Mục 7

Bí Tích Hôn Phối


Articulus 7
Sacramentum Matrimonii





1601. “Do giao ước hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống; tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái; Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn nhân giữa hai người đã được Rửa Tội lên hàng bí tích”[1].



I. HÔN NHÂN TRONG KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA

MATRIMONIUM IN CONSILIO DEI


1602. Kinh Thánh mở đầu bằng việc tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa[2] và kết thúc bằng viễn ảnh về “tiệc cưới Con Chiên” (Kh 19,9)[3]. Từ đầu đến cuối, Kinh Thánh nói về hôn nhân và mầu nhiệm hôn nhân, về việc thiết lập và ý nghĩa mà Thiên Chúa đã ban cho hôn nhân, về nguồn gốc và mục đích của hôn nhân, về những việc thực hiện khác nhau của hôn nhân qua dòng lịch sử cứu độ, về những khó khăn của hôn nhân phát sinh do tội lỗi, và việc canh tân hôn nhân “trong Chúa” (1 Cr 7,39), trong Giao Ước Mới của Đức Kitô và của Hội Thánh[4].



Hôn nhân trong trật tự của công trình tạo dựng


1603. “Cộng đồng thân mật của đời sống và tình yêu hôn nhân, đã được Đấng Tạo Hoá thiết lập và quy định những luật lệ cho nó. Chính Thiên Chúa là tác giả của hôn nhân”[5]. Ơn gọi hôn nhân đã được khắc ghi trong chính bản tính của người nam và người nữ, như chính họ phát xuất từ bàn tay Đấng Tạo Hoá. Hôn nhân không phải chỉ là một định chế của phàm nhân, mặc dù đã có không ít những biến đổi mà hôn nhân đã trải qua suốt các thế kỷ, trong các nền văn hoá, cơ cấu xã hội và thái độ tinh thần khác nhau. Những sự khác biệt này không được làm quên đi những nét chung và trường tồn. Dù phẩm giá của định chế này không phải ở đâu cũng sáng tỏ như nhau[6], nhưng trong tất cả các nền văn hoá, vẫn có một ý thức nào đó về sự cao cả của việc kết hợp trong hôn nhân. “Ơn cứu độ của cá nhân và của xã hội nhân loại và xã hội Kitô giáo, liên kết chặt chẽ với tình trạng lành mạnh của cộng đồng hôn nhân và gia đình”[7].


1604. Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng con người vì tình yêu, cũng đã kêu gọi họ đến tình yêu, đó là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của mọi nhân vị. Thật vậy, con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa[8], Đấng chính “là Tình Yêu” (1 Ga 4,8.16). Vì Thiên Chúa đã dựng họ có nam có nữ, nên tình yêu hỗ tương của họ là một hình ảnh của tình yêu tuyệt đối và bất diệt Thiên Chúa dành để yêu con người. Dưới mắt Đấng Tạo Hóa, tình yêu này là tốt, là rất tốt[9]. Và tình yêu này, được Thiên Chúa chúc phúc, được nhắm đến việc sinh sôi nảy nở và trong công trình chung, nhắm đến việc bảo tồn công trình tạo dựng: “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất’” (St 1,28).


1605. Kinh Thánh đã khẳng định rằng, người nam và người nữ được tạo dựng cho nhau: “Con người ở một mình thì không tốt” (St 2,18). Người nữ là “thịt bởi thịt” của người nam[10], nghĩa là bình đẳng với người nam, rất gần gũi với người nam, mà Thiên Chúa đã ban cho người nam với tư cách là một “trợ tá”[11], như vậy là người thay mặt Thiên Chúa để trợ giúp chúng ta[12]. “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Chính Chúa cho thấy câu này nói lên sự hợp nhất cuộc đời hai người cách bất diệt, khi Người nhắc lại ý định “lúc khởi đầu” của Đấng Tạo Hoá[13]: “Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19,6).



Hôn nhân dưới sự kiểm soát của tội lỗi


1606. Mọi người đều có kinh nghiệm về sự dữ chung quanh mình và nơi chính mình. Kinh nghiệm này cũng được cảm nghiệm trong các mối tương quan giữa người nam và người nữ. Sự hợp nhất của họ lúc nào cũng bị đe dọa bởi sự bất hoà, óc thống trị, sự bất trung, lòng ghen tương và sự xung đột, những điều đó có thể đưa đến hận thù và đoạn tuyệt. Sự xáo trộn này có thể được biểu lộ một cách nhiều hay ít gay gắt, và có thể được khắc phục nhiều hay ít tùy theo các nền văn hoá, các thời đại và các cá nhân, nhưng hình như sự xáo trộn đó có tính phổ quát.


1607. Theo đức tin, sự xáo trộn này, mà chúng ta cảm nghiệm một cách đau lòng, không xuất phát từ bản tính của người nam và người nữ, cũng không do bản chất của các mối tương quan giữa họ, nhưng do tội lỗi. Nguyên tội, một sự chia lìa khỏi Thiên Chúa, đưa đến hậu quả đầu tiên là chia lìa sự hiệp thông nguyên thủy giữa người nam và người nữ. Tương quan của họ bị xáo trộn do việc đổ lỗi cho nhau[14]; sự hấp dẫn lẫn nhau, là hồng ân riêng của Đấng Tạo Hoá[15], bị đổi thành những tương quan thống trị và ham muốn[16]; ơn gọi đẹp đẽ của người nam và người nữ là sinh sôi nảy nở để tăng số và thống trị mặt đất[17] đã trở nên nặng nề vì những hình phạt [là đau đớn] khi sinh con và [cực nhọc] khi lao động làm ra cơm bánh[18].


1608. Dù vậy, trật tự của công trình tạo dựng vẫn tồn tại, tuy bị xáo trộn nặng nề. Để chữa lành những vết thương do tội lỗi, người nam và người nữ cần đến sự trợ giúp của ân sủng mà Thiên Chúa, vì lòng thương xót vô biên của Ngài, không bao giờ từ chối ban cho họ[19]. Không có sự trợ giúp này, người nam và người nữ không thể thực hiện được sự kết hợp cả cuộc đời của họ, điều mà “lúc khởi đầu” Thiên Chúa đã nhắm đến khi Ngài tạo dựng nên họ.



