SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO – MỤC 4 CHÚA GIÊSU KITÔ ĐÃ “CHỊU NẠN ĐỜI QUAN PHONGTIÔ PHILATÔ..." 

(giaolyductin.net10/09/13, 10:50 am)

Mục 4

Chúa Giêsu Kitô đã

“chịu nạn đời quan Phongtiô Philatô,

chịu đóng đinh trên cây thánh giá,

chết và táng xác”

Articulus 4

Iesus Christus est “passus sub Pontio Pilato,

crucifixus, mortuus, et sepultus”

571. Mầu nhiệm Vượt Qua, tức là mầu nhiệm thập giá và sự sống lại của Chúa Kitô, là trung tâm Tin Mừng mà các Tông Đồ, và sau các ngài là Hội Thánh, phải loan báo cho trần gian. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất “một lần cho mãi mãi” (Dt 9,26) nhờ cái chết cứu chuộc của Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô.

572. Hội Thánh vẫn trung thành với cách giải thích toàn bộ Thánh Kinh mà chính Chúa Giêsu đã đưa ra trước cũng như sau cuộc Vượt Qua của Người[1]: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26). Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đã xảy ra cụ thể trong lịch sử do việc Người đã “bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ” (Mc 8,31); và họ đã “nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá” (Mt 20,19).

573. Vì vậy đức tin có thể nỗ lực tìm hiểu kỹ càng các tình tiết về cái chết của Chúa Giêsu, được các sách Tin Mừng trung thành lưu truyền[2] và được các nguồn lịch sử khác soi sáng, để hiểu rõ hơn ý nghĩa của công trình Cứu Chuộc.

Tiết 1

Chúa Giêsu và Israel

Paragraphus 1

IESUS ET ISRAEL

574. Ngay từ đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, những người Pharisêu và nhóm Hêrôđê, cùng với các tư tế và kinh sư đã toa rập với nhau để hại Người[3]. Vì một số hành động của Người (như trừ quỷ[4], tha tội[5], chữa bệnh ngày sabat[6], đưa ra những giải thích riêng về sự thanh sạch theo pháp lý[7], thân thiện với những người thu thuế và những kẻ tội lỗi công khai[8]), Chúa Giêsu bị một số người có ý xấu nghi ngờ là Người bị quỷ ám[9]. Người bị tố cáo về tội nói phạm thượng[10], về tội làm tiên tri giả[11], về những tội thật sự thuộc về tôn giáo mà Luật phạt tử hình bằng cách ném đá[12].

575. Vì vậy, một số việc làm và lời nói của Chúa Giêsu đã là “dấu hiệu cho người đời chống báng”[13] đối với giới lãnh đạo tôn giáo tại Giêrusalem, những người mà Tin Mừng thánh Gioan thường gọi là “người Do Thái”[14], hơn là đối với đại chúng dân Thiên Chúa[15]. Các liên hệ giữa Chúa Giêsu với nhóm Pharisêu không phải chỉ là bất đồng. Một số người Pharisêu đã báo cho Người biết mối nguy hiểm đang đe dọa Người[16]. Chúa Giêsu ca tụng một số người trong họ, ví dụ như vị kinh sư nói trong Mc 12,34, và nhiều lần Người đã dùng bữa tại nhà những người Pharisêu[17]. Chúa Giêsu xác nhận những giáo lý chung trong nhóm tôn giáo ưu tú này của dân Chúa: việc kẻ chết sống lại[18], các hình thức đạo đức (bố thí, ăn chay và cầu nguyện)[19], và thói quen gọi Thiên Chúa là Cha, tính chất trung tâm của giới răn mến Chúa yêu người[20].

576. Đối với nhiều người Israel, Chúa Giêsu xem ra hành động nghịch với những định chế căn bản của dân Chúa chọn. Người có vẻ như:

– chống lại việc tuân phục Lề luật, trong toàn bộ các giới luật thành văn, và đối với nhóm Pharisêu, trong việc giải thích truyền khẩu;

– chống lại vị trí trung tâm của Đền thờ Giêrusalem, xét như nơi thánh, nơi duy nhất Thiên Chúa lưu ngụ;

– chống lại Đức tin vào Thiên Chúa duy nhất, Đấng không ai có thể được tham dự vào vinh quang của Ngài.

