THIÊN CHÚA VÀ TRẦN THẾ

 

Joseph Ratzinger

Biển-đức XVI.

Thiên Chúa và Trần Thế

Tin và Sống trong thời đại ngày nay

Trao đổi với Peter Seewald

Phạm Hồng-Lam chuyển ra Việt ngữ

CHƯƠNG I :

THIÊN CHÚA

6. LỀ LUẬT 

VỀ BỐN LỀ LUẬT 

Giáo hội đã lập ra bốn lề luật. Những lề luật này đặt nền tảng trật tự cho việc tổ chức cuộc sống trong thế giới. Các luật đó: thứ nhất là luật thiên nhiên; thứ hai là luật dục vọng; thứ ba là luật giao ước cũ qua Mai-sen; thứ bốn là luật giao ước mới qua đức Giê-su Ki-tô. Tóm tắt của tôi như thế có đúng không?

Trước hết, phải nói các lề luật đó không có cùng một cấp độ ngang nhau. Luật thiên nhiên cho biết chính thiên nhiên cũng có một sứ điệp luân lí. Công cuộc tạo dựng còn mang một nội dung tinh thần, và nội dung này không chỉ mang tính cơ giới toán học. Sứ điệp luân lí là chiều kích nâng khoa học tự nhiên lên trong các luật thiên nhiên. Nhưng không phải chỉ có tinh thần, không phải chỉ có „luật thiên nhiên“ trong cuộc tạo dựng. Tạo dựng tiềm ẩn trong nó một trật tự, và nó cũng chỉ cho ta thấy trật tự đó. Qua trật tự này, ta đọc được suy nghĩ của Thiên Chúa và hiểu được mình phải sống ra sao.

Điểm thứ hai: Luật dục vọng muốn nói lên rằng sứ điệp của tạo dựng đã bị che mờ. Tội lỗi trong thế giới là một thứ đối lực chống lại sứ điệp đó. Luật này cho thấy con người, như người ta vẫn nói, đang chống lại mình. Về điểm này, Phao-lô đã nói như sau: Con người cảm thấy có sự hiện diện của một luật trong họ, nó khiến họ nhiều khi làm chuyện trái với mong muốn của mình. Điều này như vậy là một cấp độ khác. Trong khi luật thiên nhiên cho biết sứ điệp tiềm ẩn nơi tạo dựng, thì luật dục vọng cho thấy con người tự xây cho mình một thế giới riêng, và như vậy đã mang vào thế giới một chiều hướng đối nghịch. 

Đó là điều đặc biệt thánh Tô-ma ở Aquino đã diễn tả và kiện toàn?

Vâng. Tô-ma là tổng hợp và kết quả của những điều trên.

Điểm ba : luật giao ước cũ. Cả luật này cũng có nhiều tầng í nghĩa. Căn bản của luật này là mười giới răn ở núi Si-nai. Thêm vào đó, cả 5 sách của Mai-sen cũng được gọi là « luật ». Các sách này là bộ luật của Is-ra-en. Chúng đề ra những quy tắc sống, những lề lối cầu nguyện và những quy định đạo đức phải theo cho dân này. Phao-lô đã xét kĩ các luật đó, và nhận ra rằng luật Mai-sen đã là một quyền lực thật sự. Luật này vẫn còn giá trị cho dân Do-thái, và trên nhiều bình diện, cho cả chúng ta nữa, chúng ta sẽ bàn thêm chuyện này sau. Nhưng Phao-lô đồng thời cho hay, luật đó hoàn toàn không thể giải phóng được con người. Lí do: Luật càng đòi hỏi mạnh bao nhiêu thì bản năng chống lại nó càng lớn bấy nhiêu.

Chính đức Giê-su Ki-tô, theo Phao-lô, là kẻ đã giải phóng lề luật, đã đưa tự do đức tin và tình yêu thay thế lề luật. Tiếp nối í của thánh Phao-lô, Tô-ma ở Aquino đã nói tới một luật gọi là luật đức Ki-tô, và luật này có một bản chất hoàn toàn khác. Thánh Tô-ma nói, luật mới, luật đức Ki-tô, là Thánh Thần, nghĩa là đó là một sức mạnh thúc đẩy ta từ bên trong, và ta không hoàn toàn bị lệ thuộc bởi bên ngoài.

