THIÊN CHÚA & TRẦN THẾ

 

Joseph Ratzinger

Biển-đức XVI.

Thiên Chúa và Trần Thế

Tin và Sống trong thời đại ngày nay

Trao đổi với Peter Seewald

Phạm Hồng-Lam chuyển ra Việt ngữ

 

CHƯƠNG II

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ

 

13. MẸ THIÊN CHÚA

 

Lịch sử công nguyên khởi đầu với một phụ nữ. Tin Mừng kể “Và thiên thần Chúa đã mang tới cho Maria một sứ điệp”. Đó là một cô gái từ chốn hẻo lánh không ai biết tới Na-da-ret, và cô chẳng hiểu chuyện gì sẽ xẩy đến cho mình.

Người ta chỉ nhận ra được tầm vóc lớn lao của biến cố đó qua dòng thời gian. Trước hết là sự xuất hiện của thiên sứ, vị này đột ngột trao cho Maria một sứ điệp bất thường: Cô đầy ơn phúc, cô đã được chọn để làm mẹ Thiên Chúa. Hẳn lúc đó Maria hốt hoảng.

 

Một con người làm mẹ Thiên Chúa!

Quả là một mâu thuẫn lớn. Thiên Chúa trở nên bé nhỏ. Ngài trở thành người, như vậy cũng mặc lấy điều kiện đầu thai và sinh ra của con người. Ngài có một người mẹ, và bằng cách đó, Ngài đã thật sự được dệt vào tấm thảm của lịch sử loài người, đến nỗi một phụ nữ đã có thể thật sự nói được với đứa con mình sinh ra: Chúa tể trần gian ở trong con.

Người ta đã tranh cãi nhau rất lâu về chữ Mẹ Thiên Chúa. Nhóm Nestorius* bảo Mẹ không sinh ra Thiên Chúa, mà chỉ sinh ra một con người Giê-su mà thôi. Như vậy, ngài là mẹ của đức Ki-tô, nhưng không thể gọi là mẹ Thiên Chúa được. Câu hỏi căn bản là sự hoà quyện hai bản tính thiên chúa và con người trong đức Giê-su Ki-tô sâu xa tới đâu, tới độ nào để có thể nói được đứa trẻ sinh ra đó là Chúa, và như vậy Maria là mẹ Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa không phải trong í nghĩa Mẹ là người sinh ra Thiên Chúa. Nhưng trong nghĩa Mẹ đã sinh ra một con người, và con người đó hoàn toàn kết hiệp làm một với Thiên Chúa. Với cách đó, mẹ Maria đã hoàn toàn kết hiệp một cách lạ lùng với Thiên Chúa.

 

Maria được kính thờ như Nữ vương thiên đình, như Nguyên ảnh của Giáo hội, hay cũng như Mẹ của lòng nhân ái. Lực toả sáng của người nữ đó, đấng vẫn luôn dấy động tâm can hàng triệu con người, không thể nào đong đo bằng tiêu chuẩn thường tình được.

Trong lịch sử, biến cố mẹ Maria càng ngày cũng được hiểu như là nét vẻ vang của phụ nữ. Bản chất nguyên thuỷ của phụ nữ được biểu hiện nơi Maria, ngài là hiện thân sự tinh tuyền của nhân loại và Giáo hội. Và trong khi Eva - người phụ nữ đầu tiên và là “nguyên mẫu”, như người ta vẫn nói, và là người mẹ của mọi loài sống động - được sinh ra trên căn bản để chết, thì Maria – nhờ sinh ra đấng cứu thế, đấng đã phục sinh và mang lại sự sống – thật sự được coi như là sự thể hiện tinh tuyền hai yếu tố hàm chứa trong chữ Eva, đó là niềm hứa hẹn và khả năng sinh sản của người nữ. Maria trở thành mẹ của sự sống, của những gì trao ban sự sống và của mọi loài sống động.