I.     CHÚA GIÊSU VÀ LỀ LUẬT

IESUS ET LEX

577. Khởi đầu Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đưa ra một giáo huấn long trọng trong đó Người trình bày Lề luật, đã được Thiên Chúa ban tại Sinai dịp Giao Ước đầu tiên, dưới ánh sáng của ân sủng của Giao Ước Mới:

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môisen hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành, và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5,17-19).

578. Chúa Giêsu, Đấng Messia của Israel, do đó là người lớn nhất trong Nước Trời, đã phải chu toàn Lề luật, khi tuân giữ toàn bộ Lề luật, theo chính lời Người nói, cho đến cả những điều răn nhỏ nhất. Nói cho đúng, chính Người là Đấng duy nhất đã có thể làm điều này một cách trọn hảo[21]. Những người Do Thái, theo chính họ thú nhận, đã không bao giờ có thể chu toàn trọn bộ Lề luật mà không vi phạm một điều răn nhỏ nhất nào[22]. Vì vậy trong lễ Xá Tội hằng năm, con cái Israel cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho những lỗi phạm Lề luật của họ. Thật vậy, Lề luật tạo thành một tổng thể và, như thánh Giacôbê nhắc nhở, “ai tuân giữ tất cả Lề luật, mà chỉ sa ngã về một điểm thôi, thì cũng thành người có tội về hết mọi điểm” (Gc 2,10)[23].

579. Những người Pharisêu rất trọng nguyên tắc tuân giữ toàn bộ Lề luật, không những chỉ theo văn tự, mà cả theo tinh thần nữa. Khi nêu nguyên tắc đó cho Israel, họ đã dẫn đưa nhiều người Do Thái thời Chúa Giêsu tới việc hết sức nhiệt thành giữ đạo[24]. Điều này, nếu không bị phá huỷ do việc xét đoán mọi sự cách “giả hình”[25], thì nhất định đã chuẩn bị cho dân hướng tới sự can thiệp chưa từng thấy của Thiên Chúa, là việc thi hành trọn vẹn Lề luật sẽ được hoàn thành bởi Đấng Công Chính duy nhất thay cho mọi tội nhân[26].

580. Việc chu toàn Lề luật cách trọn hảo chỉ có thể được thực hiện bởi Đấng ban hành Lề luật của Thiên Chúa, là Ngôi Con, được sinh ra dưới Lề luật[27]. Nơi Chúa Giêsu, Lề luật không còn được ghi trên bia đá nữa, nhưng “vào lòng dạ” và “vào tâm khảm” (Gr 31,33) của Người Tôi Trung, là người, vì đã “trung thành làm sáng tỏ công lý” (Is 42,3), nên được đặt làm “Giao Ước với dân” (Is 42,6). Chúa Giêsu chu toàn Lề luật cho đến độ đảm nhận trên mình “lời nguyền rủa của Lề luật”[28] mà những ai “không bền chí thi hành tất cả những gì được chép trong sách Luật” đã chuốc lấy[29], bởi vì Đức Kitô đã chịu chết “mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao Ước Cũ” (Dt 9,15).

581. Trước mắt người Do Thái và các nhà lãnh đạo tinh thần của họ, Chúa Giêsu xuất hiện như một “kinh sư”[30]. Người thường tranh luận về cách giải thích Lề luật của các kinh sư[31]. Nhưng đồng thời, Chúa Giêsu tất yếu phải đối đầu với những tiến sĩ Luật bởi vì khi trình bày cách giải thích của mình, Người không tự giới hạn trong những cách giải thích của họ; “vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7,28-29). Nơi Người, cùng một Lời của Thiên Chúa đã từng vang lên trên núi Sinai để ban hành Lề luật được ghi khắc cho ông Môisen, nay lại vang dội trên núi Bát Phúc[32]. Đấng là Ngôi Lời không bãi bỏ, nhưng kiện toàn Lề luật, bằng cách đưa ra lời giải thích tối hậu với một uy quyền thần linh: “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng…. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết” (Mt 5,33-34). Chính Người, với cùng một thẩm quyền thần linh ấy, phủ nhận một số “truyền thống của người phàm”[33] (Mc 7,8) của nhóm Pharisêu, vì những truyền thống đó hủy bỏ Lời Thiên Chúa[34].

