Hội Thánh mà các dây liên kết của tính duy nhất đó được củng cố nhờ bí tích Thêm Sức. Trong Giáo Hội La tinh trình tự này cũng được áp dụng khi rửa tội cho người thành niên, hay khi đón nhận vào hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh Công giáo, một người đã chịu Phép Rửa trong một cộng đoàn Kitô giáo khác, mà chưa lãnh nhận bí tích Thêm Sức thành sự[52].


1313. Trong nghi lễ La tinh, thừa tác viên thông thường của bí tích Thêm Sức là Giám mục[53]. Khi cần, Giám mục có thể uỷ quyền cho các linh mục ban bí tích Thêm Sức[54]; nhưng ngài không được quên rằng, việc ban bí tích Thêm Sức được dành cho ngài, đó chính là lý do khiến việc cử hành bí tích Thêm Sức đã được tách biệt khỏi bí tích Rửa Tội một khoảng thời gian. Các Giám mục là những người kế nhiệm các Tông Đồ, các ngài đã được lãnh nhận sự viên mãn của bí tích Truyền Chức Thánh. Việc chính các ngài cử hành bí tích Thêm Sức, nói lên cách rõ ràng rằng, bí tích Thêm Sức đem lại hiệu quả là những người lãnh nhận bí tích này được kết hợp một cách chặt chẽ hơn với Hội Thánh, với các nguồn gốc tông truyền của Hội Thánh và với sứ vụ của Hội Thánh là làm chứng cho Đức Kitô.


1314. Nếu một Kitô hữu đang trong tình trạng nguy tử, thì bất cứ linh mục nào cũng có thể ban bí tích Thêm Sức cho họ[55]. Thật vậy, Hội Thánh muốn rằng không người con nào của mình, kể cả trẻ nhỏ nhất, phải lìa đời mà trước đó chưa được Chúa Thánh Thần kiện toàn bằng hồng ân do sự sung mãn của Đức Kitô.



TÓM LƯỢC


1315. “Các Tông Đồ ở Giêrusalem nghe biết dân miền Samari đã đón nhận Lời Thiên Chúa, thì cử ông Phêrô và ông Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ, họ mới chỉ chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần” (Cv 8,14-17).


1316. Bí tích Thêm Sức kiện toàn ân sủng Rửa Tội. Đây là bí tích ban Chúa Thánh Thần để giúp chúng ta tiến sâu hơn vào ơn làm con cái Thiên Chúa, tháp nhập chúng ta cách mật thiết hơn vào Đức Kitô, làm cho dây liên kết với Hội Thánh được chặt chẽ hơn, gắn bó thiết thực hơn với sứ mạng của Hội Thánh và giúp chúng ta làm chứng cho đức tin Kitô giáo bằng lời nói và việc làm.


1317. Như bí tích Rửa Tội, bí tích Thêm Sức cũng in vào tâm hồn tín hữu một dấu ấn thiêng liêng, một ấn tín không tẩy xóa được. Vì thế, mỗi người chỉ có thể lãnh nhận bí tích Thêm Sức một lần mà thôi.


1318. Ở Đông phương, bí tích Thêm Sức được trao ban liền sau bí tích Rửa Tội; tiếp đó, là việc tham dự bí tích Thánh Thể – một truyền thống làm nổi bật sự thống nhất của ba bí tích khai tâm Kitô giáo. Giáo Hội La tinh ban bí tích Thêm Sức cho các em đã tới tuổi khôn; và thường dành quyền ban bí tích này cho Giám mục để thấy rõ bí tích này củng cố sự liên kết với Hội Thánh.


1319. Người muốn lãnh bí tích Thêm Sức phải là người đã đạt tới tuổi khôn, phải tuyên xưng đức tin, phải đang trong tình trạng ân sủng, có ý muốn lãnh nhận bí tích và được chuẩn bị để lãnh nhận vai trò môn đệ và chứng nhân của Đức Kitô, trong cộng đoàn giáo hội cũng như trong các lãnh vực trần thế.


1320. Nghi thức chính yếu của bí tích Thêm Sức là việc xức dầu thánh trên trán người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội (Giáo Hội Đông phương còn xức dầu trên những phần khác của thân thể), cùng với việc đặt tay của thừa tác viên và đọc: “Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần” (nghi lễ La tinh) hay "Ấn tín ơn Chúa Thánh Thần” (nghi lễ Byzantin).