Hôn nhân dưới giáo huấn của Lề Luật


1609. Vì lòng thương xót của Ngài, Thiên Chúa không bỏ rơi con người tội lỗi. Những hình phạt theo sau tội lỗi, như đau đớn khi sinh con[20], lao động “đổ mồ hôi trán” (St 3,19) cũng là những phương thuốc ngăn bớt những tác hại của tội. Sau khi con người sa ngã, hôn nhân giúp vượt thắng tình trạng co cụm vào bản thân, “chủ nghĩa ích kỷ”, chỉ yêu mình, tìm khoái lạc riêng, và giúp con người mở ra cho tha nhân, trợ giúp lẫn nhau, và ban tặng chính mình.


1610. Ý thức luân lý về sự duy nhất và sự bất khả phân ly của hôn nhân được phát triển dần dưới giáo huấn của Luật cũ. Tục đa thê của các tổ phụ và các vua chưa bị đẩy lui cách rõ ràng. Nhưng Luật được ban cho ông Môisen đã nhắm đến việc bảo vệ người nữ chống lại sự độc đoán thống trị của người nam, mặc dù luật này cũng kèm theo, như lời Chúa nói, những dấu vết của “sự cứng lòng” của người nam, do đó ông Môisen đã cho phép rẫy vợ[21].


1611. Nhìn giao ước của Thiên Chúa với dân Israel dưới hình ảnh của một tình yêu hôn nhân duy nhất và chung thủy[22], các Tiên tri đã chuẩn bị ý thức của Dân Chúa chọn để họ hiểu biết sâu xa hơn về tính duy nhất và tính bất khả phân ly của hôn nhân[23]. Các sách Rút và Tôbia đã nêu lên những chứng từ cảm động về ý nghĩa cao quý của hôn nhân, của lòng chung thủy và sự âu yếm phu phụ. Truyền thống luôn nhận thấy trong sách Diễm Ca sự diễn tả độc đáo về tình yêu của con người, như là tiếng vọng của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu “mãnh liệt như tử thần” và “nước lũ không dập tắt nổi” (Dc 8,6-7).



Hôn nhân trong Chúa


1612. Giao ước hôn nhân giữa Thiên Chúa và dân Israel của Ngài đã chuẩn bị cho Giao ước mới và vĩnh cửu. Trong giao ước mới này, Con Thiên Chúa, Đấng nhập thể và hiến dâng mạng sống, một cách nào đó đã liên kết Người với toàn thể nhân loại được Người cứu độ[24], như vậy Người chuẩn bị cho “tiệc cưới của Con Chiên”[25].


1613. Khởi đầu đời sống công khai, Chúa Giêsu đã thực hiện dấu lạ đầu tiên của Người[26] - theo lời yêu cầu của Mẹ Người - trong một tiệc cưới. Hội Thánh coi việc Chúa Giêsu hiện diện trong tiệc cưới Cana có một tầm quan trọng đặc biệt. Hội Thánh coi đó là sự xác nhận tính thiện hảo của hôn nhân và là lời loan báo rằng hôn nhân từ đây về sau là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Đức Kitô.


1614. Trong khi Người rao giảng, Chúa Giêsu đã dạy một cách rõ ràng về ý nghĩa nguyên thủy của sự kết hợp giữa người nam và người nữ, đúng như Đấng Tạo Hoá đã muốn ngay từ lúc khởi đầu. Việc ông Môisen cho phép rẫy vợ là một nhượng bộ trước lòng chai dạ đá[27]. Sự kết hợp hôn nhân giữa người nam và người nữ là bất khả phân ly: chính Thiên Chúa đã thực hiện sự kết hợp đó: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6).


1615. Lời nhấn mạnh rõ ràng về tính bất khả phân ly của dây hôn nhân làm cho nhiều người ngỡ ngàng và coi đó là một đòi hỏi không thể thực hiện được[28]. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không đặt cho các đôi phối ngẫu một gánh không thể mang nổi và quá nặng nề[29], nặng nề hơn luật Môisen. Khi đến để tái lập trật tự ban đầu của công trình tạo dựng, đã bị xáo trộn vì tội lỗi, chính Người ban sức mạnh và ân sủng để con người sống đời hôn nhân theo chiều kích mới của Nước Thiên Chúa. Khi bước theo Đức Kitô bằng cách từ bỏ mình và vác thập giá mình[30], các đôi phối ngẫu có thể “hiểu được”[31] ý nghĩa nguyên thủy của hôn nhân và sống với ý nghĩa đó nhờ sự trợ giúp của Đức Kitô. Ân sủng này của hôn nhân Kitô giáo là hoa trái của Thập Giá Đức Kitô, nguồn mạch của toàn bộ đời sống Kitô hữu.


1616. Tông Đồ Phaolô làm sáng tỏ điều đó khi nói: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh” (Ep 5,25-26). Thánh nhân còn nói thêm: “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,31-32).


1617. Toàn bộ đời sống Kitô hữu mang dấu chỉ của tình yêu phu thê giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Bí tích Rửa Tội, cửa dẫn vào dân Thiên Chúa, đã là một mầu nhiệm hôn ước; bí tích đó có thể nói được là như một thanh tẩy chuẩn bị hôn lễ[32] diễn ra trước bữa tiệc cưới, là bí tích Thánh Thể. Hôn nhân Kitô giáo, đến lượt mình, trở thành dấu chỉ hữu hiệu, trở thành bí tích của giao ước giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Bởi vì nó nói lên và truyền thông ân sủng của giao ước đó, nên hôn nhân giữa hai người đã được Rửa Tội là một bí tích thật sự của Giao Ước Mới[33].



Trinh khiết vì Nước [Trời]


1618. Đức Kitô là trọng tâm của toàn bộ đời sống Kitô giáo. Dây liên kết với Người chiếm vị trí hàng đầu so với mọi dây liên kết khác về gia đình hay xã hội[34]. Ngay thuở ban đầu của Hội Thánh, đã có những người nam và người nữ từ bỏ lợi ích lớn lao của hôn nhân để theo Con Chiên đi bất cứ nơi nào Người đi[35], để chuyên lo việc của Chúa, để tìm cách làm đẹp lòng Người[36], và để đi đón Tân Lang đang đến[37]. Chính Đức Kitô đã mời gọi một số người đi theo Người trong cách sống này, cách sống mà Người luôn là mẫu mực:

“Có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu” (Mt 19,12).