 

KÍNH CHÀO ĐỨC MARIA

 

Lời chào của thiên sứ đã trở thành một lời kinh nền tảng của Giáo hội công giáo. Một vài thiên tài lớn nhất của nhân loại như Mozart*, Rossini* và những người khác, đã dệt Ave Maria thành nhạc: “Kính chào Maria, đầy ơn phúc! Thiên Chúa ở cùng cô. Cô là người trong những người nữ được chúc phúc. Và Giê-su, con trong lòng cô cũng được chúc phúc”. Và thiên sứ còn nói: “Cô đừng sợ”. Và Maria đã trả lời thế nào?

“Này tôi là tôi tớ của Thiên Chúa”. Vâng, ngài đã học được cách chẳng sợ. Bởi vì như ta thấy trong dọc dài Kinh Thánh, bất luận nơi mục đồng hay nơi các tông đồ: Mỗi khi con người khám phá ra mình ở gần Thiên Chúa là họ cảm thấy sợ hãi. Họ nhận ra sự bé bỏng của mình và giật mình trước vinh quang và thánh thiêng kì vĩ của Thiên Chúa, bởi họ thấy mình không thể nào sánh nổi. Đây là một trong những chỗ đầu tiên trong Tân Ước xuất hiện chữ “Đừng sợ”. Thiên Chúa không đến để gây sợ hãi nơi ta, nhưng Ngài trở nên bé nhỏ trong sự lớn lao của mình, Ngài cởi bỏ đi nét gây sợ, bởi Ngài tới để đem ơn cứu độ.

Giáo chủ Gio-an Phao-lô II đã nhắc lại câu “Đừng sợ, anh chị em đừng sợ Chúa Ki-tô” trong bài diễn văn đầu tiên ngày nhận chức. Tôi muốn nói rằng, giờ đây cả hoàn vũ ki-tô giáo nên để cho lời đó luôn thấm nhập mình. Chúng ta không cần phải sợ Chúa, không sợ Ngài sẽ lấy mất gì của mình hay đe doạ mình, nhưng Ngài đến để đem chở che, giúp ta thắng vượt cả sự chết.

Kinh Kính mừng của Giáo hội gồm hai phần. Phần đầu là lời chào của thiên thần, phần sau là lời Ê-li-sa-bét thốt lên khi Maria tới thăm mình: “Con trong lòng em cũng được chúc phúc”. Và Ê-li-sa-bét tiếp: “Em là người có phúc hơn mọi người nữ”. Với câu này, Ê-li-sa-bét cũng đã tiên đoán về sự tôn kính Maria. Thánh Thần đã giúp bà tiên tri nói lên điều đó. Nói cách khác: Ki-tô hữu cũng sẽ ca ngợi Thiên Chúa, bằng cách họ vui mừng chào đón những con người, mà qua đó Chúa tỏ cho thấy sự lớn lao và lòng tốt của Ngài.

 

Mẹ Maria có í nghĩa nào đối với cá nhân ngài?

Ngài tượng trưng cho sự gần gũi với Thiên Chúa. Nhờ ngài, ta mới hiểu ra việc nhập thể. Tôi rất cảm động việc Con Thiên Chúa có một người mẹ, và người mẹ đó được tất cả chúng ta tín thác. Lời đấng bị đóng đinh trao mẹ mình lại cho Gio-an đã từ giây phút đó đi vào suốt chiều dài lịch sử. Nhờ lời trối trăn đó mà khi cầu nguyện cùng Mẹ, ta có được niềm tin tưởng đặc biệt, cảm thấy được gần gũi và nhất là có được quan hệ với Chúa. Cá nhân tôi trước đây bám chặt vào phong trào phụng vụ duy ki-tô, quan điểm đó càng được đẩy mạnh qua việc đối thoại với các bạn tin lành. Nhưng càng ngày, qua việc sùng kính Maria với các ngày lễ của Mẹ, các buổi chầu tháng năm, các chuỗi mân côi tháng mười, Mẹ càng có í nghĩa đối với tôi. Và càng về già, tôi càng cảm thấy gần Mẹ Thiên Chúa hơn.

