THIÊN CHÚA VÀ TRẦN THỀ

Joseph Ratzinger

Biển-đức XVI.

Thiên Chúa và Trần Thế

Tin và Sống trong thời đại ngày nay

Trao đổi với Peter Seewald

Phạm Hồng-Lam chuyển ra Việt ngữ 

DẪN NHẬP 

 

ĐỨC TIN, HI VỌNG, TÌNH YÊU 

HOÀI NGHI 

Có lần ngài đã kể lại câu chuyện của Martin Buber* về một giáo trưởng do-thái. Chuyện kể, hôm đó, có một nhà thông thái tới thăm vị giáo trưởng. Ông ta muốn chứng minh với giáo trưởng rằng không có chân lí đức tin, và việc tin vào chân lí là chuyện lạc hậu, đó chỉ là một thứ cặn bã sót lại của thời quá khứ. Nhà thông thái bước vào phòng giáo trưởng, thấy vị này tay cầm cuốn sách đi lại trong phòng đầy vẻ suy tư. Chủ nhà không để í tới sự có mặt của khách. Sau một lúc, ông dừng lại, lén nhìn khách và nói: „Nhưng mà có lẽ điều đó có thật“. Thế là đủ. Chân nhà thông thái run bắn lên và ông phóng ra khỏi phòng như chạy trốn. Một câu chuyện hay, tuy nhiên: Hiện các linh mục vẫn không ngớt bỏ Giáo hội, không ngớt nhà tu rời tu viện. Chính ngài có lần đã nói tới cái „sức mạnh o ép của không tin“.

Đức tin chẳng bao giờ là một cái gì sẵn có đó, để rồi một lúc nào đó, tôi có thể nói: tôi có đức tin, những kẻ khác không có. Chúng ta đã nói chuyện này rồi. Đức tin là một thứ gì sống động, nó kéo theo toàn bộ con người - lí trí, í chí, cảm giác – trong hết mọi chiều kích. Nó có thể càng ngày càng cắm rễ sâu, đến nỗi cuộc sống tôi có thể ngày càng trở nên làm một với đức tin mình, nhưng dù vậy, nó chẳng bao giờ là một tài sản. Con người vẫn luôn có khả năng đi theo một hướng khác và vấp ngã.

Đức tin là một con đường. Bao lâu còn sống, ta còn trên đường, và vì vậy, đức tin vẫn luôn bị đe doạ và bị chèn ép. Mà cũng may là nó không trở thành một í hệ có thể cầm lấy sử dụng. Cũng may nó không xơ cứng, khiến tôi mất đi khả năng đồng nghĩ đồng cảm với người bạn đang thắc mắc, hoài nghi bên cạnh. Đức tin chỉ có thể trưởng thành, khi trong mọi giai đoạn cuộc sống nó đủ sức chấp nhận và chịu đựng sức mạnh cũng như sự o ép của không tin, cuối cùng thắng vượt chúng, để lại bước đi tiếp trên một đoạn đường mới. 

Kinh nghiệm của ngài như thế nào? Cá nhân ngài cũng đã trải qua cái „sức mạnh o ép của không tin“?

Dĩ nhiên. Nhất là, khi với tư cách một giáo sư hay một thầy dạy đức tin trong tình trạng hoang mang tinh thần của thế kỉ này, mình phải chạm trán với nhiều câu hỏi thật nặng óc, phải đối diện với những kiểu sống đầy hứa hẹn thay thế đức tin, hay có thể đẩy đức tin ra rìa. Xem như thế, chuyện phải đón nhận những vấn nạn, phải chấp nhận những o ép của những gì chống lại đức tin và chuyện giữ vững tinh thần, là môt phần việc quan trọng trong nhiệm vụ của tôi.

Ngay cả khi mình chẳng muốn, thì những vấn nạn kia vẫn tới, chúng thông qua những tin tức, những sự kiện, qua tất cả những gì mở ra cho kinh nghiệm sống của một người. Một mặt, tất cả những thứ đó làm bước đường đức tin mình thêm vất vả. Nhưng rồi, khi thấy lại được ánh sáng, mình cảm thấy như đang leo núi, và cứ như vậy càng lúc càng thấy gần Thầy mình hơn. 

Tới một lúc nào đó mọi chuyện sẽ qua đi hết?

Không, chẳng bao giờ qua đi hết. 