Như vậy chúng ta có tất cả bốn tầng khác nhau : thứ nhất là sứ điệp của tạo dựng. Thứ hai là khuynh hướng đối nghịch của con người trong lịch sử, muốn chống lại Thiên Chúa và muốn tạo cho mình một thế giới riêng. Thứ ba là tiếng nói Thiên Chúa trong Cựu Ước, Cựu Ước đề ra cho con người một con đường, nhưng con người chống lại con đường đó và xem ra họ bất lực trong việc chống đó. Luật giao ước cũ tạm thời vẫn còn, nó mở ra cánh cửa vượt qua nó. Và cuối cùng thứ tư là đức Ki-tô, Ngài đã đến trong ta không qua các lề luật bề ngoài, và đã mở ra một hướng nội tâm cho cuộc đời chúng ta.  

Nhưng câu này của đức Giê-su làm cho tôi khó chịu : « Đừng nghĩ rằng tôi đến để phá lề luật và các tiên tri. Tôi đến, không phải để phá, mà để làm cho trọn. Amen, tôi cũng muốn nói điều này : Cho tới khi trời đất qua đi, một nét chữ nhỏ nhất trong luật cũng không qua đi, cho tới khi tất thảy mọi sự đã xảy ra ». 

Đức Ki-tô đến không như một kẻ phá luật. Ngài không đến để bãi bỏ luật hay biến nó thành ra vô nghĩa. Phao-lô cũng hành động như thế, cả cho dù một số người theo quan điểm của ngài nhận thấy có điều khó hiểu trong câu nói của đức Giê-su được ghi lại bởi Mat-thêu trên. Đức Giê-su nói, toàn bộ luật cũ có vai trò sư phạm rất quan trọng. Và Ngài đến để làm trọn nó. Điều này cũng có nghĩa là để nâng nó lên một tầm cao hơn. Ngài làm trọn nó qua cuộc khổ nạn, qua cuộc sống và sứ điệp của Ngài. Và nhờ vậy, toàn bộ luật đó giờ đây mới có được í nghĩa. Tất cả những gì luật cũ gói gém và muốn nói lên, đã được thực hiện nơi con người đức Giê-su.

Đó là lí do tại sao chúng ta giờ đây chẳng cần phải thực thi từng mớ chi tiết của luật cũ nữa. Sống cộng đoàn với đức Ki-tô có nghĩa là chúng ta đang ở nơi luật đã được nên trọn, nơi luật có chỗ đứng đúng của nó, nơi nó đã được « nâng lên », nghĩa là nơi nó được bảo tồn và đồng thời cũng được biến thể. 

Có biết bao nhiêu thư viện chứa đầy những bộ luật quy định cách sống chung và cách hành xử cho con người trong các quốc gia. Nhưng ngược lại, đức Giê-su muốn tóm tắt những luật đó trong vài câu dễ hiểu và có thể áp dụng cho mọi người trên trái đất, Ngài muốn có một bộ luật chính yếu cho thế giới.

Trước câu hỏi: Thưa Thầy, điều luật nào quan trọng nhất, Ngài trả lời : « Ngươi nên yêu Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết tâm hồn và với hết mọi í nghĩ. Đó là điều luật thứ nhất và quan trọng nhất. Điều thứ hai cũng quan trọng không kém : Ngươi nên yêu tha nhân như chính ngươi ». Và Ngài còn nói thêm, như thể để cho mọi người có thể nắm bắt: « Hai điều luật đó là toàn bộ lề luật và các tiên tri ».