 

Các Tin Mừng ít đề cập tới Maria. Ngài hoàn toàn vắng mặt trong những giai đoạn cuộc đời quan trọng của đức Giê-su, hoặc nếu có, thì cũng xuất hiện dưới dáng tiêu cực hoặc chẳng phải là một người mẹ đáng yêu.

Đúng là truyền thống tin mừng không quan tâm gì tới Maria. Mẹ hầu như chẳng có vai trò gì trong Mát-thêu. Trong Mát-thêu, thời niên thiếu của đức Giê-su gắn liền với cha Giu-se. Lúc này đây tôi có thể nói, rõ ràng người ta đã muốn tránh nói tới Mẹ, bao lâu Mẹ còn sống. Và cả chính Mẹ cũng muốn giữ kín đáo.

Đức Giê-su kiến tạo một gia đình mới, và ở đâu người ta ca tụng bà mẹ nào đã cưu mang Ngài và vú nào đã cho Ngài bú, thì Ngài liền sửa ngay cái hình ảnh lúc đó về quan hệ gia đình. Đối với Ngài, quan trọng là: “Phúc thay những ai nghe và tuân giữ lời Chúa”. Đó là tính chất mới về gia đình và về người mẹ. Ngài diễn tả như vầy: Ai làm theo í của tôi, là anh em, mẹ, chị em tôi. Như vậy, Ngài nâng khái niệm gia đình mà con người vẫn hiểu lên thành một loại gia đình lớn mới, gia đình cộng đoàn trong í muốn Thiên Chúa, và đó là điểm quan trọng. Lu-ca cho ta hay về chuyện cải chính trên, nhưng ngài đã nối sự việc đó một cách văn hoa với cuộc đời niên thiếu của đức Giê-su và với câu chuyện gặp gỡ bà Ê-li-sa-bet. Trong Lu-ca, Maria xuất hiện không những như một người mẹ xác phàm, mà cả như một người lắng nghe, một kẻ tin, một kẻ đứng trong cộng đoàn của Chúa. Theo Lu-ca, Mẹ là điển hình của những ai lắng nghe và tuân giữ lời Chúa.

 

Đức Giê-su có nhiều tình cảm và gần gũi hơn với những phụ nữ khác. Còn đối với mẹ mình thì Ngài nhiều khi tỏ ra cộc cằn. Chẳng hạn trong tiệc cưới Ca-na, khi mẹ yêu cầu phải làm gì để giúp người ta có đủ rượu cho khách, Ngài đã thô lỗ: “Này bà, có chi liên quan tới tôi và bà đâu!” Có thật Ngài đã xử tệ với mẹ như thế không? Có lẽ đôi lúc Ngài đã cắt đứt liên hệ với mẹ mình?

Anh đang đề cập tới một đoạn trong Tin Mừng Gio-an. Thánh Gio-an đưa ra một môn Maria học hoàn toàn đặc biệt. Trong bản Tin Mừng xuất hiện tương đối trễ này vai trò của Mẹ đã được diễn đạt rõ hơn, không như trong Mat-thêu. Chẳng hạn, bất cứ chỗ nào đức Giê-su nói với Mẹ, Gio-an đều dùng từ “Bà”. Ta có thể nhìn ra í nghĩa thần học trong từ xưng hô đó. Bởi vì, nếu giờ đây Maria đơn thuần được gọi là “bà” (gynae), nếu từ tiệc cưới Ca-na cho tới núi Sọ Maria cũng bước vào một vai trò vượt lên trên vai trò cá nhân, thì hình ảnh của Eva mới đã sáng tỏ. Ta phải đọc các màn / cảnh trong mối liên hệ chung của chúng, trong trường hợp này là cảnh thánh giá núi Sọ với cảnh tiệc cưới Ca-na, để thấy rằng, thoạt tiên đức Giê-su bước ra khỏi gia đình Ngài, cho tới khi một gia đình mới xuất hiện trong giờ của Ngài – trên thánh giá -, và trong gia đình mới này Maria có một vị trí mới quan trọng.