1619. Trinh khiết vì Nước Trời là sự triển khai ân sủng bí tích Rửa Tội, là dấu chỉ nổi bật cho sự ưu tiên tuyệt đối của mối liên kết với Đức Kitô và cho sự sốt sắng mong chờ Người lại đến, và cũng là một dấu chỉ nhắc nhớ rằng hôn nhân là một thực tại của thế giới hiện tại đang qua đi[38].


1620. Cả hai, bí tích Hôn nhân và đời sống trinh khiết vì Nước Thiên Chúa, đều phát xuất từ chính Chúa. Chính Ngài ban cho cả hai, ý nghĩa và ân sủng cần thiết để sống theo thánh ý Ngài[39]. Việc đánh giá sự trinh khiết vì Nước Trời[40] và ý nghĩa Kitô giáo của Hôn nhân là không thể tách rời nhau và hỗ trợ cho nhau:

“Ai hạ giá hôn nhân, thì người đó cũng hạ giá sự vinh quang của đức trinh khiết; ai ca ngợi hôn nhân, thì người đó càng khâm phục đức trinh khiết. Bởi vì điều gì còn phải so sánh với một điều xấu hơn mới thấy là tốt, thì đó chưa phải là hoàn toàn tốt; còn điều gì tốt hơn những cái mọi người cho là tốt, thì đó mới là điều tốt tuyệt hảo”[41].



II. CỬ HÀNH BÍ TÍCH HÔN PHỐI

MATRIMONII CELEBRATIO


1621. Trong nghi lễ La tinh, bí tích Hôn Phối giữa hai tín hữu công giáo thường được cử hành trong thánh lễ, vì tất cả các bí tích đều liên kết với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô[42]. Trong thánh lễ, việc tưởng niệm Giao Ước Mới được thực hiện, trong đó Đức Kitô đã kết hợp Người cách vĩnh viễn với Hiền Thê yêu dấu của Người là Hội Thánh, vì Hội Thánh đó mà Người đã nộp mình[43]. Vì vậy, đôi phối ngẫu phải đóng ấn sự ưng thuận trao tặng chính mình cho nhau bằng lễ dâng cuộc đời họ, khi họ kết hợp sự ưng thuận đó với lễ dâng hiện tại của Đức Kitô vì Hội Thánh Người, được hiện thực trong Hy lễ Thánh Thể, và khi họ rước lễ, để nhờ hiệp thông với chính Mình và Máu Đức Kitô, họ làm nên “một thân thể” trong Đức Kitô[44].


1622. “Nghi lễ hôn phối là một hành vi bí tích để thánh hóa, nên phải được cử hành một cách thành sự, xứng đáng và sinh hiệu quả”[45]. Vì vậy, để dọn mình cử hành bí tích Hôn Phối, hai người phải lãnh nhận bí tích Giao Hoà.


1623. Theo truyền thống La tinh, chính đôi tân hôn, với tư cách là các thừa tác viên của ân sủng của Đức Kitô, tự trao ban bí tích Hôn Phối cho nhau, khi bày tỏ sự ưng thuận kết hôn trước mặt Hội Thánh. Trong truyền thống các Giáo Hội Đông phương, các tư tế, Giám mục hay linh mục, là những nhân chứng cho sự ưng thuận hỗ tương được trao đổi giữa các người phối ngẫu[46], nhưng lời chúc lành của các ngài cũng cần thiết để bí tích nên thành sự[47].


1624. Các nền phụng vụ khác nhau có nhiều lời nguyện chúc lành và lời nguyện khẩn cầu Chúa Thánh Thần, xin Thiên Chúa ban tràn đầy ân sủng và phúc lành của Ngài cho đôi tân hôn, đặc biệt cho người vợ. Trong lời nguyện khẩn cầu Chúa Thánh Thần của bí tích này, đôi tân hôn lãnh nhận Chúa Thánh Thần xét như sự hiệp thông tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh[48]. Chính Chúa Thánh Thần là dấu ấn hôn ước của họ, Ngài luôn luôn là nguồn mạch cho tình yêu dâng hiến của họ, và là sức mạnh giúp họ chung thủy với nhau.



III. SỰ ƯNG THUẬN KẾT HÔN

CONSENSUS MATRIMONIALIS


1625. Hôn ước được ký kết giữa người nam và người nữ, cả hai đã được rửa tội và tự do để kết hôn, và họ tự nguyện bày tỏ sự ưng thuận của mình. “Tự do” nghĩa là:

- không bị ép buộc;

- không bị ngăn trở theo luật tự nhiên hay giáo luật.


1626. Hội Thánh coi việc trao đổi sự ưng thuận giữa hai người phối ngẫu như là yếu tố cần thiết “làm nên hôn nhân”[49]. Nếu thiếu sự ưng thuận, thì không có hôn nhân.


1627. Sự ưng thuận là một “hành vi nhân linh, qua đó hai người phối ngẫu trao thân cho nhau và đón nhận nhau”[50]: “Anh nhận em làm vợ anh…”; “Em nhận anh làm chồng em…”[51]. Sự ưng thuận này kết hợp hai người phối ngẫu với nhau, đạt đến sự hoàn hợp (consummationem) khi hai người “trở nên một xác thịt”[52].


1628. Sự ưng thuận phải là một hành vi ý chí của mỗi người phối ngẫu, tự do không bị tác động vì bạo lực hay vì sợ hãi nghiêm trọng từ bên ngoài[53]. Không có thế lực nhân loại nào có thể thay thế sự ưng thuận đó[54]. Nếu thiếu sự tự do này, thì hôn nhân không thành sự.


1629. Vì lý do này (hay vì những lý do khác làm cho hôn nhân trở nên vô hiệu và tiêu hôn)[55] Hội Thánh, sau khi xét duyệt các điều kiện qua toà án hôn phối có thẩm quyền, có thể tuyên bố “sự vô hiệu của hôn nhân”, nghĩa là hôn nhân đó đã không hề thành sự. Trong trường hợp này, hai người được tự do kết hôn, nhưng họ vẫn phải giữ những nghĩa vụ tự nhiên do sự kết hợp trước[56].