Quả thực đó là bước đột phá lớn, là tổng hợp quan trọng mà đức Giê-su đã mang tới. Ngài giúp ta vượt qua mọi góc độ và chi tiết để nhìn vào tổng thể : tất cả mọi thứ đều nằm sẵn trong hai điều răn đó. Thiên Chúa và tha nhân gắn liền với nhau. Như vậy, đức Giê-su đã đơn giản hoá vấn đề một cách tuyệt diệu, đây không phải là Ngài coi nhẹ hay tầm thường hoá, nhưng là cơ bản hóa vấn đề. Ngài đưa ra ánh sáng tâm điểm của vấn đề, tất cả mọi chuyện đều đặt nền trên đó, đều xoay quanh nó, không có nó là không được, như Phao-lô đã nói. Nếu không có nó như là giới răn nền tảng, thì mọi chuyện chúng ta nói đều là phèng la inh ỏi mà chẳng thực tế. Mọi hành vi sùng mộ và mọi thứ sinh hoạt sẽ là trống không, nếu trong chúng không có hồn tình yêu. Chúng không giúp ta đụng được với Chúa và cũng chẳng giúp được gì cho tha nhân. Như vậy thì việc tóm kết và đơn giản hoá đó quả là một đột phá nền tảng, nó chỉ ra sự đơn giản của Thiên Chúa và đồng thời cũng cho thấy nét đẹp và cao cả trong đòi hỏi của Ngài.

Ta hẳn biết rằng, trong Is-ra-en xưa, luật pháp và quy chế luân lí quốc gia đều hoà chung làm một với lề luật phụng tự. Qua biến cố đức Giê-su, những thứ đó đã được tách ra. Tôn giáo có thể nói giờ đây nhận được bản chất riêng của nó. Tôn giáo vẫn là hồn cho quốc gia và luật pháp quốc gia, và nó vẫn đề ra mực thước đạo đức cho quốc gia, nhưng luật pháp quốc gia giờ đây không còn là một với những gì đạo đức hay đức tin dạy.

Với cái nhìn đó, các quốc gia càng ngày càng phải tạo ra cho mình những quy định và tiêu chuẩn pháp lí riêng. Nhưng những cái đó sẽ trống rỗng, nếu chúng không có hồn, và nếu con người từ thâm tâm không nhận ra được yêu cầu nền tảng của cuộc sống, và từ đó biến những quy định hành xử có tính cách thuần bề ngoài đó trở thành một cuộc chung sống hài hoà, công bình. 

Có phải đó là điều mà ngài đã có lần phát biểu: luật thiên nhiên đúng nghĩa là một luật đạo đức?

Đúng. Như đã nói, thiên nhiên không những mang trong mình những luật diễn biến, như khoa học tự nhiên nghiên cứu, mà còn cả một sứ điệp sâu xa nữa. Sứ điệp này soi đường dẫn lối ta. Và khi Giáo hội nói tới luật thiên nhiên, thì đây không phải là những luật của khoa học tự nhiên, mà đó là bảng chỉ đường nội tâm mà Tạo hoá đã bật sáng trong ta. 

MƯỜI GIỚI RĂN 

Trong sa mạc Si-nai, Mai-sen vẽ một đường ranh quanh núi Ho-rép. Không ai được bước qua ranh đó, ngoài một mình ông. Vào ngày thứ ba, sấm chớp bắt đầu nổi lên, mây vần  vũ bao phủ lấy ngọn núi, kèn loa vang dội. Cả ngọn núi dậy khói, toả lửa và động đất, và chỉ có Mai-sen leo lên đỉnh để nhận mười giới răn, luật thiên chúa. Mai-sen viết tất cả những lời của Thiên Chúa vào Sách Giao ước.

Huyền thoại được viết lại như thế. Đối với Giáo hội, mười giới răn nói lên nỗi lo lắng của Thiên Chúa đối với con người, các giới răn hướng dẫn họ bước vào một cuộc sống tốt đẹp. Tôi muốn hỏi : Có thật các giới luật đó đã được Chúa hiện ra trao cho Mai-sen trên núi Si-nai ?  Đó là những tảng đá, có phải trên đó chính « tay Chúa đã viết ra », như vẫn được truyền tụng không ?

Có lẽ phải giải thích rõ hơn một chút về chữ « huyền thoại ». Ngôn ngữ diễn tả ở đây rõ ràng là ngôn ngữ hình ảnh. Ngôn ngữ đó nói lên những điều khó có thể diễn tả. Nhưng việc những sứ điệp đó được thông báo qua biểu tượng, không có nghĩa là chúng chỉ là một cơn mơ, một truyền thuyết hay là một thần thoại.