Nhưng cả trong Ca-na, câu nói xem ra thô lỗ và mang vẻ từ chối kia cũng rất nhiều nghĩa. Với lời đó, đức Giê-su muốn nói là Ngài bị trói buộc bởi giờ của Ngài. Có thể nói, Ngài không thể ưu tiên thoả mãn những nhu cầu gia đình được. Nhưng dù vậy, Ngài đã làm phép lạ và có thể nói đã hé lộ ra trước giờ của Ngài vì lời yêu cầu của Mẹ. Thoạt tiên bị từ chối, có nghĩa là Maria chỉ được trả lại chỗ cũ của mình – và rồi lúc này đây, Mẹ đồng thời lại xuất hiện như một phụ nữ đơn thuần, như là nguyên ảnh của Giáo hội khẩn cầu, và rồi Giáo hội, cũng như chính Maria, có thể xin tham dự trước giờ của đức Ki-tô. Như vậy, đây là một bản văn rất sâu xa, người ta có thể còn suy nghĩ và nói nhiều về nó.

 

Hãy tạm rời tầng thần học cao sâu trở về với thực tại, tôi muốn nhắc lại một kinh nghiệm gặp được qua hình ảnh Maria. Có lần tôi tới thăm điểm hành hương Altötting ở Bayern. Trời lạnh, rảo qua công trường rộng, tôi bước vào căn Nhà Nguyện Ơn Lành nổi tiếng. Căn phòng chật cứng. Tứ phía đều có nến cháy, khung cảnh hơi âm u. Trong nhà nguyện toàn chỉ các bà. Họ cầu chung với nhau, và dĩ nhiên hát với nhau những bài ngọt ngào về đức Mẹ, như Ave Maria, Mater misericordiae, Ôi nữ vương thiên đàng, Mẹ nhân ái.

Thoạt tiên tôi cảm thấy hơi xa lạ và giữ khoảng cách, nhưng những bài hát dễ thương quá: “Chúng con khóc lóc kêu cầu danh Mẹ từ thung lũng nước mắt”. Và lạ lùng thay, bổng nhiên tôi cảm thông được với các bà. Có một cái gì rất thật, rất đẹp, tôi như bắt gặp được một chìa khoá mở tung tim mình ra để cảm giác hạnh phúc tràn vào. Có một cái gì như sức mạnh cứu độ toát ra từ những lời kinh cầu cổ xưa. Những cảm giác đẹp đó nói cho tôi hay là tôi không cô đơn, có ai đó đang ở bên tôi, người đó biết tôi, người đó mến tôi, người đó hiểu tôi. Và trong mọi tình huống khó khăn, người đó luôn ở bên tôi.

Tóm lại, tôi có cảm giác đó là một thứ ngôn ngữ không những trực tiếp đánh đúng vào chỗ yếu của mình, mà đồng thời, như người ta nói, có sức cứu độ. Và có lẽ việc tôn kính Maria cũng là một phản ứng chống lại cái tiến trình tục hoá trong Giáo hội, với khuynh hướng muốn vứt hay đã vứt đi rồi một phần lớn khía cạnh linh thánh và thần bí của đức tin. Phải chăng đây là thái độ và hành động của những con người đơn sơ chống lại thứ tôn giáo của các vị giáo sư?