Có khi nào ngay cả một giáo chủ cũng rơi vào hoài nghi hay không tin không? 

Không tin thì không, nhưng phải khổ sở vì những câu hỏi đè nặng lên đức tin thì có. Khi còn làm phó xứ ở München, tôi có một cuộc gặp gỡ khó quên. Linh mục chính xứ của tôi lúc đó là Blumscheid làm bạn với một mục sư của giáo xứ tin lành gần bên. Ngày nọ, giáo sư Romano Guardini* tới thuyết trình và hai ông quản xứ có dịp nói chuyện với ông. Không biết câu chuyện giữa ba người diễn ra như thế nào. Nhưng linh mục chính xứ sau đó chẳng thú vị gì kể cho tôi hay rằng giáo sư Guardini bảo, càng về già người ta càng gặp khó khăn hơn với đức tin, chứ không phải ngược lại. Guardini lúc đó khoảng 65, 70 tuổi. Dĩ nhiên, đó là kinh nghiệm đặc thù của một người mang nhiều u sầu và đã trải qua nhiều đau khổ. Nhưng, như tôi đã nói, chẳng bao giờ hết thử thách cả. Mặt khác, cuộc sống đâu đó cũng xem ra dễ hơn, khi ngọn lửa sống trong ta nhỏ lại theo tuổi tác. Song, bao lâu còn trên  đường, thì mình vẫn là trên đường. 

Có phải Giáo hội công giáo biết tuyệt đối chắc chắn Thiên Chúa thật sự như thế nào, Ngài thật sự đã nói những gì, và thật sự Ngài muốn gì nơi con người?

Giáo hội công giáo biết trong đức tin điều mà Thiên Chúa đã nói ra trong lịch sử mạc khải. Dĩ nhiên cái hiểu của ta – và cả của Giáo hội – về Lời Ngài bao giờ cũng giới hạn. Vì thế mới có sự phát triển của đức tin. Mỗi thế hệ có thể khám phá ra từ hoàn cảnh sống mình những chiều kích mới, chiều kích mà ngay cả Giáo hội trước đó cũng đã không biết đến. Chính Ngài cũng đã nói trước trong Tin Mừng Gio-an: „Thánh Thần sẽ dẫn dắt anh em vào sự thật, để anh em hiểu được những gì mà lúc này đây anh em chưa thể hiểu“. Điều này có nghĩa là luôn có một khoản “thặng dư“ chưa biết hết nơi mạc khải, không những đối với khả năng hiểu biết của một cá nhân, mà cả đối với vốn hiểu biết của Giáo hội. Khoản thặng dư đó, vì thế, là một phiêu lưu mới cho mỗi thế hệ. 

Nghĩa là thế nào?

Nghĩa là chẳng bao giờ ta có thể nói: giờ đây tôi đã nắm được hết mọi sự trong đạo, việc tìm hiểu của Ki-tô giáo đã kết thúc. Bởi Thiên Chúa và cuộc sống con người là vô tận, nên luôn có những chiều kích mới. Giáo hội, với những gì đã được trao ban, chỉ bảo đảm được điều gì không hợp với Tin Mừng mà thôi. Giáo hội đã diễn tả những hiểu biết căn bản của mình qua kinh Tin kính và các tín lí. Tất cả những điều đó được diễn tả một cách phủ định. Chúng nói cho ta biết, đâu là biên giới, bắt đầu từ đâu ta có thể bị lạc. Còn phần gọi là nội địa thì rộng và luôn mở. Và vì vậy, Giáo hội cũng có thể chỉ cho cuộc sống con người những hướng căn bản lớn, và cho biết đâu là hướng chắc chắn không được đi, nếu ta không muốn vấp ngã. Nhiệm vụ của mỗi cá nhân là nhìn ra và tận dụng những khả thể muôn vẻ trên đường mình đi. 

Tuy nhiên một số người bảo, Ki-tô giáo là đạo ít thực tế, nó nhắm nhiều hơn cho đời sau, nghĩa là một tôn giáo nhắm vào việc kiếm điểm cho trương mục đời sau.

Đúng, ki-tô hữu có nhắm đến đời sau. Nếu vất khoản đời sau đi, dự phóng cuộc đời ta sẽ trở thành một mảng kì lạ, một cái gì bị đứt đoạn. Nếu chỉ nhìn cuộc sống với chiều kích 70, 80 năm ta được phép có mặt mà thôi, thì đời người quả què quặt. Từ đó  nẩy sinh lòng tham sống. Nếu như chỉ có cuộc sống đời này mà thôi, thì đương nhiên tôi phải tìm mọi cách tiếm dụng cho mình được nhiều chừng nào có thể. Và như thế, tôi cũng chẳng cần quan tâm gì tới kẻ khác nữa.