1630. Tư tế (hay phó tế), chứng kiến việc cử hành Hôn Phối, nhân danh Hội Thánh nhận lời ưng thuận của đôi tân hôn và ban cho họ lời chúc lành của Hội Thánh. Sự hiện diện của thừa tác viên Hội Thánh (và của cả những nhân chứng) diễn tả cách rõ ràng rằng, hôn nhân là một thực tại có chiều kích Hội Thánh.


1631. Vì lý do này, Hội Thánh thường đòi buộc các tín hữu của mình phải kết hôn theo thể thức của Hội Thánh[57]. Có nhiều lý do để giải thích quy định này:

- Hôn nhân mang tính bí tích là một hành vi phụng vụ. Bởi vậy nên được cử hành trong phụng vụ công khai của Hội Thánh;

- Hôn nhân đưa người ta vào một bậc sống trong Hội Thánh, mang lại những quyền lợi và nghĩa vụ trong Hội Thánh giữa đôi phối ngẫu và đối với con cái;

- Bởi vì hôn nhân là một bậc sống trong Hội Thánh, nên cần thiết phải có sự chắc chắn về hôn nhân (vì vậy bắt buộc phải có các nhân chứng);

- Tính chất công khai của sự ưng thuận bảo vệ sự ưng thuận đó sau khi nó đã được thực hiện, và trợ giúp người ta chung thuỷ với lời ưng thuận đó.


1632. Để sự ưng thuận của hai người phối ngẫu là một hành vi tự do và có trách nhiệm, và để cho hôn ước có được những nền tảng nhân bản và Kitô giáo một cách vững chắc và lâu bền, việc chuẩn bị hôn nhân là hết sức quan trọng:

- Gương sáng và sự giáo dục do cha mẹ và gia đình luôn là con đường đặc biệt cho việc chuẩn bị này.

- Nhiệm vụ của các mục tử và của cộng đoàn Kitô hữu, như là “của gia đình Thiên Chúa”, là cần thiết để trao ban những giá trị nhân bản và Kitô giáo về hôn nhân và gia đình[58], nhất là trong thời đại chúng ta, nhiều bạn trẻ đã cảm nghiệm những cảnh gia đình tan vỡ, các gia đình này không còn mang lại đầy đủ được sự khai tâm như vậy:

“Những người trẻ phải được giáo dục cách thích hợp và đúng lúc, tốt nhất là trong khung cảnh gia đình mình, về phẩm giá, nhiệm vụ và công việc của tình yêu phu phụ, để sau khi đã được dạy dỗ bảo toàn đức khiết tịnh, lúc đến tuổi thích hợp, họ có thể từ thời kỳ đính hôn trong trắng bước vào đời sống hôn nhân”[59].



Hôn nhân hỗn hợp và khác đạo


1633. Trong nhiều miền, rất thường có những hôn nhân hỗn hợp (giữa người công giáo và người được rửa tội ngoài công giáo). Tình trạng này đòi hỏi phải có sự lưu tâm đặc biệt của những người phối ngẫu cũng như của các mục tử. Trường hợp hôn nhân khác đạo (giữa người công giáo và người không được rửa tội) lại càng phải cẩn thận quan tâm hơn nữa.


1634. Việc những người phối ngẫu thuộc những Giáo Hội Kitô khác nhau không tạo nên một ngăn trở không thể vượt qua đối với hôn nhân, khi hai người đóng góp cho nhau những gì mỗi người đã lãnh nhận nơi cộng đoàn của mình, và học hỏi lẫn nhau cách sống trung thành với Đức Kitô. Nhưng không được coi thường những khó khăn trong các cuộc hôn nhân hỗn hợp. Những khó khăn này xuất phát từ sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đôi phối ngẫu có nguy cơ phải cảm nghiệm cách bi thảm sự chia rẽ của các Kitô hữu ngay trong gia đình của mình. Việc khác đạo càng có thể khiến cho các khó khăn nói trên trở nên trầm trọng hơn. Những khác biệt về đức tin, chính quan niệm về hôn nhân, và cả những não trạng tôn giáo khác nhau, có thể tạo thành cội nguồn cho những căng thẳng trong hôn nhân, nhất là đối với vấn đề giáo dục con cái. Từ đó có thể đưa đến một nguy cơ là sự dửng dưng về tôn giáo.


1635. Theo luật hiện hành của Giáo Hội La tinh, hôn nhân hỗn hợp chỉ hợp pháp khi có phép minh nhiên của giáo quyền[60]. Còn trường hợp khác đạo, thì phải có phép chuẩn minh nhiên để miễn chuẩn khỏi ngăn trở, thì hôn nhân khác đạo mới thành sự[61]. Muốn được phép hay được chuẩn, phải giả thiết rằng cả hai đương sự biết rõ và không loại trừ những mục đích và đặc tính chính yếu của hôn nhân; riêng bên công giáo cam kết thi hành những đòi buộc, là giữ đức tin của mình, và bảo đảm cho con cái được rửa tội và giáo dục trong Hội Thánh Công giáo, và phải thông báo cho bên không công giáo biết rõ những điều ấy[62].


1636. Trong nhiều miền, nhờ cuộc đối thoại đại kết, một số cộng đoàn Kitô hữu đã tổ chức sinh hoạt mục vụ chung cho các đôi hôn nhân hỗn hợp. Nhiệm vụ của sinh hoạt này là giúp cho các đôi phối ngẫu biết sống hoàn cảnh đặc biệt của họ dưới ánh sáng đức tin. Sinh hoạt đó cũng phải giúp họ vượt thắng những căng thẳng giữa các bổn phận của họ đối với nhau và đối với các cộng đoàn Giáo Hội của họ. Sinh hoạt mục vụ chung phải khuyến khích làm tăng trưởng những gì đối với họ là chung trong đức tin, và tôn trọng những gì còn làm họ chia rẽ.