582. Đi xa hơn nữa, Chúa Giêsu còn kiện toàn Lề luật về sự thanh sạch của các thức ăn, một điều hết sức quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của người Do Thái, khi Người cho thấy ý nghĩa “quản giáo” của luật ấy[35] bằng lời giải thích thần linh: “Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế…. Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch…. Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu” (Mc 7,18-21). Khi lấy thẩm quyền thần linh mà đưa ra lời giải thích tối hậu về Lề luật, Chúa Giêsu ở trong tình thế đối nghịch với một số kinh sư không chấp nhận lời giải thích của Người, mặc dù lời giải thích này được củng cố bằng những dấu lạ thần linh kèm theo[36]. Điều này đặc biệt đúng, trong vấn đề ngày sabat. Chúa Giêsu thường dựa trên chính lập luận của các kinh sư[37], để nhắc nhở rằng luật nghỉ ngơi ngày sabat không bị vi phạm khi phục vụ Thiên Chúa[38] hay phục vụ người lân cận[39], như trường hợp các lần Người chữa lành.

II.    CHÚA GIÊSU VÀ ĐỀN THỜ

IESUS ET TEMPLUM

583. Chúa Giêsu, cũng như các Tiên tri trước Người, tỏ lòng tôn kính rất sâu xa đối với Đền thờ Giêrusalem. Ở đó, Người đã được thánh Giuse và Đức Maria tiến dâng, bốn mươi ngày sau khi Người ra đời[40]. Lúc mười hai tuổi, Người quyết định ở lại trong Đền thờ để nhắc cha mẹ Người nhớ rằng Người phải lo việc của Cha Người[41]. Trong quãng đời ẩn dật của Người, Người đều lên Đền thờ mỗi năm ít nhất để mừng lễ Vượt Qua[42]; thừa tác vụ công khai của Người được đánh dấu như theo nhịp điệu những lần Người hành hương lên Giêsusalem vào những dịp lễ lớn của người Do Thái[43].

584. Chúa Giêsu lên Đền thờ với tính cách là đến một nơi để gặp gỡ Thiên Chúa. Đối với Người, Đền thờ là nhà của Cha Người, nhà cầu nguyện, và Người phẫn nộ bởi vì tiền đường Đền thờ đã trở thành nơi buôn bán[44]. Sở dĩ Người xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền thờ, đó là vì lòng yêu mến nhiệt thành đối với Cha Người: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán. Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Thánh Kinh: ‘Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân’ (Tv 69,10)” (Ga 2,16-17). Sau khi Người phục sinh, các Tông Đồ vẫn giữ một lòng tôn kính đạo hạnh đối với Đền thờ[45].

585. Tuy nhiên, ngay trước cuộc khổ nạn của Người, Chúa Giêsu đã tiên báo sự sụp đổ của công trình kiến trúc nguy nga ấy, tại đó sẽ không còn tảng đá nào nằm trên tảng đá nào[46]. Người loan báo sự việc ấy như là một dấu chỉ của thời đại sau cùng, thời đại được khai mở bằng cuộc Vượt Qua của Người[47]. Nhưng lời tiên báo đó đã bị những kẻ làm chứng gian bóp méo khi được thuật lại trong cuộc thẩm vấn Người trước mặt vị thượng tế[48]. Người ta còn dùng lời ấy để nhục mạ Người khi Người bị đóng đinh trên thập giá[49].

586. Chúa Giêsu không hề có thái độ thù nghịch Đền thờ[50], chính tại đó Người đã giảng dạy một phần giáo huấn quan trọng của Người[51], Người đã muốn nộp thuế Đền thờ cho mình và cho ông Phêrô[52] mà Người vừa mới đặt làm nền tảng cho Hội Thánh tương lai của Người[53]. Hơn nữa, Người tự đồng hóa mình với Đền thờ khi tự giới thiệu mình là nơi ở vĩnh viễn của Thiên Chúa giữa loài người[54]. Chính vì vậy mà việc thân thể Người bị sát hại[55] loan báo việc Đền thờ bị phá hủy, điều đó cho thấy lịch sử cứu độ đã bước vào một thời đại mới: “Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem” (Ga 4,21)[56].

III.  CHÚA GIÊSU VÀ ĐỨC TIN CỦA ISRAEL

VÀO THIÊN CHÚA DUY NHẤT VÀ LÀ ĐẤNG CỨU ĐỘ

IESUS ET FIDES ISRAEL IN DEUM UNICUM ET SALVATOREM

587. Nếu Lề luật và Đền thờ Giêrusalem đã có thể là cớ để giới cầm quyền tôn giáo Israel “chống báng”[57] Chúa Giêsu, thì nhiệm vụ của Người trong công trình Cứu Chuộc các tội nhân, một công trình tuyệt hảo của Thiên Chúa, mới thật sự là viên đá gây vấp phạm đối với họ[58].