1321. Khi bí tích Thêm Sức được cử hành tách khỏi bí tích Rửa Tội, dây liên hệ với bí tích Rửa Tội được diễn tả, ngoài các việc khác, bằng việc lặp lại lời hứa trong bí tích Rửa Tội. Việc trao ban bí tích Thêm Sức trong Thánh lễ nhằm nhấn mạnh tính thống nhất của các bí tích khai tâm Kitô giáo.



Nguồn: http://giaolyductin.net


[1] X. Nghi thức Bí tích Thêm Sức, Praenotanda 1 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 16.

[2] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11: AAS 57 (1965) 15; x. Nghi thức Bí tích Thêm Sức, Praenotanda 2 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 16.

[3] X. Is 11,2.

[4] X. Lc 4,16-22; Is 61,1.

[5] X. Mt 3,13-17; Ga 1,33-34.

[6] X. Ed 36,25-27; Ge 3,1-2.

[7] X. Lc 12,12; Ga 3,5-8; 7,37-39; 16,7-15; Cv 1,8.

[8] X. Ga 20,22.

[9] X. Cv 2,1-4.

[10] X. Cv 2,17-18.

[11] X. Cv 2,38.

[12] X. Cv 8,15-17; 19,5-6.

[13] X. Dt 6,2.

[14] ĐGH Phaolô VI, Tông hiến Divinae consortium naturae: AAS 63 (1971) 659.

[15] X. Thánh Cyprianô, Epistula 73,21: CSEL 3/2, 795 (PL 3, 1169).

[16] X. Bộ Giáo Luật Đông phương, các điều 695,1. 696,1.

[17] X. Thánh Hippôlytô Rôma, Traditio apostolica, 21: ed. B. Botte (Mnster i.W. 1989) 50. 52.

[18] X. Đnl 11,14; etc.

[19] X. Tv 23,5; 104,15.

[20] X. Is 1,6; Lc 10,34.

[21] X. 2 Cr 2,15.

[22] X. St 38,18; Dc 8,6.

[23] X. St 41,42.

[24] X. Đnl 32,34.

[25] X. 1 V 21,8.

[26] X. Gr 32,10;

[27] X. Is 29,11.

[28] X. Ga 6,27.

[29] X. Ep 1,13; 4,30.

[30] X. Kh 7,2-3; 9,4; Ed 9,4-6.

[31] Pontificale iuxta ritum Ecclesiae Syrorum Occidentalium id est Antiochiae, Pars I, Versio latina (Typis Polyglottis Vaticanis 1941) 36-37.

[32] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 71: AAS 56 (1964) 118.

[33] X. Bộ Giáo Luật, điều 866.

[34] Nghi thức Bí tích Thêm Sức, 25 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 26.

[35] ĐGH Phaolô VI, Tông hiến Divinae consortium naturae: AAS 63 (1971) 657.

[36] Rituale per le Chiese orientali di rito bizantino in lingua greca, Pars 1 (Libreria Editrice Vaticana 1954) 36.

[37] X. Thánh Hippôlytô Rôma, Traditio apostolica, 21: ed. B. Botte (Mnster i.W. 1989) 54.

[38] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11: AAS 57 (1965).

[39] X. CĐ Florentinô, Decretum pro Armenis: DS 1319; CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11: AAS 57 (1965) 15; Ibid., 12 : AAS 57 (1965) 16.

[40] Thánh Ambrôsiô, De mysteriis, 7, 42 : CSEL 73, 106 (PL 16, 402-403).

[41] X. CĐ Triđentinô, Sess. 7a, Decretum de sacramentis, Canones de sacramentis in genere, canon 9: DS 1609.

[42] X. Lc 24,48-49.

[43] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, q. 72, a. 5, ad 2 : Ed. Leon. 12, 130.

[44] X. Bộ Giáo Luật, điều 889,1.

[45] Bộ Giáo Luật, điều 890.

[46] X. Bộ Giáo Luật, các điều 891. 883,3.

[47] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, q. 72, a. 8, ad 2 : Ed. Leon. 12, 133.

[48] X. Nghi thức Bí tích Thêm Sức, Praenotanda, 3 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 16.

[49] X. Cv 1,14.

[50] X. Nghi thức Bí tích Thêm Sức, Praenotanda, 5 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 17; Ibid., 6 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 17; Bộ Giáo Luật, điều 893, 1-2.

[51] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 26: AAS 57 (1965) 32.

[52] X. Bộ Giáo Luật, điều 883,2.

[53] X. Bộ Giáo Luật, điều 882.

[54] X. Bộ Giáo Luật, điều 884,2.

[55] X. Bộ Giáo Luật, điều 883,3.