1637. Trong các hôn nhân khác đạo, người phối ngẫu công giáo có một nhiệm vụ đặc biệt: “Chồng ngoại đạo được thánh hoá nhờ vợ và vợ ngoại đạo được thánh hoá nhờ người chồng có đạo” (1 Cr 7,14). Thật là một niềm vui lớn cho người phối ngẫu Kitô hữu và cho Hội Thánh nếu “việc thánh hoá” này đưa người phối ngẫu kia tự nguyện trở lại với đức tin Kitô giáo[63]. Tình yêu phu phụ chân thành, việc thực hành cách khiêm tốn và nhẫn nại những đức tính thuộc gia đình và việc kiên trì cầu nguyện có thể chuẩn bị cho người phối ngẫu không có đức tin đón nhận được ơn hối cải.



IV. NHỮNG HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH HÔN PHỐI

EFFECTUS SACRAMENTI MATRIMONII


1638. “Từ cuộc hôn nhân thành sự giữa những người phối ngẫu nảy sinh một mối dây liên kết vĩnh viễn và độc hữu tự bản chất; ngoài ra, trong hôn nhân Kitô giáo, những người phối ngẫu được củng cố và như được thánh hiến do một bí tích đặc biệt để chu toàn nghĩa vụ và nâng cao phẩm giá bậc sống của mình”[64].



Dây Hôn Phối


1639. Sự ưng thuận, qua đó hai người phối ngẫu tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, được chính Thiên Chúa đóng ấn[65]. Từ hôn ước của họ “phát sinh một định chế vững chắc theo ý định của Thiên Chúa và có giá trị trước mặt xã hội”[66]. Hôn ước của đôi phối ngẫu được lồng vào trong giao ước giữa Thiên Chúa với nhân loại: “Tình yêu phu phụ đích thực được đón nhận vào trong tình yêu Thiên Chúa”[67].


1640. Dây hôn phối được chính Thiên Chúa thiết đặt, đến độ hôn nhân thành nhận và hoàn hợp (ratum et consummatum) giữa hai người đã được rửa tội, không bao giờ có thể được tháo gỡ. Dây liên kết này, là do một hành vi nhân linh tự do của đôi phối ngẫu và do sự hoàn hợp hôn phối, là một thực tại từ nay không thể rút lại, và là nguồn gốc của một giao ước đã được bảo đảm bởi sự trung tín của Thiên Chúa. Hội Thánh không có quyền tuyên bố trái ngược với sự an bài khôn ngoan này của Thiên Chúa[68].



Ân sủng của bí tích Hôn Phối


1641. “Các đôi phối ngẫu Kitô hữu có hồng ân riêng cho bậc sống của mình trong dân Thiên Chúa”[69]. Ân sủng riêng biệt này của bí tích Hôn Phối là để kiện toàn tình yêu phu phụ, củng cố sự hợp nhất bất khả phân ly của họ. Nhờ ân sủng này, “họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân và trong việc đón nhận và giáo dục con cái”[70].


1642. Đức Kitô là nguồn mạch của ân sủng này. “Cũng như xưa kia, Thiên Chúa đến gặp dân Ngài bằng một giao ước tình yêu và trung thành, thì ngày nay, Đấng Cứu Độ loài người và là Phu Quân của Hội Thánh, cũng đến gặp các đôi phối ngẫu Kitô hữu qua bí tích Hôn Phối”[71]. Người ở lại với họ, ban sức mạnh cho họ để họ nhận lấy thập giá của mình mà bước theo Người, để họ chỗi dậy sau khi sa ngã, để họ tha thứ cho nhau, để họ vác lấy gánh nặng của nhau[72], để họ “tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô” (Ep 5,21), và yêu thương nhau bằng một tình yêu siêu nhiên, tế nhị và sinh sôi nảy nở. Thiên Chúa ban cho họ, ngay từ đời này, trong những niềm vui của tình yêu và của đời sống gia đình họ, được nếm trước tiệc cưới Con Chiên:

“Làm sao chúng ta có thể mô tả được niềm hạnh phúc của cuộc hôn nhân được Hội Thánh nối kết, được hy lễ củng cố, được lời chúc lành đóng ấn, được các Thiên thần công bố và được Cha trên trời chuẩn nhận? Có đôi bạn nào bằng đôi bạn tín hữu, được kết hợp do cùng một niềm hy vọng, cùng một ước nguyện, cùng một kỷ luật, cùng một công việc phục vụ. Cả hai là anh em (con một Cha), là đồng phục vụ (cho một Chủ); không bị phân rẽ trong tinh thần và trong xác thịt, thật sự là hai trong một xác thịt. Ở đâu xác thịt nên một, thì tinh thần cũng nên một”[73].



V. NHỮNG ĐIỀU THIỆN HẢO VÀ NHỮNG ĐÒI HỎI CỦA TÌNH YÊU PHU PHỤ

AMORIS CONIUGALIS BONA ET EXIGENTIAE


1643. “Tình yêu phu phụ là một tổng thể bao gồm mọi yếu tố của con người: những đòi hỏi của thân xác và bản năng, những sức mạnh của giác quan và tình cảm, những khát khao của tinh thần và ý chí; tình yêu đó nhắm đến sự hợp nhất bản thân sâu xa, một sự hợp nhất rõ ràng là vượt quá việc chỉ nên một về thể xác, để trở thành một trái tim và một tâm hồn; tình yêu ấy thật sự đòi hỏi sự bất khả phân ly  lòng chung thủy khi trao hiến cho nhau một cách dứt khoát, và mở ngỏ cho việc sinh sản. Nói tóm lại, đây là những đặc điểm thông thường của bất cứ tình yêu phu phụ tự nhiên nào, nhưng mang một ý nghĩa mới mẻ, một ý nghĩa không những thanh luyện và củng cố những đặc điểm đó, mà còn nâng cao chúng lên đến độ chúng được coi là biểu hiện của những điều thiện hảo riêng biệt của Kitô giáo”[74].


Tính duy nhất và tính bất khả phân ly của hôn nhân


1644. Tự bản chất của nó, tình yêu phu phụ đòi hỏi sự duy nhất và sự bất khả phân ly của cộng đồng nhân vị của họ trong suốt cuộc đời họ: “Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6)[75]. “Họ được mời gọi không ngừng lớn lên trong tình hiệp thông với nhau qua việc trung thành mỗi ngày với lời cam kết hôn nhân là trao hiến trọn vẹn cho nhau”[76]. Sự hiệp thông phàm nhân này được củng cố, thanh luyện và hoàn thiện nhờ sự hiệp thông trong Đức Kitô, được ban tặng nhờ bí tích Hôn Phối. Sự hiệp thông đó càng thâm sâu hơn nhờ cùng sống đức tin chung với nhau và cùng lãnh nhận bí tích Thánh Thể chung với nhau.