Đời sau cung cấp cho ta thước đo, và làm cho cuộc sống đời này đáng sống, đáng trọng, để ta không chỉ sống cho hiện tại, mà làm sao cuộc đời mình cuối cùng trở nên một thứ gì đáng giá - không những cho riêng mình, mà cả đối với toàn thể. Thiên Chúa hằng nhậm lời không cất đi trách nhiệm nơi ta, nhưng Ngài dạy ta phải biết trách nhiệm. Ngài dạy ta biết sống trách nhiệm với những gì được gởi tới, để ngày sau ta có thể trả lời trước mặt Ngài. 

Đức Ki-tô nói: « Hãy xin, sẽ được. Hãy tìm, sẽ thấy. Hãy gõ, sẽ mở ». Mặt khác: Khi con tôi cầu Chúa giúp để làm bài tập ở trường, thì, thú thật, nó đã chẳng luôn được toại nguyện.

Người ta cầu nguyện, chẳng hạn, để được sức khoẻ ; mẹ cầu cho con; chồng cầu cho vợ ; người ta cầu cho dân tộc mình đừng lạc lối – và ta biết, những lời cầu đó không hẳn luôn được nhậm lời. Điều này có thể trở thành một thắc mắc lớn cho những ai đang ở trong cơn thập tử nhất sinh. Họ sẽ tự hỏi : Tại sao Chúa im tiếng ? Tại sao Ngài không trả lời lời cầu xin của tôi ? Tại sao Ngài ẩn mặt ? Tại sao tôi lại gặp điều trái ngược với những gì mình xin ?

Cái khoảng cách này giữa lời hứa của đức Ki-tô và những gì con người kinh nghiệm được trong cuộc sống đã làm mọi thế hệ, mỗi người và cả chính tôi luôn phải suy nghĩ. Chính mỗi người chúng ta rồi cũng phải tìm ra cho mình câu trả lời, để cuối cùng hiểu được rằng, tại sao Chúa lại nói với ta như thế.

Tìm ra cho mình câu trả lời nào ?

Thánh An-tịnh và các giáo phụ khác nói, Chúa ban cho ta cái gì tốt cho ta nhất – cái đó có thể lúc này ta chưa biết được. Nhưng cái gì tốt nhất, thì ta lại thường nghĩ khác hẳn với Chúa. Có lẽ ta phải học chấp nhận những kinh nghiệm và đau khổ gặp trên đường đời, và coi đó như là thánh í của Ngài. Con đường Chúa nhiều khi là một con đường đáng sợ, nhằm uốn nắn và đổ khuôn lại đời ta, nhờ đó ta thay đổi và trở nên ngay thẳng thật sự.

Như vậy, câu « Hãy xin, sẽ được » chắc chắn không có nghĩa Chúa là cái kho để ta muốn lấy gì thì lấy, hầu lấp đầy chỗ trống của ta và làm cho đời ta thoải mái. Hay Ngài là kẻ sẽ cất đi đau khổ và những câu hỏi trong ta. Trái lại, nó có nghĩa là Chúa chắc chắn nhậm lời ta và sẽ ban cho ta những gì mà Ngài cho là phải, là đúng.

Trở lại trường hợp cụ thể lúc nãy : Có lẽ cũng tốt cho con anh, để nó tập hiểu rằng, Chúa từ ái không đơn giản ra tay giúp, khi nó không thuộc bài, mà chính nó phải tự nỗ lực học bài trước đã. Có thể cũng là liều thuốc đắng tốt cho nó, khi gặp một thất bại. Mà có lẽ nó cũng rất cần liều thuốc đó để tìm ra con đường nên đi. 

THAN TRÁCH CỦA JOB 

Nhà văn Joseph Roth, theo truyền thống xưa của Do-thái, đã tranh luận thẳng thừng với Chúa. Ông viết sau cảnh giết chóc của thế chiến thứ nhất : «  Chúa đã tạo ra hàng triệu người như con trong nỗi vô nghĩa rùng rợn của Ngài ». « Con không cần ân phúc của Ngài ! Hãy đưa con vào địa ngục », ông đã kêu trời đầy tuyệt vọng như thế.