Tôi tin mình có thể nói được như thế. Hình ảnh Maria đã làm trái tim con người xúc động một cách đặc biệt. Không những đánh động trái tim phụ nữ, là những người hiểu và gần gũi Mẹ hơn, mà còn cả trái tim của những ông còn giữ cho mình hình ảnh về Mẹ và đức Trinh nữ. Môn thánh mẫu học đã tạo nên tiếng nói con tim của thế giới ki-tô giáo. Ở đây, con người có thể cảm nghiệm một cách trực tiếp Ki-tô giáo như là một tôn giáo của lòng tin, lòng cậy. Và những lời kinh cổ, đơn giản kia, những lời lớn lên từ lòng sùng kính dân gian và không bao giờ mất tính chất tươi mát và lỗi thời, đã giữ con người ở lại trong niềm tin của họ, bởi vì nhờ những lời kinh gắn bó với đức Mẹ mà họ cảm thấy gần gũi với Chúa, họ cảm thấy đạo không phải là một gánh nặng, nhưng đạo là tin cậy và đỡ nâng giúp họ vượt qua mọi chông gai cuộc sống. Và ta cũng hãy nghĩ tới những lời kinh khác, chẳng hạn “Mẹ rất nhân ái, hãy nâng đỡ con”, nó gợi lên bao nhiêu là tín thác.

Thật ra, mặt khác, cũng có một thứ chủ nghĩa tinh lọc Ki-tô giáo, một thứ hữu lí hoá đã làm cho đạo bị đôi chút đông lạnh. Dĩ nhiên tình cảm luôn cần phải được kiểm soát và thanh lọc - ở đây ta cần phải công nhận vai trò của các giáo sư. Không được để cho mọi chuyện biến thành chỉ còn là tình cảm sướt mướt, khiến ta mất nền thực tế, làm cho ta không còn nhận ra được cái cao cả của Chúa nữa. Nhưng từ thời Ánh sáng trở đi – ngày nay ta cũng lại đang ở trong một thời Ánh sáng mới - ta chứng kiến một tiến trình hữu lí hoá và tinh lọc rất mạnh, khiến cho tâm con người phải chống lại nó và bám chặt vào thánh mẫu học.

 

Vị hồng i vĩ đại người Anh John Henry Newman* viết: “Người không công giáo có thói quen coi việc tôn kính Maria có hại cho đức Giê-su”. Và ngày nay những người hoài nghi cũng xem việc tôn sùng Maria một cách quá đà khiến cho tâm điểm nền tảng của đạo, nghĩa là chính sứ điệp của đức Ki-tô, bị lu mờ.

Ta không được phép quên điều này: Trong quá trình truyền giáo, Mẹ là khuôn mặt đánh động con người nhất và giúp họ hiểu được Chúa Ki-tô. Điều này đặc biệt đúng cho Nam Mĩ. Nơi đây Ki-tô giáo đã tới bằng gươm giáo của người Tây-ban-nha và có lúc vô cùng nghiệt ngã. Ở Mễ-tây-cơ, thoạt tiên Ki-tô giáo đã chẳng làm được gì – cho tới khi xẩy ra biến cố Guadeloupe, và qua Mẹ mà bỗng chốc người ta tới gần được với Chúa Con.

 

Biến cố đó là việc gặp được tượng đức Mẹ một cách lạ lùng. Người ta có thể nói, biến cố đó đã tạo nên một trang sử tuyệt đối mới, nếu không có nó thì việc truyền bá Ki-tô giáo trên lục địa này đã không thể xẩy ra.

Đúng, và bỗng chốc đạo Chúa không còn mang khuôn mặt hung ác của những tay thực dân nữa, mà là khuôn mặt dịu dàng của Mẹ.

Cho tới ngày hôm nay, ở Nam Mĩ có hai điểm sùng mộ: Yêu đức Mẹ và việc đồng hoá với Chúa Ki-tô chịu đau khổ. Đức tin của họ biểu tỏ qua hai khuôn dạng đó, và nhờ đó họ không còn xem Thiên Chúa là Chúa của những kẻ xâm lăng, nhưng là Thiên Chúa thật và cũng là đấng cứu độ. Vì thế đặc biệt dân công giáo ở châu Mĩ la-tinh rất trân quý đức Mẹ. Và ta không nên đứng từ quan điểm thuần lí của ta mà chê bai họ đã làm sai lệch Ki-tô giáo. Chính chỗ này họ đã nhận ra đúng đắn: Thiên Chúa là đấng muốn cứu độ ta, chứ không phải là Chúa của những người chiếm đóng. Nhờ vậy, họ đã có thể trở thành ki-tô hữu qua quá trình thấy và hiểu của chính họ, chứ không phải là phải chấp nhận chịu đựng đạo của kẻ xâm lăng.