1645. “Tính duy nhất của hôn nhân mà Chúa đã xác nhận, được biểu lộ cách rõ ràng qua việc phẩm giá cá nhân bình đẳng giữa người nam và người nữ được nhìn nhận trong sự yêu thương lẫn nhau cách trọn vẹn”[77]Tục đa thê là trái ngược với phẩm giá bình đẳng này và với tình yêu phu phụ, vì tình yêu này là duy nhất và độc chiếm (unicus et exclusivus)[78].



Sự chung thủy trong tình yêu phu phụ


1646. Tự bản chất của nó, tình yêu phu phụ đòi hỏi đôi phối ngẫu phải chung thủy một cách bất khả xâm phạm. Đây là hệ quả của việc chính đôi phối ngẫu đã tự hiến cho nhau. Tình yêu phải là vĩnh viễn; tình yêu không thể có tính cách “cho tới khi có một quyết định mới”. “Sự nên một thân mật, nghĩa là việc hai người trao hiến cho nhau, cũng như lợi ích của con cái, đòi hỏi đôi phối ngẫu phải hoàn toàn chung thuỷ và đòi buộc nơi họ sự duy nhất bất khả phân ly”[79].


1647. Động lực sâu xa nhất của sự chung thủy căn cứ trên sự trung tín của Thiên Chúa với giao ước của Ngài, sự trung tín của Đức Kitô với Hội Thánh. Nhờ bí tích Hôn Phối, đôi phối ngẫu được ban ơn để thể hiện và làm chứng cho sự chung thuỷ đó. Do bí tích, tính bất khả phân ly của hôn nhân đón nhận một ý nghĩa mới mẻ và sâu xa hơn.


1648. Ràng buộc suốt đời mình với một người khác có thể được coi là rất khó, thậm chí là điều không thể thực hiện được. Do đó, điều hết sức quan trọng là phải loan báo Tin Mừng này: Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu vĩnh viễn và không rút lại, đôi phối ngẫu được dự phần vào tình yêu đó của Thiên Chúa, một tình yêu hướng dẫn và nâng đỡ họ, và nhờ sự chung thủy với nhau, họ có thể là chứng nhân cho tình yêu trung tín của Thiên Chúa. Những đôi phối ngẫu nào, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, làm chứng được như vậy, thường là trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, đáng được cộng đoàn Hội Thánh biết ơn và hỗ trợ[80].


1649. Tuy nhiên, có những hoàn cảnh thực tế đôi phối ngẫu không thể tiếp tục sống chung được, vì rất nhiều lý do khác nhau. Trong những trường hợp này, Hội Thánh chấp nhận sự ly thân và chấm dứt việc sống chung của đôi phối ngẫu. Họ vẫn là chồng, là vợ của nhau trước mặt Thiên Chúa; họ không được tự do để ký kết một hôn ước mới. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, giải pháp tốt nhất, nếu có thể, là hòa giải với nhau. Cộng đoàn Kitô hữu được mời gọi trợ giúp những người đó sống đời Kitô hữu trong hoàn cảnh của họ, luôn chung thuỷ với dây hôn phối vẫn bất khả phân ly của họ[81].


1650. Nhiều người Công giáo, ở một số nơi, đã ly dị và tái hôn theo luật đời. Hội Thánh, vì trung thành với lời của Chúa Giêsu Kitô (“Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”: Mc 10,11-12), nên không thể công nhận việc tái hôn như vậy là thành sự, nếu hôn nhân lần đầu đã thành sự. Nếu những người đã ly dị lại tái hôn theo luật đời, thì họ ở trong tình trạng vi phạm luật Thiên Chúa một cách khách quan. Kể từ lúc đó, họ không được rước lễ, bao lâu còn sống trong tình trạng này. Cũng vì vậy, họ không thể đảm nhận một số trách nhiệm trong Hội Thánh. Sự giao hoà qua bí tích Thống Hối chỉ có thể được ban cho những ai thống hối vì mình đã vi phạm dấu chỉ của giao ước và của sự trung thành với Đức Kitô, và tự buộc mình sống tiết dục trọn vẹn.


1651. Đối với những Kitô hữu đang sống trong tình trạng như vậy mà vẫn giữ đức tin và ao ước giáo dục con cái họ theo Kitô giáo, các tư tế và toàn thể cộng đoàn phải tỏ ra ân cần quan tâm, để họ đừng tự coi như bị tách lìa khỏi Hội Thánh: họ có thể và phải tham gia vào đời sống của Hội Thánh với tư cách là những người đã được rửa tội:

“Họ được khuyến khích nghe Lời Chúa, tham dự Hy tế Thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, góp phần vào các việc bác ái và các việc phục vụ đức công bằng của cộng đoàn, giáo dục con cái trong đức tin Kitô giáo, sống tinh thần thống hối và làm các việc đền tội, để như vậy, hằng ngày họ nài xin Thiên Chúa ban ân sủng”[82].



Sẵn sàng đón nhận con cái


1652. “Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu phu phụ hướng tới việc truyền sinh và giáo dục con cái và qua những việc đó, chúng như đạt tới tột đỉnh vinh quang của mình”[83].

“Con cái là hồng ân cao quý nhất của hôn nhân và mang lại tối đa niềm hạnh phúc cho chính các cha mẹ. Chính Thiên Chúa đã phán: ‘Con người ở một mình thì không tốt’ (St 2,18); Ngài là Đấng ‘thuở ban đầu… đã làm ra con người có nam có nữ’ (Mt 19,4); chính Ngài muốn ban cho con người được tham gia đặc biệt vào công trình tạo dựng của Ngài, nên Ngài đã chúc lành cho người nam và người nữ và phán: ‘Hãy sinh sôi nảy nở’ (St 1,28). Từ đó, vinh dự đích thực của tình yêu phu phụ và toàn bộ kế hoạch của đời sống gia đình phát sinh từ tình yêu đó, tuy không hạ giá những mục đích khác của hôn nhân, đều hướng đến việc đôi phối ngẫu phải can đảm sẵn sàng cộng tác với tình yêu của Đấng Tạo Hoá và Cứu Độ, Đấng nhờ họ làm cho gia đình của Ngài ngày càng phát triển và phong phú”[84].