588. Chúa Giêsu đã là cớ vấp phạm (scandalum) cho những người Pharisêu, khi Người dùng bữa với những người thu thuế và tội lỗi[59] một cách rất thân mật, giống như với chính họ[60]. Chống lại những người “tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (Lc 18,9)[61], Chúa Giêsu xác quyết: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32). Người còn đi xa hơn nữa, khi tuyên bố trước mặt nhóm Pharisêu rằng, mọi người đều có tội[62], cho nên ai tự cho mình là không cần được cứu độ, là người đui mù về chính bản thân mình[63].

589. Chúa Giêsu đã là cớ vấp phạm đặc biệt bởi vì Người đã đồng hóa cách xử sự nhân từ của Người đối với các tội nhân, với cách xử sự của chính Thiên Chúa đối với họ[64]. Người còn đi đến chỗ muốn cho người ta hiểu rằng, qua việc Người đồng bàn với các tội nhân[65], Người đón nhận những người đó vào bàn tiệc của Đấng Messia[66]. Nhưng đặc biệt khi Người tha tội, Chúa Giêsu đã đặt các nhà cầm quyền tôn giáo của Israel trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ đã chẳng sửng sốt nói rất đúng sao: “Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (Mc 2,7)? Chúa Giêsu, khi Người tha tội, thì hoặc là Người nói phạm thượng, bởi vì là người mà dám coi mình ngang hàng với Thiên Chúa[67], hoặc là Người nói đúng, thì như vậy, Con Người của Người làm hiện diện và mạc khải thánh Danh của Thiên Chúa[68].

590. Chỉ có căn tính thần linh của Con Người Giêsu mới có thể biện minh cho một đòi hỏi tuyệt đối thế này: “Ai không đi với tôi, là chống lại tôi” (Mt 12,30); cũng vậy, khi Người nói về mình: “Đây thì còn hơn ông Giôna nữa. …, còn hơn vua Salômôn nữa” (Mt 12,41-42), hoặc lớn hơn cả Đền thờ[69]; Người cũng nói về mình, khi nhắc lại lời vua Đavid đã gọi Đấng Messia là Chúa của ông[70]; khi Người xác quyết: “Trước khi có ông Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,58); thậm chí Người còn nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30).

591. Chúa Giêsu yêu cầu các nhà cầm quyền tôn giáo ở Giêrusalem hãy tin vào Người vì những công việc của Cha Người mà Người đã thực hiện[71]. Nhưng hành vi đức tin như vậy đòi phải chết đối với bản thân, để được “sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”[72] với sự lôi kéo của ân sủng của Thiên Chúa[73]. Một đòi hỏi hối cải triệt để như vậy khi đứng trước sự thực hiện các lời hứa cách lạ lùng[74] giúp chúng ta hiểu được sự sai lầm bi thảm của Thượng Hội Đồng khi phán quyết Chúa Giêsu đáng phải chết vì là kẻ nói phạm thượng[75]. Như vậy các thành viên của Thượng Hội Đồng đã hành động vừa do “không biết việc họ làm”[76], vừa vì sự chai đá cứng lòng[77] không chịu tin[78].

TÓM LƯỢC

592. Chúa Giêsu không bãi bỏ nhưng làm cho nên trọn[79] cách hết sức hoàn hảo[80] Lề luật Sinai: Người đã mạc khải ý nghĩa tối hậu của Lề luật[81] và chuộc lại các vi phạm Lề luật.[82]

593. Chúa Giêsu tôn trọng Đền thờ:Người lên Đền thờ vào những dịp lễ hành hương của người Do Thái và Người yêu mến với một tình yêu tha thiết nơi Thiên Chúa ở giữa loài người. Đền thờ báo trước mầu nhiệm của Người. Người loan báo sự sụp đổ của Đền thờ, như một biểu hiện việc chính Người sẽ bị giết và việc lịch sử cứu độ bước vào một thời đại mới trong đó Thân Thể Người sẽ là Đền thờ vĩnh viễn.

594. Chúa Giêsu làm những hành vi, như việc tha tội, biểu lộ rằng Người là chính Thiên Chúa Cứu Độ[83]. Một số người Do Thái, không nhận biết Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người[84], chỉ thấy Người là một phàm nhân mà lại tự cho mình là Thiên Chúa[85], nên đã kết án Người là kẻ nói phạm thượng.