Có lẽ tiếng kêu đó, trong truyền thống do-thái, mạnh hơn nơi ta, phần cũng là vì đức Ki-tô chưa xuất hiện (nơi họ). Đức Ki-tô là Thiên Chúa đồng khổ, đấng hay cứu vớt tâm hồn, và là kẻ đã đi vào một cuộc sống cơ cực; Ngài không chỉ còn là một bóng dáng không thể hiểu nổi, như một Thiên Chúa đã xuất hiện trước mắt Gióp. Nhưng Ngài đã bước xuống tận đáy tầng sâu, như Thánh Vịnh viết về Ngài : « Tôi là một con giun đất, chẳng phải là người », một kẻ bị chà nát dưới chân.

Mỗi khi rơi vào túng quẫn, ta luôn đặt câu hỏi: Tại sao Chúa lại làm thế ?! Từ đầu, chúng ta đã nói rằng, khi ta thưa được với Chúa là ta chẳng hiểu gì về Ngài hết, thì trong nhiều trường hợp, đó cũng có thể là lúc ta bắt đầu cầu nguyện và bắt đầu khắc phục được khó khăn. Ta nói lên điều đó với niềm tin vững vàng, là Ngài sẽ cho ta câu trả lời đúng, bởi vì đấng bị đóng đinh - kẻ cũng gặp cơ cực và bất công như ta – luôn ở trước mặt ta. 

Điều này có thể tôi lầm, là tín hữu ki-tô có thái độ quá sùng tín đối với Thiên Chúa. An-tịnh nói : « Chúa ơi, con không đôi co với Chúa, vì Ngài là sự thật... Con không bắt đền Chúa... Nhưng, là bụi tro, con để cho lòng nhân từ Chúa nói »

Thánh An-tịnh là một người luôn đau khổ và không ngừng chiến đấu, ngài rất cảm kích về lòng nhân của Chúa. Lúc đầu ngài nghĩ, một khi trở lại đạo, mình sẽ phơi phới đi lên. Nhưng về sau, ngài nhận ra con đường đi lên đó quả vô cùng gian lao, và trên đường đó có nhiều bóng đêm thung lũng. Ngài bảo, ngay cả thánh Phao-lô cuối cùng cũng không tránh khỏi bị cám dỗ. Nói thế, hẳn An-tịnh muốn phóng rọi chính mình vào thánh nhân. Nhưng chính vì bị dằn vặt, nên An-tịnh mới nhìn ra lượng từ ái lớn lao của Chúa, và có thể nói với Ngài như một đấng nhân từ, mới dám chờ đợi sự che chở nơi Ngài, mới thấy bộ mặt hiền từ của Ngài, và không phải đôi co với Ngài.

Trong í nghĩa đó, tôi tin rằng, bóng dáng đức Ki-tô quả thật làm giảm đi ít nhiều nỗi đắng cay của cuộc sống đôi co của ta. Lòng nhân của đấng tạo dựng, mà Gióp trước đây chỉ mới thấy lờ mờ, giờ đây – qua đức Ki-tô - đã hiện hình rõ nét. 

Trong cơn nguy khốn nhiều người quay về đức tin để tìm nâng đỡ. Đôi lúc họ được toại nguyện, nhưng cũng nhiều khi họ có cảm tưởng Chúa ẩn mặt, không hiểu sao Chúa không ra tay giúp khi họ cần Ngài.

Sách Gióp là tiếng kêu điển hình của con người trước kinh nghiệm quẫn bách của cuộc đời và về nỗi thinh lặng của Thiên Chúa. Và ngay cả về một Thiên Chúa xem ra bất công. Gióp thất vọng và bực tức, đến nỗi đã đổ trút lên Chúa tất cả những gì đè nặng tâm can và khiến ông đam ra hoài nghi về sự thiện của cuộc đời.

Vấn đề là cuộc đời có đáng sống không ? Chúa có tốt lành, Ngài có thật hiện diện và hay cứu giúp không ? Không ai thoát được những câu hỏi u tối đó. Nhưng cũng cần có những câu hỏi đó để ta luyện thân trong đau khổ, hầu thủ đắc cho mình một sự tự do và trưởng thành tâm hồn, và nhất là một nỗi cảm thông với tha nhân. Chẳng có một câu trả lời thuần lí, chẳng có một công thức rốt ráo nào có thể giúp ta giải thích được những vấn nạn trên. Bởi chưng, những gì thật sự đi vào làn da hay con tim ta đều mang một nội dung hoàn toàn khác, nội dung đó ta không thể dùng công thức trần gian để giải thích, nhưng nó rốt cuộc có thể được gột rửa nên trong nhờ kinh qua đau khổ của mỗi người.