1653. Sự phong phú của tình yêu phu phụ còn trải rộng đến các kết quả của đời sống luân lý, tinh thần và siêu nhiên, được cha mẹ truyền cho con cái họ qua việc giáo dục. Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất của con cái họ[85]. Theo nghĩa này, nhiệm vụ căn bản của hôn nhân và gia đình là phục vụ cho sự sống[86].


1654. Những đôi phối ngẫu không được Thiên Chúa ban cho có con cái, vẫn có thể có đời sống hôn nhân đầy ý nghĩa trên bình diện nhân bản, cũng như bình diện Kitô giáo. Hôn nhân của họ có thể toả sáng bằng sự sinh sôi nảy nở lòng bác ái, sự đón nhận và hy sinh.



VI. HỘI THÁNH TẠI GIA

ECCLESIA DOMESTICA


1655. Đức Kitô đã muốn được sinh ra và lớn lên trong gia đình thánh của thánh Giuse và Mẹ Maria. Hội Thánh không là gì khác hơn là “gia đình của Thiên Chúa”. Ngay từ những buổi đầu, hạt nhân của Hội Thánh thường gồm những người trở thành tín hữu “cùng với cả nhà”[87]. Khi trở lại, họ ao ước cho “cả nhà mình” cũng được cứu độ[88]. Những gia đình trở thành tín hữu này, là những tiểu đảo của đời sống Kitô giáo giữa một thế giới ngoại giáo.


1656. Ngày nay, giữa một thế giới thường xa lạ và thậm chí thù nghịch với đức tin, gia đình các tín hữu là hết sức quan trọng, với tính cách là những lò lửa đức tin sống động và chiếu sáng. Vì vậy, Công đồng Vaticanô II dùng một thuật ngữ cổ xưa, gọi gia đình là Hội Thánh tại gia (Ecclesia domestica)[89]. Trong tổ ấm gia đình, cha mẹ phải là “những người đầu tiên truyền dạy đức tin cho con cái mình, bằng lời nói và gương sáng, cũng như cổ võ ơn gọi riêng của từng đứa con, đặc biệt quan tâm đến ơn gọi thánh thiêng”[90].


1657. Nơi đây, một cách đặc biệt, người cha, người mẹ, con cái, mọi phần tử trong gia đình, thực thi chức tư tế do Phép Rửa “trong việc lãnh nhận các bí tích, trong kinh nguyện và tạ ơn, qua chứng từ của một đời sống thánh thiện, qua sự từ bỏ, và qua lòng bác ái sống động”[91]. Bằng cách đó, gia đình là trường học đầu tiên về đời sống Kitô hữu và là “một trường học làm người cách phong phú hơn”[92]. Ở đó, người ta học được sự kiên nhẫn và niềm vui của lao động, tình yêu thương huynh đệ, sự tha thứ quảng đại, thậm chí tha thứ nhiều lần, và nhất là việc phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và qua sự hiến dâng cuộc đời mình.


1658. Cũng phải nhắc đến một số người, phải sống trong những hoàn cảnh cụ thể – và thường là ngoài ý muốn – đặc biệt gần gũi với trái tim Chúa Giêsu, họ đáng được Hội Thánh, nhất là các mục tử, yêu thương và quan tâm chăm sóc: đó là đông đảo những người sống độc thân. Nhiều người trong số này không lập gia đình được, thường vì điều kiện nghèo khổ. Trong hoàn cảnh của mình, có những người sống theo tinh thần các mối phúc, phục vụ Thiên Chúa và tha nhân một cách gương mẫu. Phải mở ra cho tất cả những người này, cánh cửa của các gia đình là “Hội Thánh tại gia” và cánh cửa của gia đình lớn là Hội Thánh. “Trên đời này, không ai phải thiếu gia đình: vì Hội Thánh là nhà và là gia đình cho tất cả mọi người, nhất là cho những ai ‘đang vất vả mang gánh nặng nề’ (Mt 11,28)”[93].



TÓM LƯỢC


1659. Thánh Phaolô nói: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh… Mầu nhiệm này thật cao cả, Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,25.32).


1660. Hôn ước mà nhờ đó người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sống chung và yêu nhau thân mật, đã được Đấng Tạo Hoá thiết lập và sắp xếp theo những quy luật riêng. Tự bản chất, hôn nhân hướng tới thiện ích của đôi phối ngẫu, cũng như việc sinh sản và giáo dục con cái. Hôn nhân giữa những người đã chịu Phép Rửa được Đức Kitô nâng lên hàng bí tích[94].


1661. Bí tích Hôn Phối biểu thị sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Bí tích này ban ơn giúp các đôi phối ngẫu yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh. Ân sủng của bí tích kiện toàn tình yêu tự nhiên của các đôi phối ngẫu, củng cố sự hợp nhất bất khả phân ly của họ và thánh hóa họ trên đường tiến về đời sống vĩnh cửu[95].


1662. Hôn nhân đặt nền tảng trên sự ưng thuận của cả hai bên ký kết hôn ước, nghĩa là trên ý muốn vĩnh viễn hiến thân cho nhau để sống giao ước tình yêu chung thủy và sinh sôi nảy nở.


1663. Hôn nhân làm cho các người phối ngẫu sống một bậc sống công khai trong Hội Thánh, nên phải cử hành hôn nhân cách công khai trong khung cảnh một cử hành phụng vụ, trước sự chứng kiến của vị tư tế (hay của người chứng hôn được Hội Thánh cho phép), các nhân chứng và cộng đoàn tín hữu.


1664. Các đặc tính chính yếu của hôn nhân là duy nhất, bất khả phân ly và đón nhận con cái. Tục đa thê đi ngược lại tính duy nhất của hôn nhân. Ly dị phân ly điều Thiên Chúa đã phối hợp. Từ chối sinh sản, đời sống hôn nhân mất đi "hồng ân cao quý nhất" là con cái[96].


1665. Việc tái hôn của những người đã ly dị khi người phối ngẫu còn sống, nghịch lại ý định và lề luật của Thiên Chúa mà Đức Kitô đã dạy. Những người này không bị tách ra khỏi Hội Thánh, nhưng không được rước lễ; họ vẫn sống đời Kitô hữu, nhất là giáo dục con cái trong đức tin.