Hình ảnh ở đây nói lên một biến cố có thật, đó là biến cố Thiên Chúa đi vào lịch sử, biến cố gặp gỡ giữa Ngài và dân Is-ra-en – và xuyên qua dân này gặp gỡ nhân loại. Hình ảnh này được thông truyền qua một người, người đó sống gần Chúa, thật sự muốn lắng nghe Chúa và, như Kinh Thánh nói, có thể nói chuyện với Ngài như một người bạn, và từ tình bạn đó đã trở thành kẻ môi giới, và đã có thể chuyển tiếp sứ điệp của Ngài. Như vậy, chúng ta gặp ở đây một biến cố trung tâm và biến cố này đã được diễn đạt bằng hình ảnh thị kiến. 

Nhưng làm sao biết được rằng các giới răn đó thật sự đến từ Thiên Chúa ?

Ngày nay ta biết rằng chuyện mười giới răn, như đã được truyền lại trong các sách Mai-sen, có dây mơ rễ má với lịch sử của các dân tộc lân cận. Những chuyện nói lên việc vật lộn với lịch sử như thế cũng có trong vùng Assiri.  Tuy nhiên, việc có một giới luật dưới hình thức đó và được viết ra bằng chữ như thế thì quả đã vượt ra ngoài mọi nguồn ảnh hưởng hỗ tương. Nó đã được một người gần gũi với Chúa viết ra dưới một dạng hình mà ta nhận biết thực sự là lời của Chúa. Như là bạn thân tình, Mai-sen đã nhận ra được í Thiên Chúa, í này cho tới lúc đó chỉ xuất hiện từng mảng rời rạc và đây đó trong nhiều nguồn khác nhau. Và Mai-sen đã kết hợp chúng và diễn tả ra.Có phải thật đó là những mảng đá hay không, lại là một chuyện khác. Ta biết, theo như sách kể, Mai-sen vì tức giận đã đập bể các mảng đó, và cuối cùng đã nhận được các mảng khác thay thế. Vấn đề quan trọng ở đây là chính thật Thiên Chúa đã tỏ hiện xuyên qua một người bạn. Vì thế, việc môi giới này là điều vượt ra ngoài sự tưởng tượng của con người, hay cả vượt ra ngoài sự nhạy cảm của họ đối với sứ điệp của tạo dựng.  

Mười giới răn vẫn mang giá trị - vô giới hạn - cho ngày nay ?

Chúng vẫn giá trị. Chúng ta đã nói tới một giới răn. Giới răn đó, sau khi gặp đức Ki-tô, có thể nói đã mang một bộ mặt và í nghĩa mới : « Ngươi không được tạc tượng hình nào khác ». Giới răn này trở thành mới ngay khi chính Thiên Chúa tự tỏ hiện qua hình ảnh Ngài. Nghĩa là tất cả các giới răn cũng đều đang trên đường hình thành, chỉ qua đức Ki-tô chúng mới nhận được hình thù hoàn chỉnh.

Cả giới răn thánh hoá ngày thứ bảy cũng giữ nguyên giá trị. Giới răn này có liên hệ với câu chuyện tạo dựng. Nhưng nó đã nhận được một khung mới, vì giờ đây ngày phục sinh của đức Giê-su trở thành thực sự là ngày giao ước. Thứ bảy chuyển thành chủ nhật – và mang theo một chiều sâu mới.

Trong í nghĩa đó, các giới răn chưa hẳn là những lời đã hoàn chỉnh. Phải qua ánh sáng đức Ki-tô chúng mới có được hình thù quyết định. Tuy nhiên chúng vẫn có giá trị trong nền tảng. 

Mười giới răn đã chẳng bao giờ bị sửa đổi ?

Không. Có hai bản văn, một trong sách Xuất hành và một trong sách Dân-số. Hai bản có khác nhau đôi chút bề ngoài, nhưng bản chất giống nhau – và dĩ nhiên con người không có quyền sửa đổi chúng. 