[1]X. Lc 24,27.44-45.

[2]X. CĐVaticanô II, Hiến chếtín lý Dei Verbum, 19: AAS 58 (1966) 826-827.

[3]X. Mc 3,6.

[4]X. Mt 12,24.

[5]X. Mc 2,7.

[6]X. Mc 3,1-6.

[7]X. Mc 7,14-23.

[8]X. Mc 2,14-17.

[9]X. Mc 3,22; Ga 8,48; 10,20.

[10]X. Mc 2,7; Ga 5,18; 10,33.

[11]X. Ga 7,12; 7,52.

[12]X. Ga 8,59; 10,31.

[13]X. Lc 2,34.

[14]X. Ga 1,19; 2,18; 5,10; 7,13; 9,22; 18,12; 19,38; 20,19.

[15]X. Ga 7,48-49.

[16]X. Lc 13,31.

[17]X. Lc 7,36; 14,1.

[18]X. Mt 22,23-34; Lc 20,39.

[19]X. Mt 6,2-18.

[20]X. Mc 12,28-34.

[21]X. Ga 8,46.

[22]X. Ga 7,19; Cv 13,38-41; 15,10.

[23]X. Gl 3,10; 5,3.

[24]X. Rm 10,2.

[25]X. Mt 15,3-7; Lc 11,39-54.

[26]X. Is 53,11; Dt 9,15.

[27]X. Gl 4,4.

[28]X. Gl 3,13.

[29]X. Gl 3,10.

[30]X. Ga 11,28; 3,2; Mt 22,23-24.34-36.

[31]X. Mt 12,5; 9,12; Mc 2,23-27; Lc 6,6-9; Ga 7,22-23.

[32]X. Mt 5,1.

[33]X. Mc 7,8.

[34]X. Mc 7,13.

[35]X. Gl 3,24.

[36]X. Ga 5,36; 10,25.37-38; 12,37.

[37]X. Mc 2,25-27; Ga 7,22-24.

[38]X. Mt 12,5; Ds 28,9.

[39]X. Lc 13,15-16; 14,3-4.

[40]X. Lc 2,22-39.

[41]X. Lc 2,46-49.

[42]X. Lc 2,41.

[43]X. Ga 2,13-14; 5,1.14; 7,1.10.14; 8,2; 10,22-23.

[44]X. Mt 21,23.

[45]X. Cv 2,46; 3,1; 5,20-21; v.v….

[46]X. Mt 24,1-2.

[47]X. Mt 24,3; Lc 13,35.

[48]X. Mc 14,57-58.

[49]X. Mt 27,39-40.

[50]X. Mt 8,4; 23,21; Lc 17,14; Ga 4,22.

[51]X. Ga 18,20.

[52]X. Mt 17,24-27.

[53]X. Mt 16,18.

[54]X. Ga 2,21; Mt 12,6.

[55]X. Ga 2,18-22.

[56]X. Ga 4,23-24; Mt 27,51; Dt 9,11; Kh 21,22.

[57]X. Lc 2,34.

[58]X. Lc 20,17-18; Tv 118,22.

[59]X. Lc 5,30.

[60]X. Lc 7,36; 11,37; 14,1.

[61]X. Ga 7,49; 9,34.

[62]X. Ga 8,33-36.

[63]X. Ga 9,40-41.

[64]X. Mt 9,13; Os 6,6.

[65]X. Lc 15,1-2.

[66]X. Lc 15,23-32.

[67]X. Ga 5,18; 10,33.

[68]X. Ga 17,6.26.

[69]X. Mt 12,6.

[70]X. Mc 12,36-37.

[71]X. Ga 10,36-38.

[72]X. Ga 3,7.

[73]X. Ga 6,44.

[74]X. Is 53,1.

[75]X. Mc 3,6; Mt 26,64-66.

[76]X. Lc 23,34; Cv 3,17-18.

[77]X. Mc 3,5; Rm 11,25.

[78]X. Rm 11,20.

[79]X. Mt 5,17-19.

[80]X. Ga 8,46.

[81]X. Mt 5,33.

[82]X. Dt 9,15.

[83]X. Ga 5,16-18.

[84]X. Ga 1,14.

[85]X. Ga 10,33.

 


Sách Giáo Lý Công Giáo