1666. Gia đình Kitô giáo là nơi con cái tiếp nhận lời rao giảng đầu tiên về đức tin. Vì vậy, thật là hợp lý khi gọi gia đình là “Hội Thánh tại gia”, cộng đồng ân sủng và cầu nguyện, trường dạy các nhân đức nhân bản và đức mến Kitô giáo.



Nguồn: http://giaolyductin.net


[1] Bộ Giáo Luật, điều 1055,1.

[2] X. St 1,26-27.

[3] X. Kh 19,7.

[4] X. Ep 5,31-32.

[5] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 48: AAS 58 (1966) 1067.

[6] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 47: AAS 58 (1966) 1067.

[7] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 47: AAS 58 (1966) 1067.

[8] X. St 1,27.

[9] X. St 1,31.

[10] X. St 2,23.

[11] X. St 2,18.

[12] X. Tv 121,2.

[13] X. Mt 19,4.

[14] X. St 3,12.

[15] X. St 2,22.

[16] X. St 3,16.

[17] X. St 1,28.

[18] X. St 3,16-19.

[19] St 3,21.

[20] X. St 3,16.

[21] X. Mt 19,8; Đnl 24,1.

[22] X. Os 1-3; Is 54; 62; Gr 2-3; 31, Ed 16; 23.

[23] X. Ml 2,13-17.

[24] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 22: AAS 58 (1966) 1042.

[25] X. Kh 19,7.9.

[26] X. Ga 2,1-11.

[27] X. Mt 19,8.

[28] X. Mt 19,10.

[29] X. Mt 11,29-30.

[30] X. Mc 8,34.

[31] X. Mt 19,11.

[32] X. Ep 5,26-27.

[33] X. CĐ Triđentinô, Sess. 24a, Doctrina de sacramento Matrimonii: DS 1800; Bộ Giáo Luật, điều 1055,1.

[34] X. Lc 14,26; Mc 10,28-31.

[35] X. Kh 14,4.

[36] X. 1 Cr 7,32.

[37] X. Mt 25,6.

[38] X. Mc 12,25; 1 Cr 7,31.

[39] X. Mt 19,3-12.

[40] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 42: AAS 57 (1965) 48; Id., Sắc lệnh Perfectae caritatis, 12: AAS 58 (1966) 707; Id., Sắc lệnh Optatam totius, 10: AAS 58 (1966) 720-721.

[41] Thánh Gioan Kim Khẩu, De virginitate, 10,1: SC 125, 122 (PG 48, 540); x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 16: AAS 74 (1982) 98.

[42] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 61: AAS 56 (1964) 116-117.

[43] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 6: AAS 57 (1965) 9.

[44] X. 1 Cr 10,17.

[45] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 67: AAS 74 (1982) 162.

[46] X. Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 817.

[47] X. Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 828.

[48] X. Ep 5,32.

[49] Bộ Giáo Luật, điều 1057,1.

[50] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 48: AAS 58 (1966) 1067; Bộ Giáo Luật, điều 1057,2.

[51] Nghi thức cử hành Hôn Nhân, 62, Editio typica altera (Typis Polyglottis Vaticanis 1991) 17.

[52] X. St 2,24; Mc 10,8; Ep 5,31.

[53] X. Bộ Giáo Luật, điều 1103.

[54] X. Bộ Giáo Luật, điều 1057,1.

[55] X. Bộ Giáo Luật, các điều 1083-1108.

[56] X. Bộ Giáo Luật, điều 1071,1.3.

[57] X. CĐ Triđentinô, Sess. 24a, Decretum “Tametsi”: DS 1813-1816; Bộ Giáo Luật, điều 1108.

[58] X. Bộ Giáo Luật, điều 1063.

[59] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 49: AAS 58 (1966) 1070.

[60] X. Bộ Giáo Luật, điều 1124.

[61] X. Bộ Giáo Luật, điều 1086.

[62] X. Bộ Giáo Luật, điều 1125.

[63] X. 1 Cr 7,16.

[64] Bộ Giáo Luật, điều 1134.

[65] X. Mc 10,9.

[66] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 48: AAS 58 (1966) 1067.

[67] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 48: AAS 58 (1966) 1068.

[68] X. Bộ Giáo Luật, điều 1141.

[69] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 11: AAS 57 (1965) 16.

[70] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 11: AAS 57 (1965) 15-16; x. Ibid., 41: AAS 57 (1965) 47.

[71] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 48: AAS 58 (1966) 1068.

[72] X. Gl 6,2.

[73] Tertullianô, Ad uxorem, 2, 8, 6-7: CCL 1, 393 (PL 1, 1415-1416); x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 13: AAS 74 (1982) 94.

[74] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 13: AAS 74 (1982) 96.

[75] X. St 2,24.

[76] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 19: AAS 74 (1982) 101.

[77] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 49: AAS 58 (1966) 1070.

[78] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 19: AAS 74 (1982) 102.

[79] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 48: AAS 58 (1966) 1068.

[80] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 20: AAS 74 (1982) 104.

[81] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 83: AAS 74 (1982) 184; Bộ Giáo Luật, các điều 1151-1155.

[82] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 84: AAS 74 (1982) 185.

[83] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 48: AAS 58 (1966) 1068.

[84] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 50: AAS 58 (1966) 1070-1071.

[85] X. CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Gravissimum educationis, 3: AAS 58 (1966) 731.

[86] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 28: AAS 74 (1982) 114.

[87] X. Cv 18,8.

[88] X. Cv 16,31; 11,14.

[89] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 11: AAS 57 (1965) 16; x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 21: AAS 74 (1982) 105.

[90] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 11: AAS 57 (1965) 16.

[91] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10: AAS 57 (1965) 15.

[92] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 52: AAS 58 (1966) 1073.

[93] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 85: AAS 74 (1982) 187.

[94] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 48: AAS 58 (1966) 1067-1068; Bộ Giáo Luật, điều 1055,1.

[95] X. CĐ Triđentinô, Sess. 24a, Doctrina de sacramento Matrimonii: DS 1799.

[96] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 50: AAS 58 (1966) 1070.