Khi Mai-sen từ núi thánh xuống, thấy dân đang nhảy múa quanh bò vàng, ông giận ném tan các mảng giới răn. Chỉ có con cháu của chi Lê-vi, chi họ về sau trở thành giai tầng giáo sĩ, tụ tập chung quanh ông, và như vậy đứng về phe Thiên Chúa. Maisen ra lệnh : « Hãy đi từ bên này sang bên kia doanh trại, từ cửa này tới cửa kia, và giết hết ngay cả anh em, bạn bè, người hàng-xóm ».

Câu chuyện mười giới răn, như thế, đã khởi đi từ một tội chống lại điều răn thứ năm : Chớ giết người. Lẽ ra Mai-sen phải biết điều đó chứ.

Trước hết, nó khởi đi từ tội chống lại điều răn nền tảng thứ nhất : Ngươi không được thờ thần nào khác ngoài Thiên Chúa.Con người chỉ quân bình, khi họ chấp nhận Thiên Chúa và tôn thờ Ngài. Khi họ bỏ Chúa chạy theo thần khác, khi họ muốn tự mình làm Chúa và thờ lạy chính mình, lúc đó họ phản nghịch lại với thân phận mình. Tội nền tảng này đã làm cho bộ mặt dân này ra dị hợm và khiến họ ăn tươi nuốt sống nhau. Bởi bỏ Chúa là bỏ nguồn sống, cũng có nghĩa là ra khỏi sự sống.Câu chuyện trên quả dã man và thật khó hiểu đối với ta. Nhưng ở đây, ta lại phải nhìn về đức Ki-tô. Ngài hành động ngược lại. Ngài nhận lấy cái chết cho mình mà không giết hại ai cả. Trong giờ phút lịch sử ở Si-nai, có thể nói, Mai-sen đã chỉ hoàn thành điều đã xảy ra : chính những người khác đã đồi truỵ cuộc sống họ. Câu chuyện trên thật sự xẩy ra như thế nào, lại là một câu hỏi khác. Dân Is-ra-en vẫn còn đó. Câu chuyện muốn nói lên rằng, ai bỏ Chúa, người đó không những bỏ giao ước, mà còn ra khỏi không gian sự sống, phá hoại chính sự sống, và như vậy là đã bước vào vùng đất chết. 

Giới răn thứ nhất

« Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi. Ngươi chớ có thần nào khác ngoài Ta » 

Nếu nhìn kĩ, thì cuộc nhảy múa quanh bò vàng trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ dữ dội và say sưa như trong thời đại ngày nay.

Ngày nay không có những thần linh được minh nhiên tuyên xưng, nhưng có những quyền lực khiến người ta kính cẩn sấp mình. Tư bản, hay nói chung của cải, là một trong những quyền lực đó. Hay đam mê quyền lực cũng thế. Bò vàng xuất hiện dưới nhiều bộ mặt và hiện rất thời sự trong thế giới phương tây của chúng ta. Hiểm nguy luôn chờ sẵn.

Nhưng còn hơn thế nữa. Càng ngày gương mặt Thiên Chúa càng bị xoá nhoà. Người ta bảo : Chúa nào thì rồi cũng chỉ là một Chúa đó cả thôi. Vấn đề là mỗi nền văn hoá có một cách gọi riêng, chứ dù mình có coi Ngài là một con người hay không, có gọi Ngài là Jupiter, Shiva hay với tên nào đi nữa, thì tất cả cũng chỉ là một! Và càng ngày, người ta càng chẳng quan tâm gì tới Chúa nữa. Người ta rời xa Chúa, và chỉ quay nhìn vào những tấm gương phản chiếu chính họ trong đó.

Ta thấy : Chính khi Chúa bị gạt ra một bên, thì đó là lúc các chước cám dỗ thờ ngẫu tượng trở nên rất mạnh. Nguy cơ lớn của ta lúc này, là người ta coi Chúa là dư thừa. Họ bảo, Ngài ở xa quá, và có thờ Ngài thì có lẽ cũng chẳng lợi lộc gì. Điều chúng ta ít để í hơn : Khi ta nhổ cây cột trụ làm nền cho cuộc sống của ta đó đi, lúc đó càng ngày ta sẽ càng trở nên mất cân bằng và phân rã. 