Trong Sách Gióp, có những câu than trách như sau : « Người ta chia cho tôi những đêm đen đầy vất vả, tôi nằm xuống, tự hỏi, không biết bao giờ mình được phép đứng lên. Chiều tối, tôi no đầy rác rưởi... Chẳng bao giờ mắt tôi thấy được hạnh phúc ». Nếu nỗi đau tâm hồn đó không làm sao tránh khỏi, thử hỏi đức tin hẳn còn giúp được gì cho ta ?

Ta có quyền nêu lên câu hỏi đó, bởi khi tôi làm điều gì, thì điều đó phải có í nghĩa. Người ta muốn biết: Điều tôi tin đó có đúng không ? Nó có mang một í nghĩa nào hay thực ra chỉ là một sự giả dối? Nhưng câu hỏi đặt ra sẽ sai, khi người ta nhìn tất cả mọi thứ dưới khía cạnh cái tôi của mình, dưới tiêu chuẩn mình sẽ được cái gì trong đó. Vì như thế, người ta sẽ chỉ còn biết tham sống, chỉ còn biết có mình thôi, và như vậy, có thể họ sẽ chẳng hiểu gì nữa và đời họ rốt cuộc sẽ thất bại.

Đức Ki-tô có lần nói : Ai muốn được cuộc sống, kẻ đó sẽ mất nó. Và chỉ ai mất, sẵn sàng cho đi cuộc sống, người đó sẽ bước đúng hướng và có thể nhờ đó tìm lại được cuộc sống. Có nghĩa là, cuối cùng, ta phải quẳng đi câu hỏi: tôi sẽ được gì trong đó. Tôi phải học để hiểu ra rằng, quên mình là điều quan trọng. Tôi phải sẵn sàng cho mình đi. 

Nói thì dễ.

Nhưng tình yêu hôn nhân cũng vậy, nó chỉ thật sự phong phú và lớn lên, khi tôi sẵn sàng quên đi chính mình, sẵn sàng bước ra khỏi mình và trao mình cho một người. Và điều đó lại càng đúng trong quan hệ lớn lao giữa ta với Chúa, và chỉ từ quan hệ đó mà mọi quan hệ khác mới có thể nẩy sinh.

Như vậy, tôi không phải bắt đầu bằng cái nhìn về mình, nhưng phải tự hỏi, Ngài muốn gì nơi tôi. Tôi phải bắt đầu với việc học yêu, bằng cách quay ra khỏi tôi để hướng về Chúa. Từ hướng nền tảng đó, khi tôi không còn hỏi mình sẽ kiếm được gì, mà cứ đơn giản để cho Chúa dẫn dắt, để mất mình thật sự trong Chúa, quên đi chính mình, thì lúc đó tôi sẽ nhận ra, à thì ra như vậy đời tôi mới đúng hướng, chứ nếu mà cứ chỉ bo bo cho mình thôi, thì cuộc sống eo hẹp quá. Một khi tôi đã ra được « ngoài trời » rồi, thì mọi sự mới bắt đầu, chiều kích lớn lao của cuộc sống mới thật sự khởi đầu.   

Bắt đầu từ đây có lẽ con thuyền sẽ xuôi chèo mát mái dài dài.

Đây là một con đường, dĩ nhiên, không phải ngày một ngày hai có thể đạt được. Đức tin không tạo nhanh hạnh phúc. Và đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khủng hoảng đức tin ngày nay, là vì chúng ta muốn có ngay lạc thú và hạnh phúc, mà không dám nhảy vào cuộc phiêu lưu kéo dài cả đời người – trong niềm tin tưởng mạnh mẽ rằng, bước nhảy đó sẽ không rơi vào khoảng không, nhưng đó căn bản là một hành vi tình yêu, mà chúng ta được tạo dựng là cho hành vi tình yêu đó. Và chính nhờ bước nhảy đó mà ta đạt được điều mong muốn: yêu và được yêu, và như vậy gặp được hạnh phúc đích thực.