 

Người tin lành xem ra từ lâu đã đẩy được đức Mẹ ra khỏi niềm tin của họ. Mẹ không còn quê hương nơi họ nữa, cho dù chính Luther trước đây chưa bao giò bỏ lòng tôn sùng đức Mẹ của ông. Đối với Giáo hội công giáo, huyền thoại Maria chẳng phải là trò ảo thuật mà cũng chẳng phải là chuyện bên lề. Chính ngài đã thuộc vào cốt lõi của đức tin. Các bí mật của ngài còn được đóng ấn tín điều như là những sự thật không hề sai.

Phải nói thêm về chữ huyền thoại. Nếu nó muốn ám chỉ một chuyện vượt trên sự kiện thực tế, thì ta có thể dùng từ đó. Vấn đề quan trọng ở đây là ta đang có một câu chuyện thật, chứ chẳng phải là chuyện bịa đặt nào cả.

Một ghi chú về người tin lành: Đúng là đã có một khuynh hướng tinh lọc nơi họ. Ban đầu, người ta sợ rằng đức Mẹ có thể lấy mất đi một chút gì đó nơi đức Giê-su. Và trong quá trình thanh lọc đó quan điểm “duy Ki-tô” đã dần trở nên quá khích đến nỗi người ta tin là có một tương quan cạnh tranh giữa hai vị, thay vì nhận ra rằng, qua khuôn mặt Mẹ, chính khuôn mặt của đức Ki-tô hiện ra và lời đích thực của Ngài được sáng tỏ, như ta đã thấy qua thí dụ ở Nam Mĩ.

Ngày nay, có những nỗ lực dè dặt tìm về lại với mẹ Maria nơi người tin lành. Họ nhận ra việc xoá yếu tố nữ ra khỏi sứ điệp ki-tô cũng là một thiếu sót về mặt nhân chủng. Một người nữ hiện diện nơi tâm điểm Ki-tô giáo, xét về mặt thần học và nhân chủng học, là điều quan trọng. Qua Maria và các thánh nữ khác, yếu tố nữ đã đi vào tâm của đạo Ki-tô. Chẳng có chuyện cạnh tranh giữa hai khuôn mặt mẹ con, vì hai vị khác nhau trên nền tàng. Đức Giê-su đã trao Mẹ cho tất cả chúng ta qua Gio-an. Không phải cạnh tranh, nhưng là một thứ gần gũi sâu xa hơn. Đức Mẹ và đức Trinh nữ có chỗ đứng quan trọng trong nhân sinh quan ki-tô giáo.

 

 

 



* Nestorius ( ? – 451): Chủ trương đức Giê-su chỉ là một người đã được tiền định mang thiên tính (Ngôi Lời) trong mình (nghĩa là Ngôi Lời và Giê-su là hai thực thể riêng). Như vậy đức Maria chỉ là mẹ của con người Giê-su Ki-tô, chứ không phải là mẹ Thiên Chúa.

* Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791): Nhạc sĩ sáng tác thiên tài người Áo, bắt đầu học chơi vĩ cầm và dương cầm, cũng như bắt đầu tập sáng tác lúc 6 tuổi.

* Gioachino Rossini (1792 – 1868): Sáng tác gia nhạc kịch người Í.

* John Henry Newmann (1801 – 1890): Nhà thần học tin lành, người Anh, sau trở lại công giáo làm linh mục và hồng i. Đề tài nghiên cứu chính của ngài là lương tâm. Quan điểm đại kết của ngài ảnh hưởng trên công đồng Vatican II.