Giới răn thứ hai

« Ngươi chớ làm ô danh Thiên Chúa ! » 

Nhưng ta tự hỏi : Nếu Thiên Chúa lớn như thế, thì sao Ngài lại phải phiền vì một tội nhỏ của tôi như thế, tội của một chú giun đất nhỏ nhoi ?

Không phải vì ta có thể đe doạ Chúa mà Ngài phải trả thù ta. Song là vì để ta giữ được thăng bằng trong cuộc sống. Chính khi ta làm ô uế Ngài, làm biến thể bộ mặt Ngài, khiến bộ mặt không còn toả rạng để cho thế gian nhận ra Ngài, thì lúc đó con người cũng chẳng còn toả rạng nữa.

Martin Buber có lần nói, không có từ nào bị lạm dụng như từ THIÊN CHÚA. Từ đó bị bôi đen và làm biến thể đến nỗi không còn sử dụng được nữa. Ông nói tiếp, tôi nghĩ rằng, dù vậy, ta không được tránh hay không nhắc tới từ đó, nhưng hãy cố gắng kính cẩn vực nó dậy và tạo lại í nghĩa đúng đắn cho nó.Ta chỉ cần nghĩ tới câu « Thiên Chúa ở cùng chúng ta » được in trên dây lưng của quân đội Đức trong thời quốc-xã, thì cũng đủ rõ. Tưởng là để vinh danh Chúa, nhưng thực ra là để lợi dụng cho mục tiêu riêng của họ.Mỗi lạm dụng danh Chúa, mỗi hành vi làm biến thể bộ mặt của Ngài đều để lại nhiều rác rưởi và dấu vết có hại kinh khủng.

Nếu không có những lạm dụng danh Chúa đó, ta không thể giải thích được quyền lực lớn của vô thần, hay của việc chối từ hoặc vô tâm đối với Thiên Chúa. Gương mặt Ngài đã bị bóp méo đến đỗi người ta không còn dám nhìn. Xem đó, ta thấy việc lỗi phạm điều răn này có thể mang lại những hậu quả ghê gớm như thế nào. 

Giới răn thứ ba

« Hãy nhớ thánh hoá ngày thứ bảy » 
 

Có người rất thích ngày chủ nhật và muốn tận hưởng nó. Có người lại chẳng muốn nghỉ, dùng nó để đi chợ, làm việc hay gây ồn ào. Phải chăng là vì người ta không còn hiểu ra í nghĩa của ngày này nữa? 

Trong trình thuật tạo dựng, ngày thứ bảy là thời gian con người nghỉ ngơi lo việc Chúa. Đây là dấu chỉ giao ước giữa Chúa với dân Ngài trong nội dung thập giới. Í nghĩa nguồn cội của ngày thứ bảy, như thế, là việc báo trước tự do và bình đẳng cho tất cả mọi người.

Trong ngày thứ bảy, cả nô lệ cũng không còn là nô lệ nữa, họ cũng được nghỉ ngơi. Đó là một trong những í nghĩa chính trong truyền thống giáo hội. Còn đối với những người tự do thì họ vẫn được tiếp tục làm việc, là vì việc họ làm không phải là công việc đúng nghĩa. Điểm quan trọng thứ hai, đây là ngày nghỉ, kết thúc cuộc tạo dựng. Giới răn này cũng có giá trị ngay cả cho súc vật.

Ngày nay, con người muốn dành toàn quyền cho mình việc sử dụng thời gian. Thực tế là chúng ta đã quên đi tầm quan trọng của việc để Chúa đi vào thời gian, và quên rằng thời gian không phải chỉ là vật liệu sử dụng cho nhu cầu riêng của mình. Vấn đề là ta phải thoát ra khỏi sự ràng buộc của cái lợi và cái hữu ích - để giải thoát cho chính mình và cho kẻ khác.

Như đã nói, ngày thứ bảy đã mặc lấy hình thức mới trong ngày phục sinh của đức Ki-tô. Đó là ngày đấng phục sinh hiện ra giữa các môn đồ của Ngài, là ngày chúng ta quy tụ với Ngài, là ngày Ngày mời gọi chúng ta tới với Ngài – ngày cầu nguyện và gặp gỡ, Chúa tới và thăm ta và ta thăm